Anne thấy mình có thể tiếp tục sống; rồi cũng đến ngày cô thậm chí còn mỉm cười trở lại với một câu nói của cô Cornelia. Nhưng có gì đó trong nụ cười ấy chưa từng có trong nụ cười của Anne trước đó và sẽ không bao giờ vắng mặt khỏi nụ cười của cô nữa.
Vào ngày đầu tiên cô có thể đi xe được, Gilbert đã đưa cô xuống ngọn hải đăng Bốn Làn Gió, và để lại cô ở đó trong khi anh chèo qua bên kia kênh nước để gặp một bệnh nhân ở xóm chài. Một cơn gió nô đùa đang lao nhanh qua cảng và trên những đụn cát, đánh tung nước thành những chỏm trắng xóa và gột rửa bờ cát bằng những vệt dài sóng bạc.
“Ta rất tự hào lại được gặp cháu ở đây, cháu Blythe ạ,” thuyền trưởng Jim nói. “Ngồi xuống... ngồi xuống đi nào. Ta sợ là hôm nay trong này hơi bụi bặm... nhưng cần gì nhìn bụi khi mà ta có thể nhìn thấy một cảnh tượng như thế kia, phải không nào?”
“Cháu không phiền bụi bặm đâu,” Anne nói, “nhưng Gilbert bảo cháu phải ở ngoài trời. Cháu nghĩ cháu sẽ ra ngồi trên mấy tảng đá đằng kia.”
“Cháu có thích bầu bạn không hay cháu thích ở một mình hơn?”
“Nếu bầu bạn là ông thì cháu thích hơn nhiều so với ở một mình ạ,” Anne nói, mỉm cười. Rồi cô thở dài. Trước nay cô chưa từng thấy phiền khi ở một mình. Giờ cô sợ điều đó. Khi ở một mình cô thấy lẻ loi đến đáng sợ.
“Đây là một chỗ nhỏ xinh không có gió máy gì cả,” thuyền trưởng Jim nói, khi họ đến chỗ những tảng đá. “Ta hay ngồi đây. Một chỗ lý tưởng chỉ để ngồi mà mơ tưởng.”
“Ôi… những giấc mơ,” Anne thở dài. “Giờ cháu không mơ mộng được nữa, thuyền trưởng Jim ạ... cháu đoạn tuyệt với những giấc mơ rồi.”
“Ôi, không, không đâu, cháu Blythe ạ... không đâu,” thuyền trưởng Jim nói vẻ trầm ngâm. “Ta biết giờ cháu thấy như thế nào... nhưng nếu tiếp tục sống cháu sẽ lại vui mừng, và rồi hoàn toàn bất ngờ cháu sẽ thấy mình lại mơ ước... cảm ơn Chúa nhân từ vì điều đó! Nếu không vì những giấc mơ của ta thì thà người ta chôn ta đi còn hơn. Làm sao ta chịu được cuộc sống nếu không vì giấc mơ bất tử của chúng ta? Và đấy là một giấc mơ chắc chắn sẽ phải thành hiện thực, cháu Blythe à. Cháu sẽ gặp lại bé Joyce bé bỏng của cháu một ngày nào đó.”
“Nhưng nó sẽ không còn là con của cháu nữa,” Anne nói, môi run run. “Ôi, nó có thể là, như Longfellow nói, ‘một cô nàng đẹp đẽ khoác vẻ duyên dáng thiên thần,’... nhưng nó sẽ là một người xa lạ với cháu.”
“Chúa sẽ làm tốt hơn thế, ta tin như vậy,” thuyền trưởng Jim nói.
Họ cùng im lặng một lúc. Rồi thuyền trưởng Jim nói rất khẽ:
“Cháu Blythe, ta có thể kể cho cháu nghe về Margaret quá cố không?”
“Dĩ nhiên ạ,” Anne nhẹ nhàng nói. Cô không biết “Margaret quá cố” là ai, nhưng cô linh cảm cô sắp được nghe câu chuyện lãng mạn một đời của thuyền trưởng Jim.
“Ta vẫn thường muốn kể cho cháu nghe về nàng,” thuyền trưởng Jim nói tiếp. “Cháu có biết tại sao không, cháu Blythe? Vì ta muốn có ai đó nhớ và đôi lúc nghĩ về nàng sau khi ta mất đi. Ta không thể chịu đựng được chuyện tên nàng sẽ bị quên lãng bởi tất cả những linh hồn đang sống. Và giờ không ai còn nhớ đến Margaret quá cố trừ ta.”
Rồi thuyền trưởng Jim kể chuyện... một câu chuyện xưa, thật xưa đã trôi vào lãng quên, vì đã hơn năm mươi năm rồi từ khi một ngày nọ Margaret ngủ quên trên tàu đánh cá của cha cô và trôi dạt... hay người ta nghĩ thế, vì chẳng ai biết chắc điều gì về số phận của cô... ra ngoài kênh nước, vượt qua cồn cát ngầm, rồi bỏ mình trong cơn dông đen kịt đã xuất hiện thật đột ngột vào buổi chiều mùa hè xa xăm đó. Nhưng với thuyền trưởng Jim năm mươi năm đó như chỉ mới hôm qua.
“Ta đi dọc bờ biển suốt nhiều tháng sau đó,” ông buồn bã nói, “mong tìm thấy thân thể nhỏ bé thân thương của nàng; nhưng biển không bao giờ trả lại nàng cho ta. Nhưng rồi một ngày ta sẽ tìm thấy nàng, cháu Blythe ạ... ta sẽ tìm thấy nàng một ngày nào đó. Nàng đang đợi ta. Uớc gì ta có thể nói cho cháu biết chính xác nàng trông như thế nào, nhưng ta không thể. Ta từng thấy một làn sương bạc mịn màng treo trên cồn cát lúc bình minh trông giống như nàng... rồi ta lại thấy một cây bu lô trắng trong khu rừng đằng xa làm ta nghĩ đến nàng. Nàng có mái tóc màu nâu nhạt, khuôn mặt trắng trẻo ngọt ngào và những ngón tay dài thanh mảnh như của cháu vậy, cháu Blythe à, chỉ có điều nâu hơn, vì nàng là cô gái làng chài mà. Nhiều lúc ta tỉnh dậy giữa đêm và nghe biển gọi ta theo cách cũ, và hình như Margaret quá cố cũng gọi ta trong đó. Rồi khi có bão và sóng khóc lóc thở than ta lại nghe tiếng nàng than khóc cùng sóng. Và khi sóng cười trong một ngày đẹp trời đấy là tiếng cười của nàng... tiếng cười nhỏ tinh nghịch, ngọt ngào của Margaret. Biển lấy nàng đi khỏi ta, nhưng một ngày nào đấy ta sẽ tìm thấy nàng, cháu Blythe ạ. Biển không thể chia rời chúng ta mãi mãi được.”
“Cháu mừng là ông đã kể cho cháu nghe về nàng,” Anne nói. “Cháu vẫn thường tự hỏi vì sao ông sống suốt đời lẻ loi một mình.”
“Ta không sao quan tâm đến ai khác được nữa. Margaret quá cố đã lấy đi trái tim ta cùng nàng... ra ngoài kia,” người tình già, người đã chung thủy suốt năm mươi năm với người yêu chết đuối của mình, nói. “Cháu sẽ không phiền nếu ta nói thật nhiều về nàng với cháu chứ, cháu Blythe? Đấy là một niềm vui của ta... vì tất cả những nỗi đau đã biến khỏi ký ức của ta về nàng nhiều năm rồi và giờ chỉ còn lại niềm hạnh phúc. Ta biết cháu sẽ không bao giờ quên nàng, cháu Blythe ạ. Và nếu năm tháng, như ta hy vọng, mang đến ngôi nhà của cháu những cô những cậu nhỏ, ta muốn cháu hứa với ta là cháu sẽ kể chúng nghe câu chuyện về Margaret quá cố, để tên nàng không bị quên lãng giữa người đời.”