Katherine Solomon khoác chiếc áo bờ lu trắng và bắt đầu lộ trình thường lệ của mình - "lượn vài vòng", như anh trai cô thường nói.
Như người mẹ lo âu ghé thăm đứa con đang ngủ. Katherine thò đầu vào phòng máy. Gian buồng dùng nhiên liệu hydro đang chạy rất êm, các két sao lưu của nó đều nằm yên trên giá.
Katherine tiếp tục men theo hành lang tới phòng lưu trữ dữ liệu. Như mọi khi, hai cỗ máy đa sao lưu toàn ảnh vẫn chạy ro ro yên ổn trong khoang chứa có kiểm soát nhiệt độ. Toàn bộ công trình nghiên cứu của mình đây. Katherine nghĩ thầm, ghé mắt nhìn vào qua lớp kính siêu bền dày gần 10 cm. Khác với phiên bản cũ to bằng tủ lạnh, các thiết bị chứa dữ liệu toàn ảnh trông chỉ như thiết bị âm thanh gọn nhẹ, mỗi cái được đặt trên một bệ hình trụ.
Các ổ đọc toàn ảnh trong phòng thí nghiệm đều đồng bộ và giống hệt nhau - cùng là nguồn đĩa sao lưu để bảo vệ các bản sao công trình của Katherine. Hầu hết các phác đồ sao lưu đều chủ trương nên có một hệ thống sao chép thứ cấp ở nơi khác đề phòng trường hợp động đất hoả hoạn, hoặc bị đánh cắp, nhưng Katherine và anh trai cô nhất trí rằng giữ bí mật mới là điều tối quan trọng; một khi các dữ liệu rời khỏi toà nhà để chuyển tới máy chủ ở nơi khác thì họ không dám chắc rằng liệu chúng còn giữ được bí mật hay không.
Hài lòng vì tất cả vẫn vận hành trơn tru. Katherine quay trở lại theo lối hành lang. Khi vòng qua góc tường, cô chợt nhận ra có điều khác thường bên kia phòng thí nghiệm. Chuyện gì thế nhỉ? Một quầng sáng đang chiếu rọi tất cả các thiết bị. Katherine chạy vội vào để nhìn cho rõ, lòng rất ngạc nhiên khi thấy ánh sáng phát ra từ phía sau bức tường kính Plexiglas của phòng điều khiển.
Anh ấy ở đây. Katherine lao như bay qua phòng thí nghiệm, đến cửa phòng điều khiển và đẩy bật nó ra.
- Anh Peter! - cô kêu lên và chạy bổ vào.
Người phụ nữ to béo ngồi ở bàn máy trong phòng điều khiển nhảy bật dậy.
- Ôi lạy Chúa! Chị Katherine? Chị làm em sợ hết hồn!
Trish Dunne là chuyên gia phân tích siêu hệ thống của Katherine, cũng là người duy nhất ngoài hai anh em Solomon được phép có mặt ở đây. Cô gái tóc đỏ 26 tuổi này là một thiên tài lập mô hình dữ liệu và đã khai thác được một tài liệu mật rất đáng giá của KGB. Cô rất ít khi làm việc vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng tối nay, cô bận phân tích dữ liệu trên bức tường plasma của phòng điều khiển, bức tường này là một màn hình phẳng rất lớn trông chẳng khác gì màn hình điều khiển của NASA.
- Em xin lỗi. - Trish nói - Em không biết chị cũng ở đây. Em đang cố làm cho xong trước khi chị và anh trai chị tới.
- Cô vừa nói chuyện với Peter à? Anh ấy đến muộn và không trả lời điện thoại.
Trish lắc đầu.
- Em cá là Peter vẫn đang loay hoay với chiếc iPhone mà chị mới tặng anh ấy.
Katherine rất cảm kích sự hài hước của cô bạn đồng nghiệp, và sự có mặt của Trish làm cô nảy ra một ý tưởng.
- Nói thật thì tôi rất vui vì cô ở đây tối nay. Chưa chừng cô sẽ giúp được tôi đấy cô không phiền chứ?
- Bất cứ việc gì, em tin nó sẽ hay hơn xem đấu bóng.
Katherine hít một hơi thật sâu, cố giữ cho tâm trí bình tĩnh.
- Tôi chẳng biết phải giải thích thế nào, nhưng sớm hôm nay, tôi đã nghe được một câu chuyện rất bất thường…
Trish Dunne không đoán nổi Katherine Solomon đã nghe được chuyện gì, nhưng rõ ràng câu chuyện đó khiến chị ấy không vui. Đôi mắt xám vốn luôn điềm tĩnh nay lại lộ vẻ lo âu, và chị đã phải vén tóc ra sau tai ba lần kể từ lúc bước vào phòng - một "dấu hiệu" chứng tỏ chị ấy đang bối rối, như Trish thường nói. Một nhà khoa học xuất chúng, nhưng không biết che giấu cảm xúc của mình.
- Với tôi, - Katherine nói - câu chuyện này rất hoang đường… như một chuyện cổ tích xa xưa. Nhưng… - Cô ngừng lời, lại đưa tay gạt một lọn tóc ra phía sau tai.
- Nhưng sao ạ?
Katherine thở dài.
- Nhưng hôm nay, một nguồn tin rất đáng tin cậy đã cho tôi biết rằng chuyện cổ tích đó là có thật.
- Ồ… Chị ấy muốn dẫn câu chuyện đến đâu đây?
- Tôi định trao đổi với Peter, nhưng tôi sực nghĩ, biết đâu cô sẽ giúp tôi nảy ra ý tưởng nào đó trước khi tôi hỏi anh ấy. Tôi rất muốn biết liệu câu chuyện cổ tích này đã bao giờ được chứng thực trong lịch sử chưa.
- Trong lịch sử ư?
Katherine gật đầu.
- Ở đâu đó trên thế giới, bằng một thứ ngôn ngữ nào đó, vào một thời điểm nào đó trong lịch sử.
Kỳ quặc quá, Trish thầm nghĩ, những rất có khả năng. Mười năm trước, điều này là không tưởng. Nhưng ngày nay, với Internet, với mạng toàn cầu, và với quá trình số hoá những thư viện và bảo tàng lớn trên thế giới, mục tiêu của Katherine có thể thực hiện được bằng cách sử dụng một cơ chế tìm kiếm tương đối đơn giản có trang bị một loạt mô đun dịch thuật và vài ba từ khoá được lựa chọn kỹ.
- Không thành vấn đề - Trish nói. Nhiều cuốn sách nghiên cứu trong phòng thí nghiệm có chứa những đoạn ngôn ngữ cổ xưa, khi ấy Trish phải viết nhiều mô đun dịch thuật Nhận dạng ký tự quang học (OCR) chuyên dụng để tạo văn bản tiếng Anh từ các ngôn ngữ khó hiểu. Chắc chắn cô là chuyên gia siêu hệ thống duy nhất trên thế giới lập được các mô đun dịch thuật OCR bằng tiếng Frisian(32) cổ, tiếng Maek 1 và tiếng Akkadian 2.
Các mô đun rất có tác dụng, nhưng bí quyết xây dựng một cơ chế tìm kiếm kiểu nhện hiệu quả lại phụ thuộc vào việc lựa chọn các từ khoá đúng, độc đáo nhưng không hạn chế quá mức.
Trong lúc Trish suy nghĩ, Katherine đã ghi nhanh những từ khoá thích hợp ra một băng giấy. Viết được vài từ, cô dừng lại, nghĩ ngợi và tiếp tục thêm vài từ nữa.
- Được rồi đấy, - cuối cùng cô nói và đưa băng giấy cho Trish.
Trish đọc lướt danh sách các chuỗi tìm kiếm, và mở to mắt.
Katherine đang điều tra loại cổ tích quái quỷ gì đây?
- Chị muốn em tìm kiếm tất cả các cụm từ khoá này à? - Có một từ Trish còn không nhận ra. Liệu đây có phải là tiếng Anh không? - Chị cho rằng chúng ta sẽ tìm được những từ này ở cùng một chỗ à? Chính xác cả cụm ấy?
- Cứ thử đi.
Trish định nói không thể (impossible) nhưng ở đây, những từ bắt đầu bằng chữ cái I bị cấm. Katherine coi đó là vật cản tư duy rất nguy hiểm trong một lĩnh vực thường biến những định kiến sai lầm thành hiện thực được khẳng định. Trish Dunne thật sự ngại rằng việc tìm kiếm các cụm từ khoá này sẽ rơi vào phạm trù đó.
- Mất bao lâu để có kết quả? - Katherine hỏi.
- Vài phút để viết con nhện và cho nó hoạt động. Sau đó, có lẽ mất 15 phút để nó vận hành hết hiệu suất.
- Nhanh thế à? - Katherine phấn khởi.
Trish gật đầu. Các cơ chế tìm kiếm truyền thống thường cần trọn một ngày để lướt qua toàn bộ không gian trực tuyến, tìm kiếm các văn bản mới, phân tích nội dung của chúng và cho nó vào cơ sở dữ liệu thu thập được. Nhưng Trish không viết loại nhện đó.
- Em sẽ viết một chương trình gọi là người uỷ thác, - Trish giải thích - Không hợp pháp lắm, nhưng nó rất nhanh. Thực chất đó là một chương trình ra lệnh cho các cơ chế tìm kiếm của người khác làm việc thay cho mình. Hầu hết các cơ sở dữ liệu đều có chức năng tìm kiếm tích hợp trong, chẳng hạn thư viện, bảo tàng, các trường đại học, chính phủ. Cho nên em sẽ viết một con nhện chuyên dò ra cơ chế tìm kiếm của người ta, nhập các từ khoá của chị, và yêu cầu các cơ chế ấy hoạt động. Bằng cách này, chúng ta khai thác được sức mạnh của hàng nghìn cơ chế, làm việc thống nhất.
Katherine có vẻ rất ấn tượng.
- Xử lý song song.
Một loại siêu hệ thống.
- Em sẽ gọi chị nếu em phát hiện thấy gì đó.
- Rất cảm ơn cô. Trish - Katherine vỗ nhẹ vào lưng cô gái và đi ra phía cửa - Tôi sẽ ở bên thư viện.
Trish tập trung viết chương trình. Lập trình một con nhện tìm kiếm là nhiệm vụ quá ư tầm thường so với trình độ năng lực của cô, nhưng Trish Dunne không bận tâm. Cô sẵn sàng làm bất kỳ việc gì cho Katherine Solomon. Có lúc, Trish vẫn không tin nổi số phận may mắn lại đưa cô đến nơi này.
Cưng đã đi được một chặng đường dài, cưng nhỉ!
Chỉ mới hơn một năm trước, Trish bỏ công việc của một chuyên gia phân tích siêu hệ thống tại một trong vô vàn công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Lúc rỗi rãi, cô nhận lập trình cho một số nơi và bắt đầu mở một blog chuyên ngành mang tên "Những ứng dụng trong phân tích siêu hệ thống máy tính" mặc dù cô nghĩ chẳng ai thèm đọc nó. Rồi một buổi tối, điện thoại của cô đổ chuông.
- Cô Trish Dunne phải không? - một giọng phụ nữ nhã nhặn hỏi thăm.
- Vâng, xin hỏi ai gọi thế ạ?
- Tôi là Katherine Solomon.
Trish gần như ngất xỉu tại chỗ. Katherine Solomon à?
- Tôi vừa đọc cuốn sách của chị, cuốn Lý trí học. Cánh cổng hiện đại đi tới tri thức cổ xưa, và tôi đã viết về cuốn đó trên blog của mình!
- Phải, tôi có biết, - người phụ nữ trả lời rất nhã nhặn - Và đó là lý do tôi gọi cho cô.
- Dĩ nhiên là thế. Trish nhận ra như vậy, cảm thấy chẳng biết nói sao.
Ngay cả những nhà khoa học xuất sắc cũng phải sử dụng Google.
- Blog của cô khiến tôi rất thích, - Katherine nói tiếp - Tôi không ngờ rằng kỹ thuật lập mô hình siêu hệ thống lại tiến xa đến vậy.
- Vâng, - Trish hồ hởi, với tâm trạng rất muốn được người khác biết đến - Mô hình dữ liệu là một công nghệ đang bùng nổ với những ứng dụng rất rộng lớn.
Hai người phụ nữ dành vài phút nói chuyện phiếm về công việc của Trish trong ngành siêu hệ thống, kinh nghiệm của cô trong việc phân tích, lập mô hình và dự đoán xu hướng của các trường dữ liệu lớn.
- Nói thực cuốn sách của chị rất cao siêu so với tôi. - Trish nói - nhưng tôi cũng đủ khả năng hiểu nó để thấy có sự giao thoa với công trình siêu hệ thống của tôi.
- Trên blog, cô nói rằng cô tin ngành lập mô hình siêu hệ thống có khả năng biến cải những nghiên cứu của lý trí học, phải không?
- Chắc chắn là như vậy. Tôi tin siêu hệ thống sẽ biến Lý trí học thành một môn khoa học thật sự.
- Khoa học thật sự à? - Giọng Katherine hơi đanh lại - Thế hiện giờ nó không phải…?
Ôi thôi hớ rồi.
- Ừm, ý tôi là Lý trí học có vẻ… huyền bí hơn.
Katherine cười.
- Không sao đâu, tôi đùa thôi. Tôi nghe nói điều đó luôn ấy mà!
Cũng phải. Trish nghĩ bụng. Thậm chí Viện Lý trí học ở California cũng mô tả lĩnh vực này bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu và bí ẩn, xem nó như ngành nghiên cứu về "sự tiếp cận tức thời và trực tiếp của con người đối với những kiến thức vượt xa sức mạnh lý trí và độ cảm nhận của các giác quan bình thường".
Trish được biết rằng từ lý trí xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ - nếu dịch thô là "kiến thức bên trong" hoặc "ý thức trực giác".
- Tôi rất quan tâm đến công trình siêu hệ thống của cô, - Katherine nói - và muốn xem nó liên hệ ra sao với dự án tôi đang tiến hành. Cô có sẵn lòng gặp tôi không? Tôi rất muốn được thử bộ não của cô.
Katherme Solomon muốn thử bộ não của mình ư? Chẳng khác gì bảo Maria Sharapova đi hỏi thủ thuật chơi tennis.
Ngày hôm sau, một chiếc Volvo trắng tiến vào sân nhà Trish và một người phụ nữ yểu điệu duyên dáng trong bộ đồ bò màu xanh bước ra. Trish lập tức cảm thấy mình thật hèn kém. Trời ạ, cô lẩm bẩm. Thông miinh, giàu có, mảnh mai - và chắc mình phải tin là Chúa rất lòng lành mất? Nhưng phong thái khiêm nhường của Katherine khiến Trish cảm thấy thoải mái ngay.
Hai người ngồi ở hiên sau khá rộng rãi của Trish, nhìn xuống một khuôn viên khang trang.
- Nhà cô rất đẹp, - Katherine nhận xét.
- Cảm ơn chị. Tôi gặp may khi còn học đại học, bán được bản quyền một số phần mềm do tôi viết.
- Vẫn về siêu hệ thống chứ?
- Một dạng tiền thân của siêu hệ thống. Sau vụ 11-9, chính phủ chặn và xâm nhập các trường dữ liệu lớn như thư điện tử dân sự, điện thoại di động, fax, văn bản, website để tìm kiếm các từ khoá liên quan đến những giao dịch liên lạc có tính khủng bố. Vì thế tôi viết một phần mềm cho phép họ nắm giữ trường dữ liệu theo hình thức thứ cấp khai thác từ đó một sản phẩm tình báo bổ sung - Cô mỉm cười - Điều quan trọng là phần mềm của tôi cho phép họ đo được thân nhiệt của nước Mỹ.
- Tôi không hiểu lắm?
Trish bật cười.
- A nghe hơi kỳ cục, tôi biết. Y tôi định nói là nó định lượng trạng thái tình cảm của cả nước. Nó cung cấp một loại phong vũ biểu đo ý thức chung - Trish tiếp tục giải thích việc một người có thể đánh giá được tâm trang của đất nước như thế nào bằng cách sử dụng một trường dữ liệu về thông tin liên lạc của cả nước dựa trên "mật độ xuất hiện" một số từ khoá và chỉ số tình cảm nhất định trong trường dữ liệu ấy Những thời điểm vui vẻ sẽ có ngôn ngữ vui vẻ hơn, và những thời điểm căng thẳng thì ngược lại. Chẳng hạn, trong tình huống xảy ra một vụ tấn công khủng bố, chính phủ có thể sử dụng các trường dữ liệu để đo sự thay đổi trong tâm lý nước Mỹ và đưa ra lời khuyên tốt hơn cho Tổng thống về tác động tình cảm của sự kiện ấy.
- Rất lý thú, - Katherine nhận xét, tay xoa cằm - Và cô đang tiến hành kiểm nghiệm một nhóm các cá nhân… như là một chủ thể đơn nhất.
- Chính xác. Một siêu hệ thống. Một chủ thể đơn nhất được xác định bởi số lượng hợp phần của nó. Chẳng hạn, cơ thể người gồm hàng triệu tế bào riêng lẻ, mỗi tế bào có những thuộc tính và mục đích khác nhau, nhưng có chức năng như một chủ thể đơn nhất.
Katherine hào hứng gật đầu.
- Như một đàn chim hoặc đàn cá. Chúng tôi gọi đó là hội tự hoặc ràng buộc.
Trish cảm thấy vị khách nổi tiếng này bắt đầu nhìn thấy tiềm năng ứng dụng kỹ thuật lập trình siêu hệ thống vào lĩnh vực Lý trí học của mình.
- Phần mềm của tôi, - Trish giải thích - được thiết kế để giúp các cơ quan chính phủ đánh giá tốt hơn và phản ứng phù hợp với những cuộc khủng hoảng quy mô lớn như dịch bệnh, các thảm hoạ quốc gia, khủng bố, đại loại thế - Cô ngừng lại - Dĩ nhiên, luôn có khả năng sử dụng nó theo những hướng khác… chẳng hạn là nắm bắt nhanh trạng thái tâm lý quốc gia và dự đoán kết quả một cuộc bầu cử hoặc xu hướng vận động của thị trường chứng khoán vào thời điểm mở cửa.
- Tuyệt vời!
Trish ra hiệu về phía ngôi nhà rộng rãi của mình.
- Chính phủ cũng nghĩ vậy.
Giờ thì đôi mắt xám của Katherine tập trung hết vào cô.
- Trish, cho tôi hỏi về vấn đề đạo đức do công trình của cô đặt ra nhé?
- Ý chị là gì?
- Ý tôi là phần mềm của cô rất dễ bị lợi dụng. Kẻ sở hữu nó sẽ tiếp cận được với những thông tin rất quan trọng không phải ai cũng biết. Cô không cảm thấy do dự khi tạo ra nó ư?
Trish không hề chớp mắt.
- Hoàn toàn không. Phần mềm của tôi không khác gì hơn là… một chương trình mô hình tập bay trong ngành hàng không. Một số người sử dụng sẽ thực hành bay cho các nhiệm vụ cứu trợ tới các nước chậm phát triển. Một số người lại sử dụng để tập điều khiển máy bay chở khách lao vào các toà cao ốc. Kiến thức là một công cụ, và như tất cả các công cụ, tác động của nó tuỳ thuộc vào người sử dụng.
Katherine ngả người ra sau, vẻ rất ấn tượng.
Vậy cho phép tôi hỏi cô một câu hỏi giả định.
Trish đột nhiên cảm thấy cuộc trò chuyện của họ chuyển thành một buổi phỏng vấn tuyển dụng.
Katherine cúi xuống và nhặt một hạt cát nhỏ xíu dưới bàn và giơ lên cho Trish nhìn.
- Theo tôi hiểu, - cô nói - công trình siêu hệ thống ấy giúp cô tính toán được trọng lượng của cả một bãi biển toàn cát… bằng cách cân một hạt cát.
- Vâng, về cơ bản đúng như vậy.
- Cô biết đấy, hạt cát nhỏ bé này có khối lượng. Một khối lượng rất nhỏ, nhưng vẫn là khối lượng.
Trish gật đầu.
- Và vì hạt cát này có khối lượng nên nó có trọng lực. Tất nhiên, cũng rất nhỏ, nhưng vẫn có.
- Vâng.
- Vậy thì, - Katherine nói, - nếu chúng ta có hàng nghìn tỉ hạt cát thế này và để chúng hấp dẫn nhau nhằm tạo nên… ví dụ mặt trăng đi thì trọng lực kết hợp của chúng đủ để dịch chuyển toàn bộ các đại dương và tạo ra thuỷ triều lên xuống trên hành tinh chúng ta.
Trish không hiểu rõ câu chuyện sẽ đi đến đâu, nhưng cô thấy thích thú với những điều mình đang nghe.
- Giờ chúng ta cùng giả định nhé? - Katherine nói, tay phủi hạt cát đi -Nếu tôi bảo cô rằng một suy nghĩ… tức là bất kỳ ý tưởng nhỏ nhoi nào hình thành trong tâm trí chúng ta… trên thực tế cũng có khối lượng thì sao nào? Nếu một suy nghĩ là một vật chất thật sự, một thực thể đo đếm được, với một khối lượng đo đếm được thì sẽ sao? Dĩ nhiên, đó là một khối lượng vô cùng nhỏ, nhưng vẫn cứ là khối lượng. Vậy hàm ẩn ở đây là gì?
- Nói một cách giả định ư? Chà, hàm ẩn rõ nét là… nếu một suy nghĩ cũng có khối lượng thì nó sẽ có trọng lực và có thể hút mọi vật về phía nó.
Katherine mỉm cười.
- Cô cừ lắm. Giờ ta tiến thêm một bước nhé. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhiều người cùng tập trung vào một suy nghĩ giống nhau? Tất cả những điều nảy ra từ những suy nghĩ đó sẽ hợp nhất lại, và khối lượng luỹ tích của suy nghĩ này bắt đầu tăng lên. Bởi vậy, trọng lực của nó cũng tăng lên.
- Đúng.
- Nghĩa là… nếu có đủ số người cùng nghĩ về một điều thì lực hấp dẫn của suy nghĩ đó trở nên hữu hình… tạo ra một lực thực sự - Katherine nháy mắt - Và có thể gây ra một ảnh hưởng đo đếm được lên thế giới vật chất của chúng ta đấy.
--- ------ ------ ------ -------
1 Tiếng Frisan là một nhóm ngôn ngữ tương đối gần gũi với tiếng Đức - ND.
2 Tiếng Maek là một phương ngữ có thể đã mất, từng được sử dụng ở bán đảo Triều Tiên - ND.
3 Akkadian là một ngôn ngữ đã mất, từng được sử dụng ở Lưỡng Hà cổ đại. Nó sử dụng hệ chữ viết hình nêm của người Sumer cổ đại. Tên gọi của ngôn ngữ này xuất phát từ tên thành phố Akkad, một trung tâm lớn của nền văn minh Lưỡng Hà - ND.