Đổng Ký không quên mấy tháng trước khi hắn đem thân phận thật sự của Cung Tôn nói với Đổng Phi, Đổng Phi đã kinh hãi thế nào.
Tên Cung Tôn đó vốn tên thật là Lục Tốn, là người Lục gia Lư Giang, trước kia Chu Du phá Lư Giang, Lục gia phải lùi về Giang Hạ. Nhưng thế tộc Kinh Tương bài ngoại làm Lục gia rất khó sống. Vì thế tên Lục Tốn này mới tới Trường An vào quận học, theo ý Đổng Phi, thân thích Lục Tốn không thể giữ lại kẻ nào.
Có điều Lục Tốn đúng là có tài học.
Nếu ngươi thực lòng quy thuận Đổng gia ta, thực lòng với Đại tỷ ta thì thôi, nếu để ta biết ngươi hai lòng, dù phụ vương có tiếc tài hoa của ngươi, ta cũng sẽ lấy mạng ngươi.
Đổng Ký khoát tay, một thiếu niên đi tới:
- Bá Tề, ngươi lập tức thông báo cho Chu Bất Nghi, bảo hắn theo dõi Cung Tôn. Đồng thời tăng cường giám thị Doanh Thích và Hầu Bá, chỉ cần bọn chúng có một hành động lạ nào là bắt ngay cho ta .... À phải, mai ngươi đi tới làm việc cho Triệu thúc.
Triệu thúc ấy chính là Triệu Vân.
Tháng bảy Triệu Vân, Điền Dự đột nhiên dân binh quay về Sóc Phương, khi trước rời Mạc Bắc bọn họ mang đi một vạn quân, nay về mang theo gần mười vạn.
Nghe nói bọn họ sau khi lên phía bắc, không ngừng chinh phạt, một năm trước đã đánh tới một nơi tên là Ô Lạp Nhĩ Sơn (TheUrals), khi về Sóc Phương bọn họ mang theo gần 20 vạn tù binh, trừ dư nghiệt Tiên Ti bỏ chạy lên phía bắc và thổ dân đương địa.
Triệu Vân và Điền Dự trở về làm Đổng Phi mừng rỡ, điều Văn Kính dẫn Lan Trì đại quân tới Hà Nội, chi viện Hoàng Trung, Từ Thứ rồi lệnh Triệu Vân làm tướng quân Lan Trì, Điền Phong làm thái thú Ngư Dương, hiệp trợ Hạ Tề.
Diền Dự vốn là người đại tộc Điền gia Ngư Dương, là nhân tuyển tốt nhất tới Ngư Dương, an bài này làm hắn rất mừng rỡ.
Bá Tề trong miệng Đổng Ký là Quách Hoài, cha Quách Hoài từng làm thái thú Nhạn Môn, là đồng tộc Quách Vĩnh quy thuận Đổng Phi năm xưa. Cha Quách Hoài bị Viên Thiệu giết, làm Quách gia một thời lâm khốn cảnh, người chết như đèn tắt, Lý Giác Quách Tỷ tất nhiên không thèm để ý tới mẹ góa con côi Quách Hoài, làm hai mẹ con sống ở Trường An rất khó khăn.
Tới khi Đổng Phi đánh vào Trường An thì Quách Hoài tròn 10 tuổi, bị bệnh nặng thiếu chút nữa mất mạng.
Mẹ Quách Hoài cùng đường, đi thăm dò ý tứ Quách Vĩnh, cuối cùng cứu được mạng con. Nói ra Quách Vĩnh là thiếu phủ, địa vị liệt vào cửu khanh, nhưng rất trượng nghĩa, không những bảo thái y chữa trị cho Quách Hoài, còn giữ mẹ con họ ở lại trong nhà.
Về sau Quách Hoài tuổi ngày một lớn, vào tam học không kịp nữa, chẳng lẽ bảo hắn học từ Hương học lên? Còn Quách Hoài thì trời sinh thông tuệ, thích binh pháp, mê mưu lược. Vì thế Quách Vĩnh mới xin Đổng Phi cho làm thư tá. Có điều khi ấy Đổng Phi lại không ở Trường An, Trần Cung lại coi trọng Quách Hoài, nên xin với Thái Diễm cho tới, thời gian đó Quách Hoài và Đổng Ký quan hệ rất tốt.
Đổng Ký sau khi nắm Đốc sát viện, lấy lý do không đủ người đòi lại Quách Hoài từ chỗ Trần Cung.
Quách Hoài sau khi theo Đổng Ký tận tâm tận lực, nhưng trong lòng muốn tới quân doanh làm việc, Đổng Ký tuy không đành lòng, song cũng muốn huynh đệ bay cao, vì thế khẩn cầu Đổng Phi cho Quách Hoài tới Lan Trì đại doanh.
Đưa Quách Hoài đi rồi, Đổng Ký tới thẳng thư phòng, theo hiểu biết của hắn thì phụ vương lúc này nhất định ở trong thư phòng, vừa đi vừa nghĩ:" Quân sư nói bước cờ tiếp theo là ý gì nhỉ?”
*********************
Chớp mặt đã qua một năm, cảnh còn người mất.
Lữ Bố hai mai đã có tóc bạc, Xích Thố dần già, Phương thiên hoa kích để trên giá, mất đi ánh sáng ngày nào. Đôi khi trong mơ hắn quay về thời tung hoành chiến trường giữa thiên binh vạn mã, tỉnh rồi chỉ là giấc mộng Nam kha mà thôi, nhớ lại thời ở tái bắc, có lẽ còn sướng hơn bây giờ.
Nay tuy không phải lo cơm ăn áo mặc, tuy không phải lo bị giết trên giường, với người thường mà nói, đây là chuyện mong ước, nhưng với Lữ Bố, đây chẳng khác gì một sự dày vò.
Năm năm rồi, Tào Tháo đãi Lữ Bố rất trọng, làm thái thú Nhữ Nam, xứng với tước vị Ôn hầu. Trong mắt người ngoài đó là sự sủng tín cỡ nào? Phải biết rằng đám Hạ Hầu Đôn, Hứa Chử theo Tào Tháo bao năm cũng chỉ là Đình hầu.
Nhưng Lữ Bố biết, Tào Tháo không tín nhiệm mình.
Một thái thú Nhữ Nam nho nhỏ có là gì, năm xưa hắn là Vệ tướng quân, U Châu mục. Nay ngay cả cơ hội lên chiến trường cũng thành hi vọng xa vời.
Thực ra với địa vị của Lữ Bố, sợ là không ai có thể trọng dụng hắn.
Chẳng vì cái gì, quan tước cũng được, tước vị cũng thế, Lữ Bố đã đạt tới đỉnh phong của võ tướng, còn cao hơn cả Tào Tháo. Người như thế, dù là Đổng Phi cũng không dám tùy tiện dùng. Tào Tháo làm vậy là nhân nghĩa lắm rồi, nhưng Lữ Bố không phục.
Gần như toàn thiên hạ đều biết Tào Tháo từng theo đuổi thiếp thất Lai Oanh Nhi của hắn, thậm chí có tin đồn nói, Lữ Bố có địa vị hôm nay là do dựa vào Lai Oanh Nhi ngủ với Tào Tháo mà có được. Lữ Bố sao nuốt được cục tức này, dù hắn biết đó chỉ là lời đồn, Lai Oanh Nhi từ khi tới Nhữ Nam không rời phủ nửa bước.
Lời đồn như hổ, mà con trai Lữ Hiệt lại chết không nhắm mắt.
Mời đầu Lữ Bố hận Đổng Phi, nhưng sau nhận ra sao trách Đổng Phi được? Con mình tính cách thế nào hắn biết rõ, Lữ Hiệt chết, U Châu cũng chẳng còn ...
May là con gái Lữ Hân ngày một lớn lên thành người, đẹp như hoa như ngọc. Với Lữ Bố mà nói, đây là một loại an ủi.
Đám người Ngụy Tục năm xưa theo Lữ Bố quy thuận Tào Tháo đều đã bay cao, bên cạnh chỉ còn Tào Tính và Cao Thuận lặng lẽ bầu bạn. Lữ Bố lòng cảm kích hai người này, tiếc là không có bản lĩnh mưu cầu lối ra cho bọn họ.
Đốc quân giáo úy Nhữ Nam là Thái Dương, bằng hữu của Tào Tháo, binh quyền Nhữ Nam không nằm trong tay Lữ Bố. Chính vụ thì Lữ Bố mù tịt, phải đề xuất với Tào Tháo cho Điền Trù tới giúp, nhưng Điền Trù không tới mà tới một tên Lưu Diệp, hán thất tông thân đúng nghĩa, còn là thân tín của Tào Tháo.
Lữ Bố chỉ có cái danh thái thú, không có quyền, hắn làm sao không ủ rũ, không uất hận, không nguội lạnh.
Mỗi ngày hắn chỉ biết uống rượu và uống rượu, Tào Tháo nghe nói chẳng giận mà còn gửi tới trăm vò rượu ngon, cho Lữ Bố uống thoải mái. Ý tứ là : Ngươi như thế, ta rất hài lòng, uống đi, uống cho sướng, muốn uống bao nhiêu thì uống, chỉ cần đừng gây thêm phiền phức cho ta."
Lữ Bố không ngốc, sao chẳng hiểu ý Tào Tháo, lòng càng sa sút.
Năm mới, Tào Tháo mở tiệc mừng thu phục quận Bình Nguyên, đuổi Viên Thiệu khỏi Thanh Châu, mời văn võ bá quan tới Hứa Xương. Thái Dương, Lưu Diệp được mời, thậm chí Lai Oanh Nhi cũng được mời, nhưng lại không mời Lữ Bố.
Lữ Bố sao chẳng phẫn nộ?
Nhưng phẫn nộ thì sao nào? Thủ hạ của hắn nay chỉ có 3000 hãm trận doanh, tướng chỉ có Tào Tính, Cao Thuận muốn gây chuyện cũng chẳng được, Nhữ Nam có mấy vạn quân song hắn không thể chỉ huy.
Nghĩ tới đó Lữ Bố sách vò rượu lên tu ừng ừng, say khướt ném vỡ vò rượu, nằm vật ra giường.
Ít nhất trong mơ hắn được cưỡi ngựa vung kích, tung hoành sa trường.
Tỉnh lại đã nhá nhem tối, Lai Oanh Nhi và Nghiêm Thị ngồi bên giường, mặt mày lo âu.
- Cha, cha lại uống say rồi.
Lữ Hân gần mười tuổi, dùng giọng nói non nớt trách Lữ Bố, nhưng trong lòng Lữ Bố lại thấy ấm áp:
- Lần sau cha không say nữa.
- Nhưng lần trước cha cũng nói thế.
- Hân Nhi, không được vô lễ.
Lai Oanh Nhi vội ngăn con lại, nhưng Lữ Bố gạt đi:
- Oanh Nhi, đừng trách Hân Nhi, do ta làm cha mà nói lời nuốt lời.
Nghiêm Thị và Lai Oanh Nhi nhìn khuôn mặt tiều tụy của Lữ Bố chỉ biết thở dài.
Nghiêm Thị nói:
- Phụng Tiên, buối chiều có một người tới phủ cầu kiến, t hiếp thấy chàng say nên không đánh thức, người đó để lại một cái hộp, nói là có người tặng. Thiếp hỏi thứ gì, hắn nói chàng xem là hiểu.
- Ồ.
Lữ Bố nghi hoặc nhìn Nghiêm Thị:
- Hắn không nói từ đâu tới à?
- Không nói, chỉ để lại cái hộp, bảo sáng mai sẽ lại tới thăm.
- Hộp đâu?
Nghiêm Thị vội đi sai hạ nhân mang một cái hộp bọc lụa tới trước mặt Lữ Bố:
- Thiếp cũng chưa xem nó là cái gì?
Lữ Bố nghi hoặc mở vải lụa ra, hộp màu đen có dấu hiệu Cự ma lệnh, là quà của Đổng Phi? Hắn và Đổng Phi từ năm Kiến An thứ hai tới nay không có liên hệ rồi, sao đột nhiên tặng quà? Lữ Bố đưa tay khẽ mở hộp ra.
Lữ Hân phát ra tiếng la hãi hùng.
Trong hộp không ngờ là một cái đầu người, tuy đã để một thời gian, nhưng vì thời tiết, lại thêm có vôi ướp, nên không có mùi nhiều, ngũ quan còn rất rõ ràng. Với Lữ Bố mà nói, hình dạng này cả đời hắn không thể quên.
Hít sâu một hơi, đột nhiên Lữ Bố cười lớn, khóe mắt lại có ánh lệ làm đám Nghiêm Thị ngạc nhiên vô cùng.
- Phụng Tiên, đây là ...
Lữ Bố nghiến răng:
- Đây là tên tặc tử Vệ Cửu, kẻ đầu sỏ giết con trai ta, không ngờ tặc tử ngươi cũng có ngày hôm nay.
Nói rồi tóm lấy cái đầu lâu ném xuống đất.
Lữ Bố khỏe cỡ nào, lại trong lúc nổi giận, làm cái đầu nát bét, Lai Oanh Nhi vội vàng ôm lấy Lữ Hân, không cho nó nhìn.
Chủ nhân của cái đầu người đó là Vệ Ký, truyền nhân duy nhất của Vệ gia Hà Đông, năm xưa đặt bẫy vây công Đổng Phi, giết chết Lữ Hiệt.
Thù hận, oán niệm, phẫn nộ đan xen làm Lữ Bố điên cuồng, hắn nhảy xuống giường, ra sức dẫm lên cái đầu Vệ Ký, miệng chửi luôn mồm.
Thù giết con, hận đoạt thành.
Nếu chẳng phải tại tên Vệ Ký này, hắn đường đường là Ác Hổ phương bắc, sao lại luân lạc tới nước như ngày hôm nay? Chửi xong rồi, phát tiết hả hê rồi, Lữ Bố thở ra một hơi, quát:
- Người đâu, mang đầu tên tặc tử này ra cho chó ăn.
Nhìn Lữ Bố mặt mày tím tái, đám Nghiêm Thị câm như hến.
Rất lâu sau Lai Oanh Nhi mới hoàn hồn, sai người đưa Lữ Hân đã sợ chết khiếp ra khỏi thành, quay về thấy Lữ Bố ôm Nghiêm Thị đang khóc lóc, nhẹ nhàng an ủi nàng.
Lữ Hiệt là con đẻ của Nghiêm Thị.
Trong ký ức của Lai Oanh Nhi, Nghiêm Thị là một nữ nhân vô cùng kiên cường, thậm chi khi tin Lữ Hiệt bị giết truyền về vẫn nén đau thương, trong khoảng thời gian đảo điên đó, Nghiêm Thị có tác dụng không thua kém Cao Thuận. Ngoại trừ không thể dẫn binh ra trận, mâu thuẫn giữa các tướng lĩnh dưới quyền Lữ Bố đều do Nghiêm Thị ra mặt hòa giải, khi đó một số kẻ ý đồ khuyên đám Cao Thuận đi theo Công Tôn Độ, mấy lần bí mật tạo phản, đều bị Nghiêm Thị trấn tĩnh hóa giải.
Vậy mà không ngờ.
Lai Oanh Nhi không nói gì, chỉ ngồi trong phòng làm bạn với Lữ Bố và Nghiêm Thị.
Nghiêm Thị không thẹn là nữ nhi tái ngoại, mau chóng bình tĩnh lại, mắt đỏ hoe hỏi:
- Phụng Tiên, cái này do ai mang tới thế?
Lữ Bộ hơi ngần ngừ rồi nhẹ giọng đáp:
- Đổng Tây Bình.
- Là Bạo Hổ Tây Vực? Sao y lại tốt bụng thế, Phụng Tiên, hai người không phải có ân oán à?
Lữ Bố cười khổ:
- Không phải là ân oán, là y có ân với ta, ta lấy oán báo ân. Năm đó Hiệt Nhi mạo hiểm vào tái bắc, Đổng Tây Bình mang mấy nghìn người đi ứng cứu. Còn ta ... Ôi thôi, chuyện đó nàng cũng biết, khi đó ta làm không đúng.
- Vậy vì sao y lại báo thù cho Hiệt Nhi?
Câu này làm Lữ Bố và Lai Oanh Nhi giật mình.
Đúng thế, vì sao Đổng Phi phải làm thế? Có phải y báo thù cho Lữ Hiệt hay không chưa chắc, Vệ Ký là tí khôn của Công Tôn Độ, Đổng Phi lấy U Châu, chắc chắn phải xử lý Vệ Ký. Chỉ là vì sao y lại sai người đem đầu Đổng Ký tới? Chuyện này không đơn giản, dù không tính hiềm khích cũ, cũng không có lý do để làm thế, trừ khi y có mục đích khác.
Nghiêm Thị tỉnh lại, sắc mặt cực kỳ khó coi:
- Phụng Tiên, hay là chúng ta đem kẻ đưa tin kia ...
Làm động tác chặt đầu.
Lữ Bố vuốt tóc Nghiêm Thị:
- Ta sai trước, nay người ta báo thù cho ta, ta lại giết tín sứ. Lữ Bố này không phải quân tử, nhưng chuyện như thế, làm một lần là đủ rồi.
- Vậy chúng ta phải làm sao?
Lữ Bố nhắm mắt lại trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Nên làm gì thì làm thế ấy, chẳng lẽ sợ y hay sao? Con Bạo Hồ đó ý tứ gì mai sẽ rõ, ha ha ha, xem xem sát thần còn có chiêu gì?
Có lẽ vì thù giết con đã báo, ngữ khí của Lữ Bố đột nhiên thêm một phần hào khí, Nghiêm Thị và Lai Oanh Nghi si ngốc nhìn hắn :" Con Bạo Hổ đó đúng là có ma lực, ít nhất thì Lữ ôn hầu đã quay về rồi."