CON ĐƯỜNG TƠ LỤA HUYỀN THOẠI
Với chuyến du hành dài 16 năm đi Ấn Độ thỉnh kinh, Huyền Trang (600-664) đã để lại dấu tích không bao giờ phai mờ trong lịch sử Phật giáo tại Trung quốc và miền Đông Á. Công trình biên khảo của vị đại dịch sư này vĩ đại đến nỗi người ta không thể tưởng tượng nền Phật giáo tại châu Á sẽ như thế nào nếu vắng bóng ông trong lịch sử hay nếu ông không may bỏ mình trên con đường gian khổ của 13 thế kỷ trước.
Con đường thuở xưa từ Trung quốc đi Ấn Độ của Huyền Trang là một nguồn cảm khái vô tận cho người đời sau. Dựa trên Đại Đường Tây Vực Ký của ông mà Ngô Thừa Ân đã sáng tác Tây Du Ký trong thế kỷ thứ 14. Trong thời cận đại nhiều nhà thám hiểm và khảo cổ phương Tây đã từng bước tìm lại dấu chân của ông. Trong số đó ta có thể kể Marc Aurel Stein (1862-1943), người Hung-ga-ri, mà trong tác phẩm Innermost Asia của ông, ta có thể dò tìm lại một vài nơi đánh dấu tình trạng đáng gọi là thập tử nhất sinh của Huyền Trang. Gần đây nhất Richard Bernstein, trên đường theo lộ trình của ông, tìm đến thị trấn Termez, nằm trên giòng sông biên giới giữa Uzbekistan và Afghanistan. Đây là nơi Huyền Trang băng qua sông để hướng về Ấn Độ. Bernstein viết trong tác phẩm Ultimate Journey (1) “Vào thế kỷ thứ bảy, không có cầu nhưng dễ dàng vượt qua sông. Bây giờ tuy có cầu, nhưng không thể nào đi qua được“. Lý do là trong thời kỳ khi Bernstein đến, Afghanistan còn nằm trong vòng kiểm soát của Taliban.
Những bến đò, suối nước, sa mạc, ốc đảo ngày nọ của Huyền Trang đã dần dần được xác định. Theo chân người xưa, người viết những dòng này tìm đến Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc, nơi mà Huyền Trang phải vượt qua sông Hoàng Hà, con sông lớn thứ hai của Trung quốc. Tuy vậy vượt sông Hoàng Hà trong thế kỷ thứ bảy hẳn không phải là quá khó khăn vì điểm này nằm trên trục chính của Con đường tơ lụa, vốn đã được thiết lập từ trước công nguyên. Qua bờ bắc của Hoàng Hà là đến “biên địa” của Trung quốc thời đó, không ai được lai vãng nếu không có phép của nhà vua. Ra đi trong lệnh cấm của triều đình, Huyền Trang phải lẩn tránh các trạm gác và thường phải đi vào đêm.
Phía tây sông Hoàng Hà là một giải đất dài và hẹp mà người Trung quốc gọi là hành lang Hà Tây (Hexi) với chiều dài khoảng 1200km. Dọc theo phía nam của Hà Tây là dãy Kỳ Liên sơn với vô số đá núi hình thù kỳ dị, chúng được mệnh danh là “quái thạch“. Phía bắc Hà Tây chính là sa mạc Gobi mênh mông. Vì lẽ đó, xưa cũng như nay, người cũng như vật đều chỉ có thể di chuyển trên hành lang này trên trục đường Đông-Tây. Trước Huyền Trang gần hai trăm năm, một nhân vật đi ngược chiều từ Tây sang Đông, đó là Cưu-ma-la-thập (344-413). Ông cũng là một vị đại Dịch sư Phật giáo mà tháp của ông nằm tại Vũ Uy (Wuwei), trên Con đường tơ lụa. Qua khỏi Lan Châu chặng đầu tiên mà Huyền Trang dừng chân chính là Vũ Uy. Hẳn công trình của Cưu-ma-la-thập đã gieo những dự định đầu tiên trong lòng vị tăng sĩ trẻ tuổi. Một ngày nào đó trong khoảng năm 628, hai vị “gặp nhau” tại Vũ Uy, liệu hai vị có biết mình là hai cột trụ chống đỡ cho một tòa lâu đài kinh điển đồ sộ của miền Đông Á?
Trên Con đường tơ lụa đi về phía Tây, sau Vũ Uy khoảng 350km, khách du lịch sẽ sớm thấy một thành lũy to lớn mang tên là Gia Dụ quan (Jiayuguan). Đó chính là cửa ngõ xuất nhập khẩu của Trung quốc đối với các nước phương Tây và Trung Á. Ngày đó, Huyền Trang chưa gặp khó khăn với trạm canh vĩ đại này vì Gia Dụ quan chưa hề có, nó được xây khoảng sáu trăm năm sau. Cách Gia Dụ quan chừng 200km về phía Tây là một thị trấn của thời cổ đại nay vẫn còn, đó là An Tây (Anxi). Tại An Tây, Con đường tơ lụa phân ra nhiều nhánh để tránh núi non và sa mạc. Cũng chính tại đây Huyền Trang đã nghỉ chân để tìm đường đi tiếp.
Từ An Tây nhìn về phía Tây thì ốc đảo gần nhất là Ha Mật (Hami) mà ngày xưa được gọi là Y Ngô, cách khoảng 300km đường chim bay. Muốn đến, Huyền Trang phải lặn lội trong sa mạc, nhất là phải đi vòng để tránh năm phong hỏa đài, năm vọng gác rất nghiêm nhặt nằm dưới sự chỉ huy của một cửa ải mang tên Ngọc Môn quan. Ngày đó thương nhân mang đá quí và ngọc thạch từ phương Tây qua cửa quan này để đưa vào Trung quốc nên cửa ải này mang danh “Ngọc Môn”, thế nhưng nó nằm trong một vùng sa mạc vô cùng hẻo lánh. Ngọc Môn quan không chỉ kinh hoàng đối với Huyền Trang mà đối với cả quan quân sống ở miền biên tái lạnh lẽo. Vương Chi Hoán, nhà thơ sống sau Huyền Trang khoảng một trăm năm viết về Ngọc Môn quan như sau trong bài thơ nổi tiếng Xuất tái:
Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu oán dương liễu
Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan
Xa xa, sông Hoàng Hà leo lên tận khoảnh mây trắng
Một vuông thành cô quạnh, muôn trượng núi cao
Tiếng sáo người Khương cần chi thổi bài Chiết Liễu
Vì gió xuân nào có qua cửa ải Ngọc Môn đâu!
Nơi đây Huyền Trang bắt đầu một trong những đoạn đường gian khổ nhất của chuyến Tây du. Trước khi dấn thân vào sa mạc, ngựa thì chết, hai đồ đệ đồng hành đều xin rút lui, Huyền Trang hoàn toàn bơ vơ. Bỗng nhiên một chàng trai người Hồ đến gặp, xin thụ giới và tình nguyện đưa Huyền Trang đi Ha Mật. Ông vô cùng mừng rỡ, bỏ tiền mua hai con ngựa. Sau đó một ông già người Hồ xin đổi một con ngựa mới mua bằng “một con ngựa hồng, già và yếu, từng đi Ha Mật trên mười lần“.
Trên đường đi Huyền Trang suýt bị chàng trai người Hồ nọ ám hại nhưng ông vẫn thản nhiên và cho phép người đó trở lui. Qua ngày thứ sáu ông hoàn toàn kiệt sức vì thiếu nước, người và ngựa đều gục ngã. Huyền Trang biết hiểm nguy đã đến, ông không ngớt cầu nguyện Bồ-tát Quan Âm một cách chí thành. Đúng lúc đó thì con ngựa già ngẩng đầu quay sang lối khác. Huyền Trang biết ngựa đã tìm đúng đường cũ, đi theo và phát hiện ra một giòng suối ngọt, trong vắt (2). Trong thế kỷ 20, Aurel Stein xác định được vị trí của suối nước, đó là một nơi cách Ha Mật 56km về hướng Đông Nam.
Lòng khách bồi hồi khi đến Ha Mật. Ngày nay không rõ người dân trong thị trấn buồn tẻ này còn có ai nhớ đến Huyền Trang, kẻ đã lưu dấu nơi đây trong một ngôi chùa nhỏ cách đây 13 thế kỷ. Ha Mật nổi tiếng ở Trung quốc là nơi sản xuất dưa “Ha-mi-qua”, một loại như dưa gang của chúng ta nhưng vô cùng dòn và ngọt. Kể ra thiên nhiên thật là hài hước, cho mọc loại dưa này trong một vùng sa mạc khô hạn. Trên đường dài rong ruổi theo Con đường tơ lụa cổ xưa, khách thường thấy vô số xe tải chở dưa về hướng đông, cung cấp dưa Tây vực cho vùng “Trung nguyên“.
Ngọc Môn Quan
Liệu ngày xưa Huyền Trang được nếm thứ dưa ngọt lịm này hay không thì chúng ta không biết nhưng tại Ha Mật đoạn đời thỉnh kinh của ông đã bớt khổ. Lý do là cách Ha Mật khoảng 300km về phía Tây có một vương quốc tên gọi là Cao Xương. Tên nhà vua nước Cao Xương thời đó được sử sách ghi lại là Khúc Văn Thái, vị này là một người nhiệt thành hâm mộ đạo Phật. Khúc Văn Thái nghe danh tiếng của Huyền Trang, cho người đến mời ông ghé Cao Xương dừng chân và thuyết giảng. Huyền Trang nhận lời đến Cao Xương và giảng pháp cho cả triều đình ở đó. Nhà vua Khúc Văn Thái khẩn khoản yêu cầu nhà sư ở lại luôn, thậm chí dùng vũ lực ép uổng nhưng Hưyền Trang nhất định lên đường đi Ấn Độ thỉnh kinh. Cuối cùng Khúc Văn Thái phải chiều lòng Huyền Trang và thỉnh nguyện ông hãy trở lại Cao Xương trên đường trở về. Từ Cao Xương Huyền Trang phải còn đi qua 24 tiểu quốc nữa trước khi vượt Hy Mã Lạp sơn để đến Ấn Độ. Mười mấy năm sau trên đường về Huyền Trang có ghé qua Cao Xương thực, nhưng Khúc Văn Thái đã chết, nước Cao Xương đã biến mất. Chiến tranh và tham vọng của nhà Hán đã thôn tính Cao Xương.
Khách ngậm ngùi thắp một nén hương Việt Nam nơi vị trí được xem là chỗ Huyền Trang từng đăng đàn thuyết giảng. Khách nhìn mặt đất đầy cát, cố tìm lại dấu giày của Huyền Trang. Ngày xưa Cao Xương được xây dựng như một Trường An thứ hai, nay chỉ còn là phế tích. Xung quanh là sa mạc, chỉ có xe ngựa chở ít ỏi khách du lịch vào thăm Cao Xương cổ thành. Hướng dẫn viên cho khách là một cô gái người Uygur, cô kể lại cuộc đời hành hương của Huyền Trang và hãnh diện cho hay người Uygur vùng này chính là hậu duệ của vương quốc Cao Xương.
Cao Xương đã biến thành cát bụi như nhiều tiểu quốc khác trong sa mạc Gobi và các nơi khác của vùng Trung Á. Cả Ngọc Môn quan cũng theo thời gian mà đổ nát. Ngày nay du khách chỉ đến thăm Gia Dụ quan vì tòa thành lũy này mới xây về sau, hùng vĩ hơn nhiều. Họ không biết đến một Ngọc Môn quan từng làm nao lòng biết bao con người lúc phải đi qua. Thời gian, chiến tranh và sự biến đổi của khí hậu đã cho biến mất những khu rừng xanh tươi, đã làm khô kiệt những sông hồ, đã xóa bỏ nhiều ốc đảo, đã lấp đi những dấu tích xưa cũ và nhất là đã chôn vùi các nền văn hoá cổ.
Nhưng còn có một vài người đã giữ vững và trao truyền cho hậu thế các nền văn hóa đó. May thay Huyền Trang không bỏ mình tại Ngọc Môn quan. Nếu lịch sử vắng ông, nền văn hóa Phật giáo tại miền Đông Á hẳn không có diện mạo của ngày hôm nay và lữ khách cũng thiếu đi một niềm cảm khái bất tận.
12.2006 Nguyễn Tường Bách