Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 36: Chương 36




Fenston vươn một cánh tay qua giường và rờ tìm máy điện thoại, mắt ông ta vẫn nhắm nghiền.

“Mẹ kiếp, ai lại gọi vào giờ này thế?”

“Vincent vừa gọi điện”.

“Và lần này cô ta gọi về từ đâu?”, Fenston hỏi, mắt ông ta thình lình mở to.

“Tokyo”.

“Vậy là cô ta đã gặp Nakamura”.

“Chắc chắn là như thế”, Leapman nói, “và tuyên bố là cô ta đã bán được bức tranh”.

“Anh không thể bán thứ mà anh không có”, Fenston vừa nói vừa bật chiếc bóng đèn ở cạnh giường lên. “Cô ta có nói mình sắp đi đâu không?”.

“Đi lấy bức tranh”.

“Cô ta có nói bức tranh để ở đâu không?”.

“Vẫn ở chỗ cũ”, Leapman trả lời. “Vậy thì chắc chắn là ở London”, Fenston nói.

“Sao ngài biết chắc điều đó?”, Leapman hỏi.

“Bởi vì nếu cô ta đã đưa bức tranh tới Bucharest, tại sao lại không đưa nó tới Tokyo? Không, chắc chắn cô ta đã để nó lại London”, Fenston nói, “vẫn ở chỗ cũ”.

“Tôi không dám chắc như thế”, Leapman nói.

“Vậy ông nghĩ nó đang ở đâu?”.

“Ở Bucharest, vẫn ở chỗ cũ, trong chiếc thùng màu đỏ”.

“Không, chiếc thùng chỉ là mồi nhử thôi”.

“Vậy thì làm sao chúng ta có thể tìm được bức tranh?”, Leapman hỏi. “Quá đơn giản”, Fenston nói. “Bây giờ khi Petrescu nghĩ rằng cô ta đã bán được bức tranh cho Nakamura, việc tiếp theo của cô ta sẽ là đi lấy nó. Và lần này Krantz sẽ chờ cô ta, và sau đó cô ta sẽ có một kết cục có một cái gì đó giống Van Gogh. Nhưng trước hết, tôi cần phải gọi một cú điện thoại đã”, ông ta dập máy xuống trước khi Leapman có cơ hội hỏi xem ông ta định gọi cho ai.

***

Anna làm thủ tục ra khỏi khách sạn lúc vừa sau 12 giờ trưa. Cô đi tàu điện để ra sân bay, vì không còn đủ tiền để đi tắc xi. Cô nghĩ rằng một khi cô đã lên tàu điện, người đàn ông kia sẽ bám theo cô, và cô muốn tạo điều kiện dễ dàng cho anh ta. Suy cho cùng, chắc anh ta đã được thông báo về điểm dừng chân tiếp theo của cô.

Điều mà cô không biết là người bám theo cô đang ngồi phía sau cô tám hàng ghế.

Krantz mở tờ báo Shin bui ra, sẵn sàng để đưa nó lên che mặt nếu Petrescu nhìn quanh. Petrescu vẫn ngồi yên.

Đã đến lúc phải gọi điện. Krantz bấm số và chờ cho đến tiếng chuông thứ mười. Khi đầu dây bên kia đã nhấc máy, cô ta vẫn không nói gì. “London”, là từ duy nhất mà Fenston nói trước khi tín hiệu điện thoại tắt. Krantz ném chiếc điện thoại cầm tay ra ngoài cửa sổ, và nhìn theo cho đến khi nó rơi xuống trước một chiếc tàu khác đang chạy tới.

Khi tàu điện dừng lại tại cổng vào sân bay, Anna nhảy xuống và đi thẳng tới quầy bán vé của hãng Hàng không Anh quốc. Cô hỏi giá vé hạng tiết kiệm tới London, cho dù thực ra cô không hề có ý muốn mua vé. Suy cho cùng lúc này cô chỉ còn lại 35 đôla. Nhưng Fenston không thể biết điều đó. Cô kiểm tra bảng báo giờ bay. Có 90 phút giữa hai chuyến bay. Anna chầm chậm đi về phía cửa 91B, và cố gắng để sao cho bất kỳ ai đang bám theo cô sẽ không thể mất dấu cô. Cô ghé vào tất cả các cửa hàng trên lối đi tới cửa khởi hành và tới đó vừa khi mọi người bắt đầu lên máy bay. Cô cẩn thận chọn một chỗ ngồi ở phòng đợi, cạnh một cậu bé. “Những hành khách từ hàng ghế...”, cậu bé kêu toáng lên và bỏ chạy, và bà mẹ cậu ta vội đuổi theo.

Jack chỉ sao nhãng trong một tích tắc, và cô đã biến mất. Cô đã lên máy bay hay đã quay trở lại? Có lẽ cô đã biết rằng có tới hai người đang bám theo mình. Jack nhìn khắp lượt đại sảnh bên dưới anh. Họ đang đón các hành khách hạng thương gia lên máy bay, và chẳng thấy tăm hơi cô đâu. Anh điểm mặt những hành khách còn lại đang ngồi trong sảnh, và chắc chắn anh đã không thể nhận ra người phụ nữ kia nếu cô không sờ lên mái tóc mình. Không còn là một mái tóc vàng cắt ngắn nữa, mà là một mái tóc giả màu đen. Cô trông cũng có vẻ bối rối.

Krantz lưỡng lự khi loa thông báo mời các hành khách hạng nhất lên máy bay. Cô ta bước về phòng vệ sinh dành cho phụ nữ, ngay sau chỗ Anna vừa ngồi. Một lát sau, cô ta trở lại chỗ ngồi. Khi họ thông báo lần cuối để mời tất cả các hành khách còn lại lên máy bay, cô ta là người cuối cùng chìa vé ra.

Jack nhìn theo khi cô ta khuất dần trong lối lên máy bay. Làm sao cô ta có thể biết chắc rằng Anna sẽ bay đi London? Phải chăng anh đã bị cả hai người bọn họ bỏ rơi một lần nữa? Jack đợi cho đến khi cánh cửa đã đóng lại, và cảm thấy buồn bực trước ý nghĩ rằng cả hai người phụ nữ kia đang sắp bay đi London. Nhưng anh vẫn băn khoăn: có một cái gì đó khác lạ ở Anna kể từ khi cô rời khách sạn; có vẻ như cô muốn tạo điều kiện dễ dàng cho những ai muốn theo dõi mình.

Jack đợi cho đến khi nhân viên cuối cùng của hãng Hàng không Anh quốc rời đi. Anh vừa chuẩn bị đi xuống tầng trệt để mua vé chuyến bay tiếp theo tới London thì cánh cửa phòng vệ sinh nam mở ra.

Anna bước ra ngoài.

“Cho tôi nói chuyện với ông Nakamura”.

“Xin phép hỏi tên ngài là gì?”.

“Bryce Fenston, chủ tịch công ty Fenston Finance”.

“Tôi sẽ kiểm tra xem ngài Nakamura có thể nghe máy không, thưa ông Fenston”.

“Ông ấy phải nghe máy”, Fenston nói.

Tín hiệu đường dây yên lặng. Một lát sau, một giọng nói cất lên, “Xin chào, ông Fenston, tôi là Takashi Nakamura, tôi có thể giúp được gì cho ông?”.

“Tôi gọi điện để cảnh báo cho ông biết”.

“Cảnh báo ư?”, Nakamura hỏi.

“Tôi được biết là Petrescu đang tìm cách bán cho ông một bức Van Gogh”.

“Đúng vậy”, Nakamura nói.

“Và cô ta đòi bao nhiêu?”, Fenston hỏi.

“Tôi nghĩ, theo cách nói của người Mỹ, một tay và một chân”.

“Nếu ông ngu ngốc đến mức đồng ý mua bức tranh đó, ông Nakamura ạ, đó sẽ là tay và chân của ông đấy”, Fenston nói, “vì bức tranh ấy là của tôi”.

“Tôi không nghĩ nó là của ông. Tôi nghĩ...”

“Vậy thì ông đã nghĩ sai. Có lẽ ông cũng không biết rằng Petrescu không làm việc cho ngân hàng này nữa”.

“Tiến sỹ Petrescu đã giải thích rất rõ điều đó, thực tế là...”

“Và cô ta có nói với ông rằng mình đã bị đuổi việc không?”.

“Có, cô ta đã nói”.

“Nhưng cô ta có nói rõ nguyên nhân không?”.

“Từng chi tiết”.

“Và ông vẫn cảm thấy có thể làm ăn với cô ta à?”.

“Đúng thế. Thực tế là tôi đang thuyết phục cô ấy tham gia vào ban giám đốc của tôi, với tư cách là giám đốc quỹ của công ty”.

“Bất chấp thực tế là tôi đã sa thải cô ta vì những hành vi không xứng đáng với tư cách cán bộ của một ngân hàng?”

“Không phải là một ngân hàng, mà là ngân hàng của ông”.

“Đừng chơi chữ với tôi”, Fenston nói. “Thế đấy”, Nakamura nói, “vậy thì để tôi nói rõ hơn nhé, nếu Tiến sỹ Petrescu về làm cho công ty này, cô ấy sẽ nhanh chóng thấy rằng chúng tôi không chấp nhận chính sách lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt gia sản của họ, đặc biệt khi đó là những quý bà cao tuổi”.

“Vậy ông nghĩ gì về những thành viên ban giám đốc dám ăn cắp những tài sản trị giá hàng trăm triệu đôla của công ty?”.

“Tôi thấy vui khi ông đánh giá bức tranh cao như thế, bởi vì chủ nhân của nó...”

“Tôi là chủ nhân của nó”, Fenston hét lên, “theo luật pháp bang New York”. “Một thứ luật pháp không có giá trị ở Tokyo”.

“Nhưng không phải là công ty của ông cũng có các văn phòng ở New York hay sao?”.

“Cuối cùng thì chúng ta cũng đã tìm được một điểm để nhất trí với nhau”, Nakamura nói.

“Vậy thì chẳng có lý do gì tôi không cho ông xem một trát tòa ở New York, nếu ông ngu ngốc đến mức cố mua bức tranh của tôi”.

“Và trát tòa ấy sẽ triệu ai?”, Nakamura hỏi.

“Ông muốn nói gì?”, Fenston hét lên trong ống nghe.

“À, tức là các luật sư của tôi sẽ phải tìm hiểu xem họ đang đối mặt với ai. Đó sẽ là Bryce Fenston, chủ tịch công ty Fenston Finance, hay sẽ là Nicu Munteanu, kẻ rửa tiền cho Ceausescu, nhà độc tài quá cố của Romania?”

“Đừng doạ tôi, Nakamura, nếu không tôi sẽ...”

“Bẻ gãy cổ tài xế của tôi?”

“Lần sau sẽ không phải là tài xế của ông nữa đâu”.

Yên lặng một lúc, rồi Nakamura nói: “Vậy thì có thể tôi nên xem lại có nhất thiết phải trả cái giá cao như thế cho bức Van Gogh không”.

“Một quyết định đúng đắn đấy”, Fenston nói.

“Cảm ơn, ông Fenston. Ông đã thuyết phục tôi tin rằng suy cho cùng thì kế hoạch ban đầu của tôi chưa hẳn là những gì hay nhất”.

“Tôi biết cuối cùng ông cũng sẽ tỉnh ra”, Fenston nói và dập máy điện thoại.

***

Khi Anna lên chuyến bay tới Bucharest một giờ sau đó, cô tin rằng mình đã rũ bỏ được người của Fenston. Sau cú điện thoại của cô cho Tina, bọn họ sẽ tin rằng cô đang trên đường tới London để lấy bức tranh, nơi nó vẫn được cất ở chỗ cũ. Đó là một đầu mối mà chắc chắn Fenston và Leapman sẽ không tranh cãi.

Có lẽ cô đã quá cầu kỳ khi bỏ ra nhiều thời gian như vậy tại bàn của hãng Hàng không Anh quốc, rồi sau đó lại đi tới cửa 91B trong khi cô không hề mua vé. Cậu bé kia hoá ra là một phần thưởng dành cho cô, nhưng chính cô cũng ngạc nhiên vì sự ầm ĩ mà cậu ta gây ra khi cô tóm được cậu ta.

Mối lo lắng duy nhất của cô chính là Tina. Vào giờ này ngày mai, Fenston và Leapman chắc chắn sẽ phát hiện ra rằng cô đã lừa bọn họ, và biết rằng cô đã phát hiện ra việc bọn họ nghe trộm các cuộc nói chuyện của cô với Tina. Anna sợ rằng mất việc chỉ là chuyện nhỏ nhất trong những gì sẽ xảy đến với Tina.

Khi máy bay cất cánh rời khỏi đất nước Nhật Bản, đầu óc của Anna lại hướng tới Anton. Cô hy vọng khoảng thời gian ba ngày không phải là quá dài.

Gã sát thủ của Fenston đuổi theo cô dọc theo một con đường rợp bóng cây. Ở cuối con đường là một bức tường đá cao với những hàng rào dây thép gai. Anna biết cô không còn lối thoát. Cô quay lại để đương đầu với kẻ thù của mình, lúc này đã dừng lại và đứng cách cô chỉ vài bộ. Gã người lùn xấu xí rút khẩu súng lục ra khỏi bao, mở khoá an toàn, cười nhăn nhở và chĩa thẳng họng súng vào ngực cô. Cô quay đi và cảm thấy viên đạn đang xuyên qua vai mình... “Bà nên chỉnh đồng hồ, lúc này ở Bucharest là 3 giờ 20 phút chiều”.

Cô giật mình tỉnh dậy. “Hôm nay là ngày bao nhiêu?”, Anna hỏi cô chiêu đãi viên hàng không.

“Thứ Ba, ngày 20, thưa bà”.

20/9

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.