Đám thiên thần hoảng kinh hồn vía,
Rúc cả vào bên Chúa tôn nghiêm:
Chúa ơi, Chúa hãy xem kìa,
Salamite, Sulamit xây cầu ngàn sao!
trích bài thơ Dải Ngân hà của Zacharias Topelius[1]
[1] Zacharias Topelius (1818 – 1898) là nhà thơ người Phần Lan, nổi tiếng với những thi phẩm lãng mạn viết bằng tiếng Thụy Điển.
Rốt cuộc Märta cũng từ Copenhagen trở về. Cô nàng đợi tôi sau giờ làm, trong tay là chiếc túi mua hàng đựng một món đồ lưu niệm: một quả chuông thủy tinh, bên trong có một cặp tình nhân trần truồng bằng nhựa và những bông tuyết giả. Chúng tôi về nhà tôi uống trà và nằm dài trên bộ xa lông.
Märta lảng tránh những câu hỏi của tôi về chuyện hai người họ đã làm gì tại Copenhagen.
- Giờ không phải là lúc để nói chuyện đó. Cậu thừa biết mà!
Thế là tôi làm một bản tường trình tỉ mỉ về tuần lễ vừa qua. Cố giấu giếm bất kỳ chuyện gì với Märta chỉ tổ phí thời gian, vì dù thế nào cô nàng cũng biết cách câu những chú cá mình muốn trong cái bể nội tâm đầy bão táp của tôi.
Tôi kể tất tần tật. Tấm bia đá tầm thường, cái mũ lưỡi trai, tranh thêu chữ thập, phân ruồi và giấy dán tường mốc meo. Märta bĩu môi:
- Tớ không hiểu nổi. Tớ thấy anh ta có tất cả mọi yếu tố để trở thành người bạn đời lý tưởng của cậu, thế mà cậu cứ kêu trời kêu đất chỉ vì vài tiểu tiết nội thất. Mấy tấm tranh thêu chữ thập trên tường thì đã làm sao? Với lại, có phải anh chàng là người thêu chúng đâu. Tớ nghĩ chẳng qua anh ta không muốn bỏ đi những kỷ niệm về bố mẹ. Cậu cứ tưởng nội thất trong bất cứ căn nhà nông thôn Thụy Điển nào cũng giống với tranh vẽ của Carl Larsson chắc?
Tôi im. Quả thực, nếu có bao giờ tôi nghĩ đến những căn nhà nông trại ở Thụy Điển, chắc thể nào tôi cũng hình dung ra thứ gì đó mang phong cách Carl Larsson. Nhà bếp to tướng với ngọn lửa reo vui trong lò, những chiếc nồi đồng trên bếp, các khoanh bánh mì treo trên một thanh sào bên dưới trần nhà. Bị chạm nọc, tôi cao giọng:
- Nhưng cậu cũng thừa biết giống tớ rằng đó không chỉ là những tiểu tiết! Đó là hai phong cách sống va chạm nhau! Tranh thêu chữ thập không bao giờ được bước qua cửa nhà tớ, và tớ nghĩ anh ấy cũng không đời nào chấp nhận tranh của Kathe Kollwitz ở nhà mình. Cậu phải công nhận đây không chỉ đơn thuần là vấn đề sở thích nữa!
- Thế thì, tại sao cậu lại treo cái áp phích có hình cặp đôi nam nữ trong vỏ sò lên tường nào? – Cô nàng hỏi móc.
- Tại vì anh ấy đã làm tớ rất sung sướng... – Tôi thì thầm.
Märta gục gặc đầu ra vẻ đã hiểu.
- Nhưng nói thật nhá, liệu cậu có hình dung nổi tớ ngồi trên một chiếc ghế đẩu ba chân, xô sữa kẹp giữa hai đùi không?
- Trời ạ, cậu có đến nhà anh ta để phỏng vấn xin việc đâu! – Märta gầm lên. – Anh chàng này đã cho cậu một đêm tuyệt vời nhất kể từ hàng chục năm qua, thậm chí có thể là từ khi cậu sinh ra nữa kìa. Anh ta lại còn làm cậu cười được, thế là đã hơn chán vạn lần ông chồng đam mê chim chóc cậu từng có. Thế thì mấy cục phân ruồi kia có đáng là gì hả? Cậu là đồ hèn! Phải biết chớp thời cơ trước khi quá muộn, không thì cậu đi mà vùi đầu vào cái chăn lông tinh tươm của cậu ấy!
- Thế tớ phải làm gì đây? Tớ còn chẳng biết anh ấy nghĩ gì nữa. Anh ấy bặt vô âm tín rồi.
Märta vung vẩy quả chuông có cặp đôi trong bão tuyết.
- Được rồi, bây giờ cậu cầm lấy cái này, đem theo một ít bia Tuborg, cậu biết rồi đấy, rồi mua một hộp thịt viên đông lạnh, và tối mai cậu đến đó để làm anh chàng bất ngờ. Anh ta đã đi bước đầu tiên rồi, bây giờ đến phiên cậu, nếu cậu không muốn mọi chuyện xôi hỏng bỏng không. Lấy xe của tớ mà đi!
Bỗng nhiên, câu chuyện của Salamite và Sulamit hiện lên trong đầu tôi. Đó là hai nhân vật chính trong bài thơ Dải Ngân hà của Zacharias Topelius mà hồi bé tôi rất yêu thích dù không hiểu hết. Tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ này nhờ sự giúp đỡ của mẹ. Bà rất tự hào khi để tôi đứng trên bàn và đọc làu làu cả bài cho các cô bạn rảnh rỗi không biết làm gì của bà nghe.
Salamite và Sulamit là một cặp đôi sống ở hai ngôi sao xa cách và yêu nhau đến nỗi họ xây một chiếc cầu bằng các vì tinh tú bắc qua bầu trời. Tự dưng tôi hình dung ra Benny và tôi cùng bước về phía nhau: Benny cẩn thận dùng bay trét vữa để gắn các vì sao với nhau, còn tôi thì cố nhảy từ ngôi sao này sang ngôi sao khác, giống như người ta nhảy qua các tảng băng trôi nổi trên một mặt hồ.
Những lời tư vấn của Märta không phải lúc nào cũng đúng, nhưng thường thì chúng là cú huých để mọi việc tiến triển. Tối ngày hôm sau, tôi nhét vào chiếc giỏ mây vài lon bia Tuborg, gói thịt viên đông lạnh, món khoai tây trộn sẵn và một chiếc bánh dâu rừng mua ngoài tiệm. Quả chuông với cặp tình nhân trong bão tuyết của Märta được bọc trong một lớp giấy gói ánh vàng. Rồi tôi lấy xe hơi phóng thẳng đến nhà Benny.
Không có ai trả lời khi tôi gõ cửa. Tuy vậy, cửa không khóa và trong bếp có ánh sáng hắt ra, nên tôi bước vào nhà. Bóng đèn tuýp kêu ro ro trong khi một chiếc đài màu đen to tướng nằm án ngữ trên bàn đang ra rả phát kênh mua sắm. Tôi chuyển sang kênh dự báo thời tiết biển và bắt tay vào dọn dẹp. Chẳng mấy chốc, không gian phía sau những tấm rèm cửa luộm thuộm có gắn các túp bông bắt đầu dễ chịu hẳn. Tôi lấy chiếc đĩa có đóng đầy cặn cháo khô trên bàn và nhúng ngập vào nước trong bồn rửa bát cùng với một chiếc khác đã dập dền sẵn trong đó. Sau đó tôi lục trong chạn để tìm chén đĩa và dao nĩa. Tôi lôi từ trong tủ buýpphê ở phòng khách ra một tấm khăn trải bàn thêu tay, và bắt đầu làm nóng món thịt viên trên một chiếc chảo sắp hỏng. Khi tôi nghe thấy những bước chân nặng nề nơi cầu thang dẫn xuống hầm, tự dưng tôi có cảm giác “đã từng thấy”. Chuyện này đã từng xảy ra.
- Ôi trời đất ơi...
Anh khựng lại nơi ngưỡng cửa, trên người vẫn còn khoác bộ quần áo lao động. Rồi anh lao qua căn phòng làm rơm rác và bụi đất bay tung tóe, anh vòng tay ôm ghì lấy tôi.
- Ồ, cả thịt viên nữa cơ à? – Anh trêu tôi. – Em đã tự làm chúng đấy hả, cô nàng be bé xinh xinh của anh?
- Anh đừng có chắc mẩm là chuyện này sẽ trở thành thói quen đấy nhé! – Tôi khẽ nói, áp mũi vào chiếc áo khoác màu cam bốc mùi chuồng bò của anh.