Bạch Cốt Đạo Cung

Chương 11: Chương 11: Bản ngã tướng




Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

Làn gió mát buổi đêm hiu hiu thổi, hơi lạnh làm tản mác cái oi bức và bụi bặm của ban ngày, nhưng lại không thổi sạch được tạp niệm trong lòng chúng sinh.

Những người ở phía trước Thông Thiên Quán đều đã trở xuống chân núi, nhưng lại vẫn chưa giải tán mà tụ tập thành từng nhóm hai, ba người. Họ vẫn đang bàn tán về Thanh Dương Tử.

“Nếu kẻ này không phải là Thanh Dương Tử, mà cũng không đến từ Thiên Diễn Đạo Phái thì sao?” Có người lên tiếng hỏi.

Bố Công tử cười khanh khách, nói:“Bản tính của Bất Chấp vốn quái gở. Đã nhiều năm như vậy, các vị đã bao giờ nghe nói lão có giao tình đặc biệt với người nào chăng? Vậy thì còn có ai khác sẽ vì lão mà đắc tội với Liệt Viêm lão tổ?”

Quả thực gã này nói không sai. Bất Chấp tu hành đã trên hai trăm năm, mà bằng hữu chẳng có mấy người, kẻ đối địch đương nhiên cũng không. Thiên tư tu hành của lão chỉ thường thường bậc trung, có thể cát cứ lấy một nơi thế này giữa cõi thiên địa cũng là nhờ lão đã nỗ lực rất nhiều.

Tu vi của lão chưa đến chỗ trác tuyệt. Khi trước, lão vô danh bặt tiếng, mãi cho đến khi Lạc Hà Sơn trở thành Thăng Tiên Đài rồi, mọi người mới biết nơi này có một ngôi Thông Thiên Quán.

“Thông Thiên Quán”, nghe qua có vẻ bá đạo vô song, nhưng tu vi của người trong quán chỉ ở mức bình thường.

Lúc Lạc Hà Sơn trở thành Thăng Tiên Đài, Bất Chấp(*) hãy còn nhỏ. Sư phụ của lão lúc ấy một lòng muốn gia nhập Thiên Diễn Đạo Phái, song cuối cùng cũng không thể độ được thiên kiếp mà qua đời. (*) Trong nguyên tác ghi là Linh Thông Tử, người dịch cho là tác giả có sự nhầm lẫn nên đã sửa lại thành Bất Chấp

Bất Chấp Đạo Nhân tiếp quản Thông Thiên Quán. Cũng như sư phụ mình, lão một lòng muốn bái sư vào Thiên Diễn Đạo Phái, nhưng rốt cuộc lão cũng không thực hiện được. Về sau, lão đã gần như từ bỏ ý định ấy, chỉ thu nhận duy nhất một đệ tử, chính là Thanh Dương Tử.

“Nghe đâu lão vẫn luôn đợi tiểu đệ tử Thanh Dương Tử, người đã được chọn vào Thiên Diễn Đạo Phái ấy, trở về độ lão.”

“Ha ha, lão đâu có ngờ người mà lão chờ đợi đã bị trục xuất khỏi Thiên Diễn Đạo Phái từ hai mươi năm trước rồi.”

Một lão già tóc bạc đột nhiên cất lời: “Liệt Viêm lão tổ không đến, thì ngày mốt trong Thăng Tiên Đại Hội, lão cũng sẽ…”

Lão già không nói tiếp lời phía sau, song những người có mặt tại đó dường như đều hiểu rõ ý của lão.

oooOoOoOooo

Thanh Dương Tử đứng trước Thông Thiên Quán. Y ngẩng mặt nhìn bầu không. Trời đêm nơi đây không tinh tú cũng không trăng, trăng sao sẽ chỉ xuất hiện vào những ngày đặc biệt.

Lời của những tu giả dưới chân núi, y đều đã nghe cả. Đây là thần thông y có được khi oán ma hiển hóa thành pháp tướng. Lúc oán ma hãy còn chưa hiển hóa hết thành hình, y đã biết thiên ma pháp tướng này có thể đem đến cho y những thần thông như “Quán nhân hồn phách”, “Sát nhân tâm ý”, “Phong văn oán ngữ”… (*)

(*) Ý nghĩa của các phép thần thông theo thứ tự: “thấy được hồn phách của con người”, “quan sát được tâm ý của kẻ khác”, “nghe được oán ngữ truyền trong gió” (“sát” trong “sát nhân tâm ý” là “sát” trong “quan sát”, không có nghĩa là “giết”).

Đây là sự kỳ diệu y có được sau khi tu thành “Tha tâm thiên ma hiển diệu thiên”. Đệ tử Thiên Diễn Đạo Phái sau khi tiểu thành Thiên Diễn Đạo Quyết cũng vậy, có thể đạt được một vài linh lực, chẳng hạn “Khán phá huyễn tướng”, “Kích sát nhân tâm chi thiên ma”… (*)

(*) Theo thứ tự: “nhìn thấu huyễn tướng”, “giết thiên ma trong tâm người”.

Thanh Dương Tử trầm tư đứng đấy. Trong thế giới tâm linh của y cũng có một người đang đứng thinh lặng như thế.

Đó chính là bản ngã tướng của Thanh Dương Tử.

Khi muốn ngưng kết nên bất kỳ một loại thiên ma nào trong số hai mươi bốn tướng thiên ma, đều buộc phải ngưng kết bản ngã tướng trước. Bằng không sẽ đánh mất chính mình bởi sự lấn át của thiên ma đã thành hình. Bản ngã tướng của Thanh Dương Tử đã được ngưng kết từ năm y trở thành quốc sư Ô Phượng Quốc.

Qua mấy năm nay, bản ngã tướng của Thanh Dương Tử đã hiện rõ tai, mắt, mũi, miệng. Những lời nói từ ngoại giới ấy hóa thành từng tia lửa điện mỏng manh trong tâm y, công kích lên bản ngã tướng của y.

Mối tương thông giữa y với bản ngã tướng còn giúp Thanh Dương Tử có được một phép thần thông nữa. Thần thông này, y tự mình đặt tên là “Giác”. “Giác” ấy chẳng qua là một dạng năng lực cảm ứng âm thầm đối với chính bản thân y.

Lúc này, y có thể cảm nhận được một làn quang ánh màu máu đương bao phủ lấy mình. Huyết quang đại diện cho sát ý. Sát ý này sẽ đạt đến đỉnh điểm vào trưa mai.

Mối cảm ứng tựa như huyễn tướng này chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc. Sau khi mối cảm ứng ấy tan biến, y sẽ chẳng còn cảm nhận được gì nữa.

Một làn gió mát rười rượi thổi qua.

Thân xác của Thanh Dương Tử theo gió tản mác.

oooOoOoOooo

Trong Liệt Viêm Ma Cung xa xôi, có một người đột nhiên mở trừng hai mắt.

Người đó đang đả tọa giữa hư không, dưới thân là một khối đá đỏ như lửa. Khối đá bằng phẳng, bên trên có những vết phù văn kỳ dị, lại có lửa đỏ rừng rực bốc lên. Người kia bấy giờ đang ngồi trên ngọn lửa.

Chỉ thấy lão cất tay ấn vào giữa khoảng hư không trước mặt, quanh mép bàn tay có lửa bùng lên. Vùng hư không tựa như sáp tan chảy, lưu lại một dấu ấn hình bàn tay hết sức rõ ràng. Ngay giữa chưởng ấn có một lỗ hổng, từ lỗ hổng ấy có thể trông thấy được Thông Thiên Quán.

Lão vươn tay điểm vào Thông Thiên Quán, bỗng thấy trong quán có một người đang bị trấn yểm dưới một tòa thạch sơn, chỉ còn ló ra mỗi cái đầu. Lão có thể nhìn ra người đang bị đè đó chính là đệ đệ ruột thịt của lão.

Cách nơi đệ đệ lão bị đè không xa, có một người đang đứng đấy. Trước mặt y có một cái bàn, trên bàn bày biện vài thứ. Y bấy giờ đang chấp bút, cúi đầu viết gì đó, dường như y hoàn toàn không biết mình đang bị kẻ khác theo dõi.

oooOoOoOooo

Người đang ngồi trên ngọn lửa chính là Liệt Viêm lão tổ.

Người trong thiên hạ đều cho lão tàn nhẫn hiếu sát, tiếng hung của lão lẫy lừng, chứ đâu biết “Viêm Ma Chân Giải” mà lão tu hành cần lão không ngừng thách thức chính mình, buộc lão phải giữ được sự thanh tịnh trong lòng dù thân nơi sát giới. Nhục thân hòa với liệt hỏa làm một, cuối cùng hóa thân thiên hỏa.

Dạo gần đây, tâm lão thường kinh động, cảm giác tựa như “kiếp” đã sắp đến. Vậy nên lão cứ ở lì nơi sâu nhất trong Liệt Viêm Ma Cung, dùng lửa nóng từ lòng đất để tôi luyện nhục thân. Bây giờ lão đã rõ, sự kinh động ấy xuất phát từ một chút tình thân sau cùng còn sót lại ở sâu thẳm trong lòng lão, cũng là mối dây dính mắc cuối cùng của lão với thế gian này. Chỉ có chặt phăng mối dây vướng vít ấy, lão mới có thể tiến vào ma vực địa sát mà tu hành, truy cầu đại đạo vĩnh hằng.

Chỉ mới một khắc trước, thứ cảm giác mông lung không rõ ràng đó đã hóa thành băng giá cuộn trào phăng phăng, bủa vây lòng lão. Đang chìm sâu trong cảnh giới “dung hỏa tọa vong”(*), bấy giờ lão mới có thể tỉnh lại.

(*) “Dung hỏa tọa vong”: hòa hợp cùng lửa, đả tọa lãng quên (lãng quên ở đây có lẽ là lãng quên bản ngã).

Lão nhìn vào cái bàn chân hóa thành núi đá đạp lên người Nguyên Trì, một đoạn ký ức vốn đã trôi vào quên lãng nay dần sống lại.

Từ lỗ hổng giữa lòng bàn tay, lão lại trông thấy Nguyên Trì đột nhiên từ từ thay hình đổi dạng, biến ra một đứa bé. Đứa bé đó chính là Nguyên Trì thuở nhỏ. Lão và Nguyên Trì tuy đều là người của hoàng tộc nước Nguyên, song họ chỉ là con của tì thiếp, chẳng có được địa vị gì, khi còn nhỏ thường bị hà hiếp.

Có một lần, khi đang cùng Vương Trì đùa nghịch, lão chạy rẽ sang hướng khác thì bất cẩn tông phải một đứa trẻ khác. Mà đứa trẻ đó lại là con của nữ nhân bấy giờ được phụ vương lão sủng ái nhất. Lão đã bị đánh, lại còn bị người ta đạp vào đầu, bị bắt sủa ba tiếng như chó. Cuối cùng, Vương Trì phải cõng lão về nhà. Lão khóc trên giường suốt cả đêm hôm đó.

Về sau, lão bái Liệt Viêm lão tổ đời thứ ba làm thầy. Sau khi học được pháp thuật, lão trở về nhà hòng báo mối thù xưa, nhưng cừu nhân kia đã bị Vương Trì giết chết rồi. Kẻ năm ấy chà đạp lão cũng bị Vương Trì lột da đem treo lên cây, kêu gào thảm thiết cả đêm mới chết. Lại thêm, nữ nhân kia cũng bị đệ đệ lão bán vào kỹ viện, cuối cùng thì phát điên.

“Thì ra ta vẫn còn nợ đệ ấy một đêm khóc lóc và một người bị lột da.” Liệt Viêm lão tổ cất giọng thâm trầm.

Lời vừa dứt, lão đột nhiên vặn đứt đầu mình. Chỉ thấy lúc đầu lão đứt lìa, có ngọn lửa bốc lên từ trong cổ lão. Có thể lờ mờ thấy được một cái đầu hư huyễn bên trong ngọn lửa đó.

Sau đó, lại thấy Liệt Viêm lão tổ đột ngột ném phăng cái đầu trong tay lên không trung. Cái đầu vừa rời khỏi tay liền bốc cháy phừng phừng, lao xuyên qua Liệt Viêm Ma Cung vào gầm trời, rồi bay thẳng lên Cửu Thiên.

Chính trong sát na lão ném cái đầu của mình đi, từ trong hư không nơi màn đêm bao bọc bỗng hiển hóa ra một bóng người. Bóng người quỳ bái dưới đất, nói: “Sư phụ, đã xảy ra chuyện gì vậy?”

“Kiếp đã giáng lâm. Chẳng bao lâu nữa vi sư sẽ phải vào ma vực địa sát.” Liệt Viêm lão tổ nói, “Ngươi hãy đến Lạc Hà Sơn ở Bạch Nguyên Châu ngay lập tức. Vi sư muốn xem xem, qua trận này ngươi có thể lĩnh ngộ được bao nhiêu.”

“Vâng, sư phụ.” Bóng người quỳ dưới đất biến mất. Gã chính là đệ tử chân truyền của Liệt Viêm lão tổ, Bàng Việt.

Bàng Việt chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sư phụ gã sẽ thua, cũng giống như Liệt Viêm lão tổ chưa từng nghĩ mình sẽ thua vậy. Bây giờ, lão lại xếp đặt như thế, tức là đã dự tính nếu độ qua tai kiếp này sẽ lập tức đi vào cõi ma vực địa sát.

Về Bàng Việt, trong lòng gã đệ tử này, sư phụ gã tài năng tuyệt thế, là vị lão tổ mạnh nhất trong mấy đời Liệt Viêm lão tổ, thiên hạ không kẻ nào có thể tranh phong cùng người. Cho dù có là bậc tu sĩ thượng giới đi chăng nữa, chưa chắc đã có thể thắng được sư phụ gã.

Mục tiêu lớn nhất trong đời gã chính là vượt qua sư phụ mình, có được uy thế vượt trội hơn cả người.

Bàng Việt hóa thành một tia lửa bay đến Bạch Nguyên Châu. Gã biết sư phụ chắc chắn sẽ nhân cơ hội cuối cùng này truyền thụ cho gã thứ quan trọng nhất của Liệt Viêm lão tổ. Bởi người đã từng nói, thứ gì là tinh túy nhất, tuyệt diệu nhất, thì không thể nào dùng lời lẽ để truyền thụ được…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.