Anh Là Tất Cả Những Gì Em Ghét Nhất

Chương 19: Chương 19




17.

Lần đầu tiên Tam gia đến Bắc Kinh tìm tôi là lúc vừa bắt đầu kỳ nghỉ hè. Để được gặp mặt anh/em rể của mình, ba người còn lại trong phòng ký túc xá của tôi đã cố tình mua vé xe chậm lại mấy ngày, họ nói muốn ăn một bữa với Tam gia.

Hôm Tam gia tới tôi mặc một chiếc áo phông màu trắng mỏng và quần short tím, chiếc quần đó ngắn đến mức nếu bây giờ tôi mà thấy thì chắc chắn sẽ không mặc, tất nhiên tôi cũng không còn chui vừa vào nó nữa.

Buổi chiều lúc tôi ra đường bầu trời hơi âm u, tôi cẩn thận cầm theo một chiếc ô bảy màu rất rộng. Thực ra trong phòng ký túc còn mấy chiếc ô nữa nhưng một con người mưu mô như tôi đã tưởng tượng ra phong cảnh tuyệt vời khi hai người cùng đi dưới một chiếc ô nên đã từ chối ý tốt của các bạn cùng phòng nhắc tôi mang thêm một chiếc ô nữa.

Đã lâu không gặp nhau nên lúc trông thấy Tam gia ở ga tàu hoả, tôi xấu hổ không biết nên nói gì, hai chúng tôi cứ như người dưng nước lã vậy. Cho đến khi phải bon chen trên tuyến tàu điện ngầm số một, tôi còn chưa bám chắc vào tay vịn thì bất ngờ Tam gia đưa tay ôm ngang eo đỡ tôi đứng vững…

Sau khi chứng kiến các đôi yêu nhau ôm ấp khăng khít không nỡ rời xa trên tàu điện ngầm, không chỉ một lần tôi và lũ bạn cùng phòng nghiêm túc dè bỉu họ sao lại có thể không biết xấu hổ tình tình tứ tứ ở nơi công cộng như vậy. Thế rồi chính vào thời khắc được Tam gia ôm lấy, tôi mới ngộ ra.

“Tồn thiên lý, diệt nhân dục”(1) là không đúng! Có biết cảm giác được một người đàn ông giang tay bảo vệ trong đám đông ngút ngàn an toàn đến mức nào không? Ai còn quan tâm có thấy xấu hổ hay không làm gì?

(1) Nghĩa là: duy trì mặt trật tự của thiên nhiên và tiêu diệt những ham muốn của con người

Suốt quãng đường đó tôi không dám lên tiếng. Thế rồi lúc xuống xe Tam gia bỏ tay ra khỏi người tôi, tôi thấy lưng mình lành lạnh mới biết Tam gia vừa rồi căng thẳng đến mức đổ mồ hôi tay.

Ra khỏi ga tàu điện ngầm, bên ngoài trời mưa như trút nước. Cuối cùng tôi cũng để chiếc ô bảy màu kia phát huy tác dụng của nó, chiếc ô căng rộng trên đầu hai chúng tôi như một cái nấm nhỏ. Tôi còn cố tình xoay chiếc ô sao cho phần màu đỏ ở đối diện mặt mình, như vậy trông sắc mặt tôi sẽ hồng hào hơn chút.

Tam gia ngẩng đầu nhìn qua chiếc ô rồi hỏi tôi một câu rất đột ngột: “Em có biết ở nước ngoài, nếu hai người cùng đứng dưới một chiếc ô bảy màu có ý nghĩa gì không?”

Tôi chán nản lắc đầu, thầm nghĩ làm gì có câu chuyện nào liên quan đến vấn đề này chứ?

Tam gia nghiêm nghị đưa ra đáp án: “Chỉ có người kết hôn rồi mới được làm như vậy.”

Mặt tôi đỏ bừng hoàn toàn không cần dùng tới phần màu đỏ ở đối diện kia, tiếng biện bạch nhỏ như muỗi kêu, “Em không biết.”

Đúng lúc tôi còn đang xấu hổ thì bất ngờ chiếc ô “chỉ có người kết hôn rồi mới được dùng” bị tốc mái, cán ô gãy đôi…

Lúc đó chúng tôi đang đi tìm nhà trọ. Lý do là vì trời mưa nhà trọ đắt hàng như tôm tươi, căn phòng tôi đã chuẩn bị trước đã bị chuyển cho người khác vì trong lúc đi tàu điện ngầm sóng điện thoại yếu nên chủ nhà không liên lạc được với tôi…

Hai chúng tôi chán nản cầm chiếc ô hỏng đi thuê nhà nghỉ bình dân. Lúc đứng trú mưa dưới mái hiên lấy điện thoại ra gọi, Tam gia rút giấy ra lau nước trên mặt cho tôi, tôi thì đang chốt phòng với chủ nhà, bất ngờ Tam gia quay sang hôn một cái lên mặt tôi, ngay vào thời khắc đó, tôi như người mất hồn.

Chủ nhà vẫn đang hỏi tôi bằng giọng phổ thông âm điệu Hồ Bắc: “Người đẹp, em nhớ chưa?”

Tôi ném luôn điện thoại cho Tam gia: “Anh nghe đi, em không nhớ được địa chỉ đâu.”

Tóm lại trong buổi chiều mưa gió hôm ấy, kể từ lúc đón gã ở ga tàu cho đến khi tới được nhà trọ, mặt tôi không giây phút nào bớt đỏ.

18.

Tới nhà nghỉ bình dân, chủ nhà kiêu ngạo chỉ vào hai chiếc giường đơn cách nhau khoảng một mét và nói với chúng tôi: “Cả khu chỉ có nhà anh mới có kiểu phòng tiêu chuẩn này thôi, vừa sạch sẽ vừa rộng rãi.”

Lúc đó chúng tôi còn hay xấu hổ nên thực sự không thể hỏi một câu không biết liêm sỉ kiểu như “Anh ơi, bọn em không cần phòng tiêu chuẩn đâu, có thể đổi sang phòng giường đôi không?”, chỉ biết luôn miệng dạ vâng, sạch sẽ quá rồi trả tiền phòng, tiễn chủ nhà đi.

Nhìn bộ quần áo đã ướt sũng trên người tôi, Tam gia tìm trong va ly đưa tôi một chiếc áo phông của mình, giục tôi đi tắm trước kẻo bị cảm.

Suốt cả ngày hôm đó tôi luôn duy trì tư thế của một con tôm đã bị hấp chín, khom lưng cầm quần áo đi vào nhà vệ sinh tắm rửa. Đến khi đi ra tôi mới phát hiện hai giường đơn trước đó đã bị gã kê sát vào nhau thành một giường đôi.

Hôm ấy chúng tôi cứ chờ trời ngớt mưa mãi để về ký túc rủ các bạn đi ăn nhưng mưa ngày càng nặng hạt. Lũ bạn tôi đói quá không chịu được đã phải ra siêu thị mua quà vặt về ăn. Gần chín giờ tôi hỏi Tam gia: “Em nghĩ mưa không tạnh được đâu, bọn mình đi xuống kiếm cái gì ăn tạm đã.”

Thế là Tam gia lại mở va ly tìm cho tôi một cái quần thể thao của gã, tôi xắn quần lên ba bốn gấu, cũng chẳng thèm xỏ đôi giày thể thao đã sũng nước kia nữa mà xỏ dép lê mượn ô của chủ nhà, đi ra ngoài cùng Tam gia.

Các hàng quán trên đường hầu như đã đóng cửa hết. Chúng tôi tìm được một cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7, mua hết số cơm suất và xiên nướng còn lại ở đó rồi ngồi bên cạnh cửa sổ ngấu nghiến một cách rất mất hình tượng.

Hôm sau xem thời sự mới biết cơn mưa rào tối hôm trước đã gây ra rất nhiều tai nạn giao thông và thương vong về người. Nhưng trong trí nhớ của tôi chỉ có câu chuyện dưới màn mưa mịt mùng, tôi và Tam gia không sợ sấm sét đi kiếm ăn suốt ba con đường, và cả trong thời khắc mưa hắt vào cửa kính làm tầm nhìn trở nên mơ hồ, cái bóng của Tam gia hắt trên cửa đã quay sang hỏi tôi: “Ăn thêm nữa nhé?”

19.

Cơn mưa rào qua đi khiến ngày hôm sau trời trong xanh và nóng như đổ lửa. Tôi và Tam gia quay về phòng ký túc đón lũ bạn ra ngoài, chúng nó đòi đi công viên trò chơi.

Vừa xuống sân ba đứa kia cứ nhìn chằm chằm Tam gia mãi, chẳng khác gì nông dân ra chợ huyện mua trâu vậy. Chắc hẳn một giây nữa thôi chúng nó sẽ định mở miệng Tam gia xem răng lợi thế nào.

Tam gia lùi lại đứng gần tôi theo phản xạ tự nhiên, còn không quên giơ tay bám lấy quai cặp tôi nữa. Có lẽ hành động này đã lọt vào tầm mắt của trưởng phòng nên nó hiểu ý bèn xua hai đứa còn lại đi. Ba đứa đi trước reo hò vui vẻ như vừa trấn lột được tiền, tôi và Tam gia thì chậm chạp lê lết đằng sau.

Tôi hỏi Tam gia: “Anh sợ gì chứ?”

Tam gia trả lời: “Anh sợ không chơi được cùng với nhau.”

Sau đó trong lúc tôi cầm kẹo bông ngồi xổm dưới đất xem bốn người kia hết chơi nhảy ếch lại chơi đến trò quả truỳ khổng lồ, đột nhiên lại có cảm giác mình mới chính là người không chơi được cùng với họ…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.