- Thế nào, vui không anh? - nàng hỏi và ra đón chàng, vẻ vừa trìu mến vừa hối lỗi.
- Cũng như mọi khi, - chàng trả lời và thoạt nhìn đã biết nàng đang vui vẻ. Bây giờ, chàng đã quen với những tâm trạng đột biến đó và lúc này, chàng rất hài lòng vì chính mình cũng đang hết sức phấn chấn.
- Cái gì thế này? ờ tốt đấy! - chàng chỉ đống hòm trong phòng chờ, nói.
- Vâng, ta phải đi thôi. Em vừa mới lên xe đi chơi một vòng, thấy dễ chịu đến nỗi chợt nảy ra ý muốn trở về nông thôn. Không có gì giữ anh lại cả, phải không?
- Anh cũng chỉ mong có thế. Để anh đi thay quần áo rồi anh quay vào, ta sẽ nói chuyện. Em bảo pha trà đi.
Và chàng vào phòng riêng.
Nàng thấy bực mình vì câu "ờ tốt đấy". Y như nói với một đứa con nít thôi không vòi vĩnh nữa. Và cái giọng tự tin của chàng trước thái độ nhún nhịn của Anna càng đáng phẫn nộ hơn; trong một thoáng, nàng nổi lên ý muốn đấu tranh, nhưng dẹp đi được và niềm nở tiếp Vronxki.
Bằng lời lẽ chuẩn bị sẵn, nàng kể chuyện hôm đó cho chàng nghe và nêu ra dự định về nông thôn.
- Anh biết không, ý nghĩ đó nảy ra gần như là một cảm hứng vậy, - nàng nói. Làm sao cứ phải ở đây để đợi li dị? Ta vẫn có thể ở nông thôn như thường. Em không chờ được nữa. Em không hi vọng, cũng không muốn nghe nói tới chuyện li dị nữa. Em đã quyết định là tất cả cái đó từ nay sẽ không ảnh hưởng gì đến đời em. Anh đồng ý như thế không?
- Ồ, có chứ! - chàng nói, lo lắng nhìn khuôn mặt xúc động của nàng.
- Các anh đã làm gì? Có những ai đến? - nàng hỏi sau một lúc im lặng.
Vronxki kể tên các quan khách.
- Tiệc sang lắm, sau đó bơi thuyền và mọi chuyện đều khá thú vị, nhưng ở Moskva, cái gì cũng dính chút lố bịch. Tự dưng một bà, giáo sư dạy bơi của hoàng hậu Thuỵ Điển, nhảy ra thi thố tài năng.
- Thế nào? Bà ta bơi trước mặt anh à? - Anna cau mày hỏi.
- Ừ, trong một bộ đồ bơi màu đỏ! Thế nhưng bà ta già và xấu kinh. Thế nào, bao giờ ta lên đường?
- Thật lố lăng làm sao! Vậy cách bơi bà ta có gì đặc biệt? - Anna nói, không trả lời vào câu hỏi.
- Chẳng có quái gì. Anh đã nói với em cái trò đó hoàn toàn kệch cỡm mà. Em định bao giờ đi?
Anna lắc đầu như muốn xua đuổi một ý nghĩ khó chịu.
- Bao giờ ấy à? Càng sớm càng tốt. Ngày mai thì chưa chuẩn bị xong. Phải tới ngày kia.
- Được… à không, khoan đã. Ngày kia là chủ nhật, anh còn phải lại đằng mẹ, - Vronxki nói. Chàng đâm lúng túng vì vừa nhắc đến tên mẹ, chàng liền cảm thấy nàng nhìn mình ngờ vực và da diết. Vẻ bối rối ấy càng làm Anna sinh nghi. Mặt đỏ dừ, nàng rời khỏi chàng. Giờ đây, nàng không nghĩ tới bà giáo dạy bơi của hoàng hậu Thuỵ Điển nữa mà nghĩ tới tiểu thư Xorokina đang ở thăm bá tước phu nhân Vronxkaia trong một dinh cơ gần Moskva.
- Mai anh tới đó cũng được chứ sao, - nàng nói.
- Không. Ngày mai thì mẹ chưa sẵn tiền và giấy uỷ quyền đưa cho anh, - chàng đáp.
- Được, nếu thế ta không đi đâu hết.
- Tại sao vậy?
- Nếu muộn hơn em sẽ không đi. Hoặc đi thứ hai, hoặc không bao giờ!
- Nhưng tại sao lại như vậy? - Vronxki kinh ngạc nói. - Thật là vô nghĩa lí!
- Vô nghĩa lí đối với anh vì anh không quan tâm gì đến em. Anh không muốn hiểu cuộc đời em là gì. Ở đây có một người duy nhất làm em vui thú, đó là Hanna, nhưng anh cho đó là thói giả dối. Hôm qua anh bảo là em không yêu con gái mà chỉ vờ vĩnh yêu cái con bé người Anh; em muốn biết ở đây em phải sống thế nào mới gọi là tự nhiên được. Trong khoảng khắc, nàng trấn tĩnh lại và đâm sợ là đã đi ngược lại ý định lúc đầu. Nhưng dù biết thế là tự hại mình, nàng vẫn không nhịn được, không thể dằn lòng không vạch cho chàng biết lỗi, nàng không thể cam tâm khuất phục chàng nữa.
- Anh không hề nói thế bao giờ anh chỉ nói anh không hiểu nổi tình thương yêu đột ngột ấy thôi.
- Tại sao anh lại nói dối, anh vốn tự khoe là ngay thẳng lắm kia mà?
- Anh không hề khoe khoang và cũng không nói dối bao giờ, chàng nói, giọng bặt đi, cố nén cơn nóng giận đang bốc lên. Rất đáng tiếc là em không tôn trọng…
- Người ta bịa ra sự tôn trọng để che giấu tình yêu… Nếu anh không yêu em nữa, thì cứ nói thẳng ra thế còn thật thà hơn.
- Không, thế này thì không thể chịu được nữa! - Vronxki kêu lên và đứng dậy. Chàng tới trước mặt nàng và nói dằn từng tiếng:
- Tại sao em lại cứ thử thách lòng kiên nhẫn của anh? Sự kiên nhẫn cũng có hạn thôi.
Chàng thốt ra với cái vẻ như định nói thêm điều gì nữa nhưng đã kìm lại.
- Anh nói vậy nghĩa là thế nào? - nàng thét lên và sợ hãi nhìn vẻ căm thù lộ rõ trên khắp mặt chàng, đặc biệt trong cặp mắt dữ tợn và đe doạ.
- Tôi muốn nói… - chàng mở đầu, nhưng ngừng lại. - Tôi cần hỏi cô muốn gì tôi.
- Tôi muốn gì à? Tôi muốn anh đừng bỏ tôi như anh đã rắp tâm thế, - nàng nói, vạch nốt cái ý Vronxki không nói ra. - Nhưng giờ tôi cũng không muốn như vậy nữa đâu, chuyện ấy là phụ rồi. Tôi muốn được yêu và tôi không còn được yêu nữa. Thế là hết cả rồi.
Nàng đi ra cửa.
- Không! Khoan đã! - Vronxki vừa nói vừa giữ lấy tay nàng, trán vẫn hằn lên một lớp nhăn nghiêm khắc. - Thế là thế nào? Anh nói ta phải hoãn cuộc hành trình lại ba ngày, thế mà em trả lời là anh nói dối, anh không thật thà.
- Phải, và em xin nhắc lại: một người đã buông lời trách em vì nỗi đã hi sinh tất cả (nàng ám chỉ một chuyện cãi lộn trước) - người ấy còn tệ dưới mức không thực thà: đó là người không có tâm hồn.
- Anh chỉ kiên nhẫn được đến thế là cùng! - chàng kêu lên và buông ngay tay Anna ra.
"Chàng căm ghét mình, hiển nhiên là thế", nàng nghĩ thầm và chẳng nói chẳng rằng, cũng không quay đầu lại, nàng loạng choạng bước ra khỏi phòng, "Chàng đã yêu người khác, điều đó lại càng hiển nhiên hơn, nàng tự nhủ khi bước vào phòng mình. Mình muốn được yêu, nhưng không được yêu nữa. Thế là hết cả rồi, nàng nhắc lại. Phải chấm dứt thôi".
"Nhưng bằng cách nào?", nàng tự hỏi và ngồi xuống chiếc ghế bành đặt trước gương.
Nàng tự hỏi mình đi đâu bây giờ: đến nhà bà cô đã nuôi nàng, đến nhà Đôly, hay đi quách ra nước ngoài? Lúc này chàng đang làm gì, một mình trong phòng làm việc? Cuộc cãi lộn này đã là quyết định chưa hay vẫn còn dàn hoà được? Bạn bè cũ ở Petersburg sẽ nói gì về nàng? Alecxei Alecxandrovich sẽ đón tin này như thế nào? Cắt đứt thì sẽ ra sao? Nhiều ý nghĩ khác ùa đến, nhưng nàng không chỉ triền miên trong đó. Tận đáy lòng, còn ẩn náu một ý nghĩ mơ hồ là điều duy nhất khiến nàng quan tâm, mặc dầu vẫn chưa ý thức được thật rõ ràng đó là gì. Một lần chót, nghĩ tới Alecxei Alecxandrovich, nàng nhớ lại thời gian lâm bệnh sau khi đẻ cùng cái cảm giác thường xuyên ám ảnh nàng dạo ấy. "Tại sao mình không chết đi?" Dạo ấy nàng vẫn nói và cảm thấy như vậy. Và thốt nhiên nàng hiểu ra cái gì đang nằm ở đáy lòng mình. Phải, chỉ cần thế là đủ giải quyết mọi chuyện. "Chết!"…
"Nỗi tủi hổ và ô nhục của Alecxei Alecxandrovich, của Xergei, nỗi tủi hổ của chính mình, tất cả những cái đó sẽ được xoá hết bằng cái chết. Nếu mình chết, chàng sẽ hối hận, thương khóc mình, yêu mình, đau khổ vì mình". Nàng ngồi mãi trong ghế bành với nụ cười thương thân và hết tháo ra lại đeo vào những chiếc nhẫn bên tay trái, trong khi thử hình dung dưới nhiều vẻ khác nhau những tình cảm chàng sẽ trải qua sau khi nàng đã chết.
Có tiếng chân lại gần, tiếng chân chàng, khiến nàng chú ý. Nàng vờ cất nhẫn vào hộp và không buồn quay lại. Chàng lại gần và cầm lấy tay nàng, dịu dàng nói:
- Anna, nếu em muốn thì ngày kia ta sẽ đi. Anh bằng lòng tất cả.
Nàng lặng im không nói.
- Thế nào em? - chàng hỏi.
- Anh muốn làm gì tuỳ anh, - nàng đáp và ngay lúc đó, không cầm lòng được nữa, oà lên khóc nức nở.
- Anh bỏ em đi, anh bỏ em đi! - nàng thầm thì trong tiếng khóc. - Ngày mai, em sẽ ra đi… Em sẽ còn làm hơn thế nữa. Em chỉ là con đàn bà bỏ đi, một hòn đá buộc vào cổ anh. Em không muốn làm khổ anh, em không muốn thế nữa đâu! Em sẽ trả lại tự do cho anh. Anh không yêu em nữa, anh yêu người khác rồi!
Vronxki van xin nàng hãy nguôi đi và cả quyết rằng nỗi ghen của nàng không có chút cơ sở nào hết, rằng chàng chưa bao giờ hết yêu và sẽ không bao giờ hết yêu nàng, rằng giờ đây chàng càng yêu nàng hơn trước.
- Anna, tại sao chúng ta cứ giày vò lẫn nhau? - chàng vừa nói vừa hôn tay nàng. Mặt chàng giờ đây dịu dàng và Anna tưởng như nghe tiếng chàng run lên, cảm thấy nước mắt chàng ướt đẫm tay mình. Đột nhiên, nỗi ghen chuyển thành tình yêu thương say đắm, tuyệt vọng: nàng quàng tay ôm lấy chàng và hôn khắp lên mặt, lên cổ, lên tay chàng.