Lư Thực thở dài:
- Thường có câu, công cao át chủ. Tây Hán vương hiện giờ tin ngươi, nhưng ngươi quanh năm chinh chiến bên ngoài. Khổng phu tử có học sinh tên Tằng Tham, văn chương đạo đức của hắn thiên hạ vô song, về sau có một người cùng tên với hắn phạm tội bị bắt, kết quả bị người ta hiểu lầm, hai ba lần nói cho Tằng mẫu. Một lần, hai lần Tằng mẫu không tin, nhưng tới lần thứ ba ...
Đổng Phi nhớ láng máng câu chuyện này, y hiểu ý Lư Thực rồi. Lưu Biện tín nhiệm y, nhưng y quanh năm không ở bên cạnh Lưu Biện, khó đảm bảo không có kẻ gièm pha. Một lần hai lần, rồi mười lần, nghe nhiều thế nào cũng dao động.
Hiểu con không ai bằng mẹ, , ngay Tằng mẫu còn nghi ngờ con mình nữa là Lưu Biện.
Đổng Phi ngẩng đầu lên:
- Lão sư cứ nói.
Trong lòng Lư Thực rất phức tạp:
- Tây Bình, hiện giờ cả Tây Vực chỉ biết đại đô đốc, nhưng không biết Tây Hán vương, thành đại sự phải biến tiến thoái. Đôi khi ngươi lui một bước, lại là tiến hai bước. Đi đâu về đâu ngươi tự định đoạt đi.
Đổng Phi trừng mắt lên nhìn Lư Thực, hồi lâu không nói.
Lời như thế, nếu từ miệng Giả Hủ hoặc Lý Nho, thậm chí miệng Điển Vi nói ra, tuyệt đối không như vậy.
Thành đại sự? Đại sự gì?
Lùi một bước, tiến hai bước? Tiến tới đâu?
Lưu Thực là người như thế nào? Đổng Phi rõ hơn ai hết, nhớ lại năm xưa ông ta còn nắm binh mã thiên hạ, nhưng vì một chiếu thư của hoàng đế, lập tức một mình tới Lạc Dương.
Bản chất Lư Thực là người cực kỳ trung thành với Hán thất, nhưng hôm nay ông ta nói những lời này không giống một trung thần. Là chuyển biến tư tưởng, khuyến cáo thực lòng hay là thăm dò có dụng tâm?
Lư Thực không nói thêm nữa, chỉ cười khẽ, đứng dậy gọi Lư Dục, không cáo từ đi về, để lại Đổng Phi ngồi một mình trong đại sảnh, nghiền ngẫm những lời đầy thâm ý của Lư Thực.
Đêm đã khuya, gió nhẹ mây mờ, trời trong mát, bầu trời bao la, ngân hà lấp lánh.
Bắc cực tinh sáng khác thường.
Lư Thực ngồi trong xe, nhìn Lư Dục gục trên đùi mình ngắp ngắn ngáp dài, suy nghĩ rối bời.
Những hành động việc làm của Đổng Phi mấy năm qua ở Tây Bắc nói thực rất hợp khẩu vị của ông ta. Lư Thực trung thành với Hán thất, nhưng nội tâm cũng rõ, Hán thất đã tới mức không thể vãn hồi, ông ta có thể trung thành, nhưng con ông ta, chẳng lẽ lớn lên muốn nó làm một trung thần giống mình?
Con người luôn muốn hướng về chỗ tốt.
Lư Thực cũng rõ, cùng với việc Đổng Phi không ngừng thắng lợi, mặc cho quan hệ giữa y và Lưu Biện có tốt đến mấy, rồi sẽ có ngày đứng về phía đối lập với nhau. Tiếp tục ủng hộ Hán thất hay theo Đổng Phi? Lư Thực cũng rất do dự.
Đặc biệt gốc rễ của Đổng Phi đang không ngừng lớn mạnh.
Toàn bộ Tây Vực đúng như Lư Thực nói: Chỉ biết đại đô đốc, không biết Tây Hán vương. Cứ lâu dài như vậy, dù Đổng Phi không có tâm tư, cũng khó tránh được thuộc cấp sẽ không sinh ra lòng dạ khác. Lư Thực nhìn sự việc xa hơn người khác, ông ta không phải người chỉ chìm đắm vào học thuật, không để ý tới chuyện đời như Thái Ung.
Lưu Biện và Đổng Phi sớm muột cũng tan vỡ, nhưng không thể là bây giờ.
Mặc cho nói thế nào, Lưu Biện luôn chiếm đại nghĩa, nếu trở mặt thành thù, Hán thất không còn hi vọng phục hưng.
Lư Thực vẫn mong mỏi Hán thất có thể quật khởi trở lại, nhưng nó phải kiến lập trên cơ sở không có cách trở giữa Đổng Phi và Lưu Biện.
Trong thành Hán An có bao nhiêu người đứng bên cạnh Lưu Biện, có bao nhiêu người đứng bên cạnh Đổng Phi? Lư Thực biết rất rõ.
Ít nhất trước khi thiên hạ được an bình, Lưu Biện và Đổng Phi không thể tan rã.
Nhưng cần phải có một cơ sở, đó là người đứng về phía Lưu Biện không được có gì bất mãn với Đổng Phi. Cho nên hôm nay Lư Thực nói những lời ấy với Đổng Phi thì cũng đã đưa ra quyết định.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Thú huyện đã có quy mô sơ bộ, một tòa thành hùng vĩ đang quật khởi giữa thảo nguyên.
Quy mô Thú huyện không hề thua kém thành Hán An, ở phương diện nào đó, thậm chí còn tốt hơn.
Thành có năm trượng, cực kỳ kiên cố phân là năm cổng, đường chính rải đá răm, trộn lẫn với thứ vật liệu đặc thù do Phí Ốc phát hiện ra, mặt đất rắn chắc có thể cho 20 cỗ xe ngựa cùng đi sóng ngang.
Người ở Thú huyện rất đông, cực kỳ đông, có người Hán tóc đen da vàng, cũng có người Khang Cư da trắng mắt xanh, có người Đại Uyển tướng mạo giống người Ả Rập hậu thế. Ngoài ra nơi này còn có một quần thể đặc thù là tăng nhân.
Quy Tư vốn là một Phật quốc, Quy Tư vương Cao Thiện là giáo đồ Phật, cho nên nuôi dưỡng rất nhiều tăng nhân.
Đổng Phi không hiểu mấy về tôn giáo, cũng không phải là người tin ngưỡng cực đoan, nhưng y chứng kiến khởi nghĩa Thái Bình giáo, thấy tín đồ điên cuồng, một khi bị kích động sẽ thành tai họa.
Cho nên ở vấn đề Tăng Nhân, thái độ của Đổng Phi là áp chế.
Ngươi có thể làm hòa thượng, ngươi có thể thờ Phật Tổ, nhưng có một điều, ngươi không được tiếp nhận bất kỳ cung phụng nào. Nói cách khác, tăng nhân phải tự tìm đường mưu sinh, giống người bình thường phải bôn ba vì ngày ba bữa.
Luật pháp Tây Vực có quy định: Kẻ cung phụng tăng nhân tịch thu toàn bộ gia sản, cả nhà thành nô lệ. Người ra phố hóa duyên cũng bị hình phạt nghiêm khắc.
Khi ban bố luật này, Đổng Phi bị không ít áp lực, thậm chí ngay đám Giả Hủ cũng không hiểu, giáo nghĩa của Phật giáo khuyên người ta làm việc thiện, hướng về phía tích cực.
Cả Thái Diễm cũng phản đối.
- Không phải ta nhắm vào tôn giáo nào đó, mà là tất cả tôn giáo ở Tây Vực đều có đãi ngộ tương đương. Tôn giáo là thứ dễ đầu độc lòng người, có thể biến một người nhút nhát là kẻ điên. Loạn Thái Bình giáo còn rành rành trước mắt. Ngũ Đấu Mễ giáo ở Hán Trung cũng như vậy. Ta không muốn một ai, một gia đình nào nhà tan cửa nát vì những thứ hư vô sau khi chết, nàng có thể tin nó, nhưng phải làm theo ta.
Đổng Phi lấy Thái Bình đạo ra làm dẫn chứng, làm Thái Diễm không nói được gì, dù sao một họa Hoàng Cân cuốn qua Đại Hán, làm dao động căn cơ của Hán thất mới qua đi mười mấy năm, không ít người còn tham dự cuộc biến động đó, nay nhớ lại vẫn chưa hết sợ.
Đó không phải là hồi ức làm người ta vui vẻ.
Cũng chính vì thế trong Thú huyện không có chùa miếu gì cả, tự viện mà người Quy Tư xây biến thành hương học và huyện học, trong mắt Đổng Phi, tam học mới là gốc rễ khiến Tây Vực hưng vượng.
Phủ đô đốc Tây Vực ở trong Mậu Thổ môn.
Cổng thành Thú huyện xây theo ngũ hành, do Lưu Hồng tham dự thiết kế.
Mậu Thổ môn theo lời Lưu Hồng nói là trung tâm Thú huyện.
Phủ chiếm diện tích tám khoảnh, phòng ốc chi chít, lầu đài đình gác xa hoa lộng lẫy.
Giữa mùa hè, cây cối xanh um.
Trong chòi nghỉ mát, Đổng Phi ngồi đối diện với tấm lụa trắng, mặt mày nhăn nhó trầm tư suy nghĩ. Ở bên cạnh, Mi Trinh cười khúc khích cùng ba người Thái Diễm thì thầm nhỏ to. Từ Thứ, Thạch Thao ngồi nghiêm chỉnh, không biết suy nghĩ gì. Lý Nho và Giả Hủ nhìn cảnh đẹp bên ngoài, thi thoảng lại phát ra vài tiếng cảm thán.
Ngoài chòi nghỉ mát, phu nhân Điển Vi là Trâu thị và Tế Từ đang chơi đu.
Mấy đứa trẻ nô đùa trên bãi cỏ, vô ưu vô lo. Điển Vi và mấy võ tướng ngồi nhìn hai đứa bé đấu sức, lúc thì chỉ điểm, lúc thì hò reo trợ uy, còn hai đưa bé kháu khỉnh đang đánh nhau chính là con của Đổng Phi: Đổng Sóc và Đổng Hựu.
Tính tuổi thì Đổng Sóc và Đổng Hựu đều đã năm sáu tuổi rồi.
Tựa hồ kế thừa gen trội của Đổng Phi, hai đứa bé này chẳng những trông giống Đổng Phi mà trời sinh thần lực, so với trẻ cùng tuổi cao hơn ít nhất nửa cái đầu.
Từ lúc ba tuổi, Hoa Đà đã dùng đủ các loại thuốc giúp hai đứa bé có cơ thể khỏe mạnh, còn đem Ngũ cầm dẫn đạo thuật dạy cho chúng.
Lúc này hai con hổ nhỏ đang xoay vấn một chỗ, bất phân thắng bại.
Đổng Sóc lớn hơn một chút, nhưng Đổng Hựu chẳng yếu hơn chút nào.
Hoàng Trung giúp Đổng Sóc, Điển Vi chỉ điểm Đổng Hựu, đám Điển Bình ở bên đánh cược.
Một bức tranh hài hòa mỹ hảo bày ra trước mắt, nhưng Đổng Phi chẳng vui vẻ chút nào, từ Hán An trở về, lời của Lư Thực làm y không sao quên được, không ngờ chuyện này còn chưa giải quyết rắc rối mới lại tới.
Mi Trinh ở Trương Dịch buồn chán liền chạy tới Thú huyện, nói là giải sầu, nhưng nhìn ra được Mi Trinh là túy ông ý không tại rượu. Không biết vì sao, nàng và Từ Thứ rất gần gũi, giữ hai người tựa hồ ..
Mới nghe tin này, Đổng Phi giật này mình, Đan Phúc tiên sinh và Mi phu nhân? Tổ hợp này nghe thật kỳ quái.
Có điều nghĩ kỹ thì Từ Thứ đã 24,25 còn Mi Trinh cũng sắp song thập, tới lúc cưới gả rồi.
Mi Phương ở Hán An bận rộn, người khác cũng vậy, chỉ có Từ Thứ xem ra rất nhàn nhã.
Đương nhiên Đổng Phi không phiền não vì chuyện của Mi Trinh và Từ Thứ, mỗi người có duyên phận riêng, duyên tới đuổi cũng không đi. Nếu hai người họ có ý, cứ để nó phát triển xem thành kết quả gì.
Cam phu nhân thành vợ Sa Sa, Mi phu nhân thành bạn gái Từ Thứ, hình như thù hận của mình với Lưu Bị không thể nào hóa giải nữa rồi.
Phiền não của Đổng Phi do Mi Trinh mang tới, thì ra Tây Vực sản xuất rượu nho, từ thời Tây Hán đã là cống phẩm. Hiện Đổng Phi chiếm Tây Vực, lại có thông đạo Tây Xuyên, có thể cung ứng cho Trung Nguyên một lượng lớn rượu nho, đó là vụ làm ăn lớn, nhưng Mi Trinh thoáng cái đã nhắm vào nó.
Giao cho Mi Trinh tiêu thụ cũng được thôi, nhưng tiểu nha đầu này lòng tham không đáy, muốn Đổng Phi làm bài thơ để quảng cáo.
Cái này cũng giống như quảng cáo ở hậu thế, nhưng vấn đề là Đổng Phi không thể nói những lời như "càng uống càng khỏe" ra ... Ôi làm thơ, đó không phải sở trường của Đổng Phi.
Mà yêu cầu này của Mi Trinh lại được Thái Diễm hưởng ứng:
- Tây Bình, nói ra thì lâu lắm rồi ngươi không làm thơ, nhân cơ hội này làm một bài đi.
- Tỷ tỷ phải biết, văn chương bổn thiên thành ...
- Ta biết, diệu thủ ngẫu đắc chi chứ gì? Có điều ngươi dùng lời này trốn bao năm rồi, giờ nên phải có cảm hứng rồi chứ.
Đám Hoàng Trung, Giả Hủ tới làm khách vô cùng thức thời không tham gia vào đó.
Ngâm thơ làm phủ!
Ai cũng nói cưới một tài nữ là chuyện vui sướng, nhưng ai biết sau khi cưới tài nữ cũng có chua xót không người nào hay?
Vét chữ trong bụng rất lâu, Đổng Phi lóe linh quang, cầm bút viết liền một lèo, sau đó cầm bút đứng dậy:
- Cứ thế đi, ta còn có chuyện thương lượng với các quân sư.
Nói xong kéo Giả Hủ, Lý Nho và Thạch Thao, Từ Thư khỏi chòi nghỉ.
"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi. Túy ngọa sa tràng quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?"
Thái Diễm đọc lại một lần, hai lần rồi ba lần..
Đó là bài Lương Châu Từ của đại thi nhân Vương Hàn thời Đường.
Biên cương đất hoang vu thời tiết khắc nghiệt, quanh năm khẩn trương chấn động, nam nhân ra đi để người ở lại. Thái Diễm nghe rồi nổi lên linh cảm khó tả:
- Người đâu, lấy đàn của ta lại đây.
Ngoài chòi nghỉ có thị nữ vội chạy đi, chẳng bao lâu mang một cái cổ cầm tới.
Trừ năm người Đổng Phi ở bên ao nước bàn việc là không biết, còn tất cả mọi người đều nhìn thấy cảnh này, bất giác quây lấy, yên tĩnh nhìn Thái Diễm. Tài nghệ của nàng ở mặt cầm đạo đã vượt qua Thái Ung, có thể nói là thiên hạ đệ nhất tài nữ, nhưng sau khi tới Trương Dịch, rất ít người thấy nàng cầm đàn nữa.
Nhắm mắt ngưng thần, ngọc chỉ thon thon khẽ khua giây đàn, chỉ nghe những tiếng tinh tinh chuông Đại Lữ, có một vẻ làm người ta rung động. Đó là làn gió tới từ tái ngoại, một làn gió đi qua chém giết thảm liệt, đem tướng sĩ vui vẻ tụ họp lại với nhau. Thái Diễm khẽ hé môi hồng, một khúc Lương Châu Từ phát ra, kết hợp với nhạc luật, giống như tiên âm:
- Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi...
Mọi người nhìn bài thơ viết trên giấy, bất giác cũng ngâm theo.
Giả Hủ nhắm mắt, Lý Nho khẽ vỗ tay theo nhịp, Từ Thứ và Thạch Quảng Nguyên đầu lắc lư, ngâm theo tiếng ca.
- Hay, quả nhiên là thơ hay.
Giả Hủ khẽ than:
- Bài thơ này của chủ công đủ lưu danh muôn đời. Chư hầu vi tư lợi, đấu người sống ta chết, còn chủ công dẫn tướng sĩ mở mang lãnh thổ cho Đại Hán. Đâu đúng đâu sai còn cần giải thích sao? Bài thơ này đã nói hết ảo diệu trong đó rồi "Túy ngọa sa tràng quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!" Người đời cho rằng võ phu thô bỉ, nếu không có máu võ phu đổ xuống, giang sơn xã tắc có vững được không? Thơ hay, đúng là thơ hay.
Lý Nho và Từ Thứ đồng loạt đứng dậy thi lễ với Đổng Phi:
- Chủ công, bài thơ này hơn thiên quân vạn mã của chư hầu. Khà khà, chư hầu thiên hạ mất hết thể diện rồi.
Đổng Phi ngớ người, y chỉ cố nặn ra một bài thơ ứng phó với Mi Trinh, sao kéo cả xã tắc thiên hạ vào rồi.
Đầu óc của cái đám này, thật không biết phải dùng từ gì để hình dung nữa. Có điều đám Giả Hủ nói thế, Đổng Phi thấy bài thơ mà y không biết tên đó đúng là có chút ý vị, không nhịn được cười.
Y càng không nói, lọt vào mắt người ta càng trở nên cao thâm.
Tiếng đàn đã ngưng, Thái Diễm hỏi:
- Tây Bình, bài thơ này tên gì?
- Cái này ... Ta chưa nghĩ ra.
- Bài thơ này là tuyệt tác hay nhất trong các tác phẩm của ngươi đó, ừm, bài thơ này lấy tướng sĩ chinh phạt Tây Vực làm chủ, không bằng gọi là Tây Vực ca đi, được không? Không, không đủ phóng khoáng ... Ừm, Sóc Phương khúc? Hình như có chút thiếu tự nhiên. Cái gì nhỉ ... Phải nghĩ cho kỹ, Trương Dịch từng là biên quận của đại hán, nơi ngươi lập nghiệp ... Thôi, Hà Tây thuộc Lương Châu. Tây Bình ngươi là người Lương Châu, không bằng gọi là Lương Châu phú.
- Phú à? Nghe to tát quá, gọi là Lương Châu Từ đi.
Đổng Phi chỉ thuận miệng đáp, Thái Diễm sáng mắt:
- Lương Châu từ, đúng thế, vừa rồi khúc ca của ta cũng có thể gọi là Lương Châu từ, ta viết lại ngay tặng cho phụ thân. Lương Châu Từ, hi hi hi, thế là cái danh Đổng Lương Châu thuộc về Tây Bình rồi đấy.
Kẻ sĩ ắt phải có nhã hiệu.
Như Trịnh Huyện là Lục kinh bác sĩ, Tư Mã Huy là Thủy Kính tiên sinh, Thái Úc là Thái Phi Bạch, đó là loại tượng trưng cho thân phận và địa vị.
Đổng Lương Châu.
Đây không có nghĩa nói Đổng Phi là Lương Châu mục, mà mang nghĩa y sáng tác ra bài Lương Châu từ.
Thạch Thao gật gù nói nhỏ:
- Chủ công, chuyện người nói trước đó đúng là phiền toái. Tây Vực đại đô đốc hạn chế sự phát triển của chủ công, thuộc hạ có một kế, hợp với mưu tính lấy lui làm tiến của chủ công.
- Quảng Nguyên nói kỹ hơn đi.
- Sao không đem Tây Vực đổi thành châu? Như thế Đại Hán ta có mười ba châu, vừa vặn với mỹ danh mở mang bờ cõi của chủ công. Tây Vực có thể chia làm ba quận, công cáo thiên hạ, dương cao mỹ danh của chủ công.
Đổng Phi không hiểu:
- Quảng Nguyên nói cái này liên quan gì tới lấy lui làm tiến.
- Sao lại không liên quan?
Thạch Thao cười:
- Tây Vực đổi thành châu rồi, chủ công dâng tấu với Tây Hán Vương, từ chức đại đô đốc.
- Từ chức đại đô đốc?
Đồng Phi nhíu mày:
- Từ cũng chẳng sao, chỉ là ai thay đây?
Giả Hủ lên tiếng:
- Đổi Tây Vực thành một châu của Đại Hán, một mặt có thể biểu lộ lòng trung thành với Đại Hán của chúng ta, một mặt khác. Hà hà, nếu như không còn Tây Vực tất nhiên không nên có chức vụ Tây Vực đại đô đốc. Ừm, Tây Vực, Tây châu. Chủ công có thể nhận Tây Châu mục, danh chính ngôn thuận nắm đại quyền binh mã một châu mà không cần lo Tây Hán vương e ngại. Thao tác phức tạp, cần mưu tính kỹ lưỡng.
- Chuyện gấp hiện nay là phải lập quận ở Tây Vực.
Thạch Thao như được gợi mở, thao thao bất tuyệt:
- Lấy Thông Lĩnh làm trung tâm, thiết lập quận Tây An. Lấy Thú huyện làm trung tâm, vùng Thiên Sơn có thể gom vào Thú quận. Lấy Hán An thành làm trung tâm, thiết lập Hán An quận. Thái thú ba quận do tâm phúc của chủ công đảm nhiệm, nhìn thì chủ công mất đi khống chế Tây Vực, thực tế thì ...
Đổng Phi nghe Thạch Thao mưu tính cũng thấy thỏa đáng, ít nhất có thể hóa giải nhiều xung đột giữa y và mưu sĩ của Tây Hán vương phủ, lợi ích lớn hơn thì y chưa nhìn ra. Nhưng làm tốt, nhất định sẽ không ít lợi ích:
- Nếu thế giao cho Quảng Nguyên phụ trách.
Lòng như bỏ được xuống một tảng đá.
(1) Đây là bài Lương Châu Từ của Vương Hàn.
Nguyên tác:
葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催.
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回?
Chiếc ly dạ quang tinh xảo được đổ đầy rượu nho ngon tuyệt
Vừa muốn say sưa một phen thì đột nhiên tiếng tì bà tưng bừng vang từ trên lưng ngựa xuống như thối thúc tướng sĩ cùng can ly.
Dù có sau nằm lăn trên sa trường, mong các vị đừng chê cười,
Trước giờ ngươi đi chinh chiến mấy ai còn sống trở về.
Bản dịch thơ của Trần Trọng San
Rượu bồ – đào, chén dạ quang
Muốn sau, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu.