Bác Sĩ Zhivago

Chương 167: Chương 167




"Ở Moskva? Ở Moskva", mỗi bước lại vang lên trong lòng chàng mấy tiếng ấy, khi chàng leo lên các bậc thang bằng gang lần thứ ba. Căn phòng vắng người lại đón chàng bằng tiếng rậm rịch của lũ giặc chuột đang nhảy, ngã, chạy nháo nhào tán loạn. Zhivago hiểu rằng, bên cạnh lũ giặc này, chàng sẽ không thể chợp mắt được một phút, dù chàng mệt mỏi đến mấy đi chăng nữa. Vì thế, việc đầu tiên trước khi nằm nghỉ là bít các hốc chuột lại. May thay, trong buồng ngủ không nhiều hốc chuột như ở các phòng còn lại. Ở đây ván sàn và chân tường long lở nhiều hơn. Nhưng phải khẩn trương. Đêm đã gần kề. Kể ra trên chiếc bàn trong bếp có một cây đèn, chắc là chuẩn bị sẵn cho chàng, nên đã được gỡ từ trên tường xuống và đổ lưng bầu dầu, cạnh đèn có một hộp diêm hé mở, bên trong chàng đếm được đúng mười que. Nhưng cả diêm lẫn dầu nên để dành thì tốt hơn. Trong buồng ngủ, chàng còn thấy một đĩa đèn dầu thực vật chỉ còn bấc, chứ dầu đã cạn, chắc vì bị lũ chuột liếm sạch.

Ở một số chỗ tiếp giáp giữa chân tường và sàn nhà có các lỗ hổng. Zhivago dùng kính và chai lọ vỡ nhét vào đó mấy lớp, cạnh sắc chĩa vào trong. Cánh cửa buồng ngủ dính khít với khuôn cửa, nên khi khép chặt lại, có thể ngăn cách hẳn buồng ngủ với phần nhà còn lại. Zhivago làm xong tất cả mọi việc ấy trong vòng hơn một giờ.

Góc buồng ngủ bị cắt nghiêng bởi một lò sưởi mặt ngoài lát gạch men, đỉnh lò không chạm tới trần nhà. Trong bếp có củi dự trữ, chừng mười bó. Zhivago quyết định bóc lột của Lara hai bó. Chàng quỳ một bên gối xuống sàn, lấy củi đặt lên tay trái, mang sang buồng ngủ, xếp cạnh lò sưởi, tìm hiểu cấu tạo của cái lò và nhanh chóng xác định được tình trạng của nó.

Chàng muốn khoá cửa buồng lại, nhưng ổ khoá bị hóc, đành gấp một miếng giấy thật dày như thể làm nút chai, để chèn cho cánh cửa khỏi bật ra, đoạn thong thả nhóm lò sưởi.

Khi xếp củi vào lò, chàng thấy mặt trên cắt ngang của một thanh củi có ghi dấu hiệu. Chàng kinh ngạc nhận ra nó.

Đó là dấu ngày xưa người ta đóng trên những khúc gỗ tròn chưa cưa, để chỉ nó thuộc kho gỗ nào. Hai chữ cái C và Đ này, vào thời cụ Cruyghe, được đóng vào mặt cắt những cây gỗ thuộc kho Kulabysevski ở Varykino, hồi các nhà máy bán ra số gỗ thừa làm củi đốt.

Sự hiện diện những thanh củi loại này ở nhà Lara chứng tỏ nàng quen biết Samdeviatov và ông ta săn sóc nàng cũng như ngày trước ông ta từng cung ứng cho gia đình chàng mọi thứ cần dùng. Phát hiện này như một mũi dao chọc vào tim chàng. Trước đây, sự giúp đỡ của Samdeviatov đã khiến chàng nặng lòng, bây giờ lại thêm những cảm giác khác chồng chất thêm vào cái gánh nợ ấy.

Chắc gì Samdeviatov săn sóc Lara chỉ vì lòng tốt. Zhivago hình dung cái tác phong phóng túng của Samdeviatov và cái tính nông nổi đàn bà của Lara. Thể nào giữa hai người cũng phải có chuyện gì.

Trong lò, những thanh củi khô nỏ của kho gỗ Kulabysevski đồng loạt bén lửa nổ tí tách và cháy bùng lên, nỗi ghen tuông mù quáng của Zhivago theo đà đó cũng từ ức đoán mơ hồ biến thành niềm tin chắc chắn.

Nhưng tâm hồn chàng chất chứa nhiều nỗi giày vò đến mức nỗi đau này tự gạt bỏ nỗi đau kia. Chàng có thể phó mặc các mối hồ nghi ấy. Các ý nghĩ tự chúng cứ nhảy từ đối tượng này sang đối tượng khác, chả cần đến nỗ lực của chàng. Những ý nghĩ về người thân trong gia đình chàng lại ào tới với sức mạnh mới, làm nguôi đi tạm thời sự ghen tuông tưởng tượng của chàng.

"Vậy là, những người thân yêu của tôi ơi, các người đang ở Moskva ư?" Chàng có cảm tưởng chị thợ may Galina đã quả quyết với chàng rằng họ đã về tới thủ đô bình yên vô sự. "Vậy là các người lại trải qua cuộc hành trình vất vả, dài đằng đẵng ấy mà không có tôi ư? Các người đã về đến nơi trót lọt chứ?

Lệnh triệu hồi giáo sư Gromeko là thế nào? Chắc Học viện lại mời giáo sư về giảng dạy ở đó chứ gì? Các người trở về thấy nhà cửa ra sao? Mà tôi hỏi ngớ ngẩn quá, còn nhà còn cửa gì được nữa cơ chứ? Ôi, lạy Chúa, thật là phũ phàng đến đau lòng! Ôi, thôi đừng nghĩ, đừng nghĩ nữa? Đầu óc cứ rối như tơ vò? Anh làm sao thế này, hở Tonia? Hình như anh ngã bệnh thì phải? Điều gì sẽ xảy ra với tôi và với tất cả các người, Tonia, Tonia yêu dấu của anh, Tonia, Xasa, giáo sư Gromeko? Ôi sao Người lại không cho con được thấy dung nhan Người, ánh sáng muôn đời của chúng con? Vì sao suốt đời Người bắt chúng con phải xa cách nhau? Nhưng rồi ít lâu nữa chúng ta sẽ lại được quây quần bên nhau, phải vậy không? Tôi sẽ tìm về gặp kỳ được các người, dù phải đi bộ lăn lộn suốt chặng đường dài. Chúng ta sẽ gặp nhau. Mọi chuyện nhất định sẽ êm đẹp, phải vậy không?

Nhưng ơ hay, sao đất vẫn dung tôi, khi tôi cứ mãi quên rằng Tonia đã phải sinh nở một lần nữa? Đây không phải là lần thứ nhất tôi đãng trí như vậy. Nàng sinh nở ra sao? Trên đường về, họ đã dừng chân ở Yuratin. Tuy Lara chưa biết họ, nhưng một người hoàn toàn xa lạ, như chị thợ may thợ kiêm hớt tóc kia còn tỏ tường số phận của họ, vậy mà Lara không thèm đả động một lời về họ trong bức thư kia. Sao nàng có thể vô tâm, hờ hững lạ lùng đến thế? Thái độ ấy cũng khó hiểu y như việc nàng lờ đi quan hệ giữa nàng với Samdeviatov".

Bây giờ Zhivago nhìn các bức tường buồng ngủ bằng ánh mắt soi mói khác trước. Chàng biết rằng mọi đồ vật kê hoặc treo xung quanh đây đều không phải là của Lara, rằng cách trang trí của những chủ nhân cũ, những người chả hiểu là ai và trốn đi đâu, hoàn toàn không thể nói gì về thị hiếu của Lara.

Dầu vậy, tự dưng chàng bỗng khó chịu giữa những người đàn ông đàn bà ở trong các bức ảnh phóng to đang từ trên tường nhìn xuống. Các thứ đồ gỗ bày biện phi nghệ thuật kia toát ra vẻ thù nghịch đối với chàng. Chàng cảm thấy mình là kẻ xa lạ, là người thừa trong buồng ngủ này.

Vậy mà ngu thay, đã bao lần chàng hồi tưởng, buồn nhớ ngôi nhà này và đã bước vào đây không phải như vào một nơi cư ngụ: nơi đây là tất cả nỗi nhớ nhung của chàng đối với Lara! Chắc người ngoài sẽ thấy sự cảm nhận của chàng lố bịch lắm!

Những người đàn ông điển trai, có sức mạnh và đầu óc thực tế, như Samdeviatov, liệu có sống, có hành động và nói năng như thế chăng? Và tại sao Lara lại phải chọn cái sự thiếu bản lĩnh của chàng, cái ngôn ngữ tối tăm phi thực tế của tình yêu mà chàng biểu lộ? Nàng cần đến sự rối rắm đó ư? Chính nàng có muốn là một người như chàng mong ước chăng?

Mà nàng là người như thế nào đối với chàng, theo cách diễn đạt vừa rồi của chàng nhỉ? ồ, trước câu hỏi này, chàng luôn luôn có sẵn câu trả lời.

Ngoài trời đang là buổi chiều xuân. Không khí được đánh dấu bằng các âm thanh. Những giọng nói của bầy trẻ đang chơi đùa bị ném tản mát ở các địa điểm xa gẩn khác nhau, tựa hồ muốn chứng tỏ rằng không gian đang tràn ngập sự sống. Và cái phương xa này là nước Nga, người mẹ, người tuẫn giáo, kẻ ương ngạnh, kẻ điên rồ lừng danh bốn biển năm châu, không gì sánh nổi, muôn vàn đáng yêu của chàng, nó cứ đùa giỡn bày ra những trò tinh quái mãi mãi kỳ vĩ và bi thảm mà người ta không bao giờ có thể tiên liệu nổi. Ôi, tồn tại mới ngọt ngào làm sao? Ôi sống trên đời và yêu đời mới ngọt ngào làm sao! Ôi luôn luôn ta cứ muốn nói lời cảm ơn chính cuộc sống, chính sự tồn tại, muốn nói thẳng điều đó vào mặt nó?

Đấy, Lara là như thể đó. Tuy không trò chuyện được với những thứ kia, nhưng chúng đã có người đại diện là Lara, nàng là hiện thân, là năng lực nghe và nói được ban tặng cho các nguyên lý không biết nói của sự sống.

Cho nên tất cả những gì chàng vừa nghĩ về nàng trong phút nghi ngờ đều là sai, ngàn lần sai. Mọi thứ ở nàng đều toàn thiện toàn mỹ?

Những giọt lệ thán phục và hối hận che mờ mắt chàng. Chàng mở cửa lò sưởi và dùng que cời đẩy những thanh củi đang cháy rất đượm vào trong cùng, còn những mẩu cháy dở thì kéo ra gần cửa lò là nơi hút khí mạnh nhất. Chàng để ngỏ cửa lò một lát. Chàng thích thú cảm nhận trò chơi của hơi ấm và ánh lửa trên mặt và hai cánh tay. Ôi lúc này chàng thấy thiếu nàng xiết bao, giây phút này chàng cần biết mấy một cái gì phát toả từ nàng khiến giác quan của chàng có thể cảm nhận được!

Chàng rút lá thư đã nhàu trong túi ra. Lá thư gấp mặt trong ra, trái với nếp gấp cũ mà chàng đọc lúc chiều. Bây giờ chàng mới biết nàng còn viết kín cả mặt sau của tờ giấy.

Chàng vuốt lại tờ giấy cho khỏi nhàu và đọc dưới ánh lửa bập bùng của lò sưởi:

"Chắc anh cũng biết gia đình anh đang ở Moskva, Tonia sinh con gái". Tiếp đó có mấy dòng bị gạch xoá, kế đến: "Em gạch đi, vì viết như thế trong thư thì hơi ngớ ngẩn. Gặp nhau, chúng mình sẽ tha hồ nói chuyện với nhau. Em đang vội, phải chạy đi mượn ngựa. Em chưa biết sẽ làm thế nào, nếu không kiếm ra ngựa. Sẽ vất vả, vì em cho cả bé Katenka theo…" Cuối câu bị nhòe, không đọc được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.