Anh Hùng Lĩnh Nam

Chương 36: Chương 36: Giã Nhà Đeo Bức Chiến Bào




Đào Kỳ chợt nhớ ra điều gì hỏi nàng Quốc :

– Tiểu sư muội, hồi trưa lúc đấu với ta, Tiểu sư muội từ dưới nước vọt lên như một giao long, đó là võ công của sư bá dạy tiểu sư muội hay tiểu sư muội tự luyện tập ?

Trần Quốc-Hương cười :

– Cháu chưa hiểu đấy thôi, nguyên trang ấp của ta thuộc vùng đất phù sa đổ ra biển mới tạo thành. Đồng lầy, nước trũng quanh năm, nên đệ tử của ta đều thạo thủy tính. Ta được Quốc từ hồi mới 6 tuổi, trôi lênh đênh trên một chiếc thuyền vô chủ. Ta đoán rằng cha mẹ nó bị sóng cuốn đi mất. Ta đem về nhận làm đệ tử nuôi như con. Quốc rất giỏi nghề bơi lội. Khi nó học võ với ta, ta cũng dạy như nhiều đệ tử khác. Tự nó nghĩ, luyện tập thành võ công từ dưới nước vọt lên như con cá chép. Riết rồi thành môn võ công đặc biệt. Sư huynh, sư đệ đông môn gọi nó là Giao-long nữ. Nước sông chảy xiết đến đâu, nó cũng có thể bơi ngược chiều như con Giao-long. Nó lặn dưới nước bắt cá như chúng ta bắt cóc ở trên bờ. Vì vậy khi nghe đại sư tỷ nói cháu bơi như con rái cá, nó tỏ vẻ không phục, mới xin ta đi đón cháu, đấu với cháu. Cũng may cháu nhẹ tay chứ không thì đã bỏ mạng rồi.

Đào Kỳ được cha dạy dỗ rất cẩn thận, thua thì nhận thua, chàng nói :

– Quả thực lúc đầu cháu thua tiểu sư muội. Tiểu sư muội thách cháu nhảy xuống thuyền của nàng. Cháu nhẹ dạ nhảy xuống bị trúng kế. Nàng vọt lên đánh cháu một chưởng. Cháu không dám nặng tay nên rơi xuống sông. Sau sư tỷ Hồ Đề với cháu trêu tiểu sư muội một bữa, cười thỏa thích.

Chàng quay lại nói với Giao-long nữ :

– Tiểu sư muội ! Năm nay giỏi lắm mới 17-18 tuổi, võ công đã nhường ấy, nếu tiểu sư muội chịu khó tập ít năm nữa ta e rằng đến Thái sư thúc của Phương-Dung là Phật-Nguyệt chưa chắc đã là đối thủ của Tiểu sư muội. Trước đây ta cứu một cô bé tên Tư-Vân. Cô được đệ tứ sư bá Nguyễn Tam-Trinh thu làm đệ tử. Cô cũng có bản lĩnh lội nước vô cùng lợi hại. E rằng cũng không thua kém gì Tiểu sư muội lắm đâu.

Trong nhà đang luận bàn, có tráng đinh chạy vào báo :

– Thưa trang chủ những người khách hôm qua lại đến. Xin trang chủ định liệu. Họ đang chờ ở cổng.

Trần Quốc-Hương nhìn Nguyễn Thành-Công :

– Là Song quái đấy !

Phương-Dung là một thiếu nữ thông minh sắc sảo. Nàng được anh hùng trên đảo Đào, Đinh đề cử đánh trận. Nàng quên mất đây là trang Thiên trường chứ không phải hải đảo. Nàng ra lệnh :

– Thành-Công sư bá, Nghiêm đại ca, Đào đại ca xin vào nhà tôi hóa trang cho. Trần sư bá cho mời tất cả đệ tử vào đại sảnh đường tiếp Song-quái như thường. Nhớ cho người canh gác phía ngoài cẩn thận, kẻo chúng chạy trốn.

Trần Quốc-Hương được đại sư tỷ là Nam-hải nữ hiệp nói nhiều về Phương-Dung, nên khi thấy nàng hạ lệnh ông không tự ái, bảo con lớn là Trần Quốc-Dũng :

– Con đánh trống hợp tất cả đệ tử trong đại sảnh đường cho ta.

Phương-Dung hỏi Quốc-Dũng :

– Ngoài sư bá ra, ai là người có quyền chỉ huy đệ tử và tráng đinh ở đây ?

Quốc-Dũng chỉ em thứ nhì là Quốc-Lực :

– Em tôi và tôi.

Phương-Dung lại hỏi :

– Đại công tử, người có thể cho tôi xem bản đồ của trang Thiên-trường chăng, để tôi làm kế bắt hết bọn họ !

Quốc-Dũng đem bản đồ chỉ cho Phương-Dung, trình bày từng chi tiết một. Phương-Dung nghiên cứu xong nói :

– Chúng tới đây khoảng bao nhiêu người, đi bộ hay ngựa ?

Quốc-Dũng nói :

– Hôm qua chúng đến bằng đường bộ, rồi ra đi. Tất cả 25 người, chúng tôi chỉ biết Vũ Hỹ và Phương-Anh. Còn lại thì không rõ. Tôi cho người theo dõi, chúng đều xuống một cái thuyền lớn đậu ở ven sông Vị-hoàng. Trong thuyền có nhiều người canh giữ.

Phương-Dung gật đầu :

– Bây giờ chúng ta lập kế bắt hết chúng. Đại công tử, người cho Tam công tử cùng Giao-long nữ ra sông Vị-hoàng lấy 5 con thuyền nhỏ, lui tới đánh cá gần con thuyền lớn của chúng. Giao-long nữ giả làm ngư phủ, chui xuống đục thuyền chúng. Nhớ đục 6 hay 7 miếng rộng không hơn thước một, áp dụng thủ kình sao cho lưỡi dao gần xuyên thủng miếng ván thì ngưng. Giữa miếng gỗ bị đục đóng đinh, đầu đinh cột vào một sợi dây.

Giao-long nữ bật cười :

– Em hiểu rồi ! Chị không muốn em đục thủng thuyền nhận chìm chúng nó ngay phải không ? Em chỉ đục tới mức gần xuyên tấm ván thì ngừng lại. Để rồi khi bọn chúng thua chạy trở về, em cầm sợi dây giật một cái, tấm ván bật tung ra, nước tràn vào thuyền, bọn chúng sẽ xuống ở với Hà-bá. Em nói có đúng không ?

Phương-Dung gật đầu :

– Sư muội thông minh quá. Khi sư muội bơi ra giật dây, tấm ván rời thuyền, đáy lủng thuyền bị đắm. Bấy giờ Tam công tử dùng lưới cá chụp lên đầu từng đứa mà bắt. Nhớ chớ cho chúng lại gần thuyền. Võ công chúng cao lắm có thể hại mình được.

Giao-long nữ cùng Trần Quốc-Thắng ra đi. Phương-Dung hóa trang cho mọi người rồi vào đại sấnh đường. Trong đại sảnh đường, đệ tử tập họp đông đảo. Phía trên cùng là Trần Quốc-Hương đang ngồi đối diện với Phong-châu song quái. Đàng sau Song quái khoảng 20 người. Đào Kỳ nhận ra là Phương-Đại, Hầu Mạnh-Đức, Triệu Thiết và Lý Tam-Mạnh năm xưa chàng đã đấu cùng chúng ở Cổ-đại đòi Tô Định miễn cho dân khỏi chịu Ngũ-pháp.

Đào Kỳ nói nhỏ với Phương-Dung :

– Như vậy là Tô Định nhúng tay vào vụ này rồi.

Trên bàn Vũ Hỷ đấu khẩu với Trần Quốc-Hương đến hồi gay cấn. Vũ Hỷ nói gằn từng câu :

– Trần hầu, chúng tôi khẩn khoản nói rằng, Tô thái thú yêu tài, yêu đức Trần hầu, mời ra làm chức Giám-sở Tế-tác huyện này, thế mà Trần hầu cứ một mực từ chối là tại sao ?

Trần Quốc-Hương thản nhiên :

– Tôi chỉ thích tiêu dao với ruộng vườn cây cỏ. Khi chí đã thích như vậy thì công danh phú quý cũng như tuồng ảo hóa mà thôi. Xin nhị vị thưa với Thái-thú rằng, tôi cảm tạ thịnh tình của ngài.

Vũ Hỷ đập bàn một cái, cái bàn sứt một góc :

– Như vậy chúng tôi mời Trần hầu rời khỏi trang Thiên-trường này tức khắc cùng với vợ con, của cải trong nội ngày hôm nay. Để chúng tôi trao trang ấp cho người khác quản nhiệm.

Trần Quốc-Hương cười nhạt :

– Trang ấp này do tổ tiên tôi thọ lĩnh từ đời Hùng vương đến nay trải mấy chục đời, lẽ nào chúng tôi phải bỏ đi.

Vũ Phương-Anh quát lớn :

– Hôm qua đã ước hẹn, vậy hôm nay chúng ta đành phải ra tay.

Vũ Phương-Anh bước ra đứng giữa sảnh đường :

– Trần hầu, nếu người có bản lĩnh đuổi được chúng tôi, thì chúng tôi xin đi. Còn ngược lại xin người hãy rời khỏi nơi đây !

Trần Quốc-Hương chưa kịp trả lời Lê Anh Tuấn bước ra nói :

– Vũ Phương-Anh! Phái Tản-viên ta xưa nay toàn anh hùng nghĩa hiệp, không ngờ các ngươi lại làm những điều ngỗ nghịch trái đạo lý như vậy sao? Sư phụ nghe các ngươi tác quái nên sai ta đến bắt các ngươi đây !

Vũ Phương-Anh nhìn Lê Anh-Tuấn cau mày :

– Mi... mi là đệ tử lão già Nguyễn Thành-Công ? Ta nghe lão già chưa chết mới thu hai chị em ngươi làm đệ tử. Hừ, đến lão già có mặt tại đây cũng chưa chắc thắng bọn ta, huống hồ các ngươi. Liệu mà cút đi, nếu không ta sẽ đập nát xương bây giờ ?

Vũ Hỷ bảo Lê Anh-Tuấn :

– Ta không giết ngươi đâu. Hãy tránh sang một bên, để người lớn nói chuyện với nhau. Ngươi có biết không ? Hiện ta đây được cử làm Đô-sát đất Giao-chỉ. Ta dến đây nói chuyện với Trần hầu, chứ không phải nói với bọn trẻ con các ngươi.

Y coi như không có Lê Anh-Tuấn, tiếp tục nói với Trần Quốc-Hương :

– Trần hầu, Tô thái thú hậu đãi người Việt mới sai ta mời Trần hầu. Tại sao ngươi không biết thức thời, muốn cho trang ấp này thành bình địa hay sao ?

Nghiêm Sơn được Phương-Dung hóa trang ngồi trong sảnh đường, thấy Vũ Hỷ nói láo quá chịu không được. Chàng vứt râu giả vụt đi, bước ra trước sảnh đường, quát lớn :

– Vũ Hỷ ta cách chức tuyên án tử hình ngươi và thông trát đi khắp nơi, ai bắt được ngươi thì thưởng một trăm lạng vàng. Bây giờ gặp ngươi ở đây, ngươi còn trốn được không ?

Vũ Hỷ thấy Nghiêm Sơn xuất hiện, nghĩ rằng chàng đã dùng binh bao vây bắt chúng. Y khiếp sợ nhìn đồng bọn ngơ ngác rồi vung chưởng tấn công Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn phát chưởng đánh lại. Bản lĩnh Vũ Hỷ vốn thua Nghiêm Sơn xa, y lại mới bị Đào Kỳ đánh bị thương, nên chỉ mấy hiệp đã đuối sức. Vũ Phương-Anh thấy vậy nhảy vào cùng tấn công Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn bình tĩnh trả đòn. Chàng là người có kinh nghiệm chiến đấu, một đấu với hai, vẫn không coi Song-quái ra gì. Vũ Hỷ vừa đánh, vừa nghĩ cách chạy trốn, y luống cuống ra mặt, thì Phương Đại nhảy vào vòng chiến. Lê-Anh Tuấn nhảy ra cản lại. Thế là trong sảnh đường 5 người hỗn đấu. Bỗng Vũ Hỷ la lên :

– Ao ao lộc minh.

Đó là hiệu lệnh rút lui. Lập tức bọn đứng sau đồng nhảy vào đánh Nghiêm Sơn và Lê Anh-Tuấn một chiêu, rồi vọt ra khỏi sảnh đường chạy biến vào đêm tối.

Nghiêm Sơn hô to :

– Đuổi theo mau !

Khi chàng đuổi tới cổng trang thì gặp Phương-Dung cản lại.Chàng ngạc nhiên :

– Sư muội sao không để ta bắt nó.

Phương-Dung cười hinh hích :

– Đây là trang Thiên-trường, để người của Trần hầu bắt chúng. Chúng ta là khách chỉ cần ngồi coi là đủ.

Nghiê Sơn biết cô vợ của Tiểu sư đệ mưu cơ thần diệu không biết đâu mà lường, nên chàng nghe theo trở về đại sảnh đường.

Phương-Dung hướng vào Nghuyễn Thành-Công :

– Sư bà, có phải sư bá đuổi Song-quái ra khỏi môn hộ rồi không ?

Nguyễn Thành-Công gật đầu

– Nếu chúng nó bị ai giết, lão cũng không biết đến nữa.

Phương-Dung hỏi Trần Quốc-Hương :

– Lát nữa, người của trang Thiên-trường bắt được chúng, sư bá có xử tới chúng không ? Hay giao cho Nghiêm đại ca ?

Trần hầu là người đạo đức, ông nói :

– Chúng nó là gian phạm, giao cho Lĩnh-Nam công xử. Nhưng cháu làm thế nào mà bắt được chúng. Võ công chúng cao lắm mà ?

Phương-Dung mỉm cười không trả lời. Mọi người ngồi uống trà nói chuyện hơn giờ, đã thấy Trần Quốc-Lực, Trần Quốc-Thắng và Giao-long nữ dẫn tráng đinh điều cả bọn Vũ Hỷ trở về. Đứa nào cũng ướt như chuột lột, đầu tóc tả tơi trông thực thảm thiết.

Phương Dung, Đào Kỳ đã bỏ hóa trang ngồi uống nước.

Vợ chồng Vũ Hỷ thấy hai người thì không còn hồn vía nào nữa. Vũ Hỷ hướng vào Trần hầu :

– Trần Quốc-Hương, ngươi dùng thủ đoạn hèn hạ bắt ta thế này đâu phải anh hùng? Nam nhi đại trượng phu hành sự phải quang minh lỗi lạc. Ngươi dìm chúng ta xuống nước mà bắt thì còn dám xưng anh hùng không ?

Phương-Dung chỉ vào Trần Quốc hỏi Vũ Hỷ :

– Đồ quái gở ! Trước kia ngươi, đã từ chối không phải là nam nhi đại trượng phu, cũng chẳng phải đại anh hùng mà đồ quái gở, nay nhãn tiền quả báo. Trần lão anh hùng đâu có bắt ngươi ? Bắt ngươi là cô bé này kia mà !

Nàng chỉ vào Giao-long nữ, Nàng Quốc cười hì hì nói :

– Ta bắt ngươi sư phụ ta cũng không biết. Chính sư tỷ Phương-Dung dạy ta cách bắt ngươi đấy. Bọn ngươi tự thị lưu manh quái gở, thế mà bị một đứa con gái như tatung lưới bắt ntgươi chưa chịu phục ư ? Thôi để ta đem ngươi ra hồ dìm cho uống nước nữa.

Nói rồi nàng làm bộ túm cổ đem Vũ Hỷ mang đi. Vũ Hỷ sợ quá nói :

– Được ta chịu thua ngươi !

Giao-long nữ xòe tay ra trước mặt Nghiêm Sơn :

– Đại ca người lớn không nói dối trẻ con. Đại ca sức giấy đi khắp nơi rằng ai bắt, giết được Vũ Hỷ thì thưởng một trăm lượng vàng. Vậy bây giờ đại ca ban thưởng đi chứ. Anh em chúng tôi tất cả 20 người bắt được Vũ Hỷ và 24 đồng đảng. Đại ca cho 200 lượng đủ rồi. Đại ca bảo bắt hay giết gì cũng được cả. Thôi để em đem chúng ra dìm nước cho chết, rồi nộp xác cho đại ca.

Nghiêm Sơn nhìn con mắt long lanh tinh quái của Trần Quốc, chàng bật cười nghĩ thầm :

– Cô này hợp với Phương Hồ Đề thành bộ ba được. Coi bộ cô chỉ muốn dọa chúng nó chứ không định giết đâu. Ta cứ để cho cô đùa nghịch, cũng không hại gì.

Chàng nói :

– Tiểu sư muội! Đây là đất Thiên-trường, thuộc quản hạt Trần gia, Tiểu sư muội là đệ tử, nghĩa nữ Trần hầu. Tiểu sư muội bắt được chúng thì tùy Tiểu sư muội muốn giết, muốn băm vằm thế nào mặc ý. Miễn là sau đó tiểu sư muội giao mấy cái đầu chúng cho ta, ta thưởng cho tiểu sư muội 1000 lượng vàng.

Mắt Trần Quốc long lanh như hai hạt châu nàng mỉm cười :

– Thôi để tiểu muội chặt chúng ra từng khúc một !

Nàng hướng về Trần hầu :

– Bố ơi bố ! Bố cho con mượn thanh kiếm để chặt đầu chúng !

Nàng rút kiếm sư phụ đưa đến xoẹt một cái hớt gần hết tóc trên đầu Vũ Hỷ, y sợ quá mặt tái ngắt. Phương-Dung ghét Song-quái, muốn dọa cho bõ tức, bảo nàng Quốc :

– Tiểu muội đem chúng ra ngoài chém đầu, chứ chém ở đây làm dơ bẩn sảnh đường của sư phụ.

Giao-long nữ gật đầu :

– Sư tỷ nói phải, thôi chúng ta đem chúng ra ngoài kia chém cho xong.

Đám tráng đinh xúm vào lôi bọn Song-quái ra. Vũ Hỷ chẳng còn hồn vía nào nữa run run nói với Nguyễn Thành-Công :

– Sư phụ xin cứu chúng con với, từ nay chúng con nguyện quy phục người, người dạy gì chúng con cũng xin nghe theo.

Thấy Nguyễn Thành Công làm thinh, hắn hướng vào Nghiêm Sơn :

– Lĩnh-Nam công xin ngài dung tình, chúng tôi chỉ la người thừa lệnh Tô thái thú.

Nghiêm Sơn tính trầm mặc ít đùa cợt, thấy dọa Song-quái như vậy đã đủ, chàng nói với Giao-long nữ :

– Tiểu sư muội, sáng mai tôi sẽ viết thư cho Huyện-lệnh Thiên-trường, để y xuất công nho 1000 lượng vàng thưởng cho Tiểu sư muội. Tiểu sư muội để tôi đem chúng về Luy-lâu đối chứng với Tô Định.

Sáng hôm sau Nghiêm Sơn từ tạ Trần hầu :

– Trần hầu, hậu hội hữu kỳ. Trưa nay có người đưa vàng đến cho tiểu sư muội. Chúng tôi xin lên đường.

Nguyễn Thành-Công cần ở lại bàn bạc với Trần Quốc-Hương, Lê Thị Lan, Lê Anh-Tuấn cùng ở lại với sư phụ. Bọn Nghiêm Sơn, Đào Kỳ, Phương-Dung và Hồ Đề giải bọn Song-quái lên đường về Luy-lâu. Nghiêm Sơn truyền Hải-đội Vị-hoàng lấy một chiến thuyền lớn đi theo chàng về Long-biên.

Nàng Quốc nói với Trần hầu :

– Bố ơi ! Con chưa biết Long-biên ở đâu. Bố cho con đi với sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa ít ngày nữa con về.

Trần hầu tiếng rằng là sư phụ, là cha nuôi nàng Quốc, chứ thật sự ông thương nàng còn hơn con ruột ông. Ông rất mực sủng ái nàng, nên nàng nói gì ông cũng nghe theo. Ông thấy Đào Kỳ, Phương-Dung, Hồ Đề, không hơn con mình bao nhiêu tuổi, mà lịch lãm kinh nghiệm rất nhiều, ông muốn cho học lấy những thứ đó nên đồng ý liền :

– Con đi theo các sư huynh, sư tỷ, phải học lấy những kinh nghiệm trên đường đời. Bố dạy con như vậy cũng chưa đủ. Bây giờ con phải học các sư huynh, sư tỷ thêm mới đủ. Nhất thiết mọi việc phải nghe theo các anh, các chị.

Thế là Giao-long nữ khăn gói theo bọn Nghiêm Sơn.

Từ Thiên-trường về Long-biên phải mất trọn một ngày một đêm đường thủy. Tới Long-biên, Nghiêm Sơn bí mật gọi bọn Sư-trưởng bộ binh, Sư-trưởng kỵ binh và Hải-đoàn trưởng Long-biên tới hội, hỏi thăm tình hình. Chàng không cho triệu tập Giám-sở Tế-tác cùng Huyện-úy. Vì Huyện-úy là Hoàng Đức, đệ tử Lê Đạo-Sinh.

Trước khi Nghiêm Sơn tới Lĩnh-Nam, thì 6 Thái-thú Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, Nhật-Nam, Giao-chỉ và Cửu-chân; cũng như các Thái-thú khác của triều Hán, quan chế dành cho quyền hành như một ông vua. Thái-thú được triều đình bổ nhiệm, bên cạnh có Đốc-bưu coi về thanh tra, Đô-sát coi về tình báo như ngày nay là cảnh sát, công an. Đô-úy coi về quân sự. Ba chức quan này đều do triều đình bổ nhiệm, chịu quyền chỉ huy của Thái-thú. Dưới Thái thú có các Huyện-lệnh. Cạnh Huyện-lệnh có một Huyện-úy coi về quân sự, một Giám-sở Tế-tác coi về an ninh.

Thời Hùng-vương, An-Dương vương, dưới quyền các Huyện-lệnh là các Lạc-hầu, Lạc-tướng cai quản trang ấp mình theo chế độ cha truyền, con nối. Khi Tần Thủy-hoàng sai Đồ Thư sang đánh Âu-lạc, chiếm vùng Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, bỏ chế độ Lạc-hầu, Lạc-tướng mà chia thành từng xã, từng thôn. Xã có Xã-trưởng, thôn có Thôn-trưởng.

Trong khi đó đất Âu-lạc vẫn duy trì Lạc-hầu, Lạc-tướng. Triệu Đà cai trị Âu-lạc vẫn giữ nguyên tổ chức cũ. Tổ chức đó duy trì đến thời Nghiêm Sơn sang. Vì vậy đất Lĩnh-Nam chia làm hai khu vực : Khu vực Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận thì đơn vị chính hạ tầng là xã, thôn. Khu vực Nhật-Nam, Cửu-chân, Giao-chỉ duy trì Lạc-hầu, Lạc-tướng. Trong ấp của mình Lạc-hầu, Lạc-tướng giữ chế độ cha truyền, con nối, cai trị trang ấp như một nước riêng biệt. Có nhiều nơi dân chúng không phục Lạc-hầu, Lạc-tướng xin đến trang ấp khác cư ngụ. Như Lê Đạo-Sinh, Đào Thế-Hùng đến vùng đất mới, phá rừng chiêu mộ người phiêu bạt, lập trang ấp. Đào Kỳ, Phương-Dung lập trang Văn-lạc.

Về quân sự mỗi Thái-thú có một Quân gồm 12.500 quân bộ binh, một sư kỵ gồm 2.500 toàn người Hán. Mỗi Huyện có một Sư bộ binh 2.500 người, một Lữ kỵ binh 200 người theo lối hỗn hợp có nơi 4 Hán một Việt, có nơi 1 Việt 4 Hán. Tại trang ấp, số tráng đinh nhiều hay ít do Lạc-hầu hay Lạc-tướng quyết định.

Nghiêm Sơn và Hợp-phố lục hiệp kinh lược Lĩnh-Nam. Các Thái-thú tuy quy phục triều Hán, nhưng vẫn duy trì quân của mình như một giang sơn riêng biệt. Nghiêm Sơn biết thế chàng chưa dám ra tay vội. Vì chàng ra tay, các Thái-thú sẽ trở mặt cát cứ như một lãnh chúa thì khó mà dẹp dược. Đầu tiên khi chiếm được đất Quế-lâm, chàng cử ngưới thân tín vào các chức vụ Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát. Chàng đặt quân đội Quế-lâm dưới quyền của phủ Lĩnh-Nam công. Thế là chàng có trong tay một Quân với 12.500 bộ binh, 2.500 kỵ binh. Với lý do chỉnh bị về Trung-nguyên dẹp dư đảng Vương Mãng, chàng trưng dụng quân của các huyện Quế-lâm, rồi tổ chức thành 2 Sư bộ, 2 Lữ kỵ nữa. Kinh nghiệm luyện quân, thưởng phạt công minh, coi sĩ tốt như huynh đệ, 3 Quân bộ, 3 Sư kỵ của chàng trở nên lực lượng tinh nhuệ bậc nhất.

Nhâm Diên bịa đặt, vu hãm cho Đinh, Đào trang, yêu cầu chàng đem quân vào trợ chiến. Ý đồ của Nhâm Diên là mượn tay chàng trừ 2 trang không phục y. Nếu dân chúng căm hận, y đổ cho Lĩnh-Nam công. Chàng điều động Quân-bộ và Sư-kỵ Giao-chỉ vào trợ chiến. Giữa trận đánh, chàng phát hiện ra Nhâm Diên lừa dối mình, chàng truyền quân đội án binh bất động. Vì vậy chỉ với 500 trang đinh, Đào Thế-Hùng, Đinh Đại đánh phá phủ Thái-thú giết chết vợ con, mẹ già Nhâm Diên. Giữa lúc Nhâm Diên táng đởm kinh hồn vì gia đình tan nát. Nghiêm Sơn kết tội, cách chức y. Trên đường Nhâm Diên từ Cửu-chân về Trung-nguyên, chàng cho Hợp-phố lục hiệp đón đường giết chết, làm gương cho bọn quan lại Lĩnh-Nam.

Chàng cử Lư Đường làm Thái-thú, Hà Thiên làm Đô-úy Cửu-chân. Họ là hai trong Hợp-phố lục hiệp. Chàng đặt toàn quân đội Cửu-chân trực thuộc phủ Lĩnh-Nam công. Chàng giữ luôn Quân bộ và Sư kỵ Giao-chỉ không trả về nữa. Thế là chàng nắm hoàn toàn Quế-lâm, Cửu-chân và Giao chỉ. Dư biết Lê Đạo-Sinh là phường lưu manh, ngụy quân tử, chàng vẫn kéo y theo mình, rồi cách chức Thái-thú Tích Quang. Khi Quang trên đường về Trung-nguyên, chàng cho Hợp-phố lục hiệp đón đường giết y, tịch thu tất cả vàng bạc châu báu mà y đục khoét ở Giao-chỉ, để sung vào công khố.

Tô Định được Mã thái hậu nâng đỡ, cử sang Lĩnh-Nam cầm chân chàng. Là người có bản lĩnh, không tham vọng, chàng coi Tô Định như một đứa trẻ con. Chàng nắm hết quân đội của Tô, ra lệnh trưng dụng quân đội của 15 huyện thuộc quận Giao chỉ, cùng với quân bản bộ tổ chức thành 4 Quân bộ, 3 Sư kỵ. Bây giờ chàng có tới 10 Quân bộ, 10 Sư kỵ, tổ chức thống nhất chỉ huy, huấn luyện và trang bị đầy đủ. Trong 6 Quận thì 5 Thái-thú, Đô-sát, Đô-úy, Đốc-bưu đều là người thân tín của chàng ; chỉ duy có quận Giao-chỉ là do triều đình cử sang. Chàng nghĩ rằng Tô Định không có quân trong tay, y muốn chống chàng cũng không làm nên sự. Qủa đúng như chàng ước tính. Tô Định được tin chàng ra Đào Đinh đảo, y khích Lê Đạo-Sinh cùng Phùng Chính-Hòa làm phản đánh úp chàng. Tuy bị bất ngờ chàng vẫn coi như không, nhắm mắt cho Phương-Dung điều quân phản công. Rời Đào Đinh đảo chàng trở về Cửu-chân điệu Phùng Chính-Hòa ra chém trước chợ. Cách chức, tuyên án tử hình Vũ Hỷ, tịch thu tài sản; cử Trần Dương-Đức, Đào Nghi-Sơn làm Huyện-úy.

Trên đường từ Cửu-chân ra Bắc, lại gặp Huyện-úy Hoàng Đức-Phi mưu hại. Chàng biết y dám hại chàng vì y biết chủ ý của Tô Định, chàng đem cả nhà y ra chém.

Nghiêm Sơn nghĩ rằng tất cả việc làm của chàng, Tô Định sẽ đổ lên đầu Lê Đạo-Sinh. Bấy giờ chàng sẽ cách chức Lê và các Huyện-úy tay chân y. Lợi dụng sự kinh hoàng của Tô Định, chàng cử anh hùng Lĩnh-Nam vào chức các Huyện-úy của đệ tử Lê Đạo-Sinh. Còn hàng trăm trang ấp của Lê, chàng thẳng tay cách chức các Lạc-hầu, Động-trưởng, Châu-trưởng giao cho hào kiệt cai trị, Tô Định sẽ bị cô lập.

Vì vậy chàng không thể trở về Luy-lâu, mà đến Long-biên trước. Vì Long-biên là nơi Đô-úy Lê Đạo-Sinh đóng bản doanh. Chàng cho mời Sư trưởng bộ binh. Lữ trường kỵ binh họp mặt mà không cho mời Đô-úy, Huyện-úy.

Trong buổi họp quân sự, Phương-Dung được Nghiêm Sơn cho giả trai ngồi nghe. Sau buổi họp Phương-Dung cứ ngồi ôm gối cười hoài. Nghiêm Sơn biết nàng có điều gì khác lạ hỏi :

– Sư muội có gì mà cười mãi thế ?

Phương-Dung lại cười :

– Có phải Tô Định đang ăn thua đủ với đại ca không ? Tài trí như đại ca mà không trừ được y, thật là nực cười.

Nghiêm Sơn muốn thử xem nàng có hiểu mưu kế của mình không, chàng nói :

– Ta quá tối tăm, sư muội soi sáng cho ta được klhông ?

Phương-Dung nhìn Đào Kỳ :

– Anh thấy không? Rõ ràng Tô Định với Lê Đạo-Sinh cấu kết với nhau, tìm đủ cách hại Nghiêm đại ca. Bằng chứng rõ rệt : Phùng Chính-Hòa định giết Nghiêm đại ca. Rồi Vũ Hỷ được Tô Định dung dưỡng, đi khắp nơi kết bè, kết đảng hại Nghiêm đại ca. Chứng cớ rõ ràng, không lẽ đại ca không có phản ứng sao ?

Ngừng một lúc nàng nói tiếp :

– Tiểu muội có bốn kế xin đại ca nhận lấy một.

– Ta nghe sư muội!

– Kế thứ nhứt đại ca xua binh mã, bắt Tô Định, Lê Đạo-Sinh và các Huyện-úy thuộc phe hắn đem ra chém đầu. Đó là đường, chính chính. Kế trên có thể đụng tới Mã thái hậu. Kế thứ nhì là đại ca tổ chức họp mặt, giữa buổi họp đại ca bắt chúng giết đi. Hiện chúng tưởng đại ca không bao giờ dám làm thế. Vì một mình đại ca đâu có địch nổi Lê Đạo-Sinh, đừng nói thêm hàng chục đệ tử của y ? Đại ca có thể nhờ Khất đại phu, thái sư thúc Phật Nguyệt, Đặng Thi-Kế, Nguyễn Thành-Công, Đào tam ca và tôi. Như vậy dư sức bắt chúng. Kế này hơi xáo trộn một chút nhưng mau chóng hơn. Kế thứ ba : Đại ca sai một trong những chân tay của đại ca, đêm lén vào phủ giết chết Tô Định, đổ cho người Việt giết. Còn Lê Đạo-Sinh thì muốn trừ lúc nào mà chả được ? Kế thứ tư : Đại ca mời Tô Định đến họp, kể tội Vũ Hỷ, Hoàng Đức, rồi truyền lệnh chém đầu chúng, liệu Tô có dám bênh không ? Thế là từ nay không còn tên nào dám theo Tô Định phản đại ca nữa.

Nghiêm Sơn ngẫm nghĩ một lúc rồi nói :

– Ta không muốn giết Tô, mà chỉ muốn giết Lê Đạo-Sinh với chân tay hắn mà thôi.

Phương-Dung nhìn Đào Kỳ cười :

– Nếu bây giờ em khiến Tô Định giết Lê Đạo-Sinh, đại ca sẽ thưởng em cái gì nào ?

Nghiêm Sơn biết Phương-Dung hay đùa nói :

– Sư muội với ta, tuy chỉ là tình anh rể, em dâu vợ, nhưng tình hơn ruột thịt. Ta là sư muội, sư muội là ta, sư muội muốn cái gì ta cũng ừ hết. Vậy sư muội làm đi.

Phương-Dung ghé tai Nhgiêm Sơn :

– Đại ca biết không ? Tên Lê Đạo-Sinh bắt giam Tô Phương con Tô Định, em biết. Nếu bây giờ đại ca cứu Tô Phương ra, tự nhiên Tô Định sẽ trở thành người chịu ơn đại ca. Tô ắt giết Lê để trả thù.

Nghiêm Sơn thất kinh :

– Ta tưởng Tô Phương bị Huyện-lệnh Trương Thanh bắt giam chứ ?

Phương-Dung cười :

– Trương Thanh không biết gì cả. Con y là Trương Minh-Đức bắt giam Tô Phương. Sau đám người của Lê Đạo-Sinh bắt Tô Phương dấu đi, nhốt tại trang Thái-hà. Đại ca hãy gặp Tô Định, thăm dò ý kiến úp mở cho biết nơi con y bị nạn, rồi cùng y đánh phá Thái-hà trang cứu Tô Phương ra, thì mọi sự trắng đen rõ rệt chứ gì ? Bây giờ đại ca đi Luy-lâu chỉnh đốn mọi việc, còn bọn em về thăm cha. Nếu đại ca cùng Tô Định đánh phá Thái-hà trang, cho chúng em biết trước, chúng em tới chỉ nơi giam Tô Phương cho. Đại ca phải làm xong mọi việc trước ngày lên đường về Trung-nguyên mới được.

Nghiêm Sơn hoài nghi nói :

– Như vậy ta chờ Tiểu sư đệ, sư muội lo liệu mọi sự. Bây giờ hai em về thăm nhà rồi trở lại đi với ta thì ta mới an tâm. Thú thực ta không thể địch nổi Lê Đạo-Sinh. Sư muội đi trong bốn ngày có được không ?

Phương-Dung nhăn mặt :

– Đại ca làm như em là một tướng quân không bằng. Con gái mới lấy chồng, về thăm cha mẹ phải lâu lâu một chút mới đủ. Thôi được vì ông thần Hoàng Thiều-Hoa nên em nể cây đa Nghiêm Sơn. Bốn ngày sau em trở lại đi với đại ca.

Sáng hôm sau Đào Kỳ, Phương-Dung tạ từ Nghiêm Sơn lên đường đi Cối-giang. Đào Kỳ thắc mắc hỏi Phương-Dung :

– Rõ ràng Tô Phương bị Lê Chân bắt giam ở Đông-triều, tại sao em bảo Lê Đạo-Sinh bắt y ?

Phương-Dung nói nhỏ vào tai chàng :

– Tô Phương bị bắt giam, nhưng y không biết bị ai bắt và giam ở đâu. Bây giờ chúng ta lên đường đi Đăng-châu, gặp Phùng Vĩnh-Hoa, Lê Chân bàn kế hoạch sao đưa Tô Phương vào trong nhà giam Thái-hà trang, rồi chúng ta cùng Nghiêm Sơn vào nhà giam cứu y ra. Nhất định Tô Định tin chúng ta, trả thù cho con và sẽ giết Lê Đạo-Sinh.

Đào Kỳ nhíu mày :

– Vu oan giá họa cho người ta như vậy sao phải anh hùng ?

Phương-Dung nhăn mặt :

– Bố thường dạy anh : Vì chuyện phục quốc bản thân còn không tiếc huống hồ một chút mưu kế ?

Phương-Dung đem lời bố ra để biện luận, làm Đào Kỳ im bặt. Hai người tới Đăng-châu, rồi rẽ sang trang An-biên. Phùng Vĩnh-Hoa, Lê Chân thấy hai người tới vội kéo vào nhà bàn luận. Đào Kỳ kể sơ lược từ khi xa nhau cho hai người nghe. Phùng Vĩnh-Hoa biết được kế này thích quá, tát khẽ vào má Phương-Dung :

– Em còn nhiều mưu hơn chị nữa. Vậy đêm nay hai em phải giả vờ đến chỗ chúng ta giam Tô Phương. Ta để hai em nói truyện một lúc rồi giả bộ khám phá ra các em. Chúng ta cùng nhau chiến đấu. Ta nhờ mấy vị sư đệ giả tiếng Chu Bá, Hoàng Đức đấu khẩu với hai em. Tô Phương ắt tin rằng hai đứa này giam y. Ngày mai chúng ta trói Tô Phương vào xe, dấu kín đưa lên Long-biên giam kín một nơi bí mật. Khi hai em từ Luy-lâu cùng Tô Định và Nhgiêm Sơn trở về, thì chúng ta đem Tô Phương vào để ở nhà tù Thái-hà. Bấy giờ hai em và Nghiêm Sơn xuất hiện cứu y ra. Cố gắng gây cuộc đấu võ kinh khủng trước khi đi. Dĩ nhiên Lê Đạo-Sinh chẳng hiểu chi cả... Sau đó mặc Tô Định đối phó với y.

Phùng Vĩnh-Hoa chợt nhớ ra điều gì, nói với Đào Kỳ :

– Đào hiền đệ chị có một lời mong em để tâm.

– Xin chị cứ nói.

– Hiện Tường-Quy có mặt tại Đăng-châu. Em bây giờ là trai có vợ. Phương-Dung xinh đẹp, thông minh. Em không được đi thăm Tường-Quy, nếu trái lời ta không nhìn mặt em nữa đâu.

Đào Kỳ quả có ý ấy, nghe Vĩnh-Hoa nói chàng đành gật đầu hứa.

Tối hôm ấy, cơm nước xong Đào Kỳ, Phương-Dung đến chỗ giam Tô Phương. Hai người đẩy cửa bước vào, Phương-Dung bật lửa đốt lên hỏi :

– Tô đại công tử ?

Có tiếng đáp lại :

– Tôi ở đây.

Phương-Dung đến gần soi lửa vào mặt y :

– Công tử nhớ tôi không ?

Tô Phương cảm động nói :

– Nguyễn cô nương không ngờ cô nương còn tìm đến gặp tôi. Tôi hận không biết mình bị giam ở đâu, do ai giam, để làm gì và đã bị giam bao lâu rồi ?

Phương-Dung sẽ nói :

– Công tử bị giam giữ đã ba năm. Người giam công tử là Chu Bá, Huyện-úy Bắc-đái. Y là đệ tử Lê Đạo-Sinh. Tại sao y giam công tử thì quả thật tôi không rõ. Suốt từ ngày ấy đến nay, tôi dò mãi mới biết chỗ giam công tử, nay tôi đến cứu công tử đây.

Nàng nhìn xuống chân thấy Tô Phương bị xích bằng xích lớn, nói :

– Bây giờ làm thế nào ?

Tô Phương thở dài :

– Dễ lắm, cô nương để tôi viết mấy chữ cho cha tôi, người sẽ tìm cách cứu tôi. Nhưng trong nhà tù kiếm đâu ra giấy mực bây giờ ?

Phương-Dung đưa bao kiếm bằng gỗ cho Tô Phương :

– Công tử dùng dao nhỏ của tôi, viết mấy chữ vào đây cho Tô đại nhân, người thấy sẽ tin ngay.

Tô Phương lắc đầu :

– Để tôi cắn tay lấy máu viết vào áo cô nương được không ?

Phương-Dung xé vạt áo để trước mặt y. Tô Phương cắn tay viết :

"Tô Phương kính gởi đến cha là Tô thái thú Giao-chỉ. Con bị Lê Đạo-Sinh bắt giam đã ba năm nay. Xin cha nhất nhất nghe lời Nguyễn cô nương đến cứu con ra. Tô Phương khấp bái. "

Vừa đến đó bỗng có tiếng quát bên ngoài :

– Đứa nào dám đến đột nhập vào ấp của Chu gia này.

Đào Kỳ, Phương-Dung vội nói :

– Chúng tôi phải trốn chạy ngay.

Hai người ra đến cửa thì thấy Lê Chân, Phùng Vĩnh-Hoa chờ sẵn, chỉ vào hai thanh niên. Đào Kỳ quát :

– Chu Bá ngươi có giỏi cùng ta đấu chưởng, chứ dùng đông người bắt ta sao gọi anh hùng.

– Đấu chưởng, đấu kiếm ta cũng dám. Ngươi là ai ? Hãy coi võ công Tản-viên của ta đây.

Rồi hai người đấu với nhau tiếng đao kiếm chạm nhau xoang xoảng. Được mấy chục hiệp Đào Kỳ hô :

– Chạy thôi.

Thế là cả bọn cùng chạy về ấp An-biên. Phùng Vĩnh-Hoa bảo Phương-Dung :

– Nghiêm Sơn là người tinh tế không chừng y về Cối-giang tìm em.Vậy ngay bây giờ em đi Cối-giang thăm gia đình cố ý nấn ná đợi Nghiêm Sơn đến tìm, để y thấy sự thật em có về Cối-giang. Rồi em lên đường về Luy-lâu với hắn. Khi em với Nghiêm Sơn trở lại Long-biên cứu Tô Phương, ta cũng cho Ngũ-kiếm xuất hiện với em, đảo lộn Thái-hà trang một phen. Chúng ta hãy cho người Hán và Thái-hà trang đanh nhau càng nhiều càng tốt.

Đào Kỳ Phương-Dung nghe nói mới nhớ đến Ngũ-phương thần kiếm. Hai người vội từ giã Lê Chân, Phùng Vĩnh-Hoa đi Cối-giang. Sáng hôm sau tới nơi. Nguyễn Trát xa con gái và con rể mới hơn tháng, mà ông cảm thấy dài hàng mấy năm. Đào Kỳ và Phương-Dung kể hết những biến chuyển dọc đường cho ông nghe. Ông như trẻ lại được 10 tuổi. Ông nói :

– Ba vị sư thúc Đông-Bảng, Thủy-Hải và Đằng-Giang cùng ta thao luyện tráng đinh, đệ tử. Tổng số nam nữ của ba chúng ta khi hữu sự có thể được 2.000 người, lừa ngựa khỏang vài trăm con, lương thực đủ dùng ba tháng. Như vậy khi khởi sự, ta với sư thúc Đông-Bảng đánh Long-biên, sư thúc Thủy-Hải và Đằng-Giang đánh Bắc-Đái. Sư thúc Khổng Chúng với Đào Thế-Hùng đánh Luy-lâu. Con thấy thế nào ?

Phương-Dung ngẫm nghĩ một lát rồi nói :

– Đánh Long-biên, dĩ nhiên lúc nào mình đánh cũng được. Có điều làm thế nào không cần đánh, mà giặc phải bỏ đất đi. Binh pháp nói : Biết mình, biết người trăm trận, trăm thắng. Quân Hán có một Sư kỵ, một Sư bộ và một Hải đoàn ở Long-biên. Đó là lực lượng Giao-chỉ. Còn lực lượng Long-biên có một Lữ kỵ, một Lữ bộ hỗn hợp. Huyện-úy còn có thể điều động tráng đinh của các Lạc-hầu, Lạc-tướng trong vùng nữa. Cho rằng chúng ta chiếm được Long-biên, thì trong 2.000 người tất hao hụt 1.000 người. Sau khi được Long-biên rồi trang ấp chúng ta trống rỗng. Giặc từ Bắc-đái, Lục-hải, Thiên-trường đánh lên. Ta lấy người đâu mà chống đỡ ? Dù Bắc-đái, Lục-hải, Thiên-trường cùng nổi dậy chiếm đuổi giặc, thì sau đó Hán đế gửi quân cứu viện sang, chúng ta lất đâu ra người, lương cho binh mã ăn mà chiến đấu ? Cho nên chúng ta đã ước hẹn phải làm sao để cho Hán đế tin tưởng rút quân về. Khi nổi dậy các nơi cùng nổi một lúc. Chiếm lại được Lĩnh-Nam, ta phải lấy sự hòa hợp mọi người, tha cho những ai trót theo Hán, gây tình đoàn kết thống nhất nhân tâm. Bấy giờ ta khuyến khích trồng trọt, tích trữ lương thảo, thao luyện sĩ tốt. Có như vậy, người Hán mới bỏ ý định trở lại, ta mới tồn tại được. Mong bố hãy nghĩ kỹ.

Nguyễn Trát tuy lớn tuổi, nhưng tính tình bồng bột, ông thấy cứ cách vài tháng xa con gái, lại thấy con ông trông rộng, nhìn xa hơn. Ông mừng lắm. Phương-Dung lại nói với bố:

– Bố phải theo gương Hàn Tín. Hàn Tín thuở còn thơ ấu đi câu cá làm kế sinh nhai. Ông thích đeo kiếm. Khi bị tên hàng thịt gây sự. Y bảo : Ngươi thích đeo kiếm, vậy có giỏi thì hãy giết ta đi. Còn không thì phải chui dưới quần ta. Hàn Tín suy nghĩ : Nếu giết tên bán thịt thì dễ quá, nhưng giết y thân bị tù tội, đâu còn làm được việc lớn nữa ? Ông chịu lòn qua háng tên bán thịt. Vì vậy sau này ông làm nên những chuyện kinh thiên động địa. Bố bây giờ cũng vậy : Nín nhịn luyện tập sĩ tốt, tích trữ lương thảo, liên lạc với người Hán làm như phục tùng họ. Chờ thời cùng các nơi nổi dậy. Việc của chúng con là đi Trung-nguyên, tỏ ý quy phục Hán triều cho họ rút quân về. Họ rút đi rồi chúng ta nổi dậy dễ dàng hơn. Việc trước mắt thứ nhì là làm sao chia rẽ giữa Nghiêm Sơn và Tô Định, chúng ta đã làm xong. Nghiêm Sơn bây giờ đã là người đi cùng đường với ta. Ta lại phải chia rẽ Tô Định với lực lượng Lê Đạo-Sinh cho chúng ghét nhau. Ta là ngư ông hưởng lợi. Nhân Tô với Lê chém giết nhau, phần bại sẽ về Lê Đạo-Sinh, ta thanh toán hết thủ lĩnh các trang ấp của Lê, như vậy dù chưa đuổi được Tô Định đi, mà các trang ấp đã là của ta hết rồi !

Hai bố con đang bàn định, thấy Phan Đông Bảng tới. Phương-Dung đứng dậy cúi đầu hành lễ. Đông-Bảng nắm tay cháu nâng dậy :

– Cháu giỏi lắm, con hơn cha là nhà có phúc. Trước đây thấy võ công cháu đã hơn hẳn bố và sư thúc đã là điều mừng. Nay thấy kiến thức của cháu hơn tụi già này nhiều lắm, chú nghĩ giá có chết ngay cũng sung sướng. Việc cháu giúp đỡ các sư đệ ở Lục-hải chú đã biết đầy đủ. Chú mới từ đó về. Trang Thiên-bản đang là một trang bị quân Hán đánh phá, cháu biến các sư đệ cháu thành những người cầm quân, chuẩn bị cho mai sau. Không biết trong chuyến đi này, cháu sẽ mang ai đi Trung-nguyên ?

Phương-Dung hỏi bố :

– Đào hầu đồng ý cho Đào tam lang đi với con, bố với các sư thúc làm thế ỷ dốc với nhau, lỡ Lê Đạo-Sinh đánh một trong bốn trang, thì chúng ta cũng khởi sự đánh Thái-hà... Bố với các sư thúc ở nhà, mình cần giữ vững cơ sở. Thái sư thúc Phật Nguyệt đi, lỡ có gì sơ suất còn có thể tiếp tay cho anh hùng các nơi.

Phương-Dung cùng Nguyễn Trát và các sư thúc bàn định cách giữ trang ấp, đề phòng Lê Đạo-Sinh tập kích bất ngờ suốt hai ngày liền. Ngày thứ ba, nàng thưa với Nguyễn Trát :

– Thưa bố, chúng con phải lên đường ngay. Chậm trễ Nghiêm đại ca mong đợi, chúng con đã lớn không thể thất hẹn với người.

Nguyễn Trát truyền làm cơm tiễn con và rể lên đường. Gia đình, môn phái tụ họp ăn uống vui vẻ, trò chuyện thân mật. Trương Thủy-Hải, Trương Đằng-Giang là hai người nhiều tình cảm, tính tình cương trực. Từ khi hai ông biết những việc làm của Phương-Dung, hai ông càng thêm yêu qúy cháu. Thủy-Hải cầm tay Phương-Dung :

– Khi nào cháu về Lĩnh-Nam, cùng Nhị Trưng phất cờ, các sư thúc sẽ hội quân nghe lệnh cháu. Khi cháu cầm kiếm lệnh thì cháu là Hùng Vương, An-Dương Vương, các sư thúc đều nghe lệnh cháu hết !

Bỗng nghe tiếng trống báo có khách tới, rồi tráng đinh vào thưa :

– Thưa sư phụ, có tam đệ tử của Đào hầu Cửu-Chân cầu kiến.

Phương-Dung nhìn bố :

– Thưa bố, tam sư tỷ của Đào tam lang đến đó.

Nguyễn Trát vốn ưa Thiều-Hoa, ông vội cùng mọi người ra cổng đón. Đào Kỳ thấy sư tỷ reo lên :

– Bọn em đang đinh lên đường thì sư tỷ đến. Sư tỷ có việc gì khẩn cấp không ? Hay ở lải chơi mấy ngày đã !

Hoàng Thiều-Hoa nắm tay Đào Kỳ :

– Mình phải đi ngay. Kiến-vũ hoàng đế thất trận nặng nề. Nguyên niên hiệu Kiến-vũ thứ 6 (30 sau Thiên chúa). Ngỗi Hiêu làm phản, xưng làm tôi nước Thục. Năm Kiến-vũ thứ 8, vua Quang-Vũ thân đi đánh Ngỗi Hiêu. Y sắp bị diệt, thì Công-tôn Thuật lại làm phản tiếp cứu. Đến năm Kiến-vũ thứ 9, Ngỗi Hiêu chết con là Ngỗi Thuật kế nghiệp. Năm Kiến-vũ thứ 10 Ngổi Thuật bị thất trận đầu hàng Hán. Đất Lũng-hữu được dẹp yên. Nhưng Công-tôn Thuật binh lực hùng mạnh vẫn tiếp tục làm phản. Đại-tư mã là Đặng Vũ, Chinh-tây đại tướng quân Phùng Dị, Xa-kị đại tướng quân Ngô Hán, Phiêu-kỵ đại tướng quân Sầm Bành, Phục-ba tướng quân Mã Viện đều bị đánh bại. Thục đang tiến ra đánh Kinh-châu, Hán-trung. Dân chúng Trường-an rúng động. Kiến-vũ hoàng đế triệu Nghiêm đại ca về đánh Thục.

Phương-Dung mừng rỡ :

– Trun-nguyên rối loạn, chúng ta khởi binh ngay chiếm lại Lĩnh-Nam.

Hoàng Thiều-Hoa lắc đầu :

– Điều cần thiết là chúng ta chờ quân Hán rút khỏi Lĩnh-Nam đã.

Đào Kỳ thắc mắc :

– Khi những đại tướng danh tiếng của Trung-nguyên đã bị bại, thì Nghiêm đại ca chắc gì thắng được ?

Hoàng Thiều-Hoa đáp :

– Nguyên khi mới khởi nghĩa, bọn Đặng Vũ, Sầm Bành, Ngô Hán, Phùng Dị đều ngang nhau. Hán đế cho bốn người cầm bốn đạo quân đánh Thục. Không ai chịu ai hết. Vì chỉ huy không thống nhất nên mới bị Thục đánh bại.Vì vậy Quang-vũ tìm một người trí dũng, uy tín hơn chúng, thống lĩnh binh mã toàn quốc đánh Thục. Xét ra chỉ có hai người : Một là Hoài-Nam vương Lưu Quang, hai là Nghiêm đại ca. Quang-vũ không muốn giao quyền nghiêng nước cho người họ Lưu, vì sợ có biến. Ngài mới quyết định giao cho Nghiêm đại ca.

Thiều-Hoa ngưng lại một lúc rồi tiếp :

– Nghiêm đại ca trước đây từng là chúa tướng của bốn đại tướng quân kia. Đại ca còn là em kết nghĩa của Quang-vũ, tước phong tới Công. Nếu Nghiêm đại ca trở về thống lĩnh ắt họ phải tuân phục. Quang-Vũ đã ban chiếu phong Nghiêm đại ca làm Lĩnh-Nam vương, Tả tướng quân, điều động binh mã Lĩnh-Nam, Kinh-châu, Ích-châu, Hán-trung, Trường-an đánh Thục. Nghiêm đại ca khẩn khoản nhờ tiểu sư đệ với Phương-Dung giúp cho.

Đào Kỳ, Phương-Dung từ tạ cha mẹ, sư thúc lên đường. Ngựa phi như bay, đến chiều thì tới Hải-đoàn Long-biên. Nghiêm Sơn và Đào Kỳ phu phụ xuống thuyền đi Luy-lâu. Thuyền tới Luy-lâu thì thấy một rừng cờ xí ngập trời, quân mã nghiêm chỉnh. Các võ tướng dẫn thiết kỵ ra đón Nghiêm Sơn. Trong đám đi đón có cả Tô Định. Mặt Tô vui cũng không vui hẳn, lo âu cũng không hẳn lo âu. Nghiêm Sơn lên ngựa về thẳng vương phủ. Bá quan văn võ đều tề tựu. Long án bày sẵn, hương khói nghi ngút. Sứ giả là một người trung niên, khuôn mặt nho nhã. Nghiêm Sơn cùng sứ giả trà nước, hỏi thăm tình hình, rồi nghiêm ra trước long án, quay về Bắc hô lớn :

– Tất cả quỳ xuống tiếp chỉ !

Văn võ các quan đồng loạt quỳ trước bàn thờ. Đào Kỳ, Phương-Dung cũng phải quì theo. Hồ Đề nói nhỏ vào tai Trần Quốc :

– Tiên sư thằng cha Lưu Tú, vì sự nghiệp phục quốc Hồ Đề, Trần Năng phải quỳ gối tiếp chỉ của mày. Nếu đất Lĩnh-Nam cũng rộng, người Lĩnh-Nam cũng đông như Trung-nguyên thì chúng mày tất phải quỳ gối trước tổ cô nhà mày.

Tính Hồ Đề bướng bỉnh, nàng thấy Trần Quốc hiện ra nét bướng bỉnh tinh quái, thì nói vào tai nàng, suýt nữa Trần Quốc bật lên tiếng cười.

Sứ giả mở chiếu ra đọc :

"Thừa thiên hưng vận, Kiến-vũ hoàng đế chiếu viết :

Từ cổ đất Trung-nguyên đã có kỷ cương được mệnh trời cai trị thiên hạ. Cho nên đời nào cũng có chúa thánh tôi hiền. trải qua Hạ, Thương, Chu văn thánh, võ đức, thiên hạ âu ca. Cuối đời Chu, Tần thống nhất thiên hạ, Thủy-hoàng bạo nghịch, đốt sách, chôn học trò, thiên hạ nổi lên như ong. Đức Cao-tổ nhà ta chém rắn khởi nghĩa, lập nên nhà Đại Hán. Suốt gần 300 năm trải qua 12 đời, dân chúng sống cảnh ngày Nghiêu tháng Thuấn. Tứ phương quy phục.

Vừa rồi gian thần Vương Mãng dã tâm cướp ngôi, khiến thiên hạ đều nổi dậy để trung hưng cớ nghiệp Đại Hán ta. Ta vốn dòng dõi Trường-sa vương, hậu duệ của đức Cao Tổ, tuốt ba thước gươm khởi binh từ Hoài-Nam, diệt Vương Mãng lập lại cơ nghiệp Tiên Đế. Đời Cơ Nhiếp Đế phong cho Công-tôn Thuật quản nhiếp năm quận. Thời Vương Mãng soán vị, Thuật xưng Thục-vương,chiếm Ích-châu, Hán-trung, tự xưng Thiên-tử, lập triều đình ở Thành-đô. Trẫm sai Đại Tư Mã Đặng Vũ, Chinh-Tây đại tướng quân Phùng Dị, Xa-kỵ đại tướng quân Ngô Hán, Phiêu-kỵ đại tướng quan Sầm Bành, Phụ-ba tướng quân Mã Viện, đem quân chinh tiễu. Ngặt vì thế giặc hung hăng, tướng sĩ tuy hết lòng mà không dẹp yên được.

Nghĩ lại khi trẫm mới khởi binh ở Hoà-dương, được khanh ra công cứu giá. Từ đó nghĩa thì chúa tôi, nhưng tình thì như chân tay. Khanh một mình một ngựa, cùng Hợ-phố lục hiệp, kinh lược Lĩnh-Nam khiến bọn Nhâm Diên, Tích Quang, Đặng Nhượng cúi đầu qui phục. Mấy năm qua, lương thảo binh mã Lĩnh-Nam được khanh gửi sang trợ giúp, Trẫm đã bình được Lũng-hữu, Ngổi Thuần đầu hàng. Nay Công-tôn Thuật hung hăng, cát cứ Ích-châu, Hán-trung, thuận thế đánh Kinh-châu, Trường-an, thiên hạ náo động. Trẫm nghĩ tới khanh, kinh luân gồm tài, phong khanh chức Tả-tướng quân, tước Lĩnh-am vương. Khanh hãy vì sự ngiệp ngàn năm của nhà Đại Hán, vì lòng trung liệt chúa tôi, vì tình nghĩa huynh đệ với Trẫm, điều động binh mã Lĩnh-Nam, Kinh-châu, Ích-châu, Hán-trung, Trường-an chinh tiễu Công-tôn Thuật. Gác công thần Trẫm đã dành cho vẽ hình khanh cạnh Trương Lưu hầu. Khanh được chiếu chỉ, cấp lên đường, xứng đáng với lòng mong mỏi của Trẫm.

Khâm thử"

Nghiêm Sơn, Tô Định cùng các quan tung hô vạn tuế rồi đứng dậy. Tô Định lấm lét nhìn Ngiêm Sơn, vẫy các quan quì xuống tung hô lớn :

– Bọn tiểu thần kính mừng vương gia. Kính chúc Vương gia tiên phúc vĩnh hưởng, nhất cử thành danh, chúng nhân tôn phúc.

Sứ giả nói với Nghiêm Sơn :

– Hiện đạo quân Đại-tư-mã Đặng Vũ đóng ở Kinh-châu. Đạo quân Xa-kỵ đại tướng quân Ngô Hán đóng ở Hán-trung. Tất cả đang chờ lệnh vương gia.

Nghiêm Sơn nhìn xuống thấy đủ mặt các quan sáu quận Nhật-Nam, Cửu-chân, Giao-chỉ, Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm. Chàng cầm thanh Thượng-phương bảo kiếm thăng trướng nói :

– Cô gia xuất thân là người hiệp nghĩa. Trước đây vì hiệp nghĩa cùng Hợp-phố lục hiệp xả mạng bảo gia đức hoàng đế. Xong việc, bản soái cũng như Hợp-phố lục hiệp đều muốn thảnh thơi ngao du thiên hạ làm việc nghĩa. Nhưng Kiến-vũ thiên tử muốn bản soái kinh lược đất Lĩnh-Nam, thu phục Tích Quang, Nhâm Diên, Đặng Nhương, Đỗ Mục. Mấy năm qua Cô-gia giữ binh quyền cung cấp lương thảo cho các đạo quân trung hưng Hán thất. Việc vừa xong, bản soái tưởng được trở lại ruổi ngựa tiêu dao, thì ngài lại ban chỉ cho chinh thảo nghịch tặc Công-tôn Thuật. Từ Trung-nguyên đến đất Thục đường sá xa xôi, lương thảo vận chuyển khó khăn. Vậy bản soái quyết định lấy hết tất cả các dạo quân Lĩnh-Nam làm lực lượng xung kích. Lương thảo do Thái-thú chu cấp. Trễ hạn, hoặc thiếu thì trên từ Thái-thú, dưới đến các Huyện-lệnh đều bị xử tử.

Lời tuyên bố của Nghiêm Sơn khiến các võ tướng có mặt vỗ tay hoan hô. Nghiêm Sơn nhìn trong đó Phương-Dung, Đào Kỳ, Hồ Đề vỗ tay lớn hơn hết, vương không hiểu tại sao. Vương có ngờ đâu Phương Dung cùng hào kiệt Lĩnh-Nam bàn định trên thuyền từ đảo về Bắc làm sao rút được quân Hán, thì việc phục hồi Lĩnh-Nam mới thành công. Phương Dung ghé tai Hồ Đề :

– Phục hưng Lĩnh-Nam đã được một nửa rồi đấy.

Nghiêm Sơn cho rằng Phương-Dung, Đào Kỳ coi vương như anh rể, họ thấy anh rể được phong quan lớn thì vui mừng mà thôi.

Nghiêm Sơn tổ chức đãi yến đãi sứ giả và quan lại văn võ các cấp Lĩnh-Nam. Tiệc tan, vương cùng các tướng tiễn sứ giả về Trung-nguyên. Vương truyền lệnh đi khắp nơi, gọi các Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát, Đốc-bưu, các tướng cấp Quân trưởng, Sư trưởng, Hải-đoàn trưởng tề tựu họp khẩn cấp.

Vương trở về dinh thì thấy Đào Kỳ, Phương-Dung, Giao-long nữ đều hiện diện. Người nào mặt cũng hớn hở, vương bảo Đào Kỳ :

– Tiểu sư đệ! Ta viễn chinh lần này phải mang sư đệ theo. Võ công ta không bằng sư đệ, song ta có một bản lĩnh, hiện giờ không ai địch nổi. Ta với Hoàng sư tỷ kết hôn 7 năm chưa có con, vì vậy ta muốn truyền bản lãnh đó cho sư đệ. Song ngồi giảng giải e sư đệ thụ lĩnh không được nhiều. Vì vậy ta mang sư đệ đi để truyền thụ dọc đường.

Đào Kỳ ngơ ngác :

– Đại ca muốn nói bản lĩnh ?

Nghiêm Sơn cười :

– Võ công thì giỏi lắm địch ngàn người. Ta dạy sư đệ bản lĩnh địch trăm vạn người. Bản lĩnh đó trong lịch sử chỉ có Khương Tử-Nha, Tõn Vũ, Ngô Khởi, Hàn Tín là có.

Đào Kỳ mừng rỡ :

– Tiểu đệ hiểu rồi, chính bản lĩnh đó đại ca giúp Quang-vũ thắng Vương Mãng, bình Xích Mi, dẹp các sứ quân Trung-nguyên và kinh lược Lĩnh-Nam.

Nghiêm Sơn gật đầu :

– Đúng đấy, ta dốc túi truyền cho sư đệ.

Phương-Dung hỏi :

– Đại ca chỉ truyền cho Đào tam ca mà không truyền cho em ư ?

Nghiêm Sơn gật đầu :

– Nếu sư muội muốn ta truyền cho cả hai người một lúc.

Đào Kỳ khẳng khái nói :

– Em có một điều phải nói trước với đại ca. Đại ca truyền bản lĩnh dùng người, dùng binh cho em, thì em tôn kính đại ca như Lục tiên sinh. Song có điều em nói trước. Em sẽ dùng nó để thực hiện cái chí của bố em, là phục hồi Lĩnh-Nam. Vậy đại ca nên nghĩ kỹ trước khi dạy em.

Nghiêm Sơn gật đầu :

– Tiểu sư đệ ! Hoàng sư tỷ thường ca tụng rằng tiểu sư đệ có chí khí anh hùng. Ta tin nhưng không hoàn toàn tin hẳn. Bây giờ nghe tiểu sư đệ nói câu đó, ta mới hoàn toàn tin. Truyền dạy bản lĩnh là ta, xử dụng là tùy tiểu đệ, ta không bắt tiểu sư đệ phải làm một Lê Đạọ-Sinh thứ nhì đâu.

Nghiêm Sơn ngẫm nghĩ một chút, rồi nói với Đào Kỳ :

– Tiểu sư đệ, ngươi có tin ta không ?

Đào Kỳ gật đầu :

– Em tin Đại ca.

Nghiêm Sơn chỉ bút mực nói :

– Tiểu sư đệ viết thư cho các vị sau đây : Nam-hải nữ hiệp, Khất đại phu, Nguyễn Tam-Trinh, Đặng Thi-Sách, Trưng Nhị, Trưng Trắc và thân phụ của tiểu sư đệ về Cối-giang càng sớm, càng tốt. Mục đích : Tiểu sư đệ sẽ trình bày việc cơ mật. Khi các vị ấy về, ta sẽ cùng tiểu sư đệ, Phương-Dung tới họp với họ.

Đào Kỳ ngần ngừ định hỏi, Phương-Dung bật cười :

– Anh Kỳ, bộ anh sợ Nghiêm đại ca giết mấy vị đó ư? Nếu Nghiêm đại ca có ý đó, thì hôm ở hồ Tây đã cho thiết kỵ Giao-chỉ ra tay rồi. Chẳng qua Nghiêm đại ca muốn trình bày với các vị hào kiệt có uy tín Lĩnh-Nam trước khi lên đường chinh chiến, nội dung có lợi cho Lĩnh-Nam mà đại ca không muốn cho người Hán biết. Chứ còn đại ca bảo các vị đó làm lợi cho Hán thì với uy quyền Lĩnh-Nam vương đại ca truyền lệnh họ phải về ngay, liệu có ai dám chống ?

Nghiêm Sơn nhìn Phương-Dung :

– Ta nói thực, sư muội là người ta thương yêu như Tiểu sư đệ, lại là người cùng phe với ta. Nếu sư muội là người đối lập với ta, ta phải giết sư muội trước tiên.

Thiều-Hoa cũng cười :

– Vì sư muội là tri kỷ của đại ca. Tri kỷ mà cùng phe thì thật là lợi hại vô cùng. Còn tri kỷ mà ở phe đối nghịch thì càng nguy hiểm.

Đào Kỳ ngồi viết thư, Phương-Dung trao thư cho Giao-long nữ :

– Sư muội cầm thư này đưa về Cối-giang cho thân phụ của chị. Phụ thân chị sẽ nhờ các anh chị phi ngựa ngày đêm đưa đến các vị. Riêng đất Cửu-chân, vừa đi, vừa về ít ra là 6 ngày, sư muội nhắc phụ thân chị phải người đi cho. Phiền sư muội đi ngay dùm.

Giao-long nữ đang là cô gái ở thôn dã, bỗng dưng được giao trọng trách. Nàng thích quá cầm thư đi ngay.

Suốt mấy ngày Nghiêm Sơn bận rộn hội họp với các tướng chuẩn bị lên đường: Quân-số, ước tính tổn thất, chuẩn bị bổ sung lương thảo, lừa ngựa, và bổ nhiệm nhân sự. Bên cạnh vương còn có Hoàng Thiều Hoa, Phương-Dung, Đào Kỳ giúp đỡ như những tham tướng, khiến vương cũng bớt mệt mỏi. Các tướng lĩnh thấy Lĩnh-Nam vương phi cùng sư đệ, sư muội của nàng đồng tâm giúp vương gia hết lòng, họ sinh cảm tình. Nhất là Phương-Dung, nàng chủ trương cần được lòng tướng sĩ, nên nhất nhất lỗi lầm của họ, nàng cố nhờ Thiều-Hoa tìm cách che chở.

Năm ngày sau, Đào Kỳ báo cho Nghiêm Sơn biết đã mời đủ các vị anh hùng về Cối-giang như Nghiêm Sơn muốn. Nghiêm Sơn gọi Uy-viễn tướng quân vào trướng dặn :

– Ta có việc đi xa một ngày. Mọi việc nhất thiết do đại ca thay ta giải quyết. Bất cứ ai hỏi ta với vương phi đi đâu. Đại ca trả lời rằng ta đi Mê-linh có chút việc riêng.

Lưu Nhất-Phương là người đứng đầu Hợp-phố lục hiệp. Đối với Nghiêm Sơn, về lý thì ông là thuộc hạ, nhưng về tình là sư huynh đệ trong cùng môn phái. Cho nên nhất mọi việc vương đều nhờ Lưu thay mặt.

Phương-Dung hóa trang Nghiêm Sơn thành một ông già, Thiều-Hoa thành một bà nhà quê, rồi lên đường đi Cối-giang. Dọc đường Nghiêm Sơn hỏi Đào Kỳ :

– Đến Cối-giang sư đệ định họp ở đâu ?

Phương-Dung đáp thay :

– Tốt hơn ta chèo thuyền ra giữa sông họp, ta khỏi phải canh phòng.

Nghiêm Sơn dặn :

– Gặp các vị anh hùng. Tiểu sư đệ cứ đóng vai chủ động hết. Chỉ khi thuyền ra giữa sông, ta mới ra mặt. Như vậy mới giữ được cơ mật.

Thiều Hoa là vợ Nghiêm Sơn, việc gì vương cũng nói với nàng. Đây là lần đầu tiên vương không thổ lộ trước nội dung buổi họp.

Bốn người tới Cối-giang, Nguyễn Trát ra tận cổng đón vào. Ông đưa mắt hỏi Đào Kỳ về Nghiêm Sơn và Thiều-Hoa, Đào Kỳ trả lời :

– Thưa bố đây là hai vị nông dân, trình bày nhiều tin tức cơ mật trong buổi họp này.

Đào Kỳ gặp lại bố, chàng mừng lắm chạy đến bên ông hành lễ.

– Thưa bố, con thấy bố trẻ lại hơn trước ít tuổi. Không biết mẹ và cậu mợ có được an khang không ?

Đào Thế-Kiệt xoa đầu Đào Kỳ :

– Cả nhà vẫn bình yên.

Đào Kỳ chắp tay chào mọi người :

– Thưa Khất đại phu, Nam-hải sư bá, Mai-động sư bá, Đặng đại ca, Nhị Trưng tỷ tỷ. Tại hạ cả gan dám mời các vị về họp khẩn cấp vì vận mệnh Lĩnh-Nam sắp chuyển hướng. Cuộc họp cần bảo vệ cơ mật, xin mời các vị xuống thuyền chúng ta ra giữa sông họp.

Các vị anh hùng thấy Đào Kỳ nhỏ tuổi, mà đã làm được nhiều việc vĩ đại, nên nghi chàng mời họ về họp kỳ này để bàn việc khởi binh. Trên thuyền có Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp, Nguyễn Tam-Trinh, Nguyễn Trát, Đặng Thi-Kế, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đào Thế-Kiệt, Đào Kỳ, Phương-Dung, Giao-long nữ Trần Quốc. Đám anh hùng Lĩnh-Nam ngạc nhiên khi thấy có một cặp vợ chồng nhà quê đi theo không nói một câu nào. Đào Thế Kiệt là người tinh tế, nhìn lưng bà lão nhà quê thấy quen quen, song ông không ngờ là Thiều-Hoa.

Thuyền ra giữa sông Phương-Dung nói với Trần Quốc :

– Trong thiên hạ, không có ai giỏi thủy tính bằng sư muội. Chúng ta họp trên này, biết đâu có gian tế nghe trộm? Vậy phiền sư muội bơi vòng quanh thuyền canh chừng giùm.

Một lần nữa Trần Quốc được coi trọng, nàng mừng lắm, hướng quần hùng hành lễ, rồi nhảy ùm xuống sông.

Đào Kỳ là người đứng mời các anh hùng, chàng đứng dậy chắp tay nói :

– Thưa các vị anh hùng Lĩnh-Nam. Tôi trẻ người, tài nông, ngặt vì đất Lĩnh-Nam có nhiều biến chuyển trọng đại, nên lớn mật mời các vị về để đạt đạo biến chuyển đó.

Nói xong chàng chỉ vào Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa. Nghiêm Sơn lên tiếng :

– Tại hạ là Nghiêm Sơn, chưởng môn phái Quế-lâm và tiện nội là Hoàng Thiều-Hoa xin ra mắt các vị anh hùng.

Vương nói đến đó, các anh hùng bật lên tiếng ồ. Vương nói tiếp :

– Vì sợ tai mắt gian tế, tại hạ nhờ Đào sư đệ đứng ra tổ chức buổi họp này. Xin các vị lượng thứ.

Anh-hùng Lĩnh-Nam có mặt đều biết Nghiêm Sơn được phong là Tả tướng quân, tước Lĩnh-Nam vương. Bây giờ vương mời họ về họp, lại xưng danh là chưởng môn Quế lâm thì biết vương muốn dùng tình võ lâm mời họ. Tất cả đều cảm thấy có điều gì trọng đi sắp xảy ra.

Nghiêm Sơn nhìn Khất đại phu, Mai-động hầu Nguyễn Tam-Trinh rồi rút ra trong bọc một cuốn sách nhỏ, bìa da, hai tay trịnh trọng đưa Phương-Dung :

– Đây là gia phả nhà ta. Sư muội hãy đọc cho chư vị nghe !

Phương-Dung tiếp lấy trịnh trọng đọc. Đến trang cuối nàng kính cẩn gấp lại, đưa Nghiêm Sơn. Vương cầm lấy cất đi, rồi nói :

– Phàm làm con thì không được quên lời di chúc của tổ tiên. Tại hạ quyết theo di chí của tiên phụ. Vì vậy tại hạ mời các vị đến đây, cầu các vị bắt tay cùng tại hạ bắt tay vào việc.

Vương quay lại nhìn Trưng Nhị, Phương-Dung, Đào Kỳ nói :

– Bây giờ sư đệ, sư muội hết thắc mắc tại sao từ ngày sang đây đến giờ ta thẳng tay trừng trị, xử tử không biết bao nhiêu tham quan người Hán. Ta đã xử tử bốn trong sáu Thái-thú. Ta giao trọng trách quân sự cho người Việt. Giao chức vụ Đô-úy, Đô-sát cho người Việt. Trưng Nhị sư muội là người chí lớn, trông rộng, nhìn xa, nếu sư muội ở vào địa vị ta sư muội sẽ làm những gì ? Khi người Hán chống ta, Mã thái hậu muốn hại ta ? Người Việt nhìn ta là tên Hán cướp nước, là tên chó Ngô ?

Vương nhìn Phương-Dung :

– Ngày nọ trong rừng ta đấu võ với Khất đại phu bị thua. Khất đại phu bắt ta phải làm cho người một việc. Ta đem chuyện này nói với người. Thân thế người cao biết mấy, ta lại đấu võ thua người vậy mà người thụp lạy ta, cũng vì lẽ đó.

Vương lại nhìn Đào Kỳ ;

– Tiểu sư đệ, ngày nọ ta bị Mai-động hầu Nguyễn Tam-Trinh bắt trên sông. Đúng ra ta phải đem quân san bằng trang Mai-động, thế mà ta lại quý trọng người. Chính người cũng không hiểu. Ta phải đem chuyện này nói với người, người vội quỳ thụp xuống đất lạy ta, và đứng ra gả sư tỷ Thiều-Hoa cho ta cũng vì lẽ đó.

Đến đây Khất đại phu nói lớn :

– Các vị hãy theo lão phu cùng cúi lạy Nghiêm đại hiệp.

Quần hùng cùng sụp lạy Nghiêm Sơn. Vương để yên cho họ hành lễ đủ 8 lạy rồi nói :

– Các vị trở về cứ tiếp tục việc của các vị. Truyện hôm nay, không được tiết lộ với bất cứ ai. Ngày mai, tôi có buổi họp với các tướng lĩnh, mời các vị cùng về Luy-lâu họp.

Buổi họp chấm dứt, Phương-Dung ra đầu thuyền gọi :

– Giao-long nữ ! Xong rồi, cảm tạ sư muội.

Ầm một tiếng, Giao-long nữ từ dưới nước vọt lên cao, đáp xuống thuyền. Tay nàng cầm hai xâu cá : Nào cá chép, nào cá trắm, cá rói. Con nào cũng còn dãy dụa. Nàng nói :

– Em biết họp xong các vị sẽ đói, nên bắt cá tươi mang lên làm thịt ! Khiếp cá sông Hồng khó bắt ghê. Cá ở Thiên-trường, em chỉ chớp một cái là bắt được. Cá ở đây phải dùng Giao long cầm nã mới bắt chúng được.

Ngay chiều hôm đó, Nghiêm Sơn cùng Thiều-Hoa, Đào Kỳ, Phương-Dung trở về Luy-lâu. Hai hôm sau Lưu Nhất-Phương trình cho Nghiêm Sơn biết: Các Thái-thú, Đô-sát, Đô-úy, Đốc-bưu, Quân-trưởng, Sư-trưởng đều tề tựu. Vương ra lệnh họp tức thì.

Trong đại sảnh đường phủ Lĩnh-Nam vương, giáp sĩ gươm giáo sáng ngời canh gác vòng trong, vòng ngoài. Ba hồi chiêng trống vang lừng. Lĩnh-Nam vương bước vào trướng, ngồi vào ghế bọc da hổ. Vương để thanh Thượng-phương bảo kiếm lên bàn dõng dạc nói :

– Kiến vũ thiên tử phong Cô-gia tước Lĩnh-Nam vương, Tả tướng quân chưởng quản binh mã Lĩnh-Nam, Kinh-châu, Ích-châu, Hán-trung, Trường-an và Lương-châu, phạt Thục. Trước khi lên đường, Cô gia quyết định bổ nhiệm từ ngày hôm nay như sau : Uy-viễn đại tướng quân Lưu Nhất-Phương, phong tước Long-biên đình hầu, thay Cô gia tổng trấn Lĩnh-Nam, được toàn quyền quyết định thay Cô gia.

Lưu Nhất-Phương tiến lên lạy tạ.

Nghiêm Sơn lại tiếp :

– Hợp-phố nhị hiệp là Lư Dương lĩnh Thái-thú Nhật-Nam. Mời Nguyễn Thành-Công tiên sinh làm Đô-úy. Đệ tử là Lê Anh-Tuấn giữ chức Đô-sát kiêm Đốc-bưu. Hợp-phố lục hiệp Tiết Bảo là Thái-thú Cửu-chân. Huyện-úy Ngọc-đường Trần Dương-Đức thăng lên Đô-úy. Huyện-úy Nghi-sơn Đào Nghi-Sơn thăng lên Đô-sát kiêm Đốc-bưu. Các chức sắc Giao-chỉ không thay đổi. Hợp phố tam hiệp Hà Thiên làm Thái-thú Quế-lâm. Mời Đặng Thi-Kế tiên sinh làm Đô-úy, mời Trương Đằng-Giang tiên sinh làm Đô-sát kiêm Đốc-bưu. Hợp-phố ngũ hiệp Phùng Đạo-Hiển thăng Thái-thú Nam-hải. Mời đệ ngũ thái bảo Sài-sơn Vũ Công-Chất sung chức Đô-úy. Mời đệ thất Thái-bảo Trần Quốc-Hương sung chức Đô-sát kiêm Đốc-bưu.

Ngừng một chút đoạn chàng tiếp :

– Các cựu Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát, Đốc-bưu được thăng Đại-tướng quân, điều động bản bộ binh mã theo Cô gia tùng chinh lập công. Cô gia quyết định chia binh mã ra làm ba đạo phạt Thục. Đạo thứ nhất do Xa-kỵ đại tướng quân Ngô Hán chỉ huy, điều động binh mã Hán-trung, Lương-châu, Trường-an đánh vào Hán-trung. Đạo thứ nhì do Đại tư mã Đặng Vũ chỉ huy, điều động binh mã Kinh-châu, theo ngã Xuyên-khẩu tiến vào Thục đạo. Đạo thứ ba là đạo Lĩnh-Nam, đạo chủ lực chính điều động binh mã Lĩnh-Nam. Đạo này cần phải có người võ công vô địch, làu thông binh pháp, hiểu biết hết nhân vật Lĩnh-Nam và là người thân tín của Cô gia. Cô gia quyết định cử sư đệ của Vương phi là Đào Kỳ lãnh chức Chinh-viễn đại tướng quân.

Nghiêm Sơn truyền trao ấn tín cho mọi người, rồi vương hướng vào cử tọa nói :

– Cô gia có một quyết định mà tự cổ chưa bao giờ có : Cô gia quyết định mời Nguyễn Phương-Dung nữ hiệp làm đệ nhất Quân sư. Mời Trưng nữ hiệp làm đệ nhị Quân sư. Mời Phùng Vĩnh-Hoa nữ hiệp làm đệ tam Quân sư.

Các quan Hán, Việt đều đã nghe danh tiếng Đào Kỳ, Phương-Dung, Trưng Nhị từ lâu, không ai ngạc nhiên lắm. Nhưng khi nghe đến tên Phùng Vĩnh-Hoa, họ nhìn nhau ngơ ngác. Song họ vốn phục tài Nghiêm Sơn, nên nghĩ rằng : Vương gia cử người chắc không lầm đâu.

Nghiêm Sơn lại hỏi các tướng :

– Còn ai có ý kiến gì ?

Phương-Dung bước ra khỏi chỗ nói :

– Vương gia chỉ đem bản bộ binh mã Lĩnh-Nam về đánh Thục, tôi trộm nghĩ không đủ. Vương gia hiện có ba việc lớn cần phải làm lập tức...

Các tướng Hán biết nàng là phu nhân của sư đệ Lĩnh-Nam vương phi, được vương phi cưng chiều như con đẻ, kiến thức nàng siêu quần vượt chúng, còn võ cộng cao cường không tưởng tượng được. Trước họ khiếp phục Lê Nghĩa-Nam, Mai Huyền-Sương, Hoàng Đức-Tiết là đệ nhất danh gia kiếm thuật Lĩnh-Nam, vậy mà Phương-Dung chỉ mấy chiêu hạ bọn này trong đại hội Tây-hồ. Bây giờ nghe nàng phát biểu ý kiến, họ lắng tai nghe.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.