1988 Tôi Muốn Nói Chuyện Với Thế Giới

Chương 3: Chương 3




Một gã tiến đến bên cạnh tay thợ quay phim thì thầm vài câu, sau đó quay sang tôi nói: Vừa rồi do có chút sự cố trong quá trình thu thập chứng cứ nên chúng tôi phải làm lại lần nữa, anh cứ giữ nguyên tư thế đó, đừng động đậy, đồ trong tay anh đâu, anh vừa cầm cái gì trong tay cơ mà? À, đây rồi, cầm lấy cái quần lót nhé, rồi, thế nhé, giữ nguyên tư thế này, đừng động đậy.

Tôi chỉ vào San San vặn vẹo: Thế cô ấy thì sao, cô ấy bị còng tay lại rồi.

Gã đàn ông ngẫm nghĩ một hồi, rồi đưa ý kiến: Thế này đi, cô ta không tin được đâu, ngộ nhỡ nhảy lầu tự tử thì sao, đàn bà thì chuyện gì cũng có thể làm, cứ để cô ta như thế, còng tay vào chiếc đèn đấy.

Tôi nói một cách tuyệt vọng: Thế các ông cũng đừng chiếu cái SM để xử tôi chứ. Người là do các ông còng tay lại, không phải tôi.

Gã đá cho tôi một cái thật mạnh, hằm hè: Lắm lời.

Nói đoạn, đám người lũ lượt kéo nhau ra khỏi phòng, nhưng cánh cửa giờ đã không thể đóng như trước, chỉ có thể mở vào trong. Tay thợ quay phim rút ra chiếc khăn tay, chèn vào khe cửa. Cửa cuối cùng cũng được đóng chặt.

Lại một lần nữa, cửa bị đạp thật mạnh bởi gã vừa nói chuyện với tôi, nhưng do đã từng bị đạp tung một lần, nên bản lề long ra, cú đạp vừa rồi khiến cửa bật mạnh khỏi khung, chiếc khăn tay bắn ra, sượt qua mặt tôi, xòe rộng trong không trung. Tôi quan sát kỹ, thấy trên đó có thêu hình một tòa tháp, chiếc khăn rơi xuống ngay cạnh chân tôi, tôi vội vàng nhặt lên ném cho San San. San San đón lấy chiếc khăn, bối rối một hồi vì bây giờ có đến những ba chỗ cần che, không biết nên che chỗ nào cho hợp lý. Tôi gào lên: Che mặt lại.

Ngay tức thì, tôi bị đạp cho một cái ngất xỉu.

Khi tỉnh lại thì tôi thấy mình đang trong phòng thẩm vấn. Má phải của tôi bị một cú đá ngay gần với huyệt thái dương. Nước mắt tôi chảy dài, không biết tại sao, bởi tôi không hề cảm thấy một chút đớn đau nào. Tôi đưa tay lên lau mắt, giật mình phát hiện là máu, tại sao lại có máu chảy ra từ khóe mắt tôi? Tôi cần một chiếc khăn giấy. Phía đối diện là một tên với nụ cười nửa miệng, thấy tôi tỉnh lại, câu đầu tiên hắn hỏi tôi là: Cô gái ấy tên gì, sinh ngày bao nhiêu?

Tôi trả lời một cách yếu ớt: Điền Phương.

Hắn ta nhếch miệng cười một cách ẩn ý: Không đúng, trên giấy tờ của cô ta không phải cái tên đó.

Tôi thầm nghĩ: Khốn nạn thật, cái tên xấu xí như thế mà cũng vẫn là nghệ danh. Tôi đau đớn đáp: Tôi không biết, cô ta nói với tôi tên là Điền Phương. Tôi biết làm thế nào?

Hắn ta dừng bút, nhìn tôi trân trân một hồi rồi nói, lao động cải tạo trong nửa năm nhé.

Tôi lo lắng hỏi: Có cách nào để không phải vào trại cải tạo không?

Hắn ta nói: Chỉ có một cách đó là anh hãy ký vào cái hợp đồng này, nói rằng sức khỏe của anh hoàn toàn bình thường, sau này nếu có xảy ra vấn đề gì cũng không liên quan gì đến chúng tôi. Đây, ký đi. Thế này là anh được hời rồi nhé, anh lợi dụng sơ hở luật pháp của chúng tôi. Sau này thì không có chuyện may mắn thế nữa đâu.

Tôi ký ngay vào bản hợp đồng để nhanh chóng hoàn tất cuộc giao dịch một cách không chút do dự.

Quả thật là trên đời này, không còn gì tuyệt vời hơn việc được bước ra khỏi những bức tường cao ngất ngưởng ấy, mặc dù bên ngoài cũng chỉ là sân vườn bằng phẳng chẳng có tường cao hào sâu. Trên tường loang lổ những nét chữ màu đỏ, tôi cũng không nhớ rõ viết những gì, hình như là bốn chữ, bốn chữ và bốn chữ. Cánh cổng sắt màu xanh đậm giống hệt cái cổng phân xưởng gần trường tiểu học trong ký ức tuổi thơ tôi. Chúng tôi hay lén đến đó để lấy trộm một vài thứ đồ kim loại hay ho. Tôi ngồi dưới bốt điện thoại, định bụng chờ đợi San San đi ra. Không biết người phụ nữ mang thai đó lúc này đang làm gì hay phải làm gì. Tôi nghĩ chỉ cần cô nàng nói rõ tình trạng sức khỏe của mình thì chắc chắn được thả ra. Dù cho có bao nhiêu ánh nhìn dữ tợn dành cho tôi đi chăng nữa, ngoài việc họ chỉ thẳng vào mặt tôi mà mắng, mà chửi, thì tôi còn đếm đủ được bao nhiêu lần họ len lén nhìn tôi rồi buông tiếng thở dài như một phản xạ vô thức, tôi không cho rằng đó là cái giá rẻ mạt mà con người dễ dàng tự thỏa mãn mình trước những áp lực của cuộc sống, mà đó chính là một mạch ngầm giao tiếp lộ ra giữa đồng loại với đồng loại một cách không chủ ý. Nhưng mỗi lần tôi muốn đào cái mạch ngầm ấy lên, thì những xới đất lại tự động lấp đầy, như muốn nói với tôi rằng: Thôi nào anh bạn trẻ, anh cũng chả cần phải nghĩ gì đâu.

Trong khoảng thời gian chờ đợi San San, bao nhiêu những ký ức ban nãy về cái phân xưởng cạnh trường tiểu học thuở ấu thơ bỗng ùa về từ một cõi xa xăm.

Đó là một nhà máy đầy bí ẩn, ít ra là với cái trí óc non nớt của tôi lúc đó. Hồi tiểu học, có một sân chơi dành cho trẻ em, tôi khi đó thấy nó sao mà vĩ đại thế. Cho đến tận buổi họp lớp đầu tiên, một cậu bạn cao lớn nhất đứng ở tầng 6, chăm chú quan sát cái sân chơi đó rồi quay sang bảo tôi: Cậu xem kìa, khi còn bé tớ cứ nghĩ nơi này lớn thật, bây giờ nhìn lại, nó còn chưa to bằng sân nhà tớ. Trẻ con thường dễ cảm thấy hài lòng như vậy đấy.

Tôi đứng bên cạnh, chêm vào: Vì khi đó cậu còn bé, giờ lớn rồi, những thứ để so sánh đâu còn giống nhau nữa.

Hồi ấy, quê tôi có một bến xe, mỗi lần đi qua đều thấy sao mà xa tắp, ít nhất cũng phải mất nửa tiếng đi bộ, sau này có dịp về thăm quê, chả mấy bước đã tới nơi. Đó cũng bởi bây giờ bước chân tôi đã dài rộng hơn.

Cậu bạn cao lớn nhất lớp ấy cũng gật gù: Suy luận hay đấy, bước chân đã dài rộng hơn nhiều rồi.

Sau khi kết thúc màn thăm hỏi về công việc và chức vụ hiện tại trong buổi họp lớp, một mình tôi dạo bước trong cái sân chơi thiếu nhi ấy, sải bước chân mà đo, dài 48 bước, rộng 20 bước, đó chính là tất cả hồi ức đáng yêu nhất của một thời tiểu học mà tôi còn lưu giữ lại được, bây giờ cuối cùng lại trở thành một con số. Tôi còn nhớ như in một buổi trưa hè chói chang, sau khi leo lên nơi cao nhất của cầu trượt, tôi tung người nhảy lên cột cờ, bám vào sợi dây thừng và cố sức trèo lên cao mấy mét, đó là nơi cao nhất mà chưa có học sinh nào trong trường đạt tới, tôi được bao quanh bởi lá cờ Tổ quốc đang bay phần phật trước gió, phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh ngôi trường.

Kỳ nghỉ hè cũng sắp đến rồi.

Tôi loay hoay nhích cái mông lên, nhìn khắp từ dãy lớp học đến khu vệ sinh, chẳng có cái quái gì đẹp đẽ. Để tôi kể cho mà nghe về cái nhà vệ sinh của chúng tôi thuở đó, hồi còn đang ở cái tuổi thiếu niên ấy, tôi vẫn nhớ khu vệ sinh nam và nữ quay lưng lại với nhau, ở giữa được ngăn cách bởi một bức tường cao hai mét. Tôi đã từng đo rồi. Giờ nghĩ bụng, Diêu Minh[1] mà vào nhà vệ sinh trường tôi, lúc đứng dậy kéo quần, chắc hẳn anh sẽ nhìn thấy cả khu bên kia. Ngày ấy mỗi khi đi vệ sinh, những cuộc trò chuyện bên đó đều vọng sang bên này, nghe rõ mồn một, vì có hai đường thông, một ở phía trên đầu, cái nữa là ngay bệ tiểu phía dưới chân, bởi thế nên tiếng trò chuyện của lũ con gái bên kia đều trở thành một thứ âm thanh lập thể. Vì có tổng cộng tám bệ tiểu, nên những âm thanh kia mà vọng lại thì chẳng khác nào âm thanh vòm. Giọng nói của các bạn nữ ấy thật ngọt ngào, nội dung thì ôi thôi đủ cả, chất lượng âm thanh cũng cực kỳ tốt, cho dù đôi khi cũng lẫn vào đó những tiếng la hét thất thanh. Tôi cũng từng có những ảo tưởng ngốc nghếch, rằng nếu một ngày kia bức tường bỗng dưng sập xuống, cảnh tượng không biết sẽ như thế nào nhỉ. Thứ ảo tưởng ấy từng xuất hiện hàng trăm lần trong đầu tôi suốt những năm tháng tiểu học.

[1] Diêu Minh là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp đang chơi cho đội tuyển Houston Rockets của NBA. Hiện anh là cầu thủ có chiều cao cao nhất, với số đo 2.29 mét.

Lơ lửng trên cột cờ, tôi khó khăn dịch mông lên chút nữa, thế là có thể nhìn thấy cái phân xưởng. Kiến trúc thời đó có một cái cửa sổ nhỏ xíu trên mái nhà, dường như đã bị bỏ quên từ lâu, những mầm rêu xanh đã bắt đầu mọc, nhìn xuyên qua lớp kính mỏng, có thể thấy những người công nhân đang mải miết làm việc. Họ đang mài thứ gì đó lên một cái bàn dài lớn bằng kim loại, đó hẳn phải là một món đồ vô cùng thú vị.

Tôi còn đang bận rộn với những suy nghĩ của mình thì đột nhiên có một tiếng còi vang lên. Tôi cúi đầu nhìn xuống, không thấy gì cả… vì không gian bên dưới đã bị chân tôi che khuất, nhưng tôi đã nghe thấy giọng của thầy Lưu dạy thể dục, ông ấy hoảng hốt: Em kia, em kia, đừng động đậy, chúng tôi sẽ lên cứu em ngay.

Tôi chợt phát hiện ra rằng thực sự mình cũng không thể động đậy gì được nữa, chỗ tôi đang đứng có độ cao tương đương với một tòa nhà 4 tầng, và cũng chẳng thể nào nhảy xuống cái cầu trượt cao ngang với tòa nhà 2 tầng. Hai lòng bàn tay tôi bắt đầu ướt mồ hôi, nếu không nhanh tay bám chặt vào cái móc của sợi dây thừng trên cột cờ, chắc hẳn tôi đã rơi tự do. Rất nhanh sau đó giáo viên trường tôi đã rầm rập chạy đến, mang theo tất cả các loại nệm nhảy cao, nhảy xa tập trung lại phía dưới tôi, thầy Lưu có trách nhiệm trấn an tinh thần, bảo tôi bám thật chặt, đừng có sợ hãi, nhà trường đang lên kế hoạch ứng cứu.

Tôi như chết đứng trên cột cờ, mồ hôi càng lúc càng vã ra như tắm, chân đã bắt đầu cứng đờ tưởng như không trụ nổi. Tôi nhìn về phía khu lớp học, phát hiện ra đám học sinh bắt đầu nhốn nháo do các giáo viên đang lo khiêng nệm cứu tôi, dọc hành lang tòa nhà sáu tầng, học sinh các lớp ùa ra lố nhố những cái đầu đen và những bộ cánh đủ màu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.