Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 21: Chương 21




Cha Nil tháo kính ra, matxa đôi mắt đang cay sè và lùa bàn tay vào mái tóc xám cắt ngắn. Cả một đêm xem xét tỉ mỉ bản sao của các bản thảo M M M! Ông đẩy ghế đẩu, đứng dậy và đến tháo chiếc khăn mặt che kín cửa sổ ra. Những bài kinh mừng của lễ nhật tụng đầu tiên trong buối sáng sắp sửa vang lên: sẽ chẳng còn ai ngạc nhiên khi nhìn thấy ánh sáng trong phòng ông.

Qua ô cửa sổ, ông ngắm nghía một lát nền trời đen của vùng Val–de–Loire vào mùa đông. Mọi thứ đều tối tăm, ở bên ngoài cũng như trong lòng ông.

Ông quay lại bên bàn và nặng nề ngồi xuống. Ông có vóc người mảnh dẻ, nhỏ nhắn: vậy mà ông cảm thấy quá đỗi nặng nề. Trước mặt ông rải rác những chồng giấy ghi chép viết tay, những ghi chép ông đã thực hiện trong suốt đêm dài vừa qua, được sắp xếp cẩn thận thành từng chồng riêng biệt. Ông thở dài.

Những nghiên cứu về kinh Phúc âm theo Thánh Jean đã dẫn ông đến chỗ phát hiện ra một nhân vật bí hiểm, một người đàn ông vùng Judee chỉ xuất hiện thoáng qua trong văn bản và đóng vai trò chủ chốt trong những ngày cuối cùng của Jesus. Người ta không biết gì về ông ta, kể cả tên gọi, nhưng ông ta tự gọi mình là “môn đồ cưng”, và nói mình là người đầu tiên gặp Jesus bên bờ sông Jordan, trước cả Peter. Và cũng là một trong số những thực khách tham dự bữa tiệc cuối cùng, trong căn phòng lớn - căn phòng này hẳn là nằm trong chính ngôi nhà của ông ta. Ông ta kể rằng đã nằm cạnh Thầy, vị trí danh dự. Miêu tả việc đóng đinh câu rút, tả nấm mồ trống rỗng, với cách thức và giọng điệu chân thực của một người đã tận mắt chứng kiến sự việc.

Một người chủ chốt biết rõ Jesus và những ngày đầu của nền Cơ Đốc Giáo, một người thân cận mà lời chứng có tầm quan trọng cao nhất. Kỳ lạ là sự tồn tại của nhân chứng quan trọng này đã bị cẩn thận tẩy xoá khỏi tất cả các văn tự của kinh Tân ước. Kể cả kinh Phúc âm khác, những lá thư của Paul, thư của các Tông đồ đều không nói đến sự tồn tại của ông ta.

Tại sao người ta lại quyết liệt mong muốn xoá bỏ một nhân chứng có tầm quan trọng nhường ấy? Phải có một lý do vô cùng nghiêm trọng mới có thể thúc đẩy việc xoá bỏ hoàn toàn dấu vết của người này trong ký ức của đạo Cơ đốc. Và tại sao những người Esseni không bao giờ được nhắc đến trong thời kỳ đầu của Giáo hội? Tất cả những chuyện này hẳn phải liên quan đến nhau: cha Nil chắc chắn về điều đó, và cha Andrei đã khuyến khích ông lần theo sợi dây bí ẩn nối kết những sự kiện đã vĩnh viễn in dấu trong Lịch sử phương Tây.

- Người mà cha phát hiện ra khi nghiên cứu kinh Phúc âm, tôi nghĩ rằng bản thân tôi cũng đã bắt gặp trong lĩnh vực của tôi, những bản thảo từ thế kỷ III đến thế kỷ VII.

Đang ngồi đối diện ông trong văn phòng, cha Nil nảy người lên.

- Cha muốn nói rằng cha đã thấy lại dấu vết của người “môn đồ cưng” trong những văn tự ra đời sau kinh Phúc âm à?

Cha Andrei nheo đôi mắt trên khuôn mặt tròn.

- Ồ, những dấu hiệu này hẳn đã không khiến tôi chú ý nếu chính cha không kể với tôi về những điều cha phát hiện ra! Những dấu vết vô cùng nhỏ, cho đến khi Vatican gửi cho tôi bản thảo tiếng Ai cập cổ tìm thấy được ở Nag Hamadi – ông phác một cử chỉ về phía chiếc cặp xếp giấy tờ của mình.

Ông nhìn người bạn đồng hành của mình với vẻ ngẫm ngợi

- Chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng của mỗi người. Hàng chục chuyên gia chú giải và sử học cũng đang làm như vậy mà không hề bị quấy rối chút nào. Tuy nhiên, với một điều kiện: các công trình của họ phải tách biệt nhau, không ai được có ý định kết nối các thông tin này lại. Cha có biết vì sao việc tiếp cận các thư viện của chúng ta lại bị hạn chế không? Chừng nào mỗi người chỉ dừng lại trong chuyên môn của riêng mình, anh ta sẽ không có nguy cơ bị kiểm soát hay trừng phạt và tất cả các Giáo hội có thể tự hào khẳng định rằng trong lãnh địa của mình, quyền tự do suy nghĩ là trọn vẹn.

- Tất cả các Giáo hội?

- Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có đông đảo những người theo đạo Tin Lành – và trong số họ là những người theo trào lưu chính thống hiện đang rất mạnh, nhất là ở Mỹ. Rồi còn người Do Thái, và Hồi Giáo…

- Người Do Thái thì có lẽ là chính xác – mặc dù tôi không hiểu vì sao việc chú giải một văn tự trong kinh Tân ước lại liên quan tới họ, vì họ chỉ thừa nhận kinh Cựu ước. Nhưng còn người Hồi giáo thì sao?

- Cha Nil, cha Nil… cha đang sống ở thế kỷ I tại Palestine, nhưng tôi thì đã lần đến thế kỷ VII kia! Muhammad đã viết trong kinh Coran vào năm 632. Cha nhất thiết phải nghiên cứu văn bản này, không chậm trễ. Và cha sẽ phát hiện ra rằng nó có liên quan chặt chẽ đến những biến động và số phận của người đàn ông mà cha đang tìm kiếm dấu vết, nếu ông ta thực sự đã từng tồn tại!

Một lúc im lặng, cha Nil ngẫm nghĩ, không biết tiếp tục câu chuyện từ đâu.

- Nếu ông ta đã từng tồn tại… vậy cha nghi ngờ sự tồn tại của người này bên cạnh Jesus?

- Chắc là tôi sẽ nghi ngờ nếu không theo sát nghiên cứu của cha. Cha đã vô tình thúc đẩy tôi xem xét những đoạn cho đến nay vẫn không được để ý đến trong văn học Cổ đại. Cha đã vô tình giúp tôi hiểu được ý nghĩa của một bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ tối nghĩa mà tôi phải nghiên cứu và báo cáo kết quả về Roma – tôi nhận được bản sao của bản thảo này đã sáu tháng nay, thế mà vẫn chưa biết phải xoay xở thế nào với bản báo cáo, tôi bối rối quá. Roma đã nhắc nhở tôi một lần về việc này, tôi e sẽ bị triệu tập nếu vẫn chậm trễ.

Cha Andrei đã bị triệu về Roma.

Và không bao giờ quay về căn phòng yên tĩnh này nữa.

Chuông điểm từng tiếng trong đêm tháng Mười một, cha Nil đi xuống và bước vào vị trí quen thuộc của mình trong gian thờ của tu viện. Cách ông vài mét về phía bên phải, một chiếc ghế vẫn trống khuyết một cách ngoan cố: cha Andrei…Nhưng tâm trí ông không thể nào tập trung được vào những cung bậc chậm rãi của giai điệu Grégoire mà vẫn chìm trong những bản tháo ông vừa giải mã suốt đêm qua. Một thời gian trở lại đây, điều từng là niềm tin của ông trong suốt cuộc đời bị cắt xén dần, từng mảnh từng mảnh một.

Tuy nhiên, thoạt nhìn, các bản thảo M M M không cho thấy bất kỳ điều gì nhạy cảm. Phần lớn các bản thảo này có nguồn gốc từ thư viện bị phân tán của người Esseni vùng Qumran: những luận bàn về Kinh Thánh theo cách của các pháp sư Do Thái, những đoạn giải thích về cuộc chiến giữa cái Tốt và cái Xấu, giữa những người con của ánh sáng và những người con của bóng tối, vai trò trung gian của một người Thầy Công Lý…Bây giờ người ta biết rằng Jesus không thể là người Thầy Công Lý này. Đã có lúc say sưa với những phát hiện tại biển Chết, công chúng liền nhanh chóng thất vọng. Chẳng có gì ly kỳ hết… và những văn tự mà ông cặm cụi đọc suốt đêm qua cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng đối với một trí óc tinh nhanh như của ông, điều ông vừa đọc khẳng định toàn bộ những nhận xét mà ông đã cẩn thận ghi chép lại. Những ghi chép này chưa hề ra khỏi phòng ông, không ai biết đến – trừ cha Andrei, người mà ông không che giấu bất cứ bí mật nào.

Các ghi chép này đặt ra việc xem xét lại toàn bộ những điều cho đến nay vẫn được nói về nguồn gốc của đạo Cơ Đốc, nghĩa là nền văn hoá và văn minh của toàn bộ phương Tây.

“Từ San Francisco đến Vladivostok, mọi thứ đều dựa trên một định thể duy nhất: Christ có lẽ là người sáng lập ra một tôn giáo mới. Thiên chất của Người có lẽ đã được tiết lộ với các tông đồ bởi những lưỡi lửa trùm lên họ vào ngày lễ Hạ Trần. Có thể có một thứ trước ngày đó, kinh Cựu ước, và một thứ sau ngày đó, kinh Tân ước. Thế mà điều này lại không chính xác, thậm chí còn sai!”

Cha Nil bất giác thấy mình đang đứng trong gian thờ, trong khi các đạo hữu của ông vừa rạp người xuống để hát kinh Gloria Patri. Ông nhanh chóng theo tư thế rạp người trong hàng của mình. Từ hàng phía trước, Cha tu viện trưởng ngẩng đầu lên và quan sát ông.

Ông định theo sát hơn diễn biến của buổi lễ, nhưng đầu óc ông lại đang phi nước đại như một con ngựa điên cuồng: “Ta đã phát hiện ra trong các bản thảo vùng biển Chết những khái niệm là cơ sở để thiên chất của Jesus được thực hiện. Nhưng vì không có học nên các tông đồ không đủ khả năng để làm điều đó: họ đã vay mượn những gì người ta nói quanh họ, điều mà tất cả chúng ta đều không biết – cho đến khi phát hiện ra những văn tự ở Qumran.”

Lần này, ông là người duy nhất quay mặt vào hàng đối diện, trong khi tất cả mọi người đều đã xoay người xếp thành một khối duy nhất quay mặt về phía điện thờ, để hát kinh Lạy Cha.

Cha tu viện trưởng cũng không nhìn lên điện thờ, ông quay đầu sang phải và nhìn cha Nil vẻ nghĩ ngợi.

Hết lễ kinh mừng, ông bị một sinh viên tóm cổ, anh ta nhất thiết muốn ông cho lời khuyên về khoá luận đang làm. Cuối cùng, vừa được giải phóng khỏi kẻ quấy rầy, ông vội lao như một cơn gió về phòng mình, nhặt tập bản thảo M M M trên mặt bàn đầy ngộn giấy tờ, và không chần chừ luồn xuống dưới khăn choàng vai. Rồi với vẻ tự nhiên nhất, ông tiến về phía thư viện cánh giữa.

Hành lang vắng ngắt. Tim đập mạnh, ông di qua cánh cửa thư viện Khoa học Kinh Thánh, rồi cánh cửa văn phòng cha Andrei, và tiếp tục đi đến tận góc giữa hai cánh của tu viện: dọc hành lang cánh phía Bắc cũng không có một ai.

Cha Nil tiến lại gần cánh cửa mà ông không được phép bước qua – cánh cửa thư viện Khoa học lịch sử - rút từ túi ra chùm chìa khoá của cha Andrei, tra một trong hai chiếc chìa khoá nhỏ vào ổ. Liếc nhìn hành lang một lần cuối: vẫn vắng ngắt.

Ông bước vào.

Không ai đến thư viện vào lúc sáng sớm như thế này. Tuy nhiên, ông không muốn mạo hiểm bật hệ thống chiếu sáng chung, làm thế có thể để lộ ông đang có mặt tại đây. Vài ngọn đèn nhỏ vẫn được thắp thường xuyên và toả ra một thứ ánh sáng yếu ớt vàng vọt. Ông tiến về phía cuối thư viện, rẽ phải đến kệ sách thế kỷ I, và nhanh chóng để lại tập tài liệu M M M vào đúng chỗ mà ông đã lấy tối qua. Sau đó biến đi, không để ai nhìn thấy.

Vừa đến vị trí dành cho các bản thảo ở thế kỷ III, tay phải quờ quạng để định hướng, ông nghe thấy tiếng mở cửa trầm đục ở đầu kia phòng. Gần như ngay lập tức, ánh sáng chói lọi tràn ngập toàn bộ thư viện.

Ông đang đứng ngay giữa lối đi trung tâm, tay phải đưa ra phía trước, một cuốn sách bị cấm dưới cánh tay trái, trong một nơi lẽ ra ông không bao giờ được vào, nơi mà ông không thể có chìa khoá. Dường như các kệ sách ở hai bên đang giãn ra, khiến ông càng trở nên cô độc và phơi mình ra trước những ánh nhìn. Những chiếc đèn chiếu như nhảy ra khỏi tường và trút lên ông những lời trách móc không thương xót: “Cha Nil, cha làm gì ở đây? Làm thế nào mà cha lại có được chiếc chìa khoá này? Cuốn sách này là cái gì? Và tại sao, đúng, tại sao cha lại mượn nó tối qua? Cha đang tìm kiếm gì thế, cha Nil? Đêm qua cha có ngủ không? Tại sao buổi lễ sáng nay cha lại đãng trí như vậy?”

Ông sắp bị phát hiện, và đột nhiên ông nghĩ đến những lời căn dặn thường xuyên của cha Andrei.

Rồi đến thi thể đông cứng bởi cái chết của ông ấy, trên nền đường đá chạy dọc tuyến Roma Express, nắm tay tức giận chỉ lên trời.

Như thể để buộc tội kẻ đã sát hại ông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.