Anna Karenina

Chương 177: Chương 177




Đôly sắp đi nằm thì Anna bước vào trong bộ quần áo ngủ.

Ban ngày, Anna đã mấy lần mon men đến những chuyện tâm tình nhưng mỗi lần, cứ nói được vài câu, nàng lại ngừng bặt. "Ta sẽ trở lại những chuyện ấy sau, khi chỉ có hai chị em mình với nhau. Em có nhiều điều cần nói với chị", nàng đã nói vậy.

Vậy mà giờ đây, còn có hai người, Anna cũng chẳng biết nói gì. Nàng ngồi bên cửa sổ, nhìn Đôly, điểm lại trong trí nhớ tất cả những chuyện tâm tình dự trữ sẵn định thổ lộ tưởng như không bao giờ cạn và chẳng moi ra được điều gì cần nói. Hình như mọi chuyện đều nói cả rồi.

- Kitty có khoẻ không? - nàng vừa nói, vừa thở dài đánh thượt và nhìn Đôly, vẻ phạm lỗi. - Chị Đôly, chị hãy nói thật với em: cô ấy có giận em không?

- Giận cô ư? Ồ, không đâu! - Đarya Alecxandrovna mỉm cười nói.

- Nhưng cô ấy ghét em, khinh em phải không?

- Không! Nhưng cô biết đấy, chuyện đó không thể tha thứ được.

- Phải, phải, Anna vừa nói vừa, quay mặt đi và nhìn qua cửa sổ. - Nhưng, em đâu có tội. Mà ai là kẻ có tội kia chứ? Thế nghĩa là thế nào? Có cách nào khác không ? Chị nghĩ thế nào về chuyện đó? Có thể nào chị lại không phải là vợ anh Xtiva được?

- Thật tình, tôi chẳng biết gì cả. Nhưng cô hãy nói cho tôi hay…

- Vâng, vâng, nhưng ta chưa nói xong chuyện Kitty. Cô ấy có sung sướng không? Nghe nói Levin là người khá lắm thì phải.

- Nói vậy còn chưa đủ. Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào tốt hơn.

- Ôi! Thật đáng mừng! Em rất mừng! Nói đó là người khá lắm còn chưa đủ, - nàng nhắc lại.

Đôly mỉm cười.

- Nào cô kể về mình đi. Tôi với cô còn phải nói chuyện dài. Tôi đã nói chuyện với… - Đôly không biết nên gọi chàng thế nào. Gọi là "bá tước" hay "Alecxei Kirilovich", bà đều thấy ngượng mồm.

- Với Alecxei, - Anna đỡ lời. - Em biết chị và anh ấy đã nói chuyện với nhau. Nhưng em muốn hỏi thật chị nghĩ thế nào về em, về cuộc đời em?

- Làm thế nào bất mà chợt nói ngay được? Thật tình, tôi không biết đâu.

- Không, dù sao chị cũng cứ nói cho em nghe… Chị đã thấy em sống như thế nào rồi đó. Có điều chị nên nhớ là chị đến thăm chúng em vào mùa hè, giữa lúc không phải chỉ có hai chúng em thôi… Nhưng chúng em đến ở đây từ đầu xuân, sống hoàn toàn chỉ có hai đứa với nhau, rồi sẽ lại chỉ còn hai đứa với nhau và em không mong muốn gì khác nữa. Tuy nhiên, chị hãy hình dung đôi khi em phải lẻ loi ở đây, không có anh ấy và điều đó sẽ còn tái diễn… Mọi cái đều khiến em nhìn thấy trước là điều đó sẽ còn lặp đi lặp lại luôn và anh ấy sẽ sống nửa thời gian ngoài nhà mình, - nàng vừa nói, vừa đứng dậy và lại ngồi bên Đôly.

- Tất nhiên, - nàng chặn trước không để cho Đôly kịp vặn lại, tất nhiên, em không muốn cưỡng bức giữ anh ấy đâu. Phải, em chả giữ anh ấy đâu. Bây giờ là mùa đua, đàn ngựa của anh ấy sẽ dự cuộc, anh ấy sẽ đi. Em rất mừng cho anh ấy. Nhưng chị hãy nghĩ đến em, hãy hình dung hoàn cảnh em… Vả lại nói chuyện ấy thì ích gì? - nàng mỉm cười. - Anh ấy nói với chị chuyện gì vậy?

- Nói đúng vấn đề chính tôi đang định bàn với cô, nên tôi sẽ dễ dàng biện hộ cho anh ấy: về những biện pháp để… (Đarya Alecxandrovna ngần ngừ) để bình thường hoá, để cải thiện hoàn cảnh của cô… Cô biết tôi nhìn nhận sự việc thế nào rồi đó… nhưng dù sao, nếu có thể thì tốt hơn hết là cô chú cưới nhau đi.

- Chuyện li dị ư? - Anna nói. - Chị có biết người đàn bà độc nhất đến thăm em ở Petersburg là Betxy Tvecxkaia không? Em chắc chị biết bà ta chứ? Nói cho cùng, đấy là người đàn bà truỵ lạc nhất trên đời. Mụ ta dan díu với Tuskievich và lừa dối chồng một cách bỉ ổi nhất. Thế mà mụ ta còn mở mồm bảo là không muốn đi lại với em chừng nào tình cảnh em chưa hợp pháp. Chị đừng tưởng em so sánh. Em hiểu rõ chị, chị thân mến ạ. Nhưng muốn hay không, em cũng vẫn nhớ đến chuyện ấy… Thế anh ấy nói với chị những gì vậy? - nàng nhắc lại.

- Nói rằng anh ấy đau khổ cho cô và cho bản thân. Có thể cô sẽ nói đó là ích kỉ, nhưng sự ích kỉ ấy mới cao quý và chính đáng biết bao! Trước hết anh ấy muốn hợp pháp hoá con gái mình, sau nữa, trở thành chồng cô, có quyền đối với cô.

- Còn có người đàn bà nào nô lệ đến như em trong tình cảnh này nữa? - Anna buồn bã ngắt lời bà.

- Và nhất là, anh ấy muốn… cô không phải đau khổ.

- Không thể được. Rồi sao nữa?

- Sau nữa anh ấy muốn các con của cô với anh ấy được mang họ bố, điều này rất chính đáng.

- Con nào? - Anna lim dim mắt hỏi và không nhìn Đôly.

- Anna và các cháu sau này…

- Về vấn đề đó, anh ấy có thể yên tâm: em sẽ không có đứa con nào khác nữa.

- Làm sao cô có thể nói thế được?

- Em sẽ không có con vì em không muốn có nữa. Và mặc dầu đang xúc động, Anna vẫn tủm tỉm cười khi thấy trên mặt Đôly một vẻ tò mò ngây thơ pha lẫn kinh ngạc và sợ hãi.

- Khi em ốm dậy, bác sĩ đã bảo…



- Không thể thế được! - Đôly tròn xoe mắt, nói. Đối với bà, đây là một phát hiện có hậu quả và ảnh hưởng to lớn đến nỗi, thoạt đầu, bà chỉ cảm thấy mình không đủ sức hiểu hết mà cần suy đi nghĩ lại thật kĩ mới vỡ lẽ được.

Phát hiện này đột nhiên cắt nghĩa cho bà hiểu tại sao một số gia đình chỉ có một hai đứa con (điều bà chưa bao giờ hiểu nổi), khuấy động trong bà biết bao tư tưởng, suy nghĩ và tình cảm trái ngược nhau đến nỗi bà không còn biết nói gì mà chỉ đăm đăm nhìn Anna bằng đôi mắt mở to kinh ngạc. Đây chính là điều bà hằng mơ ước, nhưng giờ đây khi biết có thể làm được thế, bà lại sợ. Bà cảm thấy đó là giải pháp quá đơn giản đối với một vấn đề quá phức tạp.

- Như thế có trái đạo đức không? - bà chỉ hỏi thế sau một lúc yên lặng.

- Tại sao? Chị hãy nghĩ xem, em phải chọn một trong hai con đường: hoặc có mang, nghĩa là ốm đau, hoặc được là người thân yêu, là bạn của chồng em - gọi thế cũng được chứ sao, - Anna nói cố ý dùng một giọng hời hợt và phù phiếm.

- Phải, phải, - Đarya Alecxandrovna nói, thừa nhận lí lẽ của chính mình nhưng không thấy nó có sức mạnh thuyết phục như trước.

- Chị hay người khác, - Anna nói như đoán được ý nghĩ của bà, - thì còn có thể hồ nghi, nhưng đối với em… chị nên hiểu em chỉ là vợ anh ấy chừng nào anh ấy còn yêu em thôi. Và làm thế nào duy trì được tình yêu của anh ấy? Như thế này ư?

Nàng vòng đôi bàn tay trắng nõn ra đằng trước bụng.

Như vẫn xảy ra trong lúc xúc động, những ý nghĩ và kỉ niệm dồn dập đến trong tâm trí Đarya Alecxandrovna nhanh kì lạ.

- Mình không biết giữ Xtiva, bà nghĩ bụng, anh ấy đã rời khỏi mình; nhưng người đàn bà đầu tiên đã khiến anh ấy phụ mình, cũng không biết giữ anh ấy nốt, tuy ả thật vui tươi, xinh đẹp. Anh ấy đã bỏ ả để vớ con khác. Liệu Anna có giữ được Vronxki bằng cách này không? Nếu chỉ nhắm nhe có thế thôi hẳn y sẽ tìm thấy những trang phục và điệu bộ quyến rũ hơn. Dù cô ấy có những cánh tay trần trắng, đẹp đến đâu, thân hình có thanh tú đến đâu, vẻ mặt linh hoạt giữa mớ tóc đen nhánh có duyên dáng đến đâu, y cũng sẽ tìm thấy những cái mĩ miều hơn, hệt như đức ông chồng thân yêu, đáng thương và vô tư cách của mình".

Đôly không trả lời và chỉ thở dài. Anna nhận thấy tiếng thở dài đó hàm ý không đồng tình, bèn nói tiếp. Nàng còn dự trữ những lí lẽ sắc bén không thể bác bỏ được.

- Chị bảo thế là xấu ư? Nhưng cần phải suy lí mới ra nhẽ, nàng nói tiếp. Chị quên mất hoàn cảnh em. Làm sao em lại mong có con được? Em không nói đến những đau đớn, em không sợ đau đâu. Nhưng chị thử nghĩ xem các con em rồi sẽ ra sao? Những đứa trẻ bất hạnh không được mang họ bố. Nguyên việc sinh ra trên đời cũng đủ khiến chúng phải xấu hổ vì mẹ, vì bố, vì nguồn gốc sinh thành.

- Chính vì thế mới cần phải li dị.

Nhưng Anna không nghe bà. Nàng muốn diễn đạt đến đầu đến đũa những lí lẽ mà đã bao lần nàng tự nhủ với mình.

- Trời cho em lí trí làm gì nếu không đem vận dụng nó để khỏi phải sinh ra đời những đứa trẻ bất hạnh? Nàng nhìn Đôly, nhưng không đợi trả lời, nàng lại tiếp - Em sẽ mãi mãi cảm thấy có tội với những đứa con xấu số đó. Nếu không ra đời thì ít ra chúng cũng không khổ sở. Còn nếu chúng khổ thì em sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm.

Đó chính là những lí lẽ mà Đarya Alecxandrovna từng viện ra; nhưng bây giờ bà nghe nói vậy mà chẳng hiểu gì. "Làm sao có thể mang tội với những kẻ không có trên đời?", bà tự hỏi. Và một ý nghĩ chợt đến: nếu như không hề có Grisa, đứa con cưng của bà, thì liệu có hơn không? Bà thấy điều đó thật kì lạ, thật phi lí đến nỗi phải lắc đầu xua tan mớ ý nghĩ điên rồ và quay cuồng đó.

- Phải, tôi cho thế là xấu, bà nói, vẻ ghê tởm lộ rõ trên nét mặt.

- Chị đừng quên chị là người thế nào và em là người thế nào… Vả lại, - Anna nói thêm như cũng cảm thấy thế là xấu, mặc dầu lí lẽ của nàng rất vững trong khi Đôly thì đuối lí, chị đừng quên điều cốt yếu là em không ở cùng hoàn cảnh như chị. Đối với chị, vấn đề đặt ra là chị có muốn thôi có con không; với em, là em có muốn có con nữa không. Và hai điều đó thật khác xa nhau. Chị nên hiểu, trong hoàn cảnh em, em không thể mong muốn điều đó được.

Đarya Alecxandrovna không đáp lại. Thốt nhiên, bà cảm thấy cách biệt với Anna đến nỗi có những vấn đề hai người sẽ chẳng bao giờ nhất trí được và tốt hơn hết là đừng nói đến chuyện đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.