1Q84 (Tập 3)

Chương 10: Chương 10: Ushikawa




Thu thập những chứng cứ chính xác

Ushikawa đi đến Ichikawa. Y có cảm giác đây là một chuyến đi dài, nhưng kỳ thực chỉ cần qua sông, đến địa hạt tỉnh Chiba là đã tới Ichikawa rồi, đi từ Tokyo chẳng mất thời gian mấy. Y bắt taxi trước ga tàu hỏa, đọc địa chỉ trường tiểu học kia. Y đến đó lúc khoảng hơn một giờ chiều. Giờ nghỉ trưa đã kết thúc, buổi học chiều đã bắt đầu. Trong phòng học nhạc vẳng ra tiếng hét của dàn hợp xướng. Trên sân trường có lớp đang học thể dục, thi đấu bóng đá, lũ trẻ hò hét ầm ĩ, chạy hùng hục đuổi theo trái bóng.

Ushikawa không có ký ức đẹp về quãng thời gian tiểu học của mình. Y không giỏi thể dục thể thao, đặc biệt là các môn bóng. Người y thấp lùn, chạy chậm, mắt bị lòa, thêm nữa bẩm sinh đã kém phát triển thần kinh vận động, nên giờ thể dục gần như là ác mộng. Nhưng thành tích các môn khác thì đều ưu tú. Y vốn dĩ thông minh, lại ham học (vì vậy năm hai mươi lăm tuổi y vượt qua được kỳ thi luật). Song người xung quanh không ai ưa y, cũng không ai tôn trọng y. Tất nhiên, tướng mạo là một vấn đề. Tử nhỏ bộ mặt y đã to tướng xấu xí, ánh mắt cay độc, hình dạng cái đầu quái dị. Hai mép cặp môi dày bịch chùng xuống, tựa như sắp có nước miếng từ chỗ khóe miệng chảy ra đến nơi (chỉ là tựa như thôi, thực tế chưa từng chảy bao giờ). Đầu tóc y lúc nào cũng xoăn tít rối bù. Cái vẻ ngoài ấy tuyệt không thể khiến người ta có hảo cảm được.

Hổi học tiểu học, y rất ít khi mở miệng. Y biết rằng gặp tình huống cần thiết mình cũng khá giỏi ăn nói, nhưng y không có người bạn nào thân thiết đến mức không chuyện gì là không nói được, cũng chẳng có lấy cơ hội nào đứng trước mặt người khác mà nói cho thỏa thích. Vì vậy y luôn giữ mồm giữ miệng. Đồng thời, y cũng luyện thành thói quen cẩn thận lắng nghe người khác nói: bất kể họ nói gì, y cũng để ý xem có thể học được gì trong đó. Cuối cùng, thói quen này trở thành công cụ đắc lực. Nhờ nó, y phát hiện được nhiều sự thật quan trong. Một trong số đó là: quá nửa người trên thế gian này không dùng đầu mình để suy nghĩ. Và, càng không suy nghĩ thì lại càng không chịu lắng nghe người khác nói.

Tóm lại, đối với Ushikawa, thời tiểu học không phải một quãng đời mà y thường vui sướng hồi tưởng lại. Thậm chí, cứ nghĩ đến việc sắp phải ghé thăm một trường tiểu học, y lại thấy buồn bực trong lòng. Mặc dù hai tỉnh Saitama và Chiba có nhiều sự khác biệt, nhưng trường tiểu học trên cả nước Nhật đều gần như giống hệt nhau. Bề ngoài tương đồng, nguyên lý hoạt động cũng tương đồng. Thế nhưng, Ushikawa vẫn cất công đi cả quãng đường xa đến thăm ngôi trường tiểu học ở thành phố Ichikawa này. Chuyện này quan trọng, không thể nhờ người khác làm thay được. Y gọi điện đến phòng hành chính của trường, hẹn gặp người phụ trách ở đó lúc một rưỡi chiều.

Hiệu phó trường này là một phụ nữ nhỏ nhắn, chừng bốn lăm bốn sáu tuổi. Chị ta có thân hình mảnh mai, hấp dẫn, ăn mặc khá khéo. Hiệu phó? Ushikawa lấy làm bối rối. Y chưa từng nghe đến chức danh này. Nhưng y đã tốt nghiệp tiểu học từ rất lâu rồi, chắc hẳn có nhiều thứ đã thay đồi. Có lẽ người phụ nữ này qua nhiều năm tháng đã làm việc với đủ hạng người khác nhau, nên trông thấy tướng mạo bất bình thường của Ushikawa chị ta không tỏ ra quá kinh ngạc. Nhưng cũng có thể chỉ vì chị ta là người lịch thiệp và chu đáo. Chị ta dẫn Ushikawa vào phòng tiếp khách ngăn nắp sạch sẽ, mời y ngồi, rồi bản thân ngồi xuống ghế đối diện, nhoẻn miệng tươi cười, như thể đang hỏi: tiếp sau đây chúng ta sẽ nói chuyện gì thú vị đây?

Chị ta làm Ushikawa nhớ đến một cô bạn cùng lớp thời tiểu học. Xinh xắn, học giỏi, nhiệt tình, có trách nhiệm. Cô rất được thầy cô giáo yêu quý. Trong lớp học, Ushikawa thường xuyên nhìn trộm cô bé đó, chủ yếu là nhìn lưng cô. Có điều y không nói chuyện với cô lần nào.

“Nghe nói ông đang tiến hành điều tra các học sinh tốt nghiệp từ trường chúng tôi?” hiệu phó hỏi.

“Xin lỗi, tôi chưa kịp tự giới thiệu.” Ushikawa đưa danh thiếp ra. Tấm danh thiếp giống như tấm y đưa cho Tengo, bên trên in chức danh Quản lý chuyên trách, Quỹ tài chính Hội chấn hưng Văn học Nghệ thuật Tân Nhật Bản.” Ushikawa nói với bà hiệu phó đúng những lời tán nhảm mà khi đó y đã nói cho Tengo nghe: Anh Kawana Tengo tốt nghiệp quý trường giờ đã trở thành nhà văn và nằm trong danh sách ứng cử viên vòng trong có khả năng nhận được tài trợ của quỹ chúng tôi, tôi đang tiến hành thẩm tra lại theo thủ tục, vân vân…

“Đúng là một tin mừng!” hiệu phó cười rạng rỡ. “Một niềm vinh hạnh lớn cho trường chúng tôi. Nếu có điều gì có thể làm được, chúng tôi nhất định sẽ cố hết sức.”

“Nếu có thể, chúng tôi mong có thể trực tiếp nói chuyện với giáo viên dạy anh Kawana hồi đó,” Ushikawa nói.

“Để tôi kiểm tra lại một chút, dù sao cũng hơn hai mươi năm rồi, không khéo người đó đã về hưu.”

“Cám ơn chị nhiều lắm,” Ushikawa nói.” Nếu như có thể, còn một chuyện nữa tôi muốn phiền chị kiểm tra giúp.”

“Chuyện gì vậy?”

“Cùng niên cấp với anh Kawana hẳn là có một nữ sinh tên là Aomame Masami. Chị có thể kiểm tra giúp xem anh Kawana và cô Aomame này có từng học cùng lớp không?”

Hiệu phó thoáng ngạc nhiên. “Cô Aomame này có quan hệ gì đến việc tài trợ cho anh Kawana lần này không?”

“À không, tôi không có ý ấy. Trong tác phẩm của anh Kawana có một nhân vật dường như lấy cô Aomame làm nguyên mẫu, chúng tôi chỉ cảm thấy về điểm này có mấy vấn đề cần làm rõ. Không phải chuyện gì phức tạp đâu, chỉ là chuyện hình thức thôi mà.”

“Ra là vậy,” khóe miệng cân đối của bà hiệu phó hơi nhếch lên một chút, “chỉ có điều, thiết nghĩ ông cũng hiểu, có một số thông tin riêng tư của cá nhân chúng tôi không thể cung cấp cho ông được, ví dụ như thành tích học tập, hoàn cảnh gia đình chẳng hạn.”

“Chuyện này tôi hiểu. Chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu xem cô ấy và anh Kawana có phải đã từng học cùng lớp hay không thôi. Ngoài ra, trong trường hợp đúng là cùng lớp, nếu chị có thể cho chúng tôi biết tên họ và phương thức liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của họ hồi đó, tôi sẽ rất lấy làm cảm kích.

“Tôi hiểu rồi. Nếu chỉ cần thông tin đến thế thôi thì chắc không có vấn đề gì. Cô ấy họ Aomame phải không?”

“Đúng, Aomame, tức đậu xanh ấy. Một cái họ tương đối hiếm gặp.”

Ushikawa viết bốn chữ “Thanh Đậu Nhã Mỹ”[1] vào sổ rồi xé trang ấy ra đưa cho hiệu phó. Chị ta đón lấy mảnh giấy, xem trong vài giây rồi cho vào một túi nhỏ trong kẹp hồ sơ để trên bàn.

[1] Tên Aomame viết bằng chữ Kenji.

“Phiền ông đợi đây một lát. Tôi đi kiểm tra lại hồ sơ hành chính. Tôi sẽ bảo họ sao lại những thông tin có thể công khai cho ông.”

“Chị đang bận rộn mà tôi lại chiếm dụng thời gian của chị thế này, tôi thực tình xin lỗi,” Ushikawa cám ơn hiệu phó.

Hiệu phó ra khỏi phòng tiếp khách, chiếc váy xòe nhẹ nhàng phấp phới. Dáng người đẹp, dáng đi thanh nhã, kiểu tóc cũng hấp dẫn. Chị ta có tuổi tác theo một kiểu khiến người ta dễ chịu. Ushikawa chỉnh lại tư thế ngồi, đọc quyển sách bìa mềm mà y mang theo để giết thời gian.

Khoảng mười lăm phút sau, hiệu phó quay lại, trước ngực ôm một phong bì màu trà.

“Anh Kawana hồi đó là một học sinh rất xuất sắc. Kết quả học tập luôn xếp hàng đầu, lại còn là vận động viên có thành tích ưu hạng nữa. Anh ấy đặc biệt giỏi tính toán, hoặc có thể nói là môn toán, học cấp một đã giải được đề toán cấp ba rồi. Anh ấy từng giảnh giải nhất trong một kỳ thi toán, còn được báo chí gọi là thần đồng nữa.”

“Thật phi thường,” Ushikawa nói.

Hiệu phó nói: “Nhưng cũng thật lạ, thần đồng toán học nổi tiếng hồi đó sau khi trưởng thành lại thể hiện tài năng trong văn giới.”

“Tài năng dồi dào thì cũng như nước ngầm cuồn cuộn, hẳn có thể tìm được lối ra ở nhiều nơi khác nhau. Giờ anh ấy vừa làm thầy giáo dạy toán vừa viết tiểu thuyết.”

“Chẳng trách,” hiệu phó nhướng hai hàng lông mày thành một đường cong đẹp đẽ, nói.” So ra thì tôi không tìm được nhiều thông tin về cô Aomame Masami. Cô ấy chuyển trường năm lớp năm. Nghe nói là được một người họ hàng lập nghiệp ở Tokyo nhận nuôi, nên chuyển đến học tiểu học ở đó. Cô ấy học cùng lớp với anh Kawana năm học lớp ba và lớp bốn.”

Đúng như mình đã nghi ngờ, Ushikawa thầm nhủ. Hai người này quả nhiên có một mối liên hệ.

“Chủ nhiệm lớp họ khi đó là một cô giáo họ Ota. Ota Toshie. Giờ bà ấy dạy ở một trường tiểu học công lập ở thành phố Narashino.”

“Nếu tôi liên lạc với trường đó thì chắc có thể gặp bà ấy chứ?”

“Tôi đã liên lạc rồi,” hiệu phó mỉm cười, “bà ấy nói, trong trường hợp này bà ấy rất vui lòng gặp ông Ushikawa.”

“Tôi vô cùng biết ơn,” Ushikawa nói. Chị ta không chỉ xinh đẹp mà làm việc cũng rất nhanh nhẹn dứt khoát.

Hiệu phó viết vào mặt sau tấm danh thiếp họ tên của cô giáo kia và số điện thoại của trường tiểu học Tsudanuma nơi bà làm việc, đưa cho Ushikawa. Ushikawa trân trọng nhận lấy, cất vào trong ví da.

“Nghe nói cô Aomame có xuất thân trong một gia đình ngoan đạo.” Ushikawa nói, “về chuyện này, chúng tôi có hơi lo một chút.”

Hiệu phó chau mày, khóe mắt tụ lại những nếp nhăn nhỏ li ti. Chỉ những phụ nữ trung niên hết sức chú trọng tự rèn luyện bản thân trong một thời gian dài mới có thể sở hữu kiểu nếp nhăn thông minh, quyến rũ. Có nhiều hàm nghĩa tinh tế như vậy.

“Xin lỗi, đây là một trong những vấn đề mà chúng ta không thể thảo luận ở đây được,” chị ta nói.

“Liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân phải không?” Ushikawa hỏi.

“Đúng vậy. Đặc biệt là những vấn đề chạm đến lĩnh vực tôn giáo.”

“Có điều, nếu gặp mặt cô giáo Ota, chắc là tôi có thể hỏi về chuyện này chứ?”

Chiếc cằm nhỏ nhắn của hiệu phó hơi nghiêng sang trái, khóe miệng nở ra một nụ cười nhiều ẩn ý. “Nếu cô Ota nói chuyện này từ góc độ cá nhân, chúng tôi không cần thiết phải can thiệp.”

Ushikawa đứng dậy, lễ độ cám ơn hiệu phó. Hiệu phó giao chiếc phong bì giấy đựng hồ sơ cho y. “Những tư liệu có thể cung cấp cho ông, chúng tôi đều đã sao lại trong này. Đây là tư liệu về anh Kawana. Cũng có một ít tư liệu về cô Aomame. Hy vọng có ich cho ông.”

“Chắc chắn là có ích. Phiền chị quá, tôi thật hết sức biết ơn.”

“Chuyện tài trợ ấy, nếu như có kết quả gì, xin thông báo với chúng tôi một tiếng. Đối với nhà trường, đây là một niềm vinh dự.”

“Tôi tin rằng nhất định sẽ có kết quả tốt,” Ushikawa nói, “chúng tôi đã gặp nhau vài lần, anh ấy là người trẻ tuổi tài hoa, có tương lai rộng mở.”

Ushikawa vào một nhà hàng trước cửa ga Ichikawa, ăn qua quýt cho xong bữa trưa, vừa ăn vừa lấy tư liệu trong phong bì ra xem xét. Đây là những ghi chép vắn tắt về quá trình học tập của Tengo và Aomame tại trường. Các văn bản khen thưởng Tengo vì kết quả học tập tốt và hoạt động thể thao cũng nằm ở trong này. Đích thực anh ta là một học sinh ưu tú khác thường. Hẳn anh ta chẳng bao giờ nghĩ trường học là ác mộng. Còn có bản sao của một bài cắt từ báo ra, biểu dương anh ta giành được giải nhất trong kỳ thi toán học nào đó. Ảnh thời niên thiếu của Tengo cũng được đăng trong bài báo, tuy không rõ nét lắm vì đã quá cũ.

Ăn xong bữa trưa, y gọi điện thoại đến trường tiểu học Tsudanuma, nói chuyện với cô giáo tên là Ota Toshie kia, hẹn gặp nhau ở đó lúc bốn giờ chiều. Bốn giờ trở đi thì có thể nói chuyện thoải mái được, cô giáo Ota đáp.

Đã đành là vì công việc, nhưng một ngày mà liên tiếp ghé thăm hai trường tiểu học quả có hơi nhiều! Ushikawa thở dài. Nghĩ đến thôi là y đã thấy nặng nề rồi. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đích thân đến tận nơi thật chẳng uổng công. Y đã xác nhận được Tengo và Aomame từng có hai năm học chung lớp thời tiểu học. Đây là một tiến triển quan trọng.

Tengo giúp Fukada Eriko làm cho Nhộng không khí trở thành tác phẩm văn chương, biến nó thành sách bán chạy. Còn Aomame thì đã bí mật ám sát cha của Fukada Eriko, Fukada Tamotsu, trong một gian phòng suite ở khách sạn Oruka. Hai người này dường như có chung mục đích, đó là tấn công giáo đoàn Sakigake, mỗi người theo cách của mình. Có khả năng họ còn phối hợp với nhau. Người bình thường hầu hết sẽ cho là thế.

Thế nhưng, tốt nhất là tạm thời không nói chuyện này cho bộ đôi kia của Sakigake biết. Ushikawa không thích đưa ra thông tin một cách vụn vặt. Cách làm y thích là vơ vét mọi thông tin vơ vét được, cẩn thận kiểm chứng mọi tình huống, đợi khi chứng cứ đã rành rành, y mới chỉ rõ ràng “thực ra là như thế đấy.” Hồi còn làm luật sư đã mê mệt cái kiểu mang sắc thái phường tuồng này, đến tận bây giờ vẫn thế. Hạ mình xuống thấp làm đối phương lơ là cảnh giác, đến khi sự việc gần như kết thúc thì y đột nhiên tung ra bằng chứng vững như bàn thạch, khiến tình thế hoàn toàn đảo ngược.

Trên tàu đi Tsudanuma, Ushikawa thử xây dựng trong đầu vài giả thiết khác nhau.

Tengo và Aomame có thể có quan hệ nam nữ. Tuy không đến nỗi từ năm mười tuổi đã bắt đầu yêu nhau, nhưng có khả năng là, sau khi tốt nghiệp tiểu học, hai người gặp lại nhau ở đâu đó, rồi dần dần qua lại thân mật. Sau đó, vì nguyên nhân nào đó chưa rõ, hai người đã đồng tâm hiệp lực tìm cách hủy diệt Sakigake. Đây là một giả thiết.

Nhưng theo Ushikawa thấy, không có dấu hiệu cho thấy Tengo có qua lại với Aomame. Anh ta vẫn duy trì quan hệ thể xác định kỳ với người phụ nữ hơn anh ta mười tuổi, có chồng. Với tính cách của Tengo, nếu anh ta và Aomame gắn kết sâu xa đến thế thì chắc chắn anh ta sẽ không duy trì mối quan hệ xác thịt vụng trộm với một phụ nữ khác. Anh ta không phải loại người có khả năng lừa dối trơn tru kiểu ấy. Ushikawa từng dành ra hai tuần liên tục điều tra mô thức hành vi của Tengo. Mỗi tuần anh ta dạy ở trường dự bị ba ngày, còn thì hầu hết thời gian là một mình ở nhà, chắc là viết tiểu thuyết. Ngoài những lúc thỉnh thoảng đi mua thức ăn, tản bộ, anh ta hầu như không ra ngoài. Một cuộc sống rất giản dị, đơn điệu, rõ ràng và dễ hiểu, không có điểm nào khó giải thích. Chẳng hiểu vì sao, Ushikawa không thể hình dung được Tengo lại tham gia vào một âm mưu giết người.

Về mặt cá nhân, Ushikawa có thiện cảm với Tengo. Tengo là một người trẻ tuổi chân chất, tính cách thẳng thắn, có ý chí tự lập, không dựa dẫm vào người khác. Giống như trường hợp thường thấy ở những người cao lớn, anh ta có khuynh hướng không được linh hoạt lắm, nhưng không hề nhỏ mọn và láu cá. Anh ta là kiểu người hễ đã quyết việc gì là sẽ thực hiện đến cùng. Người như vậy mà làm luật sư hay nhân viên giao dịch chứng khoán thì đừng hòng có tiền đồ, chắc chắn sẽ bị người ta chơi điểu để rồi thất bại ở thời điểm mấu chốt nhất. Nhưng nếu làm thầy dạy toán hay tiểu thuyết gia thì sẽ khá. Anh ta không giỏi giao thiệp, cũng không giỏi nói năng, nhưng lại có thể khiến một típ phụ nữ nào đó mê mẩn. Nói gọn một câu, anh ta là dạng người đối lập rõ ràng với Ushikawa về mặt tính cách.

So ra, Ushikawa hầu như không biết gì về Aomame. Y chỉ biết cô ta sinh ra trong một gia đình tín đồ cuồng nhiệt của hội Chứng nhân Jehovah, vừa mới hiểu chuyện là đã bị dắt đi truyền giáo… những chuyện kiểu như vậy. Nhưng còn tính cách của Aomame như thế nào - thói quen tư duy của cô ra sao, có ưu điểm và nhược điểm gì, cuộc sống riêng tư có gì đặc biệt - y hoàn toàn không rõ. Thứ y có trong tay lúc này chẳng hơn gì những điều người ta có thể tìm được trong một bản sơ yếu lý lịch.

Nhưng khi đặt lý lịch của Aomame và Tengo cạnh nhau trong đầu, y phát hiện ra có mấy điểm chung. Trước tiên, thời thơ ấu của hai người chắc chắn đều không hạnh phúc. Aomame bị buộc phải theo mẹ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, ấn chuông từng nhà để truyền giáo. Con cái của hội Chứng nhân Jehovah thảy đều buộc phải làm việc đó. Còn cha Tengo là nhân viên thu phí của đài NHK, công việc này cũng phải đi đến từng nhà gõ cửa. Liệu ông ta có dẫn con trai đi thu tiền giống như các bà mẹ trong hội Chứng nhân Jehovah dẫn con theo không? Chắc có. Nếu mình là cha Tengo, nhất định mình sẽ làm thế. Dắt con theo thì thành tích thu tiền sẽ tốt hơn, lại không phải trả tiền bảo mẫu theo giờ. Một công đôi việc. Nhưng đối với Tengo điều này chắc chắn chẳng vui vẻ gì. Không khéo, hai đứa trẻ từng gặp nhau ở đâu đó trên đường phố Ichikawa cũng nên.

Thứ đến, cả Tengo lẫn Aomame kể từ khi hiểu chuyện đều đã bắt đầu phấn đấu, lần lượt giành được học bổng thể thao, cố tách khỏi cha mẹ mình càng sớm càng tốt. Trên thực tế, hai người đều là tuyển thủ thể thao xuất sắc. Hẳn là có thiên phú bẩm sinh. Nhưng đồng thời, bọn họ đều có lý do để buộc phải trở nên xuất sắc. Đối với bọn họ, trở thành tuyển thủ thể thao được mọi người công nhận, lập nên thành tích ưu tú, đó gần như là cách duy nhất để có thể tự lập, là chiếc vé quý giá họ cần để tự mình có thể sinh tốn. Họ suy nghĩ khác với những cô bé cậu bé thông thường, họ phải trực tiếp đối mặt với thế giới theo một cách khác.

Nghĩ lại, trường hợp của Ushikawa cũng có nhiều nét tương tự với hai người.

Ở trường hợp của y, vì gia cảnh khá giả nên y không thiết phải giành được học bổng, cũng chưa bao giờ thiếu tiền tiêu vặt. Nhưng để thi vào trường đại học hạng nhất, để vượt qua kỳ thi tư pháp, y không thể không cố sống cố chết vùi đầu học. Cũng như Tengo và Aomame, y không có thời gian chơi nhởn như các bạn khác. Y phải từ bỏ mọi lạc thú của cõi đời - mà thực ra, kể cả y có dồn hết tâm trí theo đuổi lạc thú ở đời thì cũng chẳng dễ dàng có được - mà một lòng dùi mài học tập. Tinh thần y luôn luôn dao động mãnh liệt nơi khe hẹp giữa cảm giác tự ti và cảm giác tự thấy mình ưu việt. Chẳng phải mình giống như Raskolnikov[2] chỉ có điều không gặp được Sonia đấy sao? Từng có một độ y thường nghĩ như thế.

[2] Nhân vật chàng cựu sinh viên luật trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt của F. Dostoyevsky.

Thôi đi, chuyện của mình vậy là đủ rồi. Nghĩ mấy cũng chẳng ích lợi gì. Tốt hơn là quay lại chuyện của Tengo và Aomame.

Giả sử Tengo và Aomame tình cờ gặp nhau vào một thời điểm nào đó sau hai mươi tuổi. Trong khi nói chuyện, họ lấy làm kinh ngạc biết rằng hóa ra mình và người kia có nhiều điểm chung như vậy. Chắc chắn có rất nhiều điều họ muốn giãi bày. Hai người có thể sẽ hấp dẫn nhau một cách mạnh mẽ, như một người đàn ông và một người đàn bà. Ushikawa có thể tưởng tượng rõ nét cảnh ấy. Cuộc gặp gỡ định mệnh. Khoảnh khắc lãng mạn tột cùng.

Cuộc gặp gỡ ấy có diễn ra trong hiện thực không? Một cuộc tình lãng mạn phải chăng đã nở hoa? Ushikawa không biết. Nhưng giả thiết hai người đã gặp nhau dường như hợp tình hợp lý hơn. Vì vậy, bọn họ mới bắt tay với nhau để triệt hạ Sakigake. Tengo dùng ngòi bút, còn Aomame sử dụng kỹ thuật đặc thù nào đó của mình, mỗi người tấn công từ một hướng. Song Ushikawa cảm thấy khó mà chấp nhận giả thiết này. Suy luận tuy hợp tình hợp lý đấy, nhưng thiếu sức thuyết phục.

Nếu Tengo và Aomame đã có mối quan hệ sâu sắc đến vậy thì không thể không có chút dấu vết gì đó được. Cuộc gặp gỡ định mệnh ắt hẳn sẽ làm nảy sinh kết quả định mệnh, và điều đó thì không thể nào thoát khỏi đôi mắt sắc bén của Ushikawa, Aomame họa may có thể khéo léo che giấu, nhưng Tengo thì tuyệt đối không.

Về cơ bản, Ushikawa là người sống nhờ vào việc xây dựng logic. Không tìm được bằng chứng, y không thể tiến lên được. Nhưng đồng thời, y cũng tin vào trực giác của mình. Đối với giả thiết rằng Tengo và Aomame là đồng bọn, trực giác của y lắc đầu phủ định. Nhẹ nhàng, nhưng rất kiên định. Có khi hai người này chẳng ai ý thức được sự tồn tại của người kia cũng nên. Hai người đồng thời có vướng mắc với Sakigake, rất có thể đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.

Kể cả sự trùng hợp này là thật khó tin, nhưng so với giả thiết đồng bọn, giả thiết này được trực giác của Ushikawa chấp nhận hơn. Hai người này, vì những động cơ và mục đích khác nhau, đã cùng lúc làm lung lay sự tồn tại của Sakigake từ những hướng khác nhau, đây thuần túy chỉ do ngẫu nhiên. Hai mạch truyện không chung một điểm khởi đầu, song lại cùng song song tiến lên.

Thế nhưng, cái bộ đôi Sakigake kia liệu có thật thà chấp nhận một giả thiết giản tiện như thế hay không? E là khó, Ushikawa nghĩ. Chắc chắn họ sẽ vồ ngay lấy giả thiết hai người kia là đồng bọn, bởi bọn người này vốn bản tính thích những chuyện có âm mưu thâm hiểm. Trước khi giao ra bất cứ thông tin gì, cần phải nắm được chứng cứ vững hơn. Bằng không, y sẽ làm bọn họ lạc hướng, thậm chí còn gây nguy hiểm cho bản thân y nữa.

Suốt quãng thời gian ngồi tàu hỏa từ Ichikawa đến Tsudamona, Ushikawa ngẫm nghĩ về những vấn đề này. Chắc là y đã thoắt chau mày thoắt thở dài, thoắt lại nhìn trừng trừng ra trước mặt tự mình không biết, bởi cô bé học sinh cấp một ngồi đối diện cứ nhìn mặt y chăm chăm với vẻ mặt lạ lùng. Để che đậy sự ngượng ngùng, y cười toe toét, đưa tay lên xoa xoa cái đầu hói hình dáng kỳ quặc của mình, nhưng động tác ấy hình như càng khiến cô bé thêm sợ hãi, lúc tàu sắp đến Nishi-Funabashi cô vội vã đứng dậy bỏ đi mất.

Ushikawa nói chuyện với cô giáo Ota Toshie trong phòng học sau giờ tan lớp. Bà ta khoảng hơn năm lăm tuổi, ngoại hình là cực đối lập rõ rệt với cô hiệu phó giỏi giang của trường tiểu học ở Ichikawa. Bà ta lùn, béo, dáng đi nhìn từ phía sau trông rất kỳ quặc, tựa như một loài động vật vỏ cứng. Bà ta đeo kính gọng kim loại nhỏ, khoảng giữa hai hàng lông mày vừa rộng vừa phẳng, có thể thấy rõ những sợi lông măng li ti mọc ra ở đó. Bộ đồ công sở bằng len trên người bà ta thoang thoảng mùi thuốc đuổi côn trùng, không biết may từ bao giờ, nhưng khiến người ta có cảm giác vừa may xong là đã lỗi mốt luôn. Bộ đồ màu hồng phấn, nhưng là một thứ sắc màu kỳ quái như thể pha lẫn thêm màu tạp vào. Có lẽ bà ta muốn một sắc điệu trang nhã và đứng đắn, nhưng lại tính một đằng ra một nẻo, màu hồng phấn ấy nặng nề chìm sâu xuống thành sự thiếu tự tin, ẩn nhẫn và chán chường. Kết quả là, chiếc sơ mi trắng mới tinh ló ra chỗ cổ áo thoạt trông giống như một khách viếng xông vào linh đường nói năng lảm nhảm trong đêm canh xác. Mái tóc lốm đốm sợi bạc của bà ta được cặp bằng một chiếc cặp nhựa, rõ ràng là thứ tiện tay với lấy dùng tạm. Tay chân bà ta đẫy đà, những ngón tay ngắn và thô không đeo chiếc nhẫn nào. Trên cổ hằn lên ba nếp nhăn rõ rệt, như thể những vết tích của cuộc đời. Hay có lẽ là dấu hiệu được vạch sau khi ba nguyện vọng được thành hiện thực. Nhưng chắc là không phải vậy, Ushikawa thầm suy đoán trong đầu.

Bà ta làm giáo viên chủ nhiệm lớp của Kawana Tengo từ năm lớp ba cho đến khi tốt nghiệp. Theo quy định, cứ mỗi hai năm nhà trường lại xáo trộn các lớp rồi sắp xếp lại một lần, nhưng trùng hợp thế nào mà bà ta dạy Tengo liền bốn năm. Còn Aomame thì chỉ ở trong lớp do bà chủ nhiệm năm lớp ba và lớp bốn.

“Tôi nhớ rất rõ về cậu Kawana ấy,” bà ta nói.

So với bề ngoài có vẻ hiền lành chân chất, giọng bà ta trong trẻo và trẻ trung đến đáng ngạc nhiên. Đó là giọng nói có thể vang đến tận từng ngóc ngách của lớp học ồn ào. Đúng là nghề nghiệp thay đổi con người, Ushikawa nghĩ, đầy cảm khái. Người phụ nữ này chắc chắn là một giáo viên xuất sắc.

“Cậu Kawana là một học sinh xuất sắc về mọi phương diện. Tôi đã dạy vô số học sinh ở mấy trường tiểu học khác nhau suốt hơn hai mươi lăm năm, nhưng thiên phú xuất chúng như cậu ấy thì không có người thứ hai. Dù làm gì cậu ây cũng vượt trội hơn chúng bạn, nhân phẩm lại tốt, còn có tài lãnh đạo nữa. Lúc đó tôi có cảm giác, cậu ấy có tham gia lĩnh vực nào cũng sẽ có thành tựu không tầm thường. Hồi tiểu học, khả năng nổi bật nhất của cậu Kawana là môn toán, nhưng nếu cậu ấy thành công trong văn học, tôi cũng hoàn toàn không lấy làm kinh ngạc.”

“Cha anh Kawana hình như làm nhân viên thu phí cho đài NHK đúng không ạ?”

“Đúng.” Cô giáo trả lời.

“Nghe anh Kawana nói, cha anh ấy khá là nghiêm khắc,” Ushikawa nói. Đây hoàn toàn là một lời bịa đặt nói bừa.

“Đúng thế,” bà ta không ngần ngừ nói ngay, “đó là một người cha cực kỳ nghiêm khắc, lại tự hào với công việc của mình. Chuyện này đương nhiên rất tốt, nhưng đối với Tengo thì có vẻ như đã trở thành một gánh nặng.

Ushikawa khéo léo xâu chuỗi câu chuyện lại với nhau, moi từ miệng bà ta những câu trả lời tường tận. Mánh lới mà y sành sỏi nhất là để người đối diện nói thỏa thích, càng nhiều càng tốt. Bà ta kể chuyện Tengo không muốn cuối tuần nào cũng bị bắt theo cha đi thu tiền, nên năm lớp năm đã bỏ nhà ra đi, “Bảo là bỏ nhà ra đi, nhưng kỳ thực giống như bị tống cổ khỏi cửa hơn,” cô giáo nói. Tengo quả nhiên phải theo cha anh ta đi thu tiền, Ushikawa thầm nghĩ. Và chuyện này đối với cậu thiếu niên Tengo là một gánh nặng tinh thần không nhỏ. Không ngoài dự đoán.

Cô giáo Ota hồi ấy cho Tengo ở trong nhà mình một đêm vì cậu bé không biết đi đâu. Cô trải giường cho cậu bé, chuẩn bị bữa sáng cho cậu. Chập tối hôm sau cô đi tìm cha Tengo, hết lời thuyết phục ông ta đón con trai về. Cô giáo Ota giờ đây kể lại chuyển hồi đó như thể đang nhắc lại một khoảnh khắc huy hoàng nhất trong cuộc đời mình vậy. Bà còn kể chuyện tình cờ gặp lại Tengo hồi anh ta học cấp ba trong một buổi diễn âm nhạc, không tiếc lời khen ngợi kỹ thuật đánh trống định âm sao siêu của anh ta.

“Sinfornietta của Janáček. Bản này không hề đơn giản đâu, thế mà Tengo mãi đến mấy tuần trước đó còn chưa chạm đến thứ nhạc cụ ấy bao giờ. Nhưng cậu ấy đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách viên mãn. Quả là một kỳ tích.”

Người phụ nữ này yêu mến Tengo từ tận đáy lòng, Ushikawa nghĩ, đầy cảm khái. Gần như là yêu mến vô điều kiện. Cảm giác được người khác yêu mến sâu đậm như vậy, nó như thế nào nhỉ?

“Bà còn nhớ cô Aomame Masami không?” Ushikawa hỏi.

“Cô ấy tôi cũng nhớ rất rõ,” cô giáo Ota trả lời. Nhưng giọng bà khác hẳn lúc nói về Tengo, Ushikawa không còn nhận ra niềm vui trong đó nữa. Thanh điệu thoắt cái trầm xuống khoảng hai nốt.

“Cái họ này rất hiếm gặp,” Ushikawa nói.

“Ừm, họ này tương đối hiếm. Có điều tôi nhớ rõ cô Aomame này không phải chỉ vì họ của cô ấy.”

Một khoảng lặng ngắn.

“Nghe nói cả nhà cô Aomame là tín đồ nhiệt thành của hội Chứng nhân Jehovah,” Ushikawa thử thăm dò.

“Chuyện này có thể phiền ông nghe ở đây thôi, không truyền ra ngoài được không?” cô giáo Ota hỏi.

“Xin bà yên tâm. Tôi tuyệt đối không nói với ai khác.”

Bà ta gật đầu. “Thành phố Ichikawa có một chi hội lớn của hội Chứng nhân Jehovah, nên tôi từng dạy mấy đứa trẻ con thuộc hội ấy. Từ góc độ giáo viên, điều này dẫn đến những vấn đề tế nhị mà tôi phải đặc biệt chú ý để giải quyết. Có điều, tín đồ trung kiên như cha mẹ cô Aomame thì cực kỳ hiếm thấy.”

“Nói vậy, bọn họ là những người nhất quyết không chịu thỏa hiệp?”

Cô giáo như đang gợi lại những ký ức đã ngủ yên, khẽ cắn môi. “Đúng. Bọn họ cực kỳ nghiêm cẩn với các nguyên tắc của mình, còn yêu cầu lũ trẻ cũng phải tuân thủ theo như vậy. Vì nguyên nhân này mà Aomame bị cô lập trong lớp.”

“Nói như vậy, ở chừng mực nào đó, cô Aomame là một trường hợp cá biệt?”

“Là một trường hợp cá biệt,” cô giáo thừa nhận, “tất nhiên, trách nhiệm không ở đứa trẻ. Nếu muốn truy cứu trách nhiệm thì phải trách sự hẹp hòi chi phối tâm trí con người ta ấy.”

Cô giáo Ota nói rõ hơn về Aomame. Những đứa trẻ khác đa phần đều phớt lờ sự tồn tại của Aomame, cố gắng coi cô như không khí. Cô là loại khác, là kẻ tuyên truyền những nguyên tắc kỳ cục, kẻ mang đến phiền phức cho mọi người. Đây là suy nghĩ được đồng thuận trong cả lớp. Vì vậy, Aomame cũng cố làm sao cho hình ảnh của mình mờ nhạt hết mức, hòng tự bảo vệ mình.

“Tôi đã nỗ lực hết sức. Nhưng sự đoàn kết của lũ trẻ vượt quá sức tưởng tượng của tôi, mà Aomame dường như cũng tự biến mình thành một bóng ma. Nếu là bây giờ thì có thể nhờ chuyên gia tâm lý hỗ trợ thêm, nhưng hồi ấy chưa có chế độ này. Tôi lại còn quá trẻ, chỉ riêng việc chăm lo tốt cho một lớp học thôi cũng đã hết cả hơi sức rồi. Mặc dù tôi biết là nói vậy nghe cứ như đang tự biện hộ cho bản thân mình vậy.”

Ushikawa hiểu được ý của bà. Công việc của giáo viên tiểu học rất nặng nề. Những chuyện xảy ra giữa lũ trẻ, ở một mức độ nào đó, họ chỉ có thể mặc cho chúng tự giải quyết.

“Lòng sùng tín và sự hẹp hòi xưa nay luôn đi liền với nhau. Chuyện này thì chúng ta chẳng thể làm gì được,” Ushikawa nói.

“Ông nói rất đúng,” cô giáo Ota nói, “nhưng ở một tầng diện khác, chắc chắn vẫn còn thứ lẽ ra tôi có thể làm được. Đã mấy lần tôi định nói chuyện với Aomame, nhưng lần nào cô ấy cũng chẳng nói chẳng rằng. Cô ấy là người có ý chí kiên định, một khi đã quyết điều gì thì sẽ kiên trì đến cùng. Aomame vốn thông minh, trí óc nhanh nhạy hơn người, tính tích cực trong học tập rất cao. Nhưng cô ấy lại cố hết sức tự kiềm chế mình, không để điều ấy biểu hiện ra ngoài. Có lẽ cách duy nhất để Aomame tự bảo vệ mình là cố gắng không thu hút sự chú ý của người khác. Giá sinh ra trong một gia đình bình thường thì chắc hẳn cô ấy đã thành một học sinh vượt trội. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy vô cùng tiếc nuối.”

“Bà có từng nói chuyện với cha mẹ cô ấy không?”

Cô giáo gật đầu. “Nhiều lần. Bố mẹ cô ấy thường đến trường phàn nàn, kêu rằng tôn giáo của họ bị bức hại. Khi đó tôi đã nhờ họ giúp đỡ, mong rằng họ có thể thay đổi nguyên tắc đi một chút, để Aomame có thể hòa nhập hơn với lớp. Nhưng vô ích, đối với cha mẹ cô ấy, nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc của tôn giáo quan trọng hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Trong suy nghĩ của họ, hạnh phúc là được vào Nước Trời, còn cuộc sống nơi thế giới thực tại này chẳng qua chỉ là giả tượng hư ảo. Kỳ thực, đây chỉ là thế giới quan của người lớn, còn đối với những đứa trẻ đang trong tuổi dậy thì, bị thờ ơ, bị tẩy chay ở trường lớp là đau khổ biết chừng nào? Nó sẽ để lại trong tâm hồn chúng vết thương chí mạng! Đáng tiếc, tôi không làm sao khiến được bọn họ hiểu được điều ấy.”

Ushikawa cho bà ta biết, Aomame cả hồi học đại học lẫn đi làm ở công ty đều là tuyển thủ nòng cốt của đội tuyển bóng mềm và hiện tại cô là huấn luyện viên xuất sắc của câu lạc bộ thể thao cao cấp. Nói chính xác hơn thì không phải hiện tại mà là cho đến không lâu trước đây, nhưng không cần thiết phải làm rõ ra đến mức ấy.

“Vậy thì tốt quá,” cô giáo Ota nói. Hai má bà thoáng ửng đỏ. “Biết được cô ấy đã trưởng thành, có thể sống tự lập và khỏe mạnh tôi cũng thấy yên tâm.”

“Có điều, tôi muốn mạo muội hỏi bà một chuyện này.” Ushikawa nở một nụ cười thuần phác, hỏi: “Hồi học chung, có khả năng nào rằng anh Kawana và cô Aomame có mối quan hệ cá nhân tương đối thân thiết không?”

Cô giáo đan mấy ngón tay vào nhau, ngẫm nghĩ trong giây lát: “Có thể có. Nhưng tôi chưa từng chứng kiến hoặc nghe tin đồn nào như thế. Tôi khó mà tưởng tượng được trong lớp ấy có đứa trẻ nào lại thân thiết với Aomame. Có thể Tengo từng giúp đỡ Aomame lần nào đó, vì cậu ấy là đứa trẻ có tấm lòng tử tế, có tinh thần trách nhiệm. Nhưng cho dù có xảy ra như thế, sợ rằng Aomame cũng không dễ dàng mở cánh cửa trái tim mình. Cô ấy giống như con hàu bám trên vách đá, không dễ dàng mở cái vỏ của mình ra.”

Cô giáo trầm mặc một lát, sau đó bổ sung thêm: “Tôi rất tiếc phải nói rằng hồi ấy thực sự tôi không thể làm gì được cả. Vừa rồi tôi đã nói với ông, hồi đó tôi không có kinh nghiệm, năng lực cũng không đủ.”

“Ý của bà là, giả dụ anh Kawana và cô Aomame có thân thiết với nhau thì nhất định sẽ gây xáo động lớn trong lớp, không thể nào bà không biết được, đúng vậy không?”

Cô giáo Ota gật đầu: “Cả hai bên đều không chấp nhận đối phương.”

Ushikawa cảm ơn: “Cuộc nói chuyện với bà đã giúp ích cho tôi rất nhiều.”

“Chuyện của Aomame không gây bất lợi gì cho việc nhận tài trợ lần này là tốt rồi,” bà ta lo lắng nói, “trong lớp xảy ra vấn đề như thế thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về cô giáo chủ nhiệm là tôi. Không thể trách Tengo, cũng không thể trách Aomame được.”

Ushikawa lắc đầu: “Bà không cần lo lắng. Tôi chẳng qua chỉ đang kiểm chứng những sự thật liên quan đằng sau một tác phẩm văn học thôi. Bà biết đấy, những vấn đề dính dáng đến tôn giáo bao giờ cũng tương đối phức tạp. Anh Kawana là người tài hoa xuất chúng, chẳng bao lâu nữa chắc chắn sẽ có danh tiếng lẫy lừng.”

Nghe y nói vậy, cô giáo Ota nở nụ cười thỏa mãn. Trong đôi mắt nhỏ híp của bà có thứ gì đó phản xạ lại ánh mặt trời, như dòng sông băng trên đỉnh núi xa xa, sáng lấp lóa. Bà ta đang nhớ lại Tengo thuở thiếu niên, Ushikawa thầm nhủ. Đã là chuyện từ hai mươi năm trước, nhưng hẳn bà ta cảm thấy như vừa mới hôm qua thôi.

Lúc đứng đợi xe buýt ra ga Tsudanuma, Ushikawa nhớ lại những thầy cô giáo dạy mình hồi tiểu học. Họ có còn nhớ y không nhỉ? Dẫu còn nhớ chăng nữa, lúc nghĩ về y, trong mắt bọn họ hẳn cũng sẽ không bừng lên ánh thân thiết nào cả.

Những gì đã kiểm chứng được rất gần với giả thiết của Ushikawa. Tengo là học sinh xuất sắc nhất lớp, lại được mọi người yêu mến. Còn Aomame thì bị cô lập, bị cả lớp coi như không khí. Cảnh ngộ hai người cách nhau quá xa, nên Tengo và Aomame gần như không có khả năng thân thiết với nhau. Vả lại, năm lớp năm Aomame đã rời khỏi Ichikawa, chuyển sang trường khác. Mối liên hệ của hai người đã cắt đứt từ thời điểm đó.

Nếu buộc phải tìm ra điểm chung của hai người thời tiểu học, thì chỉ có chuyện bọn họ đều buộc phải nghe theo cha mẹ dù không muốn. Tuy rằng một người đi truyền giáo, một người đi thu tiền, mục đích hoàn toàn khác nhau, nhưng có lẽ cả hai đều cùng cô độc, đều cùng khao khát mạnh mẽ một thứ gì đó. Khao khát thứ gì đó có thể chấp nhận mình, ôm lấy mình một cách vô điều kiện. Ushikawa có thể tưởng tượng ra tâm trạng của họ. Ở chừng mực nào đó, đây cũng là tâm trạng của chính bản thân y.

Được rồi, Ushikawa thầm nghĩ. Y ngồi trên chuyến tàu nhanh từ Tsudanuma về Tokyo, hai tay khoanh lại. Được rồi, tiếp sau đây mình nên làm thế nào? Đã phát hiện ra mấy điểm liên hệ giữa Tengo và Aomame. Những mối liên quan hết sức thú vị. Đáng tiếc là, trước mắt những thứ ấy không thể chứng minh được điều gì cụ thể.

Trước mắt mình đang dựng lên một bức tường cao bằng đá, trên đó có ba cánh cửa, cần phải chọn một trong số đó. Mỗi cửa đều treo một tấm biển tên, một là “Tengo,” một là “Aomame,” một là “Bà chủ nhà ở Azabu.” Aomame đã biến mất tăm tích, tựa làn khói mỏng như người ta nói, không để lại dấu vết nào. Biệt thư Cây Liễu ở Azabu thì đề phòng nghiêm ngặt như két bảo hiểm trong ngân hàng. Phía đó cũng chẳng làm gì được. Vậy, chỉ còn lại một cửa duy nhất.

Chắc là sau đây mình phải dính chặt với Tengo rồi, Ushikawa nghĩ. Chẳng còn lựa chọn nào khác. Quả là một ví dụ hoàn hảo của phép loại suy. Hoàn hảo đến mức thậm chí y còn muốn in ra thành một tập sách nhỏ đẹp đẽ phát cho người đi đường. Làm ơn chú ý, các ông các bà, đây chính là phép loại suy đấy!

Tengo, chàng trẻ tuổi tốt bụng. Nhà toán học kiêm nhà tiểu thuyết. Quán quân Judo kiêm học trò cưng của cô giáo tiểu học. Tạm thời, nhân vật này chính là lối thoát duy nhất để tháo gỡ mớ bòng bong này. Càng nghĩ về nó, lại càng thấy không hiểu gì. Y có cảm giác não mình như thể được làm từ đậu phụ đã quá hạn sử dụng vậy.

Vậy Tengo thì sao? Anh ta phải chăng đã nhìn rõ được bức tranh tổng thể? Không, có lẽ vẫn chưa. Theo Ushikawa, Tengo đang không ngừng thử nghiệm hết lần sai này đến lần hỏng khác, đi vòng vòng quanh đi quẩn lại. Hẳn anh ta cũng đang bối rối không biết phải làm sao, đang xây dựng trong đầu đủ kiểu giả thiết. Nói thì nói vậy, nhưng dẫu sao Tengo cũng là nhà toán học bẩm sinh, anh ta biết cách tập hợp những mảnh ghép nhỏ lại để hoàn thành bức tranh ghép. Vả lại, là người trong cuộc, trong tay anh ta chắc chắn có nhiều mảnh ghép hơn mình.

Tạm thời cứ theo sát động tĩnh của Kawana Tengo mấy ngày. Chắc chắn anh ta sẽ dẫn mình đến đâu đó. Nếu mình may mắn thì không chừng đó chính là nơi ẩn náu của Aomame. Môt trong những mánh lới sở trường của Ushikawa là bám dính vào thứ gì đó, như con cá ép bám vào cá mập. Một khi y đã hạ quyết tâm, dù là ai cũng đừng hòng thoát khỏi y.

Đã quyết định rồi, Ushikawa nhắm mắt lại, tắt công tắc suy nghĩ. Ngủ một lát. Hôm nay y đã liên tiếp ghé thăm hai trường tiểu học chán phèo và gặp hai cô giáo trung niên ở tỉnh Chiba này rồi. Cô hiệu phó xinh đẹp và cô giáo già dáng đi như con cua. Phải thư giãn tinh thần một chút. Không lâu sau, cái đầu to tướng hình dáng kỳ dị của y bắt đầu gục lên gục xuống theo nhịp rung của tàu hỏa, tựa như con búp bê to bằng người thật phun ra những lá thăm chẳng lành trong tiết mục tạp kỹ.

Tàu đông, nhưng chẳng hành khách nào có ý định ngồi xuống cạnh Ushikawa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.