Công cuộc Phản Thanh Phục Minh của Tôn Dật Tiên cần phải được quảng bá cho quần chúng, và phương tiện hữu hiệu nhất lúc đó là truyền đơn. Không một nhà in nào dám in truyền đơn cho Tôn Dật Tiên, vì triều đình nhà Thanh lúc nào cũng rình tìm và sẵn sàng dùng những biện pháp trừng phạt đẫm máu cho cái tội bị gọi là "Phản nghịch" này. Chỉ có nhà in của Tống Giáo Nhân phải cáng đáng cái việc làm nguy hiểm ấy. Đó là một sự hy sinh lớn lao của Tống Giáo Nhân cho công cuộc cách mạng, vì bất cứ lúc nào gia đình Tống Giáo Nhân cũng có thể bị chính quyền nhà Thanh bắt và hành quyết.
Theo đúng truyền thống gia đình Trung hoa, bà Tống ít khi quan tâm tới hành động của Tôn Dật Tiên, người bạn thân của chồng bà. Bà cũng không thắc mắc khi thấy chồng và Tôn Dật Tiên thức rất khuya bàn luận trong phòng riêng. Bà không hề ngờ rằng cái đầu của Tôn Dật Tiên, một người có bề ngoài hiền lành phúc hậu như thế, đã bị triều đình Mãn Thanh treo một giá rất cao. Chồng bà may mắn thoát tên trong danh sách những tên "Phản nghịch" đầu tiên.
Tuy vậy khi được chồng cho biết lúc nào gia đình nhà họ Tống cũng phải sẵn sàng chạy trốn thì bà không hề phản đối hoạt động nguy hiểm của chồng, và hết mình ủng hộ và đi theo chính nghĩa của chồng.Tôn Dật Tiên đòi hỏi những cải cách xã hội cho Trung hoa. Tam Hòa Hội cử Tôn Dật Tiên đi gặp thừa tướng Lý Hồng Chương để đạo đạt những yêu sách. Lúc đó Lý Hồng Chương đang mải lo đối phó với việc quân Nhật đánh chiếm Cao Ly, một thuộc quốc của Trung hoa, nên không tiếp Tôn Dật Tiên. Sau chuyến đi thất bại, Tôn Dật Tiên trở lại Honolulu đảo Ha
ai và thành lập Hưng Trung Hội. Ông bôn ba nhiều nơi để tìm sự trợ giúp cho công cuộc Phản Thanh Phục Minh của ông. Mỗi khi ông trở về Thượng Hải, ông thường cư ngụ ngay tại nhà Tống Giáo Nhân. Tôn Dật Tiên được gia đình nhà họ Tống rất quý trọng, và coi ông như người cha đỡ đầu cho các con của Tống Giáo Nhân.
Các tổ chức Phản Thanh Phục Minh luôn luôn tìm cách gây khó khăn cho triều đình Mãn Thanh. Một lãnh tụ Cao Ly thân Nhật đến thăm Thượng Hải, và bị các tổ chức Phản Thanh ám sát chết. Một nhóm của Hồng Hội đem xác của nạn nhân chặt ra làm nhiều mảnh, và gửi trả về Cao Ly bằng một chiến thuyền của hải quân Trung hoa. Người Nhật vô cùng phẫn nộ, và chiến tranh giữa Nhật và triều đình Mãn Thanh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế triều đình Mãn Thanh phải dồn hết nỗ lực về miền bắc, và lơi là miền nam; nhờ thế các tổ chức Phản Thanh Phục Minh được tự do hoạt động hơn tại miền nam.
Ngày 1- 8- 1894, cuộc xung đột giữa Nhật và quân Mãn Thanh xảy ra, và quân nhà Thanh thảm bại nhục nhã. Sự kiện này càng làm dân chúng Trung Hoa căm phẫn sự bất lực của triều đình Mãn Thanh. Tôn Dật Tiên lập tức khởi sự một cuộc nổi dậy tại miền nam trong vùng Quảng Châu. Tống Giáo Nhân được ủy thác ở lại Thượng Hải lo về vấn đề tài chánh cho Tôn Dật Tiên, và làm tai mắt cho Tôn Dật Tiên tại lưu vực sông Dương Tử.
Tôn Dật Tiên chọn ngày Song Cửu (9- 9- 1895) làm ngày khởi nghĩa, vì ngày đó dân chúng Trung Hoa đi tảo mộ đông đảo, nên việc tập trung và vận chuyển nhân sự của Hồng Hội sẽ không bị quan quân nhà Thanh nghi ngờ. Tại Quảng Châu, Tôn Dật Tiên tuyển được 153 lính đánhthuê. Những người này được lệnh bố trí tại tư gia của viên tổng đốc và các sĩ quan, và sẽ ra tay bắt giữ những người này khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Sức mạnh chính của cuộc khởi nghĩa là ba ngàn tay anh chị của tổ chức Hồng Hội, và lực lượng này được trang bị bằng một ngàn khẩu súng lục.
Theo kế hoạch dự liệu, tất cả vũ khí và người sẽ tập trung tại Hương Cảng và di chuyển tới Quảng Châu bằng đường biển. Khi nào nhóm anh chị Hồng Hội tới Quảng Châu thì cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Một sự trục trặc xảy ra ngay tại bến tầu Hương Cảng. Trong khi vũ khí được chuyển xuống tàu thì các tay anh chị chia làm hai phe, phe nào cũng đòi hỏi phe mình phải được dùng súng, vì số người nhiều hơn súng. Trong khi hai phe còn mải tranh luận trên bờ thì con tàu nhổ neo theo đúng giờ đã ấn định trước. Vũ khí được chở đi Quảng Châu mà không có người đi theo.Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: Có vũ khí mà không có quân xử dụng vũ khí. Nếu cứ tiếp tục cuộc khởi nghĩa thì nhất định sẽ thất bại, vì không đủ quân số cần thiết. Tôn Dật Tiên đành phải hoãn cuộc khởi nghĩa, và đánh điện cho Hương Cảng và Thượng Hải biết quyết định mới nhất của mình. Nhưng trước khi điện tín của Tôn Dật Tiên tới được Hương Cảng thì cuộc tranh luận của hai phe anh chị tại bến tầu chấm dứt, và tất cả kéo nhau xuống tầu đi Quảng Châu, trễ hơn một ngày theo kế hoạch dự liệu từ trước.
Đến lúc đó thì cảnh sát Anh tại Hương Cảng nghe biết được tin tức của cuộc khởi nghĩa, liền báo cho nhà chức trách Mãn Thanh tại Quảng Châu biết. Khi con tàu chở ba ngàn tay anh chị cặp bến Quảng Châu thì đã có quan quân nhà Thanh chờ họ trên bến. Các tay anh chị thấy thế nguy liền nhảy cả xuống biển, và hầu hết trốn thoát. Tuy nhiên nhà chức trách cũng bắt được một số cấp lãnh đạo và 50 đoàn viên khởi nghĩa. Ngay tại thành phố Quảng Châu, quan quân nhà Thanh mở cuộc ruồng bố, bắt thêm được nhiều người trong tổ chức, tịch thu được một số vũ khí, quân phục và lá cờ hiệu của quân khởi nghĩa. Tôn Dật Tiên kịp thời trốn sang Ma Cao, và dùng thuyền chạy sang Hương Cảng.
Số phận những người bị bắt thật là thê thảm. Họ bị trừng phạt theo luật lệ khắt khe của nhà Thanh. Nhiều người bị chém đầu; một số khác phải chịu những cái chết đau đớn hơn: Bị đánh 600 roi cho đến chết hoặc bị xẻo từng mảnh thịt cho đến chết.
Tuy thế, cuộc khởi nghĩa thất bại cũng đem lại danh tiếng lớn lao cho Tôn Dật Tiên, một người được coi là tượng trưng cho công cuộc lật đổ nhà Mãn Thanh. Trong suốt 16 năm sau đó, Tôn Dật Tiên phải lẩn trốn từ nước này sang nước khác, tìm mọi cách trốn tránh sự truy nã của các tay ám sát bắt cóc cừ khôi của nhà Thanh. Tống Giáo Nhân đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên bằng cách cung cấp tiền bạc cho Tôn Dật Tiên và các tổ chức bí mật của Tôn Dật Tiên.
Trong thời gian này, Tôn Dật Tiên tổ chức thêm vài cuộc khởi nghĩa nữa, nhưng đều thất bại. Năm 1900 cuộc nổi loạn của Nghĩa Hòa Đoàn chống lại tây phương thất bại. Liên quân tây phương tiến vào Bắc Kinh, và Từ Hy thái hậu và vua Quang Tự phải bỏ chạy khỏi kinh thành. Sự nhục nhã của Trung hoa trước sức mạnh của tây phương đã đến chỗ cùng cực. Nhiều sinh viên trốn qua Nhật, tìm học thuật quân sự và khoa học của Nhật Bản để rửa nhục. Tất cả đều quy tụ quanh Tôn Dật Tiên, coi ông như một nhà cách mạng duy nhất có thể quang phục được nước Trung Hoa. Tôn Dật Tiên nắm lấy thời cơ, thuyết phục các phe nhóm chống lại nhà Thanh đoàn kết với ông, và lập thành một tổ chức duy nhất, gọi là Đồng Minh Hội do ông lãnh đạo.
Cuộc đại hội của Đồng Minh Hội tổ chức ngày 30- 7- 1905 tại Đông Kinh. Tống Giáo Nhân cũng từ Thượng Hải tới tham dự, và được đại hội cử giữ nhiệm vụ lo tài chánh cho hội, vì mọi người biết Tống Giáo Nhân có nhiều liên hệ với giới tài phiệt Hoa Kỳ. Tống Giáo Nhân có bổn phận tìm ra tiền cho hội có phương tiện hoạt động. Đồng Minh Hội đã chọn đúng người. Thành quả của cuộc cách mạng Trung Hoa phần lớn do công lao tài chánh của Tống Giáo Nhân.