Anna Karenina

Chương 160: Chương 160




Trong lúc lũ trẻ uống trà thì người lớn tụ tập ở bao lơn trò chuyện như không có gì xảy ra. Tuy vậy, mọi người và nói riêng là Xergei Ivanovich cùng Varenca, đều biết rất rõ là vừa xảy ra một sự kiện rất quan trọng, mặc dầu không đi đến kết quả gì. Cả hai đều có cái cảm giác giống như chú học trò thi trượt, sẽ phải học lại lớp cũ hoặc mãi mãi bị đưa ra khỏi trường. Mọi người ngồi đấy đều đoán là vừa xảy ra điều gì, và sôi nổi bàn tán những chuyện không đâu. Levin và Kitty chiều hôm ấy cảm thấy đặc biệt sung sướng và yêu nhau. Và họ lấy làm ngượng vì hạnh phúc đó, bản thân nó chứa đựng một ám chỉ khó chịu đối với những kẻ đang ao ước hạnh phúc như vậy mà không đạt được.

- Các người hãy nhớ lại lời tôi đã nói: Alecxandr không đến đâu mà, - phu nhân nói.

Chiều hôm ấy, mọi người đợi Stepan Ackađich và lão quận công đã viết thư là có lẽ ông cũng sẽ về chơi.

- Và tôi hiểu lí do tại sao rồi, - phu nhân nói tiếp - Ông ấy bảo phải để cho những cặp vợ chồng mới được sống một mình thời gian đầu.

- Vâng, ba bỏ chúng con rồi, chả bao giờ chúng con được thấy ba nữa, - Kitty nói. - Với lại, chúng con có phải là vợ chồng mới cưới nữa đâu. Chúng con là vợ chồng cũ rồi.

- Nếu ông ấy không đến thì mẹ phải đi thôi, các con ạ, - phu nhân nói và thở dài buồn bã.

- Mẹ nói sao kia, mẹ? - cả hai con gái bà đồng thanh kêu lên.

- Nghĩ thử xem, chắc ba con buồn lắm! Bây giờ, con biết đấy…

Và bỗng nhiên giọng phu nhân run lên. Các con gái bà đều im lặng và đưa mắt nhìn nhau.

"Mẹ cứ luôn tự bày chuyện ra để mà buồn", cái nhìn của họ nói vậy. Họ không biết mặc dù bà mẹ rất sung sướng được đến ở với con gái mà bà cho là cần có bà bên cạnh, nhưng từ khi hai ông bà gả chồng cho cô gái út và tổ ấm gia đình trở nên hiu quạnh, mỗi lúc nghĩ đến bản thân mình, và nghĩ đến chồng, bà chỉ thấy buồn rầu vô hạn mà thôi.

- U cần gì đấy, Agafia Mikhailovna?- Kitty bỗng hỏi u già giúp việc đang đứng trước mặt nàng, bộ điệu bí mật và quan trọng.

- Tôi muốn hỏi về bữa tối.

- Được, - Đôly nói.

- Em đi bảo ban họ đi, còn chị phải cho Grisa ôn bài. Hôm nay, cháu nó chưa học hành gì cả.

- Đó là phận sự của tôi! Không, chị cứ để đấy, chị Đôly, tôi đi ngay đây, - Levin đột ngột đứng dậy nói.

Grisa đã học trung học và đang cần ôn bài trong dịp nghỉ hè. Ở Moskva, Đarya Alecxandrovna cùng học tiếng la tinh với con trai, bà tự đặt thành lệ khi đến ở nhà Levin là cùng ôn với con những bài khó nhất, dù chỉ mỗi ngày một lần: môn toán và môn tiếng la tinh. Levin xin dạy thay, nhưng Đôly đã chứng kiến buổi học một lần, thấy Levin không theo cách dạy của thầy giáo ở Moskva. Tuy rất bối rối và băn khoăn làm sao cho em rể khỏi tự ái, bà vẫn bảo thẳng chàng phải dựa vào sách như thầy giáo và cứ để bà kèm thì tốt hơn. Thấy thế, Levin bực cả với Stepan Ackađich đã hoàn toàn phó mặc cho vợ bổn phận trông nom việc học hành của con cái trong khi bà ta không hiểu gì hết, và bực cả với những ông giáo đã dạy tồi đến thế; tuy nhiên chàng vẫn hứa là sẽ chiều theo ý chị vợ. Và chàng tiếp tục trông nom cho Grisa học. Lần này thì chàng dựa vào sách, nhưng miễn cưỡng thôi, và chàng thường quên giờ học bài luôn. Chính hôm nay cũng vậy.

- Tôi đi đây, - Đôly ạ, chị cứ ngồi lại, - chàng nói với chị vợ. - Và chúng tôi xin theo trình tự sách giáo khoa. Nhưng khi nào Xtiva đến, chúng tôi sẽ đi săn đấy; lúc ấy thì xin tạm biệt các bài học!

Và Levin đi tìm Grisa.

Về phía Varenca, cô cũng giữ Kitty lại. Ngay ở trong căn nhà sung sướng và ngăn nắp như nhà vợ chồng Levin, cô vẫn biết cách tỏ ra hữu ích.

- Để tôi đi bảo họ làm bữa ăn tối cho, chị cứ ngồi đây, - cô nói và đi đến chỗ Agafia Mikhailovna.

- Cám ơn, nhưng chắc họ không mua được gà giò rồi, phải bắt gà nhà thôi, - Kitty nói.

- Chúng tôi sẽ cùng Agafia Mikhailovna lo liệu việc đó, - và Varenca đi khuất cùng bà già giúp việc.

- Cô ta mới đáng yêu làm sao! - phu nhân nói.

- Không những đáng yêu mà còn kiều diễm hiếm thấy nữa, mẹ ạ.

- Thế nào, hôm nay nhà ta đợi Stepan Ackađich à? - Xergei Ivanovich nói, rõ ràng không muốn kéo dài câu chuyện về Varenca.

- Thật khó mà tìm được hai anh em đồng hao khác tính khác nết nhau hơn, - ông nói và mỉm cười ranh mãnh; - một chàng thì linh lợi, sống trong giới xã giao như cá lội trong nước; chàng kia, Koxtia nhà tôi, thì hăng hái, nhạy cảm về mọi phương diện, nhưng cứ sống trong giới xã giao là y như rằng lại mòn mỏi dần hoặc giãy giụa lung tung như cá nằm trên cạn.

- Vâng, anh ấy nông nổi lắm, - phu nhân nói với Xergei Ivanovich. Chính tôi đang muốn nhờ ông nói cho anh ấy hiểu rằng nó (nó đây chỉ Kitty) không thể ở đây được, mà nhất thiết phải về Moskva. Anh ấy nói là sẽ mời một bác sĩ tới…

- Mẹ ạ, nhà con sẽ làm theo mọi ý muốn của mẹ, - Kitty nói, lấy làm ngượng khi thấy mẹ đã chọn Xergei Ivanovich làm trọng tài trong việc này.

Giữa chừng câu chuyện, mọi người nghe thấy tiếng ngựa hí và bánh xe lăn trên sỏi. Đôly chưa kịp đứng dậy để ra đón chồng thì ở nhà dưới, từ cửa sổ phòng Grisa đang học, Levin đã chạy ra, kéo theo chú học trò.

- Xtiva đấy! - tiếng Levin kêu dưới bao lơn.

- Chúng tôi học xong rồi, chị Đôly ạ, chị đừng lo! - chàng nói thêm và chạy ra đón xe như đứa trẻ.

- Is, ea, id, ejus, ejus(1), - Grisa vừa ầm ừ vừa nhảy chân sáo ở lối đi.

- Có ai đi với anh ấy. Chắc hẳn là ba! - Levin kêu lên và dừng lại ở đầu lối đi. - Kitty, đừng đi cầu thang dốc, đi vòng lại đằng kia.

Nhưng Levin đã nhầm tưởng người ngồi trong xe là lão quận công. Khi đến gần, chàng thấy ngồi cạnh Stepan Ackađich không phải là lão quận công mà là một thanh niên tuấn tú và cường tráng, đầu đội mũ nồi kiểu Ecôt có hai dải dài đằng sau. Đó là Vaxya Vexlovxki, anh em con chú con bác với Trerbaxki, trang thanh niên xuất sắc của giới thượng lưu Petersburg và Moskva, "một anh chàng đáng yêu và một người mê săn bắn", như lời Stepan Ackađich giới thiệu.

Vexlovxki không chút bối rối và đã đến thay chỗ lão quận công, làm Levin thất vọng, anh vui vẻ chào và nhắc chàng rằng hai người đã từng gặp nhau, rồi nhấc bổng Grisa qua con chó săn(2) của Stepan Ackađich đặt nó ngồi vào xe ngựa. Levin không lên xe, chỉ đi theo họ. Chàng hơi bực mình khi thấy người đến thay vì lão quận công mà chàng ngày càng quý mến lại là cái gã Vaxya Vexlovxki có mặt cũng bằng thừa, theo chàng nghĩ. Levin càng thấy anh ta phiền nhiễu hơn khi về đến gần thềm nhà, nơi đám người lớn và trẻ con đang tề tựu, chàng thấy Vexlovxki lẳng lơ hôn tay Kitty.

- Vợ anh và tôi là anh em họ(3) , và là chỗ quen biết cũ, - Vaxya Vexlovxki vừa nói vừa xiết chặt tay Levin lần nữa.

- Thế nào, có nhiều chim để săn không? - Stepan Ackađich chưa kịp chào mọi người đã quay sang hỏi Levin. - Anh ấy và tôi đã có những dự định khủng khiếp nhất… Không đâu, thưa mẹ, từ độ ấy đến nay, họ chưa về Moskva… Kìa! Tanya con đấy à!… Con lấy đi, ở đằng sau xe ấy, - ông nói với mọi người cùng một lúc. Em trẻ ra bao nhiêu, em Đôly yêu quý! - ông cầm tay vợ hôn lần nữa và giữ lại trong tay mình vuốt ve.

Levin trước đây một lát còn rất vui vẻ, bây giờ bực bội nhìn mọi người. Chàng thấy tất cả đều ghê tởm.

"Cũng cặp môi kia, hôm qua anh ta đã hôn ai?", chàng thầm nghĩ khi thấy Stepan Ackađich đang tỏ ra âu yếm vợ. Chàng nhìn Đôly và bà ta cũng làm chàng khó chịu.

"Nhưng chị ta còn tin gì là anh ấy yêu mình nữa. Thế thì tại sao chị ấy lại có vẻ bằng lòng thế? Thật tởm!", Levin thầm nghĩ.

Chàng đưa mắt nhìn phu nhân: một phút trước đây bà còn đáng yêu làm vậy, thế mà bây giờ cái cách bà ta tiếp gã Vaxya đeo dải băng mũ như ở nhà bà làm chàng thấy chướng quá.

Cả Xergei Ivanovich ra tận thềm giả vờ tỏ vẻ thân ái với Stepan Ackađich cũng khiến chàng không chịu nổi, vì Levin biết ông anh mình chẳng ưa mà cũng chẳng trọng gì Oblonxki.

Varenca cũng làm chàng đâm ghét vì bộ điệu đạo đức giả(4) khi người ta giới thiệu cô với vị khách trong lúc cô chỉ tính chuyện lấy chồng.

Và bỉ ổi hơn cả lại chính là Kitty, nàng cũng rập theo giọng điệu vui tươi của vị khách trong khi gã này cứ làm như việc mình đến đây là một dịp hội hè đình đám cho bản thân và cho mọi người, và chàng đặc biệt khó chịu khi thấy vợ mỉm cười thông cảm đáp lại nụ cười của gã.

Mọi người đi vào nhà trong tiếng trò chuyện xôn xao; nhưng khi tất cả vừa ngồi xuống, Levin liền lẩn đi mất.

Kitty thấy chồng có vẻ bực bội. Nàng muốn nói chuyện riêng với chồng, nhưng chàng vội lảng đi, viện cớ có người đang cần gặp trên buồng giấy. Đã lâu, chưa lần nào chàng thấy công việc làm ăn của mình quan trọng như hôm nay.

"Với họ thì bao giờ cũng chỉ là hội hè, chàng thầm nghĩ, còn mình có biết bao công việc cấp bách phải làm, thiếu nó không thể sống được".

Chú thích:

(1) Tiếng la tinh: nó nó (giống cái), nó (trung tính), của nó. Cả bốn chữ đều là nhân xưng ngôi thứ ba, is: giống đực số ít, ea: giống cái số ít, id trung tính số ít. ejus: thuộc cách.

(2) Pointer (tiếng Anh trong nguyên bản).

(3) Cousins (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(4) Sante – Nitouche (tiếng Pháp trong nguyên bản)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.