Anna Karenina

Chương 140: Chương 140




Khách sạn thị trấn nơi Nicolai Levin đang nằm chờ chết là một trong những khách sạn tỉnh lẻ mà thiết bị gồm mọi cải tiến mới mẻ, với tham vọng sạch sẽ, tiện nghi và thanh lịch nữa, nhưng lại bị khách hàng rất nhanh chóng biến thành quán rượu bẩn thỉu mà cầu kì, và sự cầu kì đó còn làm nó tồi tệ gấp mười những khách sạn cổ lỗ đành phận bẩn sẵn. Khách sạn này đã đến cái nước đó rồi: nào chú lính giữ chân gác cửa, mặc đồng phục bẩn thỉu đang hút thuốc lá trong phòng chờ, nào cầu thang bằng gang chạm trổ buồn tẻ và tối tăm, nào anh bồi lôi thôi lếch thếch trong chiếc áo đuôi tôm nhọ nhem, nào buồng ăn công cộng với những bó hoa giả bằng sáp bụi bặm bầy trênb àn, nào cáu ghét, bẩn thỉu cùng với cái kiểu cách hợm hĩnh đang thịnh hành kể từ khi phát triển đường xe lửa, tất cả gây cho Levin, vừa mới sống cuộc đời vợ chồng trẻ, một cảm giác thật nặng nề, nhất là ấn tượng giả dối đó lại không phù hợp chút nào với cái đang chờ họ.

Cũng như trong mọi trường hợp tương tự, khi người ta hỏi họ muốn thuê loại buồng giá bao nhiêu thì y như rằng không còn buồng tốt nào chưa có khách: cái thì một ông thanh tra đường sắt thuê, cái thì một luật sư ở Moskva trọ, cái thứ ba lại xếp cho quận chúa Axtafieva từ nông thôn ra. Người ta chỉ dành cho họ độc một gian buồng bẩn thỉu, và hứa đến tối sẽ thu xếp một buồng không bên cạnh. Levin bực mình vì thấy dự đoán đã thành sự thực: vừa chân ướt chân ráo đến nơi đã phải lo cho vợ, trong khi đang thắt lòng thắt ruột nghĩ tới anh và đáng ra cần chạy ngay đến đó. Chàng liền dắt Kitty vào căn buồng dành cho họ.

- Anh cứ đi đi, đi đi! Nàng nói và len lét nhìn chàng, vẻ phạm tội.

Chàng lẳng lặng đi ra và đụng ngay phải Maria Nicolaievna, bà biết chàng đến nhưng chưa dám vào gặp. Bà ta vẫn y như hồi chàng gặp ở Moskva: cũng vẫn chiếc áo dài len, để hở cánh tay và hở cổ, vẫn khuôn mặt rỗ, đần độn, hiền lành và hơi xị ra.

- Thế nào? Anh ấy ra sao?

- Yếu lắm. Anh ấy nằm liệt giường không đi đâu được. Anh ấy nóng lòng chờ chú. Anh ấy… chú… chú đi với thím ấy à?

Levin chưa kịp hiểu ra điều gì làm bà ta lúng túng thì bà đã vội phân trần ngay.

- Tôi đi ngay đây, tôi sẽ vào bếp, - bà ta nói. - Anh ấy sẽ hài lòng. Anh ấy biết thím đấy, anh ấy nhớ đã gặp thím ở nước ngoài.

Levin hiểu bà ta nói về vợ mình và không biết trả lời ra sao.

- Thôi, ta đi thôi!- chàng nói.

Nhưng chàng vừa bước đi một bước thì cánh cửa buồng đã mở và Kitty hiện ra. Levin đỏ mặt vừa ngượng vừa bực vì thấy nàng đã dồn cả hai vợ chồng vào một tình thế éo le; nhưng Maria Nicolaievna còn đỏ mặt hơn. Bà ta co dúm người lại, nước mắt vòng quanh, hai tay cầm hai đầu khăn vuông vặn vẹo trong ngón tay đỏ dừ, không biết ăn nói xử sự ra sao.

Trong chớp mắt, Levin thấy vẻ tò mò hau háu trong cái nhìn Kitty hướng về người đàn bà gớm ghiếc đó mà nàng không hiểu nổi; nhưng vẻ đó chỉ loé lên như một tia chớp.

- Thế nào, anh ấy ra sao? - nàng vừa hỏi vừa quay về phía chồng rồi về phía người đàn bà.

- Ta không nên đứng ở hành lang mà nói chuyện! - Levin nói, vừa cáu kỉnh nhìn một ông chật chưỡng đi qua hành lang lúc đó.

- Thế thì mời chị vào đây, - Kitty bảo Maria Nicolaievna lúc này đã trấn tĩnh lại; - hay là cứ đi đi thôi, - nàng nói thêm, khi nhìn thấy nét mặt hoảng hốt của chồng; - rồi cho tìm em nhé, - và nàng trở vào buồng. Levin đi đến chỗ ông anh.

Chàng hoàn toàn không hình dung trước được cảnh tượng đang chờ chàng. Chàng nghĩ sẽ gặp ông anh ở trong trạng thái khoái hoạt thường thấy ở người lao, chàng vẫn nghe nói vậy, trạng thái đó từng làm chàng rất ngạc nhiên trong lần anh chàng đến thăm dạo mùa thu. Chàng chắc trước lúc lâm chung sẽ có triệu chứng rõ rệt hơn, như yếu mệt, gầy còm hơn, nhưng dù sao anh chàng có lẽ cũng vẫn gần như trong tình trạng cũ. Chàng dự đoán mình sẽ thương tiếc vì mất người anh yêu quý và sẽ lại cảm thấy nỗi khiếp hãi trước cái chết mà trước kia chàng đã trải qua, nhưng nay ở mức độ mãnh liệt hơn. Và chàng chuẩn bị chờ cái đó; nhưng điều chàng thấy lại khác hẳn.

Trong căn buồng nhỏ nhớp nháp, ván ghép tường quét sơn đầy vết đờm bẩn, cùng tấm vách mỏng mảnh không ngăn được tiếng trò chuyện lọt sang, trong bầu không khí hôi hám vì rác rưởi, trên chiếc giường kê xa tường, một thân hình đắp chăn nằm thườn thượt. Đặt trên mặt chăn là một bàn tay rộng như cái cào, không hiểu sao lại dính liền với một ống suốt dài, khúc đầu khúc giữa đều mảnh như nhau. Cái đầu nằm nghiêng trên gối. Levin nhìn thấy mớ tóc thưa thớt, dính chặt vào hai thái dương bết mồ hôi, và vầng trán cao gần như trong suốt.

"Lẽ nào cái thây ma này lại là anh Nicolai của mình?". Levin thầm nghĩ. Nhưng chàng lại gần, trông rõ mặt và không thể nghi ngờ gì được nữa. Mặc dầu mặt ông ta hốc hác đến phát sợ, Levin chỉ cần nhìn vào đôi mắt tinh nhanh ngước lên nhìn người đang đi tới, trông thấy đôi môi thoáng mấp máy dưới cặp ria mép đẫm mồ hôi, là đủ hiểu rõ sự thật ghê rợn: thây ma này đúng là anh ruột chàng.

Đôi mắt long lanh nghiêm khắc nhìn chàng đầy oán trách. Và cái nhìn đó lập tức xác lập những quan hệ sinh động giữa hai người sống. Levin nhìn thấy sự oán trách biểu lộ trong cặp mắt đăm đăm nhìn chàng và hổ thẹn vì hạnh phúc của mình.

Nicolai mỉm cười khi Konxtantin nắm tay ông. Một nụ cười yếu ớt, gần như không thấy được trong khi đôi mắt vẫn nghiêm khắc.

- Chú không ngờ anh đến nông nỗi này phải không? - ông khó nhọc nói.

- Có… không, - Levin lúng búng nói. - Tại sao anh không báo cho tôi biết sớm hơn, từ dạo tôi cưới vợ ấy? Tôi đã cho tìm anh khắp nơi.

Phải trò chuyện, tránh nín lặng, mà chàng thì không biết nói gì, nhất là ông anh không trả lời mà chỉ ngước mắt nhìn chàng: rõ ràng ông đang gắng hiểu cho ra ý nghĩa từng câu. Levin báo cho anh biết vợ chàng cùng đến. Nicôlai tỏ vẻ hài lòng, nhưng nói ông e làm nàng sợ hãi. Một phút im lặng. Đột nhiên, Nicolai cựa quậy và bắt đầu nói. Qua vẻ mặt, Levin tưởng ông sắp kể với chàng một việc gì rất quan trọng, nhưng Nicolai chỉ nói về tình hình sức khỏe của mình. Ông than phiền về thầy thuốc, tiếc rằng thiếu mặt một danh y ở Moskva và Levin hiểu là ông hãy còn hi vọng.

Lợi dụng giây phút im lặng đầu tiên, Levin đứng dậy muốn thoát khỏi cảm giác bức bối, dù chỉ một lát thôi, và nói là phải đi đón vợ lại.

- Được, Để tôi bảo họ quét dọn đây một tí. Tôi chắc là bẩn và hôi hám lắm phải không. Masa, vào thu dọn đi, - người bệnh khó nhọc nói. - Và khi nào xong rồi thì đi ra, - ông nói thêm với Maria Nicolaievna và nhìn em trai, vẻ dò hỏi.

Levin không trả lời. Khi ra đến hành lang, chàng dừng lại. Chàng đã nói là đi đón vợ, nhưng bây giờ, nhận thức ra cái cảm giác vừa trải qua, trái lại, chàng quyết định sẽ cố khuyên nàng không nên đến chỗ người ốm, "Tại sao nàng phải chịu đựng như mình?" - chàng thầm nghĩ.

- Thế nào, anh ấy ra sao?- Kitty hỏi, vẻ mặt sợ hãi.

- Ồ! Thật là khủng khiếp, khủng khiếp! Tại sao em lại đến đây nhỉ? - Levin nói.

Kitty nín lặng vài giây, ngắm chồng, vẻ rụt rè và khổ sở. Rồi nàng bước đến gần và níu cả hai tay vào cánh tay chồng.

- Koxtia, cứ dẫn em đến chỗ anh ấy, như thế đỡ khổ tâm cho cả hai ta. Cứ dẫn em đến, em van mình, và để mặc em với anh chị ấy, - nàng nói.

- Mình nên hiểu, điều khổ tâm cho em hơn cả là thấy mình mà không được thấy anh ấy, còn nếu ở đó, có lẽ em cũng giúp ích được. Mình nhận lời đi, em van mình, - nàng nói bằng một giọng cầu khẩn, làm như hạnh phúc của nàng tuỳ thuộc vào đó.

Levin đành bằng lòng và sau khi trấn tĩnh, chàng liền cùng Kitty quay lại chỗ ông anh; chàng hoàn toàn quên bẵng Maria Nicolaievna.

Dáng đi nhẹ nhàng, bộ mặt can đảm và thương cảm luôn luôn hướng nhìn về phía chồng, Kitty bước vào buồng người ốm, thong thả quay lại, khe khẽ đóng cửa. Rồi nàng nhanh nhẹn và lặng lẽ bước đến gần giường người ốm, tìm một chỗ ngồi thuận hướng để ông khỏi phải quay đầu lại, cầm bàn tay to lớn trong bàn tay trẻ trung, tươi mát của mình, khe khẽ bóp chặt và với cái tài đặc biệt của phụ nữ là tỏ ra thương cảm mà không làm phật lòng, nàng nói chuyện với ông, vẻ hồ hởi dịu dàng.

- Chúng ta đã gặp nhau ở Xođen, nhưng dạo ấy chưa quen nhau. Chắc anh không ngờ em sẽ trở thành em dâu anh.

- Chắc thím không nhận ra tôi phải không? - ông nói. Khuôn mặt ông sáng lên một nụ cười từ lúc nàng bước vào.

- Ồ! Có chứ. Anh báo cho chúng em biết tin như thế là phải lắm! Koxtia đang lo lắng, ngày nào anh ấy cũng nói với em về anh. Nhưng người ốm phấn khởi không được lâu.

Nàng chưa kịp dứt lời, mặt ông đã lại nghiêm trang, lộ rõ vẻ trách móc và ghen tị của người sắp chết với người sống.

- Em e anh ở đây không được tốt lắm, - nàng nói, tránh cái nhìn đăm đăm của ông và đưa mắt nhìn quanh phòng. - Phải hỏi chủ khách sạn lấy một buồng khác để chúng ta có thể gần nhau, - nàng bảo chồng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.