Anh Hùng Bắc Cương

Chương 25: Chương 25: Trên Đỉnh Tản-viên




Trên đỉnh Tản-viên --- -

Lê Văn chỉ vào túi mình:

- Em mang theo rất nhiều Hàn-ngọc đan. Để em đi trước. Gặp chuyện gì bất trắc, em dùng thuốc tự vệ hay hơn là dụng võ.

Nó lách người lên đầu. Tiếp theo Tự-Mai.

- Cẩn thận dò từng bước!

Thiệu-Cực dặn các em:

- Đường lên đỉnh núi Tản-viên có đến ba ngách khác nhau. Con đường này rất bí mật, chỉ chưởng môn phái Tản-viên mới biết mà thôi. Hôm trước Bảo-Hoà chỉ cho anh.

Bốn người tiếp tục theo những bậc thang, leo lên. Lát sau, có ánh sáng lùa vào. Rồi tiếng ào ào như thác nước chảy phía bên ngoài. Mùi ẩm ướt xông lên rất khó chịu. Những giọt nước từ vách đá rơi xuống lách tách. Vách đá đầy những hình kỳ dị nghìn hình vạn trạng. Ánh sáng ngọn bổi chiếu trên thạch nhũ phản chiếu long lanh như đêm trăng đầy sao.

Đi thêm đoạn nữa, Lê Văn dừng bước, nó quay lại hỏi Thiệu-Cực:

- Hang cùng rồi. Phía trước chỉ có một lỗ, con mèo may mới chui lọt. Đỉnh núi này cao nhất vùng, tại sao còn có tiếng thác nước chảy. Kể cũng lạ?

Thiệu-Cực cầm bổi lên soi. Chàng nhớ ra điều gì:

- Phải rồi, cửa hang mật thông với đỉnh núi. Phía trước khoảng ba trượng có cây đề, lớn ước năm người ôm. Nó như tấm mành mành che khuất, nên dù người sống trên Tản-lĩnh cũng khó mà biết rằng sau gốc bồ đề có đường hầm. Tiếng ào ào vọng vào chắc không phải tiếng thác, mà là tiếng gió thổi làm lá bồ đề bật thành tiếng reo đấy thôi. Cửa này bị lấp mất lối. Phải gỡ mấy tảng đá mới ra được.

Quả đúng như Thiệu-Cực nói, cửa hang được lấp bởi những tảng đá khá lớn. Lê Văn gỡ tảng thứ nhất không khó khăn gì. Nó gỡ tảng thứ nhì, rồi ba. Đến tảng thứ mười tám, thì mở ra cửa lớn. Không khí trong lành lùa vào hang. Mấy anh em cảm thấy dễ chịu, họ hít một hơi dài, cùng bật lên tiếng hoan hô. Gốc cây bồ đề to ước ba người ôm như tấm mành che cửa, thành ra đứng trong hang không nhìn thấy bên ngoài.

Lê Văn tung mình toan chui ra khỏi hang. Thiệu-Cực túm áo nó kéo lại:

- Khoan! Để hai con sói ra trước dò đường đã.

Chàng huýt sáo một tiếng. Hai con sói vọt mình tiến lên. Nó ngừng lại ở cửa hang đánh hơi mấy cái rồi chui ra, biến mình vào trong đám mây trắng mờ mờ bên ngoài. Lát sau chúng trở lại vẫy đuôi mừng.

Biết vô sự, Lê Văn lách mình ra trước. Nó núp vào gốc cây cổ thụ quan sát: Đỉnh núi có khu đất bằng phẳng ước hơn ba mẫu. Giữa khoảnh đất, toạ lạc căn nhà. Nửa dưới bằng đá xếp lại. Nửa trên bằng gỗ hun khói đen. Xung quanh, một vườn hoa, với hàng trăm thứ hoa thơm cỏ lạ, mầu sắc sặc sỡ.

Chợt nó rùng mình rên:

- Lạnh quá.

Mây trắng bàng bạc trôi, che lấp Tản-lĩnh. Thành ra khó có thể thấy toàn bộ xung quanh.

Nó dơ tay lại sau vẫy mấy cái. Thiệu-Cực cùng Tự-Mai, Tôn Đản ra theo.

Thình lình có tiếng quát tháo, rồi tiếng vũ khí chạm nhau kêu loảng xoảng đâu đó vọng lại.

Tự-Mai đoán:

- Dường như có cuộc giao tranh thì phải. Không biết ai với ai đang đấu chiến?

Gió đưa mùi hôi nồng nặc xông ra, rồi có tiếng gầm gừ. Hai con cọp mun nhe răng tiến lại. Lê Văn, Tự-Mai vận công, chuẩn bị đả hổ. Bỗng Thiệu-Cực cũng gầm gừ như hổ mấy tiếng. Hai con hổ nghe tiếng Thiệu-Cực, chúng ngừng lại quan sát. Khi nhìn thấy chàng, chúng lao mình đến, vẫy đuôi mừng như chó. Thiệu-Cực ôm đầu chúng, tỏ vẻ thân ái.

Tự-Mai hỏi:

- Cọp này quen với anh chăng?

- Đúng thế. Chúng thuộc đội hổ binh canh núi Tản-viên. Hơn năm trước bị mất tích. Anh cho rằng chúng đi lạc vào rừng, không ngờ chúng lại ở đây.

Tôn Đản xua tay:

- Em nghi chúng bị người ta bắt trộm e đúng hơn! Anh hỏi chúng xem!

- Hỏi vấn đề khó khăn như vậy, chúng không biết trả lời đâu. Vả hùm này khôn hơn người. Người ta có thể giết chúng, chứ không bắt được đâu. Chúng ta cần dò la xem, sự thể ra sao?

Chợt chàng à lên một tiếng lớn:

- Phải rồi, không ai bắt chúng cả. Nguyên hai con hổ này luôn theo bên cạnh Bảo-Hoà. Hồi Bảo-Hoà lên làm chưởng môn phái Tản-viên, chắc dẫn chúng theo. Nay, hẳn vì vắng Bảo-Hoà, chúng đánh hơi lên đây tìm chủ mà thôi.

Lại có tiếng reo hò, rồi tiếng vũ khí chạm nhau.

Thiệu-Cực vẫy tay chỉ vào ngôi nhà ra lệnh cho con sói. Nó băng mình tới. Chàng bảo các em:

- Anh với Tự-Mai thám thính bên trái căn nhà. Đản với Lê Văn thám thính bên phải. Tuyệt đối không nên dụng võ. Trên trời ta có chim ưng tuần phòng. Nó luôn lao xuống phía sau căn nhà. Vậy tại đó ắt có sự gì kỳ quái chứ không bình thường đâu. Phải cẩn thận. Để anh bảo cặp hùm đi hộ vệ.

Lê Văn, Tôn Đản men theo những bụi hoa, lần đến phía phải căn nhà. Căn nhà khá đồ sộ. Nửa dưới xây bằng những tảng đá xanh xếp vào nhau, khít khao đến độ mới nhìn qua, tưởng như một vách thiên tạo. Cửa chính rộng đến hơn hai trượng. Cánh cửa mở rộng. Trên cánh cửa, tạc hình nổi. Liếc qua Tôn Đản thấy nhiều hình người, hình trâu, sống động như thực. Các cửa sổ mở rộng.

Nó nghĩ thầm:

- Bố ta thường nói: Tổ sư Sơn-Tinh xuất thân nông dân, cùng tiều phu. Nay cứ nhìn hình này thì rõ. Không biết cửa chạm trổ từ bao giờ, mà nét đẹp đến thế kia? Làm sao mang gỗ lim, gỗ gụ từ dưới lên đây xây cất? Đỉnh núi cao quá, mây che khuất, người dân đứng dưới nhìn, khi thấy ngôi nhà, khi không. Vì vậy ca dao bình dân nói rằng đỉnh núi Tản có thành do tiên xây là thế. Hôm nay mình mới được biết sự thực.

Nó nhớ lại lời Hồng-Sơn đại phu nói:

- Tản-lĩnh là nơi linh thiêng nhất Lĩnh-Nam. Xưa Cao Biền đi khắp non cùng, thủy tận ếm, phá hết các thế đất linh. Chỉ có hai nơi y không làm nổi. Một là thế đất Cổ-pháp được phái Tiêu-sơn bảo vệ, sau táng tổ tiên họ Lý. Do vậy họ Lý lên làm vua trong hơn hai trăm năm. Còn thần Tản-viên nức tiếng linh. Cao Biền yểm không xong, hút nữa bỏ mạng.

Quan sát tầng trên bằng gỗ gụ đen bóng. Mái lợp ngói tráng men xanh. Lê Văn nói nhỏ:

- Bố em thường nói: Căn nhà trên đỉnh núi Tản do tổ sư Sơn-Tinh dùng biết bao tâm huyết cùng đệ tử kiến tạo. Lúc đầu ngài cùng công chúa Mỵ-Nương hưởng thanh phúc. Sau khi ngài qua đời, đệ tử dùng làm tổng đàn thờ cúng người. Căn nhà này trải qua hơn nghìn năm, không biết đã phải tu bổ bao nhiêu lần, mà vẫn con đẹp thế này?

Có tiếng nói vọng ra. Hai đứa trẻ vội tới sát cửa sổ, ghé mắt nhìn vào. Trong căn phòng lớn, trang trí cực kỳ uy nghiêm. Giữa phòng, một pho tượng lớn, bằng đồng đen bóng loáng. Pho tượng tạc hình một tiều phu ngồi bên con trâu trong tư thế nằm. Người tiều phu tay cầm búa, tay để lên u trâu, chân duỗi, chân co.

Không ai bảo ai, hai trẻ đều biết đó là tượng thánh Tản. Chúng đưa mắt quan sát, lòng đầy tự hào:

- Đất Việt mình quả thực địa linh. Nơi nơi đều có linh thần bảo quốc. Thánh Tản ngự trên này, ngài phóng tầm mắt nhìn khắp Hoa-Nam, nhất cử nhất động của Bắc phương ngài đều thấy rõ.

Lại có tiếng reo:

- Lão già Đặng Đại-Khê kia! Mi chịu thua đi thôi! Hay mi muốn lão gia hóa kiếp cho mi.

Tiếng nói ấm ớ, tỏ ra không phải do người Việt phát âm. Tự-Mai, Thiệu-Cực cũng đã đến bên Tôn Đản, Lê Văn. Tự-Mai chỉ phía sau căn nhà:

- Dường như Đặng sư bá đang giao chiến với ai! Không biết bọn ấy thuộc loại người nào, mà dám buông lời nhục mạ Đặng sư bá.

Bốn người vòng ra phía sau. Quả nhiên trên khoảng đất bằng phẳng, dùng làm sân luyện võ. Trong sân chia ra hai nhóm người đứng đối diện nhau. Mỗi nhóm đều có tăng, tục, nam, nữ. Họ đeo nhiều thứ vũ khí kỳ dị. Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn nhận ra một nhóm thuộc phái Tản-viên. Trong nhóm, có Đào Nhị-Bách, Đào Tam-Bách. Phân nửa đám đệ tử Tản-viên đã tham dự đại hội Lộc-hà, nên chúng quen mặt. Họ cũng nhận ra chúng. Còn nhóm kia trang phục theo người Tống. Giữa đám Tống, hai người mặc quần áo Việt. Đó là mụ già Anh-Tần, hội trưởng hội Vu-sơn vùng Yến-vĩ sương-sen. Cạnh mụ, một tên nữa, làm Tự-Mai, Tôn Đản nhìn nhau cười, chính thị gã Nguyễn Qúy-Toàn.

Lạ một điều, giữa đám võ lâm Tống, có một người mặc theo lối quan lại.

Hai nhóm người chăm chú theo dõi trận đấu giữa sân. Hai đối thủ đang vận công đấu nội lực. Tự-Mai nhận ra một người chính là Đặng Đại-Khê. Một người nữa tuổi cũng khá già, râu tóc bạc phơ, oai phong lẫm lẫm, nó không biết rõ căn cước.

Mọi người chú tâm đến trận đấu, nên bốn đứa trẻ đến, mà không ai chú ý.

Bọn Tự-Mai đứng vào với phái Tản-viên.

Đặng Đại-Khê hiển uy thần lực, mặt đỏ như uống rượu. Còn lão già kia, râu tóc dựng đứng. Trên đầu lão có khói bốc lên.

Một mụ già trong nhóm Tống quát lên the thé:

- Lão Đặng Đại-Khê kia! Người không phải đối thủ của Nam-Sơn lão nhân phái Hoa-sơn đâu. Mi mau quỳ gối xin hàng, lão nhân gia sẽ thu làm đệ tử.

Mụ vừa dứt lời, chính Nam-Sơn lão nhân lùi liền hai bước. Vì vậy, mụ ngậm mồm, không nói thêm gì nữa.

Qua một vài khắc, thình lình Đặng Đại-Khê lùi liền ba bước. Rồi tay trái chĩa thẳng vào mặt Nam-Sơn lão nhân điểm một chỉ. Nam-Sơn lão nhân thấy chỉ của Đại-Khê chĩa vào ngực, y kinh hoảng, nội lực yếu đi. Tay trái y từ tư đưa ra gạt chỉ của Đại-Khê. Chỉ của Đại-Khê trúng giữa cườm tay lão. Lão choáng váng bật lui, rồi oẹ một tiếng, miệng phun máu có vòi, người lộn đi ba vòng, nằm bất động.

Một người trong nhóm đối diện chạy ra bồng lão về. Một người khác, tuổi khoảng năm mươi bước ra hướng Đại-Khê xá một xá:

- Đặng tiên sinh quả xứng danh đứng trong Đại-Việt ngũ-long, một lúc đả bại Bắc-Sơn, Nam-Sơn trong Hoa-sơn tứ lão. Lão phu Tây-Sơn, xin Đặng đại hiệp chỉ điểm cho mấy cao chiêu.

Đặng Đại-Khê dường như mệt mỏi quá rồi. Lão lảo đảo muốn ngã. Tuy vậy lão vẫn cất tiếng nói rất hùng dũng:

- Bình thường Đặng Đại-Khê này có coi bọn Hoa-Sơn tứ lão ra cái gì đâu? Chẳng qua hôm nay, một mình ta phải đấu với ba người bên Hoa-Sơn các ngươi, nên sức cùng lực kiệt mà thôi. Lại đây, lại đây, chúng ta đấu nữa.

Đám đệ tử Tản-viên nhận ra Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn.

Tôn Đản hỏi Đào Nhị-Bách:

- Đào trưởng lão. Tôi nghe nói anh Thiệu-Thái cử trưởng lão đi Đại-lý, lo sắp xếp lại Lạc-long giáo. Tại sao trưởng lão cũng hiện diện ở đây? Kìa cả trưởng lão Tam-Bách nữa, người chẳng được cử đi Quảng-Tây sao? Bọn Hoa-sơn đến làm gì vậy? Lý do nào có cuộc đấu này?

- Khoảng hơn tháng trước, tôi vừa chỉnh đốn xong việc bản giáo ở Đại-lý thì nhận được thư của sư tỷ chưởng môn Bảo-Hoà cho biết các biên thần nhà Tồng đang có âm mưu bất lợi cho bản môn. Vì vậy người truyền lệnh tôi tạm lĩnh quyền chưởng môn. Tam đệ cũng nhận được thư, phải rời Quảng-Tây về tổng đàn gấp.

Y nghiến răng:

- Tôi về tới nơi, nhận được thư của chưởng môn phái Hoa-sơn, tên Bắc-Sơn lão nhân xin bái sơn vào ngày hôm nay. Trong thư nói rõ, nhân đệ tử Hoa-sơn Nam du, nên ghé thăm tổng đàn phái Tản-viên. Vì chưởng môn, sư tỷ Bảo-Hoà vắng mặt, tôi phải thay thế, chuẩn bị tiếp khách. Tôi cho triệu tập một số anh em tới tổng đàn nghênh tiếp võ lâm đồng đạo.

Tam-Bách tiếp lời anh:

- Bọn Hoa-sơn hẹn giờ Ngọ tới chân núi. Sư huynh cho người xuống tiếp lên. Không ngờ giờ Tỵ, chúng tôi ăn cơm, đều bị trúng độc, chân tay mất hết lực. Rồi thình lình bọn này xuất hiện. Chúng được cầm đầu bởi Hoa-sơn tứ lão, cùng thất hùng.

Tôn Đản ngắt lời:

-- Phái Hoa-sơn có tứ lão. Nhưng Đông-Sơn lão nhân cùng đệ tử Dư Tĩnh, Địch Thanh đang theo Bình-Nam vương Triệu Thành. Có đâu lão cũng ở đây?

- Đúng thế. Chúng nêu danh Hoa-sơn tứ lão, nhưng chỉ có tam lão. Còn thất hùng đủ mặt. Mụ già đầu bạc kia tên Chu Chiếu-Anh. Đạo cô áo trắng tên Vương Lệ-Ngọc. Mụ béo ị tên Giáp Kim-Quy. Sư ni kia tên Trí-Thành. Gã đạo sĩ già tên Du-Minh tử. Gã cao nghệu tên Ngô Nam. Cuối cùng hoà thượng trẻ tên Vạn-Quang.

Đào Tam-Bách thở hổn hển, tiếp:

- Cái gã văn quan đi theo, xuất trong bọc ra cuốn trục, bảo rằng đó là sắc chỉ của Thiên-Thánh hoàng đế nhà Tống truyền cắt một giải núi Tản-viên, núi vua Bà ban cho phái Hoa-sơn. Y hô chúng tôi quỳ xuống tiếp chỉ. Dù chân tay vô lực, nhưng chúng tôi đâu hèn? Chúng tôi nhất định không quỳ, cũng chẳng tiếp chỉ. Bọn chúng định giết hết anh em, cùng thiêu hủy bài vị bẩy mươi đời liệt tổ bản phái. Giữa lúc đó Đặng lão gia xuất hiện. Chúng thách bản phái đấu ba trận. Nếu bản phái thắng, chúng sẽ bỏ đi. Bằng bại, đệ tử bản phái phải qui đầu theo phái Hoa-sơn.

Y thở dài:

- Chúng tôi bị tê liệt, mất hết lực, đấu sao được? Vì vậy Đặng lão gia phải cáng đáng hết. Lão gia đã thắng Bắc-Sơn, Nam-Sơn. Bây giờ tên Tây-Sơn ra thách đấu.

Nghe thuật, Lê Văn nói với Tự-Mai:

- Bố em thường nói, Hoa-Sơn tứ lão võ công vô địch thiên hạ. Người từng chiết chiêu với Bắc-Sơn lão nhân liên tiếp hai mươi chưởng, bất phân thắng bại. Hôm đại hội Lộc-Hà, chị Mỹ-Linh tuy xử dụng Long-biên kiếm pháp, phải khó khăn lắm mới thắng được Đông-Sơn lão nhân. Thế mà hôm nay, Đặng sư bá thắng Bắc-Sơn rồi Nam-Sơn lão nhân, mà vẫn còn sức đấu. Như vậy ắt có điều gì bí ẩn chứ không sai.

Tự-Mai cũng nhận thấy thế. Nó biết công lực của Đặng Đại-Khê tuy cao, nhưng thua sút bố nó một chút, sao đủ sức thắng hai lão Hoa-sơn dễ dàng?

Ngoài sân, Đặng Đại-Khê lảo đảo muốn ngã. Tự-Mai kinh hãi nghĩ:

- Đặng sư bá thực xứng đáng một trong Đại-Việt ngũ long. Hoa-sơn tứ lão, võ công vô địch Trung-nguyên, mà sư bá hạ được hai tên. Bây giờ đến tên thứ ba, coi chừng người kiệt lực rồi.

Tôn Đản bước ra quát lớn:

- Khoan! Các người đường đường danh môn chính phái Trung-nguyên. Hoa-sơn tứ lão nức tiếng thiên hạ. Gần đây đệ tử của Đông-Sơn lão nhân tên Địch Thanh, đoạt chức võ trạng Biện-kinh. Thế mà các người dùng thủ đoạn hèn hạ đánh thuốc độc hại người, rồi dùng xa luân chiến. Võ đạo Trung-nguyên sao mà tàn tệ như vậy?

Đám đệ tử Hoa-sơn tưởng bọn Tôn Đản là đệ tử Tản-viên. Chúng trố mắt nhìn, tự hỏi:

- Bốn thằng ôn vật này chắc mới tới. Khắp các ngả lên đây, ta cho canh gác cẩn thận. Làm sao chúng lên được? Không chừng đám đệ tử canh gác bị giết hết cũng nên?

Mụ già Chu Chiếu-Anh đưa mắt cho đồng bọn. Lập tức năm tên chạy ra các ngả thám thính. Thiệu-Cực hú lên một tiếng dài liên miên bất tận. Đoàn chim ưng trên trời lập tức bay đi.

Tự-Mai cười thầm:

- Anh Cực ghê thực. Anh sai chim ưng đi cầu viện chắc!

Đạo cô Vương Lệ-Ngọc quát lên the thé:

- Nếu lão Đặng-đại-Khê sức cùng lực kiệt. Y chỉ việc lên tiếng van xin, rập đầu qui phục bản phái, nguyện dâng núi Tản-viên cho chúng ta. Chúng ta cũng sinh phúc tha cho đám đồ tử, đồ tôn của lão.

Đặng Đại-Khê cười nhạt:

- Tây-Sơn lão nhân. Lại đây! Lại đây! Chúng ta sẵn sàng...

Đến đó, ông oẹ một tiếng, miệng phun ra một búng máu tươi.

Lê Văn chạy lại cầm mạch cho ông. Nó móc trong túi ra bình thuốc, bỏ vào miệng ông ba viên:

- Sư bá nuốt vào, vận sức cho thuốc tan ra mau.

Đặng Đại-Khê đang nguy nan, thấy Lê Văn, Tự-Mai, tinh thần ông phấn chấn lên. Ông hỏi:

- Tại sao hai cháu lại có mặt ở đây? Phụ thân cháu đâu?

Lê Văn ít kinh lịch gang hồ. Nó định trả lời Hồng-Sơn đại phu, Trần Tự-An hiện ở Thăng-long. Tự-Mai biết thế, nhanh miệng đáp ngay:

- Thưa sư bá! Bố cháu với bốn sư thúc hiện ở dưới chân núi. Người sai cháu lên báo tin cho sư bá trước, rồi bái sơn sau. Chúng cháu tới nơi gặp truyện này. Hiện anh Thiệu-Cực đã sai chim ưng đi mời bố cháu cùng các sư thúc rồi.

Tây-Sơn lão nhân quay lại hỏi hòa thượng Vạn-Quang về bọn Tự-Mai. Vạn-Quang nói thầm vào tai lão mấy câu. Mặt lão tái nhợt, hỏi Lê Văn:

- Tiểu huynh đệ! Phải chăng tiểu huynh đệ là con của Hồng-sơn đại phu, chưởng môn phái Sài-sơn?

- Tiểu bối xấu hổ, vì chưa học được một phần thủ thuật của cha mình.

Nó chỉ vào cả bọn giới thiệu. Khi nghe đến Trần Tự-Mai, mặt Tây-Sơn lão nhân co dúm lại thực khó coi. Lão hỏi nó:

- Trần nhị công tử! Lệnh tôn sao chưa xuất hiện?

Tự-Mai cười nhạt:

- Phụ thân tôi đang bố trí sư huynh, sư đệ dưới rồi mới lên.

Mụ Anh-Tần bước ra nói với Tây-Sơn lão nhân:

- Lão tiên sinh! Thằng này nói láo. Hôm qua tôi từ Yến-vĩ sương sen lên đây, được tin Tự-An cùng bốn sư đệ sang Lão-qua, rồi tới Xiêm-la, để hội kiến với chưởng môn Vạn-tượng, Pha-nôm. Dù y có cánh cũng không bay về đây kịp.

Gã cao nghệu Ngô Nam nói với Tự-Mai:

- Trần công tử! Bản phái được sắc chỉ thiên tử cắt năm ngọn núi phong cho phái Hoa-sơn. Vì vậy chúng tôi đến đây tiếp nhận. Việc này không liên hệ gì với phái Đông-a. Dù Thiên-trường ngũ kiệt hiện diện đây, cũng phải tuân phép nước. Mong công tử đừng can thiệp vào, e không lợi.

Y chỉ vào gã văn quan:

- Vị này họ Hoa tên Trung, xuất thân tiến sĩ, hiện lĩnh chức Lễ-bộ thị lang kiêm Khu-mật viện phó sứ Thiên-triều. Hoa đại nhân được Thiên-tử sai đi sứ, tuyên chỉ cho bản phái.

Một đám mây trắng trôi qua, khiến mọi người như bơi trên trời. Ánh nắng chiếu qua làn mây, hoá thành mầu tím, đẹp vô cùng.

Tôn Đản hỏi:

- Sắc chỉ? Sắc chỉ đâu, xin cho chúng tôi xem! Chứ nói như vậy ai mà tin được?

Gã văn quan khoan thai bước ra, đứng đối diện với Tôn Đản. Tay gã chìa ra cuốn trục:

- Thằng nhãi Nam-man kia! Mi không đủ bất cứ tư cách gì bàn vào truyện này. Đến tên Lý Công-Uẩn, vua của mi, thấy thánh chỉ cũng phải khom lưng quỳ gối. Mi... Mi... Một đứa chưa ráo máu đầu, mà dám hạch hỏi ư?

Vì liên hệ hai đời với triều Lê, nên Trần Tự-An không mấy ưa Thuận-Thiên hoàng-đế. Ngược lại Tự-Mai đi ra ngoài, tiếp xúc với nông dân, nơi nào nó cũng nghe người ta ca tụng ngài nhân từ, tha thuế cho dân, ăn tiêu dè sẻn, xứng đáng con nuôi Bồ-tát Lý Khánh-Vân, đệ tử Bồ-tát Vạn-Hạnh.

Nay nghe người ta nhục mạ giòng giống Việt, nhục mạ ngài. Nó chịu không nổi, nó quên mất lời dặn của Thiệu-Cực, không được dùng võ. Thấp thoáng một cái, Tự-Mai lạng người tới trước Tôn Đản. Tay nó xuất chiêu. Bốp, bốp. Gã quan văn bị hai cái tát, ngã lộn xuống đất.

Nó chỉ mặt gã:

- Đất có chủ, nước có vua. Ta sống trên đất Việt, ta làm chủ đất. Thuận-Thiên hoàng-đế làm vua Đại-Việt. Còn mi, một tên quan quèn, dám nhục mạ ta là Nam-man ư? Dám gọi tên vua ta ra mà đùa cợt ư?

Mụ già béo ị Giáp Kim-Quy chỉ mặt Tự-Mai mắng:

- Thằng Nam-man con kia. Mi là ai mà giám ra đây đòi đối chất với chúng ta? Mi tưởng mang cái danh hão Trần Tự-An của cha mi ra làm con ngáo ộp dọa thiên hạ ư? Dù cha, chú mi có mặt ở đây, ta cũng không coi ra gì cả. Mi dám hành hung mệnh quan Thiêu-triều ư?

Mụ quay lại chỉ một thiếu niên đứng sau:

- Triệu Tiết! Mi dạy dỗ nó, để nó biết nước có luật, người có bậc.

Một thiếu niên, tuổi khoảng mười sáu, mười bẩy dạ một tiếng rồi bước ra khỏi hàng đệ tử. Y chắp tay hướng Tự-Mai:

- Trần công tử! Tiểu đệ muốn lĩnh giáo võ công phái Đông-a. Xin công tử đừng tiếc công dạy cho mấy cao chiêu .

Tự-Mai nghe đến tên Triệu Tiết, nó chợt nhớ lại lời Thiệu-Cực nói rằng: Biên thần nhà Tống định cho hai thiếu niên tên Triệu Tiết, Khúc Chẩn thuộc phái Hoa-sơn sang tranh chức thủ lĩnh Phong-châu, Thượng-oai. Vậy chắc là thiếu niên này đây. Nó nghĩ thầm:

- Ta đánh cầm chừng, thăm dò bản lĩnh của chúng xem sao!

Nó chắp tay đáp lễ:

- Không dám! Đây thuộc Đại-Việt. Triệu huynh là khách. Tôi là chủ. Chủ phải nhường khách. Xin Triệu huynh ra chiêu cho.

Triệu Tiết đánh thẳng một quyền vào ngực Tự-Mai, giống như hành lễ.

Tự-Mai vội trầm người xuống, phát chiêu Phong suy Đông-hải đỡ. Binh một tiếng. Triệu Tiết lảo đảo lui lại, khí huyết đảo lộn, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng.

Còn Tự-Mai, nó cảm thấy tay hơi ê ẩm. Nó quan sát kỹ Triệu Tiết, thấy đó là một thiếu niên tầm vóc ngang với nó, công lực mạnh hơn Quách Quỳ nhiều.

Nó nghĩ thầm:

- Ta tưởng trong các thiếu niên ngang tuổi, chỉ có Lê Văn khả dĩ so sánh với ta. Không ngờ tên Triệu Tiết này cõ công nào có thua sút ta làm bao. Ta thử đấu với y xem sao?

Nghĩ vậy, nó chắp tay xá Triệu Tiết:

- Trần Tự-Mai phái Đông-a, rất mong được lĩnh giáo võ công Hoa-sơn của Triệu huynh. Không biết Triệu huynh là đệ tử của cao nhân nào trong phái Hoa-sơn.

Không hổ đệ tử danh gia, Triệu Tiết chỉ vào Bắc-Sơn lão nhân. Y nói bằng tiếng Việt.

- Không dám! Người chính là sư phụ của tại hạ.

Tự-Mai chửi thầm:

- Bọn biên thần Nam-phương nhà Tống ghê thực. Chúng chuẩn bị cho bọn này học tiếng Việt, hầu dễ trà trộn. Được, ta há sợ chúng sao?

Triệu Tiết xuống tấn, chắp hai tay vào nhau đưa về trước, ra chiêu Hoa-sơn thám hoa giống như hành lễ. Tự-Mai chắp tay đáp lại bằng chiêu Nộ lãng Đông lưu một chiêu dùng để đáp lễ đối thủ.

Trong khi nó nghĩ thầm:

- Ta chỉ dùng võ công Đông-a, không dùng lối phát lực bằng kinh mạch, cũng không vận thần công Yên-lãng xem sao.

Triệu Tiết phát liền ba chưởng, thành một dây tấn công Tự-Mai. Tự-Mai muốn dò bản lãnh đối thủ. Nó phản công cầm chừng.

Từ trước đến giờ, Tự-Mai toàn đấu với võ lâm Đại-Việt, chỉ một lần duy nhất nó đụng chạm với võ công Thiếu-Lâm qua trận đấu ngắn ngủi với Quách Quỳ. Hôm nay nó mới thấy võ công Hoa-sơn.

Vừa đấu nó vừa nhớ lại lời Trần Tự-An:

" Võ công Trung-nguyên chia làm hai. Một là những võ phái ra đời trước khi Bồ-Đề Đạt-Ma tới, gồm có Hoa-sơn, Không-động, Côn-luân, Liêu-Đông. Bốn phái này có nguồn gốc rất cổ. Tuy chiêu số, nội lực khác nhau, song vẫn cùng nguyên lý. Khi xưa Vạn-tín hầu Lý Thân đem đệ tử sang Hàm-dương đấu với võ sĩ Trung-thổ, người nhân đó thu thập hết kỳ chiêu cùng nguyên lý của họ, rồi về chế ra Long-biên kiếm pháp cùng Cửu-chân quyền pháp. Võ công Cửu-chân, kiếm pháp Long-biên hiện giờ phái Mê-linh còn lưu truyền. Vì vậy sau này, đấu với người các bốn phái nguồn gốc cổ, cứ dùng võ công Mê-linh, ắt toàn thắng..."

Nhưng nó muốn thử dùng võ công Đông-a xem sao? Nghĩ thế nó dùng võ công Đông-a đánh cầm chừng. Sau hơn năm mươi hiệp, nó nghĩ thầm:

- Tên Triệu Tiết xứng đáng thiếu niên anh tài, song không hơn Quách Quỳ làm bao.

Thình lình Tự-Mai đổi hẳn chiến pháp. Nó vận công, dùng Đông-a chưởng pháp. Bình, bình, bình. Triệu Tiết bị ba chiêu như trời long đất lở. Cứ mỗi chiêu, nó bật lùi một bước. Tự-Mai tiến lên một bước. Đến chiêu thứ tư, Tự-Mai ra một chiêu Thiên vương chưởng do Lê Văn dạy nó. Binh một tiếng. Cả hai bật lui lại.

Cả đám cao thủ Hoa-sơn lẫn Tản-viên đều kinh ngạc. Vì họ thấy Tự-Mai đang thắng thế, bỗng nhiên lại ngang với Triệu Tiết.

Sau chiêu ấy, Tự-Mai nghĩ rất nhanh:

- Ta hiểu rồi! Khi Triệu Đà đánh Âu-lạc. Y đã nghiên cứu võ ông Sài-sơn, tìm ra cách khắc chế. Sau y đem về dạy cho đệ tử cùng các tướng. Một trong các tướng, gốc đệ tử Hoa-sơn. Chính viên tướng này điều chỉnh lại chiêu số, võ công Hoa-sơn. Vì vậy võ công Hoa-sơn khắc chế võ công Sài-sơn. Ban nãy ta vận nội công, chiêu số Sài-sơn thành ra yếu đi. Bây giờ thử dùng chiêu số Sài-sơn, nhưng nội công Đông-a xem sao.

Nó vận nội công Đông-a, rồi phát Thiên-vương chưởng. Binh. Nó vẫn đứng nguyên vị trí. Trong khi Triệu Tiết nhăn nhó tỏ ra đau đớn vô cùng. Chờ cho đối thủ vận công xong. Tự-Mai nói:

- Triệu huynh! Đỡ này.

Nó vận nội công Đông-a theo kinh mạch, dồn chân khí vào Đốc-mạch, đưa vào Thủ tam dương kinh, rồi phát một Thiên-vương chưởng nữa. Thiên-vương chưởng vốn dũng mãnh. Trong khi nội công Đông-a càng dũng mãnh hơn.

Triệu Tiết không biết gì về Tự-Mai, vô tình nó xuất chiêu đỡ. Bình! Triệu Tiết bay bổng lên cao. Y rơi xuống ngay đầu Lê Văn. Lê Văn phẩy tay một cái, Triệu Tiết rơi xuống đúng chỗ cũ đến binh một tiếng. Nó nằm thẳng cẳng không ngồi dậy được.

Tự-Mai thu chiêu chạy lại đỡ Triệu Tiết dậy:

- Triệu huynh! Thế nào? Người phục chưa?

Triệu Tiết bị trúng đòn. Nó giả vờ bị trọng thương chờ Tự-Mai tới đỡ, nó sẽ ra chiêu thình lình. Qủa nhiên Tự-Mai trúng kế. Tiết thấy Tự-Mai lên tiếng, chắc không đề phòng. Nó tấn công một chiêu như sét nổ vào ngực đối thủ, trong khi hai người đứng sát nhau. Tự-Mai không thể trở tay kịp.

Mọi người kêu thét lên kinh hoảng:

- Ngừng tay!

- Đồ hèn hạ! Đánh lén ư?

- Thu chiêu!

Nhưng đã trễ. Chỉ thấy tiếng vù, rồi lách cách phát ra. Một thân hình bay bổng lên cao, rơi xuống giữa sân, nằm đứ đừ, không động đậy nữa.

Mọi người nhìn kỹ, kẻ bị bắn tung lên cao là Triệu Tiết chứ không phải Tự-Mai.

Nguyên hôm trước, nghe Thiệu-Cực nói rằng đám biên thần Tống định đưa Triệu Tiết, Khúc Chẩn ra đấu, tranh chức động trưởng Phong-châu, Thượng-oai. Vì vậy khi đấu với Tiết, Tự-Mai chỉ xử dụng công lực ngang với Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, để so sánh, sau còn dạy sư đệ, hầu lâm trận không bị bỡ ngỡ.

Bây giờ Triệu Tiết đánh trộm Tự-Mai, chân y đá vào bụng dưới nó, trúng huyệt Khí-hải. Như tên mang, Khí-hải là bể của khí. Chân Triệu Tiết đá trúng, thần công Yên-lãng hút hết nội lực y. Còn thần công Đông-a tòng tâm phản xạ chống lực đạo tấn công. Vì vậy Triệu Tiết mới bị thương nặng.

Chu Chiếu-Anh chạy lại đỡ Triệu Tiết dậy. Tuy bị gẫy xương chân, xương tay, máu miệng ứa ra. Nhưng Tiết rất can đảm. Nó nghiến răng chịu đau:

- Sư thúc an tâm. Đệ tử chưa chết đâu.

Nói đến đó y ngất xỉu.

Một thiếu nữ tuổi khoảng mười lăm, mười sáu đến bên Triệu Tiết bắt mạch cho y, rồi hỏi bằng một giọng cực kỳ thân thiết, rất quan tâm đến gã:

- Sư thúc! Triệu sư huynh có sao không?

Tự-Mai đoán đó là một nữ đệ tử nhỏ tuổi của phái Hoa-sơn. Không ngờ Chu Chiếu-Anh tỏ ra cực kỳ lễ độ với nàng:

- Không sao cả, chỉ bị ngoại thương thôi.

Thiếu nữ quát lên, bằng âm thanh trong như gió thoảng, tay chỉ vào mặt Tự-Mai:

- Tên tiểu tử hôi thối ! Mi... mi đánh sư huynh ta thảm thiết thế kia! Ta... ta phải giết mi.

Nàng quay lại vung chưởng tấn công Tự-Mai. Tự-Mai lui liền hai bước. Nàng đánh hụt.

Tự-Mai quan sát kỹ: Đó là một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp. Đôi mắt sáng như sao, đôi lông mày sắc như dao cau, tỏa ra tia hàn quang như tuyết lạc mùa Đông. Da trắng tươi, đôi môi hồng mọng.

Từ thủa nhỏ, Tự-Mai chỉ biết có chị gái. Nó cho rằng chị mình đẹp nhất thiên hạ. Sau này gặp Mỹ-Linh, rồi Bảo-Hòa, rồi Đào Hà-Thanh, rồi Lâm Huệ-Phương. Toàn những giai nhân bậc nhất Đại-Việt. Nhưng những người đó đều lớn hơn nó rất nhiều tuổi. Tình cảm của nó đối với những người ấy như con đối với mẹ, như em đối với chị.

Hôm nay thình lình, một thiếu nữ người Tống, nhỏ hơn nó một vài tuổi. Dung nhan tươi như hoa lan mới nở ban mai. Mái tóc nàng buộc bằng sợi chỉ kim tuyến đỏ, đen óng mượt. Nàng xuất hiện thình lình mắng chửi nó. Tự nhiên nó cảm thấy luống cuống.

Nó cố uốn giọng nói tiếng Hoa:

- Tiểu cô nương! Tiểu cô nương phương danh quý tính là gì? Tại sao lại mắng mỏ tại hạ?

Tôn Đản sống bên Tự-Mai từ lâu. Nó thấy cậu tiểu sư đệ thừa hưởng của đại hiệp Tự-An tính ngang tàng bậc nhất thế gian. Không hiểu sao hôm nay, bị người ta mạ lỵ, nó lại tỏ ra luống cuống, rồi đáp lại bằng lời lẽ mềm mỏng kỳ lạ?

Thiếu nữ chỉ Triệu Tiết:

- Mi có mau tạ lỗi với sư huynh ta không? Mi đánh sư huynh ta thế kia. Mi thực to gan!

Tự-Mai phân trần:

- Cô nương đứng lược trận hẳn đã thấy. Triệu huynh bị bại. Theo quy củ võ lâm, tại hạ định đỡ triệu huynh dậy. Nào ngờ Triệu huynh đánh trộm tại hạ, công lực tại hạ tự động phản ứng mới ra nông nỗi. Chứ tại hạ đâu có muốn đánh y?

Thiếu nữ nhăn mặt:

- Chung quy, bàn chân, bàn tay mi đã làm sư huynh ta đau đớn? Mi còn chối tội ư?

Thấy thiếu nữ có dáng ngây thơ như Mỹ-Linh, buông lời cố chấp như Bảo-Hòa, ngang ngược như Thanh-Mai. Tự-Mai bật cười, mà không giận:

- Triệu huynh đánh tại hạ, rồi bị phản ứng. Chân tay tại hạ đâu có chạm vào cơ thể người?

Thiệu nữ hất hàm:

- Ta không nói với mi nữa.

Thiếu nữ rất quan tâm đến Triệu Tiết. Nàng đến bên y hỏi:

- Sư huynh! Sư huynh có đau lắm không?

Triệu Tiết cố gắng nói trong hơi thở khò khè:

- Sư muội đừng lo lắng. Sư huynh không chết được đâu.

Thiếu nữ bước đến trước mặt Tự-Mai:

- Tên tiểu tử hôi thối kia! Ta phải giết mi, trả thù cho sư huynh ta.

Nói rồi nàng tát Tự-Mai một cái. Tự-Mai thấy sắc diện thiếu nữ giận không ra giận, đùa không ra đùa. Nó nảy ra ý tưởng làm cho nàng vui vẻ. Nhân cái tát của thiếu nữ giống như người không biết võ. Nó muốn nàng tát trúng nên không tránh né.

Bốp một tiếng, mọi người kinh ngạc đến đờ người ra. Rõ ràng họ thấy võ công Tự-Mai cực kỳ cao thâm, mà sao không tránh nổi cái tát tầm thường?

Tuy Tự-Mai không vận công chống trả. Nhưng chân khí tự động phản ứng, làm thiếu nữ cảm thấy bàn tay đau nhức. Nàng ôm tay kêu:

- Mi mi... lại làm ta đau rồi. Ta phải đánh mi ba cái tát nữa.

Nàng vung tay tát Tự-Mai. Nó nhảy lùi lại ba bước. Thiếu nữ dậm chân:

- Tại sao mi lại tránh né. Mi có đứng im không?

Tự-Mai mỉm cười đứng im. Thiếu nữ vung tay tát. Chờ cho bàn tay nàng sắp tới má. Nó trầm người xuống. Nàng tát hụt.

Thiếu nữ nhăn mặt:

- Mi lại tránh rồi. Ta bảo mi đứng im mà!

Nàng lại vung tay tát nữa. Nàng tưởng Tự-Mai trầm người tránh, nên lượn tay xuống thấp. Nào ngờ nó đứng im. Thành ra nàng tát trúng ngực nó đến binh một cái.

Thiếu nữ xấu hổ, nhảy lui lại, chỉ mặt Tự-Mai:

- Từ nay vĩnh viễn ta không nhìn mặt mi nữa.

Nói rồi nàng bỏ chạy vào giữa đám đệ tử Hoa-sơn.

Tự-Mai nhìn lại, mụ béo ị Giáp Kim-Quy buông tiếng khóc:

- Triệu Tiết! Triệu Tiết! Con không thể chết được.

Triệu Tiết nằm thẳng cẳng, mắt trợn ngược, coi bộ khó sống.

Mụ chỉ vào mặt Tự-Mai:

- Thằng ôn con kia! Tao phải giết mi để trả thù cho cháu tao.

Miệng nói mụ xuất chưởng liền. Chưởng phong của mụ hùng hậu vô cùng. Tự-Mai không dám coi thường, nó lạng người sang trái ba bước tránh lực đạo chính, rồi vận thần công của công chúa Yên-lãng đủ mười thành công lực, đánh cắt ngang vào chưởng của mụ. Binh một tiếng, nó bật lui liền hai bước. Trong khi mụ Giáp Kim-Qui cảm thấy cánh tay tê chồn, công lực bị tan biến mất. Thuận tay, nó đẩy ra chiêu Đông-hải lưu phong bằng tất cả bình sinh công lực. Giáp Kim-Quy nổi giận, mụ xoay chưởng trở về đỡ chiêu của Tự-Mai. Bình một tiếng. Tự-Mai thấy chiêu số của mụ ác liệt, nó mượn đà nhảy lui liền ba bước để hóa giải lực đạo đối phương.

Sau khi đáp xuống đất, nó cảm thấy chân khí trong người đầy ắp như muốn nổ tung ra. Nó vội áp dụng phương pháp qui liễm, mà nó với Lý Long, Tôn Đản học được của công chúa Yên-lãng trong động Xuân-đài. Lập tức chân khí tụ về đơn điền liền, rồi phân tán khắp cơ thể.

Nó nghĩ thầm:

- Từ ngày học thần công của công chúa Yên-lãng, ta chưa xử dụng lần nào. Vô tình hôm nay ta xử dụng, nên mụ Giáp này đánh ta thì bao nhiêu chân khí trên người mụ tràn vào người ta hết. Được ta tiếp tục xem kết quả ra sao.

Nó nhìn đối thủ, thản nhiên như không hề hấn gì.

Vì muốn trả thù cho sư điệt, Giáp Kim-Quy đánh Tự-Mai một chiêu bằng tất cả sức lực bình sinh. Mụ nghĩ rằng, phải sao, một chiêu giết chết Tự-Mai, bằng không Đặng Đại-Khê sẽ can thiệp. Không ngờ chưởng tuy phát ra như ý muốn, nhưng mụ cảm thấy kình lực giống nước sông đổ ra biển. Chân, tay, toàn thân như bị dần. Khí lực mất hết.

Hiện diện, có đến hơn năm trăm người, không ai hiểu tại sao cả. Duy có Đặng Đại-Khê hiểu hết. Ông vốn bác học vô cùng. Ngay từ khi Tự-Mai vận công, phát chiêu đánh với Triệu Tiết, ông đã hiểu hết toan tính của nó. Cho đến khi nó tránh chưởng của Giáp Kim-Quy, rồi đánh thẳng vào người mụ.

Ông khen thầm:

- Ngày nọ Bảo-Hòa không ngớt khen Tự-Mai, Tôn Đản. Bây giờ mình mới thấy hai thiếu niên này tương lai hơn cha, chú nhiều. Đã vậy mình phải cho tụi Hoa-sơn thất bại với thần công của công chúa Yên-lãng hầu chúng bớt kiêu căng.

Đặng Đại-Khê hiểu rõ Tự-Mai hơn ai hết. Bởi xưa kia, Trần Năng sau được phong công chúa Yên-lãng. Bà xuất thân phái Tản-viên, là ái đồ của đệ nhất cao nhân đương thời Trần Đại-Sinh chân truyền. Trong trận đánh đồi Vương-sơn phía Nam thànnh Trường-sa, công chúa được Tăng-giả Nan-đà truyền Vô-ngã tướng Thiền-công. Bà tổng hợp Thiền với nội công Tản-viên, thành thứ nội công mới, vì vậy bà thắng vợ chồng Xích Anh. Trong khi đánh thành Trường-sa, bà đấu nội lực với ba cao thủ đệ tử Lê Đạo-Sinh, thần công của bà hút hết nội lực của chúng. Sau khi bà tuẫn quốc thần công đó tuy lưu truyền, song đến đời chưởng môn trước Đại-Khê năm đời bị thất truyền. Trong phái chỉ còn lưu truyền bài mật quyết mà thôi.

Lý Long, Tôn Đản, Tự-Mai tuy đọc bia của công chúa Yên-Lãng để lại, nhưng cả ba không biết mật quyết. Vì vậy tuy họ luyện thành, mà xử dụng không tinh diệu. Trong khi Đại-Khê biết xử dụng, lại không có yếu quyết luyện.

Hôm đại hội Lộc-hà, nhìn thân pháp Tự-Mai, Đại-Khê biết nó có cơ duyên luyện thần công Yên-lãng, mà chưa học được mật quyết, thành ra không biết xử dụng, giống như người đói, ngồi bên đống gạo, không biết nấu cơm ăn. Sau đại hội, ông định gặp Tự-Mai, truyền mật quyết cho nó, mà chưa có dịp. Hôm nay, đang lúc sức cùng lực kiệt, phái Tản-viên sắp bị tận diệt, thì Tự-Mai cùng ba người bạn tới cứu viện.

Ông thở dài:

- Thực đáng thẹn, khi phải nhờ chúng trợ giúp.

Ông nhắc Tự-Mai:

" Thần-công Yên-Lãng vốn xuất thân từ Phật-gia. Phàm muốn xử dụng thần công Tản-viên này, phải buông lỏng hết chân khí, giống như cái hồ rỗng, rồi tấn công địch. Địch mạnh mặc địch mạnh. Chúng tấn công ta, giống như nước chảy ra biển."

Hôm ở trong động Xuân-đài nó cũng như Lý Long, khi đọc đến câu: Khi gặp đối thủ công lực gấp bội, phải buông lỏng kình lực, xua đuổi lục tặc, chúng đánh ta, giống như tự tử. Cả hai đều không hiểu.

Hôm nay, nghe Đại-Khê nhắc, Tự-Mai tỉnh ngộ. Chân khí tòng tâm lưu chuyển khắp người nó. Nó bật lên tiếng reo:

- Ta hiểu rỗi. Ta hiểu rồi.

Đặng Đại-Khê nghĩ:

- Ta gài cái bẫy, để Tự-Mai dùng thần công Yên-lãng trị bọn này cho chúng biết võ học Lĩnh-Nam.

Ông biết Giáp Kim-Qui muốn giết Tự-Mai mà không thành. Y thị có ba thần hổ thẹn vì ỷ lớn hiếp nhỏ, nên không dám đánh tiếp. Đặng Đại-Khê nghĩ thầm:

- Ta phải buông lời chữa thẹn, cho mụ đánh nữa, hầu Tự-Mai hút hết công lực mụ.

Ông xá Kim-Qui một xá:

- Giáp nữ hiệp. Đa đạ nữ hiệp nhẹ tay với Tự-Mai.

Ông nói với nó:

- Giáp nữ hiệp chỉ muốn khảo nghiệm võ công cháu. Vậy cháu đừng nề hà gì, hãy hãy dùng tất cả bình sinh sở học, lĩnh giáo mấy chiêu nữa của Giáp tiền bối đi.

Ông dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Tự-Mai:

- Vận thần công Yên-lãng bằng kinh mạch, xuất chiêu Ác-ngưu nan độ đánh mụ.

Ác-ngưu nan độ là chiêu thuộc pho chưởng trấn môn của phái Tản-viên. Chiêu này đánh về trước như đẩy con trâu dữ cản đường. Vì vậy lực đạo trực chỉ. Tuy chiêu số mạnh, nhưng khi đấu phải ước lượng xem công lực mình mạnh hơn hay bằng đối thủ hãy xử dụng. Chiêu này tuyệt đối không thể, không nên dùng khi công lực đối thủ cao hơn, bởi khi công lực đối thủ cao hơn, kình lực đánh ngược lại thân mình, sẽ mất mạng. Nhưng người xử dụng thần công Yên-lãng, giống như mở cửa, đón nhận hết vàng ngọc của đối phương biếu mình.

Tự-Mai được Bảo-Hoà dạy cho mười chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Bây giờ thấy Đại-Khê khuyên như vậy, không nghĩ ngợi, nó xuất chiêu liền.

Giáp Kim-Quy bị thất bại chiêu đầu, mụ cho rằng mình vận chưa hết công lực. Bây giờ mụ vận đủ bình sinh sở học, vung tay đỡ thẳng vào chưởng của nó. Bộp một tiếng. Hai chưởng dính liền vào nhau. Tự-Mai thấy chân khí đối phương theo Thủ-tam dương kinh tràn vào người. Nó chuyển về huyệt Mệnh-môn rồi đưa vào thận.

Nếu Giáp Kim-Quy không vận hết công lực. Nếu Tự-Mai xuất chiêu khác, chân khí mụ rót vào người Tự-Mai như ấm nước rót vào bát, phải khoảng một nửa giờ mụ mới kiệt quệ. Đây Tự-Mai xuất chiêu Ác-ngưu nan độ, mở rộng Lục-kinh. Giống như một cái hồ. Còn Kim-Quy lại dồn chân khí ra hết, chẳng khác gì chậu nước hắt xuống hồ. Vì vậy khoảng mười tiếng đập tim, chân khí mụ hoàn toàn dồn vào người Tự-Mai. Mụ lảo đảo, ngã ngồi xuống.

Đám người phái Hoa-sơn la hoảng. Vì võ công Giáp Kim-Qui đâu có thua Hoa-sơn tứ lão làm bao, thế mà bị một thiếu niên đánh hai chiêu, khiến mụ kiệt quệ, mất hết sức lực.

Đạo cô Vương Lệ-Ngọc lạng người tới. Mụ xuất chiêu trong Hoa-sơn chưởng đánh thẳng vào mặt Tự-Mai, với ý định đẩy lui nó lại, rồi ôm Giáp Kim-Quy về.

Tự-Mai vốn gan lỳ, lại can đảm. Ai nó cũng dám so tay hết. Ngày nọ, đại hội Lộc-hà ở Thăng-long, võ công còn kém bây giờ xa, mà nó còn dám so tay với Nhật-Hồ lão nhân, huống hồ vị đạo cô này.

Thấy chưởng của mụ cực kỳ hùng hậu, có lẽ ngang với bọn trưởng lão Lạc-long giáo, nó vội hít một hơi chân khí vận Yên-lãng thần công vào Thủ-tam dương kinh, phát chiêu Ác-ngưu nan độ đỡ.

Binh! Một tiếng. Người nó choáng váng, nhưng tay nó với Lệ-Ngọc dính liền nhau. Lần này, công lực nó, thêm công lực mới nhận được của Giáp-kim-Qui, nên hút mau hơn lần trước. Chỉ nửa khắc, Vương Lệ-Ngọc như người say rượu, ngã ngồi xuống.

Sau khi thu nội lực của hai đại cao thủ, người Tự-Mai cảm thấy bứt rứt, căng thẳng, cực kỳ khó chịu. Đặng Đại-Khê nhắc nó:

- Mau ngồi xuống, xếp chân thu liễm chân khí, trong khi trụ tâm đọc bài kinh Bát-nhã.

Kinh Bát-nhã gốc từ Thiền-tông. Người theo đạo Phật, hoặc tập thiền đều thuộc nằm lòng. Phàm sau khi tụng kinh, tập thiền, đều đọc một lần, để lòng trong sáng. Công lực do đó trở về đơn điền. Tự-Mai là đệ tử của sư thái Tịnh-Huyền, một ni sư uyên thâm Phật-pháp, nên kinh Bát-nhã nó thuộc nằm lòng.

Đám cao thủ Hoa-sơn kinh ngạc đến ngẩn người ra. Tất cả cùng tự hỏi:

- Cho rằng thằng bé này, xuất thân danh môn. Lẽ nào cứ mỗi chiêu, hạ một đại cao thủ?

Chu Chiếu-Anh, Trí-Thành đỡ Giáp, Vương về trận mình. Tây-Sơn lão nhân hỏi:

- Vương muội! Cái gì đã xẩy ra?

Vương Lệ-Ngọc thở hào hển như người kiệt sức:

- Không rõ nữa. Kình lực mất hết. Trong người trống rỗng.

Lê Văn rất quan tâm đến Tự-Mai. Nó đến bên anh, bắt mạch. Nhưng khi tay vừa chạm vào tay Tự-Mai, nó cảm thấy như bị người ta ngoạm một miếng đau thấu tâm can. Nó dụt tay lại á lên tiếng lớn.

Đặng Đại-Khê bảo nó:

- Tự-Mai không sao đâu. Cháu đừng lo.

Thiếu nữ lại chạy ra chỉ mặt Tự-Mai:

- Tiểu tử hôi thối kia! Mi mi lại làm hai vị sư thúc ta bị thương rồi. Mi to gan lớn mật thực. Ta phải chặt cái đầu củ chuối rẻ tiền của mi mới được.

Nàng cười mà không phải cười, tay nàng rút kiếm đâm vào ngực Tự-Mai. Thấy thiếu nữ vô lý, nhưng Tự-Mai nhủ thầm:

- Bố ta thường nói: Vua chúa, quan quyền cũng như người đẹp thường vô lý. Cái gì mình làm họ cũng bắt lỗi cả. Ta chẳng nên quan tâm làm gì.

Nghĩ vậy nó đứng im, không tránh, đưa hai ngón tay kẹp cứng sống kiếm lại. Thiếu nữ thấy kiếm mình như đinh đóng cột, không nhúc nhích được. Nàng nổi giận, nhưng mặt vẫn như cười:

- Mi lại định cướp kiếm của ta ư? Ta cho mi đó.

Nàng buông kiếm nhảy lui lại. Tự-Mai cầm kiếm lên coi, chuôi kiếm có khắc chữ Hoa-sơn Triệu Thuận-Tường. Chuôi kiếm của nàng dát đầy ngọc, ngọc bích, kim cương, lại có hai tua bằng những sợi chỉ kết lại. Một tua mầu đỏ, một tua mầu xanh. Nó mỉm cười:

- Cô này tên Thuận-Tường đây.

Nó vung tay một cái, thanh kiếm bay vọt lên cao, phản chiếu ánh sáng lấp lánh như sao lạc, rồi chui tuột vào bao kiếm phía sau nàng. Nó chắp hai tay hướng nàng:

- Triệu cô nương, xin hoàn trả kiếm cho cô nương.

Mọi người vỗ tay hoan hô thủ pháp tuyệt vời của Tự-Mai. Thiếu nữ dậm chân tỏ vẻ bực tức:

- Tên tiểu tử ngu dốt kia, mi thực đần độn hết chỗ nói. Mi... mi chẳng hiểu gì cả.

Từ đầu đến cuối Tây-Sơn lão nhân không nói một lời. Bỗng lão ngửa mặt lên trời ngâm hai câu ca dao của người Việt:

Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.

Tự-Mai nghe lão ngâm, nó tỉnh ngộ, nghĩ thầm:

- Lão này học tiếng Việt bao giờ, mà biết cả câu ca dao tình tứ của người mình. Dường như lão muốn nhắn nhủ mình rằng Triệu cô nương yêu thương mình, muốn tặng kiếm cho mình, mà sợ sư phụ, sư thúc biết, nên phải giả bộ tức giận. Mình thực ngu quá, lại đem trả về, thực phụ lòng nàng. Trách nào nàng không giận. Nàng mắng mình cũng đáng.

Nó chắp tay hướng Thuận-Tường:

- Triệu cô nương. Tại hạ... tại hạ quả tình ngu dốt thực.

- Như vậy cho mi mở mắt ra.

Chu Chiếu-Anh xem mạch cho Vương Lệ-Ngọc, Giáp Kim-Qui rồi lên tiếng:

- Trần công tử. Không ngờ phái Đông-a, nổi tiếng đạo đức, mà lại dùng công phu tà môn của bọn Liêu-Đông, làm tiêu hao công lực hai sư muội của ta!

Tôn Đản bước ra, chắp tay xá Chu Chiếu-Anh:

- Lão bà lầm rồi. Sư đệ của tại hạ đâu có đánh hai vị Vương, Giáp tiền bối? Chính hai vị đánh sư đệ của tại hạ, rồi bị thất bại. Bây giờ cả hai bên đều bị thương. Nội công mà sư đệ của tại hạ dùng vốn của tiền nhân phái Tản-viên. Vị tiền bối này đã hợp thần công Tản-viên với Thiền-công mà thành. Thần công Tản-viên với Thiền-công mà là tà môn, thì trên thế gian này, không có nội công nào quang minh chính đại nữa.

Nhà sư Vạn-Quang chống thiền trượng bước ra:

- Tiểu thí chủ. Xin tiểu thí chủ cho biết cao danh quý tính cùng sư thừa?

Tôn Đản khởi học võ công với bố. Nhờ có cơ duyên, nó vào động Xuân-đài cùng Lý Long, Tự-Mai luyện võ công Cửu-chân. Sau này nó được Thiên-trường ngũ kiệt, rồi Thanh-Mai, Tự-Mai, Mỹ-Linh chỉ điểm cho, nhưng không ai là sư phụ nó. Vì vậy nó trả lời:

- Tiểu sinh họ Tôn tên Đản, không có sư phụ.

Câu trả lời của Tôn Đản vượt ra ngoài ý nghĩ mọi người. Chính Đặng Đại-Khê cũng kinh ngạc:

- Hôm đại hội Thăng-long, rõ rằng thiếu niên này với Tự-Mai lên đài phá bọn Tống đến điên đầu lên. Võ công của nó đâu thua Tự-Mai, Lê Văn làm bao. Tại sao lại không có sư phụ?

Vạn-Quang thấy Tôn Đản gọi Tự-Mai bằng sư đệ. Y cho rằng nó xuất thân từ phái Đông-a. Y muốn Tôn Đản xuất chiêu, để có thể biết nội công mà Tự-Mai dùng đánh bại hai sư tỷ của y. Y vẫy tay bảo một thiếu niên:

- Khúc-Chẩn! Cháu hãy lĩnh giáo mấy cao chiêu của Tôn thiếu hiệp.

Lời nói của y đầy khách sáo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.