Bán Ngâm

Chương 40: Chương 40: Không thay đổi chút nào




NGÂM NGA

Chương 40: KHÔNG THAY ĐỔI CHÚT NÀO.

***

Hai bên đường cái, ngoài cánh đồng ra thì chính là núi non. Lệ Đằng quan sát sơ qua địa hình xung quanh, rồi ôm chặt Nguyễn Niệm Sơ, đi thẳng về một hướng.

Thi thoảng, Nguyễn Niệm Sơ xoay đầu nhìn bốn phía. Núi non dày đặc, ban ngày nhìn toàn là màu xanh biếc, Trời tối, tất cả đen thui. Đường nét những dãy núi chạy dài như dải lụa đen, thoạt trông rất khiếp vía.

Nguyễn Niệm Sơ hơi sờ sợ, không nén nổi liền hỏi: “Anh từng tới đây chưa ạ?”

Lệ Đằng: “Anh chưa.”

Nguyễn Niệm Sơ nhíu mày, có phần cạn lời: “Vậy mà còn bảo ngủ nhờ ở đây. Làm sao anh biết đi đường nào là đúng? Nhỡ không tìm được ai, chẳng phải chúng ta phải ngủ nơi đồng không mông quạnh ạ?”

Lệ Đằng tỉnh bơ đáp: “Theo anh, em không lạc được đâu.”

“....” Nguyễn Niệm Sơ im re. Thấy Lệ Đằng bình thản như vậy cô cũng yên tâm, chỉ lo đi theo anh.

Khoảng 20 phút sau, ánh mắt Nguyễn Niệm Sơ lóe lên.

Chỉ thấy trong sắc chiều hôm chạng vạng lờ mờ trước mặt, có ánh đèn le lói giữa bóng tối trập trùng. Đó là một căn nhà ngói một tầng, ống khói còn có khói bếp bay ra.

Nguyễn Niệm Sơ mừng rơn: “Thì ra con đường này có người ở thật!” Nói đoạn, cô nghiêng đầu nhìn anh, ánh mắt lấp lánh: “Sao anh biết ạ?”

Lệ Đằng đáp: “Đoán mò.”

Nguyễn Niệm Sơ: “....”

Anh quay đầu liếc cô một cái: “Đường đất nông thôn đều là do mọi người đi nhiều mà thành. Nếu em lạc đường, không tìm được ai giúp thì cứ men theo bờ ruộng và đường mòn ấy. Chuẩn không cần chỉnh.”

Lệ Đằng nói xong, Nguyễn Niệm Sơ vô thức ngoảnh đầu nhìn lại, có chút đã hiểu: “Hóa ra là vậy. Anh học được những điều này trong bộ đội à?”

Lệ Đằng “xùy” một tiếng: “Bé đã biết, học gì đâu.”

Nguyễn Niệm Sơ cảm thấy lạ: “Sao em không biết.”

“Con gái thành phố tụi em, còn là kiểu thành phố lớn như thành phố Vân, không biết cũng bình thường.”

“Không phải anh lớn lên ở thành phố ạ?”

Lệ Đằng cười, giọng điệu rất hờ hững: “Quê anh ở vùng nông thôn Chướng Bắc.”

Vừa chuyện trò, hai người đã tới gần căn nhà ngói kia. Trước cửa hộ gia đình ấy có một khoảng đất trống rộng trãi, láng xi măng, một con chó to màu vàng xích cạnh chuồng lợn. Phát hiện ra họ, nó liền nhe răng, dữ tợn sủa như điên “gâu gâu gâu“.

Lệ Đằng gõ hai tiếng “bộp bộp” lên cửa.

Thoáng sau, một bà lão tóc bạc phơ ra mở cửa cho họ. Thấy hai người ướt như chuột lột, bà lão cau mày, nghi hoặc hỏi: “Anh chị tìm ai? 3 cậu con trai nhà già ra ngoài làm thuê cả rồi, không có nhà đâu.”

Bà lão nói tiếng địa phương, Nguyễn Niệm Sơ nghe hồi lâu mà không hiểu.

Lệ Đằng mỉm cười, đáp lời bà lão.

Khoảnh khắc Lệ Đằng mở miệng, Nguyễn Niệm Sơ tức thì trợn tròn mắt kinh ngạc nhìn anh chăm chú, không chớp mi.

Chưa tới vài phút, bà lão nở nụ cười, vừa nói vừa vẫy tay lia lịa, mời hai người vào nhà.

Sau đấy, bà vội vàng đi rót nước cho họ.

Còn lại Lệ Đằng và Nguyễn Niệm Sơ ngồi trên chiếc ghế băng trong gian nhà chính.

Không kìm lòng nổi, Nguyễn Niệm Sơ ngạc nhiên hỏi: “Anh thế mà cũng biết nói tiếng vùng này?”

Giọng Lệ Đằng vẫn như thường: “Anh có chiến hữu là người vùng này, từng học hắn mấy câu.”

Nguyễn Niệm Sơ híp mắt. Đột nhiên nhớ ra tiếng Campuchia với tiếng Anh của người này cũng rất lưu loát. Cô không khỏi cảm thán, trí tuệ và sức lực của anh thật xuất chúng, hèn gì 16 tuổi đã thi đỗ được vào đại học không quân.

Cô lại hỏi: “Ban nãy anh với bà lão ấy nói gì vậy ạ?”

“Nói với bà chúng ta muốn ngủ nhờ, nhờ bà tìm cho em bộ quần áo sạch để thay.” Lệ Đằng đáp: “Anh còn bảo muốn gửi bà tiền, nhưng bà không chịu nhân.”

Lúc này, bà lão đi ra, trên tay bưng hai cốc nước nóng và cầm hai bộ quần áo.

Đưa cho Nguyễn Niệm Sơ cái váy, bà cười nói: “Đây là của con dâu già. Nó khỏe mạnh, không có bệnh tật gì đâu. Nếu cháu không chê thì thay trước đã, đưa già hong khô quần áo ướt cho.”

Tình cảnh này như thể đã từng gặp trước kia. Không hiểu sao, Nguyễn Niệm Sơ nhớ tới bà Axin trong rừng rậm ở Campuchia.

Cô cười tươi: “Cháu cảm ơn bà.”

Bà lão đưa cho Lệ Đằng một chiếc quần dài, một chiếc áo, ra hiệu cho anh cũng đi thay đồ.

Nguyễn Niệm Sơ ngẩng đầu, thấy Lệ Đằng đang mặc quần sẫm màu và áo phông đen, cánh tay to rắn chắc màu đồng, cổ tay áo dài đến đuôi con rồng lớn màu than chì, uốn lượn sinh động, hung dữ đáng sợ. Mặt mày anh lãnh đạm thờ ơ, cảm giác nặng nề đến bức người, chỉ đứng đó đã khiến con người ta không thể làm ngơ.

Lệ Đằng mặc thế này, bỗng khiến Nguyễn Niệm Sơ nhớ tới dáng vẻ lần đầu tiên khi cô nhìn thấy anh 7 năm trước, nhớ đến ánh mắt của anh lúc anh bắn nổ bình xăng chiếc xe kia ban nay, tàn nhẫn ác liệt, dồn kẻ địch vào chỗ chết. Nguyễn Niệm Sơ chợt hoảng hồn, bản tính của con sói trong xương cốt người này thực sự không thay đổi chút nào.

Cô nhìn đến ngẩn tò te.

Nhận thấy điều gì đó, Lệ Đằng nhướng mí mắt nhìn cô: “Sao vậy em?”

Mặt đỏ ửng, Nguyễn Niệm Sơ hắng giọng quay đầu sang bên: “Không có gì ạ.”

Chẳng bao lâu, bà lão từ trong phòng bước ra. Nhìn hai người, bà bật cười: “Con trai cả với con dâu cả nhà già cũng xêm xêm hai anh cháu, vừa người thật. Già trải xong giường cho anh chị rồi đấy. Buồng của thằng cả nhà già. Nhà quê nông thôn, hai cháu đừng chê nhé!”

Lệ Đằng nói bằng tiếng địa phương: “Bà ơi, bà khách sáo quá!”

“Ba con trai già ra thành phố lớn làm việc hết, trong nhà có mình bà già này. Hai cháu đến, có thể chuyện trò cùng già là già vui lắm.” Bà lão nói, “Hai cháu ngồi trước đi, già vừa nấu xong cơm, cùng ăn luôn thể.”

Họ từ chối, nhưng bà lão rất kiên trì. Bà mau chóng vào bếp bận rộn. Nguyễn Niệm Sơ cũng theo vào giúp một tay.



Đột nhiên, bên ngoài ngôi nhà lần nữa vang lên tiếng chó sủa, tiếp đến là tiếng gõ cửa từng hồi “bộp bộp bộp“.

“....” Nguyễn Niệm Sơ và Lệ Đằng đưa mắt nhìn nhau, đều nhận thấy có điều lạ lùng.

Bà lão chạy chầm chậm ra khỏi bếp, lẩm bẩm nghi hoặc: “Lạ thật, tối nay nhộn nhịp thế nhỉ... lại ai nữa đây?” Vừa nói, vừa định ra ngoài mở cửa.

Song, Nguyễn Niệm Sơ giơ tay ngăn bà, cười nói: “Bà ơi, bà nghỉ đi, để chúng cháu ạ.” Rồi, cô liếc sang Lệ Đằng. Anh cũng đang nhìn cô, ánh mắt bình tĩnh và sâu hun hút.

Tim cô đập như gõ trống, từ từ gật đầu với anh.

Lệ Đằng tiến lên hai bước, cầm lấy tay nắm cửa, đanh mặt, năm ngón tay siết chặt. Giây tiếp theo, anh mở cánh cửa.

Nguyễn Niệm Sơ thò đầu ngó một cái, hết hồn, buột miệng thốt lên: “Chết tiệt, sao lại là anh?”

Nhưng vẻ mặt người ngoài cửa còn choáng hơn cả cô, gã trợn mắt: “Con mẹ nó, tôi cũng đang muốn hỏi đây! Sao lại là đôi nam nữ chó má các người chứ!”

Lệ Đằng lạnh mặt, đá Trần Quốc Chí văng ra ngoài mấy mét coi: “Chửi thêm câu nữa cho ông xem!”

Trần Quốc Chí “ai ui” một tiếng, ngã cắm mặt. Gã lồm cồm bò dậy, mếu máo: “Nói nhầm, nói nhầm... Tôi bảo này anh Lệ, ban nãy nói nhầm là tôi không phải. Nhưng anh có thể đừng vừa trông thấy đã động tay động chân với tôi vậy không!”

... Cái từ “động tay động chân” này còn dùng như thế được hả?

Nguyễn Niệm Sơ giật giật khóe miệng, bực bội: “Đã sớm nói với anh đừng bám theo nữa cơ mà. Bám theo thì xẻo tai anh luôn. Anh không sợ chết thật hả?”

Trần Quốc Chí muốn treo cổ tự vẫn, thật sự thiếu nước quỳ xuống dập đầu, “Người đẹp à, chị Lệ à, chị cả à, bà trẻ à! Tôi thề lần này thực sự không bám theo hai người! Thật đấy!”

Nguyễn Niệm Sơ: “Thế sao anh lại ở đây?”

Trần Quốc Chí: “Đi ngang qua á!”

Nguyễn Niệm Sơ: “.....”

Lệ Đằng nhếch nhếch khóe môi, túm lấy cánh tay Trần Quốc Chí bóp chặt một phát. Trần Quốc Chí đau đến kêu cha gọi mẹ, vội nói: “Đừng bẻ tay, đừng bẻ tay! Con người rôi đây thành thực, sẽ nói thật với hai người, nói thật mà.”

Lệ Đằng thả tay.

Còn chưa hết hoảng, Trần Quốc Chí xoay xoay bả vai, tội nghiệp nói: “Sau khi hai người quẳng tôi ở đồn cảnh sát, tôi chuẩn bị về biên thành đáp máy bay trở lại thành phố Thâm, rồi từ thành phố Thâm về Hồng Kông. Kết quả đường từ thị trấn Bạch Khê về biên thành bị cấm, tôi hết cách, đành phải đi đường vòng. Anh tưởng bấy nhiêu đã đủ xui xẻo chắc? Chưa đâu, còn xui xẻo hơn kìa. Cái xe rách tôi thuê đột nhiên dở chứng giữa đường, gọi điện thoại tổng đài cho thuê xe không ai nghe máy. Kêu Trời, Trời không thấu, gọi Đất, Đất chẳng hay, còn mưa to như vậy. Tôi đành tìm chỗ trú mưa trước đã.”

Nguyễn Niệm Sơ bảo vệ bà lão mang vẻ mặt mờ mịt sau lưng mình, cô nhìn Trần Quốc Chí chằm chằm: “Anh nói thật chứ?”

Người nọ chỉ tay lên Trời, thề thốt: “Nếu tôi nói sai nửa câu, tôi sinh con không có mông...” Nói đoạn, Trần Quốc Chí chợt ngừng lại, lia mắt nhìn Lệ Đằng với sắc mặt không lành. Gã hậm hực, đành phải nuốt chữ “đít” về, đổi thành chữ “đùi“.

Trần Quốc Chí vừa dứt lời, Nguyễn Niệm Sơ và Lệ Đằng đưa mắt nhìn nhau.

Thoáng sau, cô miễn cưỡng nói: “Thôi được, tạm tin anh một lần.”

“Tin tôi rồi phải không?” Trần Quốc Chí thoắt cái vui như hoa, xoa bóp cánh tay, tí tởn tính lẻn vào trong nhà, gã đổi sang tiếng Quảng Đông: “Lạnh qué, cóng chết tui rùi.”

Lệ Đằng vẫn đứng nguyên tại chỗ, chặn lối.

Trần Chí Quốc khựng lại, ngẩng đầu nhìn anh, toét miệng: “Anh Lệ ơi, phiền anh đứng qua bên tí ạ! Cảm ơn anh nhiều!”

Lệ Đằng vẫn nhìn gã mà suy xét. Đoạn, anh hơi nhích người, bấy giờ mới để gã vào nhà.

“Rầm”, cửa lớn lại được đóng vào

Nghe không hiểu tiếng phổ thông, bà lão chẳng hiểu mô tê gì, đang hoang mang. Bà hỏi Lệ Đằng: “Chàng trai, đây là bạn của hai cháu à? Cũng đến trú mưa hả?”

Lệ Đằng gật đầu: “Vâng.”

Bà lão chất phác, nghe vậy liền nở nụ cười: “Vừa khéo, vậy thì cùng ăn cơm thôi!” Ngừng một thoáng, bà bảo: “Các cháu ngồi đi, già đi nấu thêm ít đồ ăn nữa.”

Lệ Đằng nói: “Bà ơi, bà đừng làm nhiều ạ! Chúng cháu ăn không mấy đâu!”

Trần Quốc Chí đút hai tay vào túi áo. Thấy trên bàn có cốc nước ấm, cũng chẳng buồn hỏi của ai, gã cầm lên uống luôn. Uống xong, gã chẹp chẹp miệng, đặt mông ngồi cạnh bàn cơm, thuận miệng: “Bà cụ hiếu khách, muốn nấu thêm mấy món thì anh cứ để bà đi đi! Chưa biết chừng lát còn có khách tới đấy.”

Để ý đến những lời này, Nguyễn Niệm Sơ nhíu mày: “Anh nói gì?”

Trần Quốc Chí cầm đũa gắp một miếng thịt, bỏ vào mồm nhai, lúng búng đáp: “Hở? Tôi đã nói gì?”

Giây lát, bà lão lại vào bếp sửa soạn.

Vẻ mặt không cảm xúc, Lệ Đằng ngồi đối diện Trần Quốc Chí. Nguyễn Niệm Sơ loáng thoáng nhận ra điều gì đó, cô nhấp môi, ngồi xuống cạnh anh.

Ăn vài miếng, Trần Quốc Chí quẹt quẹt mồm, “Tuy vùng thôn quê nhưng tay nghề của bà lão cũng được phết.” Nói rồi, gã lấy trong túi áo một bao thuốc, dốc ra 2 điếu, cho một điếu vào miệng và đưa điếu kia cho Lệ Đằng: “Trịnh gia thưởng cho tôi, thuốc lá được biếu đặc biệt đấy. Nếm thử xem.”

Lệ Đằng nhận lấy.

Trần Quốc Chí đứng dậy, hai tay cầm bật lửa châm cho anh. Lệ Đằng hơi nghiêng đầu, tay phải phép hờ che gió, để thuốc bắt lửa. Đôi mắt sau làn khói thuốc nheo nheo.

Rồi, anh nhướng môi, giơ điếu thuốc trên tay: “Cảm ơn.”

“Không có chi!” Trần Quốc Chí xua tay.

Lệ Đằng hít một hơi thật sâu, sau đó nhả vòng khói, gẩy tàn thuốc, giọng điệu lạnh nhạt: “Còn bao lâu nữa thì người anh nói sẽ đến?”

Trần Quốc Chí trả lời: “Hẳn là đã đến rồi.”

Lệ Đằng cúp mắt, không nói gì. Anh dụi tắt nửa điếu thuốc còn lại vào mặt bàn bằng gỗ.

Nguyễn Niệm Sơ không hiểu lời hai người nói, cô mù mờ nhìn trái nhìn phải, khó hiểu: “Ai đã đến rồi?”

Ai dè vừa hỏi xong, ngoài cửa liền vang lên tiếng chó sủa lần thứ ba.

“Bộp bộp”, có người gõ cửa.

Nguyễn Niệm Sơ không còn lời để nói, thầm bảo khéo thế, thêm người nữa là có thể gom đủ một bàn mạt chược rồi.

“Chao, lại ai đấy?...” Bà lão lẩm bẩm, lau hai tay vào tạp dề, đi ra mở cửa. Chỉ thấy hai người mặc áo mưa màu đen đứng trong mưa, vóc dáng đều cao ráo, một nam một nữ.

Người phụ nữ có nét mặt rất hòa nhã. Cô ta nở nụ cười dịu dàng với bà lão, nói thật chậm: “Cháu chào bà! Xe chúng cháu bị hỏng, bà cho chúng cháu trú mưa một lát được không ạ?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.