1Q84 (Tập 2)

Chương 24: Chương 24: Tengo




Tranh thủ chút hơi ấm còn sót lại

Buổi sáng, Tengo lên tàu tốc hành từ ga Tokyo đến Tateyama. Ở Tateyama, anh đổi sang tàu phổ thông để đến Chiruka. Một buổi sáng trong lành và đẹp trời. Không có gió, mặt biển dường như cũng không gợn sóng. Mùa hè đã đi xa. Anh mặc áo phông cộc tay, bên ngoài khoác áo vest vải cô tông mỏng, vừa kéo rất hợp với thời tiết này. Không có khách đến tắm biển, thị trấn bên bờ biển vắng lặng khó ngờ. Như là một thành phố mèo thực sự vậy, Tengo nghĩ.

Tengo ăn bữa trưa đơn giản ở ga, sau đó bắt taxi đến viện điều dưỡng, khoảng hơn một giờ thì đến nơi. Ở quầy lễ tân, nữ y tá trung niên lần trước tiếp đón anh. Cũng chính là người đã nghe điện thoại tối hôm qua, y tá Tamura. Chị ta nhớ mặt Tengo, thái độ nhã nhặn hơn so với lần đầu tiên, thậm chí còn nhoẻn miệng mỉm cười với anh. Lần này Tengo ăn mặc chỉnh tề hơn, chắc điều này cũng gây ảnh hưởng nhất định.

Chị ta dẫn Tengo đến nhà ăn, mời anh một tách cà phê. “Phiền anh đợi ở đây một lát. Bác sĩ sẽ đến ngay,” chị ta nói. Khoảng mười phút sau, bác sĩ điều trị cho cha anh vừa dùng khăn bông lau khô tay vừa bước đến. Ông ta tuổi áng chừng trên dưới năm mươi, tóc cứng quèo lấm tấm sợi bạc. Ông ta không mặc áo blu trắng, hình như vừa hoàn thành việc gì đó. Thay vào đó ông ta mặc áo thể thao dài tay màu xám, quần thể thao cùng bộ, đi đôi giày chạy cũ. Ông ta khá cao lớn, trông không giống bác sĩ làm việc trong viện điều dưỡng mà giống huấn luyện viên thể thao ở trường đại học, kiểu người dù có cố gắng mấy cũng không thể thăng hạng được.

Những điều bác sĩ nói về cơ bản giống những gì hai người đã trao đổi qua điện thoại tối hôm trước. Đáng tiếc là hiện nay, xét từ góc độ y học, gần như không còn cách nào nữa, bác sĩ nói đầy vẻ nuối tiếc. Từ nét mặt và cách biểu đạt, có thể thấy tình cảm của ông ta dường như rất chân thành. “Ngoài cách mời con trai ông ấy đến gọi ông ấy, cổ vũ ông ấy, kích thích ham muốn sinh tồn của ông ấy, chúng tôi không còn biện pháp nào khác nữa.”

“Cha tôi có nghe thấy những gì tôi nói không?” Tengo hỏi.

Bác sĩ nhấp một ngụm trà xanh nguội, nét mặt nhăn lại trầm ngâm. “Nói thực lòng, tôi cũng không rõ nữa. Cha anh đang hôn mê. Nói với ông ấy, cơ thể ông ấy cũng không có chút phản ứng vật lý nào. Nhưng cũng có trường hợp, dù đang hôn mê sâu, người ta vẫn nghe thấy được tiếng nói chuyện ở xung quanh, thậm chí còn hiểu được nội dung cuộc nói chuyện nữa.”

“Nhưng chỉ nhìn bề ngoài thì không thể phân biệt được đúng không?”

“Không thể phân biệt.”

“Tôi có thể ở đây đến khoảng sáu rưỡi tối,” Tengo nói. “Từ giờ đến đó tôi sẽ ngồi cạnh ông ấy, cố gắng nói chuyện càng nhiều càng tốt, để xem có tác dụng gì không.”

“Nếu ông ấy có phản ứng gì, nhờ anh gọi tôi một tiếng,” bác sĩ nói. “Tôi ở ngay đây thôi.”

Một y tá trẻ dẫn Tendo đến phòng cha anh. Cô đeo tấm biển tên ghi chữ “Adachi”. Cha anh đã được chuyển đến một phòng đơn ở khu nhà mới dành cho các bệnh nhân bệnh tình tương đối nặng. Có nghĩa là, bánh răng đã lại nhích lên một nấc. Phía trước không còn nơi nào để chuyển đến nữa. Đó là một gian phòng nhỏ, hẹp và dài, lạnh lẽo, riêng giường bệnh đã chiếm hơn một nữa. Ngoài cửa sổ, khu rừng thông chắn gió trải dài. Ngước nhìn lên, rừng thông rậm rạp như một tấm bình phong khổng lồ ngăn cách viện điều dưỡng với thế giới hiện thực đầy sức sống. Sau khi y tá Adachi ra ngoài, chỉ còn Tengo ở lại với người cha đang nằm ngửa ngủ say. Anh ngồi xuống ghế cạnh giường chăm chú nhìn cha.

Chỗ đầu giường đặt giá treo để truyền dịch, dịch thể bên trong chiếc túi bằng chất dẻo chảy theo ống nhỏ vào mạch máu trên cánh tay cha anh. Niệu đạo cũng được cắm ống để bài tiết, nhưng lượng nước tiểu dường như nhỏ đến độ đáng ngạc nhiên. So với lần gặp nhau tháng trước, cha anh cơ hồ đã thu nhỏ lại một nấc. Hai má và cái cằm gầy giơ xương của ông mọc râu ria lởm chởm trắng phớ, chắc đã hai ngày nay không cạo. Hốc mắt cha anh vốn dĩ rất sâu, giờ đây nó lại còn hõm vào sâu hơn nữa. Tengo không khỏi hoài nghi có nên dùng công cụ chuyên dụng để kéo nhãn cầu ra khỏi cái hố sâu đó hay không. Dưới đáy hố sâu ấy, hai mí mắt đóng chặt như hai cánh cửa cuốn bị hạ xuống, còn miệng ông thì hơi hé mở. Anh không nghe thấy tiếng thở, nhưng áp tai lại gần thì vẫn cảm nhận được không khí chuyển vận nhè nhẹ. Sự sống được lặng lẽ duy trì ở mức độ thấp nhất.

Tengo có cảm giác, câu nói tối qua bác sĩ nói trong điện thoại “Giống như đoàn tàu đang từ từ giảm tốc, cuối cùng sẽ hoàn toàn ngưng lại” thực tình hết sức chuẩn xác. Đoàn tàu của cha anh đang từ từ giảm tốc, đợi khi hết quán tính, nó sẽ lặng lẽ dừng lại giữa chốn đồng không mông quạnh. Niềm an ủi duy nhất là trên đoàn tàu ấy đã không còn hành khách nào, cho dù dừng lại ở đó thì cũng không ai phàn nàn gì hết.

Mình phải nói gì đó với ông ấy, Tengo nghĩ. Thế nhưng anh không biết nên nói gì, nói như thế nào, nói bằng giọng gì. Mặc dù muốn nói, nhưng óc anh lại không thể đùn ra được một lời nào có ý nghĩa.

“Bố,” anh gọi khẽ như đang thì thầm. Nhưng sau đấy không còn lời nào nữa thốt ra.

Tengo đứng dậy khỏi ghế, bước tới cửa sổ, ngắm bãi cỏ được cắt tỉa công phu trong sân viện, cùng với bầu trời cao tít tắp phía trên rừng thông. Một con quạ đen đậu trên cột ăng ten lớn, tắm mình trong ánh mặt trời, liếc nhìn bốn phía xung quanh như đang trầm tư vấn đề gì. Bên cạnh giường bệnh đặt một chiếc radio bán dẫn có đồng hồ báo thức, nhưng cả hai công năng ấy cha anh đều không cần đến nữa rồi.

“Con là Tengo, vừa ở Tokyo đến. Bố nghe thấy con nói gì không?” Anh đứng trước cửa sổ, cúi xuống nhìn cha mà gọi. Không có phản ứng. Âm thanh do anh phát ra làm không khí rung động trong khoảnh khắc, sau đó bị hút vào sự trống rỗng đã chiếm cứ căn phòng này, không để lại dấu vết gì.

Người đàn ông này muốn chết, Tengo nghĩ. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt hõm sâu của ông là rõ. Ông đã quyết tâm kết thúc sự sống của mình, nên nhắm mắt lại và thả mình vào giấc ngủ sâu. Dù mình có nói gì với ông ấy, cổ vũ ông ấy thế nào thì cũng không thể làm suy chuyển quyết tâm ấy được. Xét từ góc độ y học, ông ấy vẫn sống. Nhưng đối với ông, cuộc đời này đã kết thúc. Ông ấy không còn lý do hay ý chí để nỗ lực kéo dài sự sống. Điều duy nhất Tengo có thể làm là tôn trọng nguyện vọng của cha, để ông chết bình yên. Nét mặt ông bình tĩnh lạ thường, dường như không hề cảm thấy đau đớn. Đúng như bác sĩ đã nói qua điện thoại, đây là niềm an ủi duy nhất.

Nhưng Tengo vẫn cần nói gì đó với cha. Một là vì đây là giao hẹn giữa anh với bác sĩ. Người bác sĩ đó đã chăm sóc cha anh giống như người thân của ông. Vả lại, còn có… Anh không nghĩ ra cách biểu đạt nào thích hợp… Vấn đề “lễ tiết”. Đã nhiều năm nay, Tengo không một lần nào nói chuyện dài với cha, thậm chí trò chuyện mấy câu cũng không. Lần cuối cùng hai người trò chuyện với nhau một cách thực sự có lẽ là từ thời anh học trung học. Từ đó trở đi Tengo hầu như không về nhà. Nếu vạn bất đắc dĩ có chuyện phải về nhà, anh cũng cố hết sức tránh chạm mặt cha.

Giờ đây, sau khi thẳng thắn thừa nhận với Tengo rằng mình không phải cha ruột của anh, người đàn ông này rốt cuộc cũng trút được gánh nặng trên vai. Trông ông có vẻ thanh thản. Thế có nghĩa là chúng ta đều đã trút được gánh nặng trên vai mình. Ở thời điểm then chốt cuối cùng.

Mặc dù có lẽ không có quan hệ máu mủ ruột rà, người này đã nuôi dưỡng và đăng ký tên anh trong sổ hộ tịch như con đẻ, cho đến khi anh có khả năng tự nuôi sống mình. Ông ấy có ơn với mình. Mình có nghĩa vụ báo với ông ấy rằng đến nay mình đã sống như thế nào, mình nghĩ những gì trong đầu từ bấy đến nay, Tengo thầm nhủ. Không đúng, đó không phải là nghĩa vụ. Xét cho cùng, đây là vấn đề lễ tiết. Còn ông ấy có nghe được hay chăng, làm thế có tác dụng gì chăng thì cũng không quan trọng.

Tengo ngồi lại xuống ghế bên giường bệnh, bắt đầu kể lại những nét chính trong cuộc đời anh cho đến thời điểm này. Bắt đầu từ khi anh thi đậu cấp ba, rời nhà vào sống trong ký túc xá của câu lạc bộ Judo. Kể từ lúc đó, cuộc sống của anh và người cha này gần như mất đi toàn bộ các giao điểm, hai người ai đi đường nấy và gần như không can dự gì đến nhau nữa. Tengo cảm thấy có lẽ anh nên cố gắng hết sức để bù lấp lại khoảng trống to lớn ấy.

Nhưng thực ra không có gì để nói nhiều về cuộc sống của Tengo ở trường cấp ba. Anh thi đậu vào một trường tư thục nổi tiếng về môn judo ở tỉnh Chiba. Thực ra, anh có thể dễ dàng thi vào một trường tốt hơn, nhưng điều kiện của trường đó là hấp dẫn nhất. Ngoài việc miễn hoàn toàn học phí, nhà trường còn cấp cho anh một phòng trong ký túc xá và ba bữa ăn một ngày. Tengo trở thành tuyển thủ nòng cốt trong đội nhu đạo của trường, anh tranh thủ những lúc rảnh rỗi giữa các buổi tập để học bài (không cần phải cố gắng, anh cũng có thể dễ dàng giữ thành tích hàng đầu trong trường). Mỗi khi được nghỉ, anh và đám bạn trong đội judo đi lao động chân tay, kiếm thêm tiền tiêu vặt.

Do phải làm nhiều việc như thế nên anh luôn thiếu thì giờ. Thời kỳ ấy niềm vui chẳng lấy gì làm nhiều, anh cũng không có mấy bạn thân. Anh chưa bao giờ thích trường học vì có quá nhiều quy tắc. Anh làm những gì phải làm để duy trì quan hệ với các bạn đồng đội, nhưng thật ra họ với anh chẳng có nhiều điểm chung. Thật tình mà nói, Tengo chưa bao giờ thật sự toàn tâm toàn ý với judo như một môn thể thao. Anh cần phải thắng để có tiền tiêu, nên anh dành rất nhiều công sức để tập luyện ngõ hầu không phụ lòng trông đợi của người khác. Với anh judo không hẳn là một môn thể thao mà đúng hơn là kế sinh nhai, một việc làm. Suốt ba năm cấp ba, anh cứ mong tốt nghiệp để có thể sống một cuộc sống nghiêm túc hơn càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, ngay cả khi vào đại học anh vẫn tiếp tục tập judo. Cuộc sống về cơ bản không khác gì thời ở trường cấp ba. Chỉ cần tiếp tục tập judo là anh có thể vào ở trong ký túc xá sinh viên, không cần lo lắng về chỗ ngủ và cái ăn nữa (tất nhiên là ở mức độ thấp nhất). Anh cũng được học bổng, nhưng chỉ bằng chút tiền đó thì không sống nổi, nên vẫn cần tiếp tục tập judo. Khỏi phải nói, ngành học của anh là toán. Anh khá nỗ lực trong học tập, vì vậy thành tích ở trường đại học cũng rất tốt, thầy hướng dẫn thậm chí còn đề nghị anh tiếp tục học lên cao học. Nhưng lên đến năm thứ ba và thứ tư đại học, nhiệt tình của anh với toán học nhanh chóng nguội lạnh. Dĩ nhiên, anh vẫn thích toán như trước. Nhưng anh chẳng hề muốn lấy nghiên cứu toán học làm nghiệp cả đời một chút nào. Cũng như judo vậy. Anh là một tuyển thủ nghiệp dư có thực lực, nhưng không có khát khao hay tư chất để giành cả đời cho nó. Bản thân anh hiểu rõ điều này.

Trong khi niềm hứng thú với toán học trở nên nhạt nhòa, ngày tốt nghiệp đại học cũng mỗi lúc một gần, anh không còn lý do gì để tiếp tục tập judo nữa. Vậy nên, Tengo hoang mang không biết sau này mình sẽ làm gì, sẽ đi trên con đường nào. Cuộc đời anh dường như mất đi trọng tâm. Thực ra, cuộc đời anh vốn đã không có trọng tâm, nhưng trước đó dù sao cũng có người kỳ vọng ở anh, đặt ra yêu cầu cho anh và việc hồi đáp những điều đó giữ cho anh bận rộn. Khi những yêu cầu và kỳ vọng ấy không còn nữa thì cũng không còn gì đáng nhắc đến. Anh không có mục tiêu cho cuộc đời mình. Anh không có bạn thân. Anh như thể trôi dạt không mục đích, không thể tập trung năng lực tinh thần vào bất cứ sự vật nào.

Thời đại học, anh từng qua lại với mấy cô bạn gái, có nhiều kinh nghiệm quan hệ tình dục. Xét theo quan niệm thông thường thì Tengo không được coi là đẹp trai, không phải loại quảng giao, nói năng cũng không thú vị cho lắm. Tiền trong túi anh lúc nào cũng không đủ tiêu, ăn mặc thì càng chẳng ra sao. Song giống như một số loài thực vật biết dùng mùi vị để thu hút lũ ngài bướm, anh có khả năng hấp dẫn một loài phụ nữ nào đó, và sức hấp dẫn ấy rất mạnh mẽ.

Năm hai mươi tuổi (gần như trùng với thời điểm anh bắt đầu mất đi hứng thú với toán học), anh đã phát hiện ra sự thực này. Anh không cần làm gì cả, nhưng luôn luôn có những phụ nữ hứng thú với anh, chủ động tiếp cận anh. Bọn họ khao khát được cánh tay cường tráng của anh ôm vào lòng, ít nhất là họ không bao giờ cự tuyệt khi anh làm thế. Mới đầu Tengo không hiểu tại sao lại như vậy, nên có hơi ngại ngùng và hoang mang, song không lâu sau anh đã hoàn toàn nắm bắt được sức hấp dẫn kỳ lạ đó, và vận dụng thứ năng lực ấy một cách thành thạo. Từ đó trở đi Tengo gần như không bao giờ thiếu phụ nữ ở bên. Nhưng anh chưa bao giờ có tình yêu với những người phụ nữ ấy. Anh chỉ qua lại và duy trì quan hệ xác thịt với họ mà thôi. Hai bên lấp đầy sự trống trải của nhau. Kể cũng lạ, những người phụ nữ ấy bị anh hấp dẫn một cách mãnh liệt song chưa từng có ai trong số đó hấp dẫn anh mãnh liệt được như thế cả.

Tengo kể lại những chuyện đó cho người cha không còn ý thức nghe. Mới đầu anh còn cẩn thận chọn lựa câu chữ, sau dần dần trở nên thao thao bất tuyệt, cuối cùng lại còn khá hăng hái nữa. Những vấn đề liên quan đến tình dục, anh cũng cố gắng kể một cách thành thực nhất. Đã đến lúc này rồi, còn có gì phải xấu hổ nữa chứ? Tengo nghĩ. Cha anh vẫn không đổi tư thế, nằm ngửa mặt lên trần, tiếp tục chìm sâu trong giấc ngủ, hơi thở không thay đổi.

Lúc gần ba giờ, y tá đến thay túi nhựa truyền dịch, đổi túi hứng nước tiểu mới và đo nhiệt độ cơ thể cho cha anh. Người y tá này khoảng ba tư ba lăm tuổi, thân hình to khỏe, ngực cũng rất to. Biển tên của chị ta ghi “Omura”. Mái tóc chị ta búi chặt lại phía sau đầu, bên trên cắm một chiếc bút bi.

“Có thay đổi gì đặc biệt không?” chị ta vừa hỏi Tengo vừa dùng bút bi điền các con số lên tấm bảng kẹp trong kẹp giấy.

“Không có gì. Vẫn ngủ từ đó đến giờ,” Tengo đáp.

“Nếu có chuyện gì, làm ơn nhấn cái nút này.” Chị ta chỉ vào cái công tắc kêu cứu treo trên đầu giường, rồi cắm lại chiếc bút bi lên tóc.

“Tôi biết rồi.”

Y tá Omura đi được một lúc thì có tiếng gõ cửa ngắn, và y tá Tamura đeo kính thò đầu vào.

“Anh có cần ăn cơm không? Trong nhà ăn có thức ăn đấy.”

“Cám ơn. Giờ tôi vẫn chưa đói,” Tengo đáp.

“Tình hình cha anh sao rồi?”

Tengo gật đầu. “Tôi vẫn nói chuyện với ông ấy từ nãy đến giờ, không biết ông ấy có nghe được không nữa.”

“Nói chuyện với ông ấy là điều tốt,” chị ta nói, mỉm cười như cổ vũ anh, “Không sao đâu, nhất định là cha anh nghe thấy được.”

Chị ta nhẹ nhàng đóng cửa. Trong căn phòng bệnh chật hẹp, chỉ còn lại hai cha con Tengo.

Tengo tiếp tục nói.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh dạy toán tại một trường dự bị ở Tokyo. Anh đã không còn là thần đồng toán học được cho là có tương lai xán lạn, cũng không còn là tuyển thủ judo được mọi người kỳ vọng, mà chỉ là một thầy giáo ở trường dự bị. Nhưng chính điều này khiến Tengo vui. Cuối cùng anh cũng có thể thở phào một tiếng. Bởi vì đây là lần đầu tiên trong đời anh có thể không lo lắng về ai, được sống một mình, tự do thoải mái.

Không lâu sau, anh bắt đầu viết tiểu thuyết. Anh có mấy tác phẩm gửi đến dự thi giải Tác giả mới của nhà xuất bản. Về sau, anh quen với một tay biên tập viên độc lập và tính khí thất thường mang họ Komatsu. Người này khuyên anh viết lại Nhộng không khí, tác phẩm của một thiếu nữ mười bảy tuổi tên là Fukaeri (tên thật là Fukada Eriko). Fukaeri đã tạo ra câu chuyện, nhưng lại không có năng lực viết văn, nên Tengo nhận nhiệm vụ này. Anh hoàn thành công việc một cách viên mãn, tác phẩm giành được giải Tác giả mới của tạp chí văn nghệ, được xuất bản, trở thành sách bán chạy. Vì Nhộng không khí gây ra quá nhiều tranh luận, các ủy viên trong hội đồng bình xét giải Akutagawa đều giữ khoảng cách với nó, nên sách không giành được giải này. Tuy nhiên nó vẫn bán chạy khủng khiếp đến nỗi Komatsu nói, theo cách nói thẳng thừng của anh ta, “Ai cần vào cái giải đó”.

Tengo không chắc chắn những gì mình nói có lọt vào tai cha hay không, và kể cả khi ông nghe thấy thì anh cũng không thể biết cha có hiểu hay không. Không có phản ứng, cũng không có cảm giác. Dầu cha anh hiểu được thì cũng không có cách nào biết ông có hứng thú với những chuyện đó không. Có lẽ ông chỉ cảm thấy phiền phức quá”. Có lẽ ông đang nghĩ, “Đời của người khác liên quan gì đến tôi, để cho tôi ngủ yên đi!” Nhưng Tengo chỉ biết không ngừng nói ra những câu chữ hiện lên trong tâm trí. Anh không nghĩ ra việc gì khác hay hơn khi ngồi mặt đối mặt với cha trong gian phòng bệnh chật hẹp này.

Cha anh vẫn không nhúc nhích dù chỉ một chút. Cặp mắt ông đóng chặt dưới đáy hai cái hố sâu tăm tối đó. Trông ông như thể đang lặng lẽ chờ tuyết rơi, lấp đầy hai cái hố đó thành màu trắng.

“Giờ vẫn chưa thể nói là mọi thứ tiến triển thuận lợi, nhưng nếu có thể, con muốn sống bằng nghề văn. Không phải đi viết lại tác phẩm của người khác mà viết ra thứ mình thích, theo ý của mình. Con cảm thấy viết văn, đặc biệt là viết tiểu thuyết, khá hợp với tính cách của con. Thật là vui khi có một thứ gì đó mình thực sự muốn làm. Cuối cùng thì con đã có một thứ như thế. Tuy những thứ con viết ra vẫn chưa hề được xuất bản dưới tên con, nhưng không bao lâu nữa chuyện đó sẽ xảy ra thôi. Tự mình nói thì không hay lắm, nhưng con biết mình không phải nhà văn kém. Ít nhất là có một biên tập viên nhận xét tốt về con. Đối với chuyện này, con không lo lắng.”

Có lẽ nên thêm vào một câu: hình như con có tư chất của một Người Tiếp thụ, đến độ bị kéo vào thế giới do chính mình hư cấu ra. Nhưng chỗ này không phải là nơi để nói những vấn đế phức tạp như vậy. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Anh quyết định đổi chủ đề.

“Con cảm thấy có một vấn đề bức thiết hơn, đó là cho đến giờ con vẫn chưa thể thực sự yêu ai. Từ khi sinh ra trên đời, con chưa từng yêu một ai đó vô điều kiện, chưa từng cảm thấy vì một ai đó mà có thể vứt bỏ tất thảy. Dù chỉ một lần cũng không.”

Tengo vừa nói vừa nghĩ, ông già trông có vẻ khốn khổ trước mặt mình đây, không biết liệu trong đời ông đã thực lòng yêu một ai đó hay chưa? Có lẽ ông đã thực lòng yêu mẹ Tengo, nên mới nuôi dưỡng Tengo như con đẻ, ngay cả khi ông biết rõ hai người không có quan hệ máu mủ ruột rà. Nếu đúng vậy, có thể nói, xét về tinh thần, cuộc đời ông đầy đủ hơn Tengo rất nhiều.

“Chắc là chỉ có một ngoại lệ duy nhất. Có một cô bé mà con không thể nào quên được. Cô bé ấy học cùng lớp với con hồi lớp ba và lớp bốn ở trường tiểu học Ichikawa. Phải, đó là chuyện của hai mươi năm trước. Cô bé ấy thu hút con mạnh mẽ. Con vẫn luôn nhớ đến cô ấy, cho đến giờ vẫn nhớ. Thực ra, con gần như chưa bao giờ nói chuyện với cô ấy. Cô ấy chuyển trường, sau đó con không gặp lại cô ấy nữa. Nhưng gần đây xảy ra một số việc khiến con bắt đầu muốn tìm kiếm cô ấy. Cuối cùng, con đã hiểu ra mình cần có cô ấy. Con muốn gặp cô ấy, nói chuyện với cô ấy đủ thứ chuyện. Nhưng con không tìm được cô ấy. Lẽ ra con nên tìm kiếm cô ấy từ trước, như vậy có lẽ mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều.”

Tengo thoáng trầm ngâm, chờ cho những chuyện mình vừa kể lại ngấm vào tâm trí cha. Hoặc chính xác hơn là đợi cho chúng ngấm vào tâm trí của chính anh. Sau đó anh tiếp tục kể.

“Đúng thế, trong những việc kiểu thế này, con rất hèn nhát. Chẳng hạn, cũng vì lý do ấy mà con không đi tra lại hồ sơ hộ tịch của chính mình. Muốn điều tra xem mẹ con đã chết thật hay chưa thực ra rất dễ. Chỉ cần đến tòa thị chính tìm đọc lại hồ sơ là lập tức rõ ngay. Thực ra đã mấy lần con muốn đi rồi. Thậm chí con còn đã đến cả tòa thị chính. Nhưng con không thể nào buộc mình đi vào làm thủ tục xin tra tìm tài liệu. Vì con sợ người khác mang sự thực ra bày trước mắt mình, sợ chính mình là người vạch trần sự thực ấy. Vì vậy con chờ đợi, chờ đến một ngày sự thực sẽ sáng tỏ một cách tự nhiên.”

Tengo thở dài.

“Thôi không nói chuyện này nữa. Lẽ ra con nên khởi sự tìm cô gái đó từ lâu rồi mới phải. Con đã đi vòng quá xa. Có điều, con không thể nào bắt tay vào hành động được. Nói thế nào nhỉ, cứ hễ dính đến những vấn đề thuộc nội tâm là con trở thành kẻ hèn nhát. Đây mới là nhược điểm chết người của con.”

Tengo đứng dậy khỏi ghế, bước đến trước cửa sổ nhìn ra rừng thông. Gió đã ngừng. Anh không nghe thấy tiếng sóng biển. Một con mèo lớn đi qua sân. Bụng thõng xuống thế kia, chắc hẳn nó đang mang thai. Con mèo nằm dưới gốc cây, xoãi hai chân sau ra, bắt đầu liếm liếm bụng.

Anh dựa người vào cửa sổ, tiếp tục nói chuyện với cha.

“Nhưng dù sao chăng nữa, cuộc đời con gần đây rốt cuộc cũng bắt đầu thay đổi. Con cảm thấy vậy. Nói thực lòng, con đã hận bố suốt một thời gian dài. Từ nhỏ con đã cho rằng đáng lẽ mình không nên sinh ra ở một nơi chật chội thảm thương như thế, lẽ ra mình phải có một hoàn cảnh sống hạnh phúc hơn. Con cảm thấy mình bị đối xử như vậy thật bất công. Các bạn học cùng lớp có vẻ như đều sống sung túc, hạnh phúc. Những đứa cả tài năng và phẩm chất đều kém con xa dường như lại sống vui vẻ hơn con rất nhiều. Lúc đó con thực sự hy vọng, nếu bố không phải là bố con thì tốt biết bao nhiêu. Lúc nào con cũng tưởng tượng đó là một sự lầm lẫn, bố không phải là bố đẻ của con, chắc chắn chúng ta không có quan hệ máu mủ gì.”

Tengo lại hướng ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống chỗ con mèo kia. Con mèo không hề biết có người đang nhìn mình, chỉ chú tâm liếm phần bụng gồ hẳn lên. Trong khi quan sát con mèo, Tengo tiếp tục nói.

“Bây giờ thì con không nghĩ thế nữa. Con cảm thấy mình đã ở đúng hoàn cảnh dành cho mình, có một người cha phù hợp dành cho mình. Con nói thực đấy. Quả tình, trước đây con là một kẻ vô vị, một kẻ không có giá trị. Xét về mặt nào đó, con đã hủy hoại chính bản thân mình. Giờ đây con hiểu rõ rồi. Hồi nhỏ con đúng là thần đồng toán học, điều đó thì chắc chắn. Ngay cả bản thân con cũng biết mình có tài năng thực sự. Mọi người đều nhìn con với ánh mắt đặc biệt, đều xun xoe bên cạnh con. Nhưng xét cho cùng, đó chỉ là tài năng không có tiền đồ phát triển. Nó chỉ dừng lại ở đó. Từ nhỏ con đã có thân hình cao lớn và có sở trường judo, giành được thành tích tốt trong đại hội thể thao của tỉnh. Nhưng, ngoài thế giới rộng lớn kia, những tuyển thủ judo mạnh hơn con ở đâu cũng có. Hồi ở đại học, con thậm chí còn không được chọn làm đại biểu của trường tham gia thi đấu toàn quốc. Con bị sốc, có một dạo con không biết mình là cái thá gì nữa. Có điều, đó là lẽ đương nhiên thôi, bởi vì quả thực con chẳng là cái thá gì.”

Tengo mở nắp chai nước khoáng anh mang theo, uống một ngụm rồi lại ngồi xuống ghế.

“Lần trước con đã nói với bố rồi, con cám ơn bố. Con nghĩ, con không phải là con đẻ của bố. Điều đó con gần như chắc chắn. Con cám ơn bố đã nuôi đứa con không phải máu mủ của mình này thành người. Gà trống nuôi con không phải chuyện dễ dàng gì, nhất định là vậy. Bố đã dẫn con đi khắp nơi thu phí nghe nhìn cho đài NHK, đến giờ con nhớ lại vẫn còn cảm thấy khó chịu, thấy đau lòng. Toàn là những ký ức khủng khiếp. Có điều, chắc chắn bố không nghĩ ra được cách nào khác để tiếp xúc được với con. Con nên nói thế nào nhỉ, đối với bố, đây có thể nói là chuyện bố có thể làm tốt nhất rồi. Đó là giao điểm duy nhất giữa bố và xã hội. Nhất định là bố muốn cho con thấy thế giới bên ngoài là như thế nào. Đến bây giờ con đã hiểu được điểm này. Đương nhiên, bố cũng có tính toán rằng nếu dẫn theo một đứa trẻ thì việc thu phí sẽ dễ dàng hơn. Nhưng hẳn không chỉ vì một mục đích đó.”

Tengo ngừng trong giây lát, để những gì mình nói ngầm vào trong tâm trí cha, đồng thời tranh thủ sắp xếp lại những dòng suy nghĩ trong đầu.

“Hồi nhỏ tất nhiên con không hiểu được những điều này. Con chỉ thấy xấu hổ, thấy đau đớn. Ngày Chủ nhật, bọn trẻ con cùng lớp đều thoải mái chơi đùa, riêng con lại phải cùng cha đi thu phí. Mỗi khi ngày Chủ nhật đến con lại thấy chán ghét tột bực. Nhưng giờ con đã hiểu được, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Con không thể nói là bố đã làm đúng. Tâm hồn con đã bị tổn thương. Đối với một đứa trẻ, làm như vậy là quá khắc nghiệt. Nhưng đó là chuyện quá khứ cả rồi, bố không cần để ý làm gì. Vả lại, cũng chính vì thế con mới thấy mình ít nhiều trở nên cứng cỏi hơn. Con đã học được rằng, tồn tại trên thế giới này tuyệt đối không phải chuyện dễ dàng gì.”

Tengo xòe hai tay ra, nhìn xuống lòng bàn tay một lúc.

“Con đang cố gắng để sống. Con cảm thấy từ nay trở đi có lẽ mình sẽ sống tốt hơn trước, không vòng vèo không cần thiết nữa. Con không biết giờ bố muốn gì. Có lẽ bố chỉ muốn yên tĩnh nằm ngủ ở đây mãi, không bao giờ mở mắt ra nữa. Nếu bố muốn thế thì cứ làm vậy đi. Con không thể ngăn cản bố, nếu đó là điều bố mong mỏi. Con chỉ có thể để bố tiếp tục ngủ say. Có điều, chuyện gì ra chuyện ấy, con vẫn muốn nói những lời này với bố, kể với bố những chuyện con đã làm từ trước đến nay, những điều con đang suy nghĩ trong giờ phút này. Có lẽ bố không muốn nghe. Vậy thì, cứ coi như con đang làm phiền bố vậy. Xin lỗi bố. Dù sao thì con cũng không còn gì để nói nữa. Những điều cần nói, về cơ bản con đã nói hết rồi. Con sẽ không quấy rầy bố nữa. Bố cứ ngủ thoải mái đi, muốn ngủ bao lâu tùy thích.”

Khoảng hơn năm giờ, y tá Omura trên tóc cắm cây bút bi đến kiểm tra túi nước truyền dịch. Lần này chị ta không đo nhiệt độ cho cha anh.

“Có hiện tượng gì không anh?”

“Không có gì đặc biệt. Ông ấy vẫn ngủ suốt,” Tengo đáp.

Người y tá gật đầu. “Lát nữa bác sĩ sẽ đến. Anh Kawana, hôm nay anh ở đây được đến mấy giờ?”

Tengo liếc đồng hồ đeo tay. “Tôi đi chuyến tàu lúc bảy giờ tối, chắc có thể ở đến khoảng sáu rưỡi.”

Y tá Omura điền xong bảng biểu, lại cắm cây bút bi lên búi tóc.

“Từ trưa đến giờ tôi vẫn luôn nói chuyện với ông ấy, nhưng hình như ông ấy không nghe thấy gì cả,” Tengo nói.

Y tá Omura nói: “Hồi còn ở trường hộ lý tôi học được một câu thế này: những lời sáng sủa có thể khiến màng nhĩ con người rung động một cách đặc biệt. Những lời sáng sủa có tần số của riêng chúng. Mặc cho bệnh nhân có hiểu được nội dung hay không, màng nhĩ cũng đều rung lên theo tần số ấy. Chúng tôi được dạy là không cần biết bệnh nhân có nghe thấy hay không, mình cứ phải nói với họ thật lớn tiếng, giọng thật sáng. Làm như vậy chắc chắn là có hiệu quả. Từ kinh nghiệm của mình, tôi tin vào điều đó.”

Tengo nghĩ ngợi về điều này trong một thoáng. “Cám ơn chị,” anh nói. Y tá Omura khẽ gật đầu, nhanh nhẹn bước ra khỏi phòng bệnh.

Sau đó, Tengo và cha im lặng một lúc lâu. Anh không còn gì để nói nữa. Nhưng sự im lặng này không phải là thứ im lặng khiến người ta cảm thấy khó chịu. Nắng chiếu yếu dần, cảm giác về hoàng hôn lơ lửng khắp xung quanh. Những tia nắng cuối cùng lặng lẽ dịch chuyển trong phòng.

Mình chưa kể với bố chuyện trên trời có hai mặt trăng, Tengo đột nhiên sực nhớ ra. Hình như vẫn chưa kể. Giờ đây Tengo đang sống trong một thế giới có hai mặt trăng. “Dù sao chăng nữa, cảnh tượng ấy cũng hết sức kỳ quái”. Anh rất muốn kể cho cha nghe, nhưng lại cảm thấy lúc này lôi chủ đề đó ra chẳng có ý nghĩa gì. Trên trời có mấy mặt trăng thì cũng không liên quan gì đến cha anh. Đây là vấn đề mà Tengo phải tự mình đối mặt.

Vả lại, trong thế giới này (hoặc thế giới kia), dẫu cho chỉ có một mặt trăng, hay hai, thậm chí ba mặt trăng, xét cho cùng chỉ có một Tengo. Vậy thì có gì khác nhau? Dù đi tới đâu, Tengo cũng chỉ có thể là Tengo. Anh vẫn là người phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình, sở hữu những tư chất chỉ riêng anh có. Đúng vậy, mấu chốt của vấn đề không phải ở mặt trăng, mà ở chính bản thân anh.

Khoảng ba mươi phút sau, y tá Omura quay lại. Trên tóc chị ta không hiểu vì lý do gì đã không còn cắm cây bút bi nữa. Cây bút đi đâu rồi? Tengo nhận ra mình quá để ý đến chuyện này một cách lạ lùng. Có hai nhân viên nam đẩy giường có bánh xe cùng đến. Cả hai đều thấp và mập, da ngăm ngăm, không nói một lời nào. Trông họ như người nước ngoài vậy.

“Anh Kawana, chúng tôi phải đưa cha anh đến phòng xét nghiệm. Anh đợi ở đây nhé?” người y tá nói.

Tengo nhìn đồng hồ. “Có gì không ổn sao?”

Y tá Omura lắc đầu. “Không, không phải đâu. Chỉ là phòng này không có máy móc thiết bị dùng để xét nghiệm nên chúng tôi phải đưa ông ấy sang bên đó thôi. Không có gì đặc biệt cả. Bác sĩ sẽ nói chuyện với anh sau khi xong việc.”

“Tôi biết rồi. Tôi sẽ đợi ở đây.”

“Trong nhà ăn có trà nóng đấy. Anh nên nghỉ ngơi một lát đi.”

“Cám ơn chị,” Tengo nói.

Hai người đàn ông nhẹ nhàng nhấc thân thể gầy gò của cha anh lên, cùng với ống truyền dịch cắm trên người, chuyển sang giường có bánh xe. Họ đẩy cả giá treo túi truyền dịch theo giường ra ngoài hành lang. Động tác hết sức nhanh nhẹn và thành thạo, nhưng không nói một lời.

“Không lâu lắm đâu,” y tá nói.

Nhưng một lúc lâu sau vẫn không thấy cha anh quay lại. Ánh sáng chiếu vào qua cửa sổ mỗi lúc một yếu dần, nhưng Tengo không bật đèn trong phòng. Anh có cảm giác, nếu bật đèn lên, dường như một thứ gì đó quan trọng ở đây sẽ bị tổn thương.

Trên giường có vết lõm do cơ thể cha anh để lại. Có lẽ giờ ông chẳng còn được bao nhiêu cân nữa, nhưng trên mặt giường vẫn để lại một hình dáng rõ nét. Nhìn vết lõm ấy, bên trong Tengo dần dâng lên một cảm giác mình bị bỏ lại một mình trên thế giới này. Thậm chí anh còn cảm thấy bình minh sẽ không bao giờ lên nữa, sau khi mặt trời lặn tối nay.

Tengo ngồi xuống ghế, tắm mình trong màu sắc của hoàng hôn đang xuống, giữ nguyên một tư thế, chìm trong suy nghĩ. Sau đó, anh đột nhiên nhận ra, thực ra mình chẳng nghĩ ngợi gì mà chỉ đắm chìm vô mục đích vào một khoảng rỗng không. Anh chầm chậm đứng lên khỏi ghế, vào nhà vệ sinh đi tiểu, rửa mặt bằng nước lạnh, lấy khăn mùi soa lau khô rồi soi mặt trong gương. Nhớ lại lời cô y tá, anh xuống nhà ăn ở tầng dưới uống một chút trà Nhật nóng.

Sau khoảng hai mươi phút dưới nhà ăn, Tengo trở lại phòng bệnh. Cha anh vẫn chưa được đưa về. Nhưng ở chỗ vết lõm mà ông để lại trên giường có một vật thể màu trắng anh chưa từng thấy bao giờ.

Thứ đó dài khoảng một mét tư đến một mét rưỡi, hình dạng uốn theo những đường cong mềm mại, đẹp đẽ. Thoạt nhìn nó rất giống hạt lạc, bề mặt phủ một lớp gì đó gần giống như lông tơ. Lớp lông tơ ấy ánh lên một quầng sáng đều, mịn màng, yếu ớt. Trong gian phòng đang bị bóng tối dần xâm lấn, một thứ ánh sáng nhuốm sắc xanh nhạt mềm mại bao bọc vật thể đó. Nó lặng lẽ nằm trên giường, cơ hồ như lấp vào khoảng không gian riêng mà cha anh tạm thời để lại sau lưng. Tengo đứng sững chỗ cửa phòng, tay đặt lên nắm đấm cửa, nhìn chằm chằm vào vật thể kỳ quái đó một lúc. Môi anh mấp máy, song chẳng nói nổi thành lời.

Đây là thứ gì vậy? Tengo ngây người ra, nheo mắt, tự hỏi chính mình. Tại sao thứ này lại nằm ở đây, ở chỗ của cha anh? Hiển nhiên, không phải do bác sĩ hay y tá mang đến. Xung quanh nó là một không khí đặc biệt xa rời với hiện thực.

Ngay sau đó, Tengo chợt hiểu ra: đây là nhộng không khí.

Đây là lần đầu tiên Tengo tận mắt thấy nhộng không khí. Trong cuốn tiểu thuyết Nhộng không khí, anh đã dùng lời văn miêu tả nó kỹ lưỡng, nhưng dĩ nhiên anh chưa từng thấy vật thực bao giờ, cũng không cho rằng nó thực sự tồn tại. Song trước mắt anh lúc này chính là nhộng không khí, hoàn toàn giống hệt những gì anh tưởng tượng trong đầu và miêu tả dưới ngòi bút. Như thể bị ai đó dùng kìm sắt kẹp chặt dạ dày, một cảm giác dường-như-đã-từng-gặp-đâu-đó-rồi trào dâng mãnh liệt trong anh. Dẫu vậy Tengo vẫn bước vào phòng, đóng cửa lại. Tốt nhất đừng để người khác trông thấy. Sau đó anh nuốt ngụm nước bọt tích tụ trong miệng. Sâu trong họng anh phát ra một âm thanh không tự nhiên.

Tengo chầm chậm nhích lại cạnh giường, cách khoảng một mét, cẩn trọng quan sát cái nhộng không khí. Giờ thì anh biết chắc nó giống hệt hình ảnh nhộng không khí như anh đã viết trong truyện. Trước khi động bút miêu tả hình dáng của “nhộng không khí”, anh từng dùng bút chì phác một bức ký họa đơn giản, chuyển hóa ý tưởng trong đầu thành hình thái thị giác, rồi mới chuyển thành lời văn. Trong cả quá trình viết lại Nhộng không khí, anh luôn dùng đinh ghim ghim bức tranh đó lên mặt tường trước bàn viết. Xét về hình dạng, nó trông giống kén hơn là nhộng. Nhưng Fukaeri (và cả Tengo cũng vậy) chỉ có thể dùng “nhộng không khí” để gọi thứ này mà thôi.

Lúc đó, Tengo đã tự nghĩ ra và thêm vào rất nhiều đặc điểm về hình dạng của nhộng không khí. Tỉ dụ như đường cong hõm xuống một cách thanh lịch ở giữa, ngấn tròn mềm mại mang tính trang trí ở hai đầu. Tất cả những chi tiết ấy đều do anh tưởng tượng ra. “Câu chuyện” nguyên tác của Fukaeri vốn không hề đề cập đến chúng. Đối với Fukaeri, nhộng không khí chỉ là nhộng không khí, một thứ nằm trên ranh giới giữa vật thể hữu hình và khái niệm, cô gần như chưa bao giờ thấy cần thiết phải dùng ngôn ngữ để hình dung nó. Tengo đành phải tự mình thiết kế ra hình dạng cụ thể của nó. Và cái nhộng không khí anh nhìn thấy lúc này mang chính các chi tiết đó: đường cong hõm xuống ở giữa, hai đầu có ngấn tròn mềm mại.

Thứ này giống hệt như mình vẽ phác thảo và miêu tả, Tengo nghĩ. Cũng như hai mặt trăng trên bầu trời. Không hiểu tại sao, mọi thứ anh miêu tả trong tiểu thuyết, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt, cũng đều trở thành hiện thực. Nguyên nhân và kết quả rối tung vào nhau như nắm tơ vò.

Một cảm giác kỳ lạ lan tỏa khắp tứ chi Tengo, tựa hồ như dây thần kinh bị vặn xoắn lại. Anh nổi hết cả gai ốc. Anh không còn phân biệt được thế giới này phần nào là hiện thực, phần nào là hư cấu nữa. Phần nào của nó thuộc về Fukaeri, phần nào thuộc về Tengo? Phần nào của nó thuộc về “chúng ta”?

Một vết nứt dọc đã mở ra ngay phía trên nhộng không khí: nó sắp vỡ làm đôi. Vết nứt vừa hình thành dài có lẽ chừng ba phân. Nếu cúi xuống ghé mắt nhìn vào lỗ nứt, có lẽ anh sẽ thấy được bên trong. Nhưng Tengo không gom đủ dũng khí để làm vậy. Anh ngồi xuống ghế cạnh giường, nhìn chăm chăm cái nhộng không khí trong khi hai vai anh nhô lên hạ xuống rất nhẹ, rất nhẹ bởi anh đang cố ghìm cho nhịp thở bình thường trở lại. Cái nhộng không khí trắng phau nằm im đó, phát ra ánh sáng mờ mờ, như một mệnh đề toán lặng lẽ đợi Tengo đến giải.

Trong cái nhộng này rốt cuộc là thứ gì?

Nó sẽ phơi ra trước mắt anh thứ gì?

Trong tiểu thuyết Nhộng không khí, nhân vật chính, cô bé ấy, đã trông thấy phân thân của mình bên trong nó. Tử thể của cô. Và cô bé đã bỏ lại Tử thể, một mình bỏ trốn khỏi cộng đồng. Nhưng trong nhộng không khí của Tengo (dựa vào trực giác, Tengo đoán đây có lẽ là nhộng không khí của anh) rốt cuộc chứa thứ gì? Là Thiện hay là Ác? Nó sẽ dẫn dắt anh hay sẽ phương hại đến anh? Vả lại, rốt cuộc thì ai đã đem cái nhộng không khí này đến đây?

Tengo hiểu rõ hình bị yêu cầu phải hành động, nhưng không sao dồn đủ dũng khí đứng dậy nhòm vào bên trong cái nhộng không khí. Anh sợ. Thứ bên trong cái nhộng không khí ấy có lẽ sẽ làm hại anh, có lẽ sẽ gây ra những thay đổi lớn lao trong cuộc đời anh. Ý nghĩ ấy khiến Tengo cứng đờ ra trên chiếc ghế nhỏ, như một kẻ không còn biết chạy trốn đi đâu. Trong anh lúc này chính là nỗi sợ đã khiến anh không dám điều tra hộ tịch của cha mẹ, cũng như không dám tìm kiếm Aomame. Anh không muốn biết bên trong cái nhộng không khí chuẩn bị cho riêng mình kia chứa đựng thứ gì. Nếu có thể vượt qua được chuyện này dù không biết nó chứa gì, anh chỉ muốn tiếp tục mù mờ mãi. Nếu có thể , anh muốn lập tức đi ra khỏi căn phòng này, lên tàu đi một mạch về Tokyo. Anh muốn nhắm tịt mắt lại, nút chặt tai, trốn vào trong thế giới nhỏ bé của riêng mình.

Nhưng Tengo cũng hiểu, không có khả năng ấy. Nếu không nhìn xem bên trong là thứ gì mà đã bỏ đi, chắc chắn mình sẽ hối hận cả đời. Nếu không dám nhìn thẳng vào cái thứ đó, e rằng mình sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho bản thân được, anh nghĩ.

Tengo đờ người trên ghế một lúc lâu, không biết phải làm sao, không thể tiến, cũng không thể lui. Anh khép hai tay trên đầu gối, nhìn chằm chằm vào cái nhộng không khí trên giường, chốc chốc lại hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ như để né tránh. Mặt trời đã lặn hẳn, ánh sáng nhá nhem còn lại cuối cùng chầm chậm phủ lên rừng thông. Vẫn không có gió, cũng không nghe tiếng sóng biển. Không gian tĩnh lặng đến bất thường. Căn phòng càng lúc càng tối, ánh sáng do vật thể máu trắng ấy phát ra trở nên sâu hơn, rõ nét hơn. Tengo có cảm giác tự thân thứ ấy dường như đang sống, tỏa ra một thứ ánh sáng dìu dịu của sự sống, nó có hơi ấm đặc hữu, và nhịp rung gần như không thể nhận ra được.

Cuối cùng Tengo hạ quyết tâm, anh đứng lên khỏi ghế, khom người xuống giường. Không thể bỏ trốn như vậy được. Không thể mãi là một đứa trẻ hèn nhát, không dám nhìn thẳng vào thứ đang ở ngay trước mắt mình. Chỉ khi hiểu được sự thực, bất kể đó là sự thực thế nào, con người mới có được thứ sức mạnh chính đáng.

Vết nứt trên nhộng không khí giống như lúc nãy vẫn không thay đổi, không to lên cũng không nhỏ đi. Tengo nheo mắt nhìn vào qua khe hở, nhưng không thấy thứ gì. Bên trong rất tối, ở giữa dường như phủ một lớp màng mỏng căng. Tengo điều chỉnh lại nhịp thở, kiểm tra cho chắc rằng đầu ngón tay mình không run rẩy. Sau đó, anh lùa ngón tay vào kẽ hở rộng khoảng hai xăng ti mét ấy, chầm chậm vẹt sang hai bên, như mở hai cánh của chiếc cửa trượt. Không có lực cản nào, cũng không phát ra âm thanh, nó mở ra dễ dàng, tựa như đang đợi sẵn ngón tay anh vậy.

Lúc này, ánh sáng tự thân của nhộng không khí, dìu dịu như ánh phản chiếu tỏa ra từ tuyết, soi tỏ phần bên trong. Tuy không thể nói là đủ sáng, nhưng anh đã thấy được thứ ở bên trong nó.

Tengo trông thấy một cô bé mười tuổi xinh đẹp.

Cô bé đang ngủ say. Cô mặc váy liền thân màu trắng giản dị, không trang trí, trông như váy ngủ, hai bàn tay nhỏ nhắn xếp trên bộ ngực phẳng. Thoạt nhìn, Tengo đã nhận ra cô ngay lập tức. Gương mặt gầy guộc, đôi môi mím lại thành một đường thẳng như vạch bằng thước kẻ. Trên vầng trán nhẵn bóng xinh xắn, tóc mái cắt đều tăm tắp buông rủ. Chiếc mũi nhỏ nhắn hếch lên trên, như thể đang tìm kiếm gì đó. Xương gò má ở hai cánh mũi hơi chếch sang hai bên. Đôi mắt nhắm nghiền, nhưng Tengo biết đôi mắt ấy sẽ trông như thế nào khi mở ra. Anh không thể nào không rõ được. Hai mươi năm nay, dung mạo của người con gái này lúc nào cũng hằn sâu trong trái tim anh.

“Aomame,” Tengo kêu thành tiếng.

Cô bé vẫn ngủ. Một giấc ngủ sâu và hoàn toàn tự nhiên, hơi thở hết sức mỏng manh yếu ớt. Tim cô bé đập rất nhẹ, tiếng tim đập hư ảo đến độ không vẳng đến tai. Thậm chí cô còn chẳng đủ sức nhấc mi mắt lên. Thời điểm đó vẫn chưa đến. Ý thức của cô không ở nơi này, mà đang ở nơi nào đó xa xăm. Mặc dù thế, âm thanh Tengo buột miệng phát ra ấy vẫn làm màng nhĩ cô rung lên nhè nhẹ. Đó là tên của cô.

Aomame ở một nơi xa xăm nghe thấy tiếng gọi ấy. Tengo, nàng gọi thầm, rồi thốt lên thành tiếng. Nhưng tiếng gọi ấy không làm rung động cặp môi cô bé đang nằm trong nhộng không khí, cũng không lọt vào tai Tengo được.

Tengo như người mất hồn, thở từng hơi ngắn, nhìn chằm chằm không biết chán vào cô bé. Vẻ mặt cô dường như rất thanh bình, không có lấy một chút bóng mờ của buồn đau, khổ sở, bất an. Cặp môi mỏng xinh xắn hồ như bất cứ lúc nào cũng có thể động đậy, thốt ra một lời có ý nghĩa nào đó. Mi mắt cô dường như bất cứ lúc nào cũng có thể mở ra. Tự đáy lòng, Tengo cầu cho điều đó xảy ra. Anh không biết lời cầu nguyện chính xác phải như thế nào, nhưng tim anh đang dệt nên những lời cầu nguyện vô hình trên không trung. Tuy vậy, cô bé không có vẻ gì là sẽ tỉnh lại.

“Aomame,” Tengo gọi lại lần nữa.

Anh có nhiều chuyện cần phải nói với Aomame, nhiều tình cảm muốn giãi bày. Bao năm nay anh ôm trong lòng những tình cảm ấy. Nhưng lúc này, điều duy nhất anh có thể làm là gọi tên cô.

“Aomame,” anh gọi.

Sau đó anh dứt khoát vươn tay ra, chạm vào bàn tay cô bé nằm trong nhộng không khí, đặt bàn tay người trưởng thành to bè của mình lên trên. Bàn tay nhỏ nhắn ấy đã từng nắm chặt tay Tengo năm mười tuổi. Bàn tay ấy đã đến với anh, cần anh, khích lệ anh. Bàn tay của cô bé đang ngủ trong ánh sáng nhàn nhạt ấy có hơi ấm không thể nhầm lẫn của sự sống. Tengo nghĩ, Aomame đến đây để truyền cho mình hơi ấm của cô ấy. Đây là ý nghĩa của chiếc hộp cô ấy đưa cho mình trong lớp học hai mươi năm về trước. Giờ thì rốt cuộc anh đã có thể mở lớp giấy bọc ngoài ra, xem trong hộp có gì.

“Aomame,” Tengo nói. “Nhất định anh sẽ tìm thấy em.”

Sau khi cái nhộng không khí mất dần ánh sáng rồi biến mất, như bị hút vào trong bóng tối của buổi chạng vạng , và cô bé Aomame cũng biến mất theo. Tengo nhận ra mình không thể phán đoán liệu chuyện này có thực sự xảy ra hay không. Nhưng trên ngón tay anh vẫn còn vương lại cảm giác lúc chạm vào bàn tay nhỏ nhắn ấy, cả hơi ấm thân thương của nó.

Hơi ấm này sẽ không bao giờ biến mất, Tengo nghĩ trong khi ngồi trên tàu tốc hành về Tokyo. Hai mươi năm nay, Tengo đã sống cùng cảm giác tay nắm chặt tay với cô bé trong ký ức. Từ đây chắc hẳn anh có thể tiếp tục sống chung với hơi ấm mới này.

Men theo đường bờ biển uốn quanh dãy núi, con tàu tốc hành vạch lên một đường cong dài, cho đến khi tới một chỗ có thể trông thấy hai mặt trăng treo bên nhau trên bầu trời. Trên mặt biển êm đềm, chúng hiện lên rõ nét. Trăng lớn màu vàng, trăng nhỏ màu xanh. Đường nét rất rõ ràng, song dường như lại khó bề nắm bắt được cảm giác về khoảng cách. Dưới ánh trăng, những gợn sóng lăn tăn trên mặt biển giống như những mẩu thủy tinh vỡ, lấp lánh một thứ ánh sáng huyền bí. Khi con tàu tiếp tục uốn mình theo tuyến đường vòng, hai mặt trăng chầm chậm chuyển động bên ngoài cửa sổ, bỏ lại những mảnh vụn li ti ấy ở phía sau, như thể những ám thị không lời, chẳng bao lâu sau thì biến mất khỏi tầm mắt. Khi mặt trăng biến mất, hơi ấm lại trở về trong lồng ngực Tengo. Hơi ấm ấy mong manh song đáng tin cậy, đầy hứa hẹn, như ngọn đèn nhỏ xuất hiện đằng xa trước mắt người lữ khách.

Tengo nhắm mắt lại, thầm nhủ, mình sẽ tiếp tục sống trong thế giới này. Anh hoàn toàn không biết thế giới này có kết cấu như thế nào, nó vận hành theo nguyên lý ra sao. Anh cũng không thể dự đoán sau này sẽ xảy ra chuyện gì. Nhưng vậy cũng chẳng sao. Anh không phải sợ. Dẫu thứ gì chờ đợi anh ở phía trước đi chăng nữa, anh cũng sẽ ngoan cường sống trong thế giới có hai mặt trăng này, và anh sẽ tìm ra con đường của mình. Chỉ cần anh không quên hơi ấm này, không đánh mất cảm giác này trong tim anh.

Anh nhắm mắt ngồi yên bất động một lúc lâu, rồi mở mắt, nhìn thẳng vào bóng tối của đêm chớm thu ngoài cửa sổ. Không còn thấy biển nữa rồi.

Mình phải tìm được Aomame, Tengo hạ quyết tâm một lần nữa. Không cần biết sẽ xảy ra chuyện gì, không cần biết đây là thế giới như thế nào, không cần biết cô ấy ra sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.