Anna Karenina

Chương 133: Chương 133




Mikhailov đang làm việc như thường lệ thì nhận được danh thiếp của bá tước Vronxki và của Golenichsev đưa tới. Buổi sáng, ông vẽ bức tranh lớn ở xưởng hoạ. Về đến nhà, ông cáu với vợ đã không biết cách khất bà chủ đến đòi tiền nhà.

- Tôi đã bảo mình hàng chục lần là không phân trần lôi thôi gì với họ cả. Mình vốn khá ngu ngốc rồi, nhưng khi bắt đầu phân trần bằng tiếng ý thì mình càng ngu ngốc gấp ba, - ông ta nói vậy sau hồi lâu cãi cọ.

- Này đừng có vặc với tôi, đó không phải lỗi tại tôi. Nếu như tôi có tiền…

- Trời ơi, để cho tôi yên thân! - Mikhailov quát lên, giọng nghẹn ngào nước mắt và bịt tai, chạy trốn sang phòng làm việc bên cạnh, khoá chặt cửa lại. "Sao mà nó ngu thế!" ông nghĩ thầm và ngồi vào bàn, mở kẹp giấy ra, hăm hở bắt tay ngay vào một bức hình vẽ dở.

Không bao giờ ông làm việc tốt hơn khi cuộc sống gặp khó khăn và đặc biệt khi cãi nhau với vợ. "Chao! Giá mà ta có thể ở tít một xó nào nhỉ!". Ông tự nhủ và tiếp tục làm việc. Ông vẽ một cái đầu đàn ông đang nổi cơn thịnh nộ. Bức hình hoạ phác xong rồi, nhưng ông không vừa ý. "Không, cái kia khá hơn… Nó đâu rồi nhỉ? ". Ông sang buồng vợ, mặt mày nhăn nhó, không buồn nhìn bà ta, và hỏi con gái lớn để đâu bức hình hoạ ông đã đưa cho vợ con xem. Bức vẽ đã tìm thấy nhưng bẩn hết và giây đầy vết mỡ sáp. Tuy nhiên, ông vẫn cầm lấy, đặt lên bàn, đứng lùi lại và nheo mắt ngắm nghía. Bỗng nhiên ông mỉm cười vàkhoát tay ra chiều mãn ý.

- Phải rồi, phải rồi! - ông tự nhủ; ông vớ ngay bút chì và vẽ như mê cuồng. Một vết mỡ sáp đã làm hình vẽ có một dáng mới.

Ông vẽ lại cái dáng mới đó và đột nhiên nhớ tới khuôn mặt cương nghị có cằm nhô ra của gã lái buôn thường bán xì gà cho ông và ông lấy khuôn mặt cùng cái cằm đó làm đề tài. Ông cười sung sướng. Bức phác hoạ đến nay mới chỉ xuất phát từ tưởng tượng và thiếu sức sống, bỗng trở nên sinh động, dứt khoát. Nó đã có hồn, rõ ràng phân minh. Còn có thể sửa lại hình vẽ cho hợp yêu cầu nhân vật, còn có thể và cần cho dạng đôi chân một cách khác, thay đổi hẳn dáng cánh tay trái, vẽ lật tóc ra sau. Trong khi sửa lại, ông không hề thay đổi nhân vật, chỉ tước bỏ những gì che lấp nhân vật. Có thể nói ông đã cởi bỏ những tấm màn che từng bộ phận nhân vật; mỗi nét bút mới góp phần làm cho bóng dáng nhân vật tăng thêm vẻ cương nghị mà vết mỡ sáp đột nhiên gợi ý. Ông đang thận trọng hoàn thành nốt bức hình thì danh thiếp đưa tới.

- Tôi ra ngay, ra ngay đây! Ông sang buồng vợ.

- Thôi, Xasa, đừng giận nữa! - ông dịu dàng và rụt rè mỉm cười bảo vợ. - Cả hai chúng ta đều có lỗi. Rồi anh sẽ thu xếp việc đó.

Và sau khi dàn hoà với vợ, ông khoác chiếc áo bành-tô màu lam sẫm cổ nhung, đội mũ và ra xưởng hoạ. Ông đã quên bức hình hoạ rồi. Giờ đây ông chỉ nghĩ tới các quý khách người Nga đi xe ngựa đến thăm. Trong thâm tâm, khi nghĩ về bức tranh hiện đang đặt trên giá vẽ, ông cho rằng chưa ai vẽ được một bức như vậy. Ông không nghĩ tranh mình đẹp hơn tất cả các tranh Rafael 1 đâu nhưng ông biết chưa ai thể hiện nổi điều đó, ông biết thế từ lâu, từ lúc bắt đầu vẽ; nhưng nhận xét của người khác dù sao cũng rất quan trọng và làm ông xúc động tận đáy lòng. Lời phê bình tầm thường nhất, chứng tỏ sự hiểu biết ít ỏi nhất đối với cái mà ông thể hiện trên tranh, cũng làm tâm hồn ông xao xuyến. Bao giờ ông cũng cho là những người bình phẩm có tầm hiểu biết sâu sắc hơn mình và bao giờ cũng chờ đợi họ phát hiện cho ông thấy một khía cạnh bất ngờ của tranh. Và thường thường, ông tưởng như chính sự nhận xét của khách xem đã phát hiện cho ông hiểu tranh mình.

Ông nhanh nhẹn bước tới cửa xưởng hoạ. Mặc dầu đang hồi hộp, ông vẫn sững sờ trước hình dáng Anna trong làn ánh sáng dìu dịu bao quanh. Lúc đó nàng đang đứng ở một chỗ tranh tối tranh sáng, vừa nói chuyện với Golenichsev vừa nhìn hoạ sĩ lại gần. Bất giác, ông vừa đi vừa chộp lấy, nuốt lấy cái ấn tượng đó, như đối với chiếc cằm gã lái buôn thuốc lá, và giấu kín trong một góc tâm trí để khi cần sẽ moi ra.

Các vị khách, tuy đã Được Golenichsev mô tả trước để khỏi ảo tưởng, vẫn thất vọng vì bề ngoài của hoạ sĩ. Với khổ người tầm thước, béo mập, dáng đi lon ton, với chiếc mũ nâu, áo khoác màu lam sẫm và quần hẹp ống (từ lâu người ta đã mặc quần rộng ống), sự phàm tục của bộ mặt bè bè cùng vẻ rụt rè hiện rõ trên đó lẫn với ý muốn giữ cho trịnh trọng, Mikhailov tạo ra một ấn tượng khó chịu.

- Xin mới các ngài vào, - ông nói, cố làm ra vẻ lạnh nhạt bước vào phòng chờ, rút trong túi ra chiếc chìa khoá và mở cửa.

--- ------ ------ ------ -------

1 Raphael (1483-1520) danh hoạ người Ý.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.