Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 2: Chương 2: Kỷ Tải Dực Trưng-vương




Kỷ tải dực Trưng-vương

Kỷ tải dực Trưng-vương, Tô tặc bình dư long tướng ấn.

Ngũ thôn chiêm thánh đức, Qui trang hóa hậu ngật thần từ.

(Câu đối ở đền thờ Nguyễn Thành-Công).

Nghĩa là:

Bao phen phù vua Trưng, sau khi dẹp tan giặc Tô Định, đeo tướng ấn rỡ ràng.

Năm thôn được nhờ đức lớn, đất Tân-qui hiển hóa, đền thờ cao đẹp linh thiêng.

oOo

Mặt trời ngả bóng về Tây. Ánh nắng vàng úa đổ xuống những ngọn cau dài bên đường. Một đám trẻ con trần truồng, đang tắm ở bờ ao. Chúng chia thành hai toán, dùng tay té nước vào nhau. Có đứa vừa la hét, vừa té. Có đứa lặn xuống dùng tay vốc bùn ném. Chợt một đứa kêu lên:

- Có người đến kìa. Ngừng lại. Dấu cò xuống dưới nước.

Một chiếc xe ngựa đang trên con đường cái quan tiến tới. Đứa khác nói:

- Lại khách đi lễ Bà-vương. Người ngồi trước là sư nữ chúng mày ạ. Người ngồi kế đó là con gái. Cô này mặc áo xanh. À cô ấy đánh xe ngựa. Lại có cả hai đứa trẻ gần bằng tuổi bọn mình nữa. Ồ một đứa con gái. Một đứa con trai.

Đứa khác kêu lớn:

- Mau dấu chim đi. Con gái nó nhìn thấy thì xấu hổ chết.

Bọn bẩy đứa trẻ thụp xuống nước, chỉ còn thò lên cái đầu. Đoàn người đã đến gần. Vị sư nữ vẫy tay, chỉ vào đám trẻ nói với cô gái áo xanh:

- Thanh-Mai! Con lại hỏi thăm bọn trẻ kia xem.

Thiếu nữ áo xanh xuống xe, tiến lại gần bờ ao hỏi vọng xuống:

- Các em ơi! Các em làm ơn cho chị hỏi thăm đường nào !

Một đứa trẻ lên tiếng:

- Thằng Đản. Mày lại trả lời đi.

Đứa trẻ tên Đản bơi gần vào bờ ao ven đừơng. Song nó vẫn ngâm mình dưới nước, ngửa cổ lên, tay chỉ về phía Tây:

- Chị có thấy trái núi vòng như tay ngai kia không. Ở giữa nhô lên một mỏm. Sau mỏm đó là đền thờ.

Thanh-Mai đưa mắt nhìn vị sư nữ:

- Sư phụ. Tại sao bọn trẻ này lại biết chúng ta đi lễ đệ Tam-thánh?

Vị sư ni hỏi:

- Cháu ngoan. Tại sao cháu biết chúng ta đi lễ đền Lệ-hải Bà- vương2. Chúng ta chưa hỏi mà !

Đứa trẻ tên Đản thấy vị sư ni hỏi, vội kính cẩn khoanh tay đứng lên đáp. Nó quên mất mình đang cởi truồng:

- Bạch sư bà. Sắp tới ngày tế Bà-vương. Từ sáng đến giờ có không biết bao nhiêu người hỏi thăm đường. Vì vậy khi đệ tử thấy khách lạ thì đoán là đi lễ đền Bà-vương.

Đứa trẻ ngồi sau sư ni, thấy Đản trần truồng thì bưng mịệng cười.

Một trẻ đứa dưới ao bốc bùn ném lên nói:

- Cười cái gì? Hai đứa chúng mày ỷ có người lớn, thấy bạn tao để cu ra, cho rằng xấu xa chăng?

Cục bùn bay vèo đến gữa mặt đứa con trai. Đợi cho cục bùn sắp tới nơi. Đứa con trai trầm người xuống tránh khỏi. Miệng chửi:

- Đồ mất dạy!

Đứa trẻ ném hụt tức qúa, bốc bùn lên nói:

- Câu mất dạy tao trả lại mày.

Cục bùn lại bay lên, song không trúng đứa trẻ lỡ miệng mà trúng thân cây bên đừơng. Bùn bắn tung tóe vào một chiếc xe ngựa vừa từ sau trờ tới. Đứa trẻ ngồi đánh xe, xổ ra một tràng âm thanh ộp ạp như ếch kêu.

Một trong đứa trẻ dưới ao cười lớn:

- Ê! Lãm! Mày cho nó ăn bùn. Nó là ếch hay sao ấy, nó kêu như con chão chuộc.

Thanh-Mai quay lại bảo đứa bé đi cùng:

- Tự-Mai, em mau xin lỗi đi. Người ta vì thủ lễ với sư phụ mà để lộ thân thể ra, đâu có gì xấu. Thế mà em lại cười, như vậy không xứng đáng đệ tử danh gia.

Đứa trẻ lỡ miệng, tên Tự-Mai vội vàng đến bên bờ ao chắp tay hướng vào thằng Đản:

- Thưa anh, tôi tên Trần Tự-Mai, vì không biết tự chế chỉ tâm thần, nhạo báng anh. Kính mong anh rộng lựơng khoan thứ cho.

Đản chắp tay đáp lại:

- Tôi không dám đâu.

Nói xong cả bọn lên bờ, chui vào bụi cây mặc quần áo. Đản đến trước vị sư ni, kính cẩn chắp tay:

- Đệ tử Tôn Đản, pháp danh Tiểu Nhẫn xin kính cẩn ra mắt sư thái. Đệ tử không dám thỉnh pháp danh sư thái.

Vị sư ni thấy Tôn Đản, hành sự cẩn trọng, nói năng lễ phép, xưng hô đúng như một đệ tử nhà Phật, cũng chắp tay đáp lễ:

- A-Di-Đà Phật! Thì ra cháu cũng là Phật tử đấy. Hèn chi tư cách khác thường. Bần ni pháp danh Tịnh-Huyền. Chẳng hay bổn sư của cháu là ai?

Tôn Đản chưa kịp đáp thì bốp một tiếng, đứa trẻ đánh xe đã tát thằng Lãm một cái. Thằng Lãm bị ngã ngửa xuống đất.

Thằng nhỏ đánh xe, đắc thắng cười:

- Mày lém mùn vào tao. Tao chưa lính tội, thế mà mày còn ngạo tao là ếch nhái. Cho mày cái tát để mày chừa lến gìa.

Đám trẻ bạn với thằng Lãm la hét ầm lên. Thì nhanh như chớp thằng nhỏ đánh xe đạp chân lên ngực thằng Lãm, quát lớn:

- Tất cả lứng im. Đứa nào xông vào, tao lạp vỡ ngực thằng lày liền.

Tự-Mai vọt người lên cao. Chân phải đá vào ngực, chân trái đá vào mặt thằng bé đánh xe. Thằng bé đánh xe vội lùi lại. Nó quát lên một tiếng lớn, trầm người xuống, hai tay bắt chân Tự-Mai. Tự-Mai co chân lại, uốn cong người đáp xuống cạnh thằng Lãm. Thằng bé đánh xe chỉ mặt Tự-Mai:

- Mày thực không biết điều. Tao với mày bị ló ném mùn. Tao lánh ló trả thù cho mày. Tại sao mày lại mênh ló?

Tự-Mai chắp tay từ tạ:

- Xin lỗi. Anh Lãm ném bùn chúng mình chẳng qua vui đùa với nhau, đâu phải trọng tội mà anh đánh anh ấy quá đau như vậy?

Thằng Lãm đã đứng dậy. Nó ngoạc mồm ra chửi:

- Con bà thằng chó Ngô cắn trộm. Có giỏi chơi lại keo khác?

Thằng bé đánh xe không trả lời. Nó vung tay phóng quyền vào mặt Lãm. Nó xuất thủ nhanh qúa, Lãm bị ngã bật về sau. Cả bọn đi trên chiếc xe ngựa cùng cười ồ lên. Lão râu dài ngồi sau xe lên tiếng:

- Thấy thằng Việt cẩu thách đấu với Quách Quì. Ta cứ tưởng nó có bản lĩnh. Nào ngờ chỉ là cái bị thịt.

Tôn Đản đến trước xe hỏi lão râu dài:

- Thưa ông, ông là người Hán. Chúng tôi gọi ông là Hán. Hà cớ gì ông gọi ngừơi Việt chúng tôi là chó?

Quách Quỳ cười:

- Tụi bay là chó thì sư phụ tao gọi là chó. Không lẽ bọn bay là chó mà lão nhân gia lại gọi

là người sao?

Nói dứt câu đó, Quách Quỳ cười khoái trá. Nụ cười chưa dứt thì bốp, bốp. Nó đã bị Tôn Đản tát hai cái. Quách Quì quát lên một tiếng phát quyền phản công. Quyền pháp của Quách Qùi rất vững, tỏ ra được huấn luyện cẩn thận. Còn Tôn Đản dường như chỉ có mấy chiêu. Song chiêu nào đánh ra, y như Quách Quì bị trúng đòn.

Đấu đựơc trên 20 chiêu. Bỗng Quách Quì bị tát hai cái thực mạnh. Mặt nó sưng vù lên.

Lão già râu dài nói với trung niên nam tử ngồi cạnh:

- Thằng bé là ai? Có lẽ nó người vùng này thì phải. Tại sao nó lại biết xử dụng quyền pháp phái Tản-viên? Phái Tản-viên tuy thế lực lớn thực, song đâu có thể đến Cửu-chân?

Tuy lão nói nhỏ, nhưng Thanh-Mai, Tự-Mai đều nghe rõ. Còn vị sư ni thì lơ đãng nhắm mắt lần tràng hạt.

Thình lình Tôn Đản quát lên tiếng lớn, tay nó đánh ra một quyền rất quái dị. Quách Quì bị trúng quyền giữa ngực đến binh một tiếng. Nó loạng choạng lui lại. Trung niên nam tử từ trên xe phóng người xuống, vung tay trái nắm tóc Tôn Đản nhấc bổng lên. Tay phải tát nó một cái thực mạnh. Tôn Đản co hai chân lại, uốn cong người như con tôm, đá vào mặt đối thủ. Trung niên nam tử vội liệng nó vào thân cây gần đấy. Mọi người kêu thét lên, nhắm mắt lại, không dám nhìn cảnh nó bị tan xương nát thịt.

Chỉ thấy bóng xanh thấp thoáng. Thanh-Mai đã di chuyển thân mình, nàng chụp áo Tôn Đản, đặt nó xuống đất. Trung niên nam tử bật thành tiếng kêu:

- Đông-a thân pháp! Cô nương. Chẳng hay cô nương với phái Đông-a có quan hệ gì không? Tại hạ Triệu Huy không dám thỉnh phương danh cô nương.

Thanh-Mai mỉm cười:

- Không dám. Tiểu nữ họ Trần, tên Thanh-Mai. Đa tạ Triệu đại hiệp đã nhẹ tay với thiếu niên này. Tiểu nữ mắt kém, không biết cao danh quý tính của các vị đây thế nào?

Quách Quỳ chỉ lão già râu dài:

- Vị này là sư phụ của tại hạ. Họ Triệu tên Anh.

Nó chỉ vào một trung niên nam tử béo mập:

- Vị này là nhị sư thúc. Họ Ngô tên Tích.

Nó chỉ vào Triệu Huy:

- Còn vị này là tam sư thúc của tại hạ.

Thanh-Mai lớn tiếng:

- Thì ra các vị đây là cao đồ phái Thiếu-lâm, bên Hà-nam, Trung- quốc, có biệt danh Tung-sơn tam kiệt. Thực hân hạnh.

Triệu Huy cười:

- Vừa rồi cô nương xử dụng thân pháp phái Đông-a. Còn Tự-Mai xử dụng võ công phái Đông-a. Không biết cô nương với đại hiệp Trần Tự-An là chỗ thế nào?

Thanh-Mai lễ phép:

- Không dám! Tiểu nữ là con gái của người.

Mặt Triệu Huy tái như gà cắt tiết. Y nhắc bổng Quách Quì, vọt mình lên xe, hướng Thanh-Mai xá một xá:

- Hậu hội hữu kỳ. Tại hạ cam thất lễ.

Rồi y ra roi cho ngựa lên đường. Tôn Đản đến trước Thanh-Mai kính cẩn chắp tay:

- Đa tạ cô nương cứu mạng. Không biết lệnh tôn là người thế nào, mà bọn chệêt nghe đến tên, phải cụp đuôi bỏ chạy.

Đứa con gái ngồi cạnh Thanh-Mai đáp:

- Bố tôi thích giết bọn ác bá. Mấy thằng ác bá này nghe đến tên bố tôi, thì hồn phách bay phơi phới.

Tự-Mai giới thiệu:

- Đây là em út tôi tên Thanh-Nguyên.

Tôn Đản cùng đám trẻ nhìn nhau như hội ý một điều gì. Một đứa chạy ra sau Thanh-Mai, Tự-Mai quan sát. Thanh-Mai hỏi:

- Em thấy chị có gì kỳ lạ không mà ngắm vậy?

Đứa trẻ mập tròn nói:

- Cả vùng này ai cũng sợ Hồng-hương thiếu niên hết. Thế nhưng bọn Hồng-hương đều truyền khẩu rằng:

Thiên-lôi không kinh,

Dám khinh quỷ sứ.

Không dám sinh sự,

Trần-Tự Đông-a,

Nhật-Hồ Hồng-thiết.

Mặt nó nghiêm trọng:

- Bọn Hồng-hương thiếu niên giải thích rằng: chúng không sợ Thiên-lôi, cũng chẳng ngán quỷ sứ. Nhưng chúng không dám sinh sự với những người có tên Trần Tự thuộc phái Đông-a cùng bọn đệ tử của Nhật-Hồ lão nhân của Hồng-thiết giáo. Bọn chúng còn nói, chọc bọn Nhật-Hồ thì bị chết bản thân. Còn đụng vào phái Đông-a với Trần Tự thì bị giết cả nhà, cùng chó, mèo, gà vịt. Em có hỏi chúng ông Trần Tự là người thế nào? Chúng bảo ông là người sừng sỏ nhất nước Việt mình.

Nó cười:

- Nghe chị nói là con ông Trần Tự-An, anh kia là em chị tên Trần Tự-Mai. Cho nên bọn em nhìn đầu chị xem có sừng có sỏ không?

Thanh-Nguyên cười:

- Anh tôi thì không có sừng đâu. Còn chị tôi có sừng dài lắm, đến hai gang tay cơ. Nhưng năm trước bị người ta vặn mất ở Trường-yên rồi.

Nói xong nó với Tự-Mai cười khúc khích.

Thanh-Mai muốn biết người ta đồn đại về gia đình mình. Nàng hỏi tiếp:

- Hồng-hương thiếu niên là gì vậy?

Tôn Đản đáp:

- Họ là Phật-tử thuộc chùa Sơn-tĩnh, đệ tử của Nguyên-Hạnh thiền sư. Mỗi làng, mỗi xã đều có một đội. Họ giúp quan quân canh phòng trộm cướp, kiểm soát quân gian. Dù trộm cướp khét tiếng họ cũng không sợ. Họ đặt ra bài hát trên, tỏ rằng dù Thiên-lôi, quỷ sứ họ cũng dám bắt. Nhưng họ không dại gì đụng vào phái Đông-a với Hồng-thiết giáo.

Vị sư thái hỏi:

- Hồng-thiết giáo vùng này mạnh lắm sao?

Đứa trẻ mập tròn đáp:

- Nguyên hồi Thập-nhị sứ quân, vùng này do hai đại tướng khét tiếng trấn đóng. Một người tên Nguyễn Chí, một người tên Lê Ba. Họ là đệ tử của Nhật-Hồ lão nhân, giáo chủ Hồng-thiết giáo. Hai ông này giết người không gớm tay. Khi vua Đinh dẹp loạn sứ quân, hai ông đó biến mất. Gần đây đức hoàng đế ban chỉ ân xá thiên hạ, Hồng-thiết giáo cũng được ân xá. Giáo chúng dần dần tụ tập lại. Ai đụng chạm với họ thì họ giết chết liền.

Thanh-Mai vuốt tóc Tôn Đản:

- Em họ Tôn phải không? Em đừng nghe họ đồn nhảm. Thân phụ chị chỉ giết những tên ác bá, chứ không hại bất cứ người lương thiện nào? Em học võ với ai vậy? Nhà em ở đâu?

Tôn Đản lễ phép đáp:

- Em học võ với bố em. Em không có nhà. Bố em làm ông từ giữ đền thờ đức ông.

Thanh-Mai đưa mắt hội ý với Tự-Mai rồi bảo Tôn Đản:

- Em dẫn chị đến đền thờ đức ông. Chị muốn lễ đức Ông.

Đản kính cẩn:

- Kính mời sư thái và các vị .

Thằng Lãm hô lên một tiếng:

- Đi!

Bấy giờ đã sang tháng hai, nhưng khí hậu vẫn còn hơi lạnh. Hoa soan trên cành nở tỏa mùi hương thơm ngát. Thôn trang, chỗ nào hoa cũng rực rỡ. Thanh-Mai mơ màng ngắm những bông hoa ngát hương thơm. Bất giác nàng buông tiếng thở dài não nuột. Sư-thái Tịnh-Huyền đi cạnh, khẽ đập vào vai nàng:

- Những gì con được hưởng hôm nay, là tập hợp muôn vàn kiếp trước lại. Những gì con phải chịu kiếp này, là những nghiệp quả từ bao đời đến. Khi nghiệp quả đến, thì phải nhẫn nại chịu đựng. Chứ nghiệp quả đến, mà chống lại, thì sao tiêu trừ được!

Thanh-Mai nói sẽ:

- Đa tạ sư phụ chỉ dạy. Nhưng đệ tử tu đạo chưa lâu, e khó thực hiện được.

Tuy sư phụ đã khuyên, đã giảng giáo lý cao siêu của Phật pháp, nàng đang đi cạnh sư phụ, mà những hình ảnh cũ lại hiện ra. Thanh-Mai xuất thân là con gái yêu của đại hào kiệt Trần Tự-An, chưởng môn phái Đông-a. Phái Đông-a người nhiều, thế lực mạnh. Ông lại là một trong Lĩnh-nam ngũ long, võ công, đạo đức nức tiếng thiên hạ. Năm mười lăm tuổi, thân mẫu nàng qua đời, để lại bốn con thơ. Trên nàng còn một người anh. Tự-Mai là đứa em kế nàng. Thanh-Nguyên là em út. Nàng được bố cưng chiều rất mực. Đại hiệp Trần Tự-An dồn hết tâm tư dạy con về võ học, về lịch sử dân tộc. Cũng như các thiếu nữ khác, tới tuổi mười lăm, mừơi sáu, nàng dệt không biết bao nhiêu mộng mơ. Nàng mơ màng có một tình quân như xưa kia công-chúa Gia-Hưng có người tình là Trấn-nam vương Vương Phúc. Sau đó thành vợ chồng. Hai người đeo kiếm thống lĩnh hạm đội Lĩnh-nam đuổi quân Hán trên biển Nam-hải. Đôi khi nàng lại mơ mộng có người yêu ngang tàng, mà đầy lãng mạn như Đào Hiển-Hiệu.

Năm trước đây, trong dịp Tết, nàng cùng với Tự-Mai xin phép bố cho thăm núi Dục-thúy, núi Hoa-lư cùng kinh đô Trường-yên thời Đinh, thời Lê. Khi qua một vườn trăm hoa đua nở. Nàng dừng ngựa lại, cùng em vào dạo chơi. Thuận tay nàng hái không biết bao nhiêu hoa kết thành vòng, đội lên đầu em, cùng cài lên mái tóc. Nàng còn bẻ một cành đào đầy hoa mang theo. Giữa lúc chị em đang vui đùa thì một thiếu niên xuất hiện, trêu ghẹo. Đối với Thanh-Mai, nàng đã được đạy rằng làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta theo. Nàng chỉ mỉm cười. Không ngờ thanh niên tưởng nàng thuận tình, tỏ ý bờm xơm. Y bị Tự-Mai đánh hai cái tát. Anh ta bỏ đi, một lát, dẫn đến ba người lính, định bắt chị em Thanh-Mai. Thanh-Mai cùng em không chịu để lính bắt. Hai người chống lại. Tuy võ công cao cường, nhưng một là hai chị em dùng tay không đấu với bốn người dùng vũ khí. Hai là chị em nàng không muốn đả thương quan binh. Vì vậy trận đấu kéo dài.

Giữa lúc hai bên đang đấu, thì một thanh-niên trẻ tuổi, dáng người hùng vĩ xuất hiện. Chàng khoanh tay đứng nhìn.

Thanh-Mai bảo em:

- Thôi, chúng ta phá vòng vây mà chạy. Nhớ không được đả thương binh lính của đức vua.

Tự-Mai đánh liền ba chưởng, mấy người lính dãn ra. Hai chị em bỏ chạy. Nhưng Tự-Mai vấp phải viên đá, ngã lăn ra. Binh lính bắt trói lại. Thanh-Mai nói với mấy người lính:

- Các người không được trói em ta. Chúng ta sẵn sàng đến cửa quan.

Mấy người lính định trói Thanh-Mai, thì thanh niên công tử đứng quan sát trận đấu lạnh lùng nói:

- Không được trói người. Đi chỗ khác ngay. Tại sao các người thấy ta hiện diện từ nãy đến giờ mà không chịu ngừng tay?

Mấy người lính thấy thanh niên công-tử nói vậy, thì bỏ chạy. Thanh-niên công tử đến trước Thanh-Mai xá một xá:

- Dường như cô nương cùng chú em đây đang xem hoa thì bị mấy người này phá quấy. Bây giờ họ đã đi rồi. Nếu cô nương muốn thưởng hoa xin cứ tiếp tục.

Thanh-Mai chỉ mấy khóm Thủy-tiên nói:

- Nhà tôi cũng trồng Thủy tiên. Những năm trước, mẹ tôi còn sống, cứ Tết về người gọt Thủy-tiên. Hoa nở đẹp lắm. Từ ngày mẹ tôi qua đời, thì tết đến chúng tôi không được thưởng hoa nữa. Hôm nay qua đây, thấy vườn này nhiều hoa thơm, cỏ lạ. Thủy-tiên ở đây có phần đẹp, lớn hơn Thủy-tiên nhà tôi, nên chị em chúng tôi dừng lại ngắm hoa.

Thanh-niên công tử giọng trầm buồn:

- Thì ra thân mẫu cô nương đã qua đời rồi đấy. Thực đáng buồn. Trong vườn này, tại hạ trồng được hơn trăm chậu Thủy-tiên, nếu cô nương thích, tại hạ xin bán cho.

Mắt Thanh-Mai mở to:

- Thực nhé. Công tử bán cho tôi nhé.

- Vâng, tôi xin chở đến quí trang hầu cô nương.

- Công tử bán bao nhiêu một chậu?

- Tại hạ trồng, chỉ mong có người thưởng thức. Nay gặp cô nương là giới phong lưu, xin kính cẩn dâng lên. Đâu dám nói đến tiền bạc.

Thanh-Mai không dám nhận, trong khi công tử cứ ép. Tự-Mai xen vào:

- Này anh. Chị tôi không giám nhận, thì tôi nhận. Tôi đem về để trong vườn. Hễ mỗi lần chị tôi đi qua, tôi bắt nhắm mắt lại không được ngắm, lấy giấy nhét vào mũi không được ngửi hương thơm.

Thanh-Mai tát nhẹ em một cái. Tự-Mai để cho chị đánh. Nó cười:

- Hơi tý là đánh. Bà chằng tinh!

Thanh niên công tử mỉm cười:

- Dường như cô nương với em từ Thiên-trường tới đây thì phải?

Thanh-Mai mỉm cười, đáp bằng cái gật đầu.

Thanh-niên công tử gọi người nhà, đem xe chở mười khóm Thủy-tiên đủ loại cho Tự-Mai. Từ đấy, cứ mười lăm ngày, người nhà thanh niên công tử lại chở Thủy-tiên đến thay khóm cũ. Sau Thủy-tiên, chàng gửi nào hoa Lan, Hồng, Cúc, Mẫu-đơn, Tường-vi, Dạ-hương, Lưu-ly-thảo, Uất-kim-cương...tùy theo mùa.

Được tám tháng sau, việc đó tới tai thân phụ nàng. Ông gọi hai chị em lên cật vấn chi tiết. Thanh-Mai cứ sự thực trình bày. Người kế mẫu không ngớt cay đắng, chế diễu nàng có hành động lãng mạn. Nghe một vài lần, thân phụ nàng bỏ qua. Nghe đến lần thứ tư, ông đổ quạu:

- Người ta đem hoa dâng cho, thì có gì đáng trách đâu, mà bà cứ lèo nhèo mãi. Tôi muốn từ nay bà không được xen vào truyện của con Thanh.

Bà kế mẫu vốn tính nhỏ mọn, bị chồng cấm, mụ không chịu thôi. Đợi người đem hoa tới, mụ thay chồng viết bức thư chửi thanh niên công tử tàn tệ, rồi trao cho người nhà công tử chuyển giao. Từ đấy hoa không đến nữa...nhưng hình ảnh công tử đã in sâu vào tâm thức nàng.

Đầu năm vừa qua, nàng mượn cớ muốn gần sư phụ học đạo, xin bố cho nàng cùng Tự-Mai, Thanh-Nguyên đi lễ đền các anh hùng dân tộc nhân đầu xuân. Khi đi qua Hoa-lư, nàng cùng hai em viếng vườn hoa năm trước. Thủy-tiên vẫn nở khoe sắc tươi thắm, nhưng không thấy thanh niên công tử đâu. Tự-Mai hiểu tâm sự chị, nó ngâm sẽ:

Nhớ ai dạ những bồi hồi,

Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm.

Bị em trêu, Thanh-Mai bẹo cánh tay nó. Nó kêu lên tiếng ái. Nó chạy lại cây đào năm trước, mà hai chị em hái môt cành, để rồi bị lính vây bắt. Bây giờ là tháng hai, hoa đào đã tàn, kết thành những trái còn nhỏ. Nó chỉ vào gốc cây, bị tước mất vỏ, lộ thân mầu trắng:

- Chị xem kìa! Dường như người ta tước vỏ, viết chữ lên thì phải.

Hai chị em chạy lại xem. Quả nhiên có người đề trên đó một bài thơ, nét mực còn tươi, dễ thường, cách đây không lâu. Tự-Mai đọc:

Khứ niên, kim nhật thử viên trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

Đào hoa y cựu tiếu Xuân phong.

Thanh-Nguyên hỏi:

- Anh Tự-Mai! Thơ chữ Nho à? Họ nói gì vậy?

Tự-Mai nhận ra nét bút của thanh niên công tử năm trước. Nó giảng:

- Bài thơ này của Thôi Hiệu đời Đường. Nguyên đời Đường, thi hào Thôi Hiệu nổi danh khi còn trẻ tuổi. Vào một ngày mùa Xuân. Ông dạo chơi xem hoa nở. Khi qua một trang, trồng toàn hoa đào. Hoa đang độ Xuân, khoe sắc rực rỡ. Ông đến trước cổng trang giật chuông xin nước. Một cô gái nhan sắc diễm lệ ra mở cổng, đem nước cho ông uống. Vừa uống, ông vừa nhìn má cô gái phản chiếu dưới hoa, tươi đẹp ánh mầu hồng. Thế rồi ông bỏ đi, tương tư cô gái suốt một năm. Năm sau ông trở lại, giật chuông xin nước, nhưng người cho nước lại không phải cô gái năm xưa. Buồn rầu, ông đề ở cổng bài thơ này.

Thanh-Nguyên hỏi:

- Ý nghĩa mấy câu thơ ra sao? Em chưa học chữ Nho, chẳng hiểu gì hết.

Tự-Mai giảng cho em, nhưng mục đích trêu chị:

- Nguyên văn Tích niên, kim nhật thử môn trung nghĩa là bằng giờ năm ngoái, cũng ngày này, trong cánh cửa này. Nhưng người đề thơ trên thân đào kia đổi chữ môn là cửa thành chữ viên là vườn. Câu thơ có nghĩa khác đi: ngày rầy, năm trước, trong vườn này. Tạm dịch thành Bằng giờ năm trước, cũng nơi đây.

Nó nhìn Thanh-Mai, nheo mắt một cái rồi tiếp:

- Nhân diện đào hoa tương ánh hồng nghĩa là má hồng trên gương mặt ai cùng phản chiếu với hoa đào. Tạm dịch thành . Rực ánh đào hoa trên má ai. Câu thứ ba Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Nghĩa là năm nay, ta đến nơi này, thì má ai không biết đi mô? Ở tê! Câu cuối, Đào hoa y cựu tiếu Xuân phong nghĩa là Hoa đào năm ngoái còn cười gió Xuân .

Thanh-Nguyên thích quá, nó hỏi tiếp:

- Thế rồi sau Thôi Hộ với cô gái đó có gặp nhau nữa không?

__ Có! Sau khi đề thơ năm ngày, Thôi Hộ nhớ người con gái năm trước, lẩn thẩn đến chỗ đề thơ, thấy trong cổng có tiếng khóc thảm thiết. Thôi Hộ giật chuông. Một ông lão ra hỏi : « Phải cậu là Thôi Hộ không? ». Đáp « Phải ». Ông lão khóc : « Con gái tôi đọc thơ của cậu. Nghĩ rằng cậu không trở lại nữa. Nó nhịn ăn mà chết sáng nay ». Thôi Hộ xin vào điếu. Ông khóc mấy tiếng, cô gái tỉnh dậy. Hai người thành vợ chồng. Sau Thôi Hộ thi đậu tiến sĩ. Một lần được phong Lĩnh-nam tiết độ sứ .

Ghi chú

Trần-trọng-Kim dịch như sau:

Hôm nay, năm ngoái cửa cài,

Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.

Mặt người chẳng biết đâu rồi,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió Xuân.

Thanh-Nguyên reo lên:

- Như vậy ông ấy sang cai trị xứ mình.

Thế ông ấy có tốt không?

- Rất tốt! Vì không vơ vét của dân, thiếu vàng ngọc hối lộ cho các quan trong triều, thành ra chỉ ở được hai năm.

Đến đây nó ngửa mặt lên trời cười:

- Anh xem bói, thấy rằng hồi Xuân năm trước, có người thiếu nữ đẹp như hoa đến đây hái hoa đào, rồi một chàng công tử trông thấy. Chàng say mê nàng, hàng tháng gửi hoa tặng nàng. Rồi năm nay tưởng nhớ người xưa, chàng đến đây mong tìm hình bóng cũ, nhưng không thấy. Chàng mượn thơ Thôi Hộ đề vào thân đào. Nhưng tiếc rằng người đẹp năm xưa lại chẳng chịu nhịn ăn.

Thanh-Mai bị em trêu, nhưng nàng chỉ thở dài.

Mải nghĩ, Thanh-Mai bị vấp vào tảng đá. Nàng giật mình trở về thực tại... đang theo Tôn Đản vào thôn trang.

Bọn trẻ dẫn đường. Tôn Đản đi cạnh Tự-Mai. Hai đứa cao súyt soát bằng nhau. Chúng truyện trò thân mật rất tương đắc. Sau khi rẽ vào con lộ nhỏ, Tôn Đản chỉ ngôi nhà ngói xa xa ẩn hiện dưới những hàng cây xanh mướt:

- Kia là đền thờ đức ông.

Tự-Mai hỏi:

- Đền thờ đức ông nào vậy?

- Đức Ông thời vua Bà.

Thanh-Nguyên bỗng bật lên tiếng kêu aí chà hỏi:

- Anh Đản này! Thời vua Bà có rất nhiều đức ông. Vậy đức Ông này là đức Ông nào?

Tôn Đản đáp:

- Tôi cũng không biết tên ngài là gì. Chỉ nghe bố tôi nói, đức ông tổng trấn thành Mê-linh. Khi vua Bà tuẫn quốc rồi, đức ông đem quân phá vòng vây, định vào Cửu-chân cùng với Đô đại vương. Song quân ít. Thế giặc mạnh, ông vưa đánh vừa chạy. Quân tan, ông bị thương, đến đây thì hóa.

Sư bà Tịnh-Huyền gật đầu:

- Như vậy thì đức ông họ Nguyễn húy Thành-Công.

Thanh Mai á lên một tiếng.

Trời đã mầu tím. Từng đoàn cò trắng từ các nơi bay về đậu trên những khóm tre, nô đùa với nhau. Chúng kêu lên ríu rít, xôn xao. Đoàn người đến trước cổng đền. Đền tọa lạc trên một thửa đất khá rộng. Trước cổng có cái hồ trồng sen. Hoa sen đang giữa mùa Xuân, chỉ có mấy cái lá nhỏ . Trên bờ hồ trồng toàn thông. Gió thổi, thông reo lên thành bản nhạc vi vu liên miên bất tận. Cổng có ba cửa. Cửa giữa lớn. Hai cửa hai bên nhỏ. Chỉ có một cửa nhỏ mở.

Trong ánh sáng mờ ảo của buổi chiều tàn, trên cổng hiện ra 4 chữ lớn:

Tương-liệt đại vương linh từ.

Hai bên cột lớn có đôi câu đối:

Kỷ tải dực Trưng vương, Tô tặc bình dư long tướng ấn,

Ngũ thôn chiêm thánh đức, Qui-trang hóa hậu ngật thần từ.

Thanh-Mai hỏi đám trẻ:

- Thôn này là thôn Tân-qui phải không? Dường như xung quanh đây có tới năm thôn thờ đại vương. Cả năm thôn đều thuộc Tống-sơn. Đền thờ dường như được dựng vào thời Lệ-hải Bà-vương khởi binh, thì phải?

Tôn Đản ngạc nhiên hỏi:

- Chị giỏi thực! Hồi nãy chị còn hỏi thăm đường. Thế mà bây giờ chị đã biết hết mọi truyện. Chị là thầy bói chắc?

Thanh-Mai cười:

- Chị không phải là thầy bói, chị đọc sách mà biết. Truyện đức ông tuẫn quốc có chép trong sách rằng: « Đức ông chạy về đến Tống-sơn thì hóa. Tất cả vùng Tống-sơn đều dựng đền thờ ».

Tôn Đản cười:

- Thì ra chị nhớ những điều ghi trong sách. Còn thực tế thì chưa từng đi qua. Chị từ Thăng-long vào đây, hẳn qua đèo Ngang, Phố-cát. Sau đó qua đò. Qua đò, bên trái đi Nga-sơn. Tại đó có đền thờ Nga-sơn công chúa thời vua Bà rồi mới đến đây. Chỉ cần đi một quãng nữa tới núi Sơn-trang. Ở đó có đền thờ Lệ-hải Bà-vương. Lăng Bà-vương lớn lắm.

Ông từ đã được bọn trẻ báo trước. Ông chạy ra cửa đón khách:

- A-di-đà Phật. Đệ tử thực có duyên, hôm nay mới được đón tiếp sư thái và quí khách. Đa tạ Trần cô nương đã cứu mạng cháu Đản.

Tịnh-Huyền sư thái chắp tay:

- Phúc đức! Hôm nay bần ni cùng các đệ tử được lễ đức ông.

Ông từ đi trước dẫn đường. Từ cổng, vượt qua cái sân gạch khá rộng, đến thềm đền. Thềm có bốn bậc bằng gạch. Qua thềm, ông từ đẩy cửa bước vào trước, rồi mở rộng ra. Cánh cửa bằng gỗ lim dầy nặng. Song ông chỉ đẩy hời hợt, hai cánh từ từ mở lớn.

Đèn nến đốt lên sáng chưng. Rất thành thạo, Đản gióng chuông, thằng Lãm đánh trống. Sư thái Tịnh-Huyền cùng bọn Thanh-Mai, Tự-Mai qùi xuống lễ. Lễ tất. Ông từ kéo màn đỏ trên bàn thờ, lộ ra pho tượng lớn như người thực. Tượng đúc bằng đồng, mặc quần áo lụa, ngang lưng đeo kiếm. Mặt trông rất uy nghiêm. Tự-Mai hỏi ông từ:

- Thưa bác, tượng của đức ông, do ai đúc và đúc từ bao giờ ? Cháu đọc sách thấy nói đức ông được phong Tương-liệt đại vương, giữ chức Đại-tư không, tức là quan văn. Sách cũng nói đức ông tuy võ công cực kỳ cao thâm, song tướng người mảnh khảnh. Còn tượng đức ông đây trông quá uy vũ, e không giống.

Ông từ mỉm cười:

- Tượng này đúc vào thời vua Đinh. Còn hình dạng đức ông thì do truyền thuyết kể lại, rồi theo đó mà đúc.

Thanh-Mai móc trong bọc ra một nén vàng, hai tay cung kính đưa ông từ:

- Sư phụ chúng tôi nhân đi hội đền thờ Lệ-hải bà vương, duyên may qua đây, được lễ đền thờ đức ông. Đức ông xưa kia là đại công thần của vua Bà. Chúng tôi là đệ tử phái Mê-Linh, thì đức ông cũng là một tổ sư của chúng tôi vậy. Xin kính cẩn gửi chút ít làm hương đèn.

Ông từ không e ngại. Hai tay tiếp vàng:

- Trời đã về đêm. Xin sư thái cùng các vị nghỉ tại đây. Mai hãy lên đường. Tôi đã bảo nhà bếp làm cơm chay cúng dàng.

Ông dẫn mọi người xuống nhà ngang, pha trà mời khách. Sư thái Tịnh- Huyền hỏi:

- Hồi chiều, thấy cháu Đản xử dụng võ công Tản-viên. Bọn khách qua đường cũng như chúng tôi đều ngạc nhiên không ít. Vì phái Tản-viên tuy lớn thực, song không có chi phái nào ở trong này. Bây giờ mới biết ông ẩn ở đây để giữ đền đức ông. Xin ông cho biết đại danh.

Ông từ xua tay:

- Chúng tôi có học được mấy cái múa của đức ông để lại. Song không phải là đệ tử phái Tản-viên. Xin sư thái đừng dạy quá lời.

Thanh-Mai lắc đầu:

- Ông từ ơi! Chúng tôi là người học võ công Đại-Việt, nên rất quý trọng những gì liên quan đến thời Lĩnh-Nam. Cứ như thánh tích còn để lại, thì đức ông về đến đây, ngài đã mệt kiệt sức. Khi dân chúng biết, tri hô lên. Đức ông chỉ nói được một câu, rồi qui tiên. Thế thì làm sao đức ông có thể truyền thụ võ nghệ lại?

Mặt ông từ hơi tái đi:

- Không phải như thế đâu. Người về đến đây, ngồi nghỉ một lúc, thì viên tiểu hiệu của người cũng theo kịp. Viên tiểu hiệu đó họ Tôn. Chính là tổ tiên chúng tôi. Tổ tiên chúng tôi theo hầu đức ông lâu ngày, học được mấy cái múa, lưu truyền cho con cháu, không bõ làm trò cười cho sư thái với các vị.

Thanh-Mai biết ông từ nói dối, song mình là khách, không muốn cật vấn. Nàng hỏi Tôn Đản.

- Trong bẩy em ở đây, chị biết tên có em với Lãm. Vậy còn năm em tên gì?

Lãm chỉ tay vào thiếu niên béo tròn trùng trục:

- Thằng này họ Lê tên Thuận-Tông. Ngoại hiệu là Tông mập.

Lại chỉ tay vào ba thiếu niên khác:

- Ba đứa này là anh em ruột. Vì chúng mồ côi nên bác từ đem về nuôi. Chúng nó có tên Mạnh, Trọng, Qúi, chúng họ Tôn cả. Còn thằng cao nghệu kia họ Trần tên Anh. Nhà nó cũng gần đây. Vì chúng em ưa phá, nên trong làng gọi chung là bẩy con qủi.

Trần Anh ít nói, bây giờ mới lên tiếng:

- Chị Thanh-Mai ơi. Chị là người trong võ lâm. Vậy chị có thể kể truyện đức ông cho chúng em nghe được không?

Ông từ cũng nói:

- Phải đấy, nhân có sư thái cùng các cao đồ phái Mê-Linh ở đây. Xin các vị đừng tiếc công dạy dỗ cho bọn trẻ này.

Thanh-Mai đưa mắt nhìn sư thái Tịnh-Huyền. Ý nàng muốn cải chính rằng nàng chỉ thọ giới với sư phụ. Còn võ công, nàng học từ phụ thân. Song sư thái Tịnh-Huyền bảo nàng:

- Con thuật về hành trạng của đức ông cho các em nghe đi.

Thanh-Mai hắng giọng một tiếng,rồi hỏi:

- Có em nào biết truyện vua Bà khởi binh đánh đuổi giặc Hán, lập lại Lĩnh-nam không nào?

Hà Thiện-Lãm nói:

- Ở làng này, ai cũng biết truyện đó cả. Vua Bà nguyên là công chúa trên thượng giới giáng sinh, để cứu dân Việt khỏi bị Hán hóa. Ngài cùng 162 tướng khởi binh. Trong một tháng chiếm lại 65 thành, tái lập Lĩnh-nam. Hết hạn bị lưu đày. Ngọc-Hoàng thượng đế gọi về trời. Ngài cùng em là Trưng Nhị đến sông Hát-giang, thì bay lên thiên cung.

Tôn Mạnh nói:

- Mày kể còn thiếu. Đúng lý ra Ngọc-Hoàng thượng đế cho vua bà cai trị cả Lĩnh-nam lẫn Trung-quốc. Nhưng vì công chúa Phật-Nguyệt đánh trận hồ Động-đình giết quân Hán thây lấp sông Trường-giang, oán khí bốc lên đến trời. Ngọc-Hoàng thượng đế nổi lôi đình truyền phạt dân Lĩnh-nam phải chịu người Hán cai trị trong bẩy trăm năm.

Tôn Trọng tiếp:

- Công chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa đánh trận Tượng-quận, giết quân Hán trên 20 vạn. Xác ngập bến Bồ-lăng. Ngọc-Hoàng thựơng đế phạt vua bà giảm thọ một kỷ. Đúng ra vua Bà sống tới 80 tuổi. Vì vậy chỉ còn 70 tuổi.

Hà Thiện-Lãm hỏi:

- Thế tại sao vua Bà về trời mới có trên 30 tuổi?

Tôn Qúi xì một tiếng:

- Thì đã hết đâu. Sau này công chúa Thánh-Thiên đánh trận Nam-hải, giết quân Hán trên bốn mươi vạn. Thây rải suốt từ Thường-sơn đến Phụng hoàng. Lại còn đại tướng Đào Nhất-Gia dùng hổ, báo, rắn, ong, voi, sói, ưng, khỉ ăn thịt quân Hán hàng mấy vạn. Ngọc-Hoàng thượng đế lại truyền phạt vua Bà giảm thọ hai kỷ nữa, còn có 50 tuổi.

Trần Anh tỏ vẻ hiểu biết hơn:

- Trong trận Lãng-bạc. Công chúa Gia-Hưng đốt quân Hán hơn mười vạn. Oán khí ngất trời. Ngọc-Hòang thượng đế truyền bắt vua Bà về trời tức thì. Còn cái tội giết người nhiều của các tướng Lĩnh-Nam, Ngọc-Hoàng thượng đế truyền dân Việt phải chịu nạn vong quốc bẩy trăm năm.

Nguyên sau khi vua Trưng tuẫn quốc. Dân chúng Lĩnh-Nam chịu không biết bao nhiêu đau khổ do bọn tham quan người Hán gây ra. Vì vậy, họ thường huyền thoại hóa những di tích cũ, hầu dậy con cháu dừng quên tổ tiên. Cho nên những truyện tường thuật ngày càng phong phú, mỗi nơi một khác. Các anh hùng thời vua Trưng hầu hết đi vào huyền-sử. Đám trẻ này được phụ huynh kể cho nghe, rồi chúng tin là thực. Hôm nay nhân có người lạ, chúng thi nhau kể, để tỏ cái hiểu biết của mình.

Thanh-Mai để cho bọn trẻ bầy tỏ hết kiến thức rồi nàng mới chậm chạp kể:

- Đức ông họ Nguyễn húy Thành-Công, xuất thân phái Tản-viên. Ngài là sư thúc của vua Trưng. Niên hiệu Lĩnh-Nam thứ 3 (43 sau TL), tháng chạp, sau khi công chúa Gia-Hưng Trần Quốc đại phá Mã Viện tại hồ Lãng-bạc. Mã Viện đem đại quân định tràn ngập thủ đô Mê-linh. Triều đình thể theo kế họach của Cửu-chân vương Đô Dương, phân tán quân đội, ẩn vào rừng kháng chiến như thời Âu-lạc đánh quân Tần. Vua Trưng cùng triều đình rút về Cẩm-khê. Ngài truyền đức ông ở lại tổng trấn Mê-linh. Ngày mồng 8 tháng 2, vua Trưng cùng triều đình bị bọn Lê Đạo-Sinh phục kích, tuẫn quốc ở Cẩm-khê. Ngày mồng chín, Bắc-bình vương Đào Kỳ, cùng vương phi Nguyễn Phương-Dung đem quân từ Long-biên lên cứu viện, nhưng đã trễ. Ngày mồng 10, Mã Viện đem đại quân vây Mê-linh.

Thanh-Mai ngừng lại. Đám trẻ ngơ ngác hỏi:

- Rồi sao nữa? Đức ông có chạy thoát không?

- Không, đức ông không chạy. Mã đem quân vây đánh suốt 3 tháng không được. Y sai sứ vào thành thuyết đức ông. Mã hứa nếu đức ông hàng, sẽ được giữ nguyên chức tước cũ.

Thằng bé Trần Anh ngồi im từ đầu đền cuối bỗng lên tiếng:

_ Tên Mã Viện thực xảo quyệt. Nó đánh Đông dẹp Bắc cũng chỉ được phong Tân-tức hầu, làm sao nó có thể tâu xin vua Hán phong cho đức ông tước Vương?

Ghi chú

Theo Hậu-hán thư quyển 24 Mã Viện liệt truyện trang 827-867 thì Viện được phong Tân-tức hầu. Song khi Viện tử trận, ấn bị thu, chức tước bị bãi. Đời sau các vua Hán mới thương tình tái truy phong.

Tôn Đản hỏi:

- Thế đức ông có đầu hàng không?

Thanh-Mai hỏi đám trẻ:

- Nếu các em là đức ông. Các em sẽ hành động ra sao? Vì giữ thì không nổi, bởi triều đình bị đánh tan. Còn đánh thì quân ít, lương tuyệt.

Hà Thiện-Lãm vung tay:

- Em chặt đầu sứ gỉa, rồi thủ thành. Một mặt cầu cứu với các nơi khác.

Tôn Đản lắc đầu:

- Không ổn! Đánh như vậy chỉ tổ chết hết quân, mà giặc vẫn lấy được thành. Chi bằng gỉa kế đầu hàng. Một mặt dặn dò binh sĩ chuẩn bị tác chiến. Chờ đêm giặc không phòng bị, bất thần đổ quân ra phá vòng vây vào rừng kháng chiến.

Thanh-Mai lắc đầu:

- Đức ông không làm thế. Các em thử nghĩ xem, còn cách nào nữa không?

Trần Anh nói:

- Em giả đầu hàng. Thế nào Mã Viện cũng đãi tiệc ăn mừng, thình lình bóp cổ cho nó chết.

Thanh-Mai cười:

- Đức ông hành động như em nghĩ. Đức ông hẹn hôm sau sẽ đem quân ra ngoài thành đầu hàng. Mã Viện tưởng thực, tiếp đón đức ông cực kỳ chu đáo. Y tiến quân vào tiếp thu thành trì, kho tàng, sau đó bầy tiệc ăn mừng. Trong tiệc Mã hỏi đức ông kế sách làm thế nào để đánh vùng Cửu-chân. Đức ông ậm ừ một lúc rồi nói:

- Hàng tướng, văn không thông, võ không giỏi, đâu còn giám mở miệng bàn đại kế?

Mã Viện nghĩ được một kế độc. Y định sai đức ông đi tiên phong, đem bản bộ quân mã tiến chiếm Cửu-chân. Đức ông ngần ngại một lúc rồi nhận lời.

Lê Thuận-Tông vỗ đùi một cái suýt xoa:

- Mưu kế hay thực. Thế Mã Viện có bị trúng kế không?

- Bị.

Tôn Mạnh hỏi:

- Mưu kế gi?

Lê Thuận-Tông cười:

- Thế này nhé: Thằng Mã Viện là con cáo già. Nếu Đức-ông tỏ vẻ ta đây giỏi, bầy kế nọ, mưu kia, ắt Mã Viện nghi ngờ. Vì vậy Đức-ông phải làm bộ ra vẻ chán đời. Tuy vậy đã hết đâu. Mã còn sai Đức-ông đem người Việt đánh người Việt. Nếu Đức- ông hoan hỉ đi ngay, hầu thoát nạn, ắt Mã nghi ngờ. Vì thế Đức-ông làm bộ ngần ngại không muốn mình đem người Việt giết người Việt. Mã không nghi ngờ, càng ra sức ép Đức-ông.

Thanh Mai tiếp:

- Đức-ông mật cho chim ưng liên lạc với Đô đại vương, để khỏi bị ngộ nhận. Đô đại vương hẹn rằng: Khi Mã đem quân vào đánh Cửu-chân. Đêm Đô đại vương đem quân cướp trại. Đức-ông mở cổng trại cho quân Cửu-chân vào. Mã Viện để Lê Đạo-Sinh cùng đám đệ tử ở lại vây Long-biên. Y cùng Đức-ông tiến quân. Mặt biển Lưu Long đem chiến thuyền, chở quân đổ bộ lên biển Nghi-sơn, Biện-sơn.

Thanh-Mai ngừng lại. Hà Thiện-Lãm hỏi:

- Rồi sao nữa?

----------------------

Ghi chú :

1) Câu đối trên đây chép ở đền thờ anh hùng Nguyễn Thành-Công. Hiện còn nhiều nơi thờ ngài. Hai nơi quan trọng nhất:

- Quê hương của ngài tại năm thôn Tư-đình, Nha-thôn, Sài-đồng, Trạm-thôn, Ô-cách thuộc xã Gia-thụy. Nay thuộc xã Gia-thụy, Long-biên, huyện Gia- lâm, tỉnh Hà-nội.

- Tại nơi ngài tuẫn quốc thuộc xã Tân-qui, huyện Tống-sơn tỉnh Thanh- hóa.

2) Sử không chép bà Triệu tuẫn quốc hay chết năm nào. Huyền sử kể rằng khi Lữ Đại đem quân vây hãm thành Cửu-chân (Thanh-hóa), bà cùng 300 đệ tử rút lên núi Chung-chinh. Lữ Đại hao binh tổn tướng không biết bao nhiêu mà lên núi không được. Lữ vây hơn năm, lúc lên được núi, thì chỉ thấy doanh trại điêu tàn, người không một bóng.

Sau dân chúng nhớ công đức xây hai ngôi lăng tượng trưng. Một trên núi Chung-chinh. Lăng này bị Trương Phụ phá hủy hồi 1408. Còn lăng ở núi Sơn-trang, nay vẫn còn, cùng với đền thờ. Dân chúng gọi núi này là núi Gai hay núi Tùng, thuộc xã Phú-điền, nay là xã Triệu-lộc huyện Hậu-lộc, tỉnh Thanh-hóa.

Độc giả có thể tham khảo tài liệu viết về bà, các sách viết bằng chữ Hán :

° ĐVSKTT, Ngoại kỷ 4.

° KĐVSTGCM, Tiền biên 3.

° Các tỉnh địa dư chí.

° Ái-châu bi ký.

° Thanh-hóa tỉnh chí.

° ĐNNTC.

° Đối liên thị văn tạp biên.

Ngày hai mươi mốt tháng hai là ngày diễn ra trận đánh cuối cùng của bà với Lữ Đại. Nhân đó dân chúng lấy làm ngày giỗ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.