Anh Hùng Bắc Cương

Chương 12: Chương 12: Vạn Dặm Gian Nan




Vạn dặm gian nan - -

Trịnh Thư chỉ vào một con ngựa cột ở gốc cây, nói với Mỹ-Linh:

- Ngựa đã thắng yên cương. Công chúa ra cửa Quảng-phúc, sẽ gặp Thân thế-tử, đễ cùng đi cứu vương phi.

Mỹ-Linh biết vụ này do chú mình xếp đặt. Nàng lên ngựa, theo cửa Quảng-phúc ra khỏi thành. Đi được một quãng, thấy Thiệu-Thái dắt ngựa đứng chờ ở ven đường. Mỹ-Linh mừng rớt nước mắt ra được. Nàng hỏi Thiệu-Thái:

- Anh chờ em lâu chưa?

- Anh vừa tới xong.

- Ai bảo anh tới đây?

- Cậu hai cho người tới gọi anh, bảo đi với em cứu mợ cả. Anh không hiểu gì hết.

Mỹ-Linh thuật mọi chi tiết về mẹ mình cho Thiệu-Thái nghe. Nàng kết luận:

- Chúng ta đi Mê-linh ngay. Có lẽ giờ này mẹ em đã đến đó rồi.

Thiệu-Thái thắc mắc:

- Cứ như trong thư để lại, ắt hẳn mợ đi tìm Hoàng Văn trả thù, chứ có đâu đến tổng đàn phái Mê-linh?

Mỹ-Linh chợt tỉnh ngộ, nhưng nàng vẫn tin lời Trần Thông-Mai :

- Hồi đầu mới nghe anh Thông-Mai nói, em cũng nghĩ như anh. Nhưng anh Thông-Mai khẳng định mẹ đi Mê-linh. Có thể bên trong còn có uẩn khúc gì cũng nên. Vả lại việc này chú hai đã biết tỏ tường, nên người mới bố trí cho chúng mình cùng đi.

Mỹ-Linh chỉ ra phía sông:

- Đi Mê-linh, ta phải vượt sông Hồng sang bờ Bắc. Vậy chúng ta nhờ thủy quân đưa qua.

Hai người ra roi cho ngựa chạy về phía bến Tiềm-long. Tới nơi, viên thủy thủ gác bến nhận ra Mỹ-Linh. Y hành lễ quân cách. Mỹ-Linh truyền lệnh:

- Anh mời viên thuyền trưởng trực gặp tôi.

Viên thuyền trưởng tới. Mỹ-Linh nói:

- Anh cho thuyền chở ngựa với chúng tôi qua sông khẩn cấp.

Viên thuyền trưởng ra lệnh. Một thuyền chở ngựa. Một thuyền chở người. Thuyền rời bến.

Viên thuyền trưởng lấy ra hai túi hành lý, quần áo trao cho Thiệu-Thái.

Mỹ-Linh kinh ngạc hỏi thuyền trưởng:

- Ta bảo người chở ta sang sông. Người đưa quần áo cho ta làm gì đây?

Viên thuyền trưởng cười:

- Công chúa muốn qua sông, cứu vương mẫu, phải thay y phục dân dã, đi đường mới không bị lộ. Chứ công chúa mặc thế này, dọc đường hành sự khó khăn lắm.

Mỹ-Linh kinh ngạc, tự hỏi:

- Ta đi cứu vương mẫu, sao viên thuyền trưởng này cũng biết? Dường như ta đã thấy y ở đâu rồi, dáng dấp y quen quá.

Chợt thấy phía sau cổ y có mụn nốt ruồi son lớn, Mỹ-Linh bật kêu lên:

- Đỗ phu nhân. Phu nhân hoá trang hay quá. Đến tôi với anh Thiệu-Thái cũng nhìn không ra.

Đỗ Lệ-Thanh lấy mực, hồ ra hoá trang Mỹ-Linh thành một thiếu phụ lớn tuổi. Thiệu-Thái thành một trung niên nam tử.

Đỗ Lệ-Thanh bật cười:

- Tiểu tỳ hóa trang, đến vú Hậu cũng không nhìn ra, thế mà công chúa nhận được. Nhãn lực công chúa thực không ai bì kịp.

Mỹ-Linh chỉ vào mụn nốt ruồi đỏ sau cổ Lệ-Thanh:

- Tôi nào có nhận được. May nhờ mụn nốt ruối này đấy chứ.

Mỹ-Linh lấy gương soi, nàng nhăn mặt:

- Sao phu nhân không hoá trang chúng tôi thành đôi trai gái quê?

Đỗ Lệ-Thanh cười lớn:

- Tiểu tỳ không thể hoá trang thế-tử với công-chúa thành nông dân được. Vì chúng ta đi kỳ này phải vượt cả trăm dặm đường, cần cỡi ngựa. Có lẽ phải xử dụng võ công. Xử dụng võ công, ắt công chúa cần kiếm. Có đời nào thôn nữ lại đeo kiếm cỡi ngựa? Nên tốt hơn hết chúng ta hoá trang thành người võ lâm, dễ dàng hơn.

Mụ vỗ tay một cái. Từ trong khoang phía sau, có đôi trai gái chui ra. Mỹ-Linh giật bắn người lên, vì một người chính thị Thân Thiệu-Cực, em Thiệu-Thái. Còn cô gái từ khuôn mặt đến y phục giống nàng như hệt.

Thiệu-Thái ngơ ngác hỏi:

- Thế này là thế nào?

Cô gái dơ tay vẫy mọi người, hay tay xoa vào nhau, cử chỉ đường bệ, giống hệt cô công chúa ở thâm cung:

- Ta là công chúa Bình-Dương, tại sao các người thấy ta không hành lễ? Các người có biết rằng như vậy là phạm tội đại bất kính, phải chặt đầu ư?

Cô gái có dáng điệu, tiếng nói giống hệt Mỹ-Linh. Còn Thiệu-Cực mọi khi mặt bình thường, bây giờ mặt tròn ủng, bụng hơi lớn, dáng diệu phục phịch, người lạ trông sẽ tưởng lầm là Thiệu-Thái.

Thiệu-Cực cười:

- Em có hiểu gì đâu. Sáng nay mạ mạ nhận được thư cậu hai. Mạ mạ bảo em phải lấy ngựa trình diện cậu để nhận lệnh. Trên đường đi sẽ gặp một viên chức thủy quân, nhất nhất nghe lời viên chức này. Em đang trên đường về Thăng-long thì gặp Đỗ phu nhân. Phu nhân đưa em vào ngôi nhà trong một thôn ven đường cùng với cô nương đây. Rồi hoá trang cho bọn em.

Đỗ Lệ-Thanh cười:

- Vương gia ban lệnh bảo tiểu tỳ rằng phải hoá trang cho cô nương đây thành công chúa. Nhị thế-tử thành thế-tử. Hai vị sẽ lên đường về Mê-linh, hầu đánh lạc hướng bọn Tống. Bây giờ nhị thế-tử với cô nương sẽ được đưa sang bên kia bờ, cỡi ngựa đi Mê-linh. Trong khi đó công chúa, thế-tử cùng tiểu tỳ đi cứu vương mẫu.

- Vương mẫu tôi gặp nạn sao?

- Đúng thế. Người không hề trốn đi, cũng không viết thư để lại. Vương phi bị bắt cóc, rồi người ta giả tuồng chữ vương phi viết thư cho vương gia, hầu đánh lạc hướng. Không tin công chúa thử coi lại thư của vương mẫu mà xem.

Mỹ-Linh móc thư ra xem lại. Nàng giật bắn người lên, vì nét chữ trong thư quả có nhiều khác biệt với nét chữ của vương mẫu. Nàng chửi thầm:

- Phụ vương cũng như mình quả thực thiếu tinh tế. Thấy tuồng chữ hơi giống đã vội tin ngay. Chết thực. Nếu không có chú hai, phụ vương với mình như lạc vào trong giấc mơ.

Nàng hỏi:

- Không biết ai bắt cóc vương mẫu tôi, bắt để làm gì?

- Công chúa thử đoán xem?

Nàng vỗ hai tay vào nhau, mắt sáng lên:

- Tôi hiểu rồi! Chúng bắt cóc vương mẫu, sao đó viết thư để lại. Cứ như trong thư, ai cũng đoán vương mẫu tìm Hoàng Văn trả thù. Do vậy phụ vương tin thực, sai tôi đi tìm về. Đi tìm, tôi phải tới nhà Hoàng Văn tra khảo y. Như vậy họ muốn chia rẽ tôi với Hoàng Văn chăng?

Đỗ Lệ-Thanh lắc đầu:

- Nếu muốn chia rẽ công chúa với Hoàng Văn, họ thiếu gì cách, mà phải bầy ra kế này, đôi khi vô hiệu.

Thiệu-Thái nhăn mặt:

- Không lẽ chúng muốn cài bẫy hại Mỹ-Linh?

Ai cũng tưởng Đỗ Lệ-Thanh lắc đầu. Không ngờ mụ gật đầu liền hai cái:

- Họ muốn bắt sống công chúa với thế-tử.

Mỹ-Linh hiểu liền:

- Họ muốn bắt sống hai chúng tôi, rồi ép khai yếu quyết luyện Mê-linh kiếm pháp cùng Mục-ngưu thiền chưởng hẳn?

- Công chúa chỉ mới đoán trúng một nửa. Họ còn muốn bắt sống công chúa với thế-tử để biết nơi chôn cất kho tàng. Vì nơi chôn cất hai kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt trên thế gian này chỉ công chúa với thế-tử biết nơi tàng trữ mà thôi. Kho tàng Âu-Việt xưa nay, chưởng môn phái Mê-linh biết chỗ dấu. Kho tàng Tần-Hán chỉ Hồng-thiết giáo, nay thành Lạc-long giáo có bản đồ nơi chôn.

Mỹ-Linh nhảy phắt lên:

- Họ là ai?

- Tống triều. Vì vậy Khai-Quốc vương cho hai vị đây giả trang công chúa cùng thế-tử, lên đường đi Mê-linh, hầu đánh lạc hướng bọn chúng. Vương gia cũng cho làm tài liệu giả, để lỡ hai vị đây bị bắt, trao cho chúng. Chúng theo đó đi tìm, để rồi chẳng được gì cả. Bây giờ chúng ta cho hai vị này lên bờ, lấy ngựa đi Mê-linh.

Thiệu-Thái lo cho em:

- Nếu em tôi bị chúng vây bắt, với võ công của y sao có thể chống nối?

Thiệu-Cực không giống anh. Chàng thuộc loại người tinh minh, mẫn cán. Vì vậy ngay từ năm mười ba tuổi, đã được bố mẹ cho trông coi hệ thống tế tác vùng Bắc-biên. Giống như ngày nay bao gồm cả tình báo quốc nội, quốc ngoại. Ở Bắc-biên, người ta gọi Thiệu-Thái là ông ỉn, vì chàng vốn to béo kềnh càng, tính tình lại chân thật. Còn Thiệu-Cực được gọi là sơn-kiêu tức con cú ở rừng.

Thời cổ, khi ví người xảo quyệt vô lương tâm, người ta gọi là gian-hoạt tức con chồn tinh ma. Khi ví người khôn ngoan, mưu trí, anh hùng, nhưng trông bề ngoài khù khờ, hiền lành, thường gọi là kiêu-hùng hay sơn kiêu. Kiêu là con cú. Con cú thường cúi đầu ủ rũ như người ngủ. Nhưng trong đầu óc, lại thực sáng suốt, mưu trí tuyệt vời.

Nghe anh lo nghĩ cho mình, Thiệu-Cực cảm động:

- Ỉn khỏi lo cho em. Ỉn quên mất rằng mọi đường đi, nước bước của chúng đều bị cậu hai với chúng mình biết rồi hay sao? Ỉn cũng quên mất rằng, trong tâm tư chúng, chúng biết võ công ỉn cao nhất thiên hạ. Kiếm thuật Mỹ-Linh thần sầu quỷ khốc hay sao? Chúng thấy bọn em, tưởng rằng em là ỉn, sư muội đây là Mỹ-Linh. Đến Triệu Khuông-Dẫn sống lại ra lệnh, chúng cũng không dám lại gần bọn em. Chúng chỉ có thể đánh thuốc mê, hay bỏ thuốc độc vào thức ăn. Khi bọn em đề phòng rồi, thì còn sợ gì nữa?

Anh em Thiệu-Thái vốn cùng bố mẹ chung lo quốc sự, nên thường đùa vui với nhau suốt ngày, mà thương yêu nhau vô cùng. Chàng vẫn không yên tâm:

- Cú rừng nói thế, anh tin thế. Song khi chúng chủ tâm bắt anh với Mỹ-Linh, ắt chúng có mưu kế khác thần diệu hơn. Lỡ ra cú rừng với cô nương đây vào tay chúng, e nguy lắm chứ không chơi đâu.

Thiếu nữ giả Mỹ-Linh chỉ vào cái túi bên cạnh, lên tiếng:

- Lợn lo cho em với Thiệu-Cực như vậy cũng phải. Nhưng lợn ơi! Nếu chúng không giám bắt sống em với cú rừng, ắt chúng tìm cách ăn trộm cái túi này. Trong túi có cuốn phổ chép Mê-linh kiếm pháp cùng Mục-ngưu thiền chưởng giả. Cũng có hai cuốn nữa, chép nơi dấu kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt cũng giả. Khi ăn cắp xong, chúng cao chạy xa bay ngay. Còn trường hợp cú rừng với em bị bắt, có hai sự kiện xẩy ra.

Mỹ-Linh nghe tiếng thiếu nữ rất quen, nàng suy nghĩ xem đã gặp nàng ở đâu. Thiếu nữ thấy Mỹ-Linh nghĩ không ra, nàng cất tiếng rao dài thườn thượt:

- Ai bún riêu không!

Mỹ-Linh bật kêu lên:

- Thanh-Trúc! Thảo nào tiếng nói trong quá.

Thiếu nữ giả Mỹ-Linh chính là người mang tên Thanh-Trúc, đã được bố trí làm cô hàng bún riêu, đưa Ngô Tích vào lưới của Khu-mật viện tại Vạn-thảo thôn trang. Hôm về Thăng-long, Mỹ-Linh được biết Thanh-Trúc không phải thôn nữ, mà là con quan lễ bộ thượng thư. Quan lễ bộ thượng thư gọi Lập-nguyên hoàng-hậu bằng cô. So vai vế, Thanh-Trúc với Mỹ-Linh ngang vai nhau. Nàng vốn văn hay chữ tốt, lại võ công thâm hậu, cho nên Khai-Quốc vương mới tuyển nàng làm việc cho Khu-mật viện. Để tiện hành động, vương nhận nàng làm con nuôi.

Mỹ-Linh mừng quá, ôm lấy Thanh-Trúc:

- Em giả trang hay quá, đến chị mà cũng không nhận được. Thế hai trường hợp xẩy ra như thế nào?

- Trường hợp thứ nhất, chúng không khám phá ra sự giả mạo của anh Cực với em. Em làm bộ chống đối, rồi trao bản đồ giả cho chúng. Còn chúng khám phá ra sự giả mạo. Em khai rằng hai đứa hoá trang ăn cắp kiếm phổ, chưởng phổ cùng bản đồ. Không may bị chúng bắt được. Tóm lại cả hai trường hợp, chúng đều bị lừa cả.

Mỹ-Linh vẫn lo cho vương mẫu:

- Thế thực sự vương mẫu bị chúng bắt đem đi đâu?

Đỗ Lệ-Thanh đáp:

- Lúc bắt cóc, chúng giả bàn nhau, đem đi Mê-linh, hầu đánh lừa mọi người. Chúng vờ lộ cho Khu-mật viện biết. Chúng nghĩ rằng Khu-mật viện theo chúng đi Mê-linh. Trong khi chúng đem đi nơi khác. Khai-Quốc vương biết thế. Người vờ như trúng kế, bố trí cho thế-tử Thiệu-Cực với cô nương Thanh-Trúc đi Mê-linh làm như trúng kế. Sự thực thì...

Thiệu-Thái nhăn mặt:

- Tôi không hiểu.

Lệ-Thanh giảng giải:

- Xung quanh Thăng-long hiện có đến ba màng lưới săn đuổi nhau. Màng lứơi thứ nhất của Khu-mật viện. Màng lưới thứ nhì của Lạc-long giáo. Màng lưới thứ ba của phái Đông-a. Bọn Tống chỉ biết, cùng đề phòng màng lưới của Khu-mật viện. Còn hai màng lưới kia chúng không biết. Khai-Quốc vương rõ như thế, cứ im lặng, làm như màng lưới Khu-mật viện bị trúng kế. Mặt khác người dùng Thanh cô nương đem lệnh của Thế-tử điều động màng lưới Lạc-long giáo theo dõi chúng. Mặt khác người dùng màng lưới của phái Đông-a hữu hiệu vô cùng.

Mỹ-Linh chợt hiểu:

- Vì vậy mới có truyện anh Thông-Mai giả thám thính phủ Khai-Thiên, rồi quyết đoán vương mẫu đi Mê-linh. Anh ấy thúc chúng tôi đi Mê-linh cứu vương mẫu, vì biết xung quanh chúng tôi có bọn gian tế Tống. Chắc chúng tưởng mình trúng kế, chúng yên tâm hành động, và lọt lưới Khu-mật-viện.

- Đúng vậy! Còn vương mẫu, chúng đem xuống thuyền, đưa về Trung-quốc.

- Để làm gì?

- Công chúa quên mất rằng, hồi còn theo học phái Mê-linh, vương mẫu vốn văn hay chữ tốt, nên được sư thái Tịnh-Tuệ sai chép võ kinh cũng như di thư cất kho tàng. Chúng cần đem vương mẫu theo, hầu khi bắt được di thư kho tàng, chúng bắt viết ra, còn so sánh tuồng chữ.

Thiệu-Thái kinh hoảng:

- À thì ra thế. Không biết khi giả di thư, cậu tôi có nghĩ đến truyện đó không?

Mỹ-Linh ở gần chú lâu ngày, nàng biết nhiều về Khu-mật viện:

- Anh đừng lo. Khi giả mạo, cậu phải kiếm những thứ giấy cũ, rồi tìm người viết cho hay, giả mạo tuồng chữ, đến kẻ viết cũng không nhận ra được.

Thuyền đã cập bến. Thiệu-Cực cùng Thanh-Trúc lên bờ. Đỗ Lệ-Thanh cung tay giả hành lễ quân cách. Mụ nói lớn:

- Chúc công chúa cùng thế-tử mã đáo thành công.

Thiệu-Cực vẫy tay một cái. Hai người lên ngựa, ra roi.

Thuyền vẫn trôi xuôi theo giòng nước. Mỹ-Linh biết mọi sự do chú mình xếp đặt, nên nàng không hỏi xem tại sao thuyền không sang ngang, mà xuôi giòng? Thuyền đi được hơn mười dặm, thì từ phía sau có con thuyền buôn đi cùng chiều. Như muốn vượt qua chiến thuyền.

Đỗ Lệ-Thanh nói:

- Bây giờ chúng ta chờ thuyền kia đi song song, thình lình vọt qua. Nhớ nhắm cửa sổ chuồn vào. Dù người trên thuyền. Dù người đứng trên bờ cũng không thấy được. Công chúa nhớ nhé, Thân thế-tử mang họ Thái tên Thân. Công chúa họ Đỗ tên Linh. Hai vị là anh em con cô cậu. Cả hai theo thuyền buôn sang Trung-quốc học y. Còn tiểu tỳ họ Lý tên Lệ.

Con thuyền buôn từ từ vượt lên. Đỗ Lệ-Thanh nháy mắt, rồi mụ nhảy qua. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh nhảy theo. Trong khoang không có một người nào cả.

Chợt có tiếng gõ cửa. Một thiếu niên ngó đầu vào nói bâng quơ:

- Đường có mạch, bức vách có tai.

Mỹ-Linh thấy trên nút áo y có sợi chỉ đỏ, thì biết y làm việc cho Khu-mật viện. Y nháy nàng một cái, rồi rời khỏi khoang thuyền.

Mỹ-Linh hỏi Lệ-Thanh:

- Bây giờ chúng ta phải làm gì?

Đỗ Lệ-Thanh móc trong túi ra một cái hộp trao cho Mỹ-Linh:

- Vương gia truyền tiểu tỳ đệ lên công chúa.

Mỹ-Linh sửa y phục ngay ngắn, cung kính mở hộp ra. Bên trong có trục giấy. Nàng cầm lên đọc, đã kinh ngiệm vụ vương mẫu bị giả mạo nét chữ. Nàng quan sát cẩn thận, thấy đúng chữ của chú, nàng đọc đi đọc lại một lựơt, rồi châm lửa đốt.

Thiệu-Thái biết đây là lệnh của cậu cực kỳ cơ mật nên Mỹ-Linh đọc rồi đốt. Vì vậy chàng không hỏi xem trong cuốn trục Khai-Quốc vương viết gì. Chàng nhìn Mỹ-Linh chờ nàng nói.

Mỹ-Linh nhìn Đỗ Lệ-Thanh cười:

- Chú tôi dặn chúng ta ra biển, rồi hướng lên Bắc. Bấy giờ sẽ có chim ưng trao cho chỉ dụ mới. Trong khi ngồi thuyền buồm, Lý phu nhân dạy bọn tôi luyện lại tiếng vùng Biện-kinh. Chứ chúng tôi nói tiếng Hoa vùng Quảng nghe quê quá.

Đỗ Lệ-Thanh vui vẻ:

- Vậy thì thế này, bây giờ chúng ta bàn truyện. Tiểu tỳ nói câu nào, công tử, tiểu thư theo đó nhẩm lại, chỉ mấy ngày sẽ thành quen ngay.

Mỹ-Linh hỏi:

- Thuyền này có bao nhiêu thủy thủ? Ai là chủ?

- Vương gia cho biết họ thuộc bang Hồng-hà, làm việc cho Khu-mật viện. Trên thuyền có ba mươi người. Gồm mười lăm thủy thủ. Còn lại đều là vợ con họ. Họ chuyên chở mướn, đường Thăng-long sang bên Quảng-Nam, Quảng-Tây. Chúng ta đi với họ, không ai nghì ngờ gì cả. Họ cũng không biết rõ thân phận cùng nhiệm vụ chúng ta. Họ được lệnh tuyệt đối tuân theo chỉ dụ công tử, tiểu thư mà thôi.

Nhớ lời dặn của Khai-Quốc vương

Khi tới chỗ nào, muốn tìm người của Khu-mật viện, cứ gõ vào thành cửa ba tiếng lớn, hai tiếng nhỏ, sẽ có người xuất hiện. Hỏi mật khẩu, sẽ biết vai vế họ. Nàng vận âm kình, gõ tay vào thành cửa. Tiếng kêu tuy nhỏ, nhưng vọng đi rất xa.

Lát sau, một lão già đầu bạc trắng như cước bước vào khoanh tay, hành lễ. Mỹ-Linh hỏi:

- Ông có hoa lan bán không?

Lão già trả lời:

- Không! Tôi chỉ bán hoa đào mà thôi. Tiểu thư mua mấy nhánh?

- Tôi cần mua chín nhánh.

Lão già kính cẩn:

- Tiểu nhân chỉ có hai nhánh.

Nguyên đẳng trật võ quan đời Lý có mười, gồm đô nguyên soái, tiết độ sứ, đại tướng quân, phó nguyên soái, phó tiết độ sứ, phó tướng quân, nội điện chỉ huy sứ, chiêu thảo sứ, thiên tướng, thần tướng. Mỹ-Linh được Khai-Quốc vương cấp binh phù cho, chứng nhận đẳng trật tới thứ chín tức tiết độ sứ. Còn lão già xưng hai nhánh tức thiên tướng. Như vậy cấp của hắn khá cao.

Mỹ-Linh hỏi:

- Lão tiên sinh báo danh tính đi.

- Tiểu nhân họ Vũ tên Hoàn, thuyền trưởng.

- Vũ thuyền-trưởng ngồi xuống đây đi. Vũ thuyền-trưởng tải những gì sang Trung-quốc bán?

Trong mật lệnh, Khai-Quốc vương dặn Mỹ-Linh rằng thuyền trưởng cũng như thủy thủ đều được thông báo rằng nàng với Thiệu-Thái là anh em cô cậu. Cả hai xuất thân văn quan làm võ quan, chỉ biết mấy thế võ phòng thân. Hai anh em giả sang Trung-quốc học thêm về y khoa. Tuyệt nhiên họ không biết thân thế anh em nàng, cũng không biết gì về Đỗ Lệ-Thanh.

Vũ Hoàn kính cẩn:

- Tại hạ vốn thuộc bang Hồng-hà, làm nghề vận tải đường sông từ Thăng-long đi Tuyền-châu. Còn hàng, tùy theo khách đem theo. Tại hạ không buôn bán gì cả.

Đỗ Lệ-Thanh hỏi:

- Đường từ Thăng-long đi Tuyền-châu mất mấy ngà

- Nếu không bị gió Bắc thổi, mất mười ngày. Còn khi có gió Bắc, e đến hơn nửa tháng. Đường đi chia làm nhiều chặng. Chặng đầu tiên Thăng-long, Ngọc-sơn mất một ngày. Thuyền nghỉ nửa ngày cho khách lên, nhận thêm khách xuống. Chặng thứ nhì Ngọc-sơn đi Bạch-đằng. Nghỉ tại Bạch-đằng một ngày, sau đó đi Miếu-sơn mất một ngày rưỡi. Nghỉ ở Miếu-sơn nửa ngày, rồi đi Khâm-châu. Tại Khâm-châu, chờ giấy phép của quan trấn thủ Tống, rồi lên đường đi Hải-nam. Từ Hải-nam đi thẳng Tuyền-châu.

Thiệu-Thái đã từng ở Bắc-biên, chàng thuộc lòng địa thế các châu Trung-quốc giáp giới với khê động Đại-Việt, nên lão Trịnh nói gì chàng không chú ý cho lắm. Chàng hỏi:

- Tôi nghe vùng biển giáp giới Tống, Việt có bọn cướp ở trại Như-hồng thường đón thuyền buôn hãm hại. Trên thuyền ta có đủ lực lượng chống với chúng không?

Lão Vũ tỏ vẻ tự đắc:

- Đối với thuyền khác, bọn chúng dám đánh cướp, chứ đối với thuyền của bản bang, cho ăn vàng bọn chúng cũng không dám. Công tử, tiểu thư đừng lo.

Thiệu-Thái hỏi:

- Trên thuyền có bọn nào cần đề phòng không?

- Tất cả đều phải đề phòng. Tài công chính là con trưởng của lão tên Vũ Ngọc. Hiện có tới hơn hai trăm khách đi Trung-nguyên. Tăng có, tục có, nam có, nữ có. Võ công cao có, võ công thấp có. Tồt hơn hết ba vị cứ ở trong khoang thì hơn hết.

Nói rồi lão từ tạ lui bước.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh mở cửa sổ nhìn ra sông. Nước sông Hồng chảy siết, thuyền trôi mau như tên bắn. Đỗ Lệ-Thanh bàn:

- Chúng ta đang ở trên tầng cao nhất của con đò. Tầng này chỉ có ba phòng. Phòng cho tài công ngồi lái ở chính giữa. Phòng bên phải của thuyền trưởng. Chúng ta ở phòng bên trái. Tất cả khách đi thuyền đều ở tầng giữa. Tầng dưới cùng chất hàng. Tiểu tỳ nghĩ chủ nhân nên đục một lỗ, nhìn xuống xem bên dưới có những ai, hầu đề phòng.

Mỹ-Linh tuy đã đi ra ngoài, kinh lịch nhiều. Song nàng được giáo huấn rất kỹ trong tinh thần Nho, Phật. Thấy Lệ-Thanh đề nghị hợp lý, nhưng thân phận nàng, một công chúa, cha mẹ trăm họ, có đâu đi rình rập người dân?

Nàng chưa kịp cản, thì Đỗ Lệ-Thanh đã chỉ vào một chỗ ván gần cửa sổ, bảo Thiệu-Thái:

- Chủ nhân vận Thiền-công vào ngón tay chỏ rồi khoan chỗ này, chúng ta dễ dàng nằm dài mà quan sát.

Thiệu-Thái hít hơi, chiã ngón tay chỏ quay mấy vòng. Ván thuyền bị khoan tan thành mùn. Đúng ra với công lực của chàng, chỉ cần chọc một cái, đừng nói ván thuyền, đến gạch, đá cũng thủng. Nhưng vì chàng sợ chọc mạnh, mùn rơi xuống dưới, ắt bị lộ hình tích.

Chàng vừa khoan, vừa móc mùn lên. Lát sau, ván thuyền thủng một lỗ nhỏ. Đỗ Lệ-Thanh nằm dài ra, ghé mắt nhìn xuống dưới. Quan sát một lát, mụ ngừng lại, lấy tay bịt lỗ rồi nói:

- Chủ nhân! Bên dưới có tới bốn mươi hàng ghế. Mỗi hàng chia làm hai dẫy, tổng cộng tám mươi ghế. Có tất cả ba trăm năm mươi người ngồi. Đông thực!

Mỹ-Linh tỏ vẻ không hài lòng:

- Phu nhân! Hãy lấy giấy bịt lỗ đó lại. Mình có nhiều truyện phải bàn.

Trước câu nói dịu dàng, uy nghiêm của Mỹ-Linh, Đỗ Lệ-Thanh líu ríu tuân theo. Mỹ-Linh hỏi:

- Đỗ phu nhân! Phu nhân mang theo bao nhiêu loại thuốc? Có thuốc tê, thuốc mê không?

Lệ-Thanh mỉm cười:

- Thưa công chúa, không thiếu thứ nào cả.

Thủy thủ mang cơm lên. Cơm canh khá thịnh soạn. Ba người ăn xong, leo lên dường nằm ngủ. Ba ngày trôi qua, ngửi hơi gió tanh tanh, Mỹ-Linh biết mình đang đi trên biển.

Chợt Thiệu-Thái chỉ ra ngoài cửa sổ. Mỹ-Linh nhìn theo: trên trời, hai con chim ưng bay lượn trên đầu một con thuyền buôn khác đang đi trước thuyền bang Hồng-hà khoảng vài dặm. Thiệu-Thái đặt nghi vấn:

- Không biết chim ưng hoang hay của Khu-mật viện. Con thuyền kia của ai? Chúng ta cho thuyền vượt lên ngang, quan sát mới biết được.

Ba người ra ngoài sàn thuyền đứng nhìn trời. Mỹ-Linh thấy tài công chính thiếu niên đón mình ban nãy, mà thuyền trưởng Vũ Hoàn giới thiệu y là con lão tên Vũ Ngọc. Nàng bảo y:

- Anh cho thuyền lướt mau lên một chút. Khi đi ngang thuyền kia, thì cho chạy chậm lại, song song với chúng.

Thiếu niên gật đầu. Y kéo mạnh hai sơi dây buồm. Con thuyền lập tức tăng tốc độ. Phút chốc đuổi kịp con thuyền trước mặt. Y nhìn con thuyền kia, nói sẽ:

- Thuyền kia của bang Đông-hải. Họ cũng làm nghề vận tải, song chạy đường Thăng-long, Thanh-hóa, Nghệ-an, Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la.

Mỹ-Linh nhìn con thuyền bang Đông-hải, hỏi:

- Vũ huynh đệ. Sao người biết thuyền kia của bang Đông-hải?

Ngọc tỏ vẻ hiểu biết:

- Thưa tiểu thư, các thuyền chuyên chở đều vẽ hình, để thủy quân từ xa nhận được. Thuyền của Đại-Việt, trên hai bên mũi, vẽ con mắt cực lớn. Thuyền của Trung-quốc, vẽ vòng Bát-quái. Trên cột buồm cao nhất treo ba lá cờ. Một lá của quốc gia trên đỉnh cao nhất. Lá thứ nhì của bang, hội hay hãng buôn. Như con thuyền kia, chỏm có lá cờ Đại-Việt. Thấp hơn một chút có lá cờ mầu vàng, với hình mặt trời mọc. Ở giữa có hình con chim hải âu tung cánh.

Y chỉ lên cột buồm thuyền mình:

-- Còn như thuyền ta, trên đỉnh cũng treo cờ Đại-Việt. Cột thấp hơn treo cờ mầu xanh, có hình chim ưng tung cánh.

Mỹ-Linh được biết bang Đông-hải vốn thuộc chính phái. Bang trưởng tên Hùng Cơ. Gốc bang Đông-hải do các tướng thủy quân thời Lĩnh-Nam lập ra.

Nguyên sau khi vua Trưng tuẫn quốc, rồi đô đốc Trần Quốc, Tử-Vân, Giao Chi trước sau cũng bị hại. Chư tướng không chịu phục người Hán, chiếm cứ các đảo Đông-hải, tự lập thành bang. Nay vẫn sống ngoài vòng cương toả.

Người trên thuyền bang Đông-hải dơ tay vẫy. Vũ-Ngọc cũng vẫy tay lại. Thiệu-Thái thấy quả hai con chim ưng bay lượn trên trời hơi giống chim của Khu-mật viện do Bắc-biên cung cấp. Chàng chợt nhớ ra:

- Phải rồi, chim ưng kia của dì An-Quốc với phò mã Đào-cam-Mộc. Không biết hai vị đó cho chim theo dõi thuyền bang Đông-hải để làm gì? Trong thuyền có nhân vật nào kỳ lạ không?

Chàng bảo Vũ Ngọc:

- Người cho thuyền chạy sau thuyền bang Đông-hải khoảng một dặm.

Hai con thuyền, một trước, một sau, hướng về phía Đông. Bỗng từ phía hạ lưu, hai con thuyền cực lớn, dàn ra ngang sông. Mỹ-Linh chú ý, thấy trên cột buồm có lá đại kỳ, trên vẽ hình con rồng uốn khúc. Ở giữa có con chim âu tung cánh. Nàng biết đó là kỳ hiệu của thủy quân Đại-Việt

Một thủy thủ đứng trên đài, cầm cờ mầu đỏ phất qua phất lại, ngụ ý ra lệnh cho con thuyền của bang Đông-hải với con thuyền bang Hồng-hà ngừng lại. Hai con thuyền bang đang lướt sóng, cánh buồm lớn từ từ hạ xuống. Con thuyền chạy chậm hẳn lại. Khi còn cách chiến hạm hơn hai dặm, cánh buồm nhỏ quay ngược chiều, cản gió, làm con thuyền chậm dần, chậm dần rồi đứng lại.

Một viên thủy thủ cầm loa nói vọng sang:

- Phiền thuyền quý bang ngừng lại. Chúng tôi được lệnh tuần tiễu, kiểm soát hành khách trước khi thuyền lên Bắc. Xin quý khách đâu ngồi nguyên đó, không chạy lộn xộn, để quan binh làm việc.

Dường như quen thuộc với nhiệm vụ. Hai chiến hạm kè song song với hai thuyền buôn. Năm thủy thủ cùng đẩy một tấm ván làm cầu, bắc ngang giữa chiến thuyền với thuyền mình.

Từ trên chiến thuyền, một đội quan binh hai mươi người, do viên đội trưởng chỉ huy, leo cầu tiến sang. Phía sau có năm người mặc quần áo theo lối văn quan. Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Năm văn quan kia làm việc tại ty Thương-bạc, có nhiệm vụ thu thuế.

Thuyền trưởng dẫn đội thủy quân vào trong khoang kiểm soát thẻ bài hành khách. Trong khi đó năm viên Thương-bạc kiểm soát các bao hành lý. Khi kiểm đến Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, viên đội trưởng thấy nàng với Đỗ-lệ-Thanh đeo kiếm, y phóng một cái nhìn khắp người, rồi vẫy cho đám thủy thủ tiếp tục lui xuống dưới kiểm soát.

Đám thủy thủ đi rồi, nhanh như chớp, viên đội trưởng móc trong túi ra một ống tre nhỏ sẽ đặt vào tay Thiệu-Thái. Y dơ ngón tay như hành lễ, sau đó theo đồng đội xuống dưới khoang.

Thiệu-Thái đưa mắt cho Mỹ-Linh, rồi vào khoang thuyền, mở ống tre. Bên trong có mẩu giấy viết mấy chữ. Mỹ-Linh nhận ra bút tích của chú:

Bất cứ trường hợp nào cũng không được lộ hình tích. Tuyệt đối cấm xử dụng võ công. Chỉ trường hợp nguy đến tính mệnh mới được phản ứng. Có tin tức gì, sai chim ưng đưa thư. Ta phải dùng chim ưng của Vạn-hoa sơn trang, hầu đánh lạc hướng chúng .

Dưới vẽ bông sen, Mỹ-Linh biết đó là biểu hiệu của Khai-Quốc vương. Khi mới vào thuyền, Mỹ-Linh nhận cuốn trục do Đỗ Lệ-Thanh trao cho. Trong trục Khai-Quốc vương cho biết vương phi Khai-Thiên hiện bị bọn Tống áp tải bằng đường thủy về Trung-quốc. Vương biết rất rõ đường đi nước bước của chúng. Nếu muốn giải thoát, vương chỉ việc sai một chiến thuyền chặn bắt. Nhưng vương muốn dùng bà chị dâu lập một chút công lao với Đại-Việt, hầu Thuận-Thiên hoàng đế ban chỉ ân xá đặc biệt cho bà cái tội ô danh thất tiết. Như vậy mới cứu được Khai-Thiên vương.

Khi bà trên đường bị giải về Trung-nguyên, Khai-Quốc vương sẽ dùng người Khu-mật viện chuyển thư cho bà, dặn bà cách thức lừa bọn Tống đến một chỗ thực lạ đào kho tàng. Trong khi đó, nhóm Đại-Việt thản nhiên chở kho tàng về. Lệnh dặn Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cứ đến Quảng-Nam lộ, rồi tới Khúc-giang. Tới đó, cơ sở Lạc-long giáo sẽ tiếp đón. Những trưởng lão Lạc-long giáo, cùng cao thủ phái Đông-a, Sài-sơn, Tiêu-sơn, cũng âm thầm tới sau.

Bây giờ Mỹ-Linh mới biết tại sao trên mấy con thuyền của bang Đông-hải lại có chim ưng của phò mã Đào Cam-Mộc. Nàng nhận thêm lệnh không được xử dụng võ công, ắt trên thuyền có gian nhân Tống. Cũng có thể vương mẫu cùng đi một thuyền.

Từ bên chiến hạm thứ nhì, ba người đeo kiếm tiến sang thuyền bang Hồng-hà. Mỹ-Linh nhận ra người già, gầy là Đông-Sơn lão nhân, người mập mập là Triệu Huy, và một người nữa trang phục theo lối thủy quân Việt. Nàng đưa mắt cho Đễ-lệ-Thanh với Thiệu-Thái, ngụ ý "phải cẩn thận". Bọn Triệu-Huy đi từng hàng ghế quan sát hết mọi hành khách, rồi lên sàn thuyền. Thấy bọn Mỹ-Linh, đã hoá trang thành một phụ nữ già, một thiếu phụ, một trung niên nam tử. Triệu-Huy đưa mắt cho viên võ quan. Viên võ quan hỏi Vũ Ngọc:

- Ba người này là ai?

Vũ Ngọc thản nhiên đáp:

- Họ gốc người Thăng-long, đáp thuyền sang Trung-quốc.

Viên võ quan tiến lại hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

- Bà cho xem thẻ bài.

Đỗ Lệ-Thanh trình thẻ bài ra. Viên võ quan cầm lấy xem xét, rồi trao cho Triệu Huy. Y hỏi Mỹ-Linh, Thiệu-Thái:

- Ông bà tên gì? Bao nhiêu tuổi?

Mỹ-Linh đáp:

- Tôi họ Đỗ tên Linh, ba mươi tuổi. Còn người này là anh em cô cậu với tôi tên Thái Thân, ba mươi lăm tuổi.

Triệu Huy cầm thanh kiếm của Mỹ-Linh, Thiệu-Thái quan sát, rồi đưa mắt ra hiệu cho viên võ quan. Viên võ quan nói:

- Bản chức họ Đoàn tên Thông, chỉ huy hạm đội tuần tra các cửa biển cho đến Ngọc-sơn. Vì các vị có một vài vết nghi ngờ. Xin mời các vị sang chiến hạm để lấy khẩu cung.

Mỹ-Linh biết cạnh nàng, Đông-Sơn lão nhân cùng Triệu Huy đang theo dõi, nàng tránh nói nhiều. Chỉ cần sơ xuất một chút, có thể bị lộ hình tích, hỏng kế hoạch của Khu-mật viện. Nàng ra hiệu cho Lệ-Thanh, Thiệu-Thái tỏ ý không phản đối. Nàng hỏi lại:

- Chúng tôi có hành lý. Vậy mang theo hay để ở đây?

Triệu Huy đáp thay viên võ quan:

- Mang theo hết.

Ba người theo bọn Triệu Huy sang chiến hạm. Hai chiến hạm tách rời thuyền của bang Đông-hải, Hồng-hà, rồi kéo buồm hướng về phía Đông. Viên võ quan đưa ba người vào một khoang thuyền lớn. Y chỉ Triệu Huy:

- Vị này làm việc tại Khu-mật viện, được phái theo thủy quân, hầu tra xét, bắt một số gian nhân Tống sang Đại-Việt làm gian tế. Yêu cầu các người thành thực trả lời, nếu sai trái, chiếu luật chặt đầu.

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

- Không biết bọn này giả thủy quân Đại-Việt hay chúng đánh chiếm chiến hạm Đại-Việt, rồi bầy ra trò này. Ta cứ im lặng, như người dân xem sao?

Triệu Huy hất hàm, một thủy thủ mở hành lý Mỹ-Linh ra khám. Trong túi hành lý của nàng chỉ có quần áo, ít tiền, vàng, bạc. Ngoài ra còn quyển kinh Lăng-già, do chính nàng chép tay.

Tên thủy thủ khám hành lý Thiệu-Thái, chúng cũng không tìm thấy gì hơn. Khám đến hành lý Đỗ Lệ-Thanh, y thấy có hơn năm mươi bình nhỏ đựng thuốc. Triệu Huy hỏi:

- Các người đáp thuyền bang Hồng-hà, định đi đâu?

Mỹ-Linh đáp:

- Chúng tôi vốn hành nghề thầy thuốc. Nay sang Tống học thêm.

- Người nói lạ. Hiện y học Đại-Việt thịnh hơn Tống, mà người lại sang Tống học ư?

Lệ-Thanh đáp thay Mỹ-Linh:

- Đành rằng y học Việt hơn y học Tống. Song mỗi nơi có một sở trường riêng. Chúng tôi cần học thêm hầu mở mang kiến thức.

Triệu Huy hỏi bằng tiếng Quan-thọai:

- Các người có biết tiếng Trung-quốc không, mà định sang học nghề thuốc?

Đỗ Lệ-Thanh cười thầm:

- Mi hỏi ta điều gì, chứ hỏi điều đó, thì thực ngu.

Bà đáp bằng tiếng Quảng:

- Dĩ nhiên chúng tôi biết nói, biết viết, mới dám di xa tìm thầy học chứ!

Triệu Huy nhìn viên võ quan lắc đầu, tỏ ý thất vọng:

- Đem bọn này theo, hay gọi thuyền Hồng-hà trả về?

- Giữ chúng lại, tránh lộ tung tích.

Triệu Huy nói:

- Các người đó nhiều điều khả nghi. Vì vậy bản chức giữ lại để điều tra thêm. Trong thời gian ở đây, ta giam các người dưới lòng chiến hạm. Các người sẽ phải phụ trách nấu bếp, lau chùi. Đợi sau chuyến tuần hành, ta sẽ thả các người ra.

Y gọi:

- Đội trưởng Đam đâu?

Một viên đội trưởng thủy quân bước vào, đứng chờ lệnh:

- Ta giao cho mi quản thúc ba người này. Cung cấp thực phẩm nuôi dưỡng đầy đủ, dùng họ vào việc bếp núc.

Đam vâng dạ, dẫn ba người đến trước cái cửa. Sau cửa hiện ra cầu thang xuống dưới lòng chiến hạm. Lòng chiến hạm không tối lắm, vì có nhiều cửa sổ. Y đẩy cửa, chỉ xuống dưới:

- Đây là lòng chiến hạm. Trong có mười phòng giam tù và một phòng công cộng. Các người ở phòng công cộng. Đừng tò mò vào mười phòng giam tù. Trái lệnh sẽ bị ném xuống biển. Các người ngủ ở dưới này. Khi có việc, ta sẽ gọi lên.

Nói rồi y đóng cửa lại. Thiệu-Thái theo cầu thang đi trước. Mỹ-Linh, Đỗ Lệ-Thanh theo sau. Thiệu-Thái dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Mỹ-Linh, Lệ-Thanh:

- Phải cẩn thận, chúng đang rình ta đó.

Mỹ-Linh nói lớn:

- Thủy quân thực lạ lùng. Chúng mình không có tội, mà sao lại bị giam thế này?

Lệ-Thanh vờ đáp:

- Họ nghi ngờ chúng ta làm gian tế cho Tống?

Thiệu-Thái hùa theo:

- Nếu nghi ngờ, sao không bắt tất cả mấy trăm người trên thuyền bang Hồng-hà?

Mỹ-Linh thở dài:

- Chắc chỉ chiều hay mai chúng mình sẽ được tha ra.

Lệ-Thanh kiếm chỗ sạch, cùng Mỹ-Linh, Thiệu-Thái vờ nằm ngủ. Nội công Thiệu-Thái rất cao. Chàng áp tai vào van thuyền, nghe rõ tất cả những âm thanh người ta nói ở phía trên. Nào âm thanh của thủy thủ nói truyện với nhau, nào âm thanh của đám tù nhân. Lại có âm thanh của Triệu Huy với viên hạm trưởng. Triệu Huy băn khoăn:

- Chúng ta canh phòng trên sông này, đến hôm nay đã mười ngày, như vậy chắc chúng nó không đi theo đường thủy. Phải báo cho vương gia biết, mà theo dõi đường khác.

Tiếng viên võ quan nói:

- Tin tức cho biết, chúng xuống chiến thuyền ở bến Tiềm-long, rồi lên bộ đi ngựa. Không lẽ chúng về Mê-linh thực?

Triệu Huy tiếp:

- Nhất định Khu-mật viện dính vào vụ này. Khi thấy Bình-Dương, Thiệu-Thái từ chiến hạm lên bờ Bắc sông Hồng đi Mê-linh. Đoàn do thám của Vương đại nhân theo bén gót. Đêm xông thuốc mê bắt được chúng. Sau khi khám xét, thì ra chúng không phải Thiệu-Thái, Bình-Dương. Thằng con trai thú nhận tên Thiệu-Cực, em Thiệu-Thái. Đứa con gái là tình nhân của nó. Hai đứa khai rằng chúng hoá trang thành Bình-Dương, Thiệu-Thái mục đích ăn cắp phổ, chưởng phổ cùng bản đồ kho tàng rồi trốn đi. Vương đại nhân cùng Đông-Sơn lão nhân luyện kiếm, chưởng thử, thấy không kết quả. Vì vậy vương gia mới truyền cho chúng ta bắt bằng được hai đứa nó, mới mong luyện thành.

Tiếng Đông-Sơn lão nhân nói:

- Trong chiến hạm này, chúng ta bắt oan đến hơn hai mươi người rồi. Thôi, liệu đến Ngọc-sơn thả họ ra cho rồi.

Tiếng Dư Tĩnh nói:

- Phải giết hết chúng để phi tang. Thả chúng ra, ắt chúng nói ầm lên. Khu-mật viện biết Dực-Thánh vương hành sự cho Thiên-triều thì nguy tai.

Bây giờ, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh mới tỉnh ngộ:

- Thì ra thế. Hôm ở Thiên-trường về Thăng-long, mình đã thấy Dực-Thánh vương dùng chiến thuyền hỗ trợ bọn Tống. Mình cáo với cậu hai, nào ngờ ra cậu biết rồi. Cậu tâu lên ông ngoại. Đáng lẽ ông ngoại làm tội. Nhưng vì trong buổi giỗ Bắc-bình vương, ông ngoại ban chỉ đại xá thiên hạ. Tưởng như vậy Dực-Thánh vương ắt thôi, không dám đi với bọn Tống nữa. Đâu biết ngựa quen đường cũ, vương còn lộng hành, sai thủy đội hỗ trợ bọn Tống chống Khu-mật viện. Thế là công khai làm phản rồi.

Ba người nháy nhau, rồi ngủ đi lúc nào không hay. Bỗng có tiếng gõ cửa ầm ầm, rồi đội Đam vào trong khoang nói:

- Ba người đi học thuốc đâu, mau ra làm việc.

Bọn Mỹ-Linh tỉnh dậy, theo chân đội Đam ra ngoài, leo lên tầng thứ nhất. Một khoang khá lớn dùng làm bếp. Đội Đam nói:

- Các người phải giúp hoả đầu quân nấu bếp.

Có ít nhất hơn hai mươi thủy thủ phụ trách hoả đầu quân, tất cả đặt dưới quyền một trưởng bếp tên Triệu Tu. Mỹ-Linh liếc mắt nhìn Triệu Tu, gương mặt y vàng ủng, trông như người bị bệnh. Chợt nàng để ý thấy lưng y quen vô cùng, mà trong nhất thời không biết nàng đã gặp y ở đâu.

Chúng giao cho ba người làm cá. Đỗ Lệ-Thanh, Thiệu-Thái từng ra ngoài, việc làm cá tuy chưa trải qua bao giờ, nhưng ít ra cũng thấy đôi lần. Còn Mỹ-Linh đây là lần đầu tiên nàng làm cá. Tuy vậy, bản chất thông minh, lại khéo tay, chỉ liếc qua, nàng làm được ngay.

Mỹ-Linh đưa mắt nhìn ra, bốn bề mênh mông, nước biển xanh ngắt. Chiến thuyền của nàng đi thứ tư, ở giữa. Hai bên còn hai chiến thuyền đi kè song song. Phía sau còn năm cặp, phía trước cũng năm cặp chiến thuyền nữa đi hàng đôi. Nàng nhủ thầm:

- Phải rồi, đây là một thủy đội. Mỗi thủy đội có mười hai chiến hạm, và một soái hạm. Dường như thủy đội này đang đi về phía Bắc.

Trên cột buồm, hai con chim ưng đậu cạnh nhau. Mỹ-Linh cười thầm:

- Chú hai thực tinh tế. Nếu người dùng chim ưng của Khu-mật viện, e Dực-Thánh vương biết. Người dùng chim ưng của Vạn-hoa sơn trang, ai cũng tưởng chim hoang. Được, ta phải dấu mấy cục than, hầu viết thư cho chú hai.

Đỗ Lệ-Thanh dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Mỹ-Linh:

- Công chúa, nếu công chúa muốn, tiểu tỳ bỏ chút thuốc độc vào chum nước, ắt chúng mê man hết.

Mỹ-Linh dùng Lăng-không truyền ngữ trả lời:

- Không nên. Trong chiến thuyền này, ít ra hơn ba trăm thủy thủ. Nếu họ đều bị đánh thuốc mê hết, ai là người lái thuyền? Ai là người căng buồm?

Sau khi làm bếp xong, đám thủy thủ cho ba người ăn rất tử tế, rồi đội Đam đem giam xuống khoang thuyền. Đỗ Lệ-Thanh dùng Lăng-không truyền ngữ nói nhỏ:

- Thế nào chúng cũng theo dõi mình. Vậy mình không nên có hành vi gì cho chúng nghi ngờ. Tạm thời ngủ đã.

Mỹ-Linh bàn nhỏ:

- Tôi thấy dường như thủy thủ không biết gì về việc làm ám muội của Dực-Thánh vương với bọn Tống. Họ cứ tưởng chúng ta phạm pháp. Vì vậy, nếu phải ra tay, chẳng nên đả thương họ.

Ba người nằm xuống ngủ ngay. Hôm sau, tiếng chim hải âu kêu trên biển, khiến ba người tỉnh giấc. Nhìn qua cửa sổ ra ngoài, Mỹ-Linh thấy thuyền đậu trên một bãi biển. Nàng nhận ra bãi biển Ngọc-sơn. Vì năm trước, nàng đã có dịp theo Khai-Quốc vương duyệt thủy quân ở đây một lần.

Ba người ở dưới hầm thuyền hơn ngày, thuyền lại ra khơi. Lệ-Thanh bàn:

- Tối nay chắc chúng không theo dõi mình nữa đâu. Mình thử tìm cách xem mười phòng này chúng giam những ai?

Ba người tiến tới phòng giam đầu tiên. Mỹ-Linh gõ cửa mấy cái. Thiệu-Thái hỏi vọng vào:

- Ai bị giam trong này?

- Ai hỏi đó?

Tiếng nói rất quen. Thiệu-Thái đáp:

- Tôi cũng bị giam, nhưng được ở phòng phía ngoài.

Người bên trong nói:

- Tôi bị đánh thuốc mê, rồi khi tỉnh dậy, thấy bị giam ở đây. Chân tay bị khoá bằng xích. Đây là đâu?

Thiệu-Thái tường thuật tỷ mỷ những gì ở trên thuyền cho người đó. Trong khi ấy Mỹ-Linh gõ cửa phòng thứ nhì. Nàng hỏi vọng vào, mà trong phòng không có tiếng trả lời. Nàng hỏi nữa, thì giọng phụ nữ, nói tiếng Quảng:

- Tôi không có tội gì cả. Tôi người Khúc-giang, sang Đại-Việt buôn bán. Trên đường từ Khâm-châu đi Thăng-long thì bị bắt giam. Họ không nói cho biết tôi bị tội gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.