- Xe của hoàng thân Oblonxki đâu! - người gác cổng cất giọng trầm, bực bội kêu lên. Xe ngựa lại gần và đôi bạn trèo lên. Thoạt đầu, khi xe vượt qua cánh cổng lớn, Levin vẫn thấy nguyên vẹn cái ấn tượng bình thản, thoả mãn và dễ chịu mà ai nấy đều cảm thấy lúc ở trong câu lạc bộ; nhưng ra tới phố, khi chàng thấy xe lắc lư trên mặt đường lồi lõm, nghe tiếng la lối của gã đánh xe đi ngược lại, nhìn thấy dưới ánh sáng đèn lồng mờ mờ cái biển hàng đỏ một tiệm rượu, những cửa hàng, cảm giác kia bỗng tan đi, chàng bèn suy nghĩ về cách cư xử của mình và tự hỏi không biết đến nhà Anna thế này có phải không? Kitty sẽ nói sao? Nhưng Stepan Ackađich không để chàng ngẫm ngợi lâu la và xua tan luôn mối ngờ vực đó như thể đã đọc được hết ý nghĩ của chàng.
- Mình rất hài lòng thấy cậu sắp quen cô ấy, - ông nói. - Cậu có biết Đôly muốn thế từ lâu rồi không? Cả Lvov cũng đến chơi nhà cô ấy. Tuy Anna là em gái mình, - Xtêpam Ackađich nói tiếp, mình vẫn có thể mạnh dạn nói đó là một phụ nữ tuyệt diệu. Rồi cậu sẽ thấy. Hoàn cảnh cô ấy rất khó khăn, nhất là lúc này.
- Tại sao lại nhất là lúc này?
- Bọn mình đang thương lượng với chồng cô ấy về vấn đề li dị. Lão ta đã đồng ý, nhưng lại nảy ra khó khăn về chuyện thằng bé thành thử công việc đáng lẽ xong lâu rồi thì lại kéo dài thêm ba tháng nay. Chừng nào li dị xong, cô ấy sẽ lấy Vronxki. Thật ngu xuẩn, cái lối đi dạo quanh cổ lỗ sĩ theo thủ tục: "Idai, cứ vui chơi đi!" chẳng ai tin và chỉ làm cản trở hạnh phúc người ta! - Stepan Ackađich nói. - Cuối cùng, đến lúc đó, hoàn cảnh của họ sẽ đâu vào đấy cũng như của mình, của cậu.
- Khó khăn do đâu mà ra! - Levin hỏi.
- Chà! Chuyện dài và ngấy lắm! Chả ra đâu vào đâu cả. Nhưng thực tế, cô ấy đã sống để đòi li dị ba tháng nay ở Moskva, nơi mà ai nấy đều biết họ; cô ấy không đi đâu, không gặp người bạn gái nào trừ Đôly, vì cậu cũng hiểu, cô ấy không muốn người ta rủ lòng bác ái mà đến chơi; cả đến mụ Vavara ngu ngốc cũng đánh bài chuồn, cho rằng hoàn cảnh không chính đính. Ở cái thế như vậy, một người đàn bà khác hẳn sẽ không thể tự mình tìm ra phương kế nào. Đằng này, cậu sẽ thấy cô ấy đã biết tổ chức cuộc sống ra sao, cô ấy vẫn bình tĩnh và giữ trọn phẩm cách. Rẽ bên trái, trước mặt nhà thờ, - Stepan Ackađich bỗng thò đầu ra ngoài cửa xe, kêu lớn. - Lạy Chúa, sao mà nóng vậy! ông nói và cởi nốt khuy áo choàng đã phanh ra, mặc dầu thời tiết đang mười hai độ dưới không.
- Nhưng bà ấy có đứa con gái, chắc bà ấy trông nom lấy? - Levin nói.
- Tựa hồ cậu chỉ nhìn đàn bà như một giống cái, như một cái máy ấy vậy, - Stepan Ackađich nói.
- Dường như đàn bà chỉ có việc chăm sóc con cái thôi. Không đâu, Anna nuôi con gái rất giỏi, nhưng không ai nghe nói tới đứa con ấy. Trước hết, cô ấy đang bận viết. Mình thấy cậu mỉm cười mỉa mai, nhưng cậu nhầm. Cô ấy đang viết một cuốn sách cho trẻ em và không hề nói với ai, nhưng cô ấy đã đọc cho mình nghe và mình đã đưa tập bản thảo cho Vorkuiep, anh chàng làm xuất bản ấy, cậu biết chứ… hình như chính anh này cũng là nhà văn thì phải. Hắn ta hiểu biết văn học và nói cuốn sách thật đáng chú ý. Nhưng có lẽ cậu tưởng cô ấy là một… nữ sĩ à? Không đúng chút nào. Trước hết, đó là một thiếu phụ có tâm hồn, rồi cậu sẽ thấy. Cô ấy đã cưu mang một con bé người Anh và gia đình nó.
- Sao, làm phúc à?
- Không đâu, bao giờ cậu cũng nặng nhìn về mặt xấu. Không phải chuyện làm phúc mà là lòng tốt. Họ có, đúng hơn là Vronxki có nuôi một gã dạy ngựa người Anh, rất có tài nhưng nghiện rượu. Hắn uống rượu đến bại hoại cơ thể, delirium tremens(1), bỏ cả gia đình. Cô ấy tới thăm nom giúp đỡ họ, dần dà đâm quen, và bây giờ thì nuôi cả gia đình, nhưng không phải chỉ làm độc một việc là cho tiền: cô ấy còn dạy tiếng Nga cho mấy đứa con trai nhỏ, chuẩn bị cho chúng vào trường trung học và mang con bé con về nhà. Với lại, rồi cậu sẽ gặp con bé.
Xe đi vào sân, và Stepan Ackađich kéo chuông ầm ĩ trước cửa ra vào, tại đó có một chiếc xe trượt đợi sẵn.
Không cần hỏi người đầy tớ ra mở cửa xem có ai ở nhà, Oblonxki bước vào phòng chờ.
Levin theo sau, mỗi lúc một thêm ngờ ngợ việc đi thăm này là bất tiện.
Levin soi vào một tấm gương thấy mặt mình đỏ; nhưng chàng tin chắc mình không say và đi theo Stepan Ackađich lên cầu thang rải thảm. Đến gác hai, Stepan Ackađich hỏi người hầu phòng đến chào ông như người thân trong nhà, xem có ai đến chơi với Anna Arcadievna không; người này trả lời là có ông Vorkuiep.
- Họ ở đây?
- Trong phòng giấy ạ.
Stepan Ackađich và Levin đi qua phòng ăn nhỏ, tường lát ván màu sẫm và bước vào một phòng làm việc rải thảm mềm chỉ có một ngọn đèn che chụp sẫm chiếu sáng. Một tấm kính phản chiếu treo trên tường hắt sáng vào một bức chân dung phụ nữ vẽ toàn thân khiến Levin bất giác chú ý. Đó là chân dung Anan do Mikhailov vẽ hồi ở bên ý.
Trong khi Stepan Ackađich đi vào sau tấm bình phong mắt cáo và tiếng đàn ông đang nói trong góc đó im bặt, Levin ngắm nghía bức chân dung như đang ra khỏi chiếc khung dưới làn ánh sáng rực rỡ, và chàng không sao quay mặt đi được. Chàng quên cả mình đang ở đâu, và chẳng buồn nghe xem xung quanh đang nói gì, cứ dán mắt vào bức hình tuyệt diệu. Đây không phải là tranh, mà là một thiếu phụ đẹp mê hồn đang sống thực, với những búp tóc đen nhánh, với đôi vai và đôi cánh tay trần, với nụ cười tư lự thấp thoáng trên cặp môi điểm hàng lông tơ mịn màng, và cặp mắt vừa dịu dàng vừa đắc thắng đăm đăm nhìn khiến lòng chàng xao xuyến. Chính vì từ trong tranh bước ra nên nhìn nàng còn đẹp hơn là sống thực.
- Tôi rất hân hạnh, - chàng bỗng nghe tiếng ai bên cạnh. Đúng là có người nói với chàng thật và đó là tiếng người thiếu phụ mà chàng đang ngắm chân dung. Anna ra đón chàng và trong khuê phòng tranh tối tranh sáng, Levin nhìn thấy nàng trong bộ áo màu xanh sẫm thêu hoa lá. Tư thế cũng như vẻ mặt thì có khác, nhưng vẫn là cái đẹp tuyệt vời mà hoạ sĩ đã ghi lại trên tranh: trong thực tế, nàng có phần kém lộng lẫy, nhưng lại có một vẻ quyến rũ mới không thấy trong tranh.
Chú thích:
(1) Chứng động kinh do nghiện rượu