Tông Hàng vốn tưởng rằng ngoài quen biết Tỉnh Tụ ra, ngày hôm nay sẽ lại tẻ nhạt không có gì mới lạ như bao hôm khác.
Không ngờ đến hơn mười giờ tối lại được đón một niềm vui bất ngờ: Tiếng đập cửa vang lên thình thình, vừa mở ra, A Phạ đã giơ di động xông vào.
Ngoạc mồm gào: “Cậu chủ, tôi tìm được rồi!”
Vất vả bao ngày cuối cùng cũng vén được mây đen soi rõ trăng tỏ, A Phạ lập công nở mày nở mặt, liến thoắng không ngừng.
—— Tóc hơi giống Mathilda. Thậm chí cậu ta còn nghĩ cách nhìn được cả hai chữ “đi chết” trên mắt cá chân người đó, trăm phần trăm không sai;
—— Chẳng trách nhiều ngày thế mà không tìm thấy cô gái, hóa ra cô ấy không sống ở Xiêm Riệp. Nghe bảo sống ở khu Hồ Lớn Tonlé Sap, cách một hai tháng mới vào thành phố vài ngày;
—— Quán rượu tuk tuk đích thực là của cô gái. Nhưng cô ấy không trông coi mà khoán cho người khác, thu tiền thuê theo tháng. Nghe người ta bảo cô ấy không chỉ cho thuê xe tuk tuk mà còn cho thuê cả mấy chiếc tàu du lịch nhỏ;
…
Tông Hàng cúi đầu, trượt xem từng tấm ảnh A Phạ chụp trên di động.
Hóa ra cô ấy trông thế này.
Rất trẻ, hẳn là trạc tuổi hắn. Cô mặc một cái áo màu trắng rộng thùng thình in chữ cái, cổ áo quá rộng nên một bên trễ xuống vai, để lộ quai áo hai dây màu đen. Quai áo hai dây kiểu dáng không theo quy cách, một bên thì mỏng, bên kia lại dày, có áo ngoài và làn da tôn lên, có ánh đèn chợ đêm bao phủ, trắng đen rõ ràng.
Kiểu tóc cũng không hẳn là giống hệt Mathilda, cô không để mái, là kiểu rối rối như tiện tay cào bừa, nhưng bởi đường nét khuôn mặt đẹp, hình dáng lông mày, sống mũi, quai hàm hoàn toàn tự nhiên, cho nên lộn xộn thế nào cũng không chướng mắt, ngược lại còn có vẻ lộn xộn một cách thoải mái.
Giữa người với người phải kể đến hợp mắt, chẳng hạn như đều là nữ minh tinh nhan sắc giá trị cao nhưng bạn lại thích cô A, không để ý đến cô B, phản cảm với cô C mà không cần một lí do gì.
Cô gái này hợp mắt Tông Hàng một cách lạ kỳ, đến nỗi chút tức giận còn sót lại của hắn nhạt đi thêm mấy phần.
Hắn lật xem ảnh hết một lượt rồi từ từ giở lại xem lần nữa và bảo: “Còn rất xinh đẹp nữa!”
A Phạ đáp: “Vâng, hút Tây lắm!”
Không sai, điều đó có thể nhìn ra qua ảnh chụp: vị trí quán rượu tuk tuk đỗ hôm nay rất đông vui, khác hẳn với vẻ vắng lặng hôm đó. Bốn năm gã Âu Mĩ trẻ tuổi nhiệt tình hồ hởi ngồi trong quán, tay áo xắn lên đến tận bả vai, cười to thoải mái, vui vẻ hò “dzô”.
Quan trọng là cô gái cũng đang cười, khóe môi cong lên, dáng mắt có phần quyến rũ, ánh nhìn lại rất trong trẻo, đứng giữa khung cảnh ấy nom thật đáng yêu, hoàn toàn là một cô gái ngọt ngào.
Người như vậy, sao hôm đó lại có thể dùng giọng dì ghẻ phun ra một câu “Ten dollar” như vậy chứ?
Nhất định là khi ấy tâm trạng cô không tốt rồi.
Tông Hàng hỏi: “Cô ấy tên gì?”
A Phạ đắc ý, cậu ta moi ra được cả tên luôn rồi nhé: “Tôi nghe đám Tây kia gọi cô ấy là Isa, I-sa.”
Lúc A Phạ phát âm, hai chữ đều kéo dài âm cuối, nghe như tiếng chuông cửa vậy.
Tính-toong.
Tông Hàng cúi đầu khen: “Tên nghe cũng bùi tai lắm!”
Tên này bùi tai chỗ nào, không phải là cái tên mấy em Tây hay dùng nhan nhản à, A Phạ cảm thấy chẳng có gì khác biệt với Mary, Lucy hay Lisa hết.
Cậu ta tiếp tục khoe công: “Tôi về cái là báo với anh Long luôn. Anh Long đã đến khu chợ đêm rồi. Cậu chủ, cậu sắp báo được thù rồi…”
Tông Hàng đột nhiên ngắt lời A Phạ: “Thằng này sao cứ nhìn cô ấy chằm chặp thế?”
Thằng gì, A Phạ chẳng hiểu ra sao sán tới.
Thấy rồi, có mấy tấm cậu ta chụp lấy khung rộng nên có thể trông thấy cách xe tuk tuk không xa có một người đàn ông cao lớn đang đứng giữa quầy côn trùng chiên và quầy nước ép trái cây, mặc áo T-shirt đen, cổ áo gài kính râm, thoạt nhìn có vẻ giống du khách, nhưng so sánh một vài tấm ảnh là có thể nhìn ra, hắn ta thực sự đang dán mắt vào Isa.
A Phạ không cảm thấy có gì lạ. Hơn nữa, tôi vất vả mãi mới chụp được cô gái này cho ông xem, ông lại đi để ý đến người qua đường đâu đâu làm gì: “Đàn ông ngắm phụ nữ là bình thường mà, xinh đẹp thì nhìn thôi.”
Vậy sao? Tông Hàng nhíu mày nheo mắt nhìn tấm ảnh.
Với trực giác từng xem rất nhiều phim tội phạm của hắn, tên đàn ông này chắc chắn có vấn đề.
***
Tông Hàng và A Phạ vừa xem TV vừa đợi Long Tống trở lại.
Khách sạn có kênh riêng, để giới thiệu phim điện ảnh và truyền hình. Sáng tác nghệ thuật của Campuchia không tính là phong phú, nên đa số đều là phim nước ngoài, song, hoặc nhiều hoặc ít đều có dính dáng đến Campuchia. A Phạ nói Tông Hàng mới biết, đoạn cuối phim “Tâm trạng khi yêu (*)” có lượt click nhiều nhất được quay ở Angkor bé nhỏ, chính là cái Angkor bé nhỏ mà hắn lượn chưa tới nửa tiếng đã phủi mông bỏ đi.
(*) Tên tiếng Trung: 花样年华 (Hoa dạng niên hoa), tên tiếng Anh: In the mood for love (2000), là một bộ phim kinh điển của điện ảnh Hồng Kông do Vương Gia Vệ đạo diễn với hai diễn viên chính là Lương Triều Vĩ và Trương Mạn Ngọc, được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh châu Á mọi thời đại.
Mà bộ phim “Tomb Raider” có điểm vote cao nhất, Angelina Jolie đã không ít lần đặt mình vào giữa đống tàn tích bí ẩn, cây cổ thụ cành lá chằng chịt như mãng xà chọc thẳng lên trời từ những tảng đá khổng lồ, là lấy cảnh ở đền thờ Ta Prohm.
Không sai, chính là Ta Prohm mà Tỉnh Tụ nhắc tới.
Nói đến Tỉnh Tụ, Tông Hàng để ý thấy, vị khách người Hồ Khẩu kia của cô hình như vẫn chưa quay lại. Bởi Tỉnh Tụ cứ lượn lờ ngoài ban công suốt, ho sù sụ, mở loa ngoài nghe nhạc, có một lần còn gọi hắn ra ngoài tán gẫu.
Tông Hàng vặn to âm thanh TV lên, giả vờ không nghe thấy.
Nói sao nhỉ, hắn và cô ấy là hai kẻ đi trên hai con đường khác nhau, tóm lại…vẫn nên…ít tiếp xúc thì hơn!
Mười một rưỡi, rốt cuộc cũng đợi được Long Tống về.
Khỏi phải mở miệng hỏi, vẻ mặt bại trận của Long Tống đã nói lên tất cả.
Hóa ra cô ấy tên là Dịch Táp, du khách Tây đại khái là để tiện phát âm đã gọi cô ấy là Isa, dấu má thanh điệu đúng là diệu kỳ, không có dấu thì sặc sụa mùi Tây Âu sực nức mà có dấu vào lại hoá ngay tiếng ta không lẫn vào đâu được. (*)
(*) Dịch Táp tiếng Trung phát âm là [Yì Sà], khi đọc không có thanh điệu thì sẽ thành Isa, giống như hãng chăn ga gối đệm Dunlopillo khi vào Việt Nam từng thêm dấu vào tên hãng, đọc lái đi thành slogan quảng cáo “Đừng lo bị lỗ” vậy, hừm…
Long Tống kể, mới đầu, không khó để tìm chủ đề giao tiếp với Dịch Táp, sau khi nói rõ mục đích đến ra, cô cũng chẳng thể hiện rõ vẻ không vui, chỉ qua loa nói là nhiều việc nên không nhớ.
Long Tống kiên trì thêm, cô cũng không vòng vo: “Tôi không muốn lôi thôi.”
Kẻ làm ăn coi trọng hòa khí sinh tài, sợ rắc rối, Long Tống cũng là người làm ăn nên rất hiểu điều này.
Vì vậy y nói thẳng toẹt ra câu “có thể trả thù lao”.
Nhưng câu này đã chạm phải vảy ngược của Dịch Táp. Cô nốc một ngụm rượu trong cái ly có hình dáng giống quả lựu đạn trong suốt.
Sau đó hỏi y: “Trông tôi giống thiếu tiền hả?”
Ánh mắt rất xem thường, giọng điệu rất xem thường, đến cả kiểu tóc lộn xộn cũng tỏ rõ vẻ xem thường của sự lộn xộn.
Long Tống làm khách sạn, hằng ngày tiếp xúc với vô số người nên y biết khi trọng tâm câu chuyện đã đi đến giọng điệu và ánh mắt này thì tốt hơn hết là chớ biết khó mà còn xông lên.
Phải nhẹ nhàng, phải lùi lại, lùi rồi mới có khả năng tiến lên nữa.
Vì lẽ đó, Long Tống bại trận trở về, dự định để hôm sau đi thử thêm một chuyến nữa. Song trong lòng y cũng không có quá nhiều ác cảm với cô gái Dịch Táp này. Đại khái là liên quan tới công việc, từng gặp một cơ số bọn đầu trâu mặt ngựa ngang bướng càn quấy rồi, cảm thấy người như cô không khó nói chuyện, mà dù cô có không muốn giúp thì cũng là chuyện thường tình.
Cơ mà A Phạ thì lại đầy một bụng tức. Họ là dân làm ăn, không phải nhân viên công vụ mánh khóe chồng chất, chẳng dễ gì mới tìm được người, lại không chịu hợp tác thế này, tiếp theo phải làm sao đây? Cậu chủ ăn đòn vô ích à? Cô gái này rõ thật là ích kỷ, tàn nhẫn lạnh lùng, u ám, giả dối, tâm lý vặn vẹo phản xã hội.
Tông Hàng ba phải hết sức: “Thôi bỏ đi, tôi cũng có thể hiểu được. Hai gã người Cam giơ tay lên cái là đánh người, chắc chắn là phường côn đồ địa phương. Cô ấy một thân một mình làm ăn buôn bán nhỏ, không dám đắc tội với loại người như vậy, nhiều một chuyện chi bằng bớt một chuyện, là rất bình thường!”
A Phạ kích động: “Bình thường gì chứ? Lúc cô ta bán đứng cậu còn đòi mười đô la đấy, thế cũng bình thường à?”
Tông Hàng đáp: “Thực ra… cũng không gọi là bán đứng, cô ấy đâu có nhận lời giúp tôi đâu, là do bản thân tôi chưa được sự đồng ý của người ta đã chui thẳng vào quán rượu. Với lại, chưa chắc cứ có khuôn mặt Trung Quốc thì đã là người tốt, lỡ tôi là kẻ xấu thì sao? Khi ấy gã người Cam còn đang bị thương, tay cẳng máu me be bét đuổi tới, có là tôi cũng chẳng phân biệt rõ được…”
A Phạ nghe hắn nói mém chút hộc máu: “Cậu chủ, là tôi bị đánh hay anh bị đánh hả? Rốt cuộc cậu đứng về bên nào thế?”
Tông Hàng trả lời: “Tôi cảm thấy, làm người bụng dạ nên rộng rãi tí, tha được người ta chỗ nào thì nên tha, đừng tính toán chi li như vậy.”
Không ngờ lời này lại giành được sự tán thưởng của Long Tống: “Tính cách này của Tông Hàng là phải lắm, bụng dạ rộng rãi, tôi bảo cậu này, những kẻ tính toán chi li, vì chút chuyện cỏn con mà ghi thù đến tám năm, mười năm đều chẳng sống được lâu đâu. Tông Hàng thế này sống sẽ rất thọ.”
Bỗng dưng được khen, Tông Hàng như mở cờ trong bụng, lại nghĩ hiện giờ trong nước phổ biến cách nói “nhà Phật”, fan nhà Phật, người tiêu dùng nhà Phật, hắn đây chắc được coi là người bị hại “nhà Phật” nhỉ.
Nhưng A Phạ chẳng nghĩ thế. Sau khi rời phòng, đi cùng Long Tống xuống cầu thang, cậu ta nói: “Cậu chủ này của chúng ta có vẻ hơi thiếu đầu óc.”
Long Tống trừng mắt lườm A Phạ một cái, đồng thời nghiêng người, nhường đường cho một vị khách vừa đi lên cầu thang.
Kỳ thực cầu thang của khách sạn đủ rộng, căn bản không cần phải nhường. Song, là nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, theo nghề đã lâu thì ít nhiều đều sẽ có ý thức nghiêng người khi gặp khách, nhấn giúp số tầng lúc đứng cạnh thang máy.
Đó là một vị khách nam giới, trẻ trung cao lớn, mặc T-shirt màu đen, quần bò ống thẳng, chân đi giày thể thao màu trắng.
Long Tống cảm thấy vị khách này hơi quen mắt, hình như vừa trông thấy ở khu chợ đêm thì phải.
Y quay đầu, dõi mắt nhìn vị khách đi tới trước một gian phòng rồi mở cửa bước vào.
Khéo thật, ở ngay cạnh phòng Tông Hàng.
***
Nghe thấy tiếng cửa, Tỉnh Tụ không nén nổi nụ cười.
Cô nàng có cảm giác như đang rơi vào lưới tình.
Tỉnh Tụ thường thích khách hàng của mình, buông thả bản thân rơi vào những mừng vui ngọt ngào đơn phương. Đối với Tỉnh Tụ mà nói, cô chỉ “giao dịch” với khách hàng mà mình thích, đây chính là tình yêu, chẳng qua mỗi mối tình đều ngắn ngủi mà thôi. Thực ra cô rất sẵn lòng bước lên mỗi con thuyền chở cô đi, nhưng là họ không muốn, giương buồm đi xa, bỏ cô lại một mình trên bờ.
Tỉnh Tụ biết sau lưng có không ít chị em thầm cười cô là ngốc nghếch, hồ đồ, mơ mộng hão huyền, có phải say rượu rồi không, nhưng thì đã sao chứ, đã đến thế gian này, ai mà chẳng có một trận túy lúy. Thanh tỉnh đều là cao tăng phật đà, hồ đồ mới có thể rơi nhập hồng trần.
Người đàn ông vừa vào tên là Đinh Thích, chính là người yêu hiện tại của Tỉnh Tụ.
Chữ “Thích” tên hắn cũng thật hiếm gặp, cô vốn không biết đọc thế nào, trên hộ chiếu chỉ viết là “Thich”, nhưng không có dấu má vần điệu gì cả, ban ngày cô đi tra mới biết là dấu sắc, xem giải thích liên quan, bên sông Hoàng Hà ở khu vực núi Lữ Lương, Sơn Tây có một trấn cổ tên là Thích Khẩu, chính là chữ “Thích” này. (*)
(*) Là chữ này: 碛 [qì], tiếng Trung nếu chỉ nhìn chữ thôi thì không biết được cách phát âm nên Tỉnh Tụ nhìn tên chữ Hán của Đinh Thích mới không biết phải đọc thế nào.
Tỉnh Tụ nảy sinh vô số liên tưởng về hắn. Tên hắn cùng một chữ với trấn cổ bên sông Hoàng Hà, quê nhà lại ở gần thác Hồ Khẩu sông Hoàng Hà, chắc chắn là có liên quan tới con sông lớn vàng đượm những con sóng màu đất kia. Yêu ai yêu cả đường đi, trước đây cô thích sông Mê Kông nhất, là bởi ở gần nhất, có thể chạm vào được.
Nhưng bắt đầu từ hôm nay đã đổi sang yêu sông Hoàng Hà rồi.
Đinh Thích đi tắm trước. Tỉnh Tụ đến trước cánh cửa khép hờ, hỏi hắn qua tiếng nước xối rào rào: “Mát xa không anh?”
Đinh Thích “ừ” một tiếng.
Tỉnh Tụ đi chuẩn bị, đóng cửa kính, kéo tấm rèm trắng, vặn đèn tối lại, thay bộ đồ thợ mát xa, đốt nến thơm.
Nến thơm có tinh dầu hương trầm, sau khi nghe nói thứ tinh dầu này được rất nhiều tôn giáo ưa chuộng, lúc Tỉnh Tụ mát xa cho khách thường cố định dùng mùi này. Cô thích cảm giác của bầu không khí chốn thờ phụng, cảm giác nghi lễ, cảm giác thần bí, và cả mùi hương.
Mát xa tốt cũng phải như vậy, làm cho cơ thể con người nhẹ nhõm, thả lỏng tinh thần, hưởng thụ sự thoải mái trong vòng nửa nén hương.
Tắm xong, Đinh Thích vừa đi ra vừa cầm khăn lông lau tóc, hắn mặc mỗi cái quần lót màu đen, trên các cơ bắp căng chặt lấm tấm những giọt nước chưa khô.
Hắn nằm sấp lên giường, bảo: “Em cũng chuyên nghiệp đấy!”
Tỉnh Tụ cười. Cô đương nhiên là chuyên nghiệp rồi. Ngón tay vuốt ve qua thớ thịt của hắn, biết được chỗ này chỗ kia có nhão không, có căng không, có tiêu hao quá độ không.
Dựa theo trình tự, đầu tiên cô bắt đầu từ chân, nhấn ngón tay, nhấn bàn tay, nhấn khuỷu tay, đẩy, bóp, nhào, vỗ, chuyển. Người trong nghề gọi mát xa Thái là “yoga thụ động”, cần hai người tiếp xúc cơ thể, mượn lực dùng sức. Mỗi lần mượn lực đều có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ và dẻo dai trong gân cốt của cơ thể Đinh Thích đang kề sát.
Tông Hàng nên tập luyện một chút, ngày mai có cơ hội, cô phải bảo hắn mới được, cái gọi là cơ thể này, ban đầu là nó ban thưởng cho cậu, về sau chính là cậu ban thưởng cho nó, đừng tưởng ỷ vào sức trẻ là có thể kéo dài, sau này có tuổi rồi, cậu không rèn luyện nó, sớm muộn nó cũng sẽ trả cho cậu một đống thịt mềm xương mục.
Nhấn một hồi chìm vào mơ mộng, Tỉnh Tụ dịu giọng hỏi Đinh Thích: “Hôm nay anh bận gì thế?”
Thợ mát xa phải căn chuẩn thời gian trò chuyện thích hợp với khách hàng, đừng sợ làm phiền anh ta: Nếu anh ta mệt rồi, nói dăm ba câu sẽ giúp anh ta thiếp đi, nếu không mệt cũng sẽ giúp anh ta thư giãn.
Đinh Thích như thoáng mỉm cười. Hắn vùi mặt vào gối nên nụ cười có hơi mơ hồ. Sau đó hắn mò lấy di động ở đầu giường, vào ảnh chụp rồi đưa cho Tỉnh Tụ.
Tỉnh Tụ chà chà bàn tay dính đầy dầu mát xa vào hông áo, tiếp đó nhận lấy.
Cô vừa nhìn đã nhận ra ngay đây là khu chợ đêm, trong ảnh chụp một cô gái trẻ, để kiểu tóc bob bông xù nhẹ, cười rất đẹp, ánh mắt trong trẻo. Hẳn là phần lớn đàn ông đều thích kiểu em gái ngọt ngào này.