1
Sau khi lặng lẽ hít thở sâu, Sonomura Tomohiko đi qua cánh cửa tự động. Anh ta suýt nữa đưa tay lên đầu, vì sợ tóc giả rơi. Nhưng Kirihara Ryoji đã nghiêm khắc cảnh cáo, tuyệt đối không được phép làm như thế. Mắt kính cũng vậy, nếu cứ liên tục chạm vào, rất dễ bị phát giác đó là những đạo cụ dùng để ngụy trang.
Chi nhánh Tamatsukuri của ngân hàng Sankyo lắp đặt hai chiếc máy rút tiền tự động, hiện giờ, trước một máy đang có người sử dụng, là một phụ nữ trung niên mặc váy liền thân màu tím. Có lẽ vì không quen thao tác máy móc, động tác của bà ta rất chậm chạp. Chốc chốc, bà ta lại ngước mắt nhìn quanh, chắc hẳn muốn tìm nhân viên ngân hàng nào đó giúp mình. Nhưng trong ngân hàng không có người, kim đồng hồ vừa chỉ qua bốn giờ chiều. Tomohiko lo rằng người đàn bà trung niên đẫy đà kia sẽ nhờ mình giúp, nếu bà ta làm vậy, kế hoạch ngày hôm nay buộc phải dừng lại. Xung quanh không có người nào khác, Tomohiko không thể cứ đứng ì ra đó. Anh ta thầm tính toán xem nên làm thế nào, phải từ bỏ ý định mà trở về hay sao? Thế nhưng, ham muốn sớm tiến hành “thực nghiệm” cũng rất mãnh liệt. Anh ta chầm chậm đến gần chiếc máy không có người sử dụng, chỉ mong sao người đàn bà trung niên kia nhanh chóng rời đi, nhưng bà ta vẫn đang nghiêng đầu trước bảng điều khiển. Tomohiko mở túi xách ra, thọc tay vào trong. Đầu ngón tay chạm phải tấm thẻ. Anh ta định nhón lấy thẻ, thì đúng lúc đó...
“Xin lỗi,” người phụ nữ trung niên bên cạnh đột nhiên nói với anh ta, “tôi muốn gửi tiền, nhưng không gửi vào được.”
Tomohiko lật đật thả tấm thẻ trở lại túi, cũng không dám quay mặt về phía người đàn bà đó, chỉ cúi đầu khẽ xua tay.
“Cô không biết à? Bọn họ nói là rất đơn giản, ai cũng biết mà.” Người phụ nữ trung niên vẫn không bỏ cuộc. Tay Tomohiko lại tiếp tục xua xua. Anh ta không thể lên tiếng.
“Xong chưa? Chị đang làm gì thế?” Ở lối vào vang lên một giọng nữ khác, dường như là người đi cùng với người phụ nữ trung niên kia. “Không nhanh lên là không kịp đâu đấy.”
“Cái này quái lắm, không dùng được. Chị dùng nó bao giờ chưa?”
“Cái đó hả, không, không, nhà chúng tôi không chơi món đó đâu.”
“Nhà chúng tôi cũng thế.”
“Để hôm sau ra quầy giao dịch cho xong, chị đâu có vội phải không?”
“Vội thì cũng chẳng vội, nhưng mà, nhân viên ngân hàng quen với nhà tôi nói, dùng máy tiện hơn nhiều. Với lại đã làm thế rồi.” Chừng như, cuối cùng người phụ nữ trung niên cũng bỏ cuộc, rời khỏi chỗ chiếc máy.
“Rõ ngốc, không phải để tiện cho khách hàng, mà là để ngân hàng bớt phải tuyển người thôi.”
“Có lý, thật tức chết đi được, cái gì mà từ giờ sẽ là thời đại của thẻ của thiếc nữa chứ.” Người phụ nữ trung niên bực bội đi ra ngoài.
Tomohiko khẽ thở phào, lại thò tay vào trong túi xách. Túi này là đồ đi mượn. Nó có phải mốt hay không anh ta cũng không rõ lắm. Đừng nói là túi xách, Tomohiko đã băn khoăn không biết mình trông có kỳ quặc trong bộ dạng một phụ nữ hiện đại hay không. Song Kirihara Ryoji lại nói, “Những người đàn bà trông kỳ quặc hơn cậu vẫn đi ngoài đường đấy thôi.”
Anh ta chầm chậm rút tấm thẻ ra, kích thước, hình dạng của thẻ đều giống hệt như thẻ ngân hàng Sankyo, chỉ là bên trên không có in hình gì, chỉ dán một dải từ. Vì vậy phải hết sức cẩn trọng, không để ống kính camera quay được bàn tay mình. Anh ta lướt nhìn các phím bấm, rồi ấn vào nút rút tiền, bóng đèn bên cạnh dòng chữ “Xin hãy cho thẻ vào khe nhét thẻ” bắt đầu nhấp nháy. Tim đập thình thịch, Tomohiko nhanh chóng nhét tấm thẻ trắng trên tay vào khe nhét thẻ.
Máy không xuất hiện phản ứng từ chối mà nuốt chiếc thẻ vào trong, kế đó xuất hiện hiển thị yêu cầu nhập mật mã. Mấu chốt thành bại đều ở bước này cả, anh ta thầm nhủ.
Tomohiko ấn vào các phím số 4126, sau đó ấn nút xác nhận.
Tiếp sau đó là khoảnh khắc ngắn ngủi như một cái chớp mắt, nhưng Tomohiko lại cảm thấy dài đằng đẵng. Chỉ cần máy xuất hiện một chút phản ứng khác thường, anh ta cần phải lập tức bỏ đi. Nhưng máy vẫn không có dấu hiệu khác thường gì, tiếp tục hỏi số tiền muốn rút. Tomohiko cố nén nỗi vui sướng muốn nhảy cẫng lên, ấn lên phím bấm, hai trăm nghìn yên.
Mấy giây sau đó, trên tay anh ta đã có hai mươi tờ giấy bạc mười nghìn yên và một tờ hóa đơn chi tiết. Anh ta lấy lại tấm thẻ trắng, rảo bước ra khỏi ngân hàng. Chiếc váy xếp nếp dài quá đầu gối vướng vào chân, rất khó đi bộ. Mặc dù vậy, anh ta vẫn chú ý đi thật tự nhiên. Con đường lớn phía trước ngân hàng xe cộ nườm nượp, nhưng trên vỉa hè cho người đi bộ lại không có ai, đúng là cảm ơn trời đất. Gương mặt không quen trang điểm của anh ta cứng ngắc như trát hồ lên vậy.
Bên vệ đường cách đó hơn hai chục mét, có một chiếc Liteace của Toyota. Tomohiko vừa đến gần, cửa phía trước liền mở ra từ bên trong. Tomohiko nhìn quanh, vén váy lên một chút rồi bước lên xe.
Kirihara Ryoji gấp cuốn tạp chí truyện tranh đang đọc lại. Đó là của Tomohiko mua. Anh ta rất thích nhân vật Lum xuất hiện trong truyện tranh dài kỳ Urusei Yatsura đăng trên tạp chí này.
“Tình hình thế nào?” Lúc vặn chìa khóa khởi động xe, Kirihara Ryoji hỏi.
“Đây.” Tomohiko giơ cái túi có hai trăm nghìn yên cho Kirihara xem.
Kirihara liếc mắt nhìn một cái, gạt cần số, di chuyển xe, nét mặt không thay đổi nhiều.
“Vậy là chúng ta đã phá giải thành công rồi.” Kirihara nhìn về phía trước nói, giọng điệu không nghe ra có vẻ gì phấn chấn, “Dù sao, vốn dĩ tớ đã chắc ăn rồi.”
“Chắc thì chắc, nhưng lúc thật sự thành công, tớ vẫn thấy run bắn cả người.” Tomohiko bóp vào mé trong bắp đùi, chiếc quần tất làm chân anh ta rất ngứa.
“Cậu có đề phòng máy quay giám sát chứ?”
“Yên tâm, tớ không hề ngẩng đầu lên lần nào. Có điều...”
“Sao hả?” Kirihara trừng mắt nhìn Tomohiko.
“Có một mụ dở hơi, hú vía.”
“Mụ dở hơi?”
“Ừ.”
Tomohiko kể lại tình huống ở trước máy rút tiền tự động. Nghe được nửa chừng Kirihara sa sầm nét mặt, anh ta phanh kít xe lại dừng bên vệ đường. “Này, Sonomura, ngay từ đầu tớ đã cảnh cáo cậu, chỉ cần tình hình có dù chỉ một chút không ổn, là phải lập tức rút lui cơ mà.”
“Tớ biết chỉ là tớ nghĩ như vậy chắc không có vấn đề gì...” Giọng Tomohiko không kìm được run lên.
Kirihara tóm lấy cổ áo Tomohiko... cổ áo sơ mi nữ.
“Đừng có tự ý đánh giá tình hình. Tớ đây phải cược bằng tính mạng của mình đấy. Nếu xảy ra chuyện, không chỉ có mình cậu bị tóm đâu.” Anh ta nói rồi trừng mắt lên.
“Chẳng ai nhìn thấy mặt tớ cả.” Giọng Tomohiko đã lạc hẳn đi, “Tớ cũng không lên tiếng. Thật đấy. Vì vậy, chắc chắn tớ không bị lộ.”
Kirihara nhăn mặt, rồi tặc lưỡi, buông Tomohiko ra. “Đồ ngu!”
“Ơ...”
“Cậu nghĩ tại sao tớ hóa trang cho cậu thành cái bộ dạng đáng tởm này chứ?”
“Thì là để cải trang... không phải vậy à?”
“Đúng thế. Là để đánh lừa ai chứ? Đương nhiên là ngân hàng và cảnh sát. Nếu việc sử dụng thẻ giả bị phát hiện, việc đầu tiên bọn chúng làm sẽ là kiểm tra băng ghi hình giám sát. Và nếu bộ dạng bây giờ của cậu xuất hiện, mười người thì cả mười sẽ cho rằng cậu là phụ nữ. Trong đám con trai, cậu thuộc loại mảnh dẻ và có khuôn mặt đẹp đến mức hồi cấp III còn có cả câu lạc bộ người hâm mộ nữa kìa.”
“Thì máy quay...”
“Cũng sẽ quay cả người đàn bà lắm lời kia nữa! Cảnh sát sẽ tìm bà ta. Việc tìm kiếm rất đơn giản. Vì bà ta đã dùng chiếc máy bên cạnh nên trong máy sẽ lưu lại thông tin. Cảnh sát tìm được bà ta sẽ hỏi, có ấn tượng gì với người đàn bà ở máy bên cạnh lúc đó không. Nếu mụ lắm lời ấy mà nói, bà ta cảm thấy cậu giống như đàn ông giả gái thì tính sao hả?”
“Điểm này thật sự không thành vấn đề, loại đàn bà ấy không để ý đâu.”
“Sao cậu có thể đảm bảo bà ta không để ý? Đàn bà là loài động vật thích quan sát người khác dù hoàn toàn không cần thiết. Không khéo cả chiếc túi của cậu hiệu gì bà ta cũng nhớ nữa ấy chứ.”
“Sao lại thế được...”
“Tức là có khả năng ấy. Nếu quả thực bà ta không nhớ gì cả, thì chì có thể coi là cậu may mắn thôi. Nhưng mà đã làm chuyện này, thì không thể trông chờ vào vận may được. Chuyện này không giống hồi xưa cậu ăn trộm đồ trong cửa hàng thời trang đâu.”
“... Tớ biết rồi, xin lỗi cậu.” Tomohiko khẽ gật đầu nhận lỗi.
Kirihara thở dài một tiếng, lại gạt cần số, cho xe chạy chầm chậm.
“Nhưng mà,” Tomohiko rụt rè cất tiếng, “tớ cảm thấy thật sự không cần phải lo lắng về cái bà lắm mồm ấy, bà ta chỉ lo việc của mình thôi.”
“Kể cả khi trực giác của cậu chính xác, thì rõ ràng việc cậu đóng giả phụ nữ cũng đã mất đi ý nghĩa rồi.”
“Tại sao?”
“Không phải cậu đã nói mình hoàn toàn không hề hé răng hay sao? Cả ậm ừ cũng không nốt.”
“Thì thế, vì vậy...”
“Vì vậy mới có vấn đề.” Kirihara thấp giọng nói, “Trên đời này có ai bị người khác hỏi như thế mà lại không ậm ừ lấy một tiếng? Cảnh sát tất nhiên sẽ suy đoán rằng nhất định có nguyên nhân gì đó mới không lên tiếng, tiếp đó sẽ đưa ra giả thuyết là đàn ông đóng giả làm phụ nữ. Đến lúc ấy, đóng giả làm phụ nữ còn ý nghĩa gì nữa chứ?”
Tomohiko không còn gì để biện bác, vì cho rằng Kirihara nói không sai chút nào. Anh ta rất hối hận, lúc ấy lẽ ra nên lập tức rút lui. Những lý lẽ mà Kirihara nói không hề khó, chỉ cần động não một chút là có thể hiểu được ngay. Nhưng tại sao lúc ấy không nghĩ được đến thế? Anh ta lấy làm tức giận trước sự ngu xuẩn của chính mình.
“Xin lỗi.” Tomohiko hướng về gương mặt nghiêng nghiêng của Kirihara xin lỗi lần nữa.
“Chuyện này tớ sẽ không nói lại lần thứ hai đâu.”
“Tớ biết.” Tomohiko trả lời. Anh ta hiểu rất rõ Kirihara sẽ không tha thứ cho kẻ ngu ngốc lặp lại cùng một sai lầm. Tomohiko khó nhọc chui qua khe hẹp giữa ghế lái và ghế lái phụ, lấy quần áo của mình để trong thùng giấy đặt trên kệ chở hàng, cố giữ thăng bằng trên chiếc xe lắc la lắc lư, bắt đầu thay đồ. Lúc cởi quần tất ra, anh ta có cảm giác kỳ diệu khó tả, như được giải thoát.
Quần áo, giày phụ nữ cỡ lớn, túi xách, tóc giả, kính, đồ trang điểm... tất cả những thứ để hóa trang thành phụ nữ này đều do Kirihara thu xếp. Anh ta tuyệt không hé miệng nói kiếm được chúng từ đâu. Tomohiko cũng không hỏi. Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, Tomohiko sớm đã có được bài học đau thương, biết rằng Kirihara có rất nhiều giới hạn tuyệt đối không cho phép người khác vượt qua.
Thay quần áo, tẩy trang xong, chiếc xe đã dừng lại gần ga tàu điện ngầm. Tomohiko chuẩn bị xuống xe.
“Chiều tối đến văn phòng một chuyến nhé.” Kirihara nói.
“Được, tớ cũng định đi đến đó.” Tomohiko mớ cửa xuống xe. Nhìn theo chiếc xe đi khỏi, anh ta mới xuống cầu thang vào ga tàu điện ngầm. Trên tường dán áp phích quảng cáo phim Chiến binh cơ động Gundam. Nhất định phải đi xem, anh ta thầm nghĩ.
2
Tiết học môn Công trình điện cao áp thật buồn ngủ. Theo tin hành lang trong đám sinh viên, môn này chẳng những không điểm danh, mà lúc thi cũng dễ quay cóp nên phòng học có thể chứa hơn năm mươi người chỉ có khoảng hơn chục sinh viên. Tomohiko ngồi ở hàng thứ hai, cố nén cơn buồn ngủ thi thoảng lại làm người ta mất ý thức, chép lại vào vở những nguyên lý phóng điện hồ điện, phóng điện phát sáng mà vị giáo sư tóc bạc đang chậm rãi giảng giải. Vì nếu không cử động tay, anh ta có thể gục xuống bàn ngủ thiếp đi bất cứ lúc nào. Ở trường, Sonomura Tomohiko là một sinh viên chăm chỉ, chí ít, sinh viên bộ môn Điện cơ khoa Kỹ thuật trường đại học Shinwa đều nghĩ như thế. Sự thật là, phàm môn nào anh ta chọn học thì nhất định sẽ tới. Anh ta chỉ trốn tiết những môn học chung không liên quan đến điện cơ như Pháp luật, Nghệ thuật hay Tâm lý học đám đông... Tomohiko mới học năm thứ hai, thời khóa biểu có rất nhiều môn bắt buộc đại loại thế. Tomohiko chăm lên giảng đường nghe giảng các môn chuyên ngành này chỉ vì một nguyên nhân... Kirihara Ryoji yêu cầu, lý do là vì công việc làm ăn.
Việc Tomohiko chọn học khoa Điện cơ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của Kirihara. Hồi cấp III, kết quả môn Toán và Lý của anh ta rất tốt nên nghĩ sẽ học khoa Kỹ thuật hoặc khoa Lý. Đương lúc anh ta còn phân vân chưa quyết định được bộ môn thì Kirihara nói với anh ta.
“Từ giờ sẽ là thời đại của máy tính. Nếu cậu học được kiến thức về phương diện này, có thể giúp được cho tớ.”
Hồi đó, Kirihara tiếp tục bán trò chơi máy tính qua bưu điện, kiếm được rất khá, Tomohiko cũng giúp anh ta mở rộng thêm các chương trình. Kirihara nói “giúp”, chắc là việc phát triển công việc kinh doanh của riêng mình. Đáp lại, Tomohiko từng hỏi Kirihara, nếu nói vậy, sao cậu không tự đi học. Vì kết quả hai môn Toán và Lý của Kirihara cũng không hề thua kém anh ta chút nào.
Nhưng lúc đó, Kirihara lại nở một nụ cười méo mó. “Nếu có tiền đi học đại học, tớ còn phải buôn bán kiểu này hay sao?”
Tomohiko khi ấy mới biết lý do Kirihara không định tiếp tục học lên nữa. Đồng thời anh ta cũng hạ quyết tâm học bằng được kiến thức về điện tử và máy tính. Anh ta nghĩ quyết định tương lai dựa trên mục đích vì người khác sẽ có ý nghĩa hơn là quyết định một cách vu vơ. Huống hồ, anh ta chịu Kirihara một cái ơn buộc phải trả, cho dù tốn bao nhiêu năm đi nữa. Sự việc xảy ra vào mùa hè năm lớp mười một đó, đến nay vẫn còn để lại vết thương sâu trong lòng Tomohiko. Vì lý do ấy, Tomohiko quyết định sẽ cố gắng tham gia các buổi học chuyên ngành trong thời gian có thể. Thật ngạc nhiên là, Kirihara đọc say sưa vở ghi chép các nội dung đó. Để hiểu được chúng, anh ta còn đặt sách chuyên môn bên cạnh. Kirihara mặc dù chưa từng đến đại học Shinwa học buổi nào, nhưng rõ ràng là người hiểu nội dung bài học nhất. Gần đây, một Kirihara như thế lại có hứng thú với một thứ. Đó chính là các loại thẻ từ như thẻ rút tiền, thẻ ghi nợ...
Lần đầu tiên họ ra tay là khi Tomohiko mới vào đại học không lâu. Ở trường, anh ta đã thấy một loại thiết bị có thể đọc và viết lại những dữ liệu được nhập vào băng từ, gọi là máy mã hóa. Nghe Tomohiko nhắc đến máy mã hóa, Kirihara lập tức sáng mắt lên, nói, “Dùng thứ đó, có khi có thể làm giả thẻ tín dụng ấy chứ.”
“Có lẽ là được.” Tomohiko trả lời, “nhưng làm xong cũng chẳng có ý nghĩa gì. Lúc sử dụng thẻ ghi nợ, còn cần mật khẩu nữa, vì vậy dù mất thẻ cũng không cần lo lắng, không phải thế à?”
“Mật khẩu à...” Kirihara im lặng, dường như đang nghĩ gì đó.
Khoảng hai ba tuần sau đó, Kirihara mang một hộp giấy to cỡ cái máy cát xét vào phòng chế tác chương trình phần mềm cho máy tính cá nhân. Trong hộp chính là máy mã hóa, có chỗ cắm thẻ từ vào, cũng có cả màn hình hiển thị thông tin trên thẻ.
“Cũng chỉ có cậu mới kiếm được thứ này thôi.” Nghe Tomohiko nói vậy, Kirihara chỉ khẽ nhún vai, cười cười.
Sau khi có được chiếc máy mã hóa cũ ấy không lâu Kirihara làm giả một tấm thẻ rút tiền. Tomohiko không biết người sở hữu thẻ gốc là ai, vì tấm thẻ ấy chỉ ở trong tay Kirahara có mấy tiếng đồng hồ. Kirihara hình như đã dùng tấm thẻ giả đó hai lần, rút khoảng hơn hai trăm nghìn yên. Đáng kinh ngạc nhất là anh ta đọc được mật khẩu dựa vào các số liệu ghi trên băng từ. Nhưng, trong chuyện này cũng có nguyên lý của nó. Sự thật là, trước khi có được máy mã hóa, hình như Kirihara đã thành công trong việc đọc khuôn thức của thẻ từ.
Nhưng không có máy móc đặc thù, làm sao đọc được? Kirihara từng biểu diễn cho Tomohiko xem một lần, đúng là khiến người ta phải ngã dập mặt vì ngạc nhiên. Anh ta chuẩn bị những hạt bột từ tính nhỏ li ti, rải trên băng từ của tấm thẻ. Chỉ thoáng sau, Tomohiko “A.” lên một tiếng...
Trên dải băng từ xuất hiện những đường vân mỏng mảnh.
“Thực ra rất giống tín hiệu Morse,” Kirihara nói, “tớ thực hiện thao tác này trên tấm thẻ đã biết trước mật khẩu là có thể hiểu được ý nghĩa của khuôn thức. Tiếp sau đó dò ngược lại, cho dù không biết mật khẩu, chỉ cần làm cho mô thức hiện ra, là biết được thôi.”
“Vậy thì chỉ cần rắc bột từ tính lên những thẻ rút tiền nhặt được hoặc trộm được là...”
“Là có thể dùng được rồi.”
“Thật đúng là...” Tomohiko không nghĩ ra phải nói gì nữa.
Có lẽ bộ dạng của anh ta rất tức cười, nên hiếm hoi lắm, Kirihara mới nở một nụ cười vui vẻ tự đáy lòng.
“Tức cười lắm phải không! Thế này thì an toàn gì nữa? Nhân viên ngân hàng dặn dò chúng ta phải cất riêng sổ tiết kiệm và con dấu, nhưng dùng cái thứ thẻ ghi nợ này, cũng coi như để két bảo hiểm với chìa khóa cạnh nhau rồi còn gì.”
“Bọn họ thật sự cho rằng như vậy sẽ không xảy ra vấn đề gì à?”
“Chắc một số người liên quan cũng biết thứ này khá nguy hiểm, nhưng không kịp rút tay ra nữa rồi, đành phải ngậm miệng mà âm thầm lo lắng thôi.” Kirihara lại cười thành tiếng.
Thế nhưng, Kirihara không lập tức ứng dụng kỹ thuật bí mật này. Ngoài nguyên nhân bận rộn với công việc chính là chế tác chương trình phần mềm cho máy tính cá nhân, thì quan trọng hơn là không thể dễ dàng lấy được thẻ của người khác. Vì thế, sau khi có được chiếc máy mã hóa kia, anh ta chỉ dùng để phục chế lại mấy tấm thẻ không rõ lai lịch. Khoảng thời gian sau đó, Kirihara không nhắc đến chuyện thẻ ngân hàng nữa.
Vậy mà, đến năm nay, Kirihara lại nói điều này:
“Nghĩ kỹ lại, có lẽ không cần lấy được thẻ ghi nợ của người khác.” Lúc đó, bọn họ đang ở trong văn phòng chật chội, ngồi đối diện cách nhau một chiếc bàn ăn cũ kỹ uống cà phê tan.
“Thế nghĩa là sao?” Tomohiko hỏi.
“Nói một cách đơn giản, cái ta cần là số tài khoản đang sử dụng, chứ không phải mật khẩu. Nghĩ thử xem, điều này là lẽ dĩ nhiên rồi.”
“Tớ không hiểu.”
“Nghĩa là,” Kirihara dựa lưng vào ghế, gác hai chân lên mặt bàn ăn, rồi cầm một tấm danh thiếp lên, “giả sử đây là thẻ, nhét nó vào trong máy rút tiền, cái máy sẽ đọc ra các số liệu ghi trên dải từ, trong đó có một trường số liệu là số tài khoản và mật khẩu. Đương nhiên, cái máy không biết người đút thẻ vào có phải chính là chủ thẻ hay không. Để xác định được điểm này, phải yêu cầu người ta nhập mật khẩu. Chỉ cần có người nhập vào các số giống như các số được ghi trên dải từ kia, cái máy sẽ không nghi ngờ mà nhả tiền ra theo yêu cầu. Cậu nghĩ xem, nếu cầm một tấm thẻ trắng, trên dải từ không có số liệu gì, chép vào đó các số liệu cần thiết như số tài khoản... cuối cùng nhập bừa một mật khẩu vào nữa, thì sẽ có kết quả thế nào?”
“Hả?”
“Tấm thẻ làm kiểu đó đương nhiên nội dung không giống như thẻ thật, vì mật khẩu không giống. Nhưng mà, cái máy không có khả năng đánh giá điều đó. Máy chỉ xác nhận con số ghi trên dải từ và con số người rút tiền nhập vào có giống nhau hay không.”
“Vậy nếu biết được số tài khoản thật...”
“Muốn làm bao nhiêu tấm thẻ giả cũng không thành vấn đề. Là giả nhưng lại có thể rút tiền thật.” Kirihara nhếch môi lên.
Tomohiko sởn hết da gà. Vì anh ta hiểu, những lời Kirihara nói chắc chắn không phải vô căn cứ.
Sau đó, hai người bắt đầu làm giả thẻ ngân hàng. Đầu tiên, bọn họ phân tích lại các mã ẩn ghi trên tấm thẻ, tìm ra quy tắc sắp xếp bên trong, lần lượt là ký hiệu ban đầu, mã người dùng, mã chứng thực, mật khẩu và mã ngân hàng. Tiếp đó, họ nhặt về rất nhiều các biên lai hóa đơn vứt trong thùng rác ngân hàng, dựa theo quy tắc đã tìm được, chuyển số tài khoản và mật khẩu tự đặt sang số hệ thập lục phân và chữ số La Mã. Tiếp sau nữa, dùng máy mã hóa nhập một loạt các số liệu và mã số vào dải từ, dán lên thẻ nhựa, là hoàn thành. Tấm thẻ trắng mà Tomohiko rút được tiền mặt thành công lúc nãy, chính là sản phẩm đầu tay của bọn họ. Họ chọn ra số tài khoản có số dư lớn nhất trong số những biên lai nhặt về. Ý kiến của Kirihara là như vậy sẽ khó bị phát hiện, Tomohiko cũng đồng tình.
Đây rõ ràng là hành vi phạm pháp, nhưng Tomohiko lại không hề có cảm giác tội lỗi. Một trong các nguyên nhân có lẽ vì quá trình làm thẻ giả quả thực quá giống chơi trò chơi điện tử. Hoặc cũng có thể do hoàn toàn không nhìn thấy đối tượng mình lấy cắp. Thế nhưng, lý do lớn hơn cả là trong đầu anh ta lúc nào cũng khắc ghi câu nói cửa miệng của Kirihara.
“Nhặt đồ người khác đánh rơi không trả, và lấy thứ người ta để lung tung tùy tiện chẳng khác gì nhau hết. Có lỗi là những kẻ để túi đựng tiền bừa bãi kìa. Trong cái xã hội này, kẻ nào để cho người khác có cơ hội lợi dụng, kẻ đó phải chịu thiệt.”
Mỗi lần nghe thấy những lời đó, Tomohiko vừa sợ hãi, vừa thấy một thứ khoái cảm làm toàn thân run rẩy.
3
Sau khi kết thúc tiết thứ tư, Tomohiko nhanh chóng đến văn phòng. Gọi là văn phòng, thực ra cũng không có biển hiệu, mà chỉ là một căn hộ trong tòa nhà cũ. Đối với Tomohiko, nơi này có rất nhiều kỷ niệm. Lần đầu tiên tới đây, có nằm mơ anh ta cũng không nghĩ mình sẽ ra vào nơi này nhiều như vậy. Đến trước phòng 304, anh ta lấy chìa khóa ra mở cửa. Ngay sau cửa là bếp, Kirihara đang ngồi quay mặt về phía bàn làm việc.
“Sớm nhỉ.” Anh ta quay người lại nói với Tomohiko.
“Vừa tan học là đến thẳng đây.” Tomohiko trả lời trong lúc cởi giày, “Quán mì đông nghẹt khách, không chen vào được.”
Trên bàn làm việc đặt một bộ máy tính cá nhân, là chiếc PC8001 của hãng NEC. Trên màn hình màu xanh lục hiện lên hàng chữ “Hôm nay trời nắng, chào anh, tôi là Yamada Taro...”
“Hệ thống xử lý văn bản?” Tomohiko đứng sau lưng Kirihara hỏi.
“Đúng, con chip và phần mềm đến rồi.”
Hai tay Kirihara linh hoạt gõ lên bàn phím, anh ta gõ vào các phím chữ alphabet, nhưng trên màn hình lại hiển thị chữ Hiragana trong tiếng Nhật. Gõ vào là UMA, thì chữ “うま” xuất hiện. Kế đó, Kirihara ấn vào phím cách. Vậy là, thiết bị điều khiển đĩa từ nối với máy tính liền phát ra những tiếng cách cách, góc phải bên dưới màn hình xuất hiện hai chữ Kanji “馬” và “牛”, mỗi chữ lần lượt có đánh số 1 và 2. Kirihara ấn phím số 1, đĩa cứng lại phát ra tiếng động, chữ Hiragana “うま” liền biến thành chữ Kanji “馬”. Tiếp đó, anh ta nhập vào “しか” rồi dùng phương thức tương tự chuyển thành chữ Kanji “鹿”. Vậy là hoàn thành được chữ “馬鹿 (baka: đồ ngốc)”. Mất gần mười giây.
Tomohiko không khỏi cười thiểu nâo. “Viết tay chắc chắn nhanh hơn.”
Hệ thống ở trong ổ đĩa từ, mỗi lần chuyển đổi lại phải gọi ra, đương nhiên rất tốn thời gian. Nếu như cài cả hệ thống vào bộ nhớ, tốc độ sẽ nhanh hơn mấy lần, có điều, chiếc máy tính này cùng lắm chỉ có thể làm vậy. Nói gì thì nói, đĩa từ vẫn rất lợi hại.”
“Từ giờ là thời đại của đĩa từ à?”
“Đương nhiên.”
Tomohiko gật gật đầu, ánh mắt chuyển về phía thiết bị đọc đĩa từ. Khi trước, việc đọc và viết chương trình hầu hết đều dùng băng cát xét làm trung gian, nhưng thực sự quá tốn thời gian, dung lượng cũng nhỏ. Nếu đổi sang dùng đĩa từ, tốc độ và dung lượng ghi nhớ đều tăng lên rất nhiều.
“Vấn đề là ở phần mềm.” Kirihara buông ra một câu.
Tomohiko lại gật đầu, cầm chiếc đĩa từ 5,25 inch trên bàn lên. Anh ta biết rõ Kirihara đang nghĩ gì.
Lúc bọn họ kinh doanh phần mềm trò chơi cho máy tính cá nhân qua bưu điện, phản ứng nhận được hết sức đáng kinh ngạc. Đến một hôm, hóa đơn chuyển tiền đột nhiên gửi đến lả tả như tuyết rơi, toàn bộ đều là tiền đặt mua phần mềm trò chơi. Dự đoán “chắc chắn sẽ bán chạy” của Kirihara quả nhiên đã thành sự thật.
Khoảng thời gian sau đó, tình hình kinh doanh vẫn tốt. Có thể nói họ đã kiếm một món lớn. Nhưng đến giờ việc buôn bán lại ngày càng bế tắc. Một mặt vì đối thủ cạnh tranh tăng thêm song nguyên nhân lớn nhất là ở bản quyền. Trong quá khứ bản lậu của những phần mềm đang nổi kiểu như Kẻ xâm lược ngoài hành tinh đều có thể đăng báo quảng cáo rao bán công khai, nhưng có những dấu hiệu cho thấy không thể làm như thế được nữa. Vì đã có những hoạt động kiểm soát bản sao chép mềm. Trên thực tế, đã có mấy công ty bị kiện, “công ty” của bọn Tomohiko cũng nhận được thư cảnh cáo.
Dự đoán của Kirihara đối với chuyện này là: “Nếu dây vào kiện cáo, có lẽ việc sao chép chương trình sẽ không được công nhận nữa.” Bằng chứng năm 1980 luật bản quyền ở Mỹ đã được sửa đổi. Trong luật sửa đổi ghi rõ “Chương trình phần mềm là sự thể hiện một cách sáng tạo tư tưởng học thuật của cá nhân người viết ra nó, được coi là một tác phẩm.”
Nếu chương trình phần mềm sao chép không thể bán công khai, muốn sinh tồn được trên con đường này, chỉ có thể tự phát triển lấy chương trình. Song, bọn Tomohiko không có vốn, cũng chẳng có kỹ thuật.
“À phải rồi, cái này của cậu.” Kirihara nói như vừa sực nhớ, đoạn lấy một phong bì trong túi ra.
Tomohiko nhận lấy phong bì ngó thử, thấy bên trong có tám tờ giấy bạc mười nghìn yên.
“Thù lao hôm nay, đó là phần của cậu.”
Tomohiko bỏ phong bì đi, nhét tiền vào túi quần bò. “Chuyện ấy, sau này tính sao?”
“Chuyện ấy?
“Thì...”
“Thẻ ấy hả?”
“Ừm.”
“Cái này,” Kirihara khoanh tay trước ngực, “nếu muốn dùng chiêu đó kiếm một mớ, tốt nhất là tranh thủ làm cho sớm. Cứ lần lữa dây dưa, bọn họ sẽ có biện pháp ngăn chặn đấy.”
“Biện pháp ngăn chặn... hệ thống xác nhận mật khẩu thời gian thực?”
“Đúng.”
“Nhưng thấy bảo làm như vậy tốn kém nên hầu hết các cơ quan tài chính đều không hứng thú...”
“Cậu tưởng chỉ có mình chúng ta phát hiện ra sơ hở của thẻ rút tiền thôi chắc? Chẳng bao lâu nữa, khắp nơi trên toàn quốc đều sẽ có người làm việc hôm nay chúng ta đã làm. Đến lúc ấy, ngân hàng có hà tiện đến mấy cũng không thể tính toán chi phí đắt rẻ, mà phải thay đổi ngay lập tức.”
“Ờ...” Tomohiko thở dài.
Hệ thống xác nhận mật khẩu thời gian thực, là phương thức không trực tiếp lưu mật khẩu trên thẻ rút tiền, mà ghi trong hệ thống máy chủ của ngân hàng. Nghĩa là mỗi khi chủ thẻ dùng thẻ, máy rút tiền tự động đều phải hỏi máy chủ xem mật khẩu có chính xác không. Vì vậy, thẻ giả do bọn họ chế tạo sẽ không ý nghĩa gì nữa.
“Tuy vậy, lặp đi lặp lại nhiều lần chuyện hôm nay cũng rất nguy hiểm. Coi như qua được cửa ải của máy quay giám sát, thì cũng không biết có thể lòi đuôi ở chỗ nào khác hay không.” Kirihara nói.
“Vả lại, nếu như tiền gửi trong tài khoản tự dưng ít đi một cách khó hiểu, chủ thẻ sẽ đi báo cảnh sát.”
Kirihara đang nói tới đây thì chuông cửa ngoài vang lên. Hai người đưa mắt nhìn nhau.
“Chị Namie à?” Tomohiko nói.
“Hôm nay chị ấy chắc không đến, với lại lúc này chị ấy vẫn chưa hết giờ làm.” Kirihara nhìn đồng hồ thắc mắc, “Không sao, cậu cứ ra mở cửa đi.”
Tomohlko đứng sau cánh cửa, nhìn qua lỗ quan sát xem tình hình bên ngoài. Ngoài cửa có một người đàn ông mặc đồ công nhân màu xám, khoảng chừng trên dưới ba mươi tuổi.
“Có chuyện gì vậy?”
“Tôi tới kiểm tra định kỳ máy thông gió.” Người đàn ông ấy trả lời, nét mặt vô cảm.
“Ngay bây giờ à?”
Người đàn ông gật đầu. Tomohiko thầm nghĩ: thái độ người này thật khó chịu. Sau đó anh ta tạm khép cửa lại gỡ dây xích ra mở cửa. Bên ngoài đột nhiên có thêm hai người đàn ông khác. Một gã cao to mặc áo khoác màu lam sậm và một gã trẻ tuổi mặc vest màu xanh lục đứng trước mặt. Gã mặc đồ công nhân lùi lại phía sau. Tomohiko lập tức cảm nhận được nguy hiểm, toan đóng cửa, nhưng đã bị gã cao to kia cản lại.
“Làm phiền một chút.”
“Các người có việc gì?”
Tomohiko hỏi, nhưng người đàn ông kia chẳng nói một lời, cứ thế chen vào. Tomohiko bị bờ vai rộng của gã đẩy sang một bên. Dường như trên quần áo gã thoang thoảng mùi quýt. Sau gã cao lớn, gã trẻ tuổi mặc vest xanh lục cũng bước vào, cạnh lông mày bên phải của người này có một vết sẹo. Kirihara vẫn ngồi trên ghế, ngẩng đầu nhìn hai kẻ lạ mặt.
“Các người là ai?”
Gã cao lớn vẫn không trả lời. Gã tự tiện đi cả giày vào, đưa mắt nhìn khắp phòng, sau đó kéo chiếc ghế Tomohiko vừa ngồi lúc nãy ngồi xuống.
“Namie đâu?” Gã hỏi Kirihara. Trong mắt gã cao lớn bắn ra những ánh nhìn lạnh lẽo, mái tóc đen chải hất ngược ra phía sau, dính sát vào da đầu.
“Không biết.” Kirihara nghiêng nghiêng đầu, “Xin hỏi ông là ai?”
“Namie ở đâu?”
“Tôi không biết. Ông tìm chị ấy có việc gì?”
Gã cao to vẫn phớt lờ câu hỏi của Kirihara, quay sang phía người trẻ tuổi mặc đồ Tây đưa mắt ra hiệu. Gã trẻ tuổi kia cũng đi cả giày vào phòng bên trong. Ánh mắt gã cao to dời đến bộ máy tính đặt trên bàn làm việc, gã hất cằm, nhìn chằm chăm vào màn hình.
“Đây là thứ gì?” Gã hỏi.
“Hệ thống xử lý văn bản tiếng Nhật.” Kirihara trả lời.
“Hừ,” gã đàn ông có vẻ cụt hứng, lại đảo mắt nhìn quanh trong phòng, “công việc này kiếm được tiền không?”
“Chỉ cần biết được cách kiếm.” Kirihara trả lời.
Gã cao to nhún vai, thấp giọng cười khẩy.
“Xem chừng, chú mày không biết cho lắm, có phải không?”
Kirihara nhìn về phía Tomohiko, Tomohiko cũng đang nhìn anh ta.
Gã trẻ tuổi bên trong đang lục lọi đồ đạc trong các thùng giấy, gian đó là kho chứa đồ.
“Ông có việc cần tìm chị Nishiguchi?” Kirihara nói ra họ của Namie, “Vậy thì phiền ông thứ Bảy hoặc Chủ Nhật quay lại được không? Không phải ngày nghỉ, chị ấy sẽ không đến đây.”
“Chuyện đó thì tao biết.”
Gã cao to lấy trong túi áo khoác ngoài ra một bao thuốc Dunhill, ngậm một điếu, rồi dùng bật lửa cùng nhãn hiệu châm thuốc.
“Namie không liên lạc với chú mày à?” Gã ta phả ra một làn khói, hỏi.
“Hôm nay thì không, có lời gì muốn nhắn chị ấy à?” Kirihara nói.
“Không cần nhắn cho nó.”
Gã cao to làm ra vẻ muốn gảy tàn thuốc lên mặt bàn, Kirihara nhanh nhẹn đưa tay trái ra, chuẩn bị đón lấy.
Gã ta nhướng mày lên. “Làm gì thế?”
“Ở đây có rất nhiều thiết bị điện tử, xin hãy cẩn thận tàn thuốc.”
“Thế thì lấy cái gạt tàn ra đây.”
“Không có.”
“Ồ.” Miệng gã ta nhếch lên, “Vậy, thì tao dùng.” Nói đoạn, gã gảy tàn thuốc vào lòng bàn tay Kirihara.
Thấy Kirihara vẫn tỉnh bơ, dường như gã ta càng khó chịu.
“Cái gạt tàn của chú mày khá đấy.” Nói đoạn, gã dụi điếu thuốc vào bàn tay Kirihara.
Tomohiko có thể nhận ra, cơ bắp toàn thân Kirihara đang căng lên, nhưng nét mặt anh ta vẫn thản nhiên, cũng không lên tiếng, cứ giơ tay trái ra, nhìn chằm chằm vào gã đàn ông.
“Định chứng tỏ bản thân hả?”
“Không phải.”
“Suzuki,” gã cao lớn gọi với vào trong, “tìm được gì rồi?”
“Không có, không có gì cả.” Gã trẻ tuổi được gọi là Suzuki trả lời.
“Vậy hả?”
Gã cao to cất bao thuốc và bật lửa vào túi, cầm cái bút bi trên bàn lên, viết gì đó lên mép quyển sách Hướng dẫn sử dụng phần mềm xử lý văn bản. “Nếu Namie liên lạc với chú mày, thì gọi điện tới đây, cứ nói là cửa hàng điện.”
“Ông họ gì?” Kirihara hỏi.
“Biết họ của tao thì có tác dụng chó gì với mày chứ?” Gã ta nhổm dậy.
“Nếu chúng tôi không gọi cho ông thì sao?” Kirihara hỏi.
Gã cao to bật cười, khịt mũi.
“Tại sao không gọi? Làm như vậy có lợi gì cho chúng mày chứ?”
“Có thể chị Nishiguchi sẽ không để chúng tôi liên lạc với ông.”
“Nghe cho kỹ đây, chú em.” Gã cao to chỉ vào ngực Kirihara, “Liên lạc hay không thì cũng chẳng có lợi gì cho chúng mày cả; nhưng nếu không liên lạc, tao đảm bảo chúng mày sẽ chịu hậu quả, có thể sẽ phải hối hận cả đời đấy. Chú mày biết rõ là nên làm gì rồi chứ?”
Kirihara nhìn mặt gã đàn ông một lúc, rồi khẽ gật đầu. “Vâng.”
“Vậy thì tốt, chú mày không phải thằng ngốc.” Gã ta đưa mắt ra hiệu với gã trẻ tuổi tên Suzuki. Suzuki liền ra khỏi phòng. Gã rút cái ví da, đưa cho Tomohiko hai tờ mười nghìn yên. “Tiền chữa vết bỏng.”
Tomohiko lẳng lặng nhận lấy, ngón tay anh ta vẫn đang run lên. Gã đàn ông có lẽ đã nhìn thấy liền cười nhạt khinh miệt.
Hai người vừa rời khỏi, Tomohiko liền khóa cửa lại, móc dây xích vào, quay đầu nhìn Kirihara. “Cậu không sao chứ?”
Kirihara không trả lời, đi vào phòng trong, kéo rèm cửa sổ ra.
Tomohiko cũng bước đến bên cạnh anh ta, nhìn qua cửa sổ xuống dưới. Bên vệ đường phía trước khu chung cư có một chiếc Benz sẫm màu. Một lúc sau, ba gã kia xuất hiện. Gã cao to và gã trẻ tên Suzuki ngồi ở ghế sau, tên mặc đồ công nhân ngồi ghế lái.
Thấy chiếc Benz đi khỏi, Kirihara mới nói, “Gọi điện cho Namie.”
Tomohiko gật đầu, dùng máy điện thoại đặt trong bếp gọi đến nhà Nishiguchi Namie, nhưng không ai nghe máy. Anh ta vừa đặt ống nghe xuống vừa lắc đầu.
“Nếu chị ấy ở nhà, mấy tên kia cũng không đến đây.” Kirihara nói.
“Vậy thì cũng không ở ngân hàng nhỉ?” Tomohiko nói. Chỗ làm chính thức của Namie là chi nhánh Showa của ngân hàng Daito.
“Có thể là xin nghỉ phép rồi.” Kirihara mở chiếc tủ lạnh nhỏ, lấy khay làm nước đá ra, đổ vào bồn nước, tay trái cầm một cục lên.
“Chỗ bỏng của cậu có sao không?”
“Không sao.”
“Đám người kia là ai vậy? Trông giống như yakuza ấy.”
“Có lẽ không sai đâu.”
“Chị Namie sao lại dây dưa với những kẻ này...”
“Có trời biết.” Sau khi cục đá đầu tiên tan chảy trên tay, Kirihara lại cầm thêm một cục nữa, “Cậu cứ về nhà trước đi, có tin gì tớ sẽ liên lạc với cậu sau.”
“Cậu định thế nào?”
“Tối nay tớ ở lại đây, có thể Namie sẽ gọi điện tới.”
“Vậy tớ cũng...”
“Cậu về nhà.” Kirihara lập tức nói, “Đồng bọn của mấy tên kia có thể đang theo dõi chỗ này. Nếu cả hai chúng ta đều ở lại đây, bọn chúng sẽ sinh nghi.”
Đúng là vậy. Tomohiko từ bỏ ý định ấy, quyết định về nhà.
“Liệu có phải ở ngân hàng xảy ra chuyện gì không?”
“Có trời biết.” Kirihara dùng tay phải sờ sờ vết bỏng trên tay trái, nhăn mặt vẻ khổ sở, hẳn là một cơn đau vừa nhói lên.
4
Sonomura Tomohiko về đến nhà thì người nhà đã ăn xong bữa tối. Ông bố làm ở hãng thiết bị điện tử đang ở trong phòng khách kiểu Nhật xem truyền hình trực tiếp trận bóng chày chuyên nghiệp, em gái học cấp III đã rúc vào trong phòng của nó. Dạo gần đây, bố mẹ Tomohiko hoàn toàn không can thiệp vào cuộc sống của anh ta. Bọn họ cảm thấy vô cùng hân hoan khi con trai thi đỗ vào khoa Điện của một trường đại học danh tiếng, đồng thời cũng hài lòng với việc con mình chăm chỉ lên lớp, không thiếu một điểm học phần nào; hoàn toàn khác hẳn với đám sinh viên thông thường. Công việc giúp cho Kirihara, Tomohiko nói với bố mẹ là đi làm thêm ở một cửa hàng máy tính. Đương nhiên hai người họ không phản đối. Bà mẹ đang rửa bát tranh thủ lúc ngơi tay bày cá rán, rau xào và canh miso lên bàn ăn. Tomohiko chỉ phải tự mình đơm một bát cơm. Lúc ăn những món chính tay mẹ mình làm, anh ta thầm nhủ, Kirihara giải quyết bữa tối như thế nào nhỉ?
Quen nhau được ba năm, nhưng anh ta hầu như vẫn mù mờ về hoàn cảnh gia đình của Kirihara. Chỉ biết rằng bố Kirihara từng kinh doanh tiệm cầm đồ, hiện đã qua đời. Anh ta không có anh chị em, mẹ hình như vẫn còn sống, nhưng có ở chung hay không cũng không rõ lắm. Còn về bạn bè thân thiết, theo như Tomohiko biết thì không có lấy một người. Nishiguchi Namie cũng thế. Tuy rằng bọn họ nhờ cô xử lý công việc kế toán, nhưng Tomohiko gần như chưa từng nghe Namie nhắc đến cuộc sống riêng tư của mình. Nghe nói chị ta đang làm việc ở ngân hàng, nhưng phụ trách nghiệp vụ gì thì anh ta không biết. Không ngờ một Namie như thế lại bị bọn xã hội đen săn đuổi... Không hiểu đã có chuyện gì vậy nhỉ? Trong đầu Tomohiko hiện lên gương mặt nhỏ, tròn trịa của Namie.
Ăn xong cơm tối, Tomohiko chuẩn bị về phòng. Đúng lúc đó, tiếng chương trình thời sự trên ti vi đập vào tai anh ta. Dường như buổi tường thuật trực tiếp trận bóng đã kết thúc. “Khoảng tám giờ sáng nay, người qua đường đã phát hiện một người đàn ông trung niên bị thương vùng ngực, ngã bên vệ đường Showa và báo cho cảnh sát. Người đàn ông lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng đã chết ngay sau đó. Người này là nhân viên ngân hàng, tên Makabe Mikio, bốn mươi sáu tuổi, sống ở đường 49 quận Konohana, lồng ngực ông ta bị một luỡi dao đâm. Ngay trước khi phát hiện ông Makae trên vệ đường, người qua đường đã trông thấy ở gần hiện trường có một người đàn ông khả nghi tay cầm dao, cảnh sát cho rằng kẻ này có liên quan tới vụ án giết người và hiện đang tiến hành truy tìm. Khi gặp nạn, ông Makabe đang trên đường tới làm việc tại chi nhánh Showa ngân hàng Daito cách hiện trường vụ án tầm một trăm mét. Tin tức tiếp theo...”
Mãi đến giữa phần tin tức, Tomohiko vẫn cho rằng đây chẳng qua chỉ là một trong những vụ phạm tội bạo lực đột nhiên tăng vọt gần đây. Nhưng nghe tới đoạn cuối cùng, anh ta giật thót mình. Chi nhánh Showa ngân hàng Daito. Không phải là cái tên đã từng nghe ở đâu đó. Đó chính là nơi Nishiguchi Namie đang làm việc. Tomohiko ra ngoài hành lang, cầm điện thoại lên sốt ruột quay số. Nhưng Kirihara lẽ ra đang ở văn phòng lại không nghe máy. Chuông đổ chừng mười tiếng, Tomohiko đặt ống nghe xuống. Ngẫm nghĩ giây lát, Tomohiko quay lại phòng khách. Vì anh ta biết bố mình sẽ xem chương trình tin tức lúc mười giờ. Anh ta và bố xem ti vi một lúc. Tomohiko làm bộ chăm chú xem ti vi để bố khỏi nói chuyện với mình. Bố anh ta có một cái tật, là dù nói chuyện là gì, cũng sẽ liên hệ ngay tới chuyện tương lai của con trai. Gần cuối chương trình, rốt cuộc cũng có tin liên quan đến vụ án giết người kia. Nhưng nội dung không khác gì so với lúc trước. Người dẫn chương trình đưa ra suy luận rằng đây có lẽ là một vụ giết người không rõ nguyên cớ và không xác định đối tượng.
Chuông điện thoại vang lên ngay sau đó. Tomohiko bật dậy như một phản xạ có điều kiện, nói với bố, “Để con nghe,” rồi ra ngoài hành lang. Anh ta nhấc ống nghe lên, “A lô, nhà Sonomura nghe.”
“Là tớ đây.” Giọng nói ở đầu bên kia đúng như Tomohiko dự đoán.
“Tớ vừa gọi điện cho cậu.” Tomohiko hạ giọng.
“Vậy hả? Nghĩa là cậu xem tin tức rồi.”
“Ừ.”
“Vừa nãy tớ ở bên này cũng xem rồi.”
“Bên này?”
“Chuyện kể ra dài lắm, cậu có thể ra ngoài một chút không?”
“Hả?” Tomohiko ngoảnh đầu liếc vào phòng khách, “Ngay bây giờ à?”
“Ừ.”
“Tớ có thể tìm cách.”
“Vậy thì tốt, tớ có chuyện muốn bàn với cậu, chuyện của Namie.”
“Chị ấy liên lạc với cậu rồi à?” Tomohiko nắm chặt ống nghe.
“Chị ấy đang ở cạnh tớ.”
“Sao lại thế?”
“Gặp mặt rồi nói sau, cậu tới ngay đi. Nhưng không phải ở văn phòng, bọn tớ đang ở khách sạn.” Kirihara nói cho anh ta biết tên khách sạn và số phòng.
Nghe xong, Tomohiko không khỏi có chút bối rối. Khách sạn ấy chính là nơi xảy ra sự kiện hồi anh ta học lớp mười một.
“Được, tớ qua ngay đây.” Tomohiko đọc lại số phòng một lượt, rồi gác máy.
Tomohiko chỉ nói với mẹ là cửa hàng anh ta làm thêm có rắc rối nên phải đi bây giờ rồi rời nhà. Mẹ anh ta không nghi ngờ gì, chỉ nói một câu vẻ quan tâm, “Thật vất vả quá!”
Tomohiko ra khỏi nhà ngay nên vẫn còn tàu điện. Anh ta nhớ lại chuyện hẹn hò với Hanaoka Yuko, đi theo con đường khi ấy. Cả lối ra vào ở chỗ đổi tàu, lẫn vị trí đợi tàu trên sân ga đều gắn với sự bồng bột của tuổi trẻ nhưng không khỏi khiến anh ta thấy bồi hồi. Người đàn bà có chồng ấy là bạn tình khác giới đầu tiên của anh ta. Sau khi cô ta chết, Tomohiko thậm chí còn không hôn một phụ nữ nào, mãi đến tận khi lên giường với một sinh viên nữ quen qua buổi hẹn hò chung hồi năm ngoái.
Tomohiko vừa đến khách sạn đầy kỷ niệm đó, liền đi thẳng về phía thang máy. Anh ta khá quen thuộc với cách bố trí của khách sạn này. Anh ta lên tầng hai mươi, tìm được phòng số 2015 ở sâu trong cùng hành lang, gõ cửa.
“Ai đấy?” Là giọng của Kirihara.
“Người ngoài hành tinh ở kinh thành Heian.” Tomohiko trả lời, đó là tên của trò chơi trên máy tính.
Cửa mở vào bên trong. Kirihara mặt lởm chởm râu giơ ngón tay cái lên trên, ra hiệu cho anh ta vào phòng. Đây là một phòng đôi. Cạnh cửa sổ có bàn uống trà và hai cái ghế, Nishiguchi Namie mặc váy liền thân kẻ sọc đang ngồi trên một trong hai cái ghế đó.
“Chào cậu.” Namie lên tiếng chào trước. Mặc dù mỉm cười, nhưng trông cô có vẻ rất mệt mỏi. Gương mặt vốn tròn trĩnh, giờ thì cả chiếc cằm cũng nhọn ra.
“Chào chị.” Tomohiko trả lời, đảo mắt nhìn quanh trong phòng, ngồi xuống chiếc giường không một vết nhăn. “Ờ, vậy,” anh ta nhìn Kirihara, “chuyện là như thế nào?”
Kirihara vẫn đút hai tay vào túi quần soóc vải bông, ngồi xuống chiếc bàn kê sát tường.
“Sau khi cậu đi chừng một tiếng đồng hồ, chị Namie gọi điện tới.”
“Ờ.”
“Chị ấy nói, không thể làm việc giúp chúng ta được nữa, muốn trả lại chúng ta sổ sách và các giấy tờ liên quan.”
“Không thể giúp là sao?”
“Chị ấy định bỏ trốn.”
“Hả! Tại sao?” Tomohiko nhìn về phía Namie rồi nhớ lại bản tin lúc nãy. “Có liên quan đến chuyện người làm cùng ngân hàng chị bị giết à?”
“Có thể nói như thế.” Kirihara nói, “Nhưng người không phải do chị ấy giết.”
“Ồ, tớ không nghĩ như vậy đâu.”
Măc dù nói vậy, nhưng kỳ thực, ý nghĩ này đã từng lóe lên trong đầu Tomohiko.
“Hình như là đám người đến văn phòng lúc chập tối ra tay.”
Câu nói của Kirihara làm Tomohiko hít sâu vào một hơi.
“Tại sao bọn chúng lại...”
Namie cúi gằm đầu không nói. Thấy bộ dạng đó của cô, Kirihara lại nhìn về phía Tomohiko.
“Gã yakuza cao to mặc áo khoác màu xanh sẫm, tên là Enomoto, Namie đang chu cấp hắn.”
“Chu cấp... tiền à?”
“Đương nhiên là tiền, chỉ có điều không phải của chị ấy.”
“Hả? Nói vậy, lẽ nào là...”
“Đúng,” Kirahara rụt cằm lại, “tiền của ngân hàng. Namie sử dụng hệ thống trực tuyến, chuyển tiền vào tài khoản của hắn ta.”
“Bao nhiêu?”
“Tổng số thì cả Namie cũng không nắm rõ, nhưng lúc nhiều từng có lần lên đến hơn hai mươi triệu yên. Chuyện đó diễn ra liên tục hơn một năm nay.”
“Vây mà cũng làm được?” Tomohiko hỏi Namie. Chị ta vẫn cúi đầu.
“Làm được chứ. Chị ấy nói là đã làm như vậy mà. Nhưng có người đã nhận ra Namie đang lạm dụng công quỹ. Chính là tay Makabe kia.”
“Makabe... người vừa nãy trong bản tin...”
Kirihara gật đầu. “Makabe hình như không ngờ chính là Namie làm nên đã tiết lộ với chị ấy về mối nghi ngờ của mình. Namie biết chuyện không ổn, vội vàng báo với Enomoto nói là sự việc sắp bại lộ. Enomoto đương nhiên không muốn mất cái cây tiền vô hạn này, liền bảo đồng bọn hoặc đàn em của hắn đi giết Makabe.”
Nghe Kirihara kể, Tomohiko chợt cảm thấy mồm miệng khô khốc, tim đập càng lúc càng mạnh hơn.
“Ra là vậy...”
“Nhưng Namie chẳng hề thấy vui mừng. Vì nói ra thì, Makabe có thể coi như bị chị ấy hại chết.”
Nghe thấy Kirihara nói vậy, Namie bắt đầu khóc nức nở, đôi vai gầy khe khẽ run lên.
“Cậu cũng đâu cần phải nói khó nghe như thế.” Tomohiko lo lắng cho tâm trạng của cô, nói.
“Mấy chuyện kiểu này có nói dễ nghe cũng chẳng ý nghĩa gì cả!”
“Nhưng mà...”
“Không sao đâu.” Namie đã cất tiếng, tuy mí mắt cô sưng húp, nhưng trong mắt dường như đã có quyết tâm, “Đó là sự thực, Ryo nói không sai chút nào.”
“Có lẽ thế, nhưng mà...” Tomohiko không nói được gì nữa. Anh ta đành nhìn sang, đợi Kirihara nói tiếp.
“Từ vụ việc này, Namie cho rằng cần phải cắt đứt quan hệ với Enomoto.” Kirihara chỉ vào bên cạnh chiếc bàn. Ở đó có hai chiếc túi du lịch được nhồi nhét căng phồng.
“Chẳng trách bọn chúng lại cuống cả lên, lùng sục khắp nơi tìm Namie. Nếu chị ấy biến mất, thì giết người tên Makabe kia chẳng có ý nghĩa gì cả.”
“Không chỉ thế, hình như Enomoto cần gấp một khoản tiền lớn. Vốn đã thỏa thuận là ngày hôm qua, Namie dùng cách cũ chuyển tiền cho hắn.”
“Hắn tham gia một số vụ làm ăn, nhưng chẳng có việc gì thành công.” Namie thấp giọng nói.
“Sao chị lại cùng loại người ấy...”
“Giờ hỏi mấy chuyện đó có ý nghĩa gì đâu.” Kirihara lạnh lùng buông một câu.
“Đành là thế nhưng...” Tomohiko gãi gãi đầu, “Vậy, giờ phải làm gì?”
“Cũng chỉ có thể nghĩ cách bỏ trốn thôi.”
“Ừm.”
Tomohiko hiểu rằng trong thời điểm sống còn này, không thể nhắc đến chuyện tự thú.
“Nhưng giờ thậm chí trốn ở đâu vẫn còn chưa quyết định được. Cứ ở khách sạn mãi thì sớm muộn cũng sẽ bị tìm ra. Kể cả có thoát được bọn Enomoto thì cũng khó mà tránh khỏi cảnh sát. Ngày nay ngày mai, tớ sẽ đi tìm chỗ nào có thể trốn được lâu dài.”
“Liệu có tìm được không vậy?”
“Không tìm được cũng phải tìm.” Kirihara mở tủ lạnh lấy ra một lon bia.
“Xin lỗi các cậu. Ngộ nhỡ bị cảnh sát bắt được, chị nhất định sẽ không khai ra các cậu từng giúp chị.” Namie nói vẻ áy náy.
“Chị có tiền không?” Tomohiko hỏi.
“Ừm, chuyện đó chị cũng lo liệu rồi.” Giọng điệu cô có vẻ ậm ờ.
“Quả không hổ là Namie, chị ấy không phải chỉ biết làm con rối của Enomoto thôi đâu.” Kirihara cầm lon bia trên một tay, nói. “Chị ấy sớm đoán được sẽ có ngày hôm nay nên đã mở năm tài khoản bí mật, âm thầm chuyển tiền vào đó. Đáng nể thật.”
“Chà.”
“Đừng nói nữa, có phải chuyện gì vẻ vang đâu.” Namie giơ tay bóp trán.
“Nhưng có tiền dẫu sao cũng tốt hơn không.” Tomohiko nói.
“Đúng thế.” Nói đoạn, Kirihara uống cạn lon bia.
“Vậy tớ phải làm gì bây giờ?” Ánh mắt Tomohiko di chuyển giữa Namie và Kirihara, hỏi.
“Tớ muốn cậu ở đây với chị Namie trong hai hôm.”
“Ơ...”
“Chị Namie không thể tùy tiện ra ngoài, muốn mua thứ gì phải nhờ ai đó đi thay. Và, người có thể nhờ vả được chỉ có cậu thôi.”
“Vậy à...”
Tomohiko gạt mớ tóc mái, nhìn về phía Namie. Trong mắt cô lộ ra vẻ cầu cứu.
“Được, cứ để đấy tớ lo.” Anh ta nói bằng giọng dứt khoát.
5
Trưa ngày thứ Bảy, Tomohiko mua cơm hộp ở khu thực phẩm dưới tầng hầm trung tâm mua sắm, mang về phòng khách sạn. Anh ta mua cơm gomoku với cá rán, thịt gà rán. Anh ta còn pha cả trà túi khách sạn tặng kèm rồi hai người ăn bữa trưa trên chiếc bàn nhỏ.
“Xin lỗi, bắt cậu ăn cơm với tôi thế này.” Namie áy náy nói, “Cậu có thể ăn bên ngoài rồi về cũng được.”
“Không sao cả, có người ăn cùng cũng vui hơn mà.” Tomohiko vừa giơ đôi đũa dùng một lần gỡ cá, vừa nói, “Vả lại cơm hộp loại này rất ngon.”
“Ừm, ngon lắm.” Namie nheo nheo mắt mỉm cười.
Ăn cơm xong, Tomohiko lấy caramen trong tủ lạnh ra, anh ta mua thứ này về làm đồ ngọt tráng miệng. Nhìn thấy caramen, Namie lộ vẻ thích thú như một thiếu nữ. “Sonomura, cậu tinh ý thật đấy, sau này chắc chắn sẽ là một người chồng tốt.”
“Vậy sao?” Tomohiko đang cho miếng caramen vào miệng lấy làm ngượng ngùng.
“Sonomura, cậu có bạn gái chưa?”
“Năm ngoái cặp một cô, chia tay rồi. Nói thực, là bị đá.”
“Ồ, tại sao?”
“Cô ấy nói thích loại con trai biết ăn chơi, chê tôi nhà quê quá.”
“Bọn họ đều chẳng có mắt nhìn đàn ông gì cả.” Namie lắc lắc đầu, rồi ngay sau đó lại nở một nụ cười tự giễu, “Tôi cũng không có tư cách nói người ta.” Dứt lời, cô đưa thìa xúc caramen trong cốc.
Nhìn động tác của cô, Tomohiko định hỏi một chuyện. Nhưng rồi anh ta không nói ra miệng, vì cảm thấy có hỏi cũng chẳng để làm gì.
Có điều Namie không bỏ qua nét mặt đó của anh ta.
“Cậu muốn hỏi chuyện của Enomoto đúng không?” Cô nói. “Muốn hỏi tại sao tôi lại quan hệ với loại người đó, tại sao tôi lại chuyển tiền cho hắn ta suốt hơn một năm?”
“À, không đâu...”
“Chẳng sao, cậu hỏi đi. Vì dù là ai cũng sẽ cảm thấy tôi rất ngu ngốc.” Namie đặt cốc caramen ăn dở lên bàn, “Cậu có thuốc lá không?”
“Chỉ có Mild Seven thôi.”
“Ừm. Thế được rồi.”
Namie dùng bật lửa của Tomohiko châm thuốc rồi hít vào một hơi thật sâu. Làn khói trắng thanh nhã bay lượn trong không trung. “Khoảng một năm rưỡi trước, tôi lái xe gây ra một tai nạn nhỏ.” Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, bắt đầu nói, “Va chạm với một chiếc xe. Thực ra chỉ va quệt một chút thôi, tôi cũng không cho rằng mình sai. Nhưng đen đủi là gặp phải những kẻ khó dây vào.”
Tomohiko lập tức hiểu ra, “Yakuza à?”
Namie gật đầu. “Chúng vây tôi lại, khi ấy tôi tưởng mình tiêu rồi. Đúng lúc đó Enomoto xuất hiện từ một chiếc xe khác, hình như hắn ta quen biết tay anh chị kia. Vậy là, hắn giúp tôi thỏa thuận để chỉ phải trả tiền sửa chữa.”
“Bọn chúng đòi chị bồi thường một khoản lớn à?”
Namie lắc đầu.
“Tôi nhớ hình như khoảng một trăm nghìn yên gì đó. Dù vậy, Enomoto vẫn xin lỗi tôi, vì thỏa thuận kém. Nhất định cậu khó mà tin nổi, nhưng lúc đó hắn ta thật sự rất lịch thiệp.”
“Đúng là rất khó tin.”
“Hắn ăn mặc cũng lịch sự lắm, bảo rằng mình không phải yakuza. Hắn còn đưa danh thiếp cho tôi, nói là đang kinh doanh một số lĩnh vực.”
“Ồ.”
“Giờ mất hết rồi.” Cô bổ sung.
“Vậy nên, chị thích hắn ta?” Tomohiko hỏi.
Namie không trả lời ngay mà hút thuốc một lúc, ánh mắt chuyển động theo làn khói. “Nói ra nghe giống như bao biện, nhưng hồi đó hắn đối với tôi tốt lắm, làm tôi tin rằng hắn thật lòng yêu tôi. Tôi sắp bốn mươi rồi, lần đầu tiên có được thứ cảm giác ấy.”
“Vì vậy, chị cũng muốn làm gì đó cho hắn.”
“Thực ra nên nói là, tôi sợ Enomoto không còn hứng thú với tôi nữa. Tôi muốn thể hiện mình là một người đàn bà có giá trị.”
“Vậy là chị cho hắn tiền?”
“Tôi thật ngốc nhỉ. Tôi chẳng hề nghi ngờ chút nào khi hắn bảo cần tiền để mở rộng kinh doanh.”
“Nhưng mà, chị đã nhận ra Enomoto kỳ thực cũng là yakuza?”
“Đúng vậy. Có điều, lúc đó thì chẳng còn quan trọng nữa rồi.”
“Không còn quan trọng là sao?”
“Ý tôi là dù hắn có phải yakuza hay không, cũng chẳng quan trọng.”
“Hừm...” Tomohiko nhìn chăm chăm vào cái gạt tàn trên bàn, không biết nên đáp lời thế nào nữa.
Namie dụi điếu thuốc vào gạt tàn.
“Tôi toàn gặp phải loại đàn ông chẳng ra gì. Vậy có gọi là lận đận tình duyên không nhỉ?”
“Trước đây cũng từng xảy ra chuyện gì à?”
“Đúng vậy. Cho tôi điếu nữa được không?” Cô rút một điếu nữa trong bao thuốc Tomohiko giơ cho, “Bạn trai trước của tôi là phục vụ ở quán rượu, nhưng chẳng bao giờ chịu làm cho tử tế. Anh ta thích đánh bạc, lấy hết tiền lột được từ tôi đi đánh bạc. Sau khi vét sạch tiền tiết kiệm của tôi, anh ta cứ thế biến mất không tăm tích như thể chưa có chuyện gì xảy ra.”
“Đó là khi nào vậy?”
“Ừm... ba năm trước.”
“Ba năm trước...”
“Đúng, lần đầu tiên gặp cậu cũng chính là vào thời điểm đó. Vì gặp phải chuyện như thế, tôi cảm thấy mình sống rất vô nghĩa, nên mới muốn đi đến nơi đó.”
“Ồ.”
Nơi đó... là nơi làm bậy với đám trai trẻ.
“Chuyện này tôi đã kể với Ryo rất lâu trước đây rồi. Tôi nghĩ, lần này cậu ấy nhất định là bực tôi lắm.” Namie cầm chiếc bật lửa trên bàn lên, châm vào điếu thuốc.
“Tại sao?”
“Bởi vì tôi lại giẫm lên vết xe đổ của chính mình, Ryo ghét nhất người như thế còn gì?”
“Ờ.” Đúng thật, Tomohiko nghĩ. “Có thể hỏi một chuyện nữa được không?”
“Chuyện gì?”
“Trộm tiền của ngân hàng đơn giản thế à?”
“Câu hỏi này rất khó trả lời.” Namie gác chân lên nhau, tiếp tục hút thuốc, dường như đang nghĩ xem nên giải thích thế nào cho rõ. Sau khi điếu thuốc ngắn đi chừng hai xen ti mét, cô mở miệng: “Nghĩ đi nghĩ lại, có thể xem như rất đơn giản. Có điều, đây chính là cạm bẫy.”
“Chị nói thế là sao?”
“Nói đơn giản thì chỉ cần làm giả phiếu chuyển tiền thôi.” Namie dùng hai ngón tay đang kẹp điếu thuốc day day lên thái dương, “Điền đầy đủ số tiền và tài khoản người nhận, đóng dấu của người chịu trách nhiệm chính và trưởng bộ phận là được. Trưởng bộ phận thường xuyên không ngồi ở chỗ mình, muốn trộm con dấu của ông ta không khó. Còn dấu của người chịu trách nhiệm chính thì tôi làm giả.”
“Như vậy không bị phát hiện à? Không có người kiểm tra à?”
“Chúng tôi có một biểu mẫu báo cáo số dư tiền vốn. Người ở phòng Kế toán sẽ phụ trách kiểm tra, có điều, chỉ cần có dấu của bọn họ thì cũng có thể làm giả giấy tờ đã đối chiếu xong, có nghĩa là, sẽ tạm thời che giấu được.”
“Tạm thời?”
“Dùng cách này, vốn quyết toán sẽ giảm đột ngột nên bị phát hiện chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy, tôi chỉ có thể trộm tiền tạm ứng.”
“Đó là gì?”
“Nguyên lý của việc chuyển tiền giữa các cơ quan tài chính là thế này: ngân hàng nhận yêu cầu chuyển tiền sẽ ứng tiền trước cho khách hàng, rồi quyết toán với ngân hàng đối tác. Khoản tiền được ứng trước ấy gọi là tiền tạm ứng, cơ quan tài chính nào cũng có dự trữ riêng. Tôi đã nhắm vào khoản tiền đó.”
“Nghe có vẻ phức tạp nhỉ.”
“Thao tác với tiền tạm ứng cần có kiến thức chuyên môn, chỉ những nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm đảm nhiệm nghiệp vụ mới có thể nắm bắt được toàn bộ. Ở chi nhánh Showa ngân hàng Daito, tôi chính là người như vậy. Vì thế, lẽ ra phải trải qua hai ba tầng kiểm soát của phòng Kế toán, phòng Kiểm soát nhưng trên thực tế lại giao cho tôi hết.”
“Tóm lại là không kiểm soát theo đúng quy định?”
“Nói cho dễ hiểu chính là như vậy. Chẳng hạn, trường hợp của ngân hàng chúng tôi, khi chuyển từ một triệu yên trở lên thì phải điền tên người nhận và số tiền vào sổ xác nhận của người có thẩm quyền, được trưởng bộ phận xét duyệt, cho mượn chìa khóa, mới có thể thao tác thiết bị đầu cuối của máy tính. Vả lại, kết quả của lần chuyển khoản này, ngày hôm sau nhất thiết phải in ra thành biểu mẫu báo cáo, nộp cho trưởng bộ kiểm tra. Nhưng mà, gần như chẳng ngân hàng nào kiểm tra chặt chẽ đến mức ấy. Vì vậy nếu giấu phiếu chuyển tiền bất hợp pháp và báo cáo ngày của hôm đó đi, chỉ để cấp trên xem những chứng từ thanh toán và báo cáo bình thường, thì cũng chẳng ai phát hiện ra chỗ bất thường cả.”
“Ồ. Thoạt nghe có vẻ khó nhưng rốt cuộc là do cấp trên sơ suất thôi?”
“Đúng thế, có điều...” Namie nghiêng đầu, thở dài một tiếng, “Sớm muộn sẽ có ngày bị người ta phát hiện ra, giống như ông Mikabe ấy.”
“Biết rõ là sẽ có người phát hiện, mà không thể dừng lại được sao?”
“Ừm, giống như... bị nghiện ma túy ấy.” Namie gảy tàn thuốc vào gạt tàn, “Chỉ cần gõ mấy cái lên bàn phím là có thể chuyển một đống tiền từ bên này sang bên kia. Nó khiến tôi có cảm giác như mình sở hữu một đôi tay ma thuật vậy. Nhưng mà, tất cả chỉ là ảo giác.”
“Lừa máy tính, cũng chỉ nên có chừng có mực thôi.” Cuối cùng, Namie nói với Tomohiko.
Tomohiko nói dối người nhà là phải tạm thời ở lại chỗ làm thêm. Anh ta dùng một trong hai chiếc giường kê song song trong phòng khách sạn. Anh ta tắm trước, mặc áo choàng tắm vào rồi leo lên giường. Sau đó, Namie vào phòng tắm. Lúc này, ngoài đèn ngủ ra, tất cả đèn đều đã tắt hết.
Có vẻ Namie đã ra khỏi phòng tắm, leo lên giường. Tomohiko nghe thấy sau lưng có tiếng động, còn ngửi được mùi xà phòng.
Trong bóng tối, Tomohiko nằm yên bất động. Anh ta không ngủ được, tâm trạng rất chộn rộn. Có lẽ ý nghĩ cần phải giúp Namie bình an thoát thân khiến anh ta thấy phấn chấn. Cả ngày hôm nay, Kirihara không liên lạc gì.
“Sonomura,” sau lưng vang lên tiếng gọi của Namie, “cậu ngủ chưa?”
“Chưa.” Tomohiko nhắm mắt trả lời.
“Không ngủ được à?”
“Ừ.” Tomohiko nghĩ, khó trách Namie không ngủ được. Chị ấy phải bỏ trốn, chặng đường phía trước còn chưa biết thế nào.
“Này,” cô lại cất tiếng gọi anh ta, “cậu có nhớ đến người đó không?”
“Người đó?”
“Hanaoka Yuko ấy.”
“À...” Nghe thấy cái tên này, Tomohiko không sao giữ được bình tĩnh nữa. Anh ta trả lời, thận trọng không để cô phát hiện ra tâm trạng xáo trộn của minh. “Có đôi lúc.”
“Vậy sao. Quả nhiên.” Câu trả lời của Tomohiko đúng như Namie dự đoán. “Cậu yêu chị ta không?”
“Tôi không biết, hồi đó còn trẻ quá.”
Nghe Tomohiko trả lời, cô bật cười khúc khích.
“Bây giờ cũng vẫn rất trẻ mà.”
“Cũng phải nhưng...”
“Lúc đó,” cô nói, “tôi bỏ chạy mất.”
“Đúng thế.”
“Chắc chắn cậu cảm thấy tôi rất kỳ quặc đúng không? Đã đến tận đấy rồi, mà còn bỏ chạy.”
“Không...”
“Đôi lúc tôi thấy hối hận.”
“Hối hận?”
“Ừm. Tôi nghĩ, giá mà lúc đó ở lại có khi lại hay. Ở lại chỗ đó, để mọi thứ thuận theo tự nhiên, có lẽ sẽ được sống lại một lần nữa.”
Tomohiko mím chặt môi. Anh ta hiểu ý nghĩa sâu xa trong những lời thủ thỉ này của cô nên không thể trả lời tùy tiện.
Giữa bầu không khí nặng nề ngột ngạt cô lại nói, “Liệu có phải đã quá muộn rồi không?”
Tomohiko hiểu rất rõ ý nghĩa của câu hỏi đó. Thực ra anh ta cũng đang dần bị suy nghĩ ấy chi phối.
“Namie,” cuối cùng, anh ta hạ quyết tâm, mở miệng gọi cô, “làm không?”
Cô im lặng khiến Tomohiko tưởng rằng minh đã lỡ lời. Nhưng không lâu sau, cô cất tiếng hỏi, “Với một bà cô như thế này cũng được chứ?”
Tomohiko trả lời, “Chị vẫn như ba năm trước.”
“Ý cậu là, ba năm trước tôi đã là một bà cô già rồi?”
“Không phải ý đó.”
Anh ta cảm thấy Namie đã xuống giường. Mấy giây sau đó, cô chui vào giường Tomohiko.
“Mong rằng có thể sống lại.” Cô thì thầm bên tai Tomohiko
6
Sáng ngày thứ Hai, Kirihara đến đón bọn họ. Trước tiên anh ta xin lỗi Namie, nói là không tìm được chỗ thích hợp, nên muốn cô trốn tại một khách sạn công vụ ở Nagoya một thời gian.
“Hôm qua cậu đâu có bảo vậy.” Tomohiko nói. Tối qua Kirihara gọi điện thoại tới, nói đã tìm được chỗ thích hợp bảo Namie chuẩn bị để sáng sớm nay xuất phát.
“Sớm nay tình hình thay đổi đột ngột, nhưng không kéo dài quá lâu đâu, chị cố chịu một chút.”
“Tôi không sao đâu.” Namie nói, “Hồi trước tôi từng ở Nagoya một thời gian nên cũng quen thuộc nơi đó.”
“Chính vì tôi có nghe chị nhắc đến, nên mới chọn Nagoya.”
Khu đỗ xe dưới tầng hầm khách sạn có một chiếc xe Mark II màu trắng của Toyota đỗ sẵn. Kirihara bảo đó là xe đi thuê, vì nếu đi chiếc Liteace vẫn dùng có thể bọn Enomoto sẽ sinh nghi.
“Đây là vé tàu Shinkanshen và bản đồ đến khách sạn.” Sau khi lên xe, Kirihara đưa cho Namie một phong bì và một tờ giấy in màu trắng.
“Cảm ơn cậu đã giúp tôi nhiều như vậy.”
“Còn nữa. Tốt nhất chị nên mang theo thứ này.” Kirihara lấy ra một túi giấy.
“Gì đây?” Liếc vào trong túi, Namie cười thiểu não.
Tomohiko ở bên cạnh cũng nghển đầu qua nhìn, thấy trong túi là một bộ tóc giả dùng cho nữ, xoăn tít đầy khoa trương, kính râm và khẩu trang.
“Tiền trong mấy tài khoản giả kia của chị, hẳn phải dùng thẻ để rút đúng không?” Kirihara vừa khởi động xe vừa nói, “Lúc rút tiền, chị nên hóa trang. Dù hơi mất tự nhiên cũng không được để máy quay giám sát ghi hình gương mặt lại.”
“Cậu tính toán kỹ thật. Cảm ơn, vậy tôi xin nhận.” Namie bỏ túi giấy vào trong túi du lịch đã chật cứng.
“Đến đó phải liên lạc đấy nhé.” Tomohiko dặn.
“Ừm.” Namie mỉm cười gật đầu.
Kirihara cho xe chạy.
Sau khi tiễn Namie lên tàu Shinkanshen, Tomohiko và Kirihara cùng quay về văn phòng.
“Mong rằng chị ấy có thể trốn đi thuận lợi.” Tomohiko nói. Kirihara không trả lời anh ta, mà hỏi ngược lại, “Chuyện của Enomoto cậu nghe rồi chứ?”
“Ừ.” Tomohiko đáp.
“Người đàn bà đó thật ngu ngốc.”
“Ơ...”
“Enomoto từ đầu đã cố ý tiếp cận Namie, hẳn là toan tính lợi dụng vị trí của chị ta ở ngân hàng để gạt tiền. Cả chuyện chị ta va quệt xe bị bọn giang hồ kiếm chuyện, chắc chắn cũng do một tay hắn sắp đặt. Một trò lừa cỏn con như thế cũng không phát hiện ra thì đúng là đầu óc có vấn đề. Hồi trước cũng vậy, cứ dính đến đàn ông là chị ta chẳng còn chút minh mẫn gì nữa.”
Tomohiko không nói lại được gì, chỉ gượng nuốt nước bọt, nhưng dạ dày nặng trĩu như vừa nuốt vào một cục chì. Anh ta hoàn toàn không nghĩ như Kirihara.
Hôm đó, Tomohiko về nhà sớm, đợi điện thoại của Namie.
Nhưng không có cuộc điện thoại nào.
Xác Namie được phát hiện trong khách sạn công vụ ở Nagoya vào ngày thứ tư sau khi Tomohiko tiễn cô. Cô bị một vật nhọn giống như dao đâm vào ngực và bụng. Theo phân tích, cô đã chết được hơn bảy mươi hai tiếng.
Namie xin nghỉ hai ngày ở ngân hàng cô đang làm việc. Từ ngày thứ ba là thành nghỉ không lý do. Phía ngân hàng cũng đang tìm cô.
Trong các đồ đạc cô mang theo có năm quyển sổ tiết kiệm. Tổng số tiền trong các tài khoản đó hôm thứ Hai vẫn còn hơn hai mươi triệu yên, nhưng lúc phát hiện ra thi thể, số dư đã gần như bằng không.
Theo kết quả điều tra của ngân hàng, Namie đã chuyển tiền bất hợp pháp trong nhiều năm. Năm quyển sổ tiết kiệm ấy, dường như được dùng với mục đích đó.
Phía cảnh sát lần theo tài khoản mà Nishiguchi Namie chuyển tiền vào, đã bắt Enomoto Hiroshi, thành viên hội đồng quản trị của một công ty vì tình nghi trộm cắp tài sản, đồng thời cũng tiến hành điều tra Enomoto trong vụ án sát hại Nishiguchi Namie.
Tuy nhiên vẫn chưa tìm thấy số tiền được rút ra từ năm tài khoản của Namie. Đã xác nhận chắc chắn là do Namie dùng thẻ rút ra, vì máy quay giám sát ở chỗ máy rút tiền tự động có quay lại được một người đàn bà cải trang với tóc giả, kính râm cũng như khẩu trang được tìm thấy trong túi hành lý của Namie.
Đọc bài báo có nội dung đó xong, Sonomura Tomohiko lao vào nhà vệ sinh nôn mửa, cho đến khi dạ dày trống rỗng.