Anh Hùng Lĩnh Nam

Chương 1: Chương 1: Thế Sự Hồi Đầu Dĩ Nhất Không Giang Sơn Vô Lệ Khấp Anh Hùng




Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,

Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.

(Phan Chu Trinh 1872-1926,

Chí thành thông thánh thi)

Dịch nghĩa:

Ngẫm sự thế, quay đầu nhìn về quá khứ, không còn gì cả.

Giang sơn hết nước mắt mà khóc cho sự nghiệp các anh hùng.

Trời nắng thu, gió heo may rít lên từng cơn, những cây thông bên bờ biển vi vu như tiếng ai oán của dân Việt mất nước. Trên bãi biển Ngọc-đường, một người đàn ông tuổi khoảng 50, lưng đeo bảo kiếm, tay dắt đứa trẻ, thả bước ngắm cảnh. Dân chài đang tụ tập làm việc, người thì vá lưới, kẻ thì giặt lưới. Họ thấy cha con người đàn ông thì lễ phép đứng dậy chào hỏi. Mỗi lần như vậy, cha con phải ngừng lại đáp lễ. Một lão già đang vá lưới, đứng dâïy chắp tay hỏi:

– Đào-hầu hôm nay thư thả, ra đây ngắm cảnh?

Người đàn ông chậm rãi trả lời:

– Khi trong lòng đau dớn, thì còn cảnh nào đẹp nữa? Khi nước đã mất thì còn lòng dạ nào mà dạo chơi?

Đứa trẻ đi cạnh ngước mắt nhìn cha hỏi:

– Bố ơi, nước mình đã mất đâu? Bố con ta chả đang sống trên đất nước mình đây sao?

Đào-hầu không trả lời, dắt con đi ngược lên đồi thông. Tới một mỏm đá nhìn ra biển, ông kéo con ngồi xuống, chỉ ra hòn đảo cách bờ không xa hỏi:

– Con có biết hòn đảo kia tên gì không?

Đứa trẻ trả lời:

– Đại sư huynh bảo đó là hòn đảo Nghi-sơn. Trên đảo có núi Biện-sơn. Đảo dài 4 dậm, rộng 2 dậm. Từ đây ra đảo khoảng 150 trượng. Trên đảo có đền thờ Mỵ Châu. Bãi biển Nghi-sơn có nhiều ngọc trai. Phía tây núi Biện-sơn có một giếng nước tên là Ngọc-tỉnh, nghĩa là giếng ngọc. Đem nước giếng ấy rửa ngọc trai, thì ngọc sáng và đẹp lắm.

Đào-hầu ngạc nhiên hỏi:

– Ai đã dẫn con đi chơi đảo Nghi-sơn?

Đứa trẻ cười nắc nẻ, giật tay cha:

– Thưa bố, anh Nghi-sơn.

Đào-hầu gật đầu, trầm tư nhìn những lớp sóng từ biển cuốn vào bờ, thở dài.

Đào-hầu tên thực là Đào Thế-Kiệt. Ông có ba con trai, con lớn là Đào Nghi-Sơn, con thứ là Đào Biện-Sơn, đều đã trưởng thành. Con thứ ba là Đào Kỳ, tức đứa trẻ này, mới 13 tuổi. Ông thấy Kỳ còn nhỏ, nên chưa cho biết những điều hệ trọng của đất nước, vì vậy trên bãi biển, nghe con đặt câu hỏi có liên quan đến đại vận dân tộc, ông không trả lời.

Ông hiện là một trong chín Lạc-hầu ở vùng Cửu-chân. Tổ tiên ông nguyên là tướng của Thục An-dương vương. Khi An-dương vương bị Triệu Đà cất quân sang đánh, bị thua trận, chạy đến đây thì khám phá ra con gái là Mỵ-Châu vì ngây thơ dại dột trong tình yêu mà làm mất nước.

Ngài giết con gái để tạ tội với thiên hạ rồi nói với các tướng sĩ rằng:

– Ta vì sinh con, không biết dạy, đến nổi làm hư việc nước. Ta không còn mặt mũi nào nhìn các quan, nhìn quốc dân nữa. Ta nguyện lấy cái chết để tự xử mình. Sau khi ta chết rồi, các người hãy chịu nhục, ẩn nhẫn theo gương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, giúp người già, dạy trẻ thơ, để mai này khôi phục lại giang sơn.

Nói rồi An-dương vương nhảy xuống biển tự tử. Trong các tướng hồi đó có tổ tiên của Đào hầu. Ông cùng binh sĩ khai phá đất hoang, đốt rừng làm rẫy, lập ra Đào trang, đến nay đã bảy đời.

Trước khi tổ tiên ông tới đây thì vùng này dân chúng phiêu bạt, sống rải rác khắp nơi. Tổ tiên của ông cùng tám vị tướng khác chia nhau mỗi người một vùng, tụ tập dân chúng lại, dạy cho họ trồng cây, chăn nuôi. Lại giúp họ cất nhà, đóng thuyền, làm lưới đánh cá. Dân chúng cảm phục tôn chín người thành chín vị Lạc-hầu.

Thời bây giờ, người Hán tuy cai trị đất Việt, nhưng vẫn dùng chế độ phong kiến, mỗi vùng để nguyên một vị Lạc-hầu hay Lạc-tướng cai trị. Dân trong ấp dưới quyền điều động của Lạc-hầu, Lạc-tướng. Còn Thái-thú, Huyện-lệnh, Huyện-úy thì chỉ việc kiểm soát các Lạc-hầu, Lạc-tướng mà thôi.

Quận Cửu-chân, có một Thái-thú cai trị. Dưới Thái-thú có một Đô-úy coi về quân sự, có một Đô-sát coi về an ninh giống như ngày nay là cảnh sát, công an. Quận Cửu-chân chia làm bốn huyện, mỗi huyện có một Huyện-lệnh người Hán và một Huyện-úy khi thì người Việt, khi thì người Hán coi về quân sự. Mỗi huyện cũng có một Giám-sở Tế-tác coi về an ninh.

Sau gần 100 năm thì các Lạc-hầu họp nhau lại, lập ra phái võ Cửu-chân, thành ra bây giờ ở Cửu-chân chỉ có một phái võ, nhưng có tới chín trang ấp khác nhau. Từ khi phái võ Cửu-chân được thành lập đến giờ trải gần 100 năm. Võ phái Cửu-chân lấy việc phản Hán phục Việt làm lẽ chính để hoạt động. Các tôn sư của phái trọng nghĩa khinh tài, nên được các anh hùng khắp vùng Lĩnh-nam như Nam-hải, Quế-lâm, Giao-chỉ, Nhật-nam, Tượng-quận kính phục.

Tuy bên trong phái Cửu-chân có ý đồ lớn như vậy, nhưng vẫn giữ được bí mật. Nên khi Đào hầu thấy Đào Kỳ biết tường tận về đảo Nghi-sơn, ông tưởng mưu đồ bí mật đó con đã biết, nên mới vặn hỏi. Không ngờ, Đào Kỳ không biết gì hơn về thắng cảnh địa phương.

Nguyên hai hòn núi ngoài bờ biển, trước đây không có tên, một lần Đào hầu cùng phu nhân đi ngoạn sơn hứng gió, trở về đẻ ra người con thứ nhất, ông đặt tên là Nghi-Sơn, và đặt tên hòn núi đó là Nghi-sơn luôn. Hai năm sau ông bà du ngoạn hòn núi thứ nhì, về thụ thai đẻ ra người con thứ nhì, ông đặt tên là Biện-Sơn, và cũng đặt núi đó là Biện-sơn.

Ghi chú của thuật giả:

Đảo Nghi-sơn ngày nay nằm cách thị xã Thanh-hoá 55 km tại xã Ngọc-đường. Đảo dài khoảng 6 km, rộng 2 km, cách bờ biển khoảng 300-500 m. Trên đảo Nghi-sơn có núi Biện-sơn. Đền thờ Mỵ Châu hiện nay vẫn còn. Giếng Tẩy ngọc cũng còn. Trên đảo có một thành, xây từ đời Tây-sơn đặt 12 khẩu đại bác.

Thấy Đào Kỳ tuy mới 13 tuổi, nhưng đã khôn ngoan, ông muốn cho con biết những điều hệ trọng. Trước khi cho biết, ông gây sự tò mò của con, hơn là nói thẳng ra. Ông hỏi Kỳ:

– Con đã học được bao nhiêu cuốn sách rồi?

Đào Kỳ chìa bản tay ra tính:

– Đại-học này, Trung-dung này, Luận-ngữ này, Mạnh-tử này. Tứ-thư con học hết rồi. Ngũ-kinh thì con đã học kinh Thi, Thư, Xuân-thu, còn kinh Dịch thì đang học. Thầy con bảo tháng sau con sẽ được học Hàn-phi tử.

Đào hầu hướng mặt nhìn ra xa:

– Cuộc thế xoay vần, nhà Chu phong cho 800 chư hầu, nay chỉ còn lại một đất Trung-nguyên, những dân xung quanh đều trở thành Hán. Người Hán coi các dân tộc khác như thú vật, như man mọi. Họ gọi chúng ta là rợ Việt, là Nam-man, là rợ Giao-chỉ. Chúng ta có quốc tổ Hùng-vương, mà không được thờ, phải thờ Hoàng-đế, thờ Chu-công, Văn-vương, lại còn phải thờ cái gã nhà quê Lưu Bang tức Cao-tổ nhà Tây-hán . Người ta nhân danh là Hán, có quyền coi chúng ta như trâu, như chó, muốn giết thì giết, muốn bỏ tù thì bỏ. Tại sao chúng ta lại phải cúi đầu chịu nhục như vậy?

Đào Kỳ như thức tỉnh, nhìn vào chân trời xa xa:

– Vì người Hán có gươm, có đao, có sức mạnh. Vì người Hán đông, người Việt ít.

Đào hầu gật đầu:

– Chúng ta cũng có gươm, có đao, có sức mạnh. Nhưng chúng ta thiếu hai thứ: một là sự hợp quần, hai là lòng can đảm. Nếu chúng ta được hai thứ đó thì có thể đuổi người Hán ra khỏi đất nước này. Bởi vậy hôm nay bố đưa con lên đây, để dạy con mấy bài học.

Đứa trẻ mở to mắt reo lên:

– Bố ơi, con đã học xong bộ Cửu-chân trượng pháp rồi. Hôm nay bố dạy con Cửu-chân chưởng pháp đi bố.

Đào hầu lắc đầu:

– Võ thì lúc nào học chẳng được. Con đã 13 tuổi rồi, bố phải dạy con bài học quan trọng hơn. Nếu không có bài học này thì dù con có đọc hàng nghìn cuốn sách, có học hết các võ công trong thiên hạ cũng vô ích mà thôi. Đó là bài học để biết sử dụng những kiến thức trong sách vở, những chiêu thức võ học của thiên hạ.

Đào Kỳ hỏi lại:

– Bố ơi, con biết sử dụng Cửu-chân trượng pháp, Cửu-chân cầm nã thủ và Cửu-chân kiếm pháp rồi. Có khó gì đâu?

Đào Kỳ nói xong, nó rút kiếm bên cạnh cha ra, làm lễ rồi múa như mây bay, như gió cuốn. Hết bài, nó làm lễ với cha rồi tra kiếm vào vỏ, ngồi xuống.

Đào hầu vẫn mơ màng nhìn ra biển:

– Con biết sử dụng kiếm, nhưng dùng nó để làm gì? Giúp ích cho ai?

Đào Kỳ suy nghĩ một lúc, rồi chau mày, miệng muốn nói gì, rồi lại lắc đầu lộ vẻ không hiểu.

Đào hầu vuốt tóc con:

– Bố có ba con trai, thì con có ngộ tính cao nhất, hy vọng con sẽ là người thực hiện được cái chí của bố. Cho nên hôm nay bố đưa con lên đây để dạy cho con bài học quan trọng, đó là chỉ cho con biết sử dụng những gì con học được.

Ngừng một lát Đào hầu tiếp:

– Chúng ta thuộc dòng giống Bách Việt ở phía Nam núi Ngũ-lĩnh. Tổ tiên của chúng ta là Lạc-long quân. Lạc-long quân lấy tổ mẫu là Âu-cơ, tương truyền sinh được một trăm người con. Lạc-long quân phong cho mỗi con cai trị một vùng, do đó chúng ta có dòng giống Bách-việt. Người con cả của Lạc-long quân lên làm vua, lập ra họ Hồng-bàng, nước gọi là Văn-lang.

Đào Kỳ gật gật đầu, tỏ ý hiểu biết.

– Trải qua mấy ngàn năm đất nước của người Việt vẫn riêng một phương trời Nam. Sau vua Hùng thứ 88 vì mải mê rượu chè, bỏ bê chính sự, một trong các vua giống Bách-việt là Thục Phán đánh lấy nước Văn-lang lập ra nhà Thục. Vua Thục đặt tên nước là Âu-lạc.

Ghi chú của thuật giả:

Theo cổ sử, thì họ Hồng-bàng làm vua được 18 đời. Nhưng chúng tôi căn cứ vào một thư tịch khác thì không phải 18 mà 88. Con số 88 hợp lý hơn, nên trong suốt tất cả các tác phẩm của tôi, tôi dùng con số này. Xin đọc sang Anh-hùng Lĩnh Nam quyển 4.

Đào Kỳ reo lên:

– Con biết rồi bố ơi! Có một lần thầy đồ dạy con học, khi nói đến nước Âu-lạc thì người ngưng bặt, và thở dài. Con hỏi nước Âu-lạc là gì thì thầy lắc đầu. Tại sao thế hở bố?

Người cha thở dài:

– Đất nước có tên mà không dám nói tới. Người sống có khác gì chết không? Thầy con nhắc tới quốc hiệu Âu-lạc mà không dám giảng cho con nghe, vì nước chúng ta bị người Hán đô hộ, họ cấm nói đến những gì về lịch sử của chúng ta.

Đào Kỳ như đã hiểu được cha nó muốn nói gì:

– Bố ơi, thế nước Âu-lạc chúng ta làm sao mà bị mất, và mất tự bao giờ?

– Chúng ta mất nước tính đến nay là 184 năm rồi. Khi An-dương vương dựng nước, thì bên Trung-nguyên, Tần Thuỷ-hoàng thôn tính hết các chư hầu, dựng thành Trung-nguyên. Tần Thuỷ-hoàng muốn đất Âu-lạc thành quận huyện cai trị như Trung-nguyên. Thục An-dương vương cương quyết không để mất nước, chống lại. Thuỷ-hoàng sai tướng là Đồ Thư mang nửa triệu quân sang đánh. Người Việt ta, do đại tướng quân Cao Nỗ chỉ huy, ẩn vào rừng đêm ra đánh nhau với quân Tần. Cuối cùng giết được Đồ Thư, và bảo toàn được độc lập. Trong cuộc chiến này, đất nước chúng ta quá rộng, mà người ít, phải rút về phương Nam. Quân Tần lấy mất một số đất đai phía Nam núi Ngũ-lĩnh đặt ra ba quận Nam-hải, Quế-lâm và Tượng-quận, giao cho một viên quan cai trị, đó là Triệu Đà.

Ghi chú của thuật giả:

Tư Mã Thiên, Sử-ký quyển 112, chép: "Bấy giờ Thuỷ-hoàng phía Bắc thì mắc họa với rợ Hồ. Phía Nam thì khốn khổ với người Việt. Đóng binh ở chỗ đất hiểm, tiến không được, mà thoái thì cũng không xong. Suốt 10 năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải xung làm lao dịch chuyên chở, khổ sở không chịu nổi. Người người thắt cổ trên cây dọc đường, người chết trông nhau".

Nghe cha nói, mặt Đào Kỳ hiện ra những nết ưu tư như người lớn. Đào hầu tiếp:

– Sau nhân Tần Thuỷ-hoàng tàn ác, dân chúng nổi loạn khắp nơi, Triệu Đà cũng không thần phục nhà Tần, xưng là Triệu Võ-vương, đóng đô ở Phiên-ngung. Đà là người khôn ngoan, có chí lớn, muốn lập một quốc gia lâu dài. Nhưng mở rộng về phương Bắc thì vướng nhà Hán hùng mạnh, nên tìm cách Nam tiến. Triệu Đà thấy trước đây Đồ Thư, đem quân Tần đánh nước Âu-lạc mà bị giết, vì Âu-lạc có ba bảo vật. Đà tìm cách phá ba thứ đó. Y bèn hỏi công chúa Mỵ Châu của An-dương vương cho con trai đầu lòng là Trọng Thuỷ, và khôn ngoan hơn, cho Trọng Thuỷ ở rể. Kỳ con, con thấy Triệu Đà có khôn không?

Đào Kỳ, tuy mới 13 tuổi, nhưng được cha dạy võ, thầy dạy văn, cha con luôn cạnh nhau, nên đã trưởng thành, biết suy nghĩ như người lớn. Nó cau mặt:

– Chắc là Thục An-dương vương không chịu gả Mỵ Châu cho Trọng Thuỷ.

Đào hầu lắc đầu:

– Con lầm rồi! An-dương vương chịu gả mới khổ chứ! Tại sao con cho rằng An-dương vương không chịu?

– Con nghĩ An-dương vương là người có tài, có chí lớn, thì mới thắng được Hùng-vương. Sau khi thắng Hùng-vương lại một lần kinh nghiệm nữa, không lẽ không biết được ý đồ của Triệu Đà? Mà dù vương có lầm lẫn thì tướng sĩ của ngài sẽ ngăn cản. Ngài dại gì gả Mỵ Châu cho Trọng Thuỷ.

Đào hầu thấy con có nhận xét tinh tế, ông mừng lắm. Ông nghĩ thầm: Nếu cứ đà này, thì năm 20 tuổi, Đào Kỳ sẽ là người lỗi lạc, có thể nối chí ông mưu đồ phục quốc được.

– Con đã biết nhìn xa rồi đó. Quân Tần mạnh mẽ biết chừng nào, gồm thâu các nước Trung-nguyên, thế như thác đổ. Vua Tần dùng đến nửa triệu quân đánh Âu-lạc nhưng vẫn bị bại. An-dương vương vì tự hào đó mà mất nước. Ngài quên rằng Âu-lạc có Tam bảo mới thắng được Tần. Con biết Tam bảo là gì không?

Đào Kỳ ngơ ngác nhìn cha, suy nghĩ một lúc rồi gãi đầu, bứt rứt trả lời:

– Con tìm ra rồi, Tam bảo là ba thứ quí. Thứ nhất là võ công của Âu-lạc, Văn-lang hơn Tần. Thứ nhì là địa thế Âu-lạc hiểm trở, khiến quân Tần tiến không được lui cũng không xong. Còn bảo vật thứ ba là gì thì con nghĩ không ra.

– Được, bố sẽ cho con biết nó là gì. Con hãy làm đừng hỏi vặt, đợi xong rồi sẽ biết.

Ông lấy cỏ bện thành một cái bùi nhùi dài, rồi quấn quanh người con như cái áo giáp. Ông lại lấy kiếm chặt tre, đẽo thành một cây côn đưa cho Đào Kỳ, dặn:

– Con đã học Cửu chân trượng pháp, con đánh cho bố coi.

Đào Kỳ cầm côn, bái tổ rồi đi thứ tự từng lộ một. Khi nó đi đến lộ thứ nhì thì có tiếng ngựa hí. Hai con tuấn mã, trên lưng chở hai người Hán, ăn mặc theo lối quan binh tiến lại gần. Biết có người lạ nhưng nó không dám ngừng lại, vì Đào hầu dạy con rất nghiêm. Khi luyện tập võ nghệ, dù có biến cố gì chăng nữa cũng không được phân tâm. Nên hai con ngựa tiến lại bên cạnh, mà Đào Kỳ vẫn tiếp tục đi hết 36 lộ, mới ngừng.

Hai người mặc theo lối quan binh Hán, thì một người to lớn da trắng, một người gầy, cao da đen. Người to lớn quát:

– Cái bọn Nam-man này trốn lên đây tập võ. Quân này to gan thực, không coi phép tắc của quan Thái-thú ra gì cả!

Dứt lời y lấy roi ngựa quất vào đầu Đào Kỳ, tiếng roi xé gió kêu rít lên vi vu, đủ tỏ kình lực của nó không tầm thường. Cây roi của y là một thứ vũ khí ít thấy, bởi nó bằng da mềm mà dài. Cây roi quấn ngang lưng Đào Kỳ đến ba vòng. Viên quan Hán quát lên một tiếng, rồi giật mạnh roi. Người Đào Kỳ vọt lên cao khỏi mặt đất, bay về phía ngựa viên Hán quan. Viên Hán quan gầy đứng ngoài thấy thế cười ha hả:

– Triệu Thanh, xé xác thằng Nam-man con ra làm đôi đi.

Y vừa nói hết câu, thì một tiếng bốp vang lên, người bạn y to lớn mập mạp đã ngã lăn xuống đất. Còn Đào Kỳ thì ngồi chễm chệ trên lưng ngựa.

Thì ra khi thấy tên quan binh to lớn muốn dùng roi để giật mình lên khỏi mặt đất, Đào Kỳ mượn thế nhảy theo; sức người, sức mình hợp làm một, bay về phía địch. Trong khi bay trên không, nó chuyển trượng giáng một đòn vào đầu đối thủ. Triệu Thanh ngã xuống, còn Đào Kỳ thì đáp trên lưng ngựa.

Nói thì chậm, nhưng diễn biến thì nhanh vô cùng, khiến tên Hán quan gầy gò chỉ còn biết há miệng ra quát tháo:

– Phản rồi! Phản rồi!

Y rút đao ở lưng ra, chân thúc ngựa tiến về phía Đào Kỳ. Đào Kỳ liếc mắt nhìn Đào hầu, thấy ông ngồi trên tảng đá lơ đãng nhìn ra biển, như nghĩ ngợi xa xôi. Ông bảo con:

– Đã trót thì phải giải quyết cho xong đi chứ?

Đào Kỳ dạ một tiếng, đưa côn gạt đao của đối thủ, rồi nó lộn một vòng trên không đáp xuống đất cười hỏi:

– Ngươi là ai, xưng tên cho ta biết.

Người gầy quát:

– Ta là lữ trưởng kỵ binh Cửu-chân. Ngươi vừa đánh ngã lữ phó của ta. Ngươi mau nạp mình, để ta mang về xử tội.

Đào Kỳ cười:

– Đã là lữ trưởng, thì võ nghệ phải cao cường. Ngươi có giỏi xuống ngựa đấu với ta.

Hán quan thấy vừa rồi đứa trẻ chỉ ra một chiêu mà bạn y đã thảm bại. Y đưa mắt nhìn Đào Kỳ để định giá địch thủ. Y thấy đứa trẻ dường như không sợ hãi. Bởi thời bấy giờ quân Hán tác oai tác quái thế nào thì dân chúng cũng phải chịu. Trẻ con, người lớn hễ thấy quân Hán là chạy trốn. Đây Đào Kỳ đã không sợ, còn coi thường nữa. Y thấy cạnh Đào Kỳ còn người cha chưa ra tay, y cũng chột dạ. Nhưng bản tính hống hách đã quen của kẻ đi cai trị, y không thể lui được. Y rút đao nhảy xuống ngựa, đứng thủ thế. Bất thình lình y hét lên một tiếng lớn nhảy vào chém liên tiếp năm đao: Từ trái sang phải, từ phải sang trái, trên xuống dưới, từ dưới lên trên, quay một vòng, rồi đâm thẳng vào ngực Đào Kỳ. Đào Kỳ chỉ nhảy nhót tránh né, chứ không phản công, vì đây là lần đầu tiên giao chiến với địch nên nó thiếu kinh nghiệm.

Đào hầu kêu lên:

– Ngũ hổ đoạn môn đao.

Nghe bố nhắc, nó tỉnh ngộ: Ngũ hổ đoạn môn đao là một thứ đao pháp vùng đất Thục. Đao pháp thiên về dương cương. Khi đánh thì để hở bộ vị dưới chân. Chờ tới khi đối thủ chém đao cuối cùng theo vòng tròn, Kỳ thụp người xuống quất một côn vào hạ bàn y. Viên quan hoảng hốt lộn người để tránh. Khi chân y vừa chạm đất, thì thế côn thứ nhì lại đâm vào hạ bộ. Y hoảng hồn lăn tròn người đi bốn vòng thoát nạn, bật người đứng dậy, thì một thế côn đã trúng đầu y đến bốp một cái. Y ngất xỉu.

Dầu sao Đào Kỳ cũng là một đứa trẻ, chưa kinh nghiệm chiến đấu, đánh địch thủ rồi không biết giải quyết ra sao? Nó hỏi bố:

– Bố ơi! Chúng nó ngất hết rồi.

Đào hầu chỉ thanh kiếm cạnh mình:

– Cho mỗi đứa một kiếm vào cổ.

Tên béo mập đã tỉnh dậy, y bở vía, quỳ gối chắp tay lạy:

– Xin đại nhân làm ơn làm phúc tha cho tiểu nhân. Tiểu nhân trót mạo phạm. Từ nay tiểu nhân gặp đại nhân đâu sẽ xin cúi đầu làm lễ.

Đào Kỳ hỏi bố:

– Bố ơi, tha hay giết?

Đào hầu bảo con:

– Con thắng chúng nó, chứ không phải bố thắng. Tha hay không là tuỳ con.

Đào Kỳ nhìn hai quan nhân người Hán, đang quỳ dưới đất, lòng nó bỗng thấy tội nghiệp, quát lên:

– Ta tha cho đấy. Về đi!

Hai người quan nhân Hán như đã xuống quỷ môn quan được trở về, vội thụp lạy Đào Kỳ rồi lên ngựa phóng thẳng.

Đào hầu nhìn con đầy vẻ hân hoan:

– Con đã thắng được hai võ quan kỵ binh Cửu– chân. Qua cuộc đấu vừa rồi con thấy thế nào?

Đào Kỳ tưởng nhớ lại cuộc chiến đấu:

– Con thấy có điều rất lạ. Một là hai người đều có sức mạnh, đòn đánh ra như vũ bão, chứng tỏ ra đã nhiều năm luyện tập. Nhưng con thấy chúng để ra những sơ hở quá nhiều. Hai là những sơ hở đó lại hợp với những chiêu thức bố dạy con. Bố cho con biết tại sao đi!

– Những điều con nhận xét rất đúng. Có gì mà không hiểu. Nếu như bố luyện võ của Trung-nguyên từ bé, thì giờ phút này chưa chắc bố đã là đối thủ của họ. Còn con học võ Văn-lang, Âu-lạc, nên chỉ một hai chiêu hạ được họ là lẽ thường. Con nên biết rằng võ học nhà ta xuất phát từ đời An-dương vương. Cửu-chân trượng pháp là của ông Nồi, ngài tên thực là Vũ Bảo Trung. Nguyên ba cha con ông Nồi xưa kia là tướng của An-dương vương. Các ông đã nhân giao đấu với quân Tần, tìm ra tất cả những phá cách của võ học Trung-nguyên, rồi chế ra 36 lộ trượng pháp. Bởi vậy mỗi thế đánh của họ, để ra những sơ hở. Nếu như con giao chiến với người Lâm-ấp, thì chưa chắc con đã thắng họ dễ dàng như vậy. Con phải tìm hiểu lối đánh của họ, nhiên hậu mới thắng. Còn con đánh với người Hán, thì những thức, những chiêu con đánh ra đều khắc chế với họ cả, do vậy con thắng họ dễ dàng... Bây giờ con dùng Cửu-chân trượng pháp để tự vệ. Bố sẽ dùng những cành cây làm tên, bắn vào con.

Ghi chú của thuật giả:

Ông Nồi, tên thực là Vũ Bảo Trung tước phong Trung-tín hầu, là khai quốc công thần của Thục An-dương vương. Ngài quán tại Hương-canh, huyện Yên-lãng, tỉnh Vĩnh-phú, Bắc Việt. Xuất thân là người làm nghề nặn đồ sành bán, nên dân chúng gọi là ông Nồi. Ngài là đệ tử của Vạn-tín hầu Lý Thân. Ngài có hai người con trai, lớn là ông Đống tức Vũ Bảo Sơn tước phong Bảo-nghĩa hầu, thứ là ông Vực tức Vũ Bảo Hà tước phong Bảo-tín hầu. Khi Triệu Đà xâm lăng Thục, ba cha con ngài đều tuẫn quốc. Nơi cha con Ngài tuẫn quốc là vùng Chiêm-trạch, dân chúng gọi là gò Thánh-hóa. Ngày nay đền thờ của ba cha con Ngài còn tại Ngọc-chi và Vĩnh-thanh, huyện Đông-anh, Hà-nội.

Đào Kỳ tuân lệnh, múa côn như một chiếc cầu xanh bao phủ lấy thân. Đào hầu dùng những cành tre nhỏ như những mũi tên phóng vào người con. Ông phóng một lúc năm mũi, thì Kỳ gạt được có hai, còn ba mũi ghim vào tấm áo giáp bằng cỏ. Đến đó Đào hầu ngừng lại, hỏi con:

– Lúc nãy bố con ta đang nói đến Tam-bảo, con đoán được hai. Vậy vừa rồi là đệ tam bảo đó.

Đào Kỳ ngơ ngác không hiểu:

– Thế nghĩa là...

– Là kỹ thuật bắn cung tên của Âu-lạc.

Đào Kỳ đang hớn hở, bỗng buồn thiu lại:

– Con có nghe truyện này rồi. Mẹ kể cho nghe ngày xưa, vua An-dương xây thành Cổ-loa, cứ xây lại bị đổ. Sau được thần Kim-quy hiện lên bắt ma đi, vua mới xây được thành. Sau khi xây thành, thần cho vua cái móng rùa, làm nỏ thần. Mỗi phát bắn ra cả ngàn người chết.

– Không phải thế đâu con ơi! Không phải thần Kim-quy, mà là đại tướng Cao Nỗ. Ngài chế ra nỏ, có thể bắn một lúc cả trăm mũi tên. Có mũi nỏ như tên thường, có mũi to bằng bắp tay. Như ban nãy, bố giả làm tên bắn vào con, hai mũi thì con đỡ được, còn ba mũi thì con không đỡ được nữa. Nếu một tướng, dẫn đoàn quân xung trận, chỉ cần nẫy nỏ của Cao hầu bắn một phát, trăm mũi tên tung ra, thì ông tướng đó phải chết, phân nửa đoàn quân tê liệt. Nếu có mười nỏ hay trăm nỏ thì quân nào chịu cho nổi? Vì có nẫy nỏ đó, quân Âu-lạc thắng quân Tần. Triệu Đà nhiều lần đánh Âu-lạc đều bị bại vì thần nỏ.

Bây giờ Đào Kỳ mới hiểu:

– Thì ra Triệu Đà đánh Âu-lạc không được, mới cho Trọng Thuỷ sang làm rể, để phá Tam-bảo của An-dương vương. Một là biết được đường xá, địa thế, tình hình. Hai là biết được võ học Âu-lạc, ba là biết được cách làm nỏ thần.

– Đúng đấy. Bấy giờ trong triều Âu-lạc các quan đều phản đối. Nhưng có một số nhận hối lộ của Trọng Thuỷ nên tán thành. Đại tướng quân Cao Nỗ buồn rầu, cùng em là Cao Tứ lui về vườn ở ẩn. Trọng Thuỷ ở rể Aâu-lạc một thời gian đã mua chuộc được nhiều người, ngầm phá hại hết tất cả những xe chở nỏ, những dàn nỏ lớn đặt trên thành. Thuỷ nhân lúc vợ chồng tình nghĩa mặn nồng, hỏi về bí mật chế nỏ. Mỵ Châu nhẹ dạ, ăn cắp sơ đồ chế nỏ đưa cho chồng xem. Trọng Thuỷ ghi nhớ trong lòng, rồi đem trả lại vợ.

Sau khi biết được Tam-bảo của Âu-lạc, Trọng Thuỷ xin phép về thăm nhà. Khi trở về Nam Việt, y tính rằng sẽ mang quân đánh Aâu-lạc, Tam-bảo bị mất Aâu– lạc tất bại trận. Vua An-dương sẽ bỏ chạy, sau đó tụ tập quân phản công. Y nghĩ ra một kế tặng cho Mỵ Châu chiếc áo bằng lông ngỗng. Dặn vợ rằng: Nếu giặc tới, chạy đi đâu thì rắc lông ngỗng đến đó, y sẽ theo dấu lông ngỗng tìm vợ.

Đào Kỳ quát lên:

– Thực là độc địa!

Đào hầu hỏi con:

– Con đoán được rồi à?

– Con đoán ra rồi. Trọng Thuỷ biết An-dương chạy đâu, thì mang Mỵ Châu theo. Cho nên Trọng Thuỷ mới tặng Mỵ Châu chiếc áo lông ngỗng, dặn nàng rắc lông để y biết mà tìm. Trọng Thuỷ chỉ việc theo dấu là bắt được An-dương vương.

– Đúng! Trọng Thuỷ về triều, cho chế nỏ thần như Aâu-lạc, rồi cùng cha là Triệu Đà cất quân đánh. Âu-lạc lâu nay hoà bình, không phòng bị. Khi quân Triệu Đà tới nơi, vội vàng mang nỏ thần ra bắn, thì mười cái hỏng cả mười. Thậm chí những dàn nỏ đặt trên thành cũng bị hỏng cả. Đại quân Âu-lạc tan vỡ mau chóng. An-dương vương vội ôm Mỵ Châu lên ngựa chạy về phía Nam. Chạy được hai ngày thì gặp đoàn đệ tử của anh em Cao Nỗ.

Đào hầu ngừng lại cho con theo kịp rồi tiếp:

– Nguyên khi về nghỉ ở thôn trang, đại tướng Cao Nỗ đã sáng chế ra một loại nỏ bắn mỗi lần cả ngàn mũi tên, tầm bắn xa gấp đôi. Vì vậy đoàn đệ tử của ngài ít người, nhưng bắn lui quân Triệu. Sau quân Triệu tới trùng trùng điệp điệp, mà đoàn đệ tử Cao gia chỉ có mấy trăm người, nên cuối cùng anh em ngài đều tuẫn quốc. Nhờ anh em Cao gia ra sức cản giặc, An-dương vương mới chạy đến đất này.

Đào hầu chỉ mỏm đá trước mặt:

– Đây là chỗ An-vương vương giết Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển chết. Còn ngôi đền trên đỉnh núi kia là nơi tổ tiên ta xây để thờ An-dương vương.

Kể đến đây Đào hầu xuất thần ngơ ngẩn nhìn những lớp sóng biển trắng xoá, lớp nọ đè lên lớp kia xô nhau tiến vào bờ.

Hốt nhiên ông khoanh tay thành quyền, bước chéo sang phải một bước, phóng chưởng đánh vào một bụi cây. Chưởng phong vù vù xô tới, cây cỏ bật tung lên. Ông lại lùi một bước phóng chưởng thứ nhì, cát đá bay mịt mờ. Ông lùi bước thứ ba phóng chưởng nữa, trúng vào cây thông đến ầm một cái, cây thông gãy làm đôi đổ xuống.

Đào Kỳ reo lên:

– Bố ơi, bố sử dụng Cửu-chân chưởng, chiêu Hải triều lãng lãng phải không bố? Chưởng này có năm lớp, sao bố phóng có ba?

Đào hầu xoa đầu con:

– Con đã học chưởng này rồi phải không? Khi Thục An-dương vương chạy đến đây, ngài nghĩ lại lúc 20 tuổi thắng các anh hùng Tây-vu được tôn lên làm vua, rồi 25 tuổi đem quân đánh vua Hùng dựng nghiệp lớn. Năm 30 tuổi đánh quân Tần, giết Đồ Thư. Năm 35 tuổi xây thành Cổ-loa, và bây giờ tuổi tuy già, nhưng lực chưa tàn vì thiếu tinh tế, vì con gái dại dột mà mất nghiệp... Uất khí bốc lên, ngài sáng chế ra chiêu Hải triều lãng lãng gồm năm lớp. Mỗi lớp tượng trưng cho một thời kỳ của ngài. Lớp đầu mạnh hai, thì lớp thứ nhì mạnh bốn, lớp thứ ba mạnh tám, lớp thứ tư mạnh 16, và lớp thứ năm mạnh 32. Ban nãy bố chỉ phát có ba lớp mà mạnh như vậy đó. Chưởng Cửu-chân nhà ta khác với các chưởng khác rất nhiều. Các chưởng khác thì người phải có một công lực cao ở mức độ nào đó mới tập được. Còn Cửu-chân chưởng thì công lực thấp mãnh liệt ít, công lực cao mãnh liệt như sóng bể tràn lan, không biết đâu mà lường.

Đào Kỳ đứng lên nhìn xuống biển, chỉ thấy biển rộng mênh mông, sóng vỗ trùng trùng điệp.

Nó nhìn lên đền An-dương vương hỏi:

– Con đã vào đền lễ nhiều lần cùng với mẹ và các anh. Mẹ chỉ cho con tượng người cầm gươm đứng giữa là An-dương vương, người cầm nỏ đứng bên là Cao Nỗ, người cầm trượng là Vũ Bảo Trung. Trước mặt mấy thần tượng là tượng hai người quỳ gối, một là Triệu Đà, hai là Trọng Thủy. Nhưng bố ơi, tại sao không thờ Mỵ Châu?

– Không thờ! Người Việt không thờ những loại gái bán thân cho ngoại tộc, vì một người chồng ngoại tộc mà hại cả cha mẹ, tổ tiên, hại cả giang sơn, hại cả dân tộc. Nhưng sau này người Hán cai trị chúng ta, họ mới ra ngoài đảo Nghi-sơn xây đền thờ Mỵ Châu, để khuyến khích những người con gái Việt đi theo giặc, bán thân cho giặc, bán hết cả cho giặc như Mỵ Châu. Có điều sau khi Mỵ Châu chết rồi, tự nhiên những con trai ở vùng Cửu-chân có ngọc óng ánh như vết máu. Ngọc đó bị mờ, lấy nước giếng ở núi Biện-sơn rửa thì ngọc sáng ra. Còn Trọng Thuỷ sau khi đuổi tới đây, thấy Mỵ Châu chết, chôn cất tử tế, rồi về Cổ-loa nhảy xuống giếng tự tử chết. Ngọc trai ở đây bị mờ, lấy nước giếng Cổ-loa rửa còn sáng hơn nước giếng Biện-sơn.

Đào Kỳ lại thắc mắc:

– Tại sao bố lại đặt tên anh cả là Nghi Sơn, hai hai là Biện Sơn? Đó là nhân vì địa danh ở Ngọc-đường hay vì lý do vong quốc?

Đào hầu thở dài:

– Tổ tiên con trước cũng là một tướng của An Dương vương, truyền đến bố là bảy đời. Mình mất nước tới nay là 184 năm rồi. Nếu mình muốn phục quốc, phải tìm cho được hai thứ: Một là bí quyết làm nỏ của đại tướng Cao Nỗ, hai là tất cả những bí quyết võ công thời An Dương vương. Bố đặt tên cho hai anh con, là muốn nhắc nhở đến cái hận vong quốc. Còn tên con, cha muốn con nhớ đến cái hận mất đất Lĩnh-nam. Bởi tổ tiên ta gốc ở núi Kỳ, phía Nam Ngũ-lĩnh.

Đào Kỳ khẳng khái:

– Võ công của người xưa chế ra, tại sao mình không thể chế ra?

Đào hầu dắt con trở về, cha con đủng đỉnh xuống núi:

– Đã đành mình có thể chế, nhưng người xưa mất bao nhiêu tâm huyết mới tìm ra những chiêu thức bí hiểm. Nếu con học võ của tổ tiên rồi từ chiêu thức đó, biến chế thành võ học mới, sẽ đỡ tốn công hơn. Bố nghe nói, khi Vạn-tín hầu Lý Thân tự vận, có ghi chú tất cả võ công vào 200 thẻ bằng đồng. Nhưng không hiểu nay ai giữ? Còn trước khi Cao Nỗ đánh trận cuối cùng rồi tuẫn quốc, cũng có ghi chép, vẽ đồ hình nỏ thần để lại cho đời sau, nhưng nay không hiểu ở đâu?

Hai cha con đang đắm mình trong những biến cố gần 200 năm trước, thì có tiếng quát:

– Khôn hồn đứng im, nếu động đậy, ta ra lệnh buông tên.

Hai cha con giật mình nhìn xung quanh, gần 30 binh Hán, tên đặt lên cung, chỉ chờ lệnh là buông. Người chỉ huy là tên béo mập thả ban nãy. Đào hầu sợ Đào Kỳ sử dụng võ, bảo con:

– Không được chống trả.

Tên béo mập ra lệnh:

– Quăng vũ khí ra xa.

Đào hầu tháo thanh kiếm trên lưng, quăng ra xa. Tên béo mập cười ha hả:

– Phen này tụi bây có đến trăm cái đầu cũng phải rụng hết.

Triệu Thanh ra lệnh cho lính trói Đào hầu và Đào Kỳ lại rồi bắt hai cha con đi về phía một doanh trại. Đào hầu chú ý nhìn thấy đây là một doanh trại kỵ binh mới cất lên không lâu. Ông thắc mắc:

– Quân kỵ ở đâu đông thế này? Họ đến vùng này làm gì mà ta không biết?

Ông nhìn lên cột cờ ở sân thấy thêu con gấu đen thì giật mình:

– Thì ra kỵ binh ở Giao-chỉ. Vậy có biến cố gì đây?

Thời bấy giờ Thái-thú Cửu-chân là Nhâm Diên, bất hoà với Thái-thú Giao-chỉ là Tích Quang. Cho nên những người bị Tích Quang truy nã thì chạy vào Cửu-chân ẩn náu, và những người bị Nhâm Diên truy nã thì chạy ra Giao-chỉ tỵ nạn. Mỗi Thái-thú có một quân trực thuộc toàn người Hán tổng cộng 12.500 người. Mỗi quận gồm 4 sư bộ và một sư kỵ. Mỗi huyện thì có một sư hỗn hợp, cứ một người Hán lại có một người Việt.

Đào hầu thấy kỳ hiệu của thiết kỵ Giao-chỉ tiến vào Cửu-chân, làm ông nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn:

– Một là hai Thái-thú bất hoà với nhau, đem quân đánh nhau. Hai là có cuộc khởi binh của một trong chín Lạc-hầu, lực lượng Hán ở Cửu-chân chống không nổi phải viện thêm lực lượng Giao-chỉ.

Nhưng ông thấy điều này không đúng, vì đất Cửu-chân có chín Lạc-hầu thì năm vị đã thoả hiệp với thái-thú, hai vị thì sống xa vời với chuyện phục quốc. Chỉ còn Đào trang nhà ông với Đinh trang của em vợ ông là còn giữ nguyên chí nguyện của tổ tiên. Ông với em vợ Đinh Đại hiện chưa có động tĩnh gì đến nỗi Thái-thú Cửu-chân phải viện quân từ Giao-chỉ vào.

Đúng như quan chế hồi đó, thì Lạc-hầu còn ở địa vị cao hơn sư trưởng, nhưng thực tế thì bọn Hán quan thường dùng sức mạnh, bắt giam các Lạc-hầu, Lạc-tướng là thường. Đấy là nói quân Hán ở Cửu-chân. Huống hồ đây lại là quân Hán của Giao-chỉ gửi vào.

Triệu Thanh đưa cha con Đào hầu vào doanh trại giao cho mấy tên lính và dặn:

– Chúng bay hãy giam hai con chó Nam-man này lại, đợi ta phát lạc sau.

Mấy tên quân dẫn cha con Đào Kỳ vào một căn lều kín, bỏ đó, đóng cửa đi ra. Đào hầu bảo con:

– Có cách thoát thân rồi, con thử nghĩ xem có giống như ý bố không?

Đào Kỳ thì thầm vào tai bố:nói:

– Đợi đến đêm, bố cắn dây cởi trói cho con. Rồi con cởi trói cho bố. Bố con mình thư thả đi về.

Đào hầu nói:

– Bố đưa con ra khỏi doanh trại, con về báo cho mẹ biết, kẻo mẹ lo sợ. Còn bố thì bố trở lại dọ thám xem quân kỵ Giao-chỉ vào Cửu-chân làm gì?

Đào Kỳ nói:

– Bố nghi là phải. Con nghĩ binh lính ở Cửu-chân dư sức đánh dẹp bất cứ trang ấp nào của ta, hà cớ Thái-thú phải viện kỵ binh Giao-chỉ? Có khi y muốn tiêu diệt chín nhà chúng ta cũng nên.

Trời đã trở về chiều. Mặt trời ngả bóng, vẫn không thấy Triệu Thanh trở lại để trả thù như ước tính. Đào hầu ghé răng cắn dây cởi trói cho con.

Sau đó Đào Kỳ cởi trói cho cha. Hai người chưa kịp đứng dậy thì có tiếng chân người đi tới, rồi tiếng một tên quân Hán nói:

– Ta mang cơm cho hai con chó Việt ăn đây.

Cánh cửa mở, hai tên quân Hán bước vào. Đào hầu hô:

– Phát chưởng!

Đào Kỳ ra chiêu Loa thành nguyệt hạ, Đào hầu ra chiêu Tây vu xuất binh. Hai tên Hán bị ngã chết giấc tức thì. Đào Hầu cởi quần áo của tên to lớn mặc vào. Đào Kỳ bắt chước cha, cởi quần áo của tên nhỏ bé mặc vào, nhưng vẫn còn rộng thùng thình. Hai cha con dùng dây trói hai tên quân Hán lại rồi mở cửa lều ra ngoài. Đào hầu dẫn con hướng về phía góc doanh trại vắng người, chỉ ra ngoài nói:

– Con theo hướng này băng qua đồi thì về trang của mình được.

Đợi Đào Kỳ đi rồi, ông mới nhắm hướng đại doanh đi tới. Đại doanh là một căn lều khá lớn, bên trong có đèn nến sáng choang. Ông nép mình dưới cửa sổ nhìn vào: Bên trong có hơn mười người ngồi quanh một cái bàn, dường như đang hội họp. Ông nhận được mặt các quan chức người Hán ở Cửu-chân: Thái thú Nhâm Diên, Đô-uý Dương Hiển, Đô-sát Chu Khải và một số võ quan ông không nhận ra.

Đô-sát Chu Khải chỉ lên tấm bản đồ:

– Từ Đào trang đến Đinh trang xa khoảng 10 dậm. Trang chủ Đào trang là Đào Thế Kiệt 50 tuổi, văn võ kiêm toàn. Vợ là Đinh Xuân Hoa 40 tuổi, võ công không thua chồng là bao. Đệ tử chân truyền có ba người là Trần Dương Đức, Trịnh Quang, Hoàng Thiều Hoa, cả ba đều văn võ kiêm toàn. Thiều Hoa năm nay 18 tuổi, có vẻ đẹp quốc sắc thiên hương, khắp vùng đều biết tiếng. Thế Kiệt có ba con trai là Nghi Sơn, Biện Sơn, và Kỳ. Hai người lớn thì võ công tuyệt thế, đứa nhỏ mới 13 tuổi, nhưng văn võ đều thông. Đệ tử ngoại đồ 88 người, tráng đinh 500, phụ nữ biết võ 200. Dân chúng trong trang gồm 1.200 nóc gia, tổng cộng 6.300 người. Lương thực, lừa ngựa đầy đủ. Người trong trang được tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề.

Thái-thú Nhâm Diên hướng vào một võ quan trẻ nói:

– Từ khi thuộc hạ về đây trấn nhậm nhận thấy một điều khó khăn nhất là tất cả dân chúng đều quy tụ vào chín Lạc-hầu. Mà chín Lạc-hầu đều là con cháu của đám di thần Âu-lạc. Đám này nhận di ngôn của Thục Phán ẩn náu chờ thời, phản Hán phục Việt, cho nên mối nguy nổi loạn không biết sẽ nổ ra lúc nào.

Ngừng một lúc y nói tiếp:

– Mấy năm trước đây bên Trung-nguyên chúng ta xảy ra vụ Vương Mãng cướp ngôi, thiên hạ tao loạn, phân năm xẻ bảy. Thuộc hạ không quy phục Vương Mãng. Vương Mãng mấy lần định mang quân sang hỏi tội. Bọn Lạc-hầu, Lạc-tướng thấy vậy rục rịch định nổi loạn. Ty chức biết trước vội vàng ban hành pháp lệnh năm điều để làm tan thế đoàn kết của bọn chúng.

Đô-uý Chu Khải hỏi:

– Chúng ta là người Hán, đi cai trị bọn Nam-man. Nếu chúng nó nổi loạn thì mang quân đi dẹp, há sợ gì? Tại sao đại nhân phải ban hành pháp lệnh làm gì cho mệt.

Nhâm Diên nói:

– Đô-uý biết một mà không biết hai. Dân chúng Cửu-chân đều quy tụ vào chín nhà, nếu chúng ta dẹp hết chín nhà, thì Cửu-chân chỉ còn là bãi đất hoang. Cho nên bản nhân mới theo Tôn-tử binh pháp: "Dụng binh chi đạo, toàn quân vi thượng, phá quân thứ chi"

Nghĩa là: Đạo dùng binh cần bảo vệ lấy quân hơn là tổn hại quân sĩ. Cho nên thuộc hạ chỉ dùng có một tờ giấy, viết năm điều pháp lệnh, mở rộng cho người Hán, người Việt được bình đẳng, được kết hôn với nhau, lại cho người Việt làm quan chức, dạy chữ thánh hiền, lễ nghĩa cho chúng...

Một võ quan dáng người uy nghi, còn trẻ ngồi ghế chủ toạ nói:

– Tuyệt! Chúng ta là con cháu Văn-vương, Chu-công, Khổng-tử. Nhà Đại Hán coi thần dân như con đỏ. Thái-thú ban pháp lệnh cho người Việt được như người Hán, cho người về Trung-nguyên mượn những nho gia khoa bảng thất thời sang đây dạy dỗ họ, đúng như Khổng-tử nói "Giáo bất biệt hoại", nghĩa là khi dạy học thì không phân biệt giống người. Làm như vậy vừa được âm đức vừa làm sáng nghĩa của Khổng Mạnh.

Đào Thế Kiệt cố moi óc xem võ tướng trẻ tuổi này là ai, nhưng ông đoán không ra. Cứ thấy dáng điệu đường bệ của y và cung cách lễ phép của Nhâm Diên, ông cũng đoán sơ rằng viên võ quan này có địa vị không nhỏ.

Nhâm Diên nói:

– Thuộc-hạ không thực tâm như vậy, chẳng qua là muốn tâm chiến giai đoạn mà thôi. Thuộc hạ còn ký lệnh phong cho năm Lạc-hầu làm Huyện-úy. Thế là từ đấy, quan binh Hán cứ ngồi chơi, người Việt gây loạn thì dùng huyện úy người Việt mang bản bộ quân mã cũng là người Việt đi đánh. Cho nên pháp lệnh ban ra mấy năm, đi đâu cũng chỉ nghe bàn đến Tam-hoàng, Ngũ-đế, Chu-công, Văn-vương, Khổng-tử mà không hề nghe nói đến Hùng-vương. Lúc trà dư tửu hậu người a chỉ nói trận Cai-hạ, Hạng Võ bị thua, tự tử ở Ô-giang, mà không nghe thấy nói đến Hùng-vương đại chiến An-dương vương. Trẻ con học về trận chiến giữa Hoàng-đế với Suy Vưu mà không học về trận chiến giữa An-dương vương với Đồ Thư. Dân chúng chỉ biết cái nhục bị Tần Thuỷ-hoàng cai trị, mà quên mất cái hận Cổ-loa bị Triệu Đà phá. Nam nữ thanh niên chỉ còn biết đến diễm tình của Tiêu Sử với Lộng Ngọc mà quên chuyện Trương Chi Mỵ Nương.

Ngừng lại một lúc y nói:

– Chín Lạc-hầu, không cần đánh, mà năm người trở thành đầy tớ của ta. Thuộc hạ lại tìm cách nay khen ngợi, mai ban thưởng, khiến cho hai Lạc-hầu mãi mê với việc phát triển văn hoá Trung-nguyên, mà xa lìa cái gọi là phản Hán phục Việt. Rút cục chỉ có Đào trang và Đinh trang là còn giữ nguyên. Cho nên thuộc hạ cần phải ra tay tiêu diệt.

Viên võ quan trẻ lại hỏi:

– Nhâm Thái-thú đã từng nêu cao nhân nghĩa bấy lâu, thì nay cũng phải truyền một hịch để kể tội Đào, Đinh, thì ta ra quân mới được dân chúng tôn phục. Vậy Nhâm Thái-thú đã tìm ra tội trạng gì của hai trang chưa? Tôi nghĩ rằng ra quân đánh người vô lý, thứ nhất là ác độc, dã man vô nhân đạo, thứ nhì là thất nhân tâm.

Đô-uý Cửu-chân Dương Hiển nói:

– Lĩnh Nam công xuất thân là người nghĩa hiệp nên mới đưa ra ý kiến đó. Nhưng ý của Thái-thú đại nhân là đánh Đào, Đinh trang, sẽ khiến cho các trang kia sợ hãi không dám trở lại phản Hán phục Việt nữa.

Đào hầu nghe bọn Hán quan bàn luận đánh trang ấp của mình, bất giác ông rùng mình nghĩ:

– Thì ra tên tướng trẻ này là Nghiêm Sơn, tước phong Lĩnh-nam công, lĩnh chức Bình-nam đại tướng quân. Y là người đã xả thân đánh nhau với võ sĩ Vương Mãng 20 trận, bị thương 15 lần, cứu Quang Vũ, cùng Quang Vũ phất cờ dựng lại nhà Hán. Y được Quang Vũ giao cho toàn quyền sáu quận Lĩnh-nam là Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm, Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam. Thì ra Nhâm Diên nhờ Lĩnh-nam công mang quân vào diệt trang ấp của mình với Đinh sư đệ. May mà mình biết trước.

Thái-thú Nhâm Diên tiếp:

– Thuộc hạ mới trình văn lên Bình-nam đại tướng quân, để làm sao đánh một trận, diệt được hai trang. Do vậy hôm nay Lĩnh-nam công đại nhân mới mang thiết kỵ từ Giao-chỉ vào trợ chiến. Thuộc hạ định kế sách như thế này:

Thứ nhất, Đô-úy Cửu-chân Dương tướng quân chỉ huy đánh Đinh trang.

Thứ nhì, thuộc hạ chỉ huy đánh Đào trang.

Thứ ba, Đô sát Cửu-chân Chu tướng quân chặn đường rút lui của giặc về phía Nhật-nam.

Ngày mai thuộc hạ sẽ đạt thư mời Đào Thế Kiệt, Đinh Đại đến phủ Thái-thú ăn tiệc, rồi tìm cách giữ lại cho đến chiều. Trong khi đó thì sáng sớm Dương Đô-úy cho bao vây Đinh trang: Sư số 1 mặt Đông, Tây, sư số 2 phục ở đèo phía Nam. Sư kỵ thì tấn công vào phía Bắc. Giặc thấy trống mặt Nam tất chạy qua đèo Đôn-dương, sư số 2 dùng cung tên tiêu diệt. Cùng lúc đó thì chính thuộc hạ đánh Đào trang. Sư số 3 bao vây mặt Tây, Nam không cho chúng liên lạc với Đinh trang. Sư số 4 bao vây mặt Đông. Sư kỵ Giao-chỉ tấn công mặt Bắc. Trong lúc thuộc hạ giữ Đào Thế Kiệt, Đinh Đại ở phủ thì các vị bao vây hai trang. Thuộc hạ sẽ ép hai tên Đào, Đinh đầu hàng, giải tán trang của chúng. Nếu chúng biết điều quy phục, thì chúng ta chỉ việc tiến quân vào trong trang cử người thay chúng làm Lạc-hầu. Còn chúng không chịu đầu hàng thì thuộc hạ sẽ đốt pháo lệnh, các vị cho tấn công.

Đô-sát Cửu-chân Chu Khải hỏi:

– Trường hợp chúng đầu hàng thì giải quyết gia đình chúng ra sao?

Nhâm Diên tủm tỉm cười:

– Cho mỗi gia đình một cái thuyền lớn, nội ngày phải ra đảo Nghi-sơn ở. Thuyền tôi đã cho cắt đai, đục lỗ sẵn, khi ra khơi bị sóng đánh chìm ngay.

Nghiêm Sơn không đồng ý:

– Người ta đã đầu hàng, mà còn giết tuyệt như vậy, đâu có đạo nghĩa gì?

Nhâm Diên liếc ngang mắt, không dám hỏi gì.

Nghiêm Sơn nói:

– Nếu họ đầu hàng thì ta vẫn để cho họ làm Lạc-hầu. Được một hào kiệt đầu hàng còn hơn được một trăm tên xu phụ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.