Đarya Alecxandrovna thực hiện dự định của mình và đi thăm Anna. Bà rất sợ làm cô em khổ tâm hoặc làm em rể khó chịu. Bà hiểu gia đình Levin không muốn gần gũi thân cận với Vronxki là đúng, nhưng bà cho mình có nhiệm vụ phải đến thăm Anna và tỏ cho nàng rõ tình cảm bà không thể thay đổi mặc dầu tình thế đã đổi thay.
Để khỏi phụ thuộc vào gia đình Levin, Đarya Alecxandrovna sai người đi thuê ngựa ở trong làng; nhưng khi biết chuyện, Levin liền đến rầy la bà.
- Tại sao lại cho việc chị đến đó làm tôi khó chịu? Mà nếu có thế đi nữa, thì tôi sẽ càng giận hơn khi chị mượn ngựa khác chứ không dùng ngựa của tôi, - chàng nói. - Chị chưa hề nói với tôi là chị dứt khoát định đến đấy. Nếu chị thuê ngựa trong làng, thì trước nhất chị xúc phạm tôi, thứ nữa là chúng sẽ không đưa chị đến nơi đến chốn được đâu. Tôi có ngựa, nếu chị không muốn làm tôi mếch lòng thì xin chị hãy lấy ngựa của tôi.
Đarya Alecxandrovna phải nhận lời và đến ngày đã định, Levin sai chuẩn bị cho bà một cỗ xe bốn ngựa và một trạm tiếp sức gồm những ngựa kéo và ngựa cưỡi không sang lắm nhưng có thể đưa Đarya Alecxandrovna bình yên đến nơi đến chốn trong một ngày. Giữa lúc đang cần ngựa cho phu nhân ra đi và cho cả bà nữ hộ sinh nữa, điều này khiến Levin lúng túng, nhưng tính hiếu khách không cho phép chàng để Đarya Alecxandrovna thuê ngựa ở ngoài, và hơn nữa, chàng biết số tiền hai mươi rúp chi phí về cuộc hành trình này rất cần cho Đôly; tình cảnh của Đarya Alecxandrovna rất eo hẹp về mặt tiền nong và vợ chồng Levin lo cho bà như cho chính mình.
Theo ý kiến Levin, Đarya Alecxandrovna khởi hành từ trước bình minh. Đường tốt, xe êm, ngựa vui vẻ phi nước kiệu và trên chiếc ghế ngồi đánh xe, ngoài gã xà ích ra, còn có người thứ ba do Levin phái đi làm tuỳ tùng cho bà chị vợ để thêm phần an toàn. Đarya Alecxandrovna ngủ thiếp đi mãi tới khi đến gần quán hàng, nơi phải thay ngựa, bà mới thức giấc.
Sau khi dùng trà ở chính người nông dân sung túc, nơi Levin đã dừng chân khi đến thăm Xvyajxki, sau khi nói chuyện với nhóm phụ nữ về con cái và nghe ông già hết lời ca ngợi bá tước Vronxki, Đarya Alecxandrovna tiếp tục lên đường vào lúc mười giờ. Ở nhà, quá bận bịu vì con cái, bà chẳng bao giờ có thì giờ suy nghĩ. Bù lại, trong chặng đường bốn tiếng đồng hồ này, tất cả những ý nghĩ trước đây bị dẹp xuống nay ùa vào tâm trí và bà ngẫm ngợi về cuộc đời như xưa nay chưa từng nghĩ thế bao giờ, quan sát nó dưới mọi khía cạnh. Những ý nghĩ đó làm cho chính bà ngạc nhiên. Thoạt tiên, bà nghĩ đến lũ con mà bà vẫn lo lắng tới, mặc dầu phu nhân và nhất là Kitty (bà đặt hi vọng vào nàng nhiều hơn) đã hứa trông nom: "Miễn là Masa đừng có lặp lại những trò dại dột, Grisa đừng bị ngựa đá và Lili đừng bị đầy bụng". Nhưng sau đó, những vấn đề hiện tại nhường chỗ cho những vấn đề sắp tới trước mắt. Bà tự nhủ mùa đông tới phải kiếm một gian nhà khác, thay đổi đồ đạc trong phòng khách và may áo lông thú cho đứa con gái lớn. Rồi những vấn đề của một tương lai xa hơn hiện ra: bà sẽ làm thế nào cho các con nên người? "Con gái thì còn dễ, bà nghĩ, nhưng còn con trai?".
"Được lắm, hiện nay, mình còn chăm sóc Grisa, nhưng đó chỉ vì bây giờ mình còn rảnh rỗi, mình chưa có mang đấy thôi. Tất nhiên đừng trông mong gì Xtiva, vô ích. Có kẻ hầu người hạ tử tế, mình sẽ có thể lo liệu được cho chúng nó. Nhưng nếu mình lại có mang…". Và bà nghĩ thật bất công thay, nỗi bất hạnh đè nặng trên cái kiếp đàn bà: mang nặng đẻ đau.
"Đẻ thì không sao, nhưng mang cái thai mới là điều đáng sợ nhất!", bà vừa nghĩ vừa nhớ đến lần có thai vừa rồi và cái chết của đứa con sau cùng ấy. Và bà nhớ lại câu chuyện với một thiếu phụ trẻ trong quán.
Khi bà hỏi chị ta có con không, chị nông dân xinh đẹp ấy trả lời:
- Em có một đứa con gái nhỏ, nhưng Chúa đã giải thoát cho em khỏi phải nuôi nó, chúng em đã chôn nó trong tuần chay rồi.
- Chị có thương tiếc nó lắm không? - Đarya Alecxandrovna hỏi.
- Thú thật là không. Ông cụ em cứ thế này cũng đã đông cháu rồi. Có con chỉ tổ lo thôi. Chẳng còn thì giờ làm việc gì cả. Đó là sợi chỉ buộc chân, thế thôi.
Đarya Alecxandrovna thấy câu trả lời thật ghê tởm mặc dầu người thiếu phụ nom đầy vẻ duyên dáng hồn hậu; nhưng giờ đây, lời nói bất giác trở lại trong trí bà. Những câu nói trắng trợn chứa đứng một phần sự thật.
"Tóm lại, Đarya Alecxandrovna vừa nghĩ vừa điểm lại mười lăm năm ăn ở với chồng: có mang, nôn mửa, đâm ra đần độn, dửng dưng với tất cả và nhất là xấu đi. Ngay cả Kitty, trẻ và xinh như thế, mà cũng xấu đi nhiều, còn mình, khi có chửa thì trông đến gớm ghiếc, mình biết lắm. Sinh nở, đau đớn, cái cực hình của phút cuối cùng trở dạ… rồi cho con bú, những đêm không ngủ, những cơn đau kinh khủng ấy…"
Chỉ nhớ lại những vết nứt nẻ nụ hoa mà hầu như đẻ đứa con nào cũng thấy xuất hiện, Đarya Alecxandrovna đã rùng mình. "Tiếp đó là tật bệnh của lũ trẻ, phải luôn luôn lo lắng; rồi nào là việc giáo dục, nào những thói xấu (bà nhớ lại cái tội của con bé Masa ở vườn phúc bồn tử), việc học hành, môn la tinh: tất cả những cái đó thật khó hiểu và khó khăn biết mấy. Và đáng sợ hơn cả là những đứa trẻ ấy lăn ra chết". Và một lần nữa lại hiện lên trong tâm trí cái kỉ niệm tàn nhẫn không ngừng nhói buốt trong tấm lòng người mẹ của bà: cái chết của đứa bé sơ sinh vừa đây của bà bị bệnh yết hầu cưới đi, đám tang nó, sự thờ ơ của mọi người quanh chiếc quan tài nhỏ màu hồng và nỗi đau thương đơn chiếc của bà trước vầng trán nhỏ trắng muốt với những mớ tóc mai loăn xoăn cùng cái miệng xinh xinh hé mở, ngỡ ngàng, mà bà thoáng thấy lần cuối, lúc nắp quan tài hồng hồng điểm một hình thập tự ren sập xuống.
"Và vì sao lại có tất cả những cái ấy! Nó dẫn đến kết quả gì? Mình chẳng có được lấy một phút nào thảnh thơi: khi thì chửa, khi thì nuôi con, lúc nào cũng cau có, mệt rũ, khả ố với mọi người xung quanh và với chồng; và chịu tất cả những cái đó để sinh ra đời những đứa trẻ xấu số, kém giáo dục và nghèo hèn ư? Nếu hè này không kéo cả nhà đến ở với Levin thì không biết mình sẽ xoay xở thế nào. Tất nhiên Kitty và Koxtia rất tế nhị, khiến ta không thấy ngượng gì cả; nhưng không thể cứ kéo dài thế mãi. Khi có con, họ sẽ không thể giúp đỡ ta được nữa: ngay bây giờ họ cũng không còn phong lưu lắm đâu: Ba thì hầu như chẳng còn giữ lại gì cho bản thân ba nên cũng không thể đỡ đần mình được. Vậy mình không thể đơn độc nuôi các con, đành nhờ cậy người khác, thật nhục nhã. Cứ cho rằng mọi việc đều chu toàn, mình không mất đứa con nào nữa và mình lo được tàm tạm cho chúng học hành. Chỉ mong ước nhiều nhất là chúng đừng trở nên hư hỏng. Mình chỉ muốn có thế thôi. Biết bao đau khổ, cực nhọc để đạt tới đó!… Đời mình thế là bỏ đi rồi!". Bà lại nhớ đến lời người thiếu phụ đã nói và một lần nữa, thấy phẫn nộ khi ôn chuyện đó; nhưng bà vẫn công nhận trong những lời đó có một phần sự thật chua chát.
- Còn xa không, Mikhail? - Đarya Alecxandrovna hỏi người thủ hạ để tránh những ý nghĩ làm bà sợ hãi.
- Người ta bảo đi hết cái làng kia thì còn bảy dặm nữa.
Sau khi qua làng, xe đi vào một cái cầu nhỏ. Một tốp phụ nữ, mang những bó dây trên lưng, chuyện trò vui vẻ, lúc đó cũng qua cầu. Họ dừng lại tò mò nhìn cỗ xe ngựa đi qua. Đarya Alecxandrovna thấy tất cả những bộ mặt ấy hướng về phía bà đều lành mạnh, linh hoạt và như trêu chọc bà do niềm vui sống toát ra từ đó. "Ai nấy đều sống và hưởng thụ cuộc đời, Đarya Alecxandrovna tiếp tục nghĩ khi xe đã vượt qua những chị nông dân, leo lên một sườn dốc và khi bà lại khoan khoái lắc lư người theo nhịp ngựa phi nước kiệu, trên lò xo mềm mại của cỗ xe cũ kĩ. Còn mình thì vừa thoát khỏi cái thế giới làm mình chết mòn như thoát khỏi một nhà tù: mãi bây giờ mình mới có thể bình tâm lại một lúc ngắn ngủi. Tất cả phụ nữ: cả những người đàn bà nọ, cả cô em Natalya của mình, cả Varenca lẫn Anna, mà mình đang trên đường đến thăm, đều biết thế nào là sống, tất cả, trừ mình ra…"
"Họ đổ xô vào công kích Anna. Tại sao? Liệu mình có hơn gì cô ấy không? Mình đây, ít ra mình còn có người chồng mà mình yêu. Không phải đã như ý muốn, nhưng mình yêu anh ấy, còn Anna, cô ta không yêu chồng. Vậy cô ấy có tội gì kia chứ? Cô ấy muốn sống. Chính Chúa đặt trong tâm hồn cô ta nhu cầu đó. Có thể vào địa vị ấy, mình cũng sẽ hành động như cô ta. Cho đến nay mình vẫn còn băn khoăn không biết là vào cái đận kinh khủng khi cô ấy đến gặp mình ở Moskva, mình nghe theo cô ấy như thế có đúng không. Đáng lẽ bấy giờ mình phải bỏ chồng và bắt đầu lại từ đầu. Giá như thế mình sẽ có thể yêu và được yêu thật sự. Bây giờ liệu có hơn gì không? Mình không trọng anh ấy, mình chỉ cần đến anh ấy, bà tự nhủ khi nghĩ đến chồng, và mình phải chịu đựng anh ta. Có hơn gì không? Dạo ấy, ắt còn có người ưa mình, mình hãy còn đẹp", Đarya Alecxandrovna tiếp tục nghĩ và bỗng thèm soi gương. Bà có một tấm gương nhỏ đi đường để trong bọc và rất muốn lấy ra; nhưng nhìn vào lưng gã xà ích và người thủ hạ lắc lư trên ghế, bà cảm thấy nếu một trong hai người quay lại thì bà sẽ xấu hổ lắm, nên đành thôi.
Nhưng dù không soi gương, bà vẫn nghĩ bây giờ cũng chưa phải đã quá muộn; và bà nhớ đến Xergei Ivanovich đã tỏ ra đặc biệt ưu ái đối với bà, ông bạn Turovxưn tốt bụng của Xtiva đã giúp bà chăm nom các con khi chúng sốt phát ban và đã mê bà. Lại còn một gã rất trẻ cho là bà đẹp nhất trong ba chị em, theo lời chồng bà bông lơn kể lại. Và những chuyện tình duyên say đắm nhất, không tưởng nhất cứ dựng lên trong tâm trí bà, "Anna đã làm đúng, mình sẽ không bao giờ kết tội cô ấy. Bản thân cô ấy hạnh phúc, cô ấy lại làm cho một người khác hạnh phúc, cô ấy không ngu độn đi như mình và hẳn cô ấy vẫn tươi trẻ, vẫn sắc sảo, vẫn cởi mở như xưa", Đarya Alecxandrovna nghĩ thầm và thoáng nở một nụ cười ranh mãnh trong khi dựng lên, song song với thiên diễm tình của Anna, một chuyện gần giống như thế với một người đàn ông tưởng tượng, sẽ yêu bà. Cũng như Anna, bà thú hết với chồng. Rồi vẻ ngạc nhiên và bối rối của Stepan Ackađich khi nghe tin đó, khiến bà mỉm cười.
Bà tới chỗ ngoặt từ đường cái lớn rẽ vào con đường dẫn tới Vozđvijenxcoie, trong tâm trạng mơ mộng triền miên đó.