Tháng chín, năm Sùng Đức thứ sáu.
Muốn đuổi theo binh kỵ, tuyết lớn ngập cung đao.[3]
Người ở xa ngàn dặm ngoài thành Tùng Sơn, tập hợp thiên quân vạn mã.
Đao thương vang dội, chiến mã rền vang, trống trận ầm ầm, quân kỳ phất phới.
Ta ngồi một mình trong Quan Thư cung, nhàn nhã ngắm hoa nở hoa rơi trước đình, chầm chậm nhìn theo mây cuộn mây tan trời xa.
Thân thể ta đã kiệt sức khó cử động, giày vò đau ốm khiến cho cả thể xác và tinh thần đều tàn tạ, chỉ còn tương tư vẫn xé ruột xé gan. Ngày ngày trông mong Hoàng Thái Cực trở về, hừng đông chớp mắt hóa thành tịch dương, ta đột nhiên phát hiện mình đã quá mệt, quá mệt mỏi rồi.
Từ Đông Ca đến Jarud lại đến Hải Lan Châu…
Trời cao đối xử không tệ, ta chưa từng tưởng tượng được mình lại may mắn có một cuộc đời như vậy, có thể trải qua tình yêu khắc cốt ghi tâm như vậy.
Có lẽ, đã đến thời khắc cuối cùng.
Vị Ương bưng chén thuốc, còn chưa đến gần, ta đã cố ngăn cơn choáng váng để cử động, phất tay hướng nàng.
Ta biết đây là ngày cuối cùng, nhưng e rằng người đưa tin do Triết Triết phái đi mới đến Tùng Sơn thôi…
Ta cố vực lại sinh lực, cầm bát thuốc Vị Ương đem tới, một ngụm nuốt xuống.
Dưới sự ngạc nhiên của Vị Ương, ta đứng dậy, để nàng giúp ta đi dạo mấy vòng quanh Quan Thư cung. Những chuyện năm xưa dứt khỏi cuộc sống lạnh lẽo, để lại một vệt băng giá, hóa thành di sương.[4]
Một nhúm tóc đen rơi xuống sau khi chải đầu buổi sớm lạc lõng trong góc tường, dần dần meo mốc, dùng hàm ý thương thuyết cùng ngâm vịnh lắng đọng của mình mà tiêu trừ thời gian.
Từng mảnh từng mảnh ký ức cùng chàng, năm tháng đó chớp mắt đã là nửa đời của chúng ta.
Tiện tay cầm lấy một quyển thơ, là chàng để lại trước khi đi.
“Ta là khách sầu chốn nhân gian, hiểu quân cớ gì lệ tung hoành, giữa tiếng đoạn trường niệm bình sinh.
Hồi tưởng chuyện xưa tiêu hồn nhất, mười năm vết tích mười năm yêu.
Nháy mắt bàng hoàng hồn câm lặng, mấy thủa đau đớn qua, ký ức giục giã rơi tàn.
Sầu vương đầy đất không người hỏi, từng sợi xiết lòng đau.
Dịu dàng, một nỗi thương tâm ngỡ như họa, khóc hết thềm gió đổ đêm mưa.
Đau lòng khắp chốn, bụi trần lấm đàn ngọc.
Hứa hẹn gặp gỡ, nỉ non buổi xế chiều. Nơi nào tiêu thổi, đưa tình tình thoảng qua.
Ngày ấy nhận thức, mà nay đoạn tuyệt, khờ dại đếm sao xuân.
Lòng nuối tiếc, tiếng sáo vọng réo rắt, từng khúc khắc khoải.
Lệ trong cạn, nắm tay ai cũng nợ đa tình.”[5]
Đây vốn là bài từ của Nạp Lan Dung Nhược mười mấy năm sau, đêm đó ta nỉ non bên tai chàng, không ngờ chàng còn nhớ để ghi lại.
Chàng luôn luôn thông minh hiếu học, vừa nghĩ đến gương mặt của chàng, ta chợt nở nụ cười.
Lơ đãng nhìn thấy nét cười của mình trong gương, bỗng chốc quên cả thời gian.
Có lẽ việc ta xuyên không là một sai lầm. Nếu thân thể này của Bộ Du Nhiên không còn nữa, Hoàng Thái Cực, tình duyên của chúng ta sẽ chấm dứt như vậy sao?
“Có thể được thiên hạ, có thể mất thiên hạ…”[6] Truyền thuyết tốt đẹp này đưa ta đến bên chàng, chàng là của ta, ta cũng là của chàng!
“Nương nương?” Vị Ương vỗ nhẹ lên vai ta, ta hoàn hồn, không ngờ đã vào đêm.
“Canh mấy rồi?”
“Canh một.” Vị Ương dè dặt nhìn ta, hồi lâu mới nói tiếp: “Nương nương, hôm nay tinh thần của người rất tốt!”
Ta cười, đột nhiên mùi máu nôn nao trong ngực. Cổ họng nóng như thiêu đốt, ta nôn ra một ngụm máu.
Sắc mặt Vị Ương trắng bệch, ta nhìn không đành lòng, đáng ra không nên dọa nàng như vậy. Muốn an ủi vài câu, chỉ tiếc đầu óc mê man.
Ta sợ hãi cả kinh, bi thương tràn ra không thể dằn xuống.
“Vị Ương, muội muội ngoan.” Ta cười. “Giúp ta trang điểm được không?”
Hình như nàng cũng hiểu được, nhìn thẳng vào ta, cuối cùng đỏ mắt bắt đầu chải đầu.
Ta trở lại như năm đó khi lần đầu đến đây, mặc kỳ trang[7] mới đỏ thẫm, thân áo thêu tám con phượng màu sắc, phượng ở giữa, xen lẫn là vài đóa mẫu đơn. Mẫu đơn mang sắc hòa nhã mà thanh lịch, phối đa màu diễm lệ. Kết hợp với khăn tay màu vàng tơ, đi hài thêu hoa, lại ngóng ra ngoài điện.
“Nương nương, canh hai rồi.” Vị Ương đột nhiên khóc thành tiếng.
Mí mắt bỗng nhiên nặng như treo ngàn cân, ta chậm rãi nói: “Ta mệt quá, Vị Ương, dìu ta lên giường.”
Ta nặng nề nằm xuống, huyết khí cuồn cuộn trong lồng ngực.
“Không còn một hơi thở…” Ta nhìn chăm chăm vào cửa điện, nước mắt rơi xuống như mưa. “…Biết an thân gửi phận nơi đâu.”[8]
“Nương nương…” Vị Ương quỳ rạp xuống đất, gào lên nức nở, một vài cung nhân xung quanh cũng im lặng quỳ xuống. Ta đưa mắt nhìn lên, chỉ thấy một khoảng đen kịt.
“Hoàng thượng… mau trở lại…” Ta thì thào, trước mắt hiện lên cảnh Hoàng Thái Cực giục ngựa trên đường. Nhưng sắc máu đỏ thẫm lại nhuốm màu, ta nhớ đến diện mạo của con, không khỏi thở dài.
Khi trống canh ba vang lên, đèn lụi, hoa rơi, người mất.
“Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.” Ta thều thào những lời cuối cùng, cảm thấy khung cảnh trước mắt dần dần ảm đạm. “Yểu điệu thục nữ, ngụ mị cầu chi. Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục.”[9]
Hóa ra, tình yêu của chúng ta bất giác đã cất tiếng vĩnh hằng.
Đêm đã khuya, lá khô xôn xao buông cành, trăng tàn gió sớm nơi nao. Vọng trông tin từng hồi, đêm nay biết mấy tương tư.
Mưa thu, mưa thu. Gió tây cuốn đi nửa tấm lòng.
– Hoàn –
[1] Tác phẩm ‘Như mộng lệnh’ của Nạp Lan Tính Đức (hay còn gọi là Nạp Lan Dung Nhược).
[2] Bài dân ca của người Mãn Thanh: ‘Du du trát’ là khẩu ngữ của Mãn Thanh dùng để dỗ trẻ con. ‘Ba bố trát’ là tiếng Mãn dùng để gọi cưng trẻ con. ‘Linh tử’ là lông công cài trên mũ của quan lại triều Mãn Thanh.
[3] Muốn đuổi theo binh kỵ, tuyết lớn ngập cung đao: Trích từ ‘Tắc hạ khúc’ của Lô Luân thời Đường, thể hiện tinh thần anh hùng chủ nghĩa, ý chí chiến đấu sục sôi.
[4] Di sương: ‘Di’ ở đây là những thứ do người chết để lại, ‘sương’ là sương sớm.
[5] Tác phẩm ‘Hoán khê sa’ của Nạp Lan Tính Đức.
[6] Có thể đoạt thiên hạ, có thể mất thiên hạ: Lời tiên đoán về thân thế của Đông Ca, đệ nhất mỹ nữ của tộc Nữ Chân.
[7] Kỳ trang: Trang phục của người Mãn Thanh.
[8] ‘Không còn một hơi thở, biết an thân gửi phận nơi đâu’: Nguyên văn là ‘Nhất khẩu khí bất lai, khứ hà xử an thân lập mệnh?’. Đây là một câu Phật ngữ, từng xuất hiện trong bộ phim ‘Thiếu niên thiên tử’, Đổng Ngạc Phi hay hỏi Thuận Trị câu này, ông đã trả lời ‘Không còn một hơi thở, an thân gửi phận giữa sông núi.’ (Nguyên văn: ‘Nhất khẩu khí bất lai, khứ sơn thủy gian an thân lập mệnh.’)
[9] ‘Yểu điệu thục nữ, ngụ mị cầu chi. Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục’: Trích từ bài ‘Quan thư’ của Kinh Thi, có ý nghĩa: Người con gái hiền thục dịu dàng, ta thức hay ngủ đều mơ tưởng đến nàng, mơ tưởng đến nàng mà không được gặp, thức ngủ đều mong nhớ.