Xtepan Arcaditr đến Peterburg để hoàn thành cái nhiệm vụ tất yếu đối với các viên chức và cần thiết để theo đuổi công danh, mặc dầu những ai không là viên chức thì không sao hiểu nổi: nhắc nhở ngài thượng thư nhớ tới mình. Ông mang theo gần hết số tiền chi tiêu của gia đình và sống vui thú ở trường đua ngựa hoặc những biệt thự vùng lân cận. Còn Doli, bà cùng đàn con nhỏ về ở nông thôn để cố rút bớt chi tiêu xuống mức tối thiểu. Bà đến ở Ergusovoi, vùng đất đai dành cho bà làm của hồi môn và có khu rừng đã bán đi dạo mùa xuân. Trại ấp này cách Pocrovxcoie năm mươi vecxtơ.
Toà nhà cũ ở Ergusovoi bị phá từ lâu và đến thời lão quận công mới xây lại và mở rộng thêm một bên chái. Hai mươi lăm năm trước đây, hồi Doli còn nhỏ, toà nhà này rộng rãi và tiện lợi, mặc dầu quay mặt chéo ra lối cổng và hướng về Nam. Nhưng giờ nó đã tồi tàn và đổ nát. Dạo mùa xuân, khi Xtepan Arcaditr về đó để bán rừng, Doli bảo ông ghé thăm nhà và cho sửa chữa những chỗ cần thiết. Như mọi ông chồng lầm lỗi, Xtepan Arcaditr lo lắng đến tiện nghi cho vợ, đã đích thân xem xét mọi chỗ, và căn dặn những điều cần thiết. Theo ý ông, cần bọc lại vải gai tất cả đồ đạc, mắc rèm cửa, dãy cỏ vườn, xây cái cầu nhỏ cạnh ao và trồng hoa; nhưng ông đã quên một số lớn việc lặt vặt cần thiết mà thiếu những cái đó sẽ rất rầy rà cho Daria Alecxandrovna.
Tuy Xtepan Arcaditr đã hết sức cố gắng là người cha và người chồng chu đáo, ông vẫn luôn quên mình đã có vợ con. Ông có những sở thích của trai chưa vợ và chỉ làm theo sở thích đó thôi. Khi trở về Moxcva, ông hãnh diện báo cho vợ biết mọi cái đã sẵn sàng, ngôi nhà sẽ đẹp như đồ trang sức và sôi nổi khuyên vợ nên về đó ở. Việc vợ về nông thôn ở, thuận lợi cho Xtepan Arcaditr về mọi phương diện: con cái khỏe mạnh, chi tiêu bớt tốn kém và ông được tự do hơn. Còn Daria Alecxandrovna, bà thấy việc di chuyển này là cần cho lũ trẻ, đặc biệt cho đứa con gái chậm bình phục sau trận sốt phát ban và sau cùng là thoát khỏi những chuyện nhục nhã tủn mủn, những món nợ vặt vãnh của hàng củi, hàng cá và hàng giày, làm bà khổ tâm. Ngoài ra, bà còn thích về quê vì hy vọng sẽ kéo được cô em Kitti cùng về ở cái dinh cơ thôn dã đó, cô ta hiện đang theo sự chỉ dẫn điều trị tại suối nước khoáng và giữa hè này sẽ ở nước ngoài về. Từ suối nước, Kitti viết thư cho chị nói mình không có gì vui hơn là được nghỉ hè cùng Doli ở Ergusovoi, nơi chứa chất bao kỷ niệm thơ ấu của cả hai người.
Những ngày đầu đến ở Ergusovoi rất vất vả đối với Doli. Bà đã sống ở đấy hồi nhỏ và vẫn giữ cái ấn tượng thôn quê là phương thuốc trị mọi phiền phức của thành thị, và cuộc sống ở đây tuy không hào nhoáng bằng (cái đó Doli dễ dàng cam chịu) nhưng lại tiện lợi hơn và đỡ đắt đỏ. ở thôn quê sẽ có mọi thứ giá rẻ, và lũ trẻ sẽ đầy đủ mọi bề.
Nhưng khi về đến quê với tư cách là chủ gia đình, bà thấy mọi cái đều khác xa những điều bà tưởng tượng.
Vừa bước chân đến nơi thì đêm sau trời đổ mưa rào, nước mưa dột xuống hành lang và buồng trẻ, thế là phải khiêng những giường con sang phòng khách. Không mượn được người nấu ăn cho đầy tớ; trong chín con bò sữa, theo lời chị chăn bò, con thì chửa, con thì vừa đẻ con bê đầu lòng xong, con này già quá, con khác lại teo vú; thế là thiếu bơ và sữa cho trẻ. Trứng cũng không có. Không sao tìm ra lấy một con gà mái; đành quay về nấu canh thịt gà trống già vừa dai vừa tím ngắt.
Không có ai lau sàn: tất cả phụ nữ đều bận ngoài ruộng khoai. Không thể đi chơi bằng xe vì một con ngựa bất kham cứ lồng lên giữa đôi càng. Không có chỗ tắm: súc vật giẫm nát cả bờ sông, hơn nữa chỗ ấy lại lộ liễu quá; muốn dạo chơi cũng không được nốt vì gia súc cứ chui qua hàng rào chạy vào vườn và trong bầy gia súc đó lại có một con bò mộng gớm ghiếc lúc nào cũng rống lên và rất có thể húc người. Không có tủ mà xếp quần áo, có mấy cái thì cửa đều hỏng chốt đóng, hễ người đi qua là lại tự động bật ra. Không có nồi, không có chậu sành, không có thùng nấu quần áo trong buồng giặt, mà cũng chẳng có ván để bọn hầu gái là quần áo nữa!
Đáng lẽ được sống yên ổn và nghỉ ngơi thì trong thời gian đầu, đứng trước tai họa đó, Daria Alecxandrovna đã thất vọng; sau nhiều lần xoay xở, bà thấy thật bế tắc và lúc nào cũng phải nén cho nước mắt khỏi trào ra. Viên quản gia nguyên là gã chạy giấy cũ, Xtepan Arcaditr thích thái độ lễ phép và mẽ ngoài đẹp đẽ của hắn nên đã đưa từ chân gác cổng lên làm quản gia, hắn không hề chia sẻ nỗi khốn khổ của Daria Alecxandrovna mà chỉ cung kính nói: "Không làm cách nào được với bọn người như thế", và không hề tìm cách giúp đỡ bà.
Tình cảnh dường như không có lối thoát. Nhưng trong nhà Oblonxki cũng như trong mọi gia đình khác, có một nhân vật lu mờ nhưng rất quan trọng và rất có ích: Matriona Filimonovna. Bà ta an ủi bà chủ, cả quyết mọi cái rồi sẽ ổn (đó là chữ của bà ta mà Matvei học mót được) và bà ta cứ thủng thẳng không nôn nóng, bắt tay vào việc.
Bà nhanh chóng làm quen với vợ viên quản lý; ngay hôm đầu, bà đã ngồi uống trà với mụ ta cùng lão chồng dưới cây dạ hợp và điểm qua tình hình mọi việc. Chẳng bao lâu, một câu lạc bộ được thành lập dưới gốc cây dạ hợp gồm vợ viên quản lý, ông xã trưởng và ông thư ký; nhờ câu lạc bộ này, mọi khó khăn của cuộc sống dần dần dẹp bớt; trong vòng một tuần lễ, mọi sự quả đã hoàn toàn ổn. Đã chữa xong mái nhà, tìm được người nấu ăn, vốn là mẹ đỡ đầu của xã trưởng, gà mái cũng mua được, đã bắt đầu vắt được sữa bò, hàng rào ngoài vườn được rào lại bằng sào, thợ mộc dựng xong buồng giặt, tủ đã có móc và không còn bất chợt mở tung ra nữa, ván là quần áo phủ một tấm dạ lính được kê một đầu lên tủ áo, một đầu lên tay ghế bành và mùi bàn là sắt nóng toả ra khắp phòng bọn hầu gái.
- Bà thấy không! Thế mà chưa chi bà đã nản! - Matriona Filimonovna chỉ tấm ván nói.
Họ còn dựng được cả phòng tắm bằng liếp rơm. Lili bắt đầu được tắm và điều Daria Alecxandrovna hy vọng: được sống nếu không yên ổn thì ít ra cũng có tiện nghi, phần nào đã được thực hiện. Yên ổn, với sáu đứa con, cái đó không thể có đối với Daria Alecxandrovna. Đứa này lăn ra ốm, đứa kia có thể lây bệnh truyền nhiễm, đứa thiếu cái này, đứa lại lộ triệu chứng hư hỏng v.v... Họa hoằn lắm bà mới có thời kỳ yên ổn ngắn ngủi. Nhưng những băn khoăn lo lắng đó là hạnh phúc duy nhất mà Daria Alecxandrovna có thể đạt được. Nếu không có cái đó, bà sẽ phải đơn độc với ý nghĩ là chồng không yêu mình nữa. Hơn nữa, mối lo lắng về bệnh tật, rồi chính cái chứng bệnh đó, và nỗi buồn phiền vì thấy xuất hiện những nết xấu ở lũ con, mọi cái đó đối với người mẹ dù khổ tâm đến đâu chăng nữa vẫn đem lại vài niềm vui nhỏ bé đền bù lại. Niềm vui đó mỏng manh đến nỗi mất tăm như vàng lẫn trong cát; trong lúc khốn khổ, bà chỉ còn thấy toàn cát; nhưng cũng có lúc vui sướng và lúc đó bà chỉ thấy toàn vàng.
Giờ đây, trong cảnh cô đơn ở thôn quê, bà càng hay cảm thấy niềm vui sướng đó. Nhiều khi nhìn đàn con, bà đã hết sức cố tự bảo rằng mình lầm, mình quá thiên vị, nhưng vẫn không thể không nghĩ thật ít thấy có sáu đứa trẻ kháu khỉnh như thế, mỗi đứa một vẻ. Lúc đó bà thật sung sướng và tự hào.