Tần Phong hỗ trợ y tá đăng ký di vật, sau đó đưa di thể đến nhà xác
giải quyết thủ tục lãnh xác. Nhưng theo quy định, anh và An Mạn chỉ là
quan hệ tình nhân không thuộc trực hệ, thủ tục chứng tử vân vân đều cần
người nhà ra mặt. Tần Phóng tốn rất nhiều công sức, liên tục gọi từng số điện thoại trong danh bạ điện thoại di động của An Mạn, rốt cuộc cũng
có tiến triển. Có một người phụ nữ nghe điện thoại, nói là dì hai bà con xa của An Tiểu Đình. Nghe tin An Mạn chết, dường như bà ta không ngạc
nhiên lắm, chỉ nói sẽ thông báo cho ông nội cô ở quê.
Lúc cúp điện thoại, Tần Phóng nghe thấy bà ta nói với người bên cạnh: “Con bé nhỏ nhất nhà An gia kia từ nhỏ đã không an phận, từ lúc ba tuổi đã biết tương lai sau này thế nào rồi, sớm muộn thôi.”
Đến khi xong xuôi hết mọi chuyện thì trời đã tối. Tần Phóng đưa Tư
Đằng về nhà trước, bảo cô nếu buồn chán thì xem tivi, không muốn xem
tivi thì trong phòng làm việc có rất nhiều sách. Sau khi dặn dò xong
liền im lặng một hồi lâu mới nói: “Tôi đi ra ngoài một chút.”
Cả ngày nay bận tối mắt, thanh toán hóa đơn, đăng ký di vật, làm thủ
tục, bên cạnh luôn luôn có người, nhưng anh lại chết lặng làm hết mọi
việc giống như người máy. Bây giờ rốt cuộc đã xong đau khổ lại quay về
từng chút, anh muốn đi ra ngoài một mình không muốn gặp ai hết.
Sau khi Tần Phóng đi, Tư Đằng xem tivi một hồi, chương trình quá nhàm chán xem mà buồn ngủ, cô dứt khoát tắt tivi vào phòng làm việc tìm sách đọc.
Phòng làm việc rất lớn, Tần Phóng không ở đây một thời gian, cửa sổ
đã lâu không mở nên trong phòng rất bí hơi. Tư Đằng đi đến cửa sổ, mới
vừa đẩy cửa sổ ra thì bỗng thoáng sửng sốt.
Nơi Tần Phóng ở là một căn nhà lầu nhỏ riêng biệt nằm trong dãy nhà
liền kề, giữa các dãy đều có thảm cỏ, cây cối, vườn hoa và hồ nước. Tần
Phóng không đi xa, chỉ ngồi dưới tàng cây trên bãi đất trống sau nhà,
dựa vào thân cây cúi đầu không nhúc nhích. Dường như anh đã hòa vào làm
một với cây cối, dáng vẻ tràn ngập nét bi ai.
Tư Đằng nhìn chăm chú một lúc, rồi nhẹ nhàng đóng cửa sổ lại. Trong
thâm tâm cô có chút thương cảm cho Tần Phóng: Đầu tiên là Trần Uyển, sau đó là An Mạn. Người bình thường gặp phải một lần đã là bất hạnh, huống
chi là hai lần chứ?
Trong phòng làm việc có rất nhiều sách lịch sử, địa lý, huyễn ảo,
kiếm hiệp. Đầu ngón tay cô lướt qua gáy sách, nhưng không có tâm trạng
để xem. Qua một hồi, Tư Đằng cúi đầu nhìn kỹ ngăn dưới tủ sách.
Đó là một chồng album.
Cũng được, lấy ra xem đỡ buồn.
Tư Đằng ngồi xuống chiếc ghế xoay trước bàn đọc sách, tùy ý rút một
quyển. Có không ít hình cũ, nhưng nhìn theo trang phục đều là sau thời
kiến quốc. Ví dụ như kiểu áo Tôn Trung Sơn chỉnh tề, băng đeo tay màu đỏ thời Văn Cách (1), giấy khen lao động gương mẫu, áo sơ mi sợi tổng hợp
thịnh hành những năm tám mươi…
(1) Thời Văn Cách hay còn gọi là Đại cách mạng văn hóa, là một
giai đoạn hỗn loạn xã hội và tình trạng vô chính phủ ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ năm 1966-1976.
Đang lật thì cô đột nhiên nhớ ra gì đó, vội lật lại vài tờ trước. Đó
là một tấm hình màu sắc rực rỡ, cả gia đình già trẻ chụp trước căn nhà
kiểu xưa. Kỹ thuật lấy cảnh của người chụp rất tệ, vốn nhân vật phải
canh ngay chính giữa thì lại lệch qua bên phải. Bên trái là một khoảng
tường gạch, trên tường mọc chi chít dây thường xuân, lộ ra một tấm phù
điêu được chạm khắc không mấy tinh xảo nhưng loáng thoáng có thể nhận ra đường nét. Là một cô gái tóc dài quỳ xuống đất, hai tay nâng lên một
thứ giống như là chiếc lá.
Có lẽ người khác không biết là gì, nhưng Tư Đằng quá quen thuộc với
cái này. Thứ trong bức phù điêu kia là chắc chắn là chiếc lá, mà còn có
một con tằm nằm trong đó nữa. Trong truyền thuyết thần thoại, chính phi
của Huỳnh Đế là Luy Tổ, là người sáng lập ra nghề nuôi tằm ươm tơ. Bức
phù điêu này là chạm cảnh Luy Tổ nuôi tằm.
Tim Tư Đằng đập thình thịch lật quyển album như bay, cô nhanh chóng
tìm một tấm hình khác. Đó là tấm hình chụp cảnh sắc xung quanh ngôi nhà, quả nhiên là một căn nhà cũ, tường gạch màu xanh, bức phù điêu Luy Tổ
nuôi tằm, con đường nhỏ nối liền hai gian nhà gần kề…
Hơi khác với trong trí nhớ, nhưng vẫn có phần tương tự. Cô đã từng đi qua nơi này.
***
Lúc Tần Phóng về đã rất trễ, mở cửa ra đèn đã tắt hết cả còn tưởng
rằng Tư Đằng đã nghỉ ngơi rồi. Vừa mở đèn lên anh chợt thấy Tư Đằng ngồi trên ghế salon, khó tránh khỏi giật mình: “Còn chưa ngủ à?”
Tư Đằng đưa tấm hình ra: “Đây là đâu?”
“Nhà cũ ở quê.” – Tần Phóng nhận lấy tấm hình xem xét – “Hiện tại đã
bỏ hoang rất ít người ở, lúc trước chính phủ còn liên lạc với chúng tôi, nói là thương nhân ở vùng khác muốn xây làng du lịch ở vùng này. Sau đó đại khái là không thỏa thuận được, nên cũng không nhắc đến nữa.”
“Đời ông cố cậu làm nghề nuôi tằm ươm tơ à?”
Tần Phóng gật gật đầu: “Vùng Hưng Gia Hàng Châu từ xưa đã thịnh hành
nghề nuôi tằm canh cửi. Khi đó ông cố tôi nổi tiếng nhất trong trấn về
việc trồng dâu nuôi tằm. Cho nên cô thấy được lúc xây nhà cũng sẽ điêu
khắc hình Luy Tổ, Luy Tổ nuôi tằm, nhằm mong tổ nghề phù hộ. Lúc làm ăn
khấm khá từng ký hợp đồng cung ứng ươm tơ cho một xưởng dệt quốc doanh ở Thượng Hải. Sau đó cạnh tranh không lại nhà máy dệt của người nước
ngoài, cộng thêm loạn thế nên từ từ suy tàn. Đến đời ông nội tôi thì
không còn thừa kế tổ nghiệp nữa.”
“Chỗ này tôi đã từng đến.”
“Cô từng đến à?” – Tần Phóng hơi kinh ngạc – “Đến đây lúc nào?”
Tư Đằng không trả lời. Chắc hẳn là năm 1936, trước sự kiện cầu Lư Câu một năm, Thiệu Diễm Khoan là cậu chủ xưởng dệt Hoa Mỹ, xưởng dệt của
anh ta có làm ăn với trấn này. Có điều lần đó đi không phải là việc
công, chỉ là chán ở Thượng Hải muốn đến nơi thiên nhiên trong lành dạo
chơi mà thôi. Lúc đó khá nhiều trấn ở vùng Chiết Giang sống bằng nghề
trồng dâu nuôi tằm, nhưng duy nhất chỉ có chỗ này là có điêu khắc Luy Tổ trên tường. Cô còn nhớ lúc đó đám chủ xưởng ở trấn này rất cung kính
với Thiệu Diễm Khoan, hễ mở miệng là cậu chủ này, cậu chủ kia.
Khi ấy có ông cố Tần Phóng trong đám người này sao? Cô không nhớ rõ, hoàn toàn không nhớ rõ.
Tư Đằng im lặng hồi lâu, lấy lại hình từ tay Tần Phóng: “Ngày mai sắp xếp một chút, tôi muốn qua đó xem thử.”
***
Buổi tối nhớ lại lời hai người cảnh sát kia nói vào ban ngày, Đơn Chí Cương trằn trọc mãi không ngủ được. Lúc thì cảm thấy cửa còn chưa khóa
kỹ, lúc thì nghe nhà vệ sinh có tiếng động lạ, lăn qua lộn lại đổ mồ hôi lạnh cả người. Anh ta dứt khoát ngồi dậy định gọi điện thoại cho bạn ra ngoài chơi, nhưng lại cảm thấy trễ quá rồi không được hay cho lắm. Lúc
mở điện thoại di động ra, anh ta phát hiện có vài tin nhắn chưa đọc. Hôm nay bận quá, không chú ý đến mấy chuyện này.
Là tin nhắn của nhà cung ứng ở Thượng Hải gửi đến. Công ty Đơn Chí
Cương là khách hàng lớn của họ, cho nên đối phương rất tận tình cung cấp thông tin cho anh ta.
- “Anh Đơn, chuyện anh nhờ chúng tôi điều tra địa chỉ kia, chúng tôi
đã điều tra xong rồi. Đường nhà thờ đức bà hiện tại là đường Thụy Kim ở
Thượng Hải. Công viên đã phá dỡ từ đời kiếp nào rồi, nhưng người già ở
gần đó có chút ấn tượng với Thiệu gia.”
- “Năm xưa Thiệu gia mở xưởng dệt, lụn bại trong tay Thiệu Diễm
Khoan. Năm bốn mươi chín Thượng Hải sắp giải phóng, rất nhiều người gom
tiền bạc trốn sang Đài Loan. Nghe nói Thiệu Diễm Khoan dẫn theo bà vợ ba lên thuyền, bỏ lại vợ cả và con trai… Có điều ông ta cũng bị báo ứng,
ông ta lên con tàu Thái Bình Luân (2), lúc đó chuyện này rất chấn động.
Anh Đơn, anh có thể lên baidu tra thử xem.”
(2) Thái Bình Luân là một chuyến hải trình tai họa xảy ra ở vùng
biển phía Nam Trung Quốc. Con tàu đã bị đắm vì chở quá tải khiến hơn
1.000 hành khách gặp nạn. Đa số những người có mặt trên tàu đều là người trong giới thượng lưu, muốn đi tránh cuộc cách mạng đang bùng nổ năm
1949.
- “Nghe nói bà vợ cả và con trai vẫn còn ở Thượng Hải, chúng tôi vẫn
đang hỏi thăm. Nếu chắc chắn họ chưa rời khỏi Thượng Hải thì không chừng còn đang ở khu phố Tây…”
…
Đơn Chí Cương sửng sốt một lúc, mở máy tính lên web gõ vào thanh tìm kiếm mấy chữ “Thái Bình Luân Thượng Hải”.
Trang thứ nhất đều là tin tức phim ảnh, bộ phim do đại đạo diễn Ngô
Vũ Sâm quay, nói là sẽ ra mắt vào tháng 12 năm 2014, tên là “Thái Bình
Luân”.
Nội dung vắn tắt của bộ phim là năm 1949, con tàu Thái Bình Luân
khổng lồ xuất phát từ Thượng Hải, chưa đến Đài Loan đã bị bất ngờ đắm
tàu, tạo nên bi kịch cả nghìn người chết…
Được rồi, giống như là Titanic phiên bản Trung Quốc cận đại vậy, nhưng Tần Phóng hỏi thăm cái này làm gì?
Đơn Chí Cương hoài nghi trong lòng, chụp lại màn hình tin nhắn của
điện thoại di động và màn hình máy vi tính gửi hết qua Weixin cho Tần
Phóng. Tần Phóng nhanh chóng trả lời: Cảm ơn.
Lúc nhận được hồi âm, theo phản xạ Đơn Chí Cương xem thời gian: Ba giờ sáng.
Xem ra đêm nay không phải chỉ mình anh ta khó ngủ.
***
Vì vụ án của Triệu Giang Long, sếp Trương phải chạy đến Huyện Li lần
nữa. Vừa đến nơi đã nhận được thông báo của công an huyện, một là Giả
Quế Chi đã xuất viện, hai là chị ta xin lãnh xác Triệu Giang Long về.
Lãnh về thì lãnh về, dù sao cũng là chồng người ta mà. Nếu pháp y đã
nghiệm thi rồi thì cũng không thể chậm trễ không trả xác được, vẫn nên
sớm ngày nhập thổ vi an tốt hơn. Có điều chuyện Giả Quế Chi xuất viện
thì…
Sếp Trương rất tức giận: “Không nói rõ tình huống với chị ta à? Mục
tiêu của đối phương là Triệu Giang Long, là người nhà của chị ta. Hiện
tại xuất viện rất nguy hiểm, có cho người theo bảo vệ không?”
Cảnh sát đầu bên kia ủ rũ: “Dĩ nhiên là có cử người đi bảo vệ rồi. Có điều người ta không cần, nói muốn trả thù cho Triệu Giang Long nên
không sợ chỉ sợ tên kia không đến, cùng lắm thì ôm nhau chết chung. Đã
là thời đại gì rồi mà còn mang chủ nghĩa trả thù cá nhân như vậy, hiện
giờ là thời đại xã hội pháp quyền rồi mà một chút ý thức cũng không có.”
Tình huống này thường người nhà nạn nhân cũng không để ý đến, sếp Trương quả thật đau đầu nhức óc.
Có điều là việc giám sát cũng tiện hơn. Tầng lầu nhà Triệu Giang Long còn phòng trống. Sau khi liên lạc với chủ địa ốc, mấy viên cảnh sát đã
vào đó bắt đầu theo dõi. Lúc sếp Trương chạy đến thì mấy người đó đang
ăn cơm hộp, ông hỏi có gì khác thường không. Họ trả lời không có, ngoại
trừ buổi sáng Giả Quế Chi có ra ngoài vứt rác vài lần.
Sếp Trương hỏi: “Có lục túi rác ra xem không?”
Mọi người nhìn nhau trân trối, một lát sau có chút phẫn nộ: “Không
phải chứ sếp Trương, rảnh quá vậy. Chị ta đâu phải là tội phạm tình
nghi, lục rác chị ta vứt làm gì?”
Sếp Trương lừ mắt nhìn bọn họ một cái, tự mình đi ra cầu thang xem:
Làm nghề cảnh sát phá án hơn hai mươi năm, rất nhiều lần ông tìm được
đầu mối trong đống rác vứt đi. Tuy không phải mỗi lần đều linh nghiệm,
nhưng dù sao cũng đang rảnh rỗi mà, lỡ đâu có thu hoạch thì sao?
Túi rác nằm trong một thùng rác lớn ở cuối lối đi. Thật ra bên cạnh
có đường ống dẫn rác, nhưng cửa đã khóa. Cứ mỗi ngày đúng giờ sẽ có
người đến xử lý rác thải. Ngược lại người dân trong chung cư chỉ cần đem túi rác đến chỗ vứt là được.
Sếp Trương mở nắp thùng rác ra xem, hai ngày nay trời lạnh, không có mùi gì lạ. Có điều đây chính là rác mà Giả Quế Chi vứt sao?
Ông tò mò nhặt lên một bức tranh, cũng không giống tranh nó bằng vải, được vẽ rất tinh tế, chỉ là người bên trong có vẻ hung thần ác sát một
chút. Không, không, không giống người, hơi giống Phật, nhưng da xanh
thẳm, có ba mắt… Ngoài ra còn có pho tượng thiếu tay thiếu chân, gương
mặt dọa người khỏi phải bàn, trên cổ còn quấn một vòng đầu lâu…
Cái này quái dị quá. Sau khi lục lọi một lúc không phát hiện gì khác
thường, sếp Trương định xách túi rác trở về nghiên cứu, nhưng lại cảm
thấy quá rợn người nên không dám mang đi. Ông ngẫm nghĩ rồi lấy điện
thoại ra chụp một tấm hình.
Trở về căn nhà trống, ông đưa tấm hình đó cho mấy người cảnh sát xem: “Những món đồ này là Giả Quế Chi vứt đi, xem có kỳ lạ không?”
Kỳ lạ? Hình như bọn họ đều biết cái này, trong đó có một người còn
liếc ông: “Sếp đùa với chúng tôi à. Sếp không biết cái này sao? Đây là
tượng Phật mà.”
“Tượng Phật nước nào?”
Sếp Trương rất hoang mang. Ông không đến chùa miếu nhiều, nhưng mỗi
khi năm hết tết đến có theo vợ đến thắp nhang cho Bồ Tát ở Linh Ẩn Tự
Hàng Châu. Mấy vị Bồ Tát đó đều có vẻ mặt từ ái, vừa nhìn đã thấy đại từ đại bi phổ độ chúng sinh rồi.
“Phật giáo của người Tạng, đây gọi là Tướng Phẫn Nộ. Cho dù sếp chưa
từng đến khu Tạng thì cũng thấy được trong chương trình tivi chứ. Mấy
năm nay tour du lịch Tây Tạng rất hot, nam nữ già trẻ đều ngồi xe lửa
đến Lhasa, đi thăm cung điện Potala tráng lệ…”
Nói đến sau, anh ta còn hừ một tiếng phụ họa. Sếp Trương tức giận: “Đừng ngưng lại giữa chừng…”
Dừng một chút ông lại bối rối: “Trong nhà Giả Quế Chi sao lại có thứ đồ này?”
Người khi nãy liếc ông xem thường lại nói: “Sếp, sếp có đọc tài liệu
của Giả Quế Chi không vậy? Người ta sinh ra và lớn lên ở khu Tạng, tin
Phật giáo Tây Tạng là chuyện bình thường mà. Câu hỏi của sếp hơi có chút không đúng rồi. Nếu là tôi, tôi sẽ hỏi người tin Phật rất thành kính
tại sao có thể đem tượng Phật vứt như rác vậy, đây không phải là bất
kính sao?”
Khoan đã, khoan đã, sự chú ý của sếp Trương dừng lại ở nửa câu trước: “Sinh ra và lớn lên ở khu Tạng à?”
“Đúng vậy, người Thanh Hải, quê ở đâu nhỉ?” – Người cảnh sát kia
huých cùi chỏ vào người khác – “Chữ đó nhiều nét quá, tên gì nhỉ, cái gì Khiêm đó?”
“Nang Khiêm, Nang Khiêm Thanh Hải.”