Bách Thủ Thư Sinh

Chương 20: Chương 20: Chỉ Đao Vô Thường




Kinh mỗ đã chờ túc hạ ở đây quá một canh giờ.

Tuấn Luận ôm quyền từ tốn nói:

- Sự nhiệt thành của túc hạ, tại hạ xin ghi tạc trong tâm mình.

Vô Thường đặt bầu rượu xuống bàn. Y ngẩng mặt nhìn Tuấn Luận. Cặp mắt cá chết của gã thật là vô hồn và vô cảm. Sát thần uy quang ẩn tàng ngay trong ánh mắt của gã.

Y chậm rãi nói như một người chỉ chực bức hơi, đột tử mà ngã lăn ra chết nên tiếc từng lời nói:

- Chỉ có Bách Thủ Thư Sinh mới khiến cho Kinh mỗ mất thời gian mà thôi.

Tuấn Luận khách sáo đáp lời:

- Tại hạ rất cảm kích vì huynh đã xem trọng.

Kinh Vô Thường lắc đầu:

- Kinh mỗ không biết xem trọng ai. Nhưng Kinh mỗ biết một điều khi túc hạ hẹn ta thì hẳn ta sẽ có lợi.

- Không sai! Huynh chấp nhận cuộc phó hội này tất huynh đã gặp lợi.

- Nếu biết mình gặp lợi lộc mà không tiếp nhận cơ hội đó thì Kinh mỗ đúng là một gã hồ đồ.

Tuấn Luận ôn nhu tiếp lời Kinh Vô Thường:

- Nếu không có lợi hẳn Kinh túc hạ không nhận cuộc phó hội này với Tuấn Luận.

- Tất nhiên.

Y nhướng mày định nhãn nhìn thẳng vào mặt Tuấn Luận:

- Các hạ sẽ cho Kinh mỗ món lợi gì?

- Có cái lợi và cũng có cái hại. Thế Kinh túc hạ muốn cái lợi trước hay cái hại trước?

- Rất hay! Không bao giờ chỉ có lợi mà không có hại. Ngược lại cũng thế thôi.

Kinh mỗ muốn nghe các hạ phân giải, Kinh mỗ được lợi gì và nhận lại cái hại gì?

Tuấn Luận chấp tay sau lưng bước đến ngồi đối mặt với kinh Vô Thường.

Chàng từ tốn ôn nhu nói:

- Tại hạ xin thỉnh giáo Kinh túc hạ một điều.

- Nếu điều đó không ngoài tầm hiểu biết của Kinh mỗ.

Tuấn Luận khẽ gật đầu. Chàng chậm rãi nói:

- Kinh tôn giá nghĩ sao về quyển Binh khí phổ của Vạn Sự Thông.

Đôi chân mày rậm rịt của họ Kinh thoạt cau hẳn lại. Y tò mò nhìn Tuấn Luận như thể muốn đọc những ý nghĩ mà chàng chưa thổ lộ.

Suy nghĩ một lúc Kinh Vô Thường mới chậm rãi nói:

- Thế túc hạ nghĩ sao về Vạn Sự Thông?

- Một sư gia về kiếm phổ.

Kinh Vô Thường khẽ gật đầu:

- Không sai. Nếu túc hạ cho Vạn Sự Thông là sư gia về Binh khí phổ thì Kinh mỗ xin hỏi túc hạ, Kinh mỗ được xếp vào hạng thứ mấy.

Tuấn Luận nhìn thẳng vào mắt Kinh Vô Thường:

- Thứ ba.

- Nhứt điếu, nhị hoàn, tam đao, tứ kiếm. Đúng rồi, Kinh mỗ được xếp vào hàng thứ ba trong binh khí phổ.

Cầm lấy bầu rượu, không đợi Kinh Vô Thường có mời mình hay không, chàng chuốc rượu ra chén. Dốc cạn số rượu đó vào miệng, Tuấn Luận mới nói:

- Tại hạ mạo phạm muốn sửa lại Binh khí phổ của Vạn Sự Thông.

Bộ mặt ngựa của Kinh Vô Thường tưởng chừng như dài hẳn ra khi lời nói này của Hạ Tuấn Luận đập vào thính nhĩ gã. Y khe khắt hỏi lại chàng:

- Các hạ muốn sửa lại Binh khí phổ của Vạn Sự Thông?

Thản nhiên gật đầu, Tuấn Luận nói:

- Mặc dù Vạn Sự Thông là sư gia về Binh khí phổ nhưng cái thời của Vạn Sự Thông tiên sinh đã qua rồi. Nay đã đến thời của người khác mà người đó thì kiến văn chẳng kém Vạn Sự Thông, thậm chí có phần hơn nữa.

- Kinh mỗ muốn biết tục danh của người đó.

- Tại hạ mạn pháp không đáp lời túc hạ, nhưng có thể nói đó là người khiến tại hạ đi sửa lại quyển Binh khí phổ của Vạn Sự Thông.

Đôi chân mày của Kinh Vô Thường nhíu hẳn lại. Y gằn giọng nói:

- Thế theo túc hạ, Kinh mỗ đứng hạng thứ mấy?

Tuấn Luận chấp tay sau lưng:

- Trong Binh khí phổ của Vạn Sự Thông, túc hạ đứng hàng thứ ba, nhưng nếu như túc hạ lại thua tại hạ thì người sẽ đứng hàng thứ tư.

- Các hạ dụng binh khí gì.

Tuấn Luận lắc đầu:

- Chẳng có binh khí gì cả.

- Không có binh khí. Trong Binh khí phổ của Vạn Sự Thông không lưu bút xếp hạng những người không dụng binh khí.

- Chính vì thế mà mới có người muốn cải biên binh khí phổ của Vạn Sự Thông.

Mặt Vô Thường chảy xệ xuống:

- Các hạ có nghĩ đó là một việc làm hồ đồ thiển cận không?

Khẽ lắc đầu, Tuấn Luận nói:

- Không! Chẳng có việc làm nào hồ đồ cả, chỉ có những kẻ không biết suy nghĩ mà thôi.

Kinh Vô Thường từ từ đứng lên:

- Vậy Kinh mỗ sẽ được gì trong cuộc giao thủ này.

- ý của túc hạ.

Hai cánh môi của Kinh Vô Thường thoạt nhếch lên rồi mím lại. Trầm ngâm một lúc gã mới từ tốn nói:

- Kinh mỗ giờ đã có thể hiểu ý của túc hạ rồi. Nếu như Kinh mỗ thắng trong cuộc giảo chứng cải biên binh khí phổ của Vạn Sự Thông thì ta vẫn đứng ở hạng thứ ba nhưng ngược lại ta sẽ tuột xuống hàng thứ tư?

- Phần thiệt thòi của túc hạ.

- Để bù lại phần thiệt thòi đó, Kinh mỗ muốn lấy thứ mà ngươi đã có được ở Thiên Ma cổ bảo.

- Tại hạ biết túc hạ sẽ đòi vật đó.

Tuấn Luận gật đầu.

- Được! Xem như chúng ta đã thỏa thuận với nhau rồi.

- Rất khẳng khái, Kinh mỗ phục các hạ đó.

- Ai cũng có thể nói ra những câu như túc hạ.

- Kinh mỗ sẽ minh chứng.

Vô Thường cầm cả bầu rượu dốc vào miệng mình, rồi quay lưng tiến ra cửa thảo xá. Y đi thẳng đến một bãi đất trống cách thảo xá hai mươi trượng, ghim ngọn khoái đao xuống đất rồi vòng tay trước ngực nhìn lại Tuấn Luận.

Đối mặt với Kinh Vô Thường, Tuấn Luận vẫn không đánh mất vẻ khoan thai tự tại của mình. Hai tay vẫn chấp ra sau lưng nhưng mắt thì đóng đinh vào họ Kinh.

Kinh Vô Thường nhạt nhẽo nói:

- Các hạ có thể chết bởi một chiêu đao của Kinh mỗ.

- Tại hạ biết. Tại hạ có thể chết bởi một chiêu đao của túc hạ nhưng ngược lại có thể cải sửa thứ vị của túc hạ trong binh khí phổ.

- Nếu cái sửa được quyển Binh khí phổ danh bất hư truyền của Vạn Sự Thông, các hạ đặt tên cho quyển kinh thư đó là gì?

- Bách Điển tàn thư.

- Nghe hay đấy, chỉ sợ lực bất tòng tâm.

- Bất cứ việc gì trên đời này cũng đều có cái giá của nó cả.

- Cái giá mà các hạ đặt cược cho việc này lớn lắm đó.

- Cũng chỉ bằng một cái mạng của Tuấn Luận thôi. Nhưng có những chuyện mà giá phải trả còn cao hơn. Có thể bằng cả sự sinh tồn của bách tính.

- Mỗi người sinh ra đều đã có số phận rồi, chẳng có gì khiến cho các hạ phải quan tâm và suy nghĩ.

- Tại hạ không đặt mình vào hai chữ “số phận”.

- Nhưng cải biến số phận không phải là một việc dễ làm.

- Càng khó thì việc làm của mình càng có giá trị. Cái giá đó đáng được định bằng cái mạng của tại hạ chứ.

Kinh Vô Thường gật đầu:

- Cũng đáng giá lắm.

Kinh Vô Thường đặt tay vào đốc đao. Tay gã vừa chạm vào đốc ngọn khoái đao thì ngay lập tức lưỡi đao đã tỏa ra sát khí rần rật. Hình như gã đã luyện đao pháp đến cảnh giới “Vô chiêu sát tử”, chính vì thế mà sát đao mới tỏa ra khiến Tuấn Luận cảm nhận được.

Chỉ mới cảm nhận được luồng sát đao từ ngọn khoái đao kia thôi mà bất cứ ai cùng phải liên tưởng đến một cõi chết cho mình. Không phải là một cái chết bình thường mà là một cái chết thảm thiết, một cái chết mà nghĩ đến cũng đã chùng ý không dám đối đầu với họ Kinh.

Hai tay vẫn chấp sau lưng, Tuấn Luận cũng như những người khác. Chàng cảm nhận rõ mồn một sát đao của đối phương chẻ dọc theo thể pháp mình. Mặc dù đao của Kinh Vô Thường vẫn còn ghim dưới đất nhưng sát đao phát ra lại là một lưỡi đao vô hình chực bổ đôi thể pháp của Tuấn Luận. Chính cảm nhận đó khiến cho mặt Tuấn Luận đanh hẳn lại.

Vô Thường chậm rãi nói:

- Bách Thủ Thư Sinh các hạ chết không hối tiếc chứ?

Vẫn định nhãn nhìn Kinh Vô Thường, Tuấn Luận chậm rãi nói:

- Không hối tiếc. Nếu có chết thì ít ra cũng còn được may mắn là chết bởi đao pháp tối thượng của huynh.

Buông một tiếng thở dài, Tuấn Luận nói:

- Đao pháp của túc hạ quả là siêu thần đoạt phách. Không biết tại hạ sẽ được chôn bằng một cổ áo quan hay hai cổ áo quan.

Mặt Vô Thường nhíu lại:

- Các hạ đã biết ta sử đao cắt đôi thể pháp các hạ từ trên xuống dưới.

- Đó chì là sự cảm nhận.

Vô Thường từ từ rút lưỡi khoái đao lên khỏi mặt đất. Y múa ngọn đao tạo ra một màn ảnh đao vây bọc lấy thân pháp rồi định mũi dao hướng thẳng đến tam tinh Tuấn Luận.

Mắt Vô Thường những tưởng như muốn chọc thủng tam tinh đối phương.

Nếu một người không đủ bản lĩnh tịnh tâm khi đối nhãn với đôi mắt cú vọ của họ Kinh hẳn chẳng còn hồn phách nào để giữ định tâm chứ đừng nói đến chuyện giao thủ với gã, Tuấn Luận nhìn Vô Thường, hai tay vẫn chấp sau lưng không hề đánh mất phong thái thư thả tự tin.

Hai người đối nhãn với nhau.

Vô Thường chậm rãi nói:

- Các hạ có sợ không?

Tuấn Luận buông một câu cụt lủn:

- Sợ, nhưng không đánh mất mình.

- Các hạ đòi tỷ thí với Kinh mỗ mà lại sợ à?

- Phải biết sợ vì mạng của tại hạ rất lớn. Nếu không biết sợ thì chẳng khác nào những con thiêu thân, chỉ biết chết mà không biết sợ.

- Kinh mỗ đã từng ao ước có được một đối thủ nay thì đã gặp ... ông trời không phụ lòng Kinh Vô Thường.

Lời vừa dứt trên cửa miệng, Kinh Vô Thường thét lên một tiếng thật lớn.

Thân pháp của gã như thể hòa nhập với ngọn khoái đao làm một để phát tác sát chiêu.

Khi đao pháp của Kinh Vô Thường khởi phát, cả bầu trời lẫn mặt đất phải rung chuyển và chuyển sắc màu. Có thể nói cả càn khôn đều biến chuyển bởi đao pháp tối thượng của họ Kinh. Tất cả như thể nhuộm kín ảnh đao mà đối thủ chỉ còn mỗi một cách duy nhất để chống lại vùng sát đao trùng điệp kia, đó là đứng yên chấp nhận cái chết thảm sẽ đến với mình.

Khi đao đã đạt đến cảnh giới tử vong thì cũng là lúc nó chùng lại. Kinh Vô Thường đâu có ý chùng đao. Đao cùng gã chỉ chùng xuống và thu lại khi đối phương đã biến thành một miếng thịt bầy nhầy, nhưng lần này tự thân đao của gã chùng xuống không theo ý của gã nữa, vì đối thủ của Kinh Vô Thường là Bách Thủ Thư Sinh. Đao hắn chùng xuống bởi thần quang của y chớp động thấy bóng hình “Long hổ” đồng loạt xuất hiện, vươn những chiếc vuốt thần kỳ chụp thẳng đến lưỡi khoái đao. Chính hiện tượng kỳ dị và quái lạ đó khiến đao của hắn phái chùng lại.

Giao thủ với một cao thủ như Tuấn Luận thì đao pháp của Kinh Vô Thường lại bất ngờ mất sát đao, mất đi cái thần của gã chẳng khác nào gã đã tự sát hay tự mình kết thúc mình.

Cạch ...

Khoảnh khắc kia diễn ra chỉ trong khoảng khắc chưa đầy một cái chớp mắt nhưng tất cả đã được định đoạt. Cuộc giao thủ đã được định đoạt bằng một chiêu đao, một sự biến hoá, và cuối cùng là sự phân định kẻ thắng người bại.

Tả thủ Tuấn Luận kẹp mũi khoái đao, trong khi hữu thủ thì đã khống chế đốc đao của Kinh Vô Thường. Hai người trông như đang giành giật một ngọn đao, nhưng rõ ràng lưỡi đao lại áp vào yết hầu Vô Thường trong khi gã lại nắm cứng đốc đao.

Kinh Vô Thường cứ ngây mặt nhìn Tuấn Luận. Mãi một lúc gã mới nói:

- Các hạ đã thắng.. Đúng là Vạn Sự Thông đã viết sai ... Viết rất sai ...

- Thế từ hôm nay túc hạ đã xuống hạng thứ tư.

- Không có hạng cho Kinh Vô Thường nữa.

Gã nói dứt câu bất thình lình áp mạnh cổ vào lưỡi đao để tự kết liễu mình.

Nhưng ý của họ Kinh, Tuấn Luận như thể đã đọc được từ trước khi gã thực hiện ý định đó thì lưỡi đao bất ngờ gãy đôi.

Cắc ...

Kinh Vô Thường một lần nữa lại trơ mặt nhìn Tuấn Luận:

- Tại sao các hạ lại làm vậy?

- Bách Điển tàng thư chưa tái xuất Võ lâm, mà kẻ chứng nghiệm tàng thư đó đã chết thì không còn giá trị gì nữa. Túc hạ hẳn không muốn tại hạ cải biên Binh khí phổ Vạn Sự Thông chỉ bằng những bút văn chẳng có chứng lý chứ.

- Cái chết của Kinh mỗ đủ minh chứng cho sự cải biên của túc hạ.

- Người chết thì chẳng thể nào minh chứng được. Tại hạ không thể bắt một xác chết làm chứng cho những bút văn của mình.

Tuấn Luận rút tay lại nhìn thẳng vào mắt Kinh Vô Thường:

- Nếu túc hạ đi tìm cái chết thì không phải là một anh hùng hảo hán như tại hạ đã từng nghĩ về túc hạ. Chạy trốn bằng một cái chết đó chỉ là biểu hiện của sự hèn nhát. Sự hèn nhát kia chỉ có thể ở những gã tiểu nhân.

Buông một tiếng thở dài, Kinh Vô Thường cúi mặt nhìn xuống. Y nhẩm nói:

- Nhứt điếu, Nhị hoàn, Tam thủ, Tứ đao, Ngũ kiếm.

Tuấn Luận khẽ gật đầu:

- Tại hạ cáo từ.

Tuấn Luận vừa quay lưng thì Kinh Vô Thường gọi giật lại:

- Bách thủ Thư Sinh ...

- Túc hạ còn điều chi chỉ giáo?

- Nếu sau này Kinh mỗ muốn cải biên Bách điển tàng thư thì sao?

Tuấn Luận buông một câu cụt lủn:

- Ai cũng có quyền cải biên “Bách điển tàng thư”. Chỉ mong sao máu không nhuộm võ lâm bằng những cuộc cải biên đó.

Thốt dứt câu, Tuấn Luận lắc vai thi triển khinh công băng mình đi để Kinh Vô Thường ở lại một mình với ngọn khoái đao bị gãy đôi. Y Nhìn ngọn khoái đao nằm chỏng chơ dưới đất.

Y nhẩm nói:

- Hắn không chỉ đứng ở hạng thứ ba trong binh khí phổ mà nhất định phải là thứ hạng đầu tiên. Trên võ lâm còn ai có thể cải biên được “Bách điển tàng thư”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.