Bảy Ngày

Chương 2: Chương 2: Ngày thứ hai




Chuyển ngữ: Sunshine Team

Khuôn mặt khủng bố của tôi không phải do trời sinh và tôi cũng không bị câm bẩm sinh. Trận hỏa hoạn ba năm trước đã cướp đi tất cả của tôi – dung mạo, dây thanh quản và cả đứa em gái song sinh.

Cũng từ đó, Diệp Khâm hận tôi thấu xương.

Ba năm trôi qua quá vắng lặng nên tôi có cảm giác khoảng thời gian đó rất dài, rất dài. Tôi góp nhặt từng chút trí nhớ của mình lại, cuối cùng cũng hoàn chỉnh. Khi đó nhà họ Kiều là một gia đình giàu có nhưng rất vui vẻ, họ còn có một cặp chị em song sinh dáng dấp giống hệt nhau, tính cách thì một đứa đáng yêu, hay nhõng nhẽo, một đứa lại chỉ thích yên tĩnh, rất khó để người ta có thể nhầm lẫn. Tôi thân là chị nhưng chưa từng có dáng vẻ của một người chị. Nghe nói hồi nhỏ, lúc em gái đang ngủ thì tôi lại thường xuyên khóc nháo không thôi. Nhưng lần đầu tiên Diệp Khâm theo ba mẹ sang thăm hỏi nhà tôi, khi đó đột nhiên tôi an tĩnh lại mở to mắt nhìn anh, sau đó ngô nghê duỗi tay cầm, nghịch tay anh.

Từ đó về sau, chẳng biết từ lúc nào mà anh lại có thêm một cái đuôi.

Lúc còn bé, Diệp Khâm trầm tĩnh hơn đám bạn cùng tuổi nhiều, luôn không quen nhìn đứa lúc nào cũng thích nhảy nhót như tôi. Anh đi ngồi có tướng, chữ viết cũng ngay ngắn thẳng tắp, nói chuyện mạch lạc rõ ràng, từng hành động đều theo chuẩn mực nhất định. Chuyện này từ lúc tôi hai tuổi đến lúc tôi học cấp hai đều được nhắc tới.

Người bình thường đều không nhịn được chuyện này, ví dụ như em gái của tôi. Hết lần này đến lần khác nói tôi đầu óc mụ mị, không thoát ra được, cho dù lần nào đến cũng bị bắt ngồi trên ghế mây, nâng cao cổ tay luyện chữ nhưng mặc kệ mưa gió, ngày nào tôi cũng chạy tới nhà họ Diệp. Nét chữ nết người, chữ viết của anh cũng khí phách giống anh vậy. Lúc anh ngồi đối diện với tôi, nâng cao tay luyện chữ, mắt cụp xuống, tôi có cảm giác giống như có ánh sáng phát ra từ mi mắt của anh. Tôi nhìn anh rồi lại nhìn chữ của anh một lát. Đến khi quay sang nhìn lại chữ của mình thì tôi chỉ muốn xé hết chúng nó. Thấy tôi rục rịch không chịu được, anh sẽ dừng bút, thở dài, đi ra đứng sau lưng tôi, cầm tay tôi, vừa nói vừa dạy tôi viết kiểu chữ Khải.

Khi tôi gọi nhất định anh sẽ đáp lại một tiếng. Đôi khi gọi anh nhiều lần, anh cũng không hề mất kiên nhẫn. Thuở bé, anh dạy tôi tập đi, sau đó thỉnh thoảng đưa tôi đến nhà trẻ, dạy tôi tập viết, học tiếng Anh, học tính nhẩm. Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, anh còn quan tâm đến ấm lạnh của tôi hơn cả mẹ. Lúc nào tôi cũng có thể lấy được từ túi của anh loại chocolate mà tôi thích ăn, cũng có thể xin anh tiền đi mua kẹp tóc với một số đồ văn phòng phẩm. Trước mặt người lớn anh là một người thành thục cẩn trọng, còn khi đứng trước tôi anh lại rất ân cần tỉ mỉ. Bên ngoài anh lạnh tâm lạnh phế nhưng sau đó lại chỉ đối tốt với một mình tôi.

Lần đầu tiên tôi với anh phải chia xa là khi tôi đang được nghỉ hè chuẩn bị lên cấp hai còn anh thì sắp sửa đi du học.

Anh thấy chuyện này rất bình thường nhưng với tôi, nó lại rất nghiêm trọng. Từ bố mẹ, tôi biết nếu anh đến nơi đó thì trong một thời gian dài tôi sẽ không thể gặp anh nên tôi vội chạy thẳng sang nhà anh, vừa chạy vừa khóc, sau đó bị ngã, bò dậy, lúc sắp sửa lại bị ngã lần nữa thì có người giơ tay ra đỡ.

Hai mắt tôi đẫm lệ, mông lung ngửi thấy mùi hương quen thuộc. Từ nhỏ đến lớn, chỉ cần tôi muốn đều có thể gặp được người này, anh phủi hết bụi bẩn trên người tôi, tôi lại ôm cổ anh òa khóc.

Anh giật mình, vội vàng xoa đầu tôi hỏi có chuyện gì xảy ra.

Bạn học của anh đứng một bên khoanh tay xem trò vui, tủm tỉm cười hỏi: “Ai đây, con dâu nuôi từ bé của nhà cậu hả? Trông cũng được đấy!”

Lúc đó tôi không quan tâm nhiều đến vậy, ngẩng khuôn mặt đầy nước mắt lên hỏi anh: “Có phải anh muốn ra nước ngoài không?”

Anh khẽ nhíu mày: “Ai nói cho em biết?” Một bên tìm khăn tay lau nước mắt cho tôi.

“Thật không?”

Anh nhìn tôi một lúc, nói phải.

Nước mắt của tôi rơi không ngừng, có muốn cũng không lau hết được: “Em không muốn anh đi, không muốn đâu!”

Anh nhìn tôi, thở dài.

Tôi vừa khóc vừa nói đứt quãng: “Mẹ nói với em, anh đi rất lâu mới về. Anh không ở đây, không ai mua bánh cho em, không ai dạy toán cho em, cũng không ai làm văn hộ em. Em muốn ăn cháo cũng không được, em muốn tết tóc cũng không ai tết cho em. Em chỉ muốn đi chơi với anh thôi, anh không có ở đây, em nhất định sẽ rất buồn đó, anh ơi…”

Nghe xong, bạn của Diệp Khâm nhìn anh bằng ánh mắt kính nể: “Không ngờ lớp trưởng của chúng ta còn thường làm những việc thế này đó!”

“Bỏ qua câu cuối cùng thì…” Anh không để ý đến người bạn đang trêu ghẹo mình, dở khóc dở cười nhìn tôi: “Em buồn chỉ vì những thứ đó thôi hả?”

Tôi lắc đầu, nước mắt lại tiếp tục rơi: “Hôm qua em mới mua hai cái váy mới, muốn mặc cho anh xem, nhưng mà anh lại sắp đi mất rồi.”

Nụ cười của Diệp Khâm chậm rãi biến mất, anh nâng tay lên, lau nước mắt cho tôi: “Thôi được rồi, đừng khóc mà.”

Tôi khóc lớn hơn, lần đầu tiên tôi cảm nhận được thế nào là lòng đau như cắt, đau đến không thể nào thở nổi: “Nhưng mà em nhớ anh thì phải làm sao? Em sẽ rất nhớ anh đó!”

Anh vỗ nhẹ lưng tôi, giọng nói trầm ấm dịu dàng dỗ dành: “Anh cũng sẽ nhớ em. Anh ở nước ngoài nhất định phải chăm chỉ học hành. Ngoan, đợi đến lễ Giáng Sinh rồi anh về, anh chắc chắn sẽ mua quà cho em!”

Kinh nghiệm dỗ trẻ con của Diệp Khâm rất phong phú nhưng hôm đó sử dụng tất cả các chiêu, những việc anh đồng ý với tôi có thể liệt ra một danh sách dài mà vẫn không thể làm tôi ngừng khóc. Tôi không muốn rời anh nửa bước, thậm chí còn được voi đòi tiên, bắt anh phải mua cho tôi một hộp chocolate thật to vào dịp Giáng Sinh, hơn nữa, còn bắt anh ngày nào cũng phải gọi điện thoại cho tôi.

Nước mắt trẻ con là thứ không bao giờ có thể nói lí được, có lẽ khi đó Diệp Khâm rất đau đầu đồng thời không nghĩ được cách nào dỗ tôi ngừng khóc. Cuối cùng, tôi đột nhiên nghĩ đến một chuyện, đó là cầu hôn Diệp Khâm, chuyện này có sớm hơn một chút, đương nhiên, lại còn vừa ngây thơ vừa hấp tấp.

Cho nên, bạn học của anh đứng cạnh đó nghe xong thì trố mắt ngạc nhiên, sau đó ôm bụng cười đến mức không thẳng lưng lên được.

Bởi tôi nghĩ rằng tình cảm của tôi vẫn luôn được anh trân trọng, vẫn luôn được anh ghi tạc trong lòng.

Tôi nghĩ đến chuyện: “Anh ra nước ngoài rồi sẽ có bạn gái đúng không?”

Anh quan sát tôi một lúc, có lẽ là suy nghĩ xem có phải phương pháp giáo dục của anh bị sai chỗ nào hay không: “Em vẫn còn là trẻ con, sao lại hỏi đến vấn đề này?”

Tôi nói: “Anh trả lời em đi!”

Anh lảng tránh: “Em hỏi chuyện này làm gì?”

Tôi hỏi: “Em có đẹp không?”

Bạn học của anh xen vào: “Anh cảm thấy rất được!”

Tôi lại hỏi: “Em có ngoan không?”

Bạn học của anh lại nói tiếp: “Anh thấy em rất ngoan!”

Diệp Khâm: “…”

Tôi sợ Diệp Khâm sẽ đánh trống lảng tiếp nên không đợi anh trả lời mà nói tiếp luôn: “Em không xấu cũng rất ngoan, anh có thể đừng có bạn gái được không? Em muốn gả cho anh, muốn làm vợ anh.”

Sắc mặt của Diệp Khâm lúc đó, cả đời này tôi không thể nào quên.

Anh bối rối nhìn tôi, một lúc lâu sau mới hỏi: “Sao em lại có suy nghĩ này?”

Tôi đáp: “Trên ti vi nói vậy mà. Chỉ có vợ chồng mới vĩnh viễn bên nhau. Em muốn ở bên cạnh anh mãi mãi.”

Anh nói: “Em gái cũng có thể mà.”

Tôi: “Không muốn!”

Diệp Khâm: “…”

Tôi nghĩ khi đó Diệp Khâm thật sự rất dung túng tôi. Có thể tôi không phải người đầu tiên tỏ tình với anh nhưng chắc chắn là người khiến anh khó xử nhất. Nước mắt của tôi lấy một địch trăm thế nên mãi một lúc lâu anh vẫn không thể nói lời từ chối. Cuối cùng, anh xoa đầu tôi, nói: “Được rồi, chocolate mua cho em, mỗi ngày đều gọi điện cho em, khóc lâu như vậy rồi có đói bụng không? Anh bóc nho cho em nhé!”

Tôi nhìn anh bằng đôi mắt rưng rưng: “Vậy còn yêu cầu cuối cùng?”

Anh thở dài: “Em còn nhỏ quá, chuyện này nói sau nhé!” Nói xong không đợi tôi trả lời đã lập tức đi thẳng xuống bếp.

Chuyện cũ như gió mùa hạ, đến rồi lại đi. Tôi hy vọng anh có thể cúi đầu xem qua cuốn nhật ký của tôi, thế nhưng hai hàng chữ mở đầu ngắn ngủi lại bị tay anh che mất, anh híp mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, không biết anh đang nghĩ gì nhỉ?

Anh ngồi yên lặng rất lâu, cuối cùng lại ngủ quên mất. Đợi đến khi anh xuống lầu đã là sáng sớm ngày thứ hai rồi. Hôm qua đến anh còn chưa uống ngụm nước nào, buổi chiều dì Dương lên gọi anh xuống ăn cơm cũng bị anh từ chối. Hôm nay, rạng sáng anh đã rời thư phòng xuống phòng khách, quyển nhật ký của tôi cũng bị anh tùy ý khép lại, một chữ cũng không xem qua.

Dì Dương nói đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi, anh lại bình thản nói không ăn, đi ra ngoài có chút việc.

Lúc anh sắp ra khỏi cửa, dì Dương muốn nói gì đó nhưng lại thôi, chỉ yên lặng nhìn xe anh rời đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.