Bầu trời tháng sáu ở Nhiễu Thành như một cái lò lửa, mặt trời nóng rực, cái nắng như thiêu đốt tạo ra từng lớp sóng nhiệt trên con đường nhựa, nóng tới nổi không có một ai trên đường.
Kiều Niệm ra khỏi phòng, kéo theo hành lí vừa được đóng gói.
Còn chưa kịp xuống lầu, cô đã nghe thấy giọng nói líu lo của Kiều Sân ở tầng dưới.
“Ba mẹ, ba mẹ ruột của Kiều Niệm thật sự muốn đến đón chị ấy sao?”
Ba Kiều nghiêm khắc hỏi cô: “Con quan tâm cái này làm gì, bản nhạc piano phải biểu diễn sắp tới đã luyện tập thành thạo chưa? Lúc đó, bạn của bà nội con sẽ từ Bắc Kinh đến đây, bà ấy là giáo sư khoa học nhân văn và nghệ thuật, là bậc thầy piano quốc gia. Con biểu hiện tốt một chút, sau đó bà nội con làm trung gian, thì chuyện học đại học ở Kinh đô của con định là cái chắc.”
“Con đang luyện rồi ạ.”
Kiều Niệm vẫn chưa xuống, lại nghe tiếng Kiều Sân nũng nịu.
“Ba, ba nghĩ ba mẹ ruột của chị trông như thế nào?”
Vừa dứt lời, Kiều Sân khinh thường lẩm bẩm ẩn sau vẻ ngây thơ: “Hôm kia, ba mẹ ruột của chị ấy nói là sẽ đến, mà tới hôm nay mới đến! Chắc không phải là mua vé tàu hỏa, ngồi đến hai ngày một đêm mới từ trong sơn cốc ra tới đây đón người chứ?”
Trên lầu, bước chân Kiều Niệm không kiềm được mà dừng lại, đáy mắt lạnh nhạt xẹt qua một tia châm chọc.
Ba tháng trước, cô tình cờ phát hiện Kiều Sân - em gái ngoan của cô đang ngoại tình với bạn trai của cô, giạng chân cả đôi.
Cô tức giận vạch trần chuyện đó, sau đó cô mới biết cô vốn không phải người nhà họ Kiều, cô chẳng qua là đứa trẻ được nhà họ dẫn về từ cô nhi viện.
Kiều gia nhận nuôi cô cũng không phải vì thiện tâm phát tác muốn làm chuyện tốt, mà là vì Kiều Sân từ lúc mới sinh ra mắc một loại bệnh về máu hiếm thấy, ngoài uống thuốc chữa trị ra, mỗi tháng đều phải truyền máu.
Kiều gia tự mở công ty, năm ngoái đã được niêm yết thành công, cũng coi như có máu mặt ở Nhiễu Thành, nếu như bệnh của Kiều Sân chỉ đơn giản chỉ cần dùng tiền thì Kiều gia cũng không phải đau đầu như vậy.
Thật trùng hợp, ngoài việc không may mắn và ốm yếu từ khi sinh ra, Kiều Sân còn có nhóm máu hiếm RH, nhóm máu này rất hiếm, người ta nói rằng cứ 100.000 người thì sẽ có một hoặc hai người thừa hưởng nhóm máu này.
Bởi vì qua hiếm nên bệnh viện cũng gọi này là nhóm máu gấu trúc, ý là quý như máu gấu trúc.
Mặc dù Kiều gia có tiền chữa trị nhưng lại không dám chắc là mỗi tháng bệnh viện đều có đủ máu cho Kiều Sân, vì vậy, Kiều gia nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng nghĩ ra một cách - nhận nuôi một đứa trẻ có cùng nhóm máu ở cô nhi viện, làm bao máu di động cho con gái mình!
Cô chính là bao máu miễn phí đó!
Từ nhỏ Kiều Niệm luôn được dạy trở thành một người chị tốt, đồ đẹp nhường cho em gái mặc, cơ hội giành giải thưởng phải nhường cho em gái... Nếu không phải lần này chuyện của Kiều Sân với Phó Qua bại lộ, cô còn bị lợi dụng mà không biết gì!
Kiều gia lần này chịu nói cho cô biết cũng là bởi vì trải qua bao nhiêu năm chữa trị, Kiều Sân cơ bản đã khỏe lại, chỉ cần chú ý một chút, không cần tiếp tục uống thuốc truyền máu nữa.
Cô đã hết giá trị lợi dụng, hơn nữa, Kiều lão thái thái vô cùng tức giận vì cô đã dám vạch trần quan hệ giữa Kiều Sân và Phó Qua trong bữa tiệc sinh nhật của cô ta, để bảo vệ danh tiếng của Kiều Sân và mặt mũi của Kiều gia, họ liền dứt khoát vạch trần “thiên kim giả” ngay trước mặt tất cả mọi người.
Ba Kiều không muốn nhắc tới Kiều Niệm: “Con đừng nói nữa.”
Kiều Sân không sợ, bĩu môi đáp lại: “Vốn là vậy mà, nếu họ mua được vé máy bay thì sao có thể bây giờ mới đến được, chắc là nghèo rớt mồng tơi!”
“Con thôi đi.”
Cha Kiều khóe mắt nhìn thấy Kiều Niệm đang xuống cầu thang, thấp giọng ngăn cản.
Điều đầu tiên đập vào mắt là khuôn mặt ngang tàng, cô mặc một chiếc áo phông màu xanh nhạt với một chiếc áo sơ mi sọc trắng đỏ, viền được buộc hờ hững vào chiếc quần short denim, để lộ ra đôi chân gầy và trắng của cô.
Người nhà họ đều rất trắng, nhưng Kiều Niệm còn trắng hơn.
Không biết có phải là do quá trắng hay không mà đôi mắt của Kiều Niệm đặc biệt đen nhánh, nhìn thấy cô, Kiều Vi Dân luôn có loại cảm giác hời hợt xa cách.
Quả nhiên không phải con ruột.
“Niệm Niệm, con dọn đồ xong chưa?” Dù sao cũng nuôi hơn mười năm, ba Kiều mím môi, thu lại ánh mắt và hỏi với giọng điệu ôn hòa hơn những người còn lại Kiều gia.
Kiều Niệm bước xuống với chiếc vali nhẹ bẫng, ừ một tiếng.
Kiều Sân cuối cùng cũng nhìn thấy cô, lập tức thu lại vẻ mặt xem náo nhiệt vừa rồi, vờ như không có chuyện gì, gọi một tiếng: “Chị.”
“...” Đối với cô ta, Kiều Niệm ngay cả ừ cũng lười, đi thẳng tới trước mặt cô ta.
Bị Kiều Niệm phớt lờ, Kiều Sân miễn cưỡng cong môi, lông mi dài rũ xuống như thể chịu ủy khuất, khuôn mặt trắng bệch nhìn như thiếu máu, yếu ớt như một đóa hoa trắng trong gió.
Hà Ngọc Quyên ở ngay bên cạnh thấy vậy lập tức giận tái mặt, gõ mạnh gậy ba-toong xuống sàn, hầm hừ nói: “Đang nói chuyện với mày đó, không nghe thấy sao?”
Kiều Sân lập tức níu tay bà ấy, ngẩng đầu, lắc đầu nũng nịu, cắn môi nói đỡ cho Kiều Niệm: “Bà nội, thôi ạ, tâm trạng của chị đang không tốt, con không sao đâu.”
Cô ta nói như vậy khiến Hà Ngọc Quyên nhìn cô càng thấy chướng mắt, đâu đâu cũng là thói xấu, bà chán ghét nói: “Quả nhiên không phải là con cháu Kiều gia, dạy dỗ hơn mười năm cũng không đổi được tính hèn mọn từ trong xương!”
“Mẹ.”
Kiều Vi Dân cầu tình kêu bà một tiếng, đi tới trước mặt Kiều Niệm, giả mù sa mưa lấy ra một tấm thẻ: “Đây là một vạn đồng.”
Ông ta thở dài, kín đáo đưa cho Kiều Niệm: “Con cầm đi! Về...nhà ba mẹ con phải biết nghe lời, số tiền này con giữ lại mua quần áo. Sau này đi học...cũng có mà dùng.”
Ông ta luôn làm việc cẩn thận, Kiều gia mới lấy được một hạng mục bên chính phủ, hiện tại là giai đoạn quan trọng, Kiều Vi Dân không muốn gây thêm phiền toái.
Ông đã điều tra, ba mẹ ruột tới đón Kiều Niệm hình như họ Giang, là thầy giáo dạy viết, người huyện Tháp Hà.
Tháp Hà cách Nhiễu Thành ba trăm cây số, nơi đó là một huyện nghèo có tiếng. Hàng năm, đều có các doanh nhân quyên góp tiền cho huyện Tháp Hà để xóa đói giảm nghèo, ông cũng từng tham gia. Loại thầy giáo ở cái huyện thành nhỏ nông thôn đó, ông không điều tra kỹ, tự mặc định ông ta là một trong những giáo viên nông thôn chăm chỉ thường được phỏng vấn trên bản tin.
Kiều Niệm đang học lớp mười hai, trở về huyện Tháp Hà thì gần như không thể nào thi lên đại học, chứ đừng nói đến lên Kinh Đô học đại học như Kiều Sân.
Đời này coi như xong rồi!