Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 272: Chương 272: Hồi hai mươi tư (17)




Đặng Dung cho người gặt lúa sớm ở Hàm Tử, thì Trương Phụ bắt tay với người Ai Lao nắn sông xối xuống ruộng. Tức thì đồng lúa chưa kịp gặt thoắt cái trở thành biển nước, quân Hậu Trần bị nước cuốn hầu hết đều thất lạc tung tích, chín phần mười không thoát khỏi kiếp làm ma da dưới sông. Trương Phụ lại cố tình dẫn quân tập kích, quân Hậu Trần chống đỡ kiên cường, nhưng thiếu lương ăn nên không có sức đánh, chẳng mấy chốc mà bại liểng xiểng, dù có thuyền chiến cũng không chống cự được mấy. Đặng Dung thấy khó mà giữ lại được cửa Hàm Tử, bèn cho đại binh rút lui giữ lấy thế trận.

Trương Phụ kéo quân đuổi theo rất gấp, lúc quân Hậu Trần rút đến sông Thần Đầu thì bị đuổi kịp.

Lúc này lão lại án binh bất động, không dùng đại quân quét ngang mà cho quân phong tỏa các hướng chi viện của quân Trần, đồng thời ngày ngày cho quân ra khiêu khích, đánh liên tiếp mấy trận nhỏ. Quân Hậu Trần thiếu lương, vốn đã ở vào thế bị động. Hỏa lực cũng như binh lực không bằng quân Minh, thành ra chỉ có thể đỡ được đến đâu hay đến đấy. Tinh thần sĩ tốt vì thế mà càng thêm uể oải.

Quân Hậu Trần bị Trương Phụ khốn mấy ngày, tiến thoái lưỡng nan. Lúc này Trùng Quang đế đã có ý định chó cùng dứt dậu, giun xéo lắm cũng quằn, dồn hết binh lực ra đại chiến một hồi oanh liệt, không thành công cũng thành nhân. Đặng Dung mới can:

“ Trương Phụ chính là muốn chúng ta có tâm lí thí mạng, mới cố tình bày ra thiên la địa võng. Nếu bây giờ thánh thượng làm thế, chẳng phải để bọn tiểu nhân đắc chí hay sao? ”

“ Nhưng bị khốn ở đây, ngày ngày bị bọn giặc cưỡi lên đầu đè lên cổ, quả nhân thực không chịu nổi. Chúng ta dấy binh kháng Minh, chẳng phải cũng vì không cam chịu cong lưng uốn gối hay sao? ”

Trùng Quang đế nóng giận đập bàn, quát.

Đặng Dung bèn đáp:

“ Thánh thượng minh giám. Trương Phụ là kẻ không thể xem thường. Sở dĩ lão ta cố tình vây khốn mà không tiêu diệt, là để chờ chúng ta ôm tâm liều chết không cầu thắng xông ra đánh! Kẻ non tay thì sợ con hổ nổi điên, chứ tay lão luyện thì chỉ coi hổ dữ mất lí trí là miếng mồi ngon mà thôi. Trương Phụ tự nhiên chẳng phải kẻ bình thường. Thế nên lúc này xông ra, kết cuộc duy nhất chỉ có bị diệt toàn quân đổi lấy một số thương vong chẳng đáng kể. ”

“ Thế cứ như ông nói, chúng ta cứ ngồi yên chờ chết, không làm gì chăng? Trương Phụ sẽ để yên sao? Đằng nào cũng chết, chẳng bằng nhân lúc binh sĩ còn một chút sức lực xông ra, còn có thể giết thêm vài tên giặc cho sướng tay! Chứ để đến lúc binh sĩ đói lả, muốn liều mạng cũng chẳng còn cơ hội nữa. ”

Thấy Trần Quý Khoáng còn nóng giận, Đặng Dung mới nói:

“ Chúng ta chờ… Nhưng không phải chờ cái chết, mà là một thời cơ. ”

Đúng như Đặng Dung dự liệu, hai ngày sau Lê Sát bỏ thành Ngự Thiên, dẫn quân tới cứu viện. Trên đường lại đúng dịp gặp một nửa binh sĩ Lam Sơn do Lê Lễ dẫn đầu đang vận lương thảo vừa thu hoạch tới. Có Lê Sát bảo hộ, đoàn quân lương đánh tan mấy đạo quân Minh cản đường, đến hội tụ với đại quân.

Trương Phụ thấy phe mình không cản được quân Trần nhận lương thảo, nhưng vẫn bình tĩnh như thường, sắc mặt không chút biến hóa nào.

Hai bên đánh một trận to ở sông Thần Đầu, song phương đều có thương vong. Nhưng quân Trần hỏa lực không bằng, khó lòng cự lại được, đành phải rút chạy. Đặng Dung để Lê Sát bọc hậu, Trương Phụ cho quân đuổi sát đều bị đánh bật lại mấy lần. Nhưng suy cho cùng lương thảo do quân Lam Sơn hỗ trợ cũng như muối bỏ biển. Quân lính vừa đánh thua một trận lớn, lại hành quân mệt mỏi, nhiều người đã có ý chán nản. Đại quân chạy đến châu Ngọc Ma thì nhiều người đổ bệnh, ngựa chiến gục chết, rốt cuộc không thể rút quân cấp tốc được nữa.

Đại quân Hậu Trần lại bị quân Minh đuổi kịp…

Cùng hôm ấy, Đinh Lễ và Nguyễn Súy dẫn một nhánh quân theo đường nhỏ về, sau đó vào chầu Trần Quý Khoáng.

Thì ra quân của Trần Ngỗi đóng ở Hạ Hồng, đêm đến thấy ánh đuốc trong trại quân Minh rừng rực, thanh thế lớn vô cùng. Trần Ngỗi ước chừng quân dưới trướng khó mà cự lại một trận đánh vỗ mặt với quân Minh, trong tay lại chẳng còn tướng giỏi, bèn hạ lệnh âm thầm rút lui chọn nơi hiểm yếu cố thủ.

Tiếc rằng trong quân có tai mắt của Mộc Thạnh, thành ra quân của Giản Định liên tục lọt vào phục kích của quân Minh, tử thương rất nhiều. Trần Ngỗi gom tàn binh chạy được đến trấn Thiên Quan thì bị vây khốn.

Mộc Thạnh cho hỏa pháo bắn bừa vào trấn, lại có một toán hàng quân đến nhóm lửa thiêu cháy lũy tre.

Tảng sáng, Đinh Lễ và Nguyễn Súy đuổi đến thì trấn Thiên Quan đã bị san phẳng, tường gạch ám tro tàn và máu tươi. Chỗ cây đa đầu trấn treo mấy thi thể, gương mặt đã đen sạm không còn nhìn ra thân phận. Trên thân cây dán một mảnh giấy viết bằng máu:

“ Kẻ nào chứa chấp giặc nguỵ Trần thì ấy là hậu quả. ”

Trùng Quang đế nghe Đinh Lễ báo việc quân xong, sắc mặt sa sút hẳn.

Đặng Dung nghĩ thầm:

[ Mộc Thạnh muốn dùng trấn Thiên Quan để hù dọa, khiến dân chúng không dám gần nghĩa quân. Thủ đoạn này về lâu dài tuy thổi bùng lòng hận thù của trăm họ, nhưng trước mắt trong vài năm tới e rằng quân ta chẳng còn được dân chúng trợ giúp nữa. ]

Rồi nói:

“ Trước mắt, việc cần làm nhất là đánh phủ đầu quân của Trương Phụ. Trận này không thắng, để hai kẻ Trương, Mộc hội quân thì khó ngăn thế chẻ tre của giặc tiến công. ”

Lê Sát bèn nói:

“ Nhưng với tình cảnh quân ta hiện giờ, đừng nói là đánh phủ đầu, chống đỡ được thế công của Trương Phụ đã là chuyện khó. ”

Người trong trướng đều ít nhiều từng ra trận, thừa hiểu bây giờ sĩ khí ba quân sa sút, lực chiến đấu không bằng một phần năm một phần sáu bình thường. Quân Minh lại chẳng phải giặc cướp bình thường. Chẳng những quân lính được huấn luyện bài bản hơn, mà quân số cũng như hỏa lực đều hơn xa quân Hậu Trần. Quả thực là trên đe dưới búa.

Mọi người tranh cãi cả một ngày cũng không có kế sách gì khả quan, chỉ đành ngưng chuyện họp hành.

Tối ấy Lê Sát vào trướng hội họp với Lê Lợi, Đinh Lễ, tay bắt mặt mừng. Lê Lợi lại giới thiệu Lưu Nhân Chú và Lê Văn An cho Lê Sát, rồi để chư tướng nói chuyện với nhau. Bản thân chàng thì lặng lẽ ra khỏi trướng bồng.

Trăng tỏ trên đầu, lặng lẽ rọi xuống bãi cỏ.

Nơi ấy đã có hai bóng người đứng mặt đối mặt…

Bầu không khí giữa song phương căng như dây đàn, bốn mắt đối chiến như điện, Lê Lợi nhìn từ xa mà sững người chẳng dám lại gần.

Một người cởi trần mặc khố, cổ đeo một cái vòng treo lủng lẳng cơ man chẳng biết bao nhiêu nanh hổ vuốt hổ, tự nhiên là Hổ Vương Đề Lãm.

Người đối diện phục sức cũng kì lạ chẳng kém, văn không ra văn mà võ chẳng ra võ. Chỉ có thanh gươm đỏ au với hai hàng răng cưa dọc mép kiếm là khiến người ta chú mục. Ngoại trừ đảo chủ đảo Bạch Long Hoàng Thiên Hóa thì còn ai vào đây nữa?

Hổ Vương nhướng mày, hỏi:

“ Sao? Ông định ngăn cản tôi à? ”

Hoàng Thiên Hóa đáp:

“ Hổ Vương đến thăm, tôi còn muốn thết rượu tâm sự chẳng kịp. Đáng tiếc bây giờ thời điểm không thích hợp, nguy ngập vô cùng, thành thử phải mời Hổ Vương lui một bước. Nếu Hổ Vương nể mặt, có dịp tôi sẽ lên tận nơi tạ tội. ”

Đảo chủ đảo Bạch Long tự nhiên là người có ngạo khí của mình. Nếu là lúc bình thường, thì chưa chắc ông ta chịu nhún đến thế, dù đối thủ có là Hổ Vương đi chăng nữa.

Nhưng bây giờ là lúc nhạy cảm, quân Minh bao vây tứ phía, thành thử an toàn của tướng lãnh càng trở nên quan trọng. Có câu đánh rắn dập đầu, bắt giặc trước bắt vua là thế. Hổ Vương lại vốn cũng không phải người Kinh, thành thử Hoàng Thiên Hóa chẳng biết đâu mà lần, không rõ lập trường địch ta của ông thế nào. Võ công của ông ta lại quá cao, vào doanh giết người có lẽ đối với ông không phải chuyện gì quá khó

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.