Anna và Vronxki hồi lâu đã đưa mắt nhìn nhau, khó chịu vì những lời huênh hoang của ông bạn, cuối cùng Vronxki không đợi chủ nhân mời, đi sang căn phòng nhỏ ngay cạnh xưởng vẽ.
- Ôi! Đẹp quá, thật tuyệt vời! Thật thú vị! - cả hai đồng thanh nói. "Cái gì mà làm họ thích thú đến thế?", Mikhailov thầm nghĩ. Ông đã quên bẵng bức tranh đó, vẽ từ ba năm trước. Ông đã quên tất cả những đau khổ và vui sướng do bức tranh đem lại trong mấy tháng ròng rã làm việc ngày đêm. Ông cũng quên là mình thường quên bẵng những tác phẩm đã hoàn thành. Ông không buồn nhìn đến những bức đó nữa và sở dĩ còn treo đấy, chỉ là để chờ một người Anh hỏi mua.
- Ồ, có gì đâu, đấy chỉ là một phác hoạ cũ thôi, ông nói.
- Đẹp quá! - Golenichsev cũng hoạ theo, có vẻ thích thú bức tranh.
Hai chú bé đang câu cá dưới bóng cây kim tước. Đứa lớn vừa quăng dây câu xuống và thận trọng gỡ chiếc phao vướng vào bụi cây; nó như đang để hết tâm trí vào việc đó; đứa nhỏ chống tay nằm trên bãi cỏ, mái tóc vàng rối bù, đang ngắm nhìn mặt nước bằng đôi mắt xanh tư lự. Nó nghĩ gì vậy?
Sự hứng thú do bức tranh gây ra lại làm bừng dậy trong lòng Mikhailov mối xúc động xưa kia; nhưng ông sợ cái tình cảm phù phiếm đối với dĩ vãng đó, cho nên, mặc dầu lời khen ngợi làm ông vui thích, ông vẫn muốn lưu ý các vị khách đến một bức thứ ba.
Vronxki hỏi ông có bán bức kia không. Việc đả động đến tiền nong giữa lúc trong lòng đang xúc động, làm Mikhailov khó chịu.
- Tranh bày là để bán đấy, - ông cau mày trả lời, vẻ ủ ê.
Khách đi rồi, Mikhailov ngồi xuống trước bức tranh Đấng Cứu thế và Pilat, ôn lại trong trí óc những điều khách đã nói hoặc ít nhất đã ám chỉ. Thật lạ lùng: khi họ còn ở đây và khi ông thầm đặt mình vào quan điểm của họ, cái điều lúc đó đối với ông trọng yếu là thế, giờ đây bỗng nhiên mất hết ý nghĩa. Ông lại bắt đầu ngắm tranh với con mắt nghệ sĩ chân chính và lại vững tin rằng tác phẩm của mình thật hoàn hảo và do đó, thật quan trọng - cái niềm tin cần thiết cho ông để duy trì tình trạng căng thẳng vượt lên mọi hứng thú khác và thiếu nó thì không thể làm việc được.
Cái chân thu ngắn lại của Đấng Cứu thế tuy nhiên còn sai sót. Ông cầm bảng bôi màu và bắt tay vào làm việc. Trong khi chữa lại cái chân, ông không rời mắt khỏi hình dáng thánh Jăng ở bối cảnh mà thậm chí các vị khách không hề để ý tới nhưng ông thì ông biết nó hết sức hoản hảo. Sửa xong cái chân, ông định sửa luôn hình đó, nhưng cảm thấy quá xúc động. Cả những lúc quá dửng dưng lẫn khi cảm kích và dễ rung động trước mọi vật, ông đều bất lực mà chỉ có thể làm việc trong trạng thái trung gian giữa lạnh lùng và phấn khởi. Lúc này, ông đang quá cảm động. Ông muốn che bức tranh đi, nhưng dừng lại, một tay cầm màn che, ngắm nghía hồi lâu hình dáng thánh Jăng với một nụ cười ngây ngất. Cuối cùng, như luyến tiếc không nỡ dứt ra, ông buông màn che xuống và quay về nhà, mệt mỏi nhưng sung sướng.
Trên đường về, Vronxki, Anna và Golenichsev hết sức vui vẻ và hoạt bát. Họ nói đến Mikhailov và tranh của ông ta. Trong câu chuyện, họ luôn nhắc đến chữ "tài năng" mà họ dùng để chỉ một thứ năng khiếu bẩm sinh, gần như thuộc về thể xác, độc lập với tâm hồn và trí tuệ, cũng như để gọi tên tất cả những gì người nghệ sĩ cảm thụ: chữ đó cần cho họ để xác định điều muốn nói mặc dầu họ không hiểu gì về điều đó cả. Họ nói: Không thể phủ nhận tài năng ông ta, nhưng vì thiếu giáo dục nên tài năng đó không phát triển được, đó là nỗi bất hạnh chung cho tất cả nghệ sĩ Nga của ta. Nhưng bức tranh hai chú bé đã khắc sâu vào kí ức họ và suýt nữa họ còn định quay lại xem lần nữa.
- Thật là đẹp! Rất thành công mà lại rất giản dị! Chính ông ta cũng không thấy hết nó đẹp đến thế nào! Không thể để lỡ dịp này, tôi phải mua ngay thôi! - Vronxki nói.