Anna Karenina

Chương 120: Chương 120




Alecxei Alecxandrovitr chào Betxi trong phòng khách lớn và quay về buồng vợ. Nàng đang nằm nhưng nghe tiếng chân chồng, vội ngồi dậy, theo dáng ngồi lúc trước và sợ hãi nhìn ông. Ông thấy rõ là nàng vừa khóc.

- Tôi rất cảm ơn mình đã tin tôi, - ông dịu dàng nhắc lại bằng tiếng Nga (trước mặt Betxi ông nói câu này bằng tiếng Pháp) và ngồi xuống cạnh nàng. Mỗi lần ông dùng tiếng Nga gọi nàng bằng "mình", cách xưng hô đó thường khiến Anna rất khó chịu. - Và tôi cũng rất cảm ơn mình đã quyết định như vậy. Tôi cũng nghĩ bá tước Vronxki đã ra đi thì tuyệt nhiên chẳng cần phải đến đây làm gì. Vả lại...

- Thì em đã nói như thế rồi, không cần nhắc lại chuyện đó nữa! - Anna đột nhiên ngắt lời ông với vẻ bực dọc không nén nổi "Tuyệt nhiên chẳng cần! nàng nghĩ thầm. Một người đàn ông yêu một người đàn bà, toan tự tử vì nàng và không thể sống thiếu nàng được, mà lại tuyệt nhiên không cần phải đến từ biệt nàng!". Nàng mím môi và đưa cặp mắt long lanh nhìn đôi bàn tay nổi gân xanh của chồng đang chậm rãi xoa vào nhau.

- Ta đừng bao giờ nói đến chuyện đó nữa, - nàng nói thêm, bình tĩnh hơn.

- Tôi đã để mình tự ý giải quyết vấn đề đó và tôi rất sung sướng thấy rằng... - Alecxei Alecxandrovitr mào đầu.

- Rằng ý muốn của tôi phù hợp với mong muốn của mình chứ gì, - nàng vội nói nốt, bực mình vì phải nghe ông ề à mãi không hết câu, trong khi nàng biết trước tất cả những điều ông sắp nói.

- Phải, - ông tán thành. - Và quận chúa Tverxcaia cứ đi can thiệp vào những chuyện gia đình rất tế nhị như vậy, thật vô lối. Nhất là, bà ta...

- Tôi chẳng tin những điều người ta đồn đại về bà ta chút nào, - Anna nói nhanh. - Tôi biết bà ta mến tôi thật lòng.

Alecxei Alecxandrovitr thở dài và lặng thinh. Nàng bực bội vân vê cụm tua áo ngủ, thỉnh thoảng lại nhìn ông với một cảm giác ghê tởm về thể xác không sao chịu nổi mà nàng thấy là đáng trách nhưng không dẹp đi được. Nàng chỉ còn một mong muốn duy nhất: thoát khỏi sự có mặt bỉ ổi của ông ta.

- Tôi đã cho mời thầy thuốc, - Alecxei Alecxandrovitr nói.

- Tại sao? Tôi có ốm đâu.

- Nhưng con bé cứ quấy hoài và người ta bảo vú em không đủ sữa.

- Tại sao tôi đã van mình mà mình vẫn không để tôi cho nó bú?

Dù sao (Alecxei Alecxandrovitr hiểu rõ chữ "dù sao" đó nghĩa là thế nào), đó cũng là một đứa trẻ và khéo người ta làm nó chết mất. - Nàng rung chuông và sai người mang con bé lại. - Tôi xin người ta để tôi cho nó bú, người ta cấm đoán tôi, và bây giờ người ta lại trách móc tôi.

- Tôi không hề trách mình gì cả.

- Có! Lạy Chúa tôi! Tại sao tôi không chết đi cho rảnh. - Và nàng oà lên nức nở. - Mình tha thứ cho tôi, tôi đang bực dọc, tôi thật không đúng, - nàng trấn tĩnh lại và nói. - Nhưng mình hãy đi ra đi...

"Không, không thể cứ kéo dài thế này mãi", Alecxei Alecxandrovitr kiên quyết tự nhủ khi rời khỏi phòng vợ.

Chưa bao giờ ông thấy hiện ra rõ như lúc này cái thế bí của ông trước mắt thế gian, sự hằn học của vợ và uy lực của cái sức mạnh phũ phàng và huyền bí, nó bất chấp mọi trạng thái nội tâm, vẫn chi phối đời ông và đòi hỏi ông phải thay đổi thái độ với vợ. Ông thấy rõ tất cả thế gian và vợ đòi hỏi ở ông một cái gì, nhưng đích xác điều chi thì ông không biết. Ông cảm thấy trong lòng dấy lên một cảm giác oán giận, nó xua tan niềm thanh thản cùng tất cả giá trị cái thành tích của ông. Ông cho rằng, đối với Anna, tốt nhất là cắt đứt liên hệ với Vronxki, nhưng nếu mọi người đều thấy không thể thế được, thì ông sẵn sàng bỏ qua sự dan díu đó lần nữa với điều kiện lũ trẻ không vì thế mà khổ lây, ông không mất chúng và hoàn cảnh ông không thay đổi. Điều đó dù đáng buồn đến đâu cũng còn hơn đoạn tuyệt, biện pháp này đặt Anna vào hoàn cảnh ô nhục không lối thoát và bản thân ông cũng mất hết những gì mình yêu. Nhưng ông cảm thấy bất lực; ông biết trước tất cả đều chống lại mình, người ta sẽ không để ông làm cái điều bây giờ ông thấy là rất giản dị và đẹp đẽ, và người ta sẽ buộc ông phải hành động xấu xa, coi đó là bổn phận phải làm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.