Bích Nhãn Thần Quân

Chương 4: Chương 4: Hổ Đầu tập cứu tiêu, phục Tả - Trấn Hoài Giang tiếp viện Âu Dương




Cách Võ Đang vài trăm dặm có một thị trấn nhỏ gọi là Hổ Đầu tập. Có lẽ vì ngoài trấn có một ngọn đồi trông xa giống như đầu cọp. Vân Long ghé vào một tửu quán để ăn trưa và cho ngựa nghỉ ngơi. Tuấn mã của chàng chẳng phải dòng dõi danh câu như Hãn Huyết hay Ô Vân Cái Tuyết. Bề ngoài của nó còn có vẻ hơi xấu xí, những vết loang lổ đem trắng trên thân càng làm nó khác hẳn những giống ngựa quý thường được ca tụng. Nhưng lẽ nào Tài Thần lại tặng cho quý tử của mình con ngựa tầm thường đến thế? Đúng vậy, chú ngựa này được mua với giá ngàn lượng vàng từ một mục trường xa xôi ngoài quan ngoại. Hình dáng nó không tuấn vĩ nhưng sức đi ngàn dặm, khi cần cứu mạng chủ thì nhanh như gió. Tính thông linh tuyệt vời, chỉ nghe tiếng húyt sáo là đến ngay. Tài Thần tặng Vân Long con ngựa non này lúc chàng tròn mười tuổi. Bảy năm trời quấn quít không rời, người và ngựa gần gũi như đôi bạn. Vân Long vẫn thường gọi nó là Phong nhi, nghĩa là ngọn gió.

Vân Long dặn dò tửu bảo chăm sóc ngựa rồi lững thững bước vào quán. Đây là nơi dừng chân của khách thương hồ nên đặc biệt rộng rãi. Theo thói quen, chàng chọn một bàn gần cửa sổ cho mát. Vân Long bảo tiểu nhị tùy tiện dọn lên vài món và một bình rượu ngon. Huyền Hạc thượng nhân vẫn thường bắt chàng hầu rượu nên tửu lượng của chàng cũng thuộc vào loại khá.

Chay tịnh lâu ngày nên dù món ăn không lấy gì làm đặc sắc, chàng cũng cảm thấy ngon. Mới uống được vài chén, Vân Long chợt nghe tiếng vó ngựa, tiếng bánh xe, tiếng thét ngựa dừng lại. Một đoàn người nhễ nhại mồ hôi kéo nhau vào, họ đặt vũ khí xuống bàn, thét gọi tiểu nhị :

- Tửu bảo đâu, mau đem cơm rượu ra đây, chúng ta ăn xong phải lên đường ngay.

Lão chủ quán vui mừng khúm núm lại chào hỏi :

- Chà! Lâu lắm Tổng tiêu đầu mới đi qua đường này. Xin cứ yên tâm, chỉ trong chốc lát sẽ có đầy đủ thôi.

Chàng nghe lão nói, nhìn ra cửa thấy có một xe ngựa căm tiêu kỳ thêu hình một con rồng đang bay, mặt kia có bốn chữ “Phi Long tiêu cục”. Chàng chăm chú quan sát Tổng tiêu đầu, thấy ông thấp lùn, râu hùm hàm én, lưng đeo giới đao trông rất oai vệ. Ngày còn ở nhà chàng đã từng nghe các thuộc hạ của Tài Thần nói đến Phi Long Kim Đao Dư Bằng, đệ tử tục gia của Thiếu Lâm, đường Phục Hổ Đoạn Môn đao lẫy lừng thiên hạ. Chàng cũng là đệ tử Thiếu Lâm nên sinh thiện cảm. Trước khi rời Võ Đang, Huyền Hạc dặn chàng đừng để lộ tông tích là con của Tài Thần, sợ sau này liên lụy đến Đào gia trang. Vân Long nghĩ cho mình một tên giả là Tiêu Long Vân, vốn vì Huyền Hạc mang họ Tiêu, còn Long Vân là đảo lại của Vân Long. Huyền Hạc xuất gia tu đạo từ nhỏ, không con cái nên ông rất xúc động khi thấy đồ nhi mang họ của mình.

Chàng đã ăn xong, thấy đám tiêu sư chuẩn bị khởi hành, liền đến gần Dư Bằng, chắp tay vái chào :

- Tiểu sinh nghe tiếng Dư tổng tiêu đầu trượng nghĩa đã lâu. Nay muốn xin tháp tùng để nương nhờ che chở trên đường thiên lý.

Làm nghề tiêu cục, lúc nào họ Dư cũng phải cảnh giác, nhưng thấy Vân Long nghi biểu khác phàm, văn nhã yếu đuối như một anh chàng mọt sách nên an dạ. Ông chắp tay đáp lễ :

- Không dám, công tử quá khen, nếu không chê xin mời cùng thượng lộ. Chẳng hay công tử quê quán ở đâu?

- Tiểu sinh họ Tiêu tên Long Vân, quê ở phủ Hà Nam. Gia phụ buốn bán chợ nhỏ ở chân núi Thiếu Thất.

Vân Long học nghệ ở phủ Hà Nam hơn hai năm nên chàng bắt chước khẩu âm địa phương rất giống. Dư Bằng cũng quê ở Hà Nam, nên mừng rỡ nắm tay Vân Long cười nói :

- Tha hương ngộ cố tri. Tại hạ cũng nguyên quán Hà Nam, học nghệ Thiếu Lâm, sau dời qua Khai Phong lập nghiệp.

Dư Bằng ra lệnh lên đường. Nhìn thấy ngựa của Vân Long, lão mỉm cười :

- Tiêu công tử tuấn nhã hơn người mà lại cỡi con ngựa xấu xí này e không xứng.

Vân Long cười đáp :

- Quân tử không bỏ bạn thưở hàn vi. Con ngựa này đã theo tiểu sinh lâu ngày nên không xa được.

Dư Bằng cười thầm anh chàng hủ nho, mở miệng ra là nói chuyện thánh hiền.

Đoạn đường này từ xưa vẫn thanh bình nên các tiêu sư cũng chẳng phòng bị làm gì.

Dư Bằng càng nói chuyện càng thêm cảm phục kiến thức uyên bác của Vân Long. Từ giờ trở đi chúng ta tạm gọi là Tiêu công tử. Chàng kiến giải điều gì cũng thông suốt, hợp lý. Mải mê trò chuyện đã qua khỏi Hổ Đầu sơn, vừa đến cánh rừng thưa, bỗng đâu có tiếng thét kinh hồn :

- Dừng lại, muốn sống thì mau nộp cho nhị vị lão gia một trăm hai chục lượng bạc tiền mãi lộ, nếu không bọn ta sẽ cướp sạch xe tiêu.

Dư Bằng và đám tiêu sư giật mình nhưng lại cảm thây có điều kỳ lạ, khôi hài. Chưa hề có bọn cường đạo nào lại đòi bạc lẻ cả. Hơn nữa, đã dám chặn xe tiêu của Phi Long tiêu cục mà chỉ đòi có hơn trăm lượng, hóa ra chẳng quá rẻ hay sao?

Vân Long cảm thấy thích thú, thúc ngựa theo Dư Bằng tiến lên phía trước xem sao.

Thì ra có hai đại hán thân hình khôi vĩ, cao hơn người thường cả cái đầu, quần áo rách rưới, mặt bịt bằng một tấm vải cũ, trông dáng giống ăn mày hơn là cường đạo.

Nhưng nhin cây phong ma đồng côn nặng không dưới tám mươi cân trong tay họ ai cũng kinh tâm. Dư Bằng vòng tay hỏi lớn :

- Chẳng hay nhị vị hảo hán hùng cứ ở núi nào để Dư Bằng này đến bái sơn.

Cường đạo bên phải dương dương tự đắc nói :

- Anh em ta trấn giữ Hổ Đầu sơn đã hơn hai mươi năm nay.

Giọng nói của y rõ ràng còn rất non nớt, vậy hóa ra y ở đây từ hồi mới sinh?

Dư Bằng mỉm cười hỏi tiếp :

- Xin hỏi nhị vi tại sao lại cần số lẻ hai mươi lượng làm gì? Quy củ giang hồ chỉ có một trăm lượng thôi.

Cường đạo bên trái ngẩn người gãi đầu ấp úng nói :

- Như vậy thì... coi như chúng ta xin thêm hai mươi lượng nữa có được chăng?

Nghe hắn nói xong, cả đám tiêu sư ôm bụng cười. Vân Long cũng không nén được.

Thế gian chưa hề có bọn sơn tặc nào dễ thương đến thế.

Dư Bằng mỉm cười bảo hai sơn tặc :

- Trong đạo nghĩa giang hồ, lượng bạc không phải là lớn, nhưng nếu thế thì còn gì thanh danh của Phi Long tiêu cục nữa. Vậy xin nhị vị hãy đánh thắng cây Kim đao này rồi tại hạ sẽ dâng bạc.

Hán tử bên trái quay qua tên bên phải hỏi :

- Đại ca tính sao, đệ xuất thủ nhé?

Thì ra hán tử hơi cao hơn là anh. Hắn gật đầu :

- Nhị đệ ra tay đi, nhưng không được đả thương người. Mẫu thân biết được sẽ đánh chúng ta đấy.

Họ đối đáp với nahu như chỗ không người. Bọn Vân Long càng thêm tức cười.

Đánh nhau mà không cho đả thương thì đánh làm gì. Hơn nữa, cây phong ma đồng côn kia đụng vào ai là tan xương nát thịt, làm sao tránh được?

Hán tử được gọi là nhị đệ hăm hở bước tới nói với Dư Bằng :

- Đại ca ta đã dặn rồi, vậy ngươi cũng không được đả thương ta nghe chưa?

Bọn tiêu sư một lần nữa lại ôm bụng cười, rơi cả vũ khí. Hán tử bịt mặt than hình to lớn, thô kệch nhưng thân pháp nhanh nhẹn phi thường, thanh phong ma đồng côn cuốn tới như bảo táp. Dư Bằng rúng động vội đem toàn lực trổ tuyệt nghệ Phục Hổ Đoạn Môn đao. Hán tử thần lực ghê hồn, mỗi lần vũ khí chạm nhau là Dư Bằng nghe cánh tay tê rần, biết mình không địch lại tên sơn tặc ngây ngô này. Nhưng vì thanh danh bao năm không dám buông đao. Hán tử đánh lâu không thắng nổi xung vận toàn lực đánh chiêu “Thái Sơn Áp Đỉnh”, khí thế như núi đổ. Dư Bằng không còn cách né tránh đành hai tay nắm chặt kim đao đỡ lấy. Tiếng thép ngân dài, thanh kim đao văng khỏi tay Dư Bằng cắm xuống đất. Lão ôm lấy hổ khẩu, lùi lại đau đớn nói :

- Không ngờ hôm nay Dư mỗ lại bại dưới tay ngươi. Từ nay ta sẽ giải tán tiêu cục về ẩn dật cho xong.

Đại hán nghe xong hớt hải bảo :

- Không được, ta không cần ông phải giải tán tiêu cục, ta chỉ cần lượng bạc là thôi.

Dư Bằng dỡ khóc dỡ cười, quay lại bảo Phó tổng tiêu đầu Thiểm Điện Chưởng Bành Sâm lấy bạc giao cho đại hán. Vân Long đã có chủ ý trong đầu nên xuống ngựa bước đến nhặt Kim đao trao cho lão và nói :

- Dư lão chớ buồn, thắng bại là lẽ thường trong võ lâm. Hán tử kia thần lực thiên sanh, giang hồ mấy ai tránh được? Xin để tiểu sinh dàn xếp vụ này.

Dư Bằng thấy chàng rút Kim đao đang cắm sâu vào nền đất cứng một cách nhẹ nhàng, ông mới biết mình đã lầm. Chàng thư sinh này quả là thâm tàng bất lộ. Ông gật đầu, nhận đao, đứng sang bên chờ xem.

Vân Long bước đến gần đại hán cười nói :

- Các hạ có muốn kiếm thêm vài trăm lượng nữa không? Ta muốn đấu thử với các hạ vài chiêu. Nếu thua ta mất cho các hạ ngân lượng, còn thắng ta chỉ xin lấy phần ngân lượng của Dư lão mà thôi.

Hán tử mừng rỡ chạy lại thương lượng với đại ca. Hắn nghĩ chàng chỉ là một thư sinh yếu đuối nên kiếm thêm ngân lượng cũng dễ dàng thôi. Nhưng ngờ đâu đại ca hắn khôn ngoan hơn nhiều, hắn suy nghĩ một lát rồi nói :

- Không được, ngân lượng này ta đã nắm trong tay, tội gì phải đem ra đánh cuộc, lỡ thua thì biết kiếm ở đâu? Hơn nữa mẫu thân ta vẫn dạy đừng coi thường các thư sinh yếu đuối. Hình như phụ thân ta ngày xưa cũng là một thư sinh như ngươi vậy. Nếu ngươi thật tình muốn lãnh giáo thì phải chấp cả hai anh em ta.

Dư Bằng và bọn tiêu sư dù đang khổ tâm cũng không nén được cười. Hai tên hộ pháp ngốc nghếch này mà là con của một thư sinh thì ai mà tin được. Hơn nữa, hắn còn bắt Vân Long phải chấp cả hai anh em hắn liên thủ thì còn gì là đạo lý nữa.

Nhưng nào ngờ Vân Long vẫn điềm nhiên đáp :

- Được! Nếu thua, ngoài số bạc anh em ngươi phải đến xin lỗi Dư tổng tiêu đầu.

Hai hán tử thấy chắc ăn mừng rỡ gật đầu lia lịa.

- Ta bằng lòng. Ngươi dùng binh khí gì?

Vân Long giơ hai bàn tay nhỏ nhắn, trắng muốt ra. Hai tên ngốc này thấy chàng tay không lại càng chắc ăn, an ủi chàng :

- Bọn ta hứa sẽ không giết ngươi đâu.

Cả hai nào biết gì về qui củ giang hồ, nói đánh là đánh, hai thanh phong ma đồng côn như cuồng phong ập đến. Vân Long phi thân thoát khỏi, chỗ chàng đứng bị khoét thành một lỗ lớn. Mọi người toát mồ hôi lạnh. Hai hán tử đập một côn xuống nền đất cứng tay cũng tê chồn, liền dừng lại nói :

- Ngươi cứ trốn tránh như vậy thì còn gì là giao đấu nữa? Bọn ta đánh xuống đất đau cả bàn tay. Nếu ngươi không dám tiếp chiêu thì cứ chịu thua, bằng không anh em ta bỏ cuộc, chẳng đánh cá nữa.

Vân Long cười gật đầu, chàng vung song chưởng tấn công liên miên bất tuyệt, chiêu nọ tiếp chiêu kia với tốc độ kinh hồn. Bàn tay chàng thiên biến vạn hóa bám vào các đại huyệt hai hán tử. Thiểm Điện Chưởng nổi danh về đánh nhanh mà cũng phải lắc đầu thán phục. Hai thanh phong ma đồng côn không còn cách nào thi triển được, mới xuất nửa chiêu đã phải bỏ dỡ để cứu lấy một chỗ hiểm yếu nào đó. Được năm mươi hiệp, hai hán tử xuất hạn dầm dề, bị dồn thối lui cả chục bước. Cuối cùng không chịu nổi, tung người nhảy ra, giận dỗi nói :

- Không được, bàn tay ngươi có ma thuật, anh em ta không phục. Có giỏi thì hãy đấu bằng kình lực, nếu ngươi thắng được thì anh em ta mới chịu thua.

Bọn tiêu sư thấy họ nói ngang liền nhao nhao phản đối. Vân Long xua tay bảo :

- Không sao, ta đồng ý, các ngươi muốn so tài bằng cách nào?

Hai anh em ngốc tử thì thầm bàn tán, lát sau lão đại hớn hở nói :

- Bây giờ anh em ta vẽ vòng tròn, ngươi một bên, anh em ta một bên, lấy hai thanh đồng côn này làm vật truyền lực. Bên nào bị đẩy ra khỏi vòng coi như thua.

Mọi người lắc đầu tức giận trước đề nghị vô lý ấy. Nhưng Vân Long chợt nhớ đến một đoạn trong Giáng Ma chân giải về công phu Tá Lực Đả Lực nên không hề sợ hãi. Chàng gật đầu ưng thuận.

Hai hán tử mừng rỡ vẽ ngay vòng trên mặt đất. Không cần tinh ý cũng thấy họ vẽ vòng của đối thủ nhỏ hơn. Hai ngốc tử đứng vào vòng cùng đưa một đầu đồng côn cho chàng nắm.

Bành Sâm đếm nhất, nhị, tam hai bên bắt đầu ra sức. Vân Long đọc thầm khẩu quyết trong đầu rồi vận dụng. Quả nhiên luồng lực đạo của hai anh em họ bị Vân Long chi phối cho đối chọi với nhau. Chỉ sau một tuần trà, hai đại hán đã mệt nhoài.

Vân Long bèn vận thần công hất chúng bay ra khỏi vòng. Hai hán tử không còn dám nói ngang, lủi thủi đứng lên định rút lui. Vân Long gọi lại :

- Này các ngươi chưa tạ tội cùng Dự tổng tiêu đầu mà.

Hai tên sơn tặc quái dị này ủ rũ đến trước mặt Dư Bằng, vái ba vái nói rằng :

- Anh em tôi xin tạ lỗi với Tổng tiêu đầu.

Dư lão được cứu vãn thanh danh nên vui trong dạ, nói :

- Không sao, không sao.

Anh em hán tử định bỏ đi thì Vân Long bảo :

- Khoan đã, hai ngươi hãy nói thật cho ta biết vì sao cần số bạc này. Ta biết bọn ngươi vốn không phải là kẻ xấu. Nếu quả thật sự cần thiết ta sẽ tặng cho vài trăm lượng.

Hai hán tử đang thất vọng ê chề, nghe chàng nói bèn quì xuống khóc nức nở như trẻ thơ :

- Mong công tử thương tình, gia mẫu lâm bệnh nặng cần số bạc trăng lượng để phục dược. Nhà nghèo biết kiếm đâu ra, nên đành giấu mặt chận đường đòi mãi lộ.

Vân Long đỡ họ dậy, anh em hán tử tháo khăn bịt mặt lộ ra hai khuôn mặt chất phác, ngây ngô nhưng trung hậu, tuổi trạc hai lăm, hai sáu. Vân Long hỏi chúng :

- Có phải lệnh đường họ Cổ, năm xưa có danh hiệu là Kim Cang nương tử chăng?

Anh em hán tử tròn xoe đôi mắt, lắp bắp nói :

- Không lẽ công tử quen với gia mẫu?

Vân Long cười đáp :

- Không quen nhưng biết. Lệnh tôn là nhân vật thế nào?

- Mẫu thân bảo cha chúng ta họ Tả, cũng là thư sinh như công tử. Hơn hai mươi năm trước đã bị kẻ thù sát hại. Anh em ta muốn đi trả thù nhưng mẫu thân không cho. Bà nói chúng ta ngốc nghếch, bước chân vào giang hồ chỉ tổ thiệt thân.

Dư Bằng chợt chen vào :

- Chẳng hay đại danh của nhị vị là gì?

Tên cao hơn trả lời :

- Ta là Tả Phi, em ta là Tả Kiếm.

Dư Bằng ra dấu, Bành Sâm đem đến một gói bạc trao cho Tả Phi :

- Chuyện cũ xin bỏ qua, đây là chút bạc mọn để Tả huynh lo cho bá mẫu.

Dư lão ngập ngừng nói tiếp :

- Nhưng xin hỏi Tả Huynh, nghe Tả huynh nói cần trăm lượng để mua thuốc... Thế còn hai mươi lượng dùng để làm gì?

Tả Phi mau miệng đáp :

- Đấy là do Tả Kiếm đề nghị tăng thêm để anh em ta có tiền uống rượu đấy mà.

Mọi người phá lên cười. Vân Long bảo :

- Hai người có thể đưa ta về nhà thăm bá mẫu được chăng? Ta có một ít thuốc quí muốn tặng cho người.

Tả thị huynh đệ mừng rỡ nói :

- Được, nhưng công tử không được nói ra chuyện anh em ta đi ăn cướp nhé!

- Thế hai người sẽ nói thế nào về số bạc mà Dư lão đã tặng?

Tả Kiếm gãi đầu rồi nói :

- Hay là công tử nói là của công tử cho vậy.

Tả Phi gật đầu khen phải.

Long nhi quay sang vòng tay cáo từ Dư Bằng :

- Xin Dư lão tiếp tục lên đường, tiểu sinh phải ghé thăm Cổ bá mẫu.

Dư Bằng từ lúc thấy Long nhi trổ thần công, trong lòng vô cùng kính phục. Ông quyến luyến nắm tay chàng dặn dò :

- Có dịp mời công tử ghé qua tệ xá.

Vân Long gật đầu, từ biệt Dư lão rồi theo anh em họ Tả.

Cổ gia trang dù đã điêu tàn nhưng vẫn còn giữ lại được vài nét uy phong thưở nào.

Tả Phi mời Vân Long vào một gian khách sảnh, không sang trọng nhưng vô cùng sạch sẽ. Lát sau, Tả thị huynh đệ kèm hai bên một nữ nhân đi ra. Chàng biết đó là Cổ đại nương nên vội chắp tay thi lễ.

Cổ đại nương khuôn mặt xinh đẹp nhưng cũng như hai con trai, thân hình bà khôi vĩ, cao lớn gấp đôi một nữ nhân bình thường. Chẳng trách giang hồ gọi bà là Kim Cang nương tử. Bà ra dấu mời Vân Long an toa. rồi bà cũng ngồi xuống chiếc ghế bành lớn. Tả Phi, Tả Kiếm đứng hầu hai bên. Cổ mẫu thở dài hỏi :

- Dám hỏi công tử sao nhận biết được lai lịch của ta?

Vân Long kính cẩn đáp :

- Tiểu điệt có quen biết với Phong Lôi Kiếm Cổ Tiếu Thiên, hiền đệ của đại nương.

Cổ đại nương gật đầu nói :

- Như vậy chắc công tử cũng đã biết rõ hoàn cảnh xưa kia của lão?

- Thưa không rõ lắm, Cổ thúc thúc chỉ kể rằng có một hiền tỷ ở Hổ Đầu sơn, chuyên sử dụng phong ma đồng côn nên tiểu điệt thấy lệnh lang đã nhận ra ngay.

Cổ mẫu đôi mắt xa xăm như hoài niệm về quá khứ, bà nhẹ nhàng kể lại chuyện xưa :

- Ta nguyên là con của Trang chủ Cổ gia trang, bẩm sinh đã cao lớn hơn người, thưở nhỏ gặp một dị nhân truyền cho võ nghệ. Đến năm ba mươi tuổi vẫn chưa co ai đến dạm hỏi, nên thân phụ u sầu mà phát bệnh rồi qua đời. Ta cũng tủi phận bèn xuất trang lăn lộn giang hồ nên mới có danh hiệu Kim Cang nương tử. Lúc tuổi đã tứ tuần, một hôm đi ngang qua khu rừng dưới chân Hổ Đầu sơn bỗng phát hiện một thư sinh trúng chưởng thương đang nằm bất tỉnh. Ta liền đem chàng về Cổ gia trang chăm sóc. Nửa năm sau chàng mới bình phục. Cảm ân nghĩa nên chàng mới cùng ta gá nghĩa. Đó chính là phụ thân của hai tên ngốc tử này. Tên chàng là Tả Linh Trung, biệt hiệu là Phi Hồng Kiếm. Một năm sau ta có mang, chàng rất vui mừng bảo ta ra chợ mua thức ăn về cúng tạ tổ tiên. Lúc về đến nhà đã thấy chàng nằm chết ngoài sân, bên cạnh có hai chữ bằng máu: Ma Diện.

Hai anh em họ Tả nghe đến đây oà lên khóc, quì xuống xin mẫu thân cho đi báo phục. Bà quắc mắt nhìn, họ vội im ngay không dám hé môi. Cổ đại nương nói tiếp :

- Ta vì giọt máu dòng họ Tả mà không thể liều mình chết theo chàng, cố nén đau thương nuôi dạy hai con. Ngờ đâu chúng càng lớn càng ngốc nghếch, ngoài chút thần lực ra, chỉ là hai cái bị thịt. Mối thù kia ta đành chôn kín trong lòng. Hơn nữa Ma Diện cũng đã biến mất sau khi bị Bích Nhãn Thần Quân chặt tay. Biết phương nào mà tìm? Cách đây ba năm sư phụ ta có ghé qua đây và dạy rằng : kiếp nạn giang hồ sắp khởi và Ma Diện cũng sẽ xuất hiện. Khi nào có người tên họ mang chữ Long ghé vào thì có thể cho hai ngốc tử này theo hầu để hợp sức trừ Ma Diện.

Nói tới đây bà ngưng lại nhìn thẳng vào mắt Vân Long rồi hỏi :

- Chẳng hay công tử danh tánh là chi?

Long nhi kính cẩn đáp :

- Thưa đại nương, tiểu sinh họ Phạm, tên gọi Vân Long.

Đại nương hài lòng quay sang bảo các con :

- Hai ngươi hãy quỳ xuống tôn Phạm công tử làm đại ca, tùy hầu công tử như thế mới mong báo được phụ thù.

Vân Long bối rối nói :

- Tiểu điệt mới tuổi, nhỏ hơn lệnh lang rất nhiều, sao có thể làm huynh trưởng được?

Cổ đại nương xua tay nói :

- Công tử trí tuệ siêu phàm đáng mặt làm anh. Hơn nữa, luật giang hồ kẻ tài trí bao giờ cũng là người lãnh đạo.

Tả Phi, Tả Kiếm nghe mẫu thân nói cho mình xuất môn báo phụ thù nên vui mừng khôn xiết, lập tức sụp xuống bái lạy Vân Long :

- Bọn tiểu đệ hai người đánh không lại đại ca thì làm em là chí phải. Mong đại ca nhận lời dắt bọn tiểu đệ đi tìm Ma Diện Tú Sĩ.

Vân Long biết ý Cổ đại nương đã quyết nên không dám tạ từ :

- Long nhi xin vâng lời bá mẫu.

Cổ đại nương vốn chỉ làm theo lời dạy của sư phụ, chớ trong lòng bà vẫn ái ngại Long nhi dáng vẻ thư sinh, tuổi còn non trẻ, võ công chắc chẳng được bao nhiêu. Nay nghe Tả Phi thú nhận lòng mừng khôn tả, bà nghiêm sắc mặt hỏi :

- Thì ra hai ngươi đã từng mạo phạm đến công tử. Mau thuật lại đầu đuôi cho ta nghe.

Tả Phi ngốc nghếch nhưng vô cùng hiếu thuận, vội kể lại chuyện chặn đường Phi Long tiêu cục.

Cổ đại nương không nín được cười, bà nói :

- Các ngươi thật là lớn mật, làm càn. May mà gặp được Long nhi, giúp ta thành toàn ý nguyện, nếu không các ngươi chẳng tránh khỏi đòn roi.

Bà quay sang Long nhi buồn rầu nói :

- Gia cảnh ngày càng sa sút, trong lòng lại ôm nặng thù chồng nên phát bệnh khiến con cái phải làm bậy. Ta thật xấu hổ với tổ tiên.

Vân Long móc trong bọc ra tấm ngân phiếu năm vạn lượng, hai tay cung kính đưa cho Cổ đại nương :

- Điệt nhi giờ đây cũng là con, mong bá mẫu nhận lấy chút quà kiến diện.

Nói xong chàng sụp xuống lạy bà chín lạy.

Cổ đại nương bối rối nói không nên lời. Anh em họ Tả cũng hoan hỷ vô cùng, vì nãy giờ họ cũng thầm lo không biết thân mẫu sẽ lấy gì sinh sống. Số tiền năm vạn lạng này sẽ giúp bà sống sung túc trong những năm tháng còn lại.

Lúc đầu, Cổ đại nương đã quyết chí chờ hai con đi khỏi rồi tự sát vì không muốn sống trong cảnh bệnh hoạn, đói khát. Nhưng nay bà đã có thể yên tâm chờ đợi ngày các con báo được phụ thù. Nước mắt bà rưng rưng, đưa tay ôm lấy Vân Long vào lòng.

Hôm sau chàng và Tả Phi trở lại Hổ Đầu trấn mua sắm lương thực, dụng cụ trong nhà và gọi thợ đến tu sửa lại trang viện. Chỉ trong vài ngày, Cổ gia trang đã lấy lại khí thế như xưa.

Cổ đại nương gọi mấy người đàn bà góa bụa nghèo khó trong thôn đến ở chung để chăm sóc bà khi đau ốm.

Hai tên ngốc họ Tả được mặc quần áo mới trông cũng không kém phần oai vệ. Gia sự đã xong, Vân Long và Tả thị huynh đệ từ biệt thân mẫu lên đường. Cổ đại nương nhìn hai con sạch sẽ, râu tóc gọn gàng như thêm phần lanh lợi nên lòng già an ủi rất nhiều. Bà gọi chúng lại dặn dò :

- Các ngươi theo hầu đại ca, cố gắng học hỏi để đầu óc được mở mang ra. Đem sức trượng phu phò tá Long nhi, trước là báo thù cha, sau làm rạng rỡ tông môn nhà họ Tả. Nếu không được như vậy, đừng về đây gọi ta là mẹ.

Hai chàng họ Tả sợ hãi, thề thốt rối rít.

Không có con ngựa nào chịu nổi sức nặng của họ nên hai chàng họ Tả đành đi bộ.

Vì vậy, cước trình bị chậm lại, xế chiều cả ba mới đến được trấn Hoài Giang nằm cạnh sông Hoài. Trong trấn có một tửu lâu của Tài Thần tên gọi Chiêu Dương các.

Quả đúng như tên gọi, ở đây lúc nào cũng tràn ngập ánh nắng, ngồi trên lầu có thể bao quát được cảnh đẹp hai bên bờ sông Hoài và cả nắng chiều trên sóng nước.

Tả thị huynh đệ chưa bao giờ đi quá Hổ Đầu tập nên ngơ ngác ngắm nhìn, chỉ trỏ tán dương luôn miệng. Hoài Giang trấn nằm cạnh bờ sông nên rất phồn thịnh, thuyền bè buôn bán tấp nập. Trong trấn, nhà cửa lộng lẫy, cao sang.

Vân Long dắt hai chàng hộ pháp vào Chiêu Dương các. Gởi ngựa xong chàng đặt một bàn trên lầu để ngắm cảnh sông Hoài. Chủ nhân tửu lâu không nhận ra thiếu gia vì chàng thay đổi quá nhanh. Từ một cậu bé ngày nào, giờ đã là một thư sinh tuấn tú, theo sau lại có hai gã khổng lồ ngơ ngáo.

Họ chỉ coi chàng như một thế gia công tử đi nhàn du với hai hộ vệ. Long nhi bảo tiểu nhị dọn ra những món danh tiếng nhất và một vò rượu cân. Tiệc vừa bày, Tả Kiếm trợn tròn đôi mắt ốc, nuốt nước miếng ừng ực. Nhưng nhớ lời mẹ dạy, không dám ăn liền, lễ phép mời Vân Long trước :

- Mời đại ca dùng cơm.

Vân Long biết họ không còn kềm được nữa nên bảo :

- Nhị đệ và tam đệ cứ tùy tiện, ta nhâm nhi vài ly rồi mới ăn được.

Được lời như cởi tấm lòng, cả hai xì xụp tấn công các đĩa thức ăn nóng hổi, chỉ lát sau đã sạch nhẵn. Gắp đến miếng cuối cùng Tả Kiếm mới nhớ là đại ca chưa hề đụng đũa. Hắn xấu hổ đưa mắt liếc chàng. Tả Phi cũng chợt phát giác ra điều ấy, ngượng ngùng nhìn Vân Long ấp úng nói :

- Đại ca tha lỗi, bọn đệ chưa bao giờ được ăn ngon đến thế này nên quên cả đại ca.

Chàng cười bảo :

- Không sao, bậc hảo hán phải ăn như rồng cuốn vậy mới phải, để ta gọi thêm cho hai người thưởng thức.

Chàng lên tiếng gọi tiểu nhị làm thêm mươi món nữa.

Song Tả mở cờ trong bụng nhưng vẫn làm bộ nói cứng :

- Đại ca ăn đi, giờ đến lượt bọn tiểu đệ nhâm nhi chút đỉnh.

Tả Kiếm rót đầy ba bát nâng lên mời :

- Nhị ca, chúng mình uống vài bát đợi đại ca dùng cơm.

Nói xong hắn nốc một hơi. Tả Phi cũng chẳng kém gì. Rượu phần Sơn Tây nổi tiếng thiên hạ, càng uống càng ngon nên anh em họ Tả cạn sạch vò lúc nào chẳng hay. Rượu vào lòng phấn khởi không còn e thẹn nữa, họ ăn sạch những gì có trên bàn.

Tiểu nhị đứng nhìn sợ xanh cả mắt. Khi không còn gì để gắp, Tả Phi vỗ bụng nói :

- Từ ngày theo đại ca mới được ăn no thế này.

Tả Kiếm bỗng hỏi nhỏ :

- Đại ca, ngày mai còn được ăn như thế này nữa không?

Vân Long cả cười :

- Ta đủ sức nuôi hai đệ suốt đời, nhưng rượu thì không được quá chén.

Tả Phi vội vã thanh minh :

- Về khoản rượu chè đại ca đừng lo, gia mẫu đã dặn dò rồi, bọn tiểu đệ nào dám quên.

Ánh tịch dương đã dần tàn, cảnh vật trên sông gợi cho Vân Long nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hiệu :

Nhật mộ tương qua hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Lúc này tiểu nhị đã dọn bát đĩa và dọn ra một ấm trà sen. Tả Phi nhanh nhẩu rót ra mời chàng. Vân Long đang nhớ đến song thân ở chốn xa ngàn dặm, bỗng từ dưới lầu bước lên một nữ lang tuổi chừng đôi chín, mặc võ phục màu xanh nhạt, áo choàng bằng tơ mỏng trắng tinh. Trên vai đeo thanh bảo kiếm có tua màu tím thẫm.

Chàng mới lớn chưa hiểu chuyện phong tình, nhưng cũng xao xuyến trước dung nhan thiên kiều bá mị của nàng. Ngược lại, nữ lang cũng không thể thờ ơ trước vẻ tiêu sái, tuấn dật của chàng. Nhưng khi thấy bộ dạng của hai tên hộ pháp họ Tả, nàng quay đi mỉm cười, ngồi xuống bàn bên cạnh.

Vân Long từ nhỏ học thi lễ của Khổng gia, nên chỉ nhìn phớt qua rồi quay ra cửa sổ ngắm trời mây. Nữ lang mấy lần liếc sang thấy chàng không nhìn mình. Ngược lại hai gã ngốc kia không có gì làm, cứ ngồi trố mắt ngắm nghía. Nữ lang vừa hờn giận vừa thẹn thùng không ăn uống được nữa, định gọi tiểu nhị tính tiền. Bỗng đâu có tiếng cười khanh khách :

- Mỹ nhân ngồi uống rượu một mình có buồn chăng? Hay nàng cho phép ta cùng ngồi đối ẩm nhé?

Vân Long nhìn lại thấy một chàng công tử mặt mũi anh tuấn nhưng đôi mắt gian xảo, dâm tà đang đứng cạnh bàn người ngọc.

Nữ lang đang giận thầm bọn Long nhi không nơi phát tiết nên đổ vào đầu tên công tử. Nàng lạnh lùng nói :

- Không dám, nhìn mặt là biết các hạ là kẻ bại hoại, ti tiện, sao xứng ngồi chung với bổn cô nương?

Tên công tử này chính là Lân Hoa Thái Tuế Địch Tích Hương, dâm tặc khét tiếng giang hồ. Cha là Bang chủ Hắc Ưng bang nên hắn càng đắc ý làm càn. Hoài Giang trấn nằm trong phạm vi thế lực Hắc Ưng bang, làm sao hắn có thể chịu được lời sỉ nhục của nữ lang?

Địch Tích Hương chỉ mặt nàng quát to :

- Con tiện tỳ kia, mi có biết bổn thiếu gia là ai không mà dám buông lời hỗn xược? Ta sẽ bắt ngươi đem về dày vò rồi thả xác xuống sông Hoài.

Nữ lang nổi giận rút kiếm đâm liền. Lân Hoa Thái Tuế thân thủ phi phàm, đâu coi đường kiếm của nàng ra gì. Hắn chỉ vờn nàng như mèo vờn chuột. Long nhi tinh thông võ học nhiều nhà nên nhận ra nàng là môn đệ phái Nga Mi. Anh em họ Tả lần đầu xuất đạo, thấy cảnh trái tai gai mắt, dạ anh hùng nôn nao muốn nhảy ra can thiệp, nhưng chúng thấy Vân Long ngồi yên nên không dám vọng động. Được hơn hiệp, nữ lang đuối sức, đường kiếm bắt đầu chậm chạp. Địch Tích Hương cười âm hiểm, xuất kỳ chiêu làm bay kiếm nữ lang. Vân Long đưa mắt ra hiệu, Tả Phi, Tả Kiếm tranh nhau cứu người đẹp nên thành ra đến cùng lúc. Anh em song sinh tâm ý tương thông nên cùng thét lên :

- Tên dâm tặc kia, không cút xéo mau thì lão gia vặn gãy cổ bây giờ.

Lân Hoa Thái Tuế quay lại thấy hai tên hộ pháp này có vẻ ngốc nghếch nên coi thường :

- Hai con khỉ đột này ở đâu đến mà dám vuốt râu hùm?

Hắn chưa nói hết lời, anh em họ Tả đã vung quyền xông tới, khí thế như dời non lấp biển. Địch Tích Hương cả kinh giở pho Hắc Ưng trảo pháp ra chống đỡ. Nhưng chỉ được hiệp, hắn không còn chịu đựng nổi nữa, định bôn đào, nhưng anh em họ Tả nào chịu buông tha. Tả Phi quát lớn xuất chiêu “Kim Cang Phá Sơn” đánh liền chín quyền liên tiếp. Địch Tích Hương trúng hai quyền vào ngực như diều đứt dây bay ra khỏi cửa sổ. Nhưng hắn chỉ bị trọng thương mà không chết, lồm cồm bò dậy chạy mất.

Song Tả mãn nguyên xoa tay trở về bàn. Nữ lang đã hết kinh sợ, nhặt kiếm tra vào vỏ rồi bước đến bàn Vân Long chắp tay cảm tạ :

- Tiện nữ tên gọi Âu Dương Phi Hà, xin cúi đầu cảm tạ ơn cứu mạng của nhị vị anh hùng.

Tả thị huynh đệ hãnh diện mặt đỏ bừng nhưng lại bối rối không biết nói sao, chợt thấy Vân Long đang cười chế giễu mình nên vội chỉ sang chàng và nói :

- Cô nương phải cảm tạ đại ca ta mới đúng, bọn ta chỉ là Thiên Lôi sai đâu đánh đó, nếu đại ca không bảo thì dù cô nương có chết ngay trước mắt chúng ta cũng chẳng dám ra tay.

Phi Hà nghe nói vui thầm trong bụng, hóa ra chàng cũng để ý lo cho mình. Nàng chắp tay vái Long nhi :

- Nhờ ơn công tử tương trợ.

Vân Long điềm đạm nói :

- Cô nương quá lời, vì đạo nghĩa giang hồ nên phải làm việc đáng làm. Cô nương đừng bận tâm.

Phi Hà bây giờ mới được ngắm kỹ chàng trai anh tuấn này và lòng càng rung động sâu sắc. Nàng liếc chàng say đắm và nói :

- Chẳng hay công tử có cho phép tiện nữ ngồi thưa chuyện được chăng?

Vân Long chắp tay tạ lỗi :

- Thất lễ, thất lễ. Tiểu sinh chưa kịp mời cô nương an tọa.

Phi Hà thẹn thùng vén áo ngồi xuống. Vân Long rót cho nàng một chung trà. Tả Kiếm thấy mọi người ngồi im lặng bèn cho rằng mình có bổn phận phải lên tiếng.

Hắn hắng giọng nói :

- Ta giới thiệu với cô nương đây là đại ca Tiêu Long Vân, nhị ca Tả Phi, còn ta là Tả Kiếm.

May mà Vân Long đã dặn dò kỹ lưỡng nên hắn mới thuộc được tên giả của chàng.

Phi Hà mắt phượng long lanh cười hỏi :

- Tiện nữ thấy Tiêu công tử niên kỷ nhỏ hơn sao lại là đại ca?

Tả Kiếm định giải thích nhưng bị Tả Phi chặn lại :

- Bọn tại hạ đánh không lại Tiêu công tử nên tôn y làm đại ca.

Vân Long nghiêm sắc mặt, bọn chúng sợ hãi im mồm không dám nói nữa. Phi Hà thấy bộ dạng hoạt kê của họ không khỏi buồn cười. Nàng quay sang chàng duyên dáng nói :

- Tiểu nữ học nghệ Nga Mi sơn đã năm năm, nay về cố hương Lạc Dương. Chẳng hay công tử và nhị vị đại huynh xuôi Nam hay ngược Bắc?

Vân Long nãy giờ âm thầm quan sát thấy nữ lang xinh đẹp nhưng thuần hậu, đoan trang. Hơn nữa, nhi nữ giang hồ thường khoáng đạt hơn gái khuê môn, vì vậy chàng bớt e dè. Nghe Phi Hà nói nàng quê ở Lạc Dương, chàng chợt mừng thầm. Thực, sắc tánh dã, yêu cái đẹp là bản tính của con người. Chàng cười đáp :

- Bọn tại hạ cũng trên đường về Lạc Dương.

Khóe thu ba thoáng hiện sắc vui. Ngoài trời ánh tà dương đã lịm tắt, bọn tiểu nhị châm đèn từ lúc nào. Vân Long nhìn qua cửa sổ thấy từ xa một đoàn người cầm đuốc đi về phía Chiêu Dương các, chàng hiểu ngay sự tình nhưng vẫn bình thản. Quả nhiên lát sau, tiếng ngựa hí vang trước ngõ, toán nhân thủ đứng im chờ đợi, chỉ có năm người xuống ngựa bước lên lầu.

Đi đầu chính là Địch Tích Hương, mặt nhăn nhó xanh xao. Hắn đưa tay chỉ vào bàn Vân Long và nói :

- Bẩm phụ thân, bọn chó chết này đã đánh con đấy ạ.

Người hắn gọi là phụ thân chính là Hắc Ưng bang chủ Địch Thúc Sơn. Tuổi trạc ngũ tuần, mặt mũi lạnh lùng âm hiểm. Lão vòng tay hỏi :

- Chẳng hay chư vị là cao nhân phương nào lại vô cớ đánh trọng thương khuyển tử?

Vân Long thấy dung mạo họ Địch gian ác, không ưa nên muốn giễu cợt lão. Chàng ra hiệu cho Tả Kiếm đối đáp. Được lệnh đại ca, hắn ưỡn ngực đứng lên, vòng tay nói :

- Anh em chúng ta là cao nhân ở Hổ Đầu sơn, thấy khuyển tử của các hạ bắt nạt đàn bà con gái nên thay các hạ dạy dỗ có chi là lạ.

Phi Hà nghe hắn nói che miệng cười. Ai mà lại tự xưng là cao nhân bao giờ. Địch Thúc Sơn tức lộn ruột, gằn giọng bảo :

- Các hạ tính giễu cợt ta đấy ư? Nay ta cũng muốn được cao nhân ở Hổ Đầu sơn dạy dỗ cho vài chiêu có được chăng?

Tả Kiếm cười lớm :

- Nếu lão cũng mất dạy như thằng con thì sao ta lại từ chối.

Địch Thúc Sơn giận tím mặt, đám thủ hạ theo sau cũng gầm gừ đòi xuất thủ. Chợt có tiếng can ngăn :

- Địch gia đình thủ, tại hạ có vài lời muốn nói.

Một lão nhân râu ngắn, mặt mũi phương phi bước tới. Vân Long nhận ra đó là Long Quyển Phong Vân Đỗ Kim Khanh, độc hành đại đạo vùng Giang Tả. Năm năm trước bị quan phủ địa phương bắt được, nhờ có bằng hữu cầu khẩn Tài Thần giúp đỡ nên thoát chết với cái giá một vạn lượng bạc. Từ đấy Đỗ lão về đầu dưới trướng Đào gia trang, được giao cho quản lý Chiêu Dương các.

Đỗ Kim Khanh đến trước mặt Địch Thúc Sơn vòng tay thi lễ :

- Mong Địch gia nể mặt Đỗ mỗ đừng xuất thủ nới đây e làm kinh động thực khách và tổn thương uy tín của Đào gia trang.

Địch Thúc Sơn đôi lúc vẫn phải vay mượn tiền bạc của Đào Ký tiền trang nên không thể muối mặt phá hoại sanh ý của người. Hơn nữa, Đỗ Kim Khanh bản lĩnh cao cường không dễ gì chạm tới.

Địch bang chủ gật đầu nói :

- Được, bọn tiểu tử kia hãy theo ta ra bờ sông nói chuyện.

Vân Long thư thả đứng lên, Đỗ lão thấy chàng có vẻ quen nhưng chẳng nhớ ra. Lão chỉ thầm lo cho chàng trai dễ thương này. Phi Hà và song ngốc bước theo Vân Long xuống lầu. Long Quyển Phong Vân không hiểu nghĩ sao cũng cất bước đi cùng.

Ra đến bờ sông, Địch Thúc Sơn rút ra một thanh bảo kiếm, nước thép xanh biếc phản chiếu ánh đuốc bập bùng, tiếng ngân kéo dài không ngớt. Có thần vật trong tay, lão tự tin lớn tiếng nói rằng :

- Lúc nãy hai người liên thủ đánh con ta. Bây giờ hãy cùng vào một lúc mới phải.

Tả thị huynh đệ nào có biết khach sáo là gì, vung đồng côn hai mặt giáp công. Bảo kiếm dù sắc bén nhưng là vật mỏng manh nên Thúc Sơn không dám để chạm vào đồng côn, chỉ dùng đường kiếm kiểm ác tấn công. Hắn thầm run sợ trước thần lực của hai tên ngốc này. Đã gần trăm hiệp, Tả Kiếm nổi giận chẳng kể gì sinh tử dùng chiêu “Lực Phách Hoa Sơn” đập thẳng xuống đầu họ Địch. Thúc Sơn thất kinh trước lối đánh đồng qui ư tận nên vội thối lui. Tả Phi được dịp đánh nhầu. Cả hai ỷ mình da dày xương cứng, có chịu vài kiếm cũng chẳng đến nỗi chết nên không biết sợ là gì. Đường kiếm Thúc Sơn bắt đầu rối loạn. Chợt từ trong đám thuộc hạ của y có hai bóng người nhảy ra xuất chưởng đánh thẳng vào lưng song Tả, kình phong đẩy hai gã rời khỏi Thúc Sơn.

Vân Long nhìn lại thấy đó là hai lão già, một cao, một thấp. Tuổi trạc thất tuần, mặt mũi âm trầm, mắt lóe thần quang. Chàng thầm lo cho anh em họ Tả. Đỗ Kim Khanh nãy giờ chăm chú quan sát chàng công tử và ông đã khẳng định đó chính là Tiểu Tài Thần. Ông không hiểu tại sao chàng lại không nhận ông. Ngày còn ở nhà, ông đã từng nâng niu chàng như ngọc quí. Đỗ lão nhủ thầm, giá nào cũng phải bảo vệ cho chàng. Ông lại gần nói nhỏ :

- Chẳng hay Tiêu công tử có biết hai lão già ấy là ai chăng?

Vân Long cười lắc đầu. Đỗ lão nói :

- Đỗ lão nói đó là anh em Hắc Ưng song lão, sư thúc của Địch Thúc Sơn và là sư đệ của Ưng Ma. Lão đại tên Sài Mộc, lão nhị tên Sài Huy.

Lúc này, Tả thị huynh đệ đã bỏ Địch Thúc Sơn quay qua đấu với song lão. Bọn chúng trước giờ chỉ phục có mình Vân Long, ngoài ra chưa hề gặp đối thủ xứng tay.

Hai ngọn đồng côn nặng nề cuộn gió vù vù, khí thế cương mãnh như sóng biển. Song lão dù võ công quán thế cũng chẳng làm sao hạ được chúng ngay trong vài hiệp.

Nhưng tứ trảo của họ như móng vuốt chim ưng bay lượn, tìm chỗ yếu mà chụp vào.

Song lão mấy chục năm tung hoành thiên hạ, nay bị hai tên ngốc cầm chân nên nổi giận, xuất mấy chiêu sát thủ trong pho Phi Ưng thần trảo. Thân hình họ lên xuống quần lượn như hai con ác điểu.

Tả Phi, Tả Kiếm không quen bị đánh từ trên xuống nên trúng liền mấy chưởng, đau đớn thét be be :

- Đại ca cứu bọn tiểu đệ.

Vân Long biết hai em không còn chi trì được nữa bèn nhảy đến trầm giọng quát lớn :

- Dừng tay!

Công phu Sư Tử Hống của thiền môn nào phải tầm thường, song lão choáng váng ngưng chiêu. Song tả xách đồng côn chạy về đứng sau lưng Vân Long thở dốc :

- Đại ca, hai lão già này lợi hại quá. Mẫu thân chưa hề dạy bọn ta đánh nhau với loài chim.

Vân Long phì cười :

- Im đi, các người ỷ sức không chịu chuyên cần luyện võ nên mới thua người, còn dám đổ thừa cho mẫu thân nữa sao?

- Dạ, đại ca dạy chí phải.

Vân Long điềm nhiên quay lại, nhìn thẳng vào song lão bảo :

- Địch Tích Hương dâm ác, càn quấy. Nhị vị là trưởng bối không biết giáo huấn hắn mà còn bênh vực thì đâu đáng mặt cao nhân.

Song lão thấy Vân Long trẻ tuổi, văn nhã, không giống cao thủ nên khinh thường :

- Chuyện riêng của Hắc Ưng bang không cần ngươi phải dạy khôn. Hôm nay ta quyết trả hận cho Hương nhi.

Vân Long đã từng nghe tiếng hai lão này tàn ác vô song, giết người không gớm tay nên đã quyết chí diệt trừ. Chàng chẳng muốn nói nhiều phí lời nên đưa tay lạnh lùng nói :

- Xin mời, hai vị hôm nay đã tận số trời rồi đó.

Song lão gầm lên vung trảo tấn công. Vân Long cũng không dám coi thường, vội giở pho Thiên Long Hàng Ma chưởng ra chống chọi. Võ công Thiếu Lâm vốn trầm ổn chỉ ở lực đạo chứ không ở tốc độ nhưng chỉ riêng ở pho Thiên Long Hàng Ma chưởng lại lấy chữ khoái làm chủ. Chưởng thế liên miên bất tuyệt, tầng tầng lớp lớp như mưa tuôn chớp giật. Lối đánh này rất tiêu hao nội lực nhưng dễ làm khiếp đảm địch nhân.

Song lão kinh hoàng, không ngờ tên tiểu tử này lại có thân thủ đến dường ấy. Hai lão ỷ vào công phu tu luyện mấy chục năm, cố cầm cự để chờ Vân Long mệt mỏi rồi mới phản công. Nhưng chàng vẫn lạnh lùng, tay quyền tay chưởng, chiêu thức tinh kỳ, bác tạp, dồn bọn song lão lui dần.

Đỗ Kim Khanh đứng ngoài thầm lo sợ. Phi Hà cũng vậy. Chỉ có hai tên ngốc họ Tả là vẫn tin rằng chàng không thể bại, chúng say sưa quan sát, chỉ trỏ rồi trầm trồ tán tụng Vân Long :

- Kìa, kìa, đại ca sắp đẩy hai lão già ấy xuống sông rồi.

Hai lão nghe chúng nói giận đỏ mặt, nghiến răng bỏ lối du đấu, vận toàn lực đối chiêu. Lối đánh này không khác gì bọn họ Tả, chưởng phong chạm nhau nổ rền như sấm. Vân Long biết hai lão già này tu vi thâm hậu, nếu đấu công lực thì chàng không thể bì kị, vì vậy chàng quyết mạo hiểm.

Vân Long ra chiêu “Thiên Long Tán Hoa”, bóng chưởng bao trùm lấy Sài Mộc, lão hoang mang trước chiêu thức ảo diệu, vung song chưởng đánh thẳng vào trước ngực đối phương. Lúc này hậu tâm của chàng hoàn toàn sơ hở, Sài Huy cười âm hiểm vỗ tả chưởng vào lưng đối thủ. Trong một sát na, Vân Long dồn Bát Nhã Vô Tướng thần công bảo vệ hậu tâm, nghiêng người đưa vai hữu chịu phát chưởng của hắn. Cương khí hộ thân dù chỉ mới được năm thành cũng làm giảm đi lực đạo và đẩy bật tay lão ra. Nhờ vậy, vô tình lão đẩy chàng tránh khỏi chưởng kình của Sài Mộc. Không chần chờ, tay tả Vân Long búng một đạo Niêm Hoa chỉ vào ngực trái lão đại. Trình độ chàng giờ đây cao thâm hơn nhiều so với lúc giao đấu cùng Hồng Phát Vô Thường. Chỉ phong rít gió nhè nhẹ, khi phát hiện thì đã muộn. Lão thét lên thảm khốc, bật ngửa ra sau, hồn du địa phủ. Sài Huy còn đang bàng hoàng vì luồng cương khí hộ thân của Vân Long, chợt thấy đại ca mình uổng tử, hồn vía thất kinh, tung mình đào tẩu.

Địch Thúc Sơn bàng hoàng nghiến răng nói :

- Được, hôm nay Hắc Ưng bang xin nhận bại, nhưng nếu ngươi không sợ ta báo phục thì cho biết tính danh.

Tả Phi trả lời :

- Đại ca ta tên gọi Tiêu Long Vân, còn hai ta họ Tả. Ngươi không sợ chết thì cứ tìm mà báo hận.

Địch Thúc Sơn căm giận vác xác sư thúc rút lui. Bọn chúng vừa đi khỏi, Vân Long lảo đảo phun ra một ngụm máu tươi. Thì ra chàng đã thọ nội thương vì phát chưởng của Sài lão nhị. May mà lão bị luồng cương khí Phật môn và cái chết của Sài Mộc làm cho táng đởm. Chứ nếu Sài Huy đánh tiếp chắc Vân Long khó mà chống đỡ nổi.

Đỗ Kim Khanh thấy chàng ói máu vội điểm ngay một số huyệt đạo để bảo vệ nguyên khí.

Phi Hà và anh em họ Tả bất ngờ trước biến cố này, mặt mày biến sắc. Tả Phi run rẩy hỏi Đỗ lão :

- Chẳng hay đại ca ta có sao không?

Vân Long lúc này đã bớt đau, mở mắt cười nhẹ trấn an :

- Ta không sao đâu, các ngươi đừng rối lên như vậy.

Chàng quay sang bảo Đỗ lão :

- Đỗ thúc tìm cho ta một chỗ kín đáo để chữa thương, nhưng đừng đưa về Chiêu Dương các, để Hắc Ưng bang không biết được quan hệ giữa ta và Đỗ thúc.

Đỗ Kim Khanh gật đầu nói :

- Long nhi cứ yên tâm, ta biết phải làm gì.

Tả Phi nước mắt ròng ròng bế đại ca trên tay còn Tả Kiếm sụt sùi vác hai thanh đồng côn trên vai đi theo Đỗ lão. Phi Hà thấy chàng vì mình mà lâm nạn, lòng đau như cắt, nghẹn ngào nối bước. Chỉ lát sau đã đến một toà tiểu viện vắng vẻ. Đỗ lão đẩy cửa đưa cả bọn bước vào. Một lão bộc già bước ra. Đỗ Kim Khanh ra lệnh :

- Lão mau đốt thêm đèn, ra đóng cổng lại và tuyệt đối không cho ai vào.

Lão bộc già thấy tình hình nghiêm trọng, không còn dáng vẻ lụ khụ nữa, mắt quắc lên, xoay mình rảo bước.

Đỗ Kim Khanh bảo Tả Phi đặt thiếu chủ ngồi xếp bằng trên giường rồi vận khí xoa bóp các kinh mạch sau lưng. Lát sau sắc mặt Vân Long đã bớt xanh xao, chàng mở mắt nói :

- Long nhi đã có thể tự vận công, Đỗ thúc cứ việc nghỉ ngơi.

Đỗ lão thở phào bước xuống, mồ hôi toát ra ướt cả y phục. Lão nói :

- Ba vị ra ngoài cảnh giới. Công tử sẽ phải vận khí điều thương khá lâu, tuyệt đối không được kinh động. Kẻ nào xông vào phải giết ngay. Lão phu cũng phải điều tức đôi chút.

Phi Hà và anh em họ Tả thấy Long nhi có cơ sống sót, lòng mừng rỡ, gạt lệ cầm vũ khí trấn giữ cửa phòng.

Thời gian nặng nề trôi qua, không khí im lặng đến nỗi chỉ còn nghe được tiếng muỗi vo ve và từng hơi thở.

Trống canh năm đã điểm, chợt nghe Vân Long thở phào bước xuống giường. Sắc mặt chàng lại hồng hào như cũ.

Hai ngốc tử họ Tả mừng rỡ chạy vào nắm tay chàng cười nói :

- May mà đại ca đã bình phục. Bọn tiểu đệ lo đến nẫu ruột. Đứng ngoài lòng như lửa đốt, muỗi cắn cũng không dám đập.

Vân Long cảm động giễu cợt chúng :

- Da hai người dày như da trâu, muỗi nào cắn cho nổi mà khoác lác kể công.

Chàng quay sang thấy Phi Hà đang cười mà khóe mắt còn long lanh ngấn lệ, nhìn chàng u uẩn. Long nhi nói đùa :

- Ta chưa chết, xin cô nương đừng phí nước mắt nữa.

Phi Hà thẹn thùng liếc chàng rồi cúi đầu vân vê tà áo, thỏ thẻ nói :

- Chỉ vì tiện nữ mà công tử chịu bao đau đớn, lòng ái nái vô cùng. Ơn này biết lấy gì đền đáp?

Tả Kiếm tính tình ngốc nghếch, nghĩ sao nói vậy, chẳng đắn đo bao giờ. Hắn thấy Phi Hà diễm lệ phi thường nên có ý muốn tác hợp nàng với Vân Long. Hắn vọt miệng nói :

- Có gì khó đâu, cô nương cứ lấy đại ca ta làm chồng là xong tất.

Vân Long xấu hổ và sợ Phi Hà bị tổn thương nên giận giữ quát :

- Tả Kiếm! Sao ngươi dám xúc phạm đến Âu Dương cô nương?

Tả Kiếm biết mình lỡ lời, thấy Vân Long nổi giận, sợ hãi quỳ xuống :

- Đại ca tha tội, cái miệng tiểu đệ thật bậy bạ.

Hắn vừa nói vừa tát bôm bốp vào má. Phi Hà đang thẹn chín người, thấy vậy cũng tội nghiệp, lên tiếng :

- Tiện nữ không giận đâu. Xin công tử tha cho Tả Kiếm.

Vân Long mặt lạnh như sương bảo :

- Ngươi còn không biết tạ ơn Âu Dương cô nương đã tha lỗi nữa sao?

Tả Kiếm lúc này một bên mặt đã sưng vù, quay lại lại tạ Phi Hà :

- Cô nương quả có lòng dạ rộng rãi như Bồ Tát, ta xin cảm ơn.

Vân Long cũng chấp tay xin lỗi Phi Hà :

- Tả Kiếm đầu óc ngu ngốc, mong cô nương thứ lỗi.

Thực ra Phi Hà trong lòng đã thầm yêu mến chàng công tử anh tuấn và thần dũng này, nên nàng làm sao có thể giận Tả Kiếm được. Nàng còn phải cảm ơn hắn mới đúng.

Phi Hà bối rối nói :

- Mong công tử đừng bận tâm, Phi Hà nào dám để dạ giận hờn.

Vừa lúc, Đỗ Kim Khanh và lão bộc bước vào, trên tay là một mâm cơm nghi ngút khói. Lão hể hả cười :

- Trời đã sáng, mời các vị dùng bữa điểm tâm.

Mọi người cười ăn vui vẻ. Vì biết nơi này không phải tửu lâu, thức ăn có hạn nên hai chàng họ Tả đành học thói quân tử, ăn chẳng cần no. Tả Phi ngứa miệng quay sang hỏi Đỗ lão rằng :

- Này Đỗ thúc thúc, ta dù ngu ngốc cũng cảm thấy được rằng lão và đại ca ta đã quen biết từ trước. Nếu không lão dại gì giúp chúng ta để đắc tội với Hắc Ưng bang?

Vân Long có vẻ hài lòng vì Tả Phi có vẻ bớt ngốc nghếch hơn xưa.

Đỗ lão cười đáp :

- Đúng vậy, dù có phải đốt bỏ cả Chiêu Dương các ta cũng phải cứu cho được Tiêu công tử.

Tả Kiếm không hiểu hỏi lại :

- Nhưng đại ca ta lúc đầu lại không nhìn nhận mối quan hệ này?

Phi Hà cũng nhận ra điều bí ẩn, nàng đưa mắt nhìn Vân Long như muốn hỏi. Đỗ lão biết chàng có điều khó nói nên đỡ lời :

- Tại vì ngày xưa ta có thiếu nợ phụ thân của Tiêu công tử. Nay không tử không nhận người quen là vì không muốn nhắc ta món nợ ấy.

Vân Long chẳng muốn lộ chuyện nên khẽ hắng giọng. Anh em họ Tả không dám nói nữa.

Vân Long dùng phép truyền âm nhập mật nói với Đỗ lão :

- Đỗ thúc phải giữ kín tông tích của tiểu điệt. Nếu bọn ma đầu biết tiểu điệt là ai sẽ rất nguy hiểm cho song thân. Sau này có dịp về Đào gia trang, gia mẫu sẽ cho Đỗ thúc biết rõ nguồn cơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.