Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 7: Chương 7: Tử Vì Đẩu Số




Nhà vua quay ra ngoài hỏi một thái giám:

- Hồi chiều ta tuyên chỉ cho người đi thỉnh Tây-Sơn đạo sư. Đạo-sư đã tới chưa?

- Tâu bệ hạ đạo sư tới lâu rồi, nhưng hạ thần thấy bệ hạ bận chính sự nên không dám vào tâu.

Nghe đến Tây-Sơn đạo nhân, Tự-Mai giật mình, tự hỏi:

- Không biết có phải Tây-Sơn lão nhân mà mình đã gặp trên Tản-lĩnh không? Mình cứ chờ xem, lát nữa sẽ biết.

Không phải chờ lâu, Tây-Sơn lão nhân từ ngoài bước vào. Lão chắp tay xá ba xá, chứ không lạy. Nhà vua đối với lão tỏ ra trọng vọng vô cùng. Ông đứng dậy đón lão, rồi mời ngồi xuống chiếc ghế cạnh án thư:

- Nghe đạo sư mới sang Đại-Việt chắc biết nhiều về xứ này, vì vậy trẫm thỉnh đạo sư đến đàm đạo.

Trên mặt Tây-Sơn lão nhân hiện ra vẻ bẽn lẽn:

- Cơ trời thực ảo diệu, bộ máy tạo hoá khéo xếp đặt. Năm nay bốn anh em hạ thần đều gặp hạn xấu. Bắc-Sơn lão nhân đại hạn ngộ Kình, tiểu hạn ngộ Kiếp, Phục. Nam-Sơn lão nhân đại, tiểu trùng phùng tại Hợi ngộ Liêm, Tham.

Nhà vua tính đốt ngón tay:

- Như vậy Bắc-Sơn đạo sư thế nào cũng bị người ta đánh lừa, rồi đến nỗi bị đau đớn thân xác. Còn Nam-Sơn lão nhân không bị thương cũng bị quan sự. À, nhưng Nam-Sơn lão nhân tuổi Bính có Hóa-kị đi với Liêm-trinh thì giải được cái độc Liêm, Tham, chắc chỉ bị thương thôi.

- Bệ hạ thực minh kiến. Còn đại hạn thần ngộ Không, Kình. Tiểu hạn bị Hình chiếu. Thành ra bị thương suýt mất mạng.

Nhà vua đưa mắt nhìn khắp người Tây-Sơn lão nhân:

- Sự thực ra sao? Không lẽ các vị bị người Việt đánh đến bị thương?

- Tâu bệ hạ bọn thần bị lừa, lại được võ lâm Đại-Việt cứu trợ. Họ tiếp đãi anh em thần rất chí tình, thế mới xấu hổ chứ.

Rồi lão thuật lại chi tiết bị Hồng-thiết giáo Tây-vực bắt sứ giả, sửa chiếu chỉ đánh lừa toàn phái Hoa-sơn sang Bắc-biên ra sao. Khi về còn được vua Bà đãi yến, cho uống rượu quý.

Nhà vua nghe xong bật cười:

- Khi vận hạn đến, thì dù minh mẫn như các vị cũng không tránh được. Người Việt cũng rộng lượng đấy chứ. Họ không thù oán, mà còn trợ giúp mình. Thành ra mình mắc nợ họ một món nhân tình lớn. Hôm nay trẫm muốn đạo sư giảng chi tiết về nguồn gốc phái Hoa-sơn cùng sự hình thành khoa Tử-vi cho trẫm nghe lại một lần.

Tây-Sơn lão nhân chắp hai tay vào nhau:

- Phái Hoa-Sơn được thành lập từ năm Thiên-thụ nguyên niên thời Vũ-hậu đời Đường (Canh-Dần, 690), do tổ Trương Hư đạo sư sáng lập. Nguyên tổ là người đọc sách, rồi làm tướng võ. Thấy Vũ hậu chuyên quyền, người có ý định khởi binh. Nhưng vua Duệ-Tông không có chí khí. Vì vậy người cùng một số tướng sĩ bỏ di tu. Sau nhân du ngoạn qua Hoa-sơn, xem cảnh trí hùng vĩ, người mới xây am, dựng đền thờ Tam-thánh, thu đệ tử, lập ra phái Hoa-Sơn.

Nghe Tây-Sơn lão nhân nói, Tự-Mai tỉnh ngộ:

- Hèn chi phái Hoa-Sơn do đạo sĩ cầm đầu, mà lại chủ trương nhập thế. Thì ra nguyên ủy từ ông tổ làm tướng.

- Lúc đầu bản phái chỉ dạy đệ tử về võ công. Trải mấy trăm năm, đến tổ Hy-Di, bản phái thay đổi, dậy đệ tử cả võ công lẫn thiên văn, lịch số. Nổi danh nhất là khoa Tử-vi.

Nhà vua mỉm cười:

- Nhờ khoa Tử-vi, mà bản triều được thành lập. Hồi còn tại thế, tiên đế hằng nhắc đến công ơn của các đạo sư phái Hoa-Sơn, người không tiếc lời xưng tụng. Xin đạo sư cho trẫm nghe về nguồn gốc tổ Hy-Di.

- Vâng, thần xin tâu.

Tây-Sơn lão nhân ngồi ngay ngắn lại:

- Tổ Hy-Di họ Trần, húy Đoàn, sinh trưởng ở phía Nam núi Đại-dữu. Thân phụ của tổ là một nhà Thiên-văn, Lịch-số đương thời. Người sinh vào giờ Tỵ, ngày mười sáu tháng giêng, niên hiệu Cảnh-phúc nguyên niên đời Đường Chiêu-Tông (Nhâm-Tý, 894). Thân mẫu lâm bồn sớm một tháng, nên thời thơ ấu tổ bị bệnh hoạn liên miên. Tuy nhiên tổ rất thông minh, học một biết mười. Trong khi đó gặp phải người anh lêu lổng ham chơi, thường hay đánh đập tiên sinh cực tàn nhẫn.

...Vào năm lên tám, tổ bắt đầu học thiên-văn. Bấy giờ tổ đứng xem phụ-thân quan sát Thiên-hà, để tính nhật thực. Phụ thân phải nhân chia dài hàng mười con số, mà tổ cứ hỏi vặt. Người tìm cách sao cho tổ đừng quấy rầy. Người trao cho tổ máy Trắc-thời-đồ, rồi chỉ lên Thiên-hà:

- Con hãy xem, kia là chòm sao Tử-vi, kia là chòm sao Thiên-phủ. Con hãy đếm xem hai chòm này có bao nhiêu sao?

Thế là tổ ngồi xử dụng Trắc-thời-đồ đếm sao. Thân phụ tổ tưởng rằng ít ra phải mất một giờ tổ mới đếm xong. Không ngờ chỉ mấy khắc sau, tổ chạy vào nói:

- Con đếm hết rồi. Đi sau Tử-vi gồm năm sao. Như vậy chòm Tử-vi có sáu sao. Đi sau Thiên-phủ có bẩy sao, như vậy chòm Thiên-phủ có tám sao.

Từ đấy tổ được phụ thân giảng dạy rất kỹ về khoa Thiên-văn, Lịch số. Năm hai mươi tuổi tổ ngộ đạo làm đệ tử phái Hoa-sơn, bắt đầu học võ công.

Khi thành danh, tổ ngao du khắp thiên hạ, rồi khải ngộ tìm ra khoa Tử-vi.

Nhà vua ngắt lời:

- Trẫm đọc bộ Tử-vi chính nghĩa phần tựa tổ viết rằng: Nhân người học thuyết Âm-dương, Ngũ-hành, Dịch-lý, Hình-tượng, Lịch-số, rồi hợp lại thành khoa Tử-vi.

Nhà vua rót chén sâm thang trao cho Tây-Sơn lão nhân:

- Mời đạo-sư uống cho tinh thần thanh thản.

- Đa tạ bệ hạ.

Tự-Mai không dám thở mạnh, vì nó biết nội công Tây-Sơn lão nhân rất cao thâm, chỉ hấp khí hay gây tiếng động nhỏ lập tức lão khám phá ra liền. Trước khi khởi hành, Khai-Quốc vương dặn nó:

- Đời vua Hùng, quan Lịch-lệnh nhìn Thiên-hà tìm ra phép làm lịch. Sau khi dùng trong hơn ba trăm năm, mỗi năm đều có sửa đổi. Niên hiệu Hồng-bàng thứ năm trăm hai mươi bẩy (Mậu-Thân, 2353 trước Tây-lịch), bấy giờ bên Trung-quốc là niên hiệu thứ năm đời vua Nghiêu; vua Hùng thấy Trung-quốc chưa biết làm lịch, mới sai chép phép làm lịch của người Việt lên lưng một con rùa lớn đem cống. Vua Nghiêu sai quan Thái-sử-lệnh chép lấy, rồi làm ra lịch. Bởi vậy gọi là Qui-lịch. Sau này người Hán nghiên cứu rất rộng về Lich-số. Trong khi đó bên mình chỉ có phái Sài-sơn nghiên cứu khoa này. Gần đây đạo sĩ Trần Đoàn tìm ra khoa Tử-vi, truyền cho Tống Thái-tổ. Học Tử-vi để biết kẻ trung người nịnh, vận số tốt xấu mà mưu đại sự. Nhưng họ dấu diếm, không truyền ra dân gian. Hiện tất cả bí mật đó, họ chép thành sách cất ở Tập-hiền viện. Ta phải tìm cách lấy đem về.

Nhưng từ lúc đột nhập vào đây, giữa rừng sách hàng mấy chục vạn quyển, nó không biết những sách đó để ở chỗ nào. Hơn nữa trong phòng chứa sách không có đèn, làm sao mà tìm. Bây giờ nghe Tây-Sơn lão nhân đàm luận với nhà vua về khoa Tử-vi, nó chỉ hiểu lờ mờ, nhưng đã có chút hy vọng.

Tây-Sơn lão nhân tiếp:

- Sau đó tổ được truyền ngôi chưởng môn.

" Một hôm đang cùng chư đệ tử ngắm Thiên-hà, coi vận số đất nước. Bỗng tổ chỉ lên trời kêu lớn:

- Kìa, quái lạ không kìa.

Đệ tử cùng nhìn theo tay tổ chỉ, thấy sao Tử-vi, Thiên-phủ đi vào địa phận sao Phá-quân và Hóa-kị, mà ánh sáng chiếu xuống Hoa-sơn.

Tổ nói:

- Tử-vi, Thiên-phủ thuộc đế tượng, tức là vua. Tử-vi bao giờ cũng đi trước. Thiên-phủ bao giờ cũng theo sau. Hai ngôi sao này chiếu xuống Hoa-sơn ứng vào anh em một gia đình nào đó, đang gặp thủa tiềm-long. Sau này sẽ làm lên sự nghiệp vẻ vang, vị tới đế-vương. Phá-quân là hao tinh, chủ nghèo đói. Hóa-kị chủ bần hàn, như miệng lưỡi kêu xin. Phá ngộ Kị, ắt nghèo quá phải đi ăn xin. Tử-Phủ ngộ Hao, Kị ứng vào đềm hai vị thiên tử chưa gặp thời, đang lưu lạc hành-khất. Tất cả chiếu xuống Hoa-sơn, chắc ngày mai hai vị thiên tử qua đây ăn mày. Vậy ngày mai, các người theo ta xuống núi cứu giúp người anh hùng đang khốn cùng.

Đệ tử thưa:

- Đệ tử nghĩ, nhân lúc thiên tử chưa gặp thời, ta nên cho người vay nợ. Sau này người thành đại nghiệp, ta đòi, để cứu giúp dân nghèo.

Tổ đồng ý. Hôm sau tổ dẫn chư đệ tử xuống núi, có đoàn người chạy loạn đi qua. Tổ để ý thấy một thiếu phụ gánh hai chiếc thúng, trong mỗi thúng để một đứa trẻ khôi ngô dung quang khác thường. Tổ biết hai trẻ ấy ứng vào sao Tử, Phủ. Tổ hỏi thiếu phụ:

- Này bà ơi. Bà gánh hai vị thiên tử đi đâu vậy?

Thiếu phụ đặt gánh xuống thưa:

- Con tôi đó, vua chúa gì đâu. Chúng đang đói. Từ sáng đến giờ bụng trống không. Tiên sinh bố thí cho chút đồ ăn được không?

Tổ truyền đem cơm chay khoản đãi thiếu phụ cùng hai trẻ. Tổ lại hỏi giờ, ngày, tháng cùng năm sinh của hai trẻ. Tổ bấm số Tử-vi rồi nói với đệ tử:

- Đứa lớn đắc cách Tử, Phủ, Vũ, Tướng, ngộ Tả, Hữu, Khoa, Quyền, Lộc. Ngặt đại hạn đang ngộ Hình, Kị, Kiếp, Không. Số của đứa nhỏ đắc cách Thiên-phủ lâm tuất, ngộ Tả, Hữu, Khoa, Quyền, đại hạn đang gặp Kiếp, Kị. Vì vậy cả hai nghèo đói trong nhất thời mà thôi.

Một đệ tử thưa:

- Sư phụ! Đệ tử nghĩ, hai trẻ là chân mệnh đế vương. Khi đại hạn gặp Khôi, Việt, Xương, Khúc là lúc thành đại nghiệp. Sư phụ nên giúp đỡ, mua lấy cảm tình. Khi thiên tử đắc thời ta nhân đó giúp dân.

Tổ mỉm cười nói với thiếu phụ:

- Bần đạo tính số, biết sau này hai con bà làm vua. Khi lên ngôi vua, tất cả giang sơn vạn dậm đều thuộc về con bà. Vậy bà bán giải núi Hoa-sơn này cho bần đạo, lấy tiền mà tiêu.

Thiếu phụ tưởng tổ điên khùng mới mua núi, nên đồng ý bán ngay. Bởi thiếu phụ không biết chữ, bà xé vạt áo hai con quấn vào đôi đũa, nhét trong ống, coi như văn tự... Tổ trao cho bà mười nén vàng.

Nhà vua bật cười:

- Thiếu phụ đó tức là Chiếu-Huệ thái hậu(1). Còn hai trẻ sau thành đức Thái-tổ, Thái-Tông nhà trẫm. Có phải vậy không?

- Tâu bệ hạ đúng thế.

- Vì vậy sau này suốt một giải Hoa-sơn, triều đình, cũng như quan lại địa phương không được quyền thu thuế. Nhưng không biết từ năm nào?

- Tâu bệ hạ năm Càn-đức nguyên niên (Quý-Hợi, 963), quan trấn thủ vùng Hoa-sơn tâu về triều rằng : Có đạo sĩ tên Trần Đoàn, tự Hi-Di bao dưỡng dân chúng khắp vùng Hoa-sơn không nộp thuế. Đạo sĩ nói rằng Hoa-sơn là đất riêng của ông, đã được thiên-tử bán cho rồi. Đức Thái-Tổ nổi giận, sai bắt tổ giải về triều. Vì tổ có đức, võ công cực cao nên các quan không dám trói, còn cấp lừa cho cỡi về kinh. Trên đường đi, tổ làm bài phú Tử-vi cốt tủy.

Nhà vua gật gật đầu:

- Khi giảng bài phú Tử-vi cốt tủy cho trẫm, Định-vương có nói: Vì bước chân lừa gập ghềnh, nên nhịp điệu bài phú bị ảnh hưởng.

Nhà vua đọc lớn:

"Phượng hàm thư nhi phùng Nhật, Nguyệt,

Tam kỳ lai nhập Tử, Sinh,

Nam tất uy bá quyền danh,

Nữ tất danh đằng xướng vũ.

Mã ngộ Khốc nhi phùng Hình, Quyền, Lộc, ấn tại quan cung,

Võ tất thăng ban đệ nhất, văn hội chuyển đạt Tam-công. (2)

- Người có Thiên-mã, Thiên-khốc thủ mệnh, cung quan có Điếu-khách, Thiên-hình, làm quan võ tới bậc đệ nhất. Cũng mệnh có Mã, Khốc, mà cung quan có Hóa-lộc, Quốc-ấn, làm quan văn tới Tam-công.

Nhà vua gật đầu đọc mấy câu nữa rồi hỏi:

- Cuộc triều hội giữa đức Thái-Tổ với tổ Hi-Di chắc lý thú lắm.

- Vâng. Tổ vào triều kiến. Đức Thái-Tổ hỏi : Đạo sư dù thông thiên, dù võ công cao cũng phải tuân phép nước chứ? Hà cớ phao ngôn rằng mua núi của triều đình?

Tổ tâu:

- Năm nay bần đạo tuổi trên bẩy mươi, đâu dám nói dối bệ hạ? Luật của bệ hạ nói rằng: Đời cha vay nợ, đời con phải trả. Trước đây thái hậu qua Hoa-sơn bán cho bần đạo toàn vùng này. Văn tự thần vẫn giữ.

Tổ trình ống đũa, vạt áo lên. Thái-Tổ truyền đem vào hậu cung hỏi

Chiếu-Huệ thái hậu. Thái-hậu nhớ truyện cũ phán:

- Vị thần tiên ở núi Hoa-sơn đây mà.

Thái hậu kể lại tích xưa. Đức Thái-Tổ và triều thần đều kinh sợ về tài tiên tri của tổ. Truyền lưu tổ sinh lại triều, kính như thầy. Đức Thái-Tổ hỏi về khoa Tử-vi, tổ xuất trong bọc ra bộ Tử-vi chính nghiã dâng lên. Tâu rằng:

- Đây, tất cả tinh nghĩa về khoa Tử-vi. Bần đạo không phải là người đặt ra khoa này. Bần đạo chỉ nhân thấy khoa Dịch-lý, Hình-tượng, Thiên-văn, Lịch-số, Địa-lý đều có uyên nguyên với nhau, mới tước bỏ những phần rườm rà, hợp thành. Với khoa Tử-vi, học tới bậc sơ đẳng, bệ hạ có thể biết kẻ trung, người nịnh, thời nào tốt, khi nào xấu mà mưu đại kế, tránh nhiễu sự. Học tới chỗ uyên thâm, có thể nhân số mạng người thân xấu, dùng loại người nào thì cứu được, cứu bằng cách nào. Thấy kẻ ác, thì dùng người nào, cách nào mới trị được. Còn học tới chỗ uyên nguyên cùng cực, có thể làm đảo lộn thiên hạ, nắm thiên hạ trong tay. Tuy nhiên bần đạo cũng xin dâng bệ hạ một câu: Khi dùng khoa này nên lấy chữ nhân làm gốc, đừng quá ỷ tài, mà đi vào chỗ ác độc tổn âm đức.

Nhà vua cười thích thú:

- Vì vậy từ ngày ấy đến giờ, phái Hoa-sơn được trọng vọng nhất võ lâm Trung-quốc. Phái Hoa-sơn cũng dâng cho triều đình nhiều nhân tài. Trẫm hy vọng kỳ này thiếu niên Hoa-sơn sẽ thành phò mã.

- Đa tạ bệ hạ.

Nhà vua vẫy tay gọi thái giám đang quạt lò sưởi:

- Người vào lấy bộ Tử-vi chính nghĩa cho ta.

Thái giám hỏi:

- Tâu bệ hạ có ba bản khác nhau. Bản Thái-Tổ ngự bút, bản Thái-Tông châu phê và bản Kim-quỹ, không biết bệ hạ muốn lấy bản nào?

- Lấy cả ba bản .

Nhà vua nói với Tây-Sơn lão nhân:

- Bản chính có thủ bút của tổ, đức Thái-Tổ cất vào hộp vàng, gọi là Tử-vi kinh. Người sai quan đại học sĩ chép thành ba bản. Người dùng một bản, ban cho đức Thái-Tông một bản, Tần-vương Đình-Mỹ một bản (3). Người ban chỉ dụ rằng khoa này mỗi đời chỉ có thể truyền cho ba người. Không truyền cho công chúa. Đức Thái-Tổ đọc đến đâu, ghi chú kinh nghiệm sang bên cạnh chính bản, thành bản Thái-Tổ ngự bút. Bản đức Thái-Tông khi học ngự phê bằng bút son, thành bản Thái-Tông châu phê. Đức Thái-Tông sai chép bản Kim-Quỹ thành hai bản. Một ban cho phụ hoàng trẫm, một ban cho Định-vương. Trẫm dùng bản của phụ hoàng. Vì phụ hoàng băng hà khi trẫm còn thơ, nên trẫm phải mò mẫm học lấy. Nay có đạo sư đây, trẫm xin hỏi đạo sư về những chỗ khó hiểu.

Thái-giám trình ra ba cuốn sách khác nhau. Nhà vua cầm lên một quyển đọc, rồi hỏi:

- Thắc mắc của trẫm về cách Tam-hóa liên châu. Theo trong Tử-vi kinh thì : Tam hoá là Khoa, Quyền, Lộc, khi đóng liền ba cung với nhau. Như vậy khi người tuổi Canh thì Khoa đi với Nhật, Quyền đi với Vũ, Khoa đi với Đồng. Vậy hễ tuổi Canh thì đắc cách này sao?

- Tâu bệ hạ không. Gọi là Tam-hóa liên châu khi Khoa, Quyền, Lộc đóng liên tiếp nhau, mà mệnh một hóa, bào một hóa, phụ mẫu một hóa. Như tuổi Canh, bắt buộc phải là Vũ-khúc thủ mệnh. Còn như ba hóa, mà một hóa ở cung mệnh, một hóa ở cung huynh đệ và một hóa ở cung phu-thê thì không phải.

Nhà vua thở phào một cái:

- Vậy mà trước đây trẫm tính một số, gặp Khoa ở phúc, Quyền ở điền, Lộc ở quan, mà cũng tưởng đắc cách Tam-hóa liên châu. Trẫm có một thắc mắc nữa: Trong cùng một giờ, một ngày, một tháng, một năm, có hàng vạn vạn người sinh ra, không lẽ cuộc đời họ cũng giống nhau ư?

- Bệ hạ hỏi thực phải. Điều này có chép trong Tử-vi kinh, nhưng bệ hạ không ngự lãm mà thôi.

Nhà vua cầm cuốn sách lên:

- Trẫm đã đọc kỹ, đọc đến thuộc làu, mà không thấy đoạn ấy. Đạo-sư chỉ cho biết vấn đề này chép ở chương nào.

- Xin bệ hạ mở trang đầu, bài phú Tử-vi cốt tủy, sẽ thấy.

- Quả thực trẫm sơ ý. Khi mở sách, trẫm đọc ngay chương nhất, mà không đọc phần tựa. Thì ra tổ chép ở đó.

Nhà vua trao sách cho Tây-Sơn lão nhân:

- Xin đạo sư chỉ cho.

- Tâu bệ hạ đây.

Nhà vua đọc lớn:

Phú, thọ, quý, vinh, yểu, bần, ai, khổ,

Do ư phúc trạch cát hung.

Thương, tang, hình, khổn, hạnh, lạc, hỉ, hoan,

Thị tại vận hành hung cát.

À, hai câu này trẫm có đọc qua, mà không hiểu rõ cho lắm.

- Không phải mình bệ hạ, mà hầu như những đệ tử Hoa-sơn đời sau, khi xem số đều chỉ chú ý đến những cung Mệnh, Tài, Quan cùng vận hạn. Ít người chú ý đến cung Phúc cũng như cung Tật-ách. Cái chìa khóa khoa Tử-vi là câu này.

- Trẫm chờ đạo-sư chỉ dạy.

- Tâu bệ hạ, cung Phúc rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến ba cung Phu-thê, Tài-bạch, Thiên-di là lẽ đương nhiên. Nó gần như khống chế toàn cuộc đời về: Giầu-nghèo, thọ-yểu, sang-hèn, vinh-nhục, sầu-thảm và khổ-cực. Tùy theo cung Phúc tốt hay xấu mà biết đương số giầu hay nghèo, sống lâu hay chết yểu; sang hay hèn, sang cũng có nghĩa làm quan lớn, có danh tiếng hay không? Tức có vinh không? Rồi cuộc đời bi-ai hay toại chí đắc thế?

- Không ngờ cung phúc quan trọng như vậy. Nhưng trẫm vẫn chưa hiểu rõ hơn về những người sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm.

- Tâu bệ hạ, cung Phúc bao gồm nhiều yếu tố cuộc đời. Mà cung Phúc lại ứng vào với ngôi mộ mà đương số được hưởng phúc.

- Trẫm vẫn chưa hiểu. Xin đạo-sư lấy một vài lá số làm tỷ dụ.

- Vâng, thần xin lấy số của Chiêu-văn quan đại học sĩ Vương Tăng cùng với số của Kinh-lược sứ Quảng-Tây lộ Vương Duy-Chính. Cả hai cùng sinh vào giờ Tỵ, ngày hai mươi tháng sáu năm Bính-Tý. Thế nhưng cuộc đời hai vị hoàn toàn khác nhau về chi tiết, nhưng đại thể thì giống nhau.

- Ừ nhỉ, khi bổ nhiệm hai người, trẫm đều xem qua số trước, nhưng trẫm sơ tâm không chú ý đến hai người cùng một số. Cả hai người cùng đắc cách Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương. Mệnh lập tại Dần. Đồng, Lương thủ mệnh, thêm Mã, Lộc, Tang, Hình, Tam-thai. Đồng, Lương là cách làm quan, nhưng đắc cách cực tốt Lộc, Mã giao trì. Tử-vi kinh nói Lộc, Mã giao trì, kinh nhân giáp đệ. Nên hai người tuy thi hai khóa khác nhau, mà cùng đỗ cao cả. Thời thơ ấu của Tăng thì yên ổn, nhung lụa. Còn thời thơ ấu của Chính thì khổ cực đến phải đi làm nô bộc. Cả hai cùng bị người anh ngu si, dốt nát, lêu lổng ghen tỵ, đánh đập. Cả hai năm trước đây vợ đều chết. Tăng tục huyền với con nhà danh gia. Chính tục huyền với con nhà bần hàn. Tăng làm quan tại triều, Chính trấn ngự Nam-thùy.

- Thần xin giải cái khác nhau đó. Cả hai vị cung Phúc-đức do Thái-dương thủ, ngộ Triệt, gặp Kiếp, Đà. Thái-dương chỉ vào ngôi mộ ông nội. Ngôi mộ ông nội của Tăng để vào đầu mỏm núi, hướng ra vòm sông, cảnh trí rất dẹp, giống như ngồi trong cái nghiên bút. Thế đất đó trong khoa Địa-lý gọi là Bút mặc, văn giai. Còn mộ ông nội Chính để vào khu ruộng trũng, phía trước có cồn dâu, trên cồn có tượng thờ hổ đá. Thế đất đó gọi là Bạch-hổ tọa trấn. Vì vậy Tăng thi đậu sớm, làm quan tại triều, chức tới tể thần, ngoài ra còn lĩnh Khu-mật-viện sứ. Còn Chính thi đậu trễ hơn mấy năm, gốc là quan văn, sang làm quan võ, hay Tử-vi kinh gọi là Xuất võ do văn .

Tự-Mai nghe hai người bàn về khoa Tử-vi tuy nó hiểu lỗ mỗ, nhưng trong lòng nảy ra mối lo lắng:

- Làm vua cũng như thống lĩnh môn phái, bang hội, luôn gặp khó khăn là khó biết lòng người, khó biết người, cũng như vận so mà mưu đại sự. Triều Tống có khoa Tử-vi lợi hại thế này, làm sao mình địch lại? Anh cả bảo ta ăn trộm bộ sách này, thực có lý. Được, hôm nay ta vì nước mà ăn trộm. Sau chết xuống âm phủ, Diêm-vương hỏi ta tại sao trộm cắp. Ta đành chịu tội. Dù quỷ sứ có bỏ ta vào vạc dầu ta cũng cam tâm.

Tây-Sơn lão nhân tiếp:

- Cả hai người, đều đắc cách Mã đầu đới kiếm, trấn ngự biên cương đến hai lần. Vì vậy Chính lĩnh kinh lược sứ Quảng-Tây, trấn Nam-thùy. Còn Tăng tuy ở triều, nhưng trong Khu-mật viện, y lĩnh trọng trách Nam-phòng cũng giống như trấn ngự biên cương.

- Trẫm tưởng chỉ một lần thôi chứ. Hai người cùng có cách Kình-dương cư quan tại Ngọ, là Mã đầu đới kiếm.

- Tâu bệ hạ, Thiên-hình, Thiên-mã thủ mệnh tại Dần cũng là cách Mã-đầu đới kiếm. Nhưng vì ngôi mộ ông nội của Tăng thiên về văn, nên tiến trình của Tăng văn nhiều hơn võ. Còn ngôi mộ ông nội Chính thiên về võ nhiều hơn văn, nên ngôi sao võ có dịp nổi dậy.

Lão nhân ngừng lại một lúc, rồi tiếp:

- Hồi thơ ấu, đức Thái-Tổ có người bạn tên Chu Năng. Hai người cùng số Tử-Vi. Cung Phúc-đức có Tham-lang tại Tuất. Ngôi mộ ứng với Tham-lang của đức Thái-Tổ kết phát nên người lập được nghiệp rồng. Còn ngôi mộ ứng với cung Phúc của Chu Năng ở vào chỗ cùng cực xấu, nên Chu cũng sáng nghiệp bằng cách qui dân lập được mấy ấp, được tôn làm hương trưởng, rồi sau khi chết được tôn làm thần Thành-hoàng. Đó bàn về phúc. Cung Phúc-đức bao gồm phần phúc và đức. Hai người cùng một số, nhưng tổ-tiên, ông-bà, bố-mẹ, và bản-thân xây dựng cái thiện-đức, thì đương số được hưởng phú, thọ, quý, vinh nhiều hơn. Phần yểu, bần, ai, khổ giảm. Còn như tiền nhân gây nhiều ác-đức, thì phú, thọ, quý, vinh giảm; mà yểu, bần, ai, khổ tăng.

Nhà vua hiểu ra:

- Như vậy những người cùng số, có cuộc đời hao hao giống nhau. Nhưng tùy theo ngôi mộ ứng với cung Phúc-đức táng ở thế đất kết hay bại, mà phú, thọ, quý, vinh, yểu, bần, ai, khổ khác nhau. Bây giờ tới vấn đề khác. Như số những người chết một lúc như chiến-tranh, đắm thuyền. Không lẽ số những người đó đều đến ngày ly thế cả hay sao?

- Tâu bệ hạ, trong Tử-vi kinh có nói rồi. Thần xin đọc:

Vận con phải thua vận cha.

Vận người không bằng vận nhà.

Vận nhà không bằng vận làng.

Vận làng không bằng vận châu.

Vận châu không bằng vận nước.

Vận nước không bằng vận thiên hạ.

Nhà vua suýt xoa:

- Trẫm hiểu rồi! Trước đây trẫm đọc đoạn này chỉ hiểu lờ mờ. Bây giờ nhờ đạo sư nhắc, trẫm mới vỡ lẽ. Trẫm thử kiến giải xem có chỗ nào sai, đạo sư minh cho. Như hai trẻ cùng số, nhưng thời thơ ấu sống với cha mẹ. Nếu cha mẹ giầu sang, thì dù số nó xấu, vẫn được ấm no. Còn như cha mẹ nghèo khó, thì dù số nó tốt, vẫn bị cơ cực. Đó là vận con phải thua vận cha.

- Bệ hạ kiến giải thực minh mẫn. Rộng hơn chút nữa, một người ở trong làng, dù số tốt hay xấu cũng phải chịu chung số phận của cả làng. Tỷ như hai người cùng số giầu. Một người sống trong làng giầu, thì của cải súc tích. Còn người sống trong làng khó, thì chỉ giầu so với người trong làng, nghĩa là kha khá vậy thôi.

- Trẫm hiểu rồi, khi người ta đi cùng thuyền, giống như ở trong cùng làng. Nếu hơn phân nửa người trong thuyền tận số, thì thuyền đắm. Số còn lại bị chết oan theo. Như vận một châu không có người chết, nhưng vận nước có binh ách, châu cũng chịu chung, ắt có nhiều người chết.

- Không biết bệ hạ đã gặp một số nào giống số của bệ hạ chưa?

- Năm trước đây, trẫm tiếp sĩ tử trúng tuyển kỳ thi, gặp một tiến sĩ tên Chu Hội. Y sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm với trẫm. Tại sao trẫm làm vua, đã mười năm, mà nay y mới đậu tiến-sĩ?

- Số của Chu ra sao?

- Y sinh tuổi Canh-Tuất, tháng bẩy, ngày sáu, giờ Dần.

- Như vậy là cuộc đời Chu đúng với lá số đấy chứ. Mệnh y lập tại Ngọ. Thiên-lương thủ mệnh. Cung quan Thiên-đồng gặp Hóa-lộc, cung tài Thiên-cơ gặp Hóa-quyền. Cung phúc có Văn-xương ngộ Hóa-khoa. Năm trước, mười bẩy tuổi, đại tiểu trùng phùng ở cung Thân ngộ Lộc-tồn, Văn-xương, Hóa-khoa. Trong khi mệnh y hưởng cách Tọa-qúy hướng-quý tức Thiên-việt ở mệnh, Thiên-khôi ở tài. Chu đậu đại khoa là phải.

- Tại sao năm ngoái, trẫm không có gì tốt cả?

- Bệ hạ sinh cùng ngày, tháng, năm với y, nhưng không cùng giờ. Bệ hạ sinh giờ Ngọ. Bệ hạ đâu có sinh giờ Dần?

- Rõ ràng lúc trẫm sinh ra, Thái-quốc phu nhân đỡ đẻ, đã ghi như vậy mà. Đạo sư có nhớ lầm không? Em trẫm, do Lý phi cũng sinh cùng ngày, tháng, năm với trẫm mới giờ Ngọ. Sau một ngày, em trẫm qua đời.

Tây-Sơn lão nhân lột mũ bỏ xuống đất, vái ba vái:

- Ngày hôm nay bần đạo muôn thác, tâu rằng bệ hạ sinh giờ Ngọ, để sau này... bệ hạ không bắt tội bần đạo.

Ghi chú

(1) Mẹ của Tống Thái-Tổ, Thái-Tông họ Đỗ. Khi con lên làm vua, phong cho bà làm Chiếu-Huệ thái hậu.

(2)Câu trên trong Triệu-thị minh thuyết Tử-vi kinh chú như sau:

- Đàn ông mệnh tại cung Thìn gặp Thái-dương thủ mệnh, đàn bà mệnh tại cung Tuất gặp Thái-âm thủ mệnh; được Khoa, Quyễn, Lộc củng, thêm sao Tử, cùng Trường-sinh. Nam quyền tới bá. Nữ nổi danh về ca, vũ.

(3) Tống-sử, quyển 242, Hậu-phi liệt truyện trang 8606 chép rằng: Chiếu-Huệ thái hậu lúc sắp băng gọi Tống Thái-Tổ đến bên giường bệnh. Bà hỏi:

- Con có biết tại sao Chu Thế-Tông băng, mà sự nghiệp lại vào tay con không?

Đáp:

- Vì con giữ chức Điểm-kiểm triều Chu.

Thái hậu lắc đầu:

- Không phải.

Nhà vua không sao trả lời được. Thái hậu cật vấn qúa, nhà vua đáp:

- Do tổ khảo trải đến thái hậu tích đức để lại.

Thái hậu lắc đầu:

- Vì con của Thế-Tông còn thơ ấu. Nếu bấy giờ họ Sài có ông vua lớn tuổi, liệu ngôi vua có đến con không. Vậy con đừng đi vào vết cũ nữa. Khi thấy mình già yếu, nên truyền ngôi cho em con là Quang-Nghĩa. Quang-Nghĩa già, truyền ngôi cho em thứ ba là Đình-Mỹ. Đình-Mỹ già, truyền ngôi cho con trưởng của con.

Sau này Tống Thái-Tổ truyền ngôi cho em là Triệu Khuông-Nghĩa tức Tống Thái-Tông. Thái-Tông không muốn truyền ngôi cho em là Tần vương Đình-Mỹ. Đình-Mỹ tài kiêm văn võ, lại có nhiều công lao chinh chiến. Nhưng sau Thái-Tông nghe lời xui khiến của Tể-tướng Triệu Tấn rằng nên truyền ngôi cho con. Ông mật sai các quan vu cho Đình-Mỹ tội phản nghịch, cách hết chức tước, đầy đi xa, rồi cho người ám toán. Khi về già ông lập con đầu lòng làm Thái-tử tước phong Sở-vương. Sở-vương bị ám toán hóa điên. Ông lập con thứ nhì làm Chiêu-Thành thái tử. Chỉ ít lâu sau, Chiêu-Thành bị ám toán chết. Ông định lập Nguyên-Nghiễm lên thay. Nguyên-Nghiễm thấy vua cha trái lời bà, trái lời bác, nên từ chối. Thái-Tông phải lập con thứ ba làm thái tử, truyền ngôi cho, tức vua Chân-Tông. Vua Chân-Tông đức còn kém hơn nữa, truyền ngôi cho Nhân-Tông (Thiên-Thánh) mới có mười ba tuổi, và để cho vợ là Lưu hậu cầm quyền.

Nhà vua ngơ ngơ ngác ngác nhìn Tây-Sơn lão nhân, rồi nhớ lại dĩ vãng, cùng những lời úp úp mở mở của Định-vương Nguyên-Nghiễm, của Lý thần-phi, của Yến Thù. Nhất là gần đây vương với thái hậu chống đối nhau kịch liệt. Vương tổ chức hệ thống bảo vệ nhà vua cực kỳ chu đáo. Trong khi thái hậu lại xử dụng cao thủ khống chế quần thần. Nhà vua tự hỏi:

- Tại sao ông chú lại lo bảo vệ mình, mà mẹ mình lại bỏ lơ ? Bây giờ đến Tây-Sơn đạo nhân cũng úp mở nói về bí mật đó. Hình như thân phận mình có điều gì không minh bạch. Mình làm tới Hoàng-đế, uy quyền nhất Thiên-hạ mà không tìm ra được, thì còn ngồi trên ngai vàng được không?

Nhà vua thở dài:

- Thôi được, coi như trẫm sinh giờ Ngọ, vậy số của trẫm có gì đặc biệt?

- Như lá số của bệ hạ. Bệ hạ tuổi Canh-Tuất, tháng bẩy, ngày sáu, giờ Ngọ. Bệ hạ đắc cách Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương. Mệnh lập tại Dần, Thiên-đồng, Thiên-lương thủ mệnh.

- Trước đây trẫm tưởng số đó của hoàng đệ. Trẫm tính thử, y không thể nào chết yểu. Hơn nữa y đắc cách Tam-hóa liên châu. Bây giờ mới biết không phải. Nếu như trẫm sinh giờ Tỵ, mệnh lập tại Mão, Vũ-khúc, Hóa-quyền thủ mệnh mới được hưởng cách đó.

- Vâng, Lộc ở Phụ-mẫu, Quyền ở mệnh, Khoa ở Huynh-đệ, như vậy mới là một trong cách Tam-hóa liên châu. Bây giờ trở lại số của bệ hạ. Cung Phúc của bệ hạ cực tốt vì Thái-dương thủ tại Thìn. Tử-vi kinh gọi là Nhật xuất Thiên-môn. Như vậy bệ hạ bẩm sinh do ngôi mộ của tam đại. Tam đại tức đức Thái-Tông. Suốt cuộc đời bệ hạ: Phú, thọ, quý, vinh, yểu, bần, ai, khổ do ngôi mộ đức Thái-Tông kết phát hay không. Có điều Thiên-hình, Hóa-quyền, đóng với Vũ-khúc, Thất-sát ở phụ mẫu, phải xa cách một trong hai thân.

- Chắc vì vậy thái hậu mới đem trẫm giao cho Dương Thục-phi nuôi.

- Tâu bệ hạ, Vũ, Sát, Hình không ứng với việc giao bệ hạ cho Dương Thục-phi nuôi.

Nhà vua cau mặt lại:

- Dường như đạo sư dấu trẫm một điều gì thì phải.

- Tâu bệ hạ không phải bần đạo dấu, mà không thể nói ra. Bệ hạ là cháu, là đệ tử của Định-vương, bệ hạ cứ hỏi Định-vương thì rõ điều bí mật này. Bần đạo chỉ thỉnh cầu: Bệ hạ không thể, và không nên hỏi thái hậu, e người nổi lôi đình.

- Thôi được, trẫm sẽ hỏi Định-vương. Bây giờ đạo sư tính xem vận số năm tới của trẫm ra sao.

- Năm nay là năm Đinh-Mão. Đại vận của bệ hạ đóng ở cung Thìn ngộ Thái-dương miếu địa. Thái-dương lại được Tả, Hữu, Xương, Khúc, Hóa-lộc phò trợ, như vậy là cực tốt. Tiểu vận đóng ở cung Dậu ngộ Thiên-phủ, Kình-dương hãm. Phủ ngộ Kình, e có tiểu nhân hại. Nhưng mệnh bệ hạ có Đồng là phúc tinh, Lương là ấm tinh, lại thêm Khoa thuộc đệ nhất giải thần, vì vậy vẫn vô sự. Lại có Thiên-hình, Hóa-quyền từ Mão chiếu sang. Hình chiếu thì xấu. Nhưng Hình đắc địa ngộ Quyền chủ chiến thắng. Như vậy trong cái tốt có cái xấu. Tốt, bệ hạ mưu đại sự gì dù khó đến đâu cũng thành công. Xấu vì có truyện bất hòa giữa mẫu tử. Một tin vui nhỏ: Cung Mão có Đào-hoa chiếu, bệ hạ ắt có duyên tình kỳ lạ. Tất cả bằng ấy biến cố sẽ xẩy ra nay mai.

Lão tính đốt ngón tay rồi tiếp:

- Năm tới đại hạn ở Thìn. Tiểu hạn ở Tuất, ngộ Tả, Hữu, Xương, Khúc, Lộc trong cách Âm-Dương Thìn, Tuất cực tốt. Nhưng tuổi Thìn, Tuất tối kị hạn tới cung Thìn, Tuất đối nhau. Vì vậy tuy cực tốt, mà cũng bị giảm đi một chút. Thần kính mong bệ hạ nguyện đắc như sở cầu.

Nhà vua nhìn Tây-Sơn lão nhân:

- Như vậy ngày sinh của trẫm lại chính là ngày sinh hoàng đệ. Trẫm sẽ tìm cho ra điều bí ẩn về thân thế.

Trầm tư suy nghĩ một lúc, nhà vua tiếp:

- Bây giờ trẫm có thắc mắc nữa, theo lịch số thì mặt trời từ Đông di chuyển dần sang phía Tây, cứ mười hai giờ là một ngày. Như lúc rạng Đông ở Thái-hồ (4) giờ Thìn thì ở Biện-kinh giữa giờ Mão, trong khi ở Hàm-dương mới giờ Dần, ở Tây-vực lại giờ Sửu. Vậy nếu một người sinh tại Tây-vực vào giờ Sửu, khi lấy số để nguyên giờ Sửu hay đổi lại thành giờ Thìn, giờ Mão? (5)

- Sinh ở đâu, lấy giờ theo đó.

- Xin đạo sư giải rõ nguyên lý?

- Khoa Tử-vi đặt cơ sở trên Thiên-văn, căn cứ vào sự vận chuyển tinh tú trên thiên-hà. Khi sinh ở đâu, thì chịu ảnh hưởng bởi tinh tú. Lúc ra đời, sao này sáng, sao kia tối tức là cái sáng tối ở nơi mình ra đời. Tỷ như số của Chu Hội. Chu sinh tại Thường-sơn vào giờ Dần. Nếu đổi ra giờ Hoa-sơn thì y sinh giờ Sửu. Nào, xin bệ hạ hãy tính số của Chu, nếu theo giờ Hoa-sơn xem nào?

Nhà vua tính đốt ngón tay khoảng một khắc rồi nói:

- Nếu quy về giờ Hoa-sơn, tức giờ Sửu thì mệnh y lập tại Mùi, Liêm-trinh, Thất-sát thủ mệnh, thêm Kình-dương.

- Bệ hạ thấy hai số khác nhau chưa? Đúng số, y là người ôn nhu, văn nhã, bút mặc công danh, suốt cuộc đời tài lộc phi tiễn. Còn quy về giờ Hoa-sơn, y trở thành một tên thợ rèn tàn tật, thô lỗ cộc cằn.

Nhà vua chỉ bút, nghiên, cùng giấy:

- Xin đạo-sư chấm dùm trẫm một lá số. Nhất là định rõ vận hạn sắp tới của đương số, vì đây là điều chính yếu của vận mệnh xã tắc: Nam mệnh tuổi Giáp-Tuất, tháng hai, ngày 12, giờ Dậu.

Tây-Sơn lão nhân lấy tờ giấy, tính đốt ngón tay rồi viết liên tiếp một lúc. Mỗi khi lão viết xong một chữ, nhà vua lại gật đầu. Một lát sau, lão cầm tờ giấy lên, rồi nói:

- Chà số tốt đấy. Bần đạo e đương số không phải người Tống, mà là người ngoại quốc.

- Tại sao đạo sư biết?

Tự-Mai nghe nhà vua hỏi câu đó, nó nghĩ thầm:

- Lão Tây-Sơn đoán đúng rồi. Nếu sai, nhà vua sẽ hỏi : Với lý do nào đạo sư lại cho rằng y không phải người Tống. Nay nhà vua hỏi : Tại sao đạo sư biết đương nhiên công nhận lão đoán trúng.

- Bởi đây là một kỳ nhân, xuất thân bần hàn, rồi lập thành sự nghiệp đế vương. Mà Trung-quốc chỉ có bản triều. Vị đế vương này ắt hẳn thuộc nước khác.

- Đúng thế.

Nhà vua tính đốt ngón tay nói:

- Trẫm đã tính số của y: Mệnh y lập tại Thân, Liêm-trinh, Hoá-lộc thủ mệnh. Tài Tử-vi, Thiên-tướng tại Thìn. Quan Thiên-phủ, Vũ-khúc, Hoá-khoa tại Tý. Lộc-tồn cư Thiên-di. Phá-quân, Hóa-quyền cư Phúc-đức. Nhưng giải không ra.

- Tâu bệ hạ, Liêm-trinh chủ nghèo khó. Vì vậy đương số xuất thân trong gia đình bần hàn. Đúng ra Liêm ngộ Hóa-lộc cũng không đến nỗi khổ cho lắm. Nhưng Liêm, Lộc lại bị Tuần, Triệt phá mất. Đương số bị cả Tuần lẫn Triệt đương đầu. Tử-vi kinh nói: Tuần, Triệt đương đầu, thiếu niên tân khổ . Kết hợp Liêm thủ mệnh, thêm Tuần, Triệt đương đầu, vì vậy hồi niên thiếu trải qua thời kỳ cực khổ, đến nỗi phải đi làm đầy tớ cho người.

- Ừ, có thế chứ, vậy mà trẫm nhìn không ra.

- Cung Phúc-đức có Phá-quân, Hóa-quyền thủ mệnh, lại thêm Thiên-hình đắc địa. Phá-quân thuộc võ cách, thêm Hình, Quyền thì sẽ khởi đầu bằng võ nghiệp. Cung quan cực tốt: Thiên-phủ thuộc đế tượng. Vũ-khúc thuộc võ cách. Hóa-khoa phù cho Phủ-Vũ công danh lên cao đến tột đỉnh thiên hạ, vị tới đế vương. Cho nên người này lúc đầu làm quan võ, rồi được tôn lên làm vua, giống như đức Thái-Tổ nhà ta.

- Thế người này có được bầy tôi trung thành chăng?

- Tâu cung nô có Nhật, Nguyệt thủ tại Sửu. Phù trợ có Xương, Khúc, Khôi, Việt. Cả bốn sao này chủ học hành, khoa cử. Vậy người này được sư phụ, cùng bạn hữu dạy dỗ, rồi phù trợ mà thành nghiệp lớn. Tuy nhiên cung nô còn có Hóa-kị. Hóa-kị tuy xấu, nhưng gặp Nhật, Nguyệt rất tốt. Mệnh người này do Liêm-trinh tọa thủ, đúng ra là người ác độc. Nhưng cung nô có Kị. Mà Kị có khả năng giải tính ác của Liêm. Vậy người này nhờ thầy dạy dỗ, bỏ được tính ác, thành người thiện.

Nghe Tây-Sơn lão nhân giải lá số, Tự-Mai kinh hãi:

- Chà! Tống có khoa này lợi hại quá. Họ biết hết những gì đã và sắp xẩy ra cho các tướng tá, đại thần của họ đã đành. Họ còn biết rõ từng ly từng tý về kẻ thù nữa.

Nhà vua hỏi:

- Bao giờ người này chết?

Tây-Sơn lão nhân lẩm nhẩm tính một lúc rồi nói:

- Y sắp chết rồi! Chỉ ba tháng nữa thôi. Hiện y đang khỏe mạnh, nhưng sang năm tới thì chết.

Mặt nhà vua hơi nhăn:

- Đạo sư tính lại một lần nữa cho thực kỹ.

- Đây! Bệ hạ xem: Năm tới là năm Mậu-Thìn, đương số năm mươi sáu tuổi. Đại hạn đến cung Thiên-di gặp Tham-lang, Lộc-tồn, Thiên-không (6) lưu niên Thiên-mã, tức cách rất độc : Lộc đảo, Mã đảo, Thiên-không. Tiểu hạn tới cung Tuất ngộ Thái-tuế, Thiên-hình thêm lưu Thái-tuế ở Thìn chiếu sang thành Lộc đảo, Mã đảo, ngộ Thái-tuế chi hợp Kiếp, Không. Chết trăm phần trăm.

Nhà vua gật đầu:

- Như vậy trẫm có thể quyết định chính sách Nam-thùy được rồi.

- Tâu bệ hạ, số của ai thế?

- Của Lý Công-Uẩn.

Tự-Mai kinh hoàng, nó nghĩ thầm:

- Mình phải nói điều này cho anh cả biết, hầu chuẩn bị mới được. Ông vua này biết Thuận-Thiên hoàng đế sắp băng, e sẽ mang quân sang đánh không chừng. Nếu ngài băng, thì anh cả phải hiện diện để giúp Khai-Thiên vương lên làm vua. Bằng không thì rắc rối to.

Nhà vua suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Bây giờ phiền đạo sư tính lại cho trẫm một lá số nữa. Nam mệnh sinh ngày mười hai, tháng ba, giờ Dần, tuổi Tân-Sửu.

Tây-Sơn lão nhân tính đốt ngón tay một lúc rồi nói:

- Dây là số của một anh hùng hiếm có trên thế gian. Nếu bệ hạ được người này phò tá, thì sự nghiệp e không thua vua Vũ nhà Hán, vua Thái-tông nhà Đường.

- Trẫm cũng thấy như vậy. Mệnh lập tại Dần các sao lớn tụ cả về đây. Cự-môn, Thái-dương thủ mệnh. Tử-vi kinh nói:

Quyền hội Cự, Vũ anh hùng.

- Đương số tuổi Tân nên Hóa-lộc đi với Cự-môn. Hóa-quyền đi với Thái-dương. Hóa cho nên bốn sao Cự, Nhật, Quyền, Lộc tụ cả một chỗ, tạo thành con người có tư cách anh hùng, hành sự quang minh lỗi lạc. Đương số lại văn võ kiêm toàn, trông rộng, nhìn xa, nhã lượng, cao trí. Tam hợp hội đủ Tả, Hữu, Xương, Khúc, thì sự nghiệp thực không nhỏ.

Nhà vua gật đầu:

- Tỷ như đương số thuộc loại đối đầu với ta. Trẫm phải làm gì để thắng y?

Tây-Sơn lão nhân suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu thở dài:

- Không có cách nào thắng y được cả. Tại sao bệ hạ phải thắng y, mà không thể kết thân với y?

- Trẫm cũng muốn kết thân với y, mà e thái hậu không muốn mới khổ chứ. Vận số của y ra sao?

- Năm nay đại hạn ở Sửu, Thiên-phủ ngộ Hình. Tiểu hạn ở Thân ngộ Văn-xương, gặp những điều bất như ý, nhưng sự nghiệp lên cực cao. Sang năm, tiểu hạn Liêm, Phá ngộ Thiên-không, e công danh gặp nhiều gian truân. Tuy nhiên cuối cùng vẫn vô sự. Chỉ có cung thê lưu niên Bạch-hổ ngộ Nguyệt, Đồng, e vợ con nan toàn.

- Trẫm cũng thấy thế. Thái-âm cư Tý cực tốt, vợ đẹp, học giỏi, nhưng khi lưu hạn ngộ Tang, Hổ thực khó bảo trọng.

- Thần thấy trong triều chỉ Định-vương mới có thể so sánh với người này. Tâu bệ hạ y là ai vậy? Thần mong gặp y để kết thân.

Nhà vua mỉm cười:

- Y... Y đã kết huynh đệ với Định-vương. Y là Khai-Quốc vương bên Đại-Việt.

Tây-Sơn lão nhân bật lên:

- Ái chà.

- Chỉ còn mấy hôm nữa, trẫm sẽ tiếp y. Bây giờ biết y rồi, trẫm sẽ tùy nghi xếp đặt. Rất tiếc Lã Duy-Giản, Tào Lợi-Dụng theo thái hậu chống y. Trẫm khó mà kết thân với y được.

Qua cuộc hội kiến giữa nhà vua với Tây-Sơn lão nhân. Tự-Mai nói thầm:

- Tống có khoa Tử-vi như thế này, thực lợi hại. Mình phải ăn trộm sách của họ mới được.

Nhà vua đứng dậy tỏ ý tiễn khách:

- Bây giờ để đạo sư về nghỉ. Mai trẫm sẽ thỉnh Định-vương, cùng với đạo sư bàn về mấy là số của Đoàn Tố-Trinh bên Đại-lý, rồi quyết định chính sách Nam-thùy.

Tây-Sơn lão nhân đứng dậy cáo từ ra về.

Nhà vua vẫy thái giám:

- Người cất ba tập sách này đi cho trẫm, rồi đốt đèn trong thư phòng, đợi trẫm ăn xong, sẽ trở về đọc sách.

Nói rồi nhà vua đi ra. Tự-Mai đã được Bảo-Hòa cho biết: Hoàng đế ăn uống không có giờ giấc nhất định. Khi đói thì truyền thái-giám, cung nữ dọn lên ăn. Nó nghĩ thầm:

- Ông hoàng đế này chắc ăn ở nơi khác chứ không ăn ở đây.

Thái giám mang ba bộ sách cất vào chỗ cũ. Y thắp lên mười ngọn nến cực lớn, rồi đốt trầm. Thư phòng sáng rực. Xong công việc y sang phòng bên cạnh ngồi chầu chực.

Tự-Mai từ trên giá sách nhảy xuống như chiếc lá rụng. Nó lấy cả ba bộ Tử-vi chính nghĩa dấu vào bọc. Tò mò, nó nhìn sang bên cạnh, thấy toàn cách sách nói về Lịch-số.

Nó nói thầm:

- Lịch Trung-quốc gốc từ Quy-lịch của triều Hồng-bàng. Cho đến thời Lĩnh-Nam, Tư-đồ Phùng Vĩnh-Hoa soạn lịch cho vua Trưng đã chia năm làm hai mươi bốn tiết, cùng tính nhật thực, nguyệt thực cực chính xác. Mã Viện chiếm Lĩnh-Nam rồi y chở hết sách nghiên cứu về lịch dâng cho vua Quang-Vũ. Từ đấy lịch Trung-quốc đổi đến hai mươi bẩy lần. Ta cần lấy hết sách của họ mang về cho lịch quan nghiên cứu xem có gì hay hơn không?

Nó đếm : Từ Thái-sơ lịch pháp của Đặng Bình đời Hán. Càn-tượng lịch pháp của Lưu Hồng cho tới Minh-Thiên lịch pháp của Lưu Tông mới soạn xong, gồm hai mươi bẩy bộ. Nó xé khăn choàng cổ bện thành sợi dây, bó lại rồi vác lên vai, vượt qua cửa sổ ra ngoài.

Nó tiến thẳng đến chỗ Mỹ-Linh, Thiệu-Thái núp. Hai người từ bóng tối nhảy ra hỏi:

- Việc xong chưa mà về sớm vậy?

- Xong một nửa. Anh Thiệu-Thái mang về đi. Để chị Mỹ-Linh ở lại canh chừng được rồi.

Trao bọc sách cho Thiệu-Thái rồi Tự-Mai theo đường cũ trở về, nó lại leo lên núp trên nóc kệ sách. Nó thấy nhà vua đã trở về, đang ngồi đọc sách. Nó nghĩ thầm:

- Ông vua này ăn uống gì mà mau như ma đói vậy à?

Ghi chú

(4) Thái-hồ thuộc Tô-châu, Thượng-hải, nằm sát bờ biển phía Đông của Trung-quốc, thuộc kinh-tuyến thứ bẩy, cùng giờ với Đại-Việt.

(5) Như ngày nay, người Việt sinh ở Paris giờ Tý, trong khi ở Hoa-sơn là giờ Mão. Khi lấy số nên lấy giờ Tý hay Mão? Theo Tử-vi kinh phải lấy giờ Tý.

(6) Xin lưu ý độc giả: Tây-Sơn lão nhân cùng vua Nhân-Tông tính Tử-vi theo chính phái: Không có sao Địa-không, mà chỉ có sao Thiên-không. Thiên-không an như sao Địa-không, chứ không đứng trước Thái-tuế một cung. Đại hạn thứ nhất ở cung Phụ-mẫu, hoặc Huynh-đệ, chứ không phải ở mệnh. Còn Hỏa, Linh cũng an khác:

* Tuổi Thân, Tý, Thìn: Hỏa ở Dần, Linh ở Tuất.

* Tuổi Dần, Ngọ, Tuất: Hỏa ở Sửu, Linh ở Mão.

* Tuổi Tỵ, Dậu, Sửu: Hỏa ở Mão, Linh ở Tuất.

* Tuổi Hợi, Mão, Mùi: Hỏa ở Dậu, Linh ở Tuất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.