Ở cái tuổi hai mươi cộng thêm năm năm tròn, Cô Posy Reiling gần như được coi là một cô nàng ế chồng. Có thể đánh giá là cô đã vượt qua giới hạn từ một quý cô trẻ sang một gái già vô vọng ; tuổi hai ba thường được xem là ranh giới tuổi tác nghiệt ngã. Nhưng Posy, như Quý bà Bridgerton (người bảo hộ không chính thức của cô) thường xuyên nhận xét, là một trường hợp vô song.
Trong những năm đầu mới ra mắt, như Quý bà Bridgerton nhấn mạnh, Posy mới chỉ hai mươi, có lẽ hai mốt tuổi đầu thôi.
Eloise Bridgerton, cô con gái chưa chồng lớn nhất của nhà, đã nói huỵch toẹt ra rằng : Mấy năm đầu ra mắt xã hội thượng lưu của Posy là chẳng nên được tính đến và không nên dựa vào mấy năm ấy để đánh giá cô.
Cô em gái ít tuổi nhất của Eloise, Hyacinth, chưa bao giờ là người nói tránh nói giảm cho ai, đơn giản tuyên bố rằng thời gian từ khi Posy mười bảy tuổi đến hai mươi hai tuổi là "hoàn toàn vớ vẩn."
Ở điểm đó Quý bà Bridgerton đã phải thở dài, tự pha cho mình một ly rượu nặng, và lún phịch xuống ghế. Eloise, người có cái mồm cũng sắc nhọn như Hyacinth vậy (nhưng, ơn chúa, đã chín chắn hơn lên), đã bình luận rằng nếu họ không nhanh chóng gả phắt Hyacinth đi cho xong thì mẹ của họ không sớm thì muộn cũng sẽ mắc chứng nghiện rượu mất thôi. Quý bà Bridgerton đã không nhận xét gì trước lời bình phẩm ấy, dù trong đầu bà nghĩ rằng điều đó có thể đúng đấy.
Hyacinth đáng sợ vậy đấy.
Nhưng đây là câu chuyện về Posy. Và như Hyacinth có khuynh hướng quản lấy mọi việc mà cô gái vướng vào... làm ơn xin hãy quên đi Hyacinth trong suốt phần còn lại của câu chuyện này.
Sự thật là, những năm đầu của Posy trong Thị trường Hôn nhân là hoàn toàn bị phí phạm. Đúng là lần đâu tiên ra mắt xã hội của cô là từ hồi cô mới mười bảy. Và, thực sự, cô là con gái kế của Bá tước vùng Penwood đời trước, người đã cẩn thận soạn cho cô một số hồi môn đáng kể trước khi mất đột ngột vào mấy năm sau.
Cô hoàn toàn dễ nhìn, có lẽ là hơi đầy đặn, cô có đầy đủ răng lợi, và đã được nhận xét hơn cả một lần rằng cô có một đôi mắt ánh lên vẻ tốt bụng.
Bất kỳ ai đặt cô lên giấy cũng chẳng thể hiểu tại sao cô lại chẳng hề có một lời cầu hôn nào trong suốt một thời gian dài như vậy.
Nhưng bất kỳ ai đặt cô lên giấy cũng có thể không biết về mẹ của Posy, nữ bá tước Araminta Gunningworth, vợ của bá tước vùng Penwood đời trước.
Araminta là người có một vẻ đẹp lộng lẫy, thậm chí còn đẹp hơn cả cô chị của Posy, Rosamund, người được phù hộ bởi mái tóc vàng hoe, môi chúm chím hồng, mắt biếc xanh da trời.
Araminta là một người có nhiều tham vọng, và hết sức tự hào về việc bà ta từ một người thuộc tầng lớp trung lưu đã trở thành một người thuộc tầng lớp quý tộc. Bà ta đã đi từ một Cô Wincheslea thành Phu nhân Reiling rồi lên Quý bà Penwood, dù nếu nghe bà ta kể, thì ngay từ ngày vừa mới chào đời bà ta đã được ăn thìa bạc rồi. (Ý chỉ từ hồi còn bé bà ta đã quyền quý rồi.)
Nhưng Araminta đã thất bại trong một mặt ; bà ta đã không thể trao cho ngài bá tước một người thừa tự. Điều đó có nghĩa rằng dù bà ta có cái danh Quý bà trong tên, thì bà ta cũng chẳng hề có một lượng quyền lực lớn cho lắm. Cũng như bà ta chẳng có quyền xỏ tay vào số gia tài mà bà ta cảm thấy nó đáng phải là của bà ta.
Và vì vậy bà ta đặt hết mọi hy vọng của bà ta vào Rosamund. Rosamund, người bà ta chắc chắn rằng, sẽ có một cuộc hôn nhân vô cùng đáng giá. Rosamund đẹp đẽ rạng ngời. Rosamund có thể hát và chơi đàn piano rất hay, và dù cô ta không có tài kim chỉ, thì cô ta cũng biết chính xác phải làm thế nào để cấu véo Posy, người khâu vá rất khéo. Và vì Posy không hề thích thú việc bị châm chích, nên Rosamund mới là người có những sản phẩm thêu cực kỳ đẹp và tinh tế.
Trong khi những bài thêu của Posy, luôn không được hoàn thành.
Và vì tiền bạc không hề dồi dào như những gì Araminta muốn những người ngang hàng của bà ta tưởng thế, bà ta hoang phí tiền bạc họ có cho tủ quần áo của Rosamund, những bài học của Rosamund, mọi thứ của Rosamund.
Bà ta tất nhiên không để Posy ăn mặc quá xoàng xĩnh, nhưng, cũng chẳng tiêu xài gì nhiều hơn mức phải thế cho cô cả. Bạn không thể biến một cái túi da bò thành một cái ví lụa, và bạn chắc chắn là cũng chẳng thể biến một Posy thành một Rosamund.
Nhưng.
(Và đây là một chữ nhưng rất lớn đấy.)
Mọi chuyện không quá tốt đẹp với Araminta. Đó là một câu chuyện dài kinh khủng, và là một câu chuyện có lẽ xứng đáng có một cuốn sách cho riêng nó, nhưng chỉ cần nói rằng Araminta đã trộm lấy một khoản hồi môn của một cô gái trẻ, Sophie Beckett, người vô tình chính là con gái ngoài giá thú của ngài bá tước. Bà ta đáng ra sẽ chót lọt với chuyện đó hoàn toàn, bởi ai thèm quan tâm đến một đứa con hoang chứ, ngoại trừ việc Sophie lại tình cờ phải lòng Benedict Bridgerton, con trai thứ của gia đình Bridgerton đã kể trên (và lại là một gia đình có những mối quan hệ cực kỳ rộng rãi).
Điều này chưa đủ để đóng dấu số phận của Araminta, trừ việc Benedict lại quyết định rằng anh ta cũng yêu lại Sophie. Yêu hơi bị điên cuồng luôn. Và trong khi anh ta có thể bỏ qua cho việc biển thủ, thì anh ta chắc chắn là chẳng thể bỏ qua việc Sophie bị tống vào tù (mà đó còn là do lời kết tội sai nữa chứ).
Mọi chuyện trở nên khó khăn cho Sophie thân yêu, kể cả với sự can thiệp của Benedict và mẹ anh ta, người cũng đồng thời là Quý bà Bridgerton được nói đến ở trên. Nhưng rồi ai đã là người xuất hiện và trở thành người hùng của ngày ? Posy đấy.
Posy, người đã bị lờ đi trong suốt cuộc đời cô.
Posy, người dành phải sống nhiều năm trời trong mặc cảm tội lỗi vì đã không đứng lên chống lại mẹ cô.
Posy, người vẫn hơi đầy đặn và chưa bao giờ xinh đẹp được như chị của cô, nhưng là người luôn luôn có đôi mắt tốt bụng tử tế nhất.
Araminta đã đuổi cô ra khỏi nhà ngay lúc đó, nhưng trước khi Posy có thời gian để tự hỏi việc đó là may hay rủi, thì Quý bà Bridgerton đã mời cô đến ở nhà bà cho đến khi nào cô không muốn nữa thì thôi.
Posy có lẽ đã sống hai mươi hai năm trời bị cấu và véo bởi chị cô, nhưng cô không phải là một kẻ ngốc. Cô đã vui lòng nhận lời và thậm chí chẳng còn thèm về nhà để lấy đồ đạc của cô nữa.
Còn về Araminta, chà, bà ta nhanh chóng biết chắc rằng tốt nhất là bà ta không nên có những lời nhận xét với xã hội nào về người sớm là Sophie Bridgerton trừ khi bà ta muốn tuyên bố sự sung sướng và mừng vui tuyệt đối cho cô gái.
Điều mà bà ta không hề làm. Nhưng bà ta cũng chẳng hề đi loanh quanh và gọi cô gái là một đưa con hoang, điều thực sự là tất cả những gì người khác có thể mong đợi từ bà ta.
Tất cả những điều trên là để giải thích (dù phải thừa nhận rằng hơi vòng vo) việc tại sao Quý bà Bridgerton lại trở thành người bảo trợ không chính thức của Posy, và tại sao bà lại coi cô là một trường hợp vô song. Trong tâm tưởng bà, Posy đã không hề thực sự được ra mắt cho đến khi cô đến ở với bà. Dù có hồi môn hay không, có ai trên đời này lại muốn nhìn lại đến lần hai một cô gái trong áo váy chật khít, luôn luôn lủi vào trong góc, làm tất cả những gì có thể để không bị chú ý bởi chính mẹ của mình ?
Và nếu cô vẫn chưa kết hôn ở tuổi hai mươi lăm, thì sao chứ, nó chắc chắn ngang bằng với với tuổi hai mươi của những người khác thôi. Hay đó là những gì Quý bà Bridgerton nói.
Và không ai thực sự muốn sửa lại bà.
Còn Posy, cô thường xuyên nói rằng cô đã không thực sự là 'sống' cho đến khi cô vào trong tù.
Câu này có vẻ đòi hỏi vài lời giải thích, nhưng hầu như những câu nói khác của Posy thường xuyên thế.
Nhưng Posy cũng chẳng để tâm. Nhà Bridgerton thực sự thích lời giải thích của cô. Họ thích cô.
Và còn tốt hơn nữa, cô thích bản thân cô.
Đó là điều quan trọng hơn bất kỳ điều gì cô từng nhận ra.