Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 35: Chương 35: Vụ Bắt Cóc Tưởng Giới Thạch (2)




Tưởng Giới Thạch có thói quen dậy sớm, và đứng khoanh tay trước cửa sổ mỗi buổi sáng. Sáng ngày 12- 12 tại vùng nghỉ mát đồi Ly Sơn, Tưởng cũng dậy sớm, tháo bộ răng giả đặt lên bàn ngủ cạnh giường và đứng trước cửa sổ một giờ. Nơi cư ngụ của Tưởng được 50 vệ sĩ canh gác, do một sĩ quan nổi tiếng khát máu chỉ huỵ Đúng 5:30 sáng, Tưởng đang đứng im lặng, nhìn ra rặng núi xa, bên ngoài bức tường hoa của vườn sau, thì 4 xe vận tải lớn chở 120 binh sĩ đến trước cổng. Viên tiểu đoàn trưởng ra lệnh mở cổng. Khi người gác cổng từ chối không chịu mở cổng thì binh sĩ bên ngoài nổ súng.

Tưởng Giới Thạch giật mình khi nghe tiếng súng nổ. Tưởng hoảng hốt tưởng là một cuộc phản loạn của binh sĩ cộng sản. Súng nổ mỗi lúc một rát hơn, rồi ba vệ sĩ thân tín chạy vào phòng yêu cầu Tưởng phải trốn. Tưởng vội vàng vùng chạy ra cửa sau, quên cả bộ răng giả trên bàn ngủ. Khi chạy tới cuối vườn, ba vệ sĩ khiêng Tưởng lên và đẩy Tưởng ra bên ngoài bức tường. Tưởng té xuống đất, xương sống bị trẹo và một bên mắt cá chân bị sưng tấy. Vùng đồi phía sau đầy sỏi và gai góc. Tưởng hoảng sợ chạy ngược lên đỉnh đồi, chân đạp cả vào gai góc. Mắt cá chân và xương sống Tưởng mỗi lúc một đau đớn hơn. Trong khi đó cuộc lục soát đi tìm kiếm Tưởng vẫn tiếp tục. Tất cả 50 vệ sĩ của Tưởng bị bắn chết từng người một, khi toán binh sĩ tiến vào lục soát các phòng. Khi biết chắc Tưởng đã bỏ chạy rồi thì toán binh sĩ bắt viên chỉ huy vệ sĩ của Tưởng về Tây An, và đóng đinh hắn lên cổng thành.

Toán quân phản loạn biết chắc Tưởng phải chạy lên đồi, nên tiểu đoàn bao vây ngọn đồi, và dàn thành hàng ngang tiến lên lục soát. Sau hai lần lục soát, toán quân phản loạn vẫn không tìm thấy Tưởng. Họ trở lại căn nhà nghỉ mát của Tưởng và tìm thấy bộ răng giả của Tưởng, cùng với cuốn nhật ký và một số tài liệu. Phải mất bốn giờ nữa, vào khoảng 9 giờ sáng, một tiểu đội phản loạn tình cờ trông thấy Tưởng đang cố nằm nép sát vào một khe núi bên trong. Tưởng lạnh run, mệt nhoài và đau đớn vì những vết thương ở chân và xương sống. Một người lính nhảy xuống, vác Tưởng lên khỏi hang rồi cả bọn khiêng Tưởng xuống đồi. Tưởng được xe hơi chở về Tây An, và được một đội quân nhạc dàn chào. Trương Học Lương tiến ra và dẫn Tưởng vào một căn phòng ngủ, tại đó một bác sĩ đang chờ sẵn để săn sóc vết thương cho Tưởng. Cuộc phản loạn thành công hoàn toàn, và quân sĩ của tướng Dương Hổ Thành ăn mừng chiến thắng này bằng ba ngày cướp bóc dân chúng quanh vùng.

Trương Học Lương đánh điện ra lệnh cho một lữ đoàn của mình phải chiếm phi trường Lạc Dương, nằm cách Tây An 300 cây số. Trương Học Lương sợ rằng nếu không chiếm được Lạc Dương thì Quốc dân đảng sẽ sử dụng phi trường đó để oanh tạc Tây An. Viên lữ đoàn trưởng phản đối lệnh của Trương Học Lương, và đưa bức điện tín cho viên tư lệnh Quốc dân đảng. Phi trường Lạc Dương liền được canh phòng cẩn mật, và Nam Kinh được thông báo những gì đang xảy ra tại Tây An. Quân Quốc dân đảng lập tức chiếm giữ Đông Quận, kiểm soát đèo chiến lược nằm giữa Sơn Tây và Thiểm Tây. Nhưng quân phản loạn cũng chiếm được Lan Châu, thủ đô tỉnh Cam Túc, bảo vệ được hậu phương của phe phản loạn. Trương Học Lương công bố một điện tín có chữ ký của các lãnh tụ phản loạn, yêu cầu chính phủ Nam Kinh thì hành những yêu sách sau đây: Chấm dứt nội chiến, phóng thích tù chính trị, cho phép tự do biểu tình ái quốc, cho phép các cuộc tụ họp chính trị, phải thi hành tức khắc chúc thư của Tôn Dật Tiên, và triệu tập Đại Hội Cứu Quốc ngay.

Từ lúc bị bắt, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn khủng hoảng. Tưởng từ chối không chịu ăn, không chịu ra khỏi giường. Trương Học Lương đề nghị chuyển Tưởng tới một nơi cư ngụ sang trọng hơn, nhưng Tưởng im lặng không trả lời. Mãi tới ngày 14- 12, một cố vấn người Úc đến Tây An để dàn xếp, Tưởng mới chịu chuyển sang một tư gia. Trong khi đó thì phe thân Nhật trong chính phủ Nam Kinh do bộ trưởng quốc phòng cầm đầu, phái quân đội chính phủ tiến tới bao vây Tây An, dự định dùng bộ binh, pháo binh và không quân tấn công Tây An, lấy cớ để giải thoát Tưởng, nhưng thực ra là để diệt Tưởng để lên thay Tưởng.

Tại Thượng Hải, Tống Mỹ Linh ngất xỉu khi nghe tin chồng bị bắt cóc. Khổng Tường Hy vội nắm chức quyền thủ tướng, nhưng người ta không biết lập trường của ông ta ngả về phe nào. Phe anh chị của Bố già Đỗ Đại Nhĩ thì ủng hộ bộ trưởng quốc phòng Hà Ứng Khâm, đòi hỏi biểu dương lực lượng tiến về Tây An. Giới anh chị cũng muốn loại bỏ Tưởng để dễ kiểm soát quyền hành. Nhưng Tống Mỹ Linh đã mau lẹ tới Nam Kinh để ngăn cản bộ trưởng quốc phòng mở cuộc tấn công vào Tây An. Mỹ Linh nói với bộ trưởng quốc phòng:

"Tôi kêu gọi các ông, không phải với tư cách một người đàn bà lo lắng cho sự an nguy của chồng, nhưng với tư cách một người công dân có một thái độ thực tế, để có được một giải pháp ít tốn kém nhất cho một vấn đề quốc gia trọng đại. Nhưng những gì quý vị đề nghị thi hành ngày hôm nay sẽ thực sự gây ra nguy hiểm cho Tưởng thống chế. Vì trong tâm hồn quần chúng cũng như trong tâm hồn tôi, sự an nguy của Tưởng thống chế không thể tách ra khỏi sự đoàn kết và sự tồn tại của quốc gia này vào giai đoạn trọng đại nhất của lịch sử, thì không nên bỏ lỡ bất cứ một cơ hội có thể tìm được sự giải cứu Tưởng thống chế bằng phương tiện hoà bình."

Trong khi đó, Khổng Tường Hy lên đài phát thanh tuyên bố, "Chúng ta rất quan tâm tìm cách cứu Tưởng thống chế. Tuy nhiên thái độ của chúng ta là không nên để sự an nguy của một cá nhân can dự vào quốc sách." Khổng Tường Hy có thể đứng hẳn vào phe Bố già Đỗ Đại Nhĩ, hay lời tuyên bố này nhằm mục đích không cho đối phương khai thác được sự bắt cóc Tưởng. Nhưng dù lý do nào đúng thì Tưởng Giới Thạch cũng rất hoảng sợ. Tưởng sai một cộng sự viên thân tín nhất bay về Nam Kinh với mệnh lệnh cấm tấn công vào Tây An. Tuy nhiên mười một sư đoàn Quốc dân đảng đang bao vây Tây An, và tất cả phi cơ của Quốc dân đảng đều tập trung tại Lạc Dương, sẵn sàng đợi lệnh tấn công.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.