Lão phu nhân đi rồi.
Nhưng đối với Đổng Phi, thì mọi thứ dường như mới chỉ là bắt đầu.
Những lời lão phu nhân nói trước khi đi hình như thiếu rất nhiều. Những lời này Đổng Phi chỗ hiểu, chỗ không. Nhưng dù y rõ hay không thì cũng không thể nói với người khác, mà phải tự mình suy nghĩ.
20 năm trước, khi Đổng Phi nhìn thấy Thành Phương lần đầu tiên đã lập một lời thề.
Cuộc đời này sẽ không phản Hán.
Nhưng ý của lão phu nhân là: Thúc công đã không còn, những gì đã nói ngày trước cũng theo gió mà đi. Nhưng những thứ theo gió mà đi này, liệu có bao gồm cả lời thề kia? Đổng Phi cũng không rõ...
Có điều chắc chắn nãi nãi sẽ không nói lời thừa, nhất định là ẩn giấu thâm ý.
Còn những điều về gia tộc kia Đổng Phi đã suy nghĩ rất lâu trước linh đường nãi nãi, coi như cũng tìm được một chút manh mối.
Nhưng nãi nãi quả thật đã đi rồi.
Những người thế hệ trước đã rủ nhau rời xa nhân thế. Hiện nay thân cận với Đổng Phi cũng chỉ còn lại Lưu Hồng, còn cả Thái Ung lão tiên sinh đã rời xa trung thổ đến nay không biết tung tích kia nữa. Đôi khi Đổng Phi cảm thấy rất hâm mộ Thái Ung.
Khi ra đi lão tiên sinh thoải mái thế nào...
Không cần quan tâm bất cứ điều gì, cứ tự do tự tại đi bộ đường xa, đến phút cuối còn dắt theo một hoàng thái hậu.
Không biết hiện tại lão tiên sinh thế nào?
*********
Theo lễ chế, khi Đổng Phi thỉnh từ Trường An thì sẽ trí sĩ ba năm.
Mặc dù trong lòng Đổng Phi cũng nghĩ vậy, nhưng thực tế lại khác. Đừng thấy Đổng Phi ở Trường An cả ngày không làm gì mà lầm. Chỉ khi y đi người ta mới nhận thấy, việc y ở hay không là hai chuyện hoàn toàn khác biệt.
10 tháng sau khi Đổng Phi rời khỏi Trường An thì Trần Cung gởi thư.
Vào tháng 11, chư hầu Quan Đông hội minh tại Lạc Dương, dường như muốn dụng binh với Quan Trung.
Mặc dù mỗi trạm gác đều có trọng binh phòng vệ, hơn nữa Quan Trung được nghỉ ngơi 1 năm, lương thảo sung túc, binh cường mã tráng, thế nhưng vì Đổng Phi không tọa trấn ở đây, nên đám người Trần Cung không thể nào ổn định thế cục.
Thậm chí ngay đến Tây Hán vương Lưu Biện cũng đã sớm cảm thấy thế cục Trường An đã bắt đầu rung chuyển.
Trong một tháng năm lần phái người thúc Đổng Phi trở về, ngôn từ trong thư cũng vô cùng cấp bách.
Không còn cách nào khác, Đổng Phi sau tám tháng trí sĩ đành phải xuất phát rời Hán An thành, một lần nữa bước trên con đường trở về Trường An.
Khi Đổng Phi từ Hà Tây nhập Lương Châu, thứ sử Lương Châu Trần Đáo đã cung kính chờ đợi ở Tổ Lệ.
- Tại sao chư hầu Quan Đông đột nhiên lại hội minh ở Lạc Dương?
Đổng Phi ngồi trong phủ nha Tổ Lệ, nghi hoặc hỏi Trần Đáo.
Mặc dù mỗi ba ngày Trường An sẽ gửi một công văn đến Tây Châu Hán An thành, thế nhưng Đổng Phi cũng không quá để ý.
Trần Đáo đã qua tuổi 30, so với trước càng thêm trầm ổn.
Hắn phất tay bảo quan lại trong sảnh lui ra ngoài, thoáng cái toàn bộ phòng khách chỉ còn Cự Ma Sĩ và Kĩ Kích sĩ bảo vệ.
- Vào tháng 3 Hứa Xương xảy ra đại sự.
Đổng Phi nhíu mày, khẽ hỏi:
- Hứa Xương xảy ra chuyện gì?
- Phụ quốc tướng quân Phục Hoàn bí mật cấu kết với Lưu Bị Từ Châu, Lưu Biểu Kinh Châu ám sát Tào Tháo.
- Hả?
Đổng Phi nheo mắt.
Phục Hoàn?
Hình như là gia hỏa năm xưa Đổng Phi muốn thay Lưu Biện kết thân, có điều sau đó người này lại chọn Hán đế Lưu Hiệp. Trong diễn nghĩa Phục Hoàn hình như cũng có hành động như vậy, vốn tưởng thực tế sẽ không xảy ra, nhưng không ngờ...
- Vì sao Phục Hoàn ám sát Tào Tháo, kết quả thế nào?
Trần Đáo nói:
- Tào Tháo tự lĩnh thừa tướng, lũng đoạn triều cương. Phục Hoàn và các cựu thần liên quan, gồm cả Hán đế cũng trở thành bù nhìn... Theo Chiêu Hiền lệnh của chúa công: Tào Tháo đang ép thiên tử lệnh chư hầu, khiến đám người Phục Hoàn cảm thấy bất an. Còn kết quả? Ha ha, từ khi đám người Quách Gia bị ám sát, Tào Tháo đã trở nên cực kì cẩn thận.
Xem ra ám sát đã thất bại.
Đổng Phi trong lúc cảm thấy thất vọng thì cũng đồng thời cảm thấy một tia hưng phấn.
Nếu như Tào Mạnh Đức thực sự chết, tuy Đổng Phi sẽ tránh được rất nhiều phiền phức, nhưng cũng vì vậy mà mất đi rất nhiều hứng thú.
Có thể đường đường chính chính đánh bại Tào Tháo mới là kết quả Đổng Phi muốn thấy.
Trải qua 8 tháng suy nghĩ, tư tưởng Đổng Phi đã có biến hóa lớn. Nếu như trước đây y còn cảm thấy một chút lo lắng, sợ hãi đối với ngưu nhân trong lịch sử này, thì hiện tại loại cảm giác sợ hãi này đã biến mất.
Ta từ nơm nớp lo sợ, lo lắng như đi trên băng mỏng, đến nay đã trở thành một chư hầu tay nắm cường binh. Ta đã có thể làm được vậy, sao còn phải sợ hãi các ngươi?
- Chắc hẳn Tào Mạnh Đức sẽ tàn sát một trận.
Trần Đáo cười gật đầu.
Trong các thuộc hạ của Đổng Phi, ngoài Giả Hủ thì người hiểu tính tình Đổng Phi nhất chính là Trần Đáo.
Đổng Phi không thích xem công văn, nhất là trong lúc có đại sự. Trần Đáo rất hiểu tầm quan trọng của lão phu nhân đối với Đổng Phi, đổi lại là hắn sợ rằng cũng không có lòng dạ nào mà đọc.
- Đâu chỉ là tàn sát, mà là máu chảy thành sông... So với thủ đoạn của quân sư lúc ở Trường An thì cũng không kém hơn là mấy.
Đổng Phi trừng mắt, quả nhiên là phong cách của Tào A Man. Trong diễn nghĩa chẳng phải hắn cũng dùng qua thủ đoạn này?
- Nếu đã vậy, Tào Tháo chắc cũng không cần Lạc Dương hội minh.
- Còn chưa kết thúc như vậy... Sau khi đám người Phục Hoàn bị giết, Tào Tháo bức hoàng hậu Phục Thọ tự treo cổ, còn gả đại nữ nhi Tào Tiết cho Hán đế, lập làm hoàng hậu. Sau khi Tào Tiết vào cung, rất nhanh đã tra được một tin tức.
- Tin tức gì?
Trần Đáo khẽ nói:
- Vào lúc Phục Hoàn âm mưu ám sát, Hán đế từng viết một mật chỉ, sai người đưa đến Trường An.
- Cái gì?
Đổng Phi bắt đầu cảm thấy hối hận.
Vì sao lúc trước không chịu đọc công văn? Nếu điều đó là thật thì chắc chắn sẽ nằm trong đống công văn Trần Cung đưa đến trên bàn y.
- Nội dung mật chỉ hiện còn chưa rõ, nhưng Tào Tháo cực kỳ sợ hãi... Lấy danh thiên tử hội minh Lạc Dương, chuẩn bị thay trời chinh phạt. Chúa công, Đáo cho rằng nội dung mật chỉ nhất định cực kỳ quan trọng.
Đổng Phi liếc nhìn Trần Đáo:
- Ta không biết.
Sau đó đột nhiên cười:
- Có điều như vậy cũng thú vị.
- Còn nữa, tháng sáu Điền Dự thượng sớ thỉnh cầu cùng Triệu Vân tướng quân lĩnh quân Bắc phạt, Trần Cung đại nhân cũng đã đồng ý yêu cầu của hắn.
- Bắc phạt?
Đổng Phi mở to hai mắt, ngạc nhiên:
- Tiên Ti đã diệt vong, phương bắc hình như cũng không còn đại địch, Bắc phạt là muốn diệt người nào?
- Điền Dự nói tàn quân Tiên Ti đã tập kết ở phía bắc Vọng Bắc quận, nếu như không nhanh chóng giải quyết thì sớm muộn cũng thành họa lớn. Trần Cung đại nhân sau khi thương nghị đã đồng ý với sớ Điền Dự, Triệu Vân thượng lên. Chỉ là lúc đó chúa công ở Hán An, vì vậy Triệu tướng quân cũng không thể đến Tây Vực chào từ biệt... Cuối tháng 7, hai vị tướng quân đã xuất binh bắc thượng.
Mặt này có lẽ không đơn giản như lời Trần Đáo nói.
Nếu như chỉ là tàn quân Tiên Ti, thì cần gì đến hai người Điền Dự, Triệu Vân xuất thủ? Binh mã Vọng Bắc quận đủ nhiều để giải quyết vấn đề.
Đổng Phi nhắm mắt lại, trầm ngâm suy nghĩ.
- Chúa công, tính thời gian thì quân sư bị giam cũng đã hơn một năm, người xem có nên...
Đổng Phi mở trừng hai mắt:
- Thúc Chí, có một số việc nên nói thì nói, không nên nói thì đừng nói. Giả Hủ đại nghịch bất đạo, có chết trăm lần cũng không rửa hết tội. Cứ để lão thành thật ở Bắc giám, ngươi không cần nói lại.
Trong các bộ khúc, thì Trần Đáo và Giả Hủ có thời gian làm việc với nhau lâu nhất.
Lúc trước khi Đổng Phi giam Giả Hủ, Trần Đáo còn tưởng rằng hai người chỉ là diễn kịch. Nhưng thời gian trôi qua, đám người Trần Cung, Từ Thứ lần lượt chiếm lấy vị trí của Giả Hủ, vì vậy hắn cũng do dự, không biết thật giả thế nào.
Lẽ nào chúa công định giam quân sư cả đời?
Đám người Trần Cung, Từ Thứ tuy có mưu lược, nhưng so với quân sư thì còn kém hơn nhiều. Giam giữ như vậy hình như không thỏa đáng... Trần Đáo vốn định dò xét một chút, nhưng không ngờ Đổng Phi chỉ nói một câu đã khiến hắn á khẩu.
Với hiểu biết của Trần Đáo về Đổng Phi, thì chúa công cũng không phải là hạng người vô tình.
Hay là trong lòng chúa công đã có dự định khác... Mà thôi, nếu chúa công đã nói vậy, tốt hơn hết là không hỏi nữa.
Đổng Phi dừng ở Tổ Lệ hai ngày rồi lại tiếp tục đi.
Dọc đường y cẩn thận xem lại công văn Trần Cung đưa tới tám tháng qua, cho nên với thế cục Quan Trung cũng đã hiểu vài phần.
Trong tám tháng Quan Trung mưa thuận gió hoà.
Thu này lại là một vụ bội thu. Từ Tây Vực đến Sóc Phương, người dân ở những nơi dưới sự cai trị của Đổng Phi ai ai cũng cảm thấy hài lòng.
Cùng với việc dùng các loại kỹ thuật trồng trọt năm đó Đổng Phi nghĩ ra ở Tây Vực, cộng với việc một lượng lớn trâu cày được phân phát, thổ địa Quan Trung đã được khai phá thêm một bước. Cùng lúc đó, trải qua hoàn thiện, máy xay gió, guồng nước cũng đã được đưa vào ứng dụng. Vì vậy Quan Trung lương thực sung túc, đủ để cấp cho 50 vạn đại quân trong ba năm.
Xem ra Cố Ung làm không tệ.
Phương diện chính sự đều do Cố Ung phụ trách, thành tích cũng rất nổi bật.
Nhất là số lượng nhân khẩu Quan Trung đã tăng thêm 3 phần. Lúc trước khi Đổng Phi nhập quan, toàn bộ bao gồm cả Lương Châu to như vậy mà cộng lại cũng chỉ hơn bốn trăm vạn. Mà hôm nay chỉ riêng Tam phụ đã được ba trăm vạn, còn Lương Châu đạt hơn ba trăm ba trăm vạn. Nếu tính thêm cả Tây Vực, Sóc Phương và Vọng Bắc quận, thì nhân khẩu đã được nghìn vạn.
Việc này đối với việc nhân khẩu Quan Đông liên tục giảm sút từ loạn Hoàng Cân quả thật là một tín hiệu vui.
Theo tính toán, nhân khẩu Quan Trung hiện nay đã bằng một phần năm thời Hoàn đế.
Với nhân khẩu như vậy, khi cần Đổng Phi có thể nhanh chóng điều được trăm vạn đại quân, cấp tốc tiến công Quan Đông.
Từ loạn Hoàng Cân đến nay đã được 15 năm.
Với Hán thất mà nói, mười lăm năm này quả thật là một hồi đại họa, mãi đến hiện nay mới khôi phục được một phần nguyên khí.
Đổng Phi cho người sắp xếp lại đống công văn, thở phào một cái.
Tiểu lại bên người Đổng Phi tên là Lý Quỳ.
Lý Quỳ này không phải là Hắc Toàn Phong Lý Quỳ trong Thủy Hử truyện. Hắn vốn họ Giả, tổ phụ (ông nội) là Giả Tập, là người Tương Lăng Hà Đông (đông nam Lâm Phần Sơn Tây), từng đảm nhiệm biệt giá dưới trướng Lý Nho. Con trai của Giả Tập thân thể yếu nhược nhiều bệnh, khi Giả Quỳ sáu tuổi thì ốm chết. Vì vậy Giả Quỳ đi theo Giả Tập, làm việc trong phủ Phiêu Kị tướng quân Đổng Phi.
Khi Lạc Dương đại loạn, Giả Tập tử chiến mà chết.
Giả Quỳ theo đám người Lý Nho lui về Tây Vực, lúc đó hắn mới mười hai tuổi.
Nhưng Lý Nho vẫn nhớ rõ Giả Tập, cho nên rất chiếu cố Giả Quỳ. Lý Nho chỉ có một nữ nhi, mà Đổng Viện vì sinh Lý Thưởng mà không thể sinh dục, còn trông Lý Nho nghiêm ngặt, không cho hắn nạp thiếp.
Vì vậy Lý Nho nhận Giả Quỳ làm nghĩa tử, đổi tên là Lý Quỳ.
Tổ phụ của Lý Quỳ vốn là một người hiểu binh, từng được truyền miệng binh pháp, tương truyền là xuất phát từ Tư Mã Thác thời Tần.
Sau đó lại được Lý Nho chuyên tâm giáo dục, đồng thời lúc bắt đầu mở Tam học thì được đưa thẳng vào Huyện học thụ giáo.
Sau khi xuất sư, đầu tiên Lý Quỳ phục vụ trong quân Từ Vinh một năm, sau đó mới trở lại Hán An thành.
Trước khi Đổng Phi rời Hán An thành, Lý Nho bèn đề cử Lý Quỳ cho Đổng Phi. Tỷ phu đề cử Đổng Phi đương nhiên sẽ không từ chối. Huống chi Lý Quỳ lại xuất thân từ Tam học mà một tay y dựng lên, vì vậy y rất coi trọng hắn.
Đã có rất nhiều người từng làm thủ hạ Đổng Phi.
Đầu tiên là Dương Đạo, Diêm Phố, sau đó là Bàng Thống, Hoàng Tự. So ra thì Lý Quỳ thì càng thêm thực dụng.
Năm nhược quán, Lý Nho vào trước khi Lý Quỳ xuất phát đã ban cho hắn tự Lương Đạo.
Nhìn Lý Quỳ tràn ngập sức sống, Đổng Phi đột nhiên cảm thấy y dường như già rồi...
- Lương Đạo, ngươi thấy thế nào về việc chư hầu hội minh Lạc Dương.
Đổng Phi nhân lúc Lý Quỳ dọn bàn đột nhiên hỏi.
Lý Quỳ ngẩn ra, khẽ nói:
- Theo Quỳ thấy, chư hầu hội minh tuy có dáng dấp Chiến quốc năm đó, nhưng trên thực tế nội bộ khó có thể tin lẫn nhau. Chúa công chỉ cần bảo vệ cho tốt các quan khẩu, nhất định không đầy hai tháng hội minh sẽ tan rã.
Đổng Phi nói:
- Nói thì nói như vậy, nhưng ta vẫn cứ cảm thấy bị động chịu đòn như thế quả thật không thoải mái.
Lý Quỳ cười nói:
- Điều này thì có gì khó? Nếu chư hầu Quan Đông hội minh theo lục quốc, vậy chúa công sao không dùng kế của bạo Tần?
- Ý ngươi là...
- Nếu như chúa công chỉ muốn chấn nhiếp chư hầu thì có thể chọn một phương để chúng nếm mùi thủ đoạn của chúa công. Trương Lỗ Hán Trung có thể hạ thủ.
Hai mắt Đổng Phi nheo lại nhìn Lý Quỳ.
Đột nhiên y mỉm cười...
Xem ra Hắc Toàn Phong này của ta cũng là một người đa mưu túc trí. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng có bản lĩnh. Cách của Lý Quỳ không ngờ lại giống với cách đám người Trần Cung, Từ Thứ, Bàng Thống định ra. Không ngờ lại không mưu mà hợp, không tệ, rất tốt.
Sau khi Lý Quỳ nói xong thì giống như chưa từng xảy ra chuyện gì, hắn cứ cáo từ rời khỏi như bình thường.
Hà, tôi luyện thêm mấy năm nữa, nói không chừng người này lại là một Từ Thứ, Trần Cung ấy chứ. Tỷ phu đề cử người thật tốt.
Đổng Phi đứng dậy rời khỏi phòng.
Còn hai, ba ngày nữa là về đến Trường An...
Cách xa đã được tám tháng, không biết Trường An lúc này trông thế nào?
Điền Dự, Triệu Vân đang bắc phạt. Hạ Tề chấp chưởng lại Khất Hoạt quân, chọn Hách Chiêu làm phó tướng, đóng tại Vọng Bắc quận. Hạ Tề, Hách Chiêu... Tất cả đều là đệ tử của Lư sư, liệu đây có tính là một cách để thực hiện nguyện vọng của Lư Sư chăng?
Kiến An năm thứ 4...
Hà, ta vừa tròn 30...
**********
Bên bờ Ẩm Mã hà có một tòa phật tự nguy nga, đột ngột từ mặt đất mọc lên.
Đây vốn là một bộ phận của hoàng cung Hán thất, có điều từ sau khi Vương Mãng soán vị, Lưu Tú hưng Hán kiến đô ở Lạc Dương thì nơi này không người chăm sóc, dần dần đổ nát hoang tàn. Tuy vậy móng vẫn còn tồn tại, nên sau khi Lưu Biện đứng ra nói rõ với thiếu phủ, chỉ trong ba tháng nơi này lại biến thành phật tự hoàng thất nguy nga.