Trong điện thoại Thẩm Kế Ân tiếp tục: “Tao chỉ muốn nói cho mày biết, người tiếp theo là Thẩm Hàm, kế nữa là mẹ con mày. Không ai có thể chạy trốn được đâu, mày có làm gì cũng vô ích thôi. Tao muốn Tông Thịnh cả đời này sẽ phải sống trong nỗi đau sống không bằng chết.”
Gã nói tới đây, tôi đẩy mạnh cửa phòng.
Đèn trong phòng nhấp nháy, không khí lạnh lẽo ùa ra khỏi phòng.
Thẩm kế Ân đâu?
Tôi sợ hãi nhìn quanh. Đằng sau tấm rèm dài kiểu Pháp bên cửa sổ có một khối lồi ra một cách kỳ lạ, âm thanh phát ra từ sau bức màn. Chiếc điện thoại rơi xuống từ sau màn.
Đầy máu.
Tôi thấy một đôi chân nam giới lộ ra sau tấm màn.
“Chú à?”
Tôi thì thào, tay nắm chặt cây trâm, vén tấm rèm lên.
Người cảnh sát già đang nằm vắt trên khung cửa sổ, cánh cửa mở rộng, hai tay ông buông thõng ra bên ngoài tấm lưới chống trộm, vẻ mặt ông đầy kinh hoàng, đôi mắt mở to vô hồn.
Máu vẫn đang chảy tong tỏng, máu rơi xuống mái hiên tầng dưới nên đã tạo thành tiếng tí tách ban nãy.
“A!” Tôi hét lên vài giây sau đó. Tôi thật sự không thể làm gì khác ngoài việc hét lên.
Mấy bà thím đang ở bên dưới cũng hét theo, rồi tất cả trở nên hỗn loạn. Xe cứu thương và xe cảnh sát đến. Tôi bị đưa lên xe cảnh sát, có một nữ cảnh sát đi cùng.
Vợ ông cảnh sát bất tỉnh và được đưa thẳng tới bệnh viện.
Nếu là tôi trước đây, chắc tôi cũng đã ngất xỉu rồi. Nhưng qua bao nhiêu chuyện, sức chịu đựng của tôi cũng đã nhiều hơn rồi. Trong lúc hỗn loạn, đầu óc tôi dường như trống rỗng, không biết nói gì, và cũng không dám nói gì vì sợ nói sai khi cảnh sát thẩm vấn. Sự im lặng của tôi được lý giải là do quá sợ hãi.
Bên kia, mấy bà thím đang nói rằng họ nghe thấy tiếng nước chảy nên chỉ nghĩ là trời mưa, ai ngờ đâu nó lại là máu nhỏ giọt trên mái hiên ngay trên đầu bọn họ, điều đó thật kinh khủng.
Điện thoại tôi bỗng đổ chuông, người nữ cảnh sát nhấc máy. Tôi nghe cô ta nói:
“Xin chào, tôi là cảnh sát ở đồng ABC… chủ nhân của chiếc điện thoại đang ở chỗ chúng tôi… Anh là chồng của cô ấy à, vậy thì lại đây, có chút chuyện… Qua đây nói chuyện đi “.
Cúp điện thoại xong, một nam cảnh sát đi tới nói: “Bầu bì thế này có sao không? Nếu có gì thì đi bệnh viện đi. Nếu như đứa nhỏ có chuyện gì thì gia đình người ta sẽ không bỏ qua đâu!”
“Vẫn chưa nói gì. Vừa rồi chồng cô ấy gọi, tôi nói tới đây luôn rồi.”
“Chắc sợ ngây người chứ gì! Nếu không có gì tình nghi, lát nữa chồng cô ấy tới đón thì cho về luôn đi.”
Anh ta quay đi thì cô nữ cảnh sát đuổi theo thì thầm: “Thực ra, cô ta bị tình nghi vì cuộc gọi sau cùng từ điện thoại của người chết là cho cô ta.”
Anh ta quay lại nhìn tôi, lại thì thầm: “Người đó chết khoảng 7 giờ tối, cuộc gọi đó lúc 7:40, cô ấy đi taxi tới lúc 8:22. Chỉ có dấu máu và vân tay của người chết trên điện thoại. Không có thời gian để cô ấy giết người.”
“Nhưng nhất định có liên quan chứ.”
“Một bà bầu thì làm được cái gì? Để cô ấy đi đi!”
Tôi vẫn im lặng, đắm chìm trong suy nghĩ của mình.
Ông cảnh sát hoàn toàn không liên quan tới vụ việc ở Sa Ân. Nếu ông ấy không kiên trì theo đuôi Tông Thịnh, ông sẽ chưa chết. Đã có quá nhiều người bị lôi vào vụ này, và tôi, tôi không muốn nữ cảnh sát này cũng bị như vậy.