Việc cày ải mùa thu đã chấm dứt. Tôi đã quyết định sẽ không làm lụng quá nhiều trong cánh rừng mùa đông năm nay, chỉ tỉa tót nhăng nhít mấy cành cây thôi. Giờ là lúc tôi bảo dưỡng máy móc. Tôi cũng có thể đổ bê tông một hầm ủ phân mới và sơn lại kho dụng cụ.
Nhưng tôi chẳng làm gì.
Ngày nối ngày, có những lúc tôi từ chuồng bò về đến nhà là buông người xuống băng ghế trong nhà bếp và cứ nằm yên đó, mắt nhìn cắm lên trần nhà. Hễ nhìn ra cửa sổ là tôi lại thấy những thứ còn dang dở. Thỉnh thoảng tôi đọc tờ Nhà nông, cả phần tin tức lẫn những mẩu rao vặt trong mục Gia đình, và tất cả những tin cáo phó ở trang địa phương. Có bắt tay vào việc gì cũng vô ích, chẳng mấy chốc lại đến giờ vắt sữa bò.
Năm năm trước, trong làng còn hai đứa chúng tôi làm nông. Bengt-Gӧran cũng tiếp quản trang trại của ông già, chúng tôi cũng thỉnh thoảng gặp nhau buổi tối để cùng uống chầu bia. Chúng tôi trao đổi với nhau về khả năng nhập hai đàn bò sữa và xây dựng một xưởng vắt sữa độc lập. Nhưng ông anh rể của cậu ta vốn là nhà kinh tế làm việc trong hội đồng địa phương, đã phán rằng thương vụ này cầm chắc thất bại. Sau đó cậu ta gặp Violet, một cô nàng ưa du lịch. Bengt-Gӧran lo ngay ngáy viêc cảnh cô nàng bị mồi chai trên bãi biển mởi những gã rám nắng, ngực lông lá, cổ lủng lẳng dây chuyền vàng với chiếc thánh giá, và trước khi mọi người kịp định thần, cậu ta đã bán đàn bò và bám theo Violet tới những miền nắng gió. Cậu ta chuyển sang nuôi bò thịt, hợp đồng với một tay trên thành phố để hắn chăm lo cho đàn bò khi cậu ta vắng mặt. Vào mùa đông, cậu ta mải miết kiếm tiền với chiếc xe ủi tuyết. Bây giờ tôi hiếm khi gặp cậu ta.
Mùa thu năm ngoái, trước khi biết bệnh tình của mẹ, tối nào tôi cũng lái xe đi thăm thú mọi người. Những người còn bám trụ lại trong làng ấy. Người già mời tôi cà phê và kể lể về bệnh tật của mình, trong khi những người trẻ hơn luôn bận dỗ cho con ngủ hoặc sơn lại tủ bếp. Nhưng mỗi khi có cô em họ hoặc cô bạn vợ đến chơi, họ lại mời tôi dùng bữa tối thứ Sáu để cho đủ cặp. Chúng tôi ăn thịt nai quay, uống vài ly rượu, thỉnh thoảng còn nhảy đầm nữa. Không chóng thì chầy tôi sẽ được bỏ lại cùng với một cô gái, và nếu tôi đủ say, hai đứa chúng tôi sẽ đi kiếm chỗ nào đó để vui vầy một chút, nhưng không bao giờ tiến xa hơn. Mùa thu này, tôi không lấy xe đi đến nhà bạn bè một lần nào, nhưng cũng có mấy người quá bộ đến chơi. Tôi là hàng – xóm – tốt mà lại. Trên trán họ in rành rành như thế. Nhưng cũng có thể tôi chỉ tưởng tượng vậy thôi.
Hôm nọ, lúc tôi đến ngân hàng trong thành phố, tôi gặp cô nàng màu be. Cô ta đi vào thư viện và không mang theo sách, theo như thôi thấy. Tôi tự nhủ có khi cô ta làm việc trong đó cũng nên. Thế rồi…sau khi đã xong việc ở nhà băng, trên đường về đôi chân của tôi tự bước đến cửa kính thư viện. Phải, chúng nó tự đi đấy. Thế là tôi bước vào. Hài không chịu nổi!
Dưới ánh sáng mặt trời chiếu qua mái kính của quầy tiếp tân, tôi hơi chột dạ và kín đáo quay đầu hít thử xem áo khoác của mình có mùi chuồng bò hay không.
Rồi tôi thấy cô ta. Cô ta đang cúi người nói chuyện với một em bé, tay chỉ vào thứ gì đó trong cuốn sách. Cả hai cùng cười.
Tôi tiến lại gần và chạm ngón tay vào vai cô. Cô nàng thẳng người lại, mặt hơi nhăn nhó. Lúc nhìn thấy tôi, cô ta có vẻ luống cuống và hơi sợ. Thật ra tôi cũng đâu có can đảm gì.
- Hơ… chào cô. Cô có… cô có cuốn sách nào về nuôi ong không? – Tôi biến báo, cô không để lộ nụ cười sát thủ của mình.
- Tôi nghĩ là có. À mà… chào anh! – Cô ta chỉ nói vỏn vẹn có thế. – Anh chỉ cần hỏi ngoài quầy tiếp tân. Lúc này đang là giờ nghỉ trưa của tôi.
Kẻ Thất Bại Cấp Quốc Gia thu toàn bộ năng lượng để tung một cú quyết định:
- Cô có muốn… đi thăm nghĩa trang không?
Cô ta nhìn tôi hồi lâu.
- Này, tôi thừa biết anh nói câu này với mọi cô gái. – Cô ta nói, và nở nụ cười của một cô bé đi nghỉ hè.
Từ khoảnh khắc đó, tôi chẳng còn nhớ được gì, nhưng tôi biết không còn gì khó xử hay lạ lùng nữa.
Cô lấy áo choàng, và chúng tôi rời thư viện. Thậm chí tôi còn nhớ là chiếc mũ len xù của cô rất dễ thương. Với mấy cây nấm.
Chúng tôi vào một nhà hàng. Tôi chẳng còn nhớ bọn tôi đã ăn gì hay nói gì. À, có một chuyện. Khi tôi định trả tiền cho cả hai, cô ấy lên tiếng: “Cám ơn anh nhé. Thật đấy. Hôm nay là sinh nhật của tôi. Lần thứ ba mươi lăm. Đây là một món quà dành cho tôi”.
Ngay lập tức tôi hiểu ra vấn đề.
Cô ấy không có món quà nào khác.
Và tôi đã yêu cô ấy mất rồi.
Nó không hẳn là một cú hích. Nó giống như khi tôi chạm vào hàng rào điện nhưng không bị toi mạng thì đúng hơn.