Bảy Ngày

Chương 4: Chương 4: Ngày thứ tư




Chuyển ngữ: Sunshine Team

  

Lúc Diệp Khâm về nước, tôi mới lên cấp ba không lâu. Bài học rất nặng nên hôm nào cũng phải làm bài tập đến rạng sáng mới xong. Tuy nhiên sau khi anh về nước phải tiếp nhận chuyện công ty, công việc bận rộn nên số lần chúng tôi gặp nhau còn chẳng bằng hồi anh ở nước ngoài. Thỉnh thoảng gặp nhau đều bị anh nhắc nhở phải học thật tốt nên tôi cũng chẳng tìm được cơ hội để thổ lộ.

  

Mỗi lần gặp anh, tôi đều chú ý xem anh có đeo khăn em gái đan không, sau khi phát hiện mỗi chiếc khăn anh đeo đều là của nhãn hiệu nào đó thì mới thoáng yên lòng. Thế nhưng lúc nào cũng lo lắng em gái sẽ nhân lúc tôi không phòng bị thổ lộ trước khiến tôi học hành không tập trung, dẫn đến thành tích học tập cũng bắt đầu đi xuống.

  

Mà thành tích của em gái tôi cũng chẳng hơn tôi tí nào. Vì vậy vào một ngày nào đó khi chúng tôi đang thảo luận giải đề vật lí, đột nhiên em ấy ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi: “Chị, chúng ta cạnh tranh công bằng đi, chị biết ý em là gì mà.”

  

Lòng tôi nhảy dựng lên, tôi thận trọng nhìn em ấy.

  

Từ nhỏ em ấy đã rất biết cách đối nhân xử thế, lúc cười thì hay rũ mắt, lúc nói chuyện thì rất nhẹ nhàng ôn hòa. Em ấy vốn là người hướng nội nên tôi không ngờ rằng trong tình yêu em ấy lại thẳng thắn hơn tôi nhiều.

Em ấy dứt khoát ném bút: “Hay là, lúc thi tốt nghiệp ai cao điểm hơn thì được thổ lộ.”  

Tôi bảo: “Chuyện này sao có thể so với thành tích thi tốt nghiệp được, chị không đồng ý.”

 

Em ấy suy nghĩ một lúc rồi nói: “Được, nhưng em không muốn thành tích lúc lên lúc xuống nữa. Vậy từ giờ đến kì thi đại học cả hai chúng ta không được nhúc nhích, chị có đồng ý không?”

  

Tôi cẩn thận gật đầu.

  

Em ấy hít sâu một hơi, “Cứ vậy đi, sau khi thi đại học xong chúng ta sẽ thổ lộ nhưng nếu một người đã tỏ tình thành công thì người kia không được nói ra tình cảm của mình nữa và không được nhúng tay, không được phá hoại. Chị có đồng ý không?”

  

Tôi bình tĩnh đánh giá cái lợi cái hại trong cuộc đàm phán này, nghĩ đến đây là một phương pháp công bằng nên tôi đồng ý, dừng một chút rồi bổ sung: “Mặc kệ cuối cùng thế nào, người thắng không được dùng bất cứ cách gì để khoe khoang với người còn lại. Hơn nữa chúng ta còn là chị em ruột, không thể cốt nhục tương tàn không qua lại với nhau được.”

  

Em ấy đồng ý rồi nhanh chóng lấy một tờ giấy trắng viết giao ước của chúng tôi lại, hai bên kí tên rồi cùng nhau điểm chỉ trên giấy. Chúng tôi bí mật làm bản cam kết này, trừ hai chúng tôi ra thì chỉ có mình Đàm Ninh biết.

  

Cậu ấy đánh giá: “Cam kết này của các cậu hoàn toàn dựa vào đạo đức để ràng buộc, nếu một bên làm trái với cam kết thì cũng chẳng sao cả. Sao cậu có thể tin tưởng bên kia nhất định sẽ tuân thủ chứ?”

Đàm Ninh vẫn luôn lí trí như vậy. Khi tôi vẫn còn mơ màng về tình yêu thì cậu ấy đã giải xong một bộ đề, cậu ấy chính xác là con nhà người ta trong truyền thuyết đó. Lúc đó cậu ấy chưa gặp Diệp Khâm nên khi biết nguồn gốc câu chuyện của chúng tôi thì cảm thấy chúng tôi thật sự không thể tưởng tượng được, trên thế giới này làm gì có gì quan trọng hơn thành tích thi tốt nghiệp cấp ba chứ.

Khi ấy tôi đã giải thích rằng khi cậu gặp được người trong lòng thì sẽ hiểu tình yêu cũng là một việc rất quan trọng. Cậu ấy không tranh luận với tôi mà chỉ bảo nếu ngày đó tới, cậu ấy nhất định sẽ nắm chắc nhưng cấp ba không được yêu sớm, chúng tôi phải học thật tốt.

Tôi đành phải vùi đầu vào học.

Hôm nay nghĩ lại, năm lớp mười hai đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi.

Đảo mắt là đến kì nghỉ đông, đảo mắt là đến lúc đếm ngược một trăm ngày trước khi thi, đảo mắt cái nữa là đến kì thi đại học. Hai ngày đó tôi vô cùng lo lắng mà Diệp Khâm lại trùng hợp đi công tác ở Mỹ. Chúng tôi sống lệch múi giờ nên chẳng có thời gian trò chuyện, chỉ có sáng sớm nhận được lời cổ vũ của anh. Đến khi tôi thi xong, Diệp Khâm vẫn chưa về.

  

Nghĩ đến tình địch và thời gian, tôi ăn ngủ không yên, đôi khi còn nghĩ liệu mình có nên gọi một cuộc điện thoại quốc tế đường dài, đánh thức anh rồi thổ lộ không nhưng nghĩ lại thì thấy không thể được. Giờ nghĩ lại, vì hai chữ “thổ lộ” mà tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều năm.

Nhưng cuối cùng tôi vẫn không thể nói ra. Kì thi kết thúc được ba ngày thì Diệp Khâm về. Hôm đó em gái không có ở nhà, tôi vội vàng phóng tới sân bay nhưng lại nhìn thấy anh ấy ở sảnh, và trong lòng là em gái tôi.

  

Anh ấy quay lưng về phía tôi, khẽ hôn trán em ấy, khóe miệng phảng phất ý cười, giọng rất dịu dàng, “Được, chúng ta ở bên nhau đi.”

  

Tôi đối mặt với em một lúc rồi quay người rời đi.

  

Hôm đó đến khuya tôi mới về nhà. Sáng sớm hôm sau mới ngủ được. Vừa ngủ được không lâu thì bị tiếng chuông điện thoại đánh thức. Bác tôi gọi điện thông báo bố mẹ tôi bị tai nạn xe cộ trên đường cao tốc, không kịp cứu nữa rồi.

  

Về sau, điểm thi của chúng tôi được công bố. Tôi điểm cao hơn em ấy. Em ấy chọn ngành quản lí còn Đàm Ninh học y. Tôi học ở thành phố khác.

  

Lúc tôi chuyển đi thì từ chối lời đề nghị đi tiễn của em gái, cũng từ chối luôn đề nghị đưa tôi đi của Diệp Khâm. Anh đã từng hỏi tại sao tôi lại chọn nơi phương Bắc xa xôi như vậy, thậm chí chẳng thèm thương lượng với anh. Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh thẳm, nhẹ nhàng nói: “Anh, bố mẹ em mất rồi. Em muốn đi cho vơi nỗi đau.”

  

Tôi nói trái lương tâm nhưng rất kiên định. Mới đầu tôi rất khách khí với anh. Nghĩ rằng về sau tám phần anh sẽ biến thành em rể của mình nên càng ngày càng khách sáo hơn. Tôi tuân thủ cam kết: Không nhúng tay, không phá hoại, thậm chí còn tránh gặp anh. Thời gian dần trôi, tôi không còn nói chuyện với anh nữa.

Tôi đã quen ở nơi khác nên cũng chẳng muốn về nhà nữa. Đôi khi Diệp Khâm đến thành phố nơi tôi học để công tác sẽ gọi tôi ra ngoài cùng ăn cơm. Chúng tôi ngồi đối diện nhau trên thảm tatami [1], anh hỏi gần đây tôi sống có tốt không, tôi nói rất tốt. Anh lại hỏi việc học có nặng không, đã yêu ai chưa, câu đầu tôi bảo không rất nhanh nhưng câu sau nghĩ một lúc mới nói không có.

  

[1] Tatami là một loại sản phẩm (tạm gọi là tấm nệm) được dùng để lát mặt sàn nhà truyền thống của Nhật Bản.

Anh nói nếu vậy thì hẳn là không bận, vì sao không thường xuyên gọi điện báo cáo tình hình cho anh mà cứ để anh phải lo.

  

Tôi suy nghĩ một chút rồi nói, “Em cảm thấy như bây giờ là được rồi, không nhiều cũng không ít.”

  

Anh ấy nhìn tôi, không nói gì nữa mà cúi đầu múc canh cho tôi.

  

Dưới ánh đèn, lông mi của anh vừa dày vừa dài, đường cong khuôn mặt hoàn mĩ. Áo mở hai cúc nên mơ hồ lộ ra xương quai xanh. Anh ấy hơi gầy nhưng vẫn khiến tôi thương nhớ đến vậy. Dù đang ở trước mặt, chỉ cách tôi một bước ngắn nhưng vẫn khiến tôi mong nhớ ngày đêm.

  

Nỗi nhớ, sự không cam lòng và cả tâm sự của tôi, anh không hề hay biết. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.