CHƯƠNG 0: TỰ CHƯƠNG
Phiến Mã – Một thành nhỏ gần biên ải.
Vì sao lại có tên gọi kỳ lạ như vậy, bởi vì Phiến Mã không phải là tiếng Hán. Phiến Mã là cách gọi của dân địa phương, ý nghĩa “nơi trữ củi”.
Thành cũng như tên, bao quanh ba mặt của thành đều là rừng rậm nguyên sơ um tùm nối liền bất tận, mặt còn lại là thảo nguyên rộng lớn, phóng tầm mắt nhìn mãi không hết.
Thành nổi danh nhờ gỗ, nhưng họa cũng do gỗ mà ra.
Thành xây dựa vào núi.
Ngoại trừ mặt thành đối diện với thảo nguyên hơi giống tường, ba mặt khác đều vặn vẹo móp méo, ngay cả trẻ con cũng có thể leo lên leo xuống.
Chẳng qua mấy đứa nhát gan trong đám nhỏ sẽ không leo ra ngoài thành, vì trong thành Phiến Mã đến cả đứa bé ba tuổi còn biết rừng rậm ngoài thành cùng trong thành là hai thế giới hoàn toàn khác biệt.
Nhưng trong thành an toàn chăng?
Không nhất định.
Phiến Mã có thể nói là một biên thành tương đối phức tạp. Không chỉ hỗn loạn, mà còn nghèo.
Ngoài chưa đến ba phần là dân bản địa, còn lại đa số đều là người Hán, mà hai trong ba phần ấy sinh sống trong rừng sâu núi thẳm, chẳng bao giờ tùy tiện bước chân ra ngoài.
Người trong thành khoảng hơn bốn ngàn, người lui tới ước chừng hai ngàn. Trong hơn hai ngàn người lưu động có hơn một nửa là tiều phu vùng lân cận, một phần tư là thương nhân Trung Nguyên đến làm ăn, còn lại là quan viên bị lưu đày, tội phạm bỏ trốn, giặc cỏ, đào binh từ quan ngoại, hoặc người muốn đến tránh nạn hay người mong ước bắt đầu một cuộc sống mới.
Một tòa thành như vậy đương nhiên không thể trông mong trị an của nó tốt được đến đâu. Quan phủ cùng binh lính không những không quản sự mà lúc cần thiết cũng sẽ sắm vai cường đạo thổ phỉ.
Giết người cướp của, cưỡng gian bắt cóc, hãm hại lừa gạt đều là chuyện thường ngày. Mỗi cá nhân nơi đây đều phải vùng vẫy với cuộc sống.
Mãi đến khi người của Thư gia mua hết hai ngọn núi lớn tại phụ cận của Phiến Mã.
Năm mươi năm qua, Thư gia cắm rễ ở thành Phiến Mã.
Vậy thổ dân sinh sống trên núi thì sao?
Không ai biết bọn họ đã đi đâu, cũng chẳng có bao người quan tâm.
Quyền lực của nhà họ Thư tại Phiến Mã là tuyệt đối, cho nên khống chế của họ với thành cũng là tuyệt đối.
Bất kể ngươi là ai, đã đến thành Phiến Mã thì phải tuân thủ quy củ nơi này.
Ngươi muốn sinh sống ở đây thì có rất nhiều nghề ngươi có thể làm.
Ngươi muốn ổn định ở đây thì chẳng có người nào buồn đến thân phận cũ của ngươi.
Cờ bạc, rượu chè, trai gái, Phiến Mã thành không thiếu những nơi chuyên để ngươi hưởng thụ hay phát tiết.
Nói cách khác, chỉ cần ngươi tuân theo khuôn phép, người của thành Phiến Mã sẽ chẳng có ai cự tuyệt ngươi.
Thế còn người không làm theo quy củ?
Nếu Thư Tam Đao là người giữ quy củ thì trên đời đã chẳng còn kẻ không giữ quy củ nữa.
Chí ít Thủ Căn cho là như vậy.
Thủ Căn, họ Hà, là trụ cột trong nhà. Trên có phụ mẫu, còn thêm một nhị nương, dưới có hai đệ đệ nhỏ tuổi cùng một cô tiểu muội.
Lão cha Hà Mộng Đào của y luôn tự cho rằng mình là thư hương thế gia, trong đầu rất thích xem thường mấy người hàng xóm nửa chữ bẻ đôi cũng không biết, đối với ba đứa con trai kỳ vọng càng cao, từ nhỏ ông đã dạy chúng đọc sách viết chữ, chỉ mong sao sẽ dạy ra một vị Trạng nguyên.
Nào ngờ gia cảnh khốn cùng, về sau đừng nói biết đọc sách, ngay cả bữa cơm qua ngày cũng thành vấn đề. Thủ Căn thấy thế bèn chủ động đề nghị đi theo thợ mộc Phương Đà Tử (Phương Gù) nhà bên học nghề để giảm bớt gánh nặng cho nhà, hai năm gần đây còn mang thêm tiền về phụ giúp.
Lão cha của y đối với việc y chạy đi làm thợ mộc lòng vẫn còn canh cánh, cứ cảm thấy mất mặt, nhưng nuôi sống cả nhà vẫn là quan trọng nhất nên ông đành im lặng.
Thủ Căn hiểu rõ nỗi lòng của cha nên y không nói cho ông biết, kỳ thật so với làm một thư sinh y càng thích làm thợ mộc hơn. Làm thợ mộc tốt biết bao, tự do tự tại, tuy tiền kiếm được ít một chút nhưng an an ổn ổn cả đời có gì không tốt? Chung quy vẫn thực tế hơn đeo đuổi mộng tưởng một bước lên trời.
Cứ nhìn lão nhị Trung Nguyên hoàn toàn trúng độc của cha y mà xem, mới tí tuổi đầu đã luôn mồm đòi làm Trạng nguyên, cưới Công chúa, làm Thừa tướng. Thủ Căn nhìn mà sợ, không biết thằng nhóc này lớn lên ra sao đây? Nếu nó đỗ Trạng nguyên thì không nói, nhỡ trượt rồi chẳng phải sẽ trở thành lão cha thứ hai sao? Ôi!
Thủ Căn mới mười mấy tuổi đã suy nghĩ cực kỳ thực tế, cực kỳ bình dân, quả là phúc của cha mẹ y. Y tướng mạo đoan chính, da dẻ hơn ngăm, lúc cười lên răng đặc biệt trắng.
Nhưng một Thủ Căn da ngăm răng trắng cũng chẳng có gì đặc biệt, ngoại trừ hồi nhỏ thể nhược đa bệnh, mãi đến khi nhị đệ ra đời mới khỏe lên chút đỉnh, thì nhìn chung y giống hệt con nhà bình thường – Không nói nhiều, hơi già dặn, khi nổi giận thì đệ muội đều sợ, ở nhà giữ mồm giữ miệng, ra ngoài cư xử với hành xóm khá tốt, trẻ con vùng bên đều tôn trọng.
Chỉ trừ một người đối với y không biết lớn nhỏ, rảnh rỗi lại đến trêu chọc y. Tên tiểu lưu manh nọ họ Thư tên Tam Đao. Chính vì tiểu lưu manh xuất hiện bên cạnh y nên kỳ vọng sống yên ổn qua ngày từng bước một cách y xa dần, xa dần…