Mắt thấy cái thuyền ba lá kia sắp đến trước mặt, Dịch Táp đột nhiên gập đầu ngón tay gõ gõ vào bánh lái: “Đi.”
Trần Hói ngạc nhiên: “Đi?”
Người đến thăm đã tới trước mặt, theo đạo đãi khách, dù gì cũng phải hàn huyên dăm ba câu cái đã chứ, việc thồ xe máy này để sau cũng được mà.
Dịch Táp cau mày: “Ăn ý một chút đi được không?”
Hiểu rồi, tên giống đực này không được hoan nghênh, cô căn bản là không muốn xã giao, nói không chừng là muốn cố ý nghênh ngang rời đi, cho hắn một đòn ra oai phủ đầu.
Hóng hớt không chê lớn chuyện, Trần Hói bỗng phấn khích lên hẳn, chân tay luống cuống cho thuyền chạy, giữa lúc luống cuống lại phạm sai lầm, không nổ được máy.
Cũng chính trong mấy giây sai sót này, Ma Cửu khua mạnh mái chèo, thuyền ba lá ghé sát lại.
Trần Hói không khỏi áy náy, cảm thấy do mình chậm chạp mà cục diện trở nên khó xử.
Nào ngờ, Dịch Tạp nhấc mí mắt lên, cất tiếng chào hỏi Đinh Thích như chẳng có chuyện gì xảy ra: “Đến rồi à?”
Đinh Thích cười: “Phải.”
“Ăn chưa?”
“Vẫn chưa.”
Dịch Táp ngoảnh đầu gọi chị Hương.
Lê Chân Hương đang mổ cá ở trong bếp, hai bàn tay dính nhớp đầy máu đi ra.
Dịch Táp hỏi chị: “Bún ban nãy có còn không chị?”
Lê Chân Hương gật đầu: “Vẫn đủ làm được một, hai bát nữa.”
“Vậy làm cho anh này một bát đi.”
Cô quay lại nhìn Đinh Thích, nở nụ cười nhiệt tình: “Tôi còn có việc, anh ăn trước đi, về rồi nói chuyện sau nhé.”
Dứt lời, lại gõ gõ bánh lái.
Trần Hói phản ứng lại được, nhanh chóng cho thuyền chạy, lần này rất suôn sẻ, Ma Cửu vội vàng chèo sang một bên nhường đường.
Khi hai bên sượt qua nhau, Trần Hói trông thấy mấy túi ni lông siêu thị lớn để trên con thuyền ba lá, bên trong nhét đầy bánh quy, sô cô la đủ màu sặc sỡ.
Chưa nhìn được xem vẻ mặt của Đinh Thích thế nào, nghĩ chắc khó xử hết sức.
Thuyền chạy một quãng xa rồi, Trần Hói vẫn trong cơn thổn thức, đại để là Người ta xách quà đến tận cửa, tốt xấu gì cô cũng nên khách sáo đôi câu mới phải.
Dịch Táp mặc kệ gã, chỉ là lúc gã bẻ lái thì hỏi: “Sao lại đi đường này? Bên kia gần hơn mà!”
Trần Hói đáp: “Đỡ phải gặp mấy thằng người Thái.”
***
Trước kia chỉ có ngư dân địa phương và người Việt Nam sống trong xóm nổi này, sau đó có thêm người Hoa. Người Thái đến muộn nhất, số lượng cũng ít nhất. Không biết có phải bởi ít người, sợ bị bắt nạt hay không mà ngày thường lúc nào cũng trưng ra cái vẻ hung thần ác sát, trải qua mấy chuyện vụn vặt linh tinh, đắc tội khắp một lượt với các hộ cũ – mãi về sau cuối cùng cũng biết mình biết ta, túm tụm lại sống ở góc tây nam, tập hợp thành một xóm trong xóm, gà chó cùng loại mà quây quần với nhau, về cơ bản thì không qua lại gì với chung quanh.
Ngoài ra, Trần Hói còn nghe được một số tin đồn, nếu đúng thật thì tuyệt đối không thể dây vào mấy thằng người Thái này.
Dịch Táp nói: “Phòng khám kinh doanh mở rộng, người Thái cũng là khách hàng, anh không thể không gặp người ta… Phải rồi, nhà thuyền của anh rộng, cho Đinh Thích cái giường đi, bao hắn ngày ba bữa, tôi gửi tiền.”
Trần Hói liếc cô: “Tại sao?”
Dịch Táp thản nhiên như không: “Nhà tôi nhỏ, với lại, con người tôi bảo thủ, trai đơn gái chiếc ở cùng một chỗ, ảnh hưởng đến danh tiết của tôi.”
Trần Hói nói: “Cô cứ nói thẳng ra là cô ghét hắn đi, không cần phải dí dỏm thế đâu.”
***
Lên bờ, xe máy vẫn dựa vào sào tre dựng thẳng như cũ. Nhà sàn dựng cao nhưng bên dưới trống không, nhìn bốn phía cũng chẳng thấy bóng dáng của ông già họ Mã đâu.
Dịch Táp ném chìa khóa xe cho Trần Hói, tỏ ý việc tốn sức này mời đàn ông làm giùm, bản thân thì phủi tay ngồi lên đống phế liệu: “Hai hôm trước ông già họ Mã kia còn nhét cho tôi một tờ thông báo tìm người, hôm nay đã chuyển đi rồi, xem ra thấy ở đây không có hy vọng.”
Trần Hói mở khóa: “Ở đâu cũng thế cả thôi, người sáng suốt nhìn cái là đã biết, con gái lão ta phân nửa là chết rồi. Một cô gái trẻ mất tích lâu như thế, không một tin tức gì, không chết còn có thể xuất hiện kỳ tích gì chứ?”
Dịch Táp nói: “Tôi cũng nghĩ vậy.”
Cô thở dài: “Tôi ấy à, hồi bé còn thích nghe chuyện cổ tích, tin vào sự tồn tại của kỳ tích, giờ thì thôi rồi, người đã già, sống thực tế hơn nên lòng dạ cũng cứng rắn.”
Trần Hói xì một tiếng: “Trước mặt tôi bảo già, cô chửi ai đấy? Mặt đến nếp nhăn còn chưa có… Cô vẫn chưa nghỉ xong à? Đi thôi!”
Dịch Táp lười biếng đứng dậy.
Đống gỗ phế liệu vốn dĩ không chắc chắn, cô ngồi xuống đứng lên một lượt, đồ đạc tức khắc ầm ầm rơi rớt, để lộ ra một góc màu xanh lam phía dưới cùng.
Dịch Táp cúi người nhìn.
Trần Hói đẩy xe máy đi được vài bước, thấy cô còn chưa đi theo, có phần mất kiên nhẫn, đang định giục cô thêm hai câu nữa thì Dịch Táp bỗng đạp mấy phát thật mạnh lên đống phế liệu khiến chúng tách rời hẳn ra.
Sau đó vẫy tay với gã: “Qua đây xem này.”
Trần Hói chẳng hiểu ra sao, gã dựng chân chống xe rồi quay lại.
Trên đất có một chiếc dép tông màu xanh, hơi cũ, là bên chân trái.
Dịch Táp nói: “Tôi có ấn tượng, đây là dép ông già họ Mã đi, nhưng chỉ sót lại một bên chân.”
Nếu bảo là người đi quẳng bỏ dép thì cũng không đến nỗi chỉ vứt mỗi một chiếc đi đâu chứ.
Cô bước qua đống phế liệu đã đổ sụp, khom người tìm kiếm một lượt xung quanh gầm nhà sàn trống trơn.
Nhìn thấy những dấu chân lộn xộn và cả vết móng tay cào vào bùn đất.
Dịch Táp trầm ngâm một lúc rồi chui ra.
Trần Hói hỏi: “Thế nào?”
Dịch Táp đáp: “Đoán chừng là có người trói đi.”
Rồi nhíu mày: “Lạ thật, gây khó dễ với một ông già làm gì nhỉ?”
Trần Hói tặc lưỡi: “Cái này khó nói lắm, có thể bán cho thuyền đánh cá làm đầy tớ này, lên thuyền rồi, ký giấy bán thân rồi là cả đời này hết cơ hội đạp được lên mặt đất. Làm từ sáng tới tối, cũng không sợ đã cao tuổi, chết thì ném xuống biển thôi… Ông đồng bào này của chúng ta thảm rồi, còn chưa tìm thấy con gái, mình đã mất tích rồi.”
Gã nói giọng sụt sùi, nhưng trong lòng chẳng lấy gì làm cảm thông: xa xứ, trốn sang nước ngoài, dừng chân ở cái nơi kiểu này, bản thân đã thảm lắm rồi, còn từng chứng kiến rất nhiều chuyện bi thảm hơn, cái kén trong lòng đã kết đến bảy tám lớp, sớm đã không còn biết thế nào là mềm lòng.
Dịch Táp ngẩng đầu nhìn những căn nhà lộn xộn trên hồ lớn: “Biết ai làm không?”
Trần Hói đáp với vẻ thờ ờ: “Ai mà chẳng có khả năng làm, nơi này làm gì có ai biết được hết về ai.”
Anh tưởng gã đàn ông chất phác kia chỉ là một ngư dân, kỳ thực dưới gầm giường hắn chất một đống súng ống bột trắng; người phụ nữ kia bẽn lẽn cười với anh, chưa biết chừng sau cánh cửa lại là xác của một kẻ vừa bị cô ta cắt đứt cổ họng…
Cẩn thận gấp bội, tự cầu phúc thôi.
Lông mày Dịch Táp cau lại: “Lần sau anh gặp mấy người đứng đầu khu dân cư thì nói với họ mấy câu, sống ở đâu cũng phải có quy củ, không thể làm bừa trước cửa nhà người ta thế này được.”
***
Chập tối, trời đổ mưa lớn.
Mưa trút xuống một cái là ngoài trời đen kịt. Trên hồ có gió, tiếng mưa rơi có vẻ đặc biệt to, trong tầm mắt chỉ toàn một mảng mờ mịt, cách nhau năm bước đã chẳng nhìn rõ người.
Trần Hói ở trên tầng hai, tầng một của nhà thuyền là bếp, phòng vệ sinh, nhà kho và chuồng nuôi cá sấu.
Giường Đinh Thích kê trong một góc nhà kho, cực kỳ đơn sơ, nói nghiêm túc thì cũng chẳng phải giường mà là hai cái bàn vuông ghép lại rồi trải một tấm chiếu cũ lên.
Đinh Thích nhìn cái giường đăm đăm, vừa cảm thấy có chút bất đắc dĩ, lại vừa có phần buồn cười.
Ngoài cửa vang lên tiếng áo mưa ni lông loạt xoạt.
Ngoảnh đầu lại nhìn, là Dịch Táp đội nón trúc, thắt nút áo mưa đi qua: “Còn vấn đề gì nữa không? Không thì tôi đi đây.”
Chợt nhớ ra điều gì: “Phải rồi, đồ anh mua đến, giữ lấy mà ăn đi. Hai hôm trước tôi vừa kiểm tra sức khỏe xong, lượng đường trong máu quá cao, bác sĩ bảo không thể ăn đồ ngọt, sợ tôi bị tiểu đường.”
Nói rồi, cô cười với Đinh Thích, cười đến là ngọt ngào. Có mấy lọn tóc bị nước mưa xối ướt nhẹp, dính vào gò má trắng nõn.
Cô có một khuôn mặt khi cười lên nhìn cực kỳ đơn thuần và vô hại, nếu đổi lại là người khác, có lẽ sẽ bị khuôn mặt này mê hoặc dễ dàng.
Nhưng Đinh Thích thì không, mấy ngày trước chính cô đã dẫn hắn vào bãi mìn.
Hắn bảo: “Dịch Táp, giữa chúng ta e là có chút hiểu lầm…”
Dịch Táp mỉm cười: “Hiểu lầm?”
Mưa lớn, sợ ướt giày nên cô đi chân trần, đôi giày được bỏ vào túi ni lông xách trên tay, túi ni lông ướt nước mưa, từng giọt nước chảy xuống đáy túi, tụ lại một chỗ, rồi lại từng giọt từng giọt nhỏ xuống.
Rơi xuống bên chân cô.
Bàn chân cô ngâm trong nước, rất trắng, hai chữ trên mắt cá chân là phần cứng rắn lạnh lẽo duy nhất cô thể hiện ra ngoài…
Đi chết.
Đinh Thích hạ giọng: “Hai hôm ấy đúng là tôi đã theo dõi cô nhưng không có ý gì khác, chỉ là xuất phát từ tò mò thôi. Biến cố Tam Giang Nguyên chết nhiều người như vậy, trong số những người gặp chuyện chỉ có mình cô sống sót, mọi người đều coi cô là truyền kỳ.”
Hắn đã nghe nói về chiếc xe mà cô đợi trong đó: thân xe loang lổ vết máu, trên nóc xe lõm thành một hình người, ngoài ra, thời điểm chiếc xe được phát hiện, cửa xe khóa chặt, lạc và vỏ lạc lăn lốc khắp nơi.
Cát-xét đang phát chuyện cổ tích, nhưng trong xe lại chẳng có ai.
Khi ấy, những người tìm kiếm cứu hộ đều cho rằng: Đứa trẻ này đã mất tích, hoặc chết rồi.
Ai ngờ lại tìm thấy cô cạnh một con suối nhỏ cách đại bản doanh của đội xe hơn mười dặm, người cuộn tròn, lạnh đến nỗi như thể đã đóng băng.
Mọi người đều cảm thấy không cứu nổi cô, chẳng ngờ sau khi nhóm lửa, lấy nước nóng tắm rửa cho cô rồi đắp chăn thì cô lại có hơi ấm.
Chỉ là liên tục sốt cao, sốt chừng bảy ngày. Nghe bảo lúc phát sốt cô cứ rì rầm nói linh tinh suốt, câu nào câu nấy đều nhắc tới chữ chết.
Đi chết đi…
Em muốn chết.
Dọa em sợ chết mất, em chỉ là một đứa trẻ con thôi mà…
Đó là phiên bản được lưu truyền rộng rãi trong ba họ ma nước.
Nhưng ở chỗ Đinh Trường Thịnh, câu chuyện vẫn còn hồi sau: Khi đám phụ nữ tắm rửa cho bé con Dịch Táp, ông cầm gậy khều khều từng món quần áo được cởi khỏi người cô ra xem.
Từ áo lót tới áo len, đến cái áo bông dày màu xanh chấm bi trắng.
Cái nào cũng rách nát, trên mỗi món đều có vết máu.
Nhưng trên người cô lại không có một vết thương nào.
….
Đinh Thích nói với giọng khẩn khoản: “Cô nhỏ như vậy mà lại tìm được đường sống trong chỗ chết, sau đó lại trở thành ma nước của nhà họ Dịch, đối với tôi mà nói, cô cực kỳ bí ẩn, cho nên tôi mới muốn quan sát cô một chút…”
Dịch Táp ngắt lời hắn: “Phải quan sát những hai ngày cơ à?”
Đinh Thích nhất thời nghẹn họng.
Dịch Táp lại mỉm cười, cô giơ tay chỉnh chiếc nón trúc, để nước mưa rơi xuống mũ chảy đi nhanh hơn: “Yên tâm đi, tôi biết anh đến làm gì.”
Bàn tay buông thõng bên người Đinh Thích thoáng nắm lại chẳng dễ gì phát hiện.
Dịch Táp tới gần vài bước, giọng nói nhỏ đến mức như đang thì thầm: “Quan sát suốt hai ngày rồi, thậm chí tôi ra khỏi thành phố cũng đi theo, chẳng qua là muốn xem xem tôi có làm chuyện gì kỳ quái không, hành vi cử chỉ có gì bất thường không thôi chứ gì…”
“Sau biến cố Tam Giang Nguyên, cha nuôi anh Đinh Trường Thịnh cứ gắt gao theo dõi tôi suốt không tha, khăng khăng cho rằng tôi có vấn đề, còn có ý định nhốt tôi lại… Kết quả thì sao, tôi lớn từng này rồi, có từng không bình thường bao giờ chưa? Kiểm tra sức khỏe đã ra vấn đề gì chưa?”
Cô cười nhạt: “Tôi lười lôi thôi với các người nên đã dời đi thật xa, thậm chí sang cả nước ngoài, chỉ muốn được yên thân. Không ngờ tay Đinh Trường Thịnh lại dài đến thế, cứ phải sai anh đến ‘thăm’ tôi mới chịu.”
Lời của cô nhuốm vẻ mỉa mai: “Ai mà chẳng biết chuyến ‘thăm’ này có ý gì.”
“Nhưng cũng chẳng sao, con người tôi chẳng có bí mật, chẳng sợ anh tới thăm. Tôi bao anh ăn ở, bao bao lâu cũng được, xem anh có thể thăm dò được cái gì?”
Nói đoạn, cô quay đầu bỏ đi, nhoáng một cái, thân hình trước cửa đã hòa vào màn mưa.
Ô Quỷ giang cánh đuổi theo.
Hai cái bóng một dài một ngắn xiêu vẹo trong mưa, bị gió thổi lung lay lắc lư giống hệt ma quỷ.
Đinh Thích đứng tại chỗ hồi lâu, mãi sau mới thở phào một hơi.
Hắn lấy điện thoại ra, gửi tin nhắn cho Đinh Trường Thịnh.
Sóng rất yếu, thanh báo tiến độ gửi tin nhắn nhấp nháy lâu lắc chẳng khác nào bị táo bón, mãi mới gửi được mấy chữ ấy đi.
Cô ấy vẫn chưa biết con đến vì mục đích gì.