Thứ Hai, suốt thời gian trên xe buýt tới đại lộ Springer, Daniel không lúc nào thôi ngưỡng mộ lá thư xin thôi việc của bà Doubtfire. Anh đã tìm thấy trong ngăn kéo tờ giấy nhớ màu hồng nhạt Natalie gửi cho anh nhân dịp giáng sinh mấy năm trước. Xung quanh tờ giấy là những bông hoa păng xê màu sắc sặc sỡ, duy có điều không được giống thật cho lắm. Trên mảnh giấy là nét chữ viết tay uốn lượn kiểu cũ với những câu chữ kiểu cũ uốn lượn không kém mà anh đã mất cả buổi tối để tập viết: “... như chúng ta đã nói một bên phải báo cho bên kia trước hai tuần... do hoàn cảnh khách quan đáng tiếc mà tôi không thể đoán trước và hoàn toàn không thể tránh được... thôi làm việc cho cô kể từ thứ Sáu... thú thực tôi rất thích được trông những đứa trẻ rất đỗi tuyệt vời của cô... mạnh dạn góp ý rằng có thể tốt hơn cho bọn trẻ nếu chúng được gần bố nhiều hơn... phải thôi việc ở chỗ cô quả thực tôi thấy rất buồn, nhưng hy vọng rằng việc đường đột chấm dứt công việc có lợi cho cả hai bên này sẽ không làm ảnh hưởng tới cô nhiều như nó đang gây ra cho tôi... với tình cảm yêu mến nhất...”, và sau đó, là chữ ký hoa mỹ nhất của Daniel và cũng là chữ ký anh đặc biệt tự hào:
Người bạn chân thành nhất của cô
Luphemia Doubtfire
Đúng vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là một lá thư xin thôi việc tuyệt vời: tinh tế, lời kiên quyết - và khó hiểu, cẩn thận gấp lá thư rồi đút vào chiếc phong bì trang trí toàn hoa păng xê, Daniel bước xuống xe buýt mà vẫn chìm trong suy nghĩ. Ngay khi nhìn thấy lá thư, hẳn bọn trẻ sẽ hò hét ầm ĩ đòi biết tên đệm của bà Doubtfire, thế là anh lại phải nghĩ. Liệu có nên để là Daphnis không? Hay Deirdre? Hay chỉ cần một cái tên quê quê như Dolores chẳng hạn? Kể ra bịa lấy một cái tên cũng khó ra trò... Nhìn phần giữa thân người mình phản chiếu trên gương xe, anh thấy chiếc khăn quàng lông vũ quấn quanh cổ đã xộc xệch do chen lấn trên xe buýt. Đưa tay túm đuôi khăn bay phấp phơ phía sau, Damiel đi quá khu vườn nhà hàng xóm mà quên không quan sát cẩn thận như mọi lần. Quả là sai lầm. Ngay khi anh vừa bước vào con đường dẫn vào nhà Miranda, bà Hooper bất thình lình xuất hiện.
Một khuôn mặt đỏ, tròn xoe, bao quanh là mớ lọn tóc màu xám bỗng nhô lên khỏi hàng rào.
“Ồ, bà Doubtfire! Nhìn chúng xem! Nhìn chúng xem! Làm thế nào bây giờ?”
Daniel buộc phải dừng lại. Anh cất lá thư của bà Doubtfire vào trong túi, kéo váy lên rồi rón rén bước qua mấy khóm hoa dính bùn lại chỗ bà Hooper đang đứng. Bà ta đang chỉ cái gì đó trong vườn của mình.
“Ồ, bà Doubtfire, bà nghĩ sao?”
Daniel nhòm vào. Có gì đâu mà bà ta cứ làm toáng lên như gặp thảm họa nông nghiệp vậy chứ; mà thật lòng thì Daniel cũng chẳng quan tâm nhiều. Anh có nỗi oán giận sâu sắc với bà hàng xóm già này. Dạo này bà ta đã gây ra cho anh quá nhiều rắc rối. Đầu tiên là bức vẽ vô cùng kinh tởm. Anh không thể nào dễ dàng bỏ qua cho bà ta trong chuyện dó. Sau đó là chuyện lớp vẽ. Anh vẫn chưa tìm ra cách nào để sáng mai có thể đóng hai vai cùng một lúc. Và điên nhất là việc bà ta tự dưng di mách lẻo với Miranda là vở kịch anh chọn cho bọn trẻ không phù hợp với chúng. Tất cả những chuyện đó đều không thể bỏ qua được.
Anh đưa tay chỉnh ngay ngắn lại cái khăn đội đầu bị gió thổi xô.
“Có phải đám mận nhà cô bị thối thân như tôi đã cảnh báo không thế?” anh thỏ thẻ.
“Bệnh thối thân? Đám mận nhà tôi á?” Bà Hooper trông lo lắng ra mặt. “Không, tôi không nghĩ vậy.”
“Tôi không nói là như thế,” bà Doubtfire trấn an. “Tôi chỉ nói là có thể như thế thôi. Trông thì có vẻ là như thế đấy. Nhiều khi cây cối trông vẫn tươi tốt trong một khu vườn ủ nhiều loại bệnh khác...”
“Nhiều bệnh khác ư?”
Daniel hả hê khi thấy mặt bà Hooper đỏ thêm chút nữa còn giọng bà bớt gân guốc, tọc mạch hơn. Anh tận dụng lợi thế đang có.
“Ồ - đúng thế, cô thân mến ạ. Tôi không phải là chuyên gia...” Bà Doubtfire nhún vai một cách khiêm tốn và nhún nhường. Cái nhún vai ấy đủ khiến bà Hooper hiểu rằng bà là chuyên gia, đồng thời khiến chiếc khăn quàng lông vũ tuột xuống phía sau và chạm vào khóm quế trúc. “Nhưng thấy hàng xóm vẫn bàn ra tán vào qua hàng rào với nhau là không hiểu sao cô lại gặp phải những vấn-đề nhỏ đó...”
“Những vấn đề nhỏ á?”
Mặt bà Hooper lúc này đỏ lựng lên.
“Ồ, không có gì nghiêm trọng đâu! Không có gì nghiêm trọng cả!” Biết rất rõ về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, bà Doubtfire khẽ cười. “Chỉ là chút nấm ở cây thục quỳ và bệnh sùi gốc ở cải bắp thôi. Nấm mốc mọc đầy cây lý gai. Bệnh sùi cành đang tàn phá những bông hoa hồng...”
Bà Hooper đỏ bừng mặt vì tức giận. Bà tức đến nỗi không thể thốt lên lời.
“Chẳng có gì quan trọng cả,” bà Doubtfire xoa dịu. “Không có gì đâu. Dù một, hai lần ông Fairway có nói năm ngoái khoai tây của cô bị đen thân đen rễ đến thảm hại.”
“Thật là chó chê mèo lắm lông!” bà Hooper kêu lên, giọng nói đã chứa đầy hằn học. “Ai ở khu phố này chẳng biết cà rốt ông Fairway đó trồng bị bệnh côn trùng ăn rễ chứ!”
Nhưng bà Doubtfire đang nhón chân qua đoạn bùn đất để trở lại con đường rải đá.
“Thật sao?” bà lơ đãng hỏi. “Thú thật là tôi không để ý đến điều đó.” Nói rồi bà giũ bùn bám trên váy trước khi bước vào mái hiên. “Nhưng nhắc đến ông ấy tôi mới nhớ, nghe nói ông ấy bị thấp khớp đấy...”
Đoạn bà chui tọt vào nhà, mặc bà Hooper đi đi lại lại ngoài đó.
Daniel định đặt lá thư dựa vào lọ hoa trên bàn trong sảnh thì lại thấy một lá thư khác chờ anh ở đó. Daniel quyết định dọc lá thư bởi nó còn kẹp thêm hai đồng mười bảng. Nét chữ nguệch ngoạc chứng tỏ Miranda đã viết trong lúc vội vã.
Anh đọc to: “Bà chịu khó thu xếp thời gian đi mua cho Natalie một cái yếm bò - nhớ chọn cái nào thật bền, có thể giặt máy, rộng rãi, vì cháu nó còn lớn. Đừng chọn màu trắng. Cảm ơn bà. Miranda.”
“Đừng chọn màu trắng” được gạch chân những bốn lần.
“Kể cũng có lý,” Daniel nói với cây mẫu tử. “Một cái yếm bò. Không thành vấn đề.”
Anh thư giãn trong khi đợi Natalie đi học về: đi quanh nhà tưới mấy cái cây mà giờ đây anh coi chúng như là cây của mình hơn là của Miranda; điện thoại cho một số doàn kịch với hy vọng còn vai diễn trống; cởi khăn quàng và khăn quấn đầu, rồi bênh ghế ra phía sau, ngồi vắt chân lên bàn ăn nhâm nhi ly cà phê và nói chuyện với Hetty, cố làm cho con chim bớt ủ dột.
Anh nghĩ con chim trông thật rầu rĩ. Nó ủ rũ trong xó lồng, đầu nghiêng nghiêng hết sức kỳ lạ và không được thoải mái. Thậm chí khi anh huýt sáo với nó, nó không cả buồn chớp mắt.
Những chiếc lông nhỏ màu xám bám khắp lồng, còn bộ lông của nó nhìn xám xịt. Đây không thể nào là con Hetty béo mập với bộ lông óng mượt tràn đầy sinh khí. Thỉnh thoảng, nó mới kêu vài tiếng chim chíp nhưng tiếng kêu rất yếu ớt và thảm thương. Chốc chốc cơ thể nhỏ bé của nó lại run lên bần bật.
Daniel ngồi thử tính xem nó được mấy tuổi rồi. Anh nhớ Christopher đã mua nó ở cửa hàng bán vật nuôi vào mùa hè trước khi bùng nổ những cuộc khẩu chiến dữ dội cuối cùng với Miranda dẫn đến sự chia tay của hai người. Daniel nhớ rất rõ mình đã quăng mạnh ấm trà vào tường bếp trong cơn thịnh nộ, làm người Hetty bám toàn lá trà ướt lạnh. Như vậy, ít nhất nó đã được bốn tuổi rồi. Đối với một con chim cút như thế là già rồi. Mà cũng chẳng ai biết nó được mấy tuổi trước khi Christopher mua nó về.
Nhìn con vật tội nghiệp đứng khổ sở trong xó lồng, Daniel nghĩ có vẻ nó đã quá già. Và bởi không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận sự thật này, anh chỉ có thể làm điều nhỏ nhặt nào đó để giúp nó thoải mái hơn một chút. Bật lò nướng ở nhiệt độ có thể nhẹ nhàng sây khô bánh trứng đường, Daniel mang lồng của Hetty đến gần lò để giữ ấm cho nó. Anh rửa bát uống nước của nó sạch bóng, đổ đầy nước rồi đẩy về phía con chim. Anh gọt vỏ ít trái cây trên giá để rau trái của Miranda, băm nhỏ rồi đặt cạnh con chim. Nhưng con chim chẳng hề để ý đến đồ ăn chủ vừa bày cho. Daniel đang lo lắng quan sát con chim thì cánh cửa trước bật mở khiến anh giật mình.
Anh cuống cuồng lao tới vơ khăn quấn đầu và khăn quàng cổ. Chẳng lẽ đã ba giờ mười lăm rồi cơ à? Không thể nào! Nhưng đúng là Natalie về thật, cô bé đẩy cánh cửa bếp mở toang trong khi Daniel còn đang lóng ngóng quấn lại chiếc khăn đầu màu vàng.
“Lạy Chúa! Cháu về sớm thế, cháu yêu!”
Trong lúc đang cuống, anh kéo khăn quá mạnh, làm kẹp ghim bị gãy đôi. Chiếc khăn xể tung, từng lớp từng lớp vải giả flanen màu vàng rơi xuống mặt và vai anh, che đi tầm mắt và gần như siết cổ anh.
“Ồ, chết tiệt!” Daniel chửi thề, cố sống cố chết giật mớ bòng bong ra.
Không đủ kiên nhẫn đợi đến khi bố gỡ được mớ bòng bong, Natalie dúi cái gì đó vào tay bố.
“Bà đọc cái này đi!” cô bé bảo bố với giọng đầy tự hào.
Trong tình cảnh bị chiếc khăn quấn lùng bùng quanh cổ thì cứ cố làm bà Doubtfire cũng chẳng được mấy tích sự. Thế nên anh đọc to bằng giọng thật của mình:
“Xin thông báo với toàn thể phụ huynh học sinh trường Midkelvin Region về việc tổ chức đình công theo quyết định trong cuộc họp liên công đoàn hôm qua.
“Ôi, không thể nào lại đình công được!”
“Không phải mặt đấy đâu ạ,” Natalie phàn nàn. “Đó chỉ là mẩu giấy cũ. Bà đọc mặt kia đi!”
Daniel lật sang mặt kia rồi đọc lại. Đầu tiên là tiêu đề viết bằng bút chì chữ to cộ, nét rất đậm.
“Coan mím.”
“Con nhím chứ,” Natalie hậm hực sửa lại.
“Ta xin lỗi, con nhím.” Anh đọc lại.
“Tôi theo sau môt coan mím có mùi khủng khiếp trên đường đi. Nó còn hắt hơi nữa chứ.”
Anh hạ mảnh giấy xuống và nhìn Natalie chăm chằm. “Hắt hơi á? Thật à? Nhím biết hắt hơi thật à?”
Natalie gật đầu.
“Nó hắt hơi liên tục.” Cô bé khẳng định một cách nghiêm túc. “Ngay trên đường bà ạ.”
Daniel thích thú bế đứa con gái bé bỏng lên. “Ồ, ồ!” anh nói. “Chúng ta giống như những nhà tự nhiên học, phải không cháu yêu?”
“Bà đọc tiếp đi!” Natalie lắc lắc cánh tay bố nài nỉ. Cô bé đang mất dần kiên nhẫn.
Daniel thả con gái xuống để đọc tiếp.
“Cô Coates nghí sống Mrs Sippy không có coan mím nào.”
Anh nhướng mày.
“Làm sao cháu biết điều đó?”
“Cháu hỏi cô rồi mà.”
“Nhưng sao cháu lại nghĩ đến sống Mississippi?”
Natalie thở dài.
“Cháu chỉ biết mỗi sông đấy thôi, không tính Dòng sông Phẳng lặng trong sách của cháu. Ở trường bọn cháu hát các bài hát về dòng sông đó suốt mà.”
Daniel lắc đầu ngạc nhiên rồi lại tiếp tục đọc.
“Mím có đầy bọ chét. Nhà tôi không nuôi mím. Nhưng chúng tôi nuôi một con chim c.”
Đến đây thì bài viết về nhím đột ngột kết thúc.
“Chuông reo,” Natalie giải thích. “Đúng lúc cháu đang giơ tay hỏi cô.”
“Giơ tay hỏi cô ư?”
“Về con chim cút ấy ạ.”
“Hỏi cô xem từ đấy viết thế nào? Hay hỏi xem sống Mississippi có chim cút không?”
Natalie lờ đi không trả lời. Thấy thế, Daniel đành lật lại mẩu giấy xem thông báo về cuộc đình công sắp diễn ra. Lần này đọc lại, anh cảm thấy dồng tình hơn một chút.
“Mua quần yếm,” anh thông báo với Natalie. “Chúng ta phải đi mua cho cháu một cái quần yếm.”
“Nhưng tất của cháu bị ướt rồi.”
“Thế thì cháu chạy lên thay đôi khác đi, Natalie.”
Cô bé chạy lên gác. Anh nghe tiếng ván sàn rung lên bần bật theo từng bước chân cô bé, và thấy trần nhà rung lên khi cô bé chạy tới chiếu nghỉ, rồi cuối cùng anh nghe thấy ngay trên đầu mình có thứ gì đập đánh cộc đinh cả tai, đến cả cái đèn trang trí cũng bị rung lên kêu lách cách. Rồi im phăng phắc. Anh biết là cô bé đang ngồi yên lặng trước ngăn kéo tủ tìm một đôi tất khô và sạch.
Không hiểu sao Daniel cứ băn khoăn không biết Miranda có để viên Aspirin nào trong tủ ở phòng tắm của cô không.
Cửa trước lại bật mở. Lần này là Christopher và Lydia.
“Có gì ăn không hả bố?”
“Con sắp chết đói rồi.”
Lydia quăng cặp sách xuống sàn nhà làm Daniel vấp ngay phải nó.
“Nhặt lên, Lydia.”
Lydia làm bộ.
“Con xin lỗiiiii!” con bé hát lên. “Khăn quấn đầu của bố sao thế ạ? Trông buồn cười quá đi mất.”
Lờ đi câu hỏi của con bé, Daniel sục sạo giá sách nấu ăn để tìm một món gì đó khác lạ. Nói thẳng là anh thực sự chán ngấy việc nấu nướng. Công việc từng là niềm đam mê đích thực - chuẩn bị những bữa ăn ngon làm hài lòng các con mỗi lần chúng đến thăm - bỗng trở nên nhàm chán, ngày nào cũng chỉ có hết xay xay lại đến nghiền nghiền. Anh chán đến mức nảy sinh những ý nghĩ ác độc trong đầu; thậm chí anh còn nghĩ nếu lại phải làm bánh mì kẹp, dù là cho ai đi nữa, anh sẽ không cho tỏi mà cho quách thạch tín vào.
Anh rút trong giá sách đầy ngộn ra một cuốn từ khi cưới tới giờ anh chưa hề động tới, tính đến nay cũng phải chục năm rồi. Đó là cuốn Sách dạy nấu ăn của Alphonse Lamarquier. Có lẽ sẽ có món gì đó đơn giản và nhanh chóng. Phải nấu cho nhanh vì anh và Natalie vẫn phải đi mua quần yếm cho cô bé; và món đó phải đơn giản bởi vì anh đang gần như phát điên với việc cứ phải chặt chặt, gọt gọt, mài mài, rồi nấu xèo xèo.
Anh mở cuốn Sách dạy nấu ăn của Alphonse Lamarquier ra đúng chương bốn - Xúp. Để làm thịt rùa, Daniel đọc, đặt rùa nằm ngửa trên bàn, đầu thò ra khỏi cạnh bàn. Anh đọc hết cả trang giấy, lướt nhanh qua các đoạn hướng dẫn cách chặt thịt rùa, các phần nói về cách chế biến mai, yếm và chân rùa.
Anh gấp sách lại.
“Ăn bánh mì phết bơ nhé?” anh gợi ý.
“Ôi không, lại món đó!”
“Lúc nào chúng con cũng phải ăn bánh mì phết bơ.”
“Bố có loại bơ nào con thích không? Nếu không, con không muốn ăn bánh mì phết bơ nữa đâu. Cảm ơn bố.”
Daniel nhìn trừng trừng cả hai đứa.
“Không biết Alphonse Lamarquier có phải chịu đựng điều này không.”
“Ai cơ ạ?”
“Chịu đựng cái gì ạ?”
“Không có gì. Không ai hết.” Một lần nữa, Daniel thấy mình lại đang nghĩ đến những viên aspirin. “Sao hai con không yên lặng và tập trung làm bài tập về nhà đi nhỉ?”
“Con không thể yên lặng mà làm bài được,” Lydia hoan hỉ. “Bài tập của con là tập chơi kèn oboa!”
Khi Christopher lôi hết đồ trong cặp ra bàn đê tìm quyển địa lý, Lydia cũng lôi hết mọi thứ trong tú chén ra để tìm kèn oboa.
Daniel đặt tay lên hai hộp xúp cà chua ở ngăn trên cùng của chạn bát. Anh cảm thấy thất bại, đôi chút tội lỗi và xấu hổ khi nhớ lại ngày dầu tiên anh đến làm cho Miranda. Ngày đó, thấy mấy hộp giấu ở góc tít trong cùng, anh không dồng tình chút nào. Anh tự nhủ sẽ không bao giờ hạ thấp mình bằng việc cho bọn trẻ ăn những thứ chán ngắt như thế.
Christopher cầm bút lên. Nó chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phải tự làm bài tập về nhà. Sẵn có bố đứng bên cạnh, nó hỏi luôn:
“Nước Anh chúng ta lãng phí hầu hết năng lượng như thế nào hả bố?”
“Suy hao nhiệt,” Daniel trả lời luôn. “Nhà cửa ở Anh có hệ thống cách nhiệt kém.”
Ngòi bút của Christopher lướt nhanh trên giấy. Thằng bé biết mình đang làm một việc thật đúng đắn.
“Nước nào có hệ thống cách nhiệt gia đình tốt ạ?”
“Na Uy,” Daniel nói. “Nhà ở Na Uy được cách nhiệt rất tốt. Chỉ cần bật một que diêm là cả căn nhà được sưởi ấm.”
“Chỉ cần đánh rắm là chúng ta sẽ có một luồng hơi ấm.”
“Christopher!”
“Con xin lỗi.”
Hết Christopher lại đến Lydia bắt đầu.
“Con không thể tìm ra hóa biểu.” Con bé than thở.
“Thì con cứ tập đi,” Daniel yêu cầu.
Lydia đâm ra bậm bục.
“Làm sao mà con tập được khi không biết hóa biểu chứ? Con có biết thăng giáng thế nào đâu? Nên con không thể tập được.”
“Có sẵn nốt ở đây mà.” Daniel cáu kỉnh chỉ vào bản nhạc. “Chỉ có việc chơi các nốt dó thôi mà con cũng không làm được sao?”
“Được ạ,” Lydia bật lại bố. “Con chơi được! Chỉ cần lúc con đang chơi, bố bảo con nốt nào phải thăng nốt nào phải giáng!”
Daniel tất tả bước lại chỗ bếp ga. “Hỏi bố thì cũng bằng thừa,” anh chống chế và điên cuồng khuấy nồi xúp. “Đối với bố, tất cả các bản nhạc đều giống như những bông thủy tiên mọc dọc hai bên đường cao tốc. Dù chúng được trồng dày hay mỏng, thì đối với những người chơi nhạc ở trình độ trung bình, chúng vẫn là hoa thủy tiên.”
Lydia phồng mang trợn má thổi mạnh cái kèn aboa. Daniel nhảy dựng lên. Cái thìa bay ra khỏi nồi xúp làm thứ xúp màu cam bắn tung tóe lên khắp mặt trước áo của bà Doubtfire.
“Lydia! Đi tìm chỗ nào khác mà tập đi!” Lydia vừa đi ra vừa thổi những âm thanh thật khó nghe.
Daniel chỉ vừa mới vui vẻ tận hưởng chút yên tĩnh thì lại bị Christopher phá ngang. Thằng bé vứt một đống đồ khác lên bàn, lần này là để tìm quyển sách toán.
“Sao phải học phân số làm gì hả bố?” thằng bé cằn nhằn.
“Phân số rất hữu ích.” Daniel nói với con trai. “Trên đời này không ai có thể có tất cả những thứ họ muốn.”
Trong khi anh vẫn đang đứng khuấy nồi xúp, nghĩ lại một vài phút giây gần như hoàn hảo trong cuộc đời mình thì cạnh lò sưởi có tiếng chíp chíp nho nhỏ nghe thật thiểu não.
Christopher giật mình ngẩng lên.
“Có phải tiếng Hetty không ạ?”
Thằng bé nhìn ra cái bệ vẫn thường để lồng chim.
“Ồ, đâu rồi? Bố để cái lồng ở đâu rồi?”
“Dưới này.”
Daniel đá chân vào cái lồng của Hetty.
“Sao bố lại chuyển ra đấy?”
“Con tự mình xem đi.”
Christopher chạy đến. Thằng bé nhìn con thú cưng của mình trong lồng.
“Nhìn nó hơi buồn cười.”
Daniel cố gắng đề cập đến tình trạng của Hetty một cách từ tốn.
“Bố nghĩ là nó không ổn.”
“Hetty đáng thương. Có thể nó cần bầu bạn. Có thể nó cần đẻ con.”
“Bố nghĩ hình như nó đã quá già e khó có con...”
“Dù thế nào thì chúng ta cũng cần con chim khác giúp đỡ.”
“Bố nghĩ nó đã qua giai đoạn đó rồi, Christopher.”
Daniel đã cố gắng mà không sao làm cho con trai hiểu thông điệp ẩn sau lời nói mình.
“Nếu Hetty có biểu hiện gì” - Christopher vừa cười toe toét vừa vỗ vào lồng - “thì đó là nó muốn sinh một con chim cút con.”
“Christopher...”
Nhưng con trai anh không chịu nghe điều anh định nói.
“Mày muốn có một đàn con phải không, Hetty?” Christopher ngâm nga.
Lòng kiên nhẫn của Daniel phải chịu thua khi thằng bé ngang ngạnh khăng khăng con chim cút đang đến giai đoạn đòi ấp chứ không phải sắp chết.
“Tiếc là giờ chưa phải mùa cun cút ấp trứng con ạ,” anh nói kháy. “Bố có thể giúp làm thịt nó!”
Nói rồi anh tắt bếp ga đang đun nồi xúp, chạy lên gác tìm Natalie.
Cô bé vẫn đang ngồi cạnh tủ quần áo với một đống tất xung quanh.
“Vì Chúa, Natalie! Con xỏ tất mất bao lâu vậy?”
Natalie cáu kỉnh.
“Con chẳng có đôi nào cả.”
“Thôi đi nào cô nhóc!”
“Thì bố tìm xem,” cô bé thách thức. “Chẳng thấy hai chiếc tất nào giống nhau cả.”
Daniel giận dữ bới tung đống tất trên sàn. Rồi bực mình khi biết Natalie đã đúng. Có rất nhiều tất nhưng không cái nào vào đôi nào cả.
“Ồ, thế những cái khác đâu rồi?” anh hỏi.
“Ở nhà bố.” Natalie trả lời.
“Ôi, Chúa ơi!”
Anh nghiến răng cúi xuống nhặt ra hai chiếc tất - một chiếc dài đến khuỷu chân màu xanh da trời và một chiếc ngắn màu xanh lá cây.
“Đây! Đi đôi này vào! Chúng ta phải đi thôi, Natalie. Đã bốn rưỡi rồi đấy.”
“Mai mua cũng được mà bố.”
Danie suy nghĩ. Nhưng ngay ngày hôm nay anh đã biết rằng ngày mai sẽ là một ngày kinh khủng từ đầu tới cuối.
“Chúng ta đi luôn bây giờ. Chúng ta có hai tiếng cơ mà.”
Sau này nghĩ lại, Daniel không thể nào hiểu được hai tiếng đồng hồ đó đã đi đâu mất. Thật ra họ cũng đã đến vài cửa htàng. Cửa hàng đầu tiên không có quần yếm, còn cửa hàng thứ hai chỉ có màu trắng. Cửa hàng thứ ba có vài cái màu đỏ, xanh da trời và màu táo xanh, nhưng chúng lại gắn mác Lưu ý: Giặt riêng. Nhớ lại lời dặn dò kỹ lưỡng của Miranda, Daniel buộc phải kéo Natalie đi hàng khác trong khi cô bé trông ỉu xìu và có phần tấm tức. Cửa hàng thứ tư có cái màu xám, có thể giặt được bằng máy nhưng lại không có cỡ của Natalie. Cửa hàng thứ năm có bốn cái cỡ Natalie vẫn hay mặc (bốn cái cỡ Natalie vẫn hay mặc) nhưng chẳng cái nào vừa cả. Kể cả những cái đề cỡ lớn hơn, lớn hơn nữa, cũng không vừa.
“Sao chật thế!” Natalie cằn nhằn, kéo dũng quần một cách khó chịu. “Chỗ này chật quá. Cháu thấy đau lắm.”
“Cháu thử sang bên Notweeds chưa?” cô bán hàng lạnh lùng hỏi.
Họ lại thử sang Notweeds. Khi họ đến trước mặt tiền bằng kính thật rộng rãi của cửa hàng, hai cô bán hàng đang đứng bên trong ngừng tán chuyện, nhìn chằm chằm vào hình ảnh một người kỳ quái đến từ vùng Amazon với lớp trang điểm lỗ chỗ và những búi tóc nhô ra từ chiếc khăn quấn đầu kỳ lạ nhất mà họ từng thấy, ngực áo dính đầy vết xúp cà chua, gấu váy dính bùn tèm lem, tay dắt đứa trẻ đáng yêu nhất mà người ta có thể tưởng tượng được nhưng lại đi đôi tất cọc cạch.
Khi cánh cửa kính bật mở, hai cô chợt tỉnh.
“Chúng tôi đóng cửa bây giờ,” họ đồng thanh nói. Cô gái bạo dạn hơn đặt tay lên cánh tay áo bà Doubtfire để xua bà ra ngoài.
Daniel thấy khó chịu. Anh đứng thẳng người lên để cao hơn hẳn cô kia rồi nạt nộ:
“Này cô gái trẻ, cái bảng thông báo trên cửa nói rõ là cửa hàng cô đóng cửa lúc năm rưỡi mà.”
“Giờ chả năm rưỡi thì gì hở bà,” cô gái cãi lại.
“Vẫn còn bảy phút nữa.”
“Còn bảy phút thì chả thử được cái nào.”
“Thế thì chúng tôi sẽ xem”
“Xem thì làm được gì hở bà?” cô gái vẫn khăng khăng. Biểu hiện trên khuôn mặt cô thể hiện rõ ràng rằng chẳng có gì trong cửa hàng vừa khổ người bà Doubtfire.
“Lại đây nào Natalie,” Daniel nói. “Cháu không thích xem những bộ quần áo đáng yêu này à?
“Không ạ,” Natalie đáp. “Cháu muốn về nhà.”
Cô bán hàng đã sai lầm khi nở nụ cười tự mãn.
“Con nhỏ này thật là!” Daniel nói. “Cứ để chúng tôi xem, bảy phút thì bảy phút chứ.”
“Giờ còn sáu phút,” cô kia chỏng lỏn.
Natalie bị kéo lê theo đúng nghĩa đen giữa các giá treo quần áo. Cô bé cứ bám miết chân trên sàn khi bị bố kéo nên để lại cả đường vệt chân trên tấm thảm cứng của cửa hàng. Cô bé cau có và ấm ức than: bàn chân đau; cẳng chân cũng đau; nó muốn về nhà; sắp lỡ chương trình Leter xanh dương rồi; nó chả thích quần yếm.
“À, thế thì chỗ chúng tôi chả có quần yếm đâu,” cô bán hàng đắc thắng.
Cô ta hoàn toàn đúng. Toàn bộ khu vực đồ trẻ em chỉ có hai giá ngắn treo quần áo mà một giá gần như trống trơn. Không có cái nào như Miranda nói, và dù Daniel đã xem cẩn thận từng cái một nhưng cũng chỉ mất có phút rưỡi.
“Còn bốn phút.”
Giọng cô bán hàng đầy bực tức.
“Không về-ề được hả bà?”
Tiếng rền rĩ thảm thiết của Natalie có thể làm tan chảy cả trái tim của người thép. Nhưng trái tim Daniel còn được làm từ những thứ cứng hơn.
“Bao giờ bà bảo về thì về, Natalie. Không thì cứ từ từ.”
Họ đi giữa các giá quần áo. Daniel cố vờ như không biết mình đang siết chặt tay Natalie và luôn miệng lẩm bẩm làm cô bé sợ.
“Hai phút!”
Daniel cầm một chiếc váy từ giá bên cạnh lên xem thì thấy rùng mình. Một số đồ ở đây trông đến là trơ trẽn. Rõ ràng ở cửa hàng này váy áo hở lung tung cả, không hở lưng thì hở eo, kinh hoàng hơn là có cái hở cả ngực. Sao bọn con gái bây giờ có thể mặc những thứ lố lăng như vậy? Sao chúng không chết lạnh nhỉ? Mà sao lại có đứa gầy đến mức có thể chui vào cái thứ kia chứ?
“Cháu mỏi rời cả chân rồi, cháu không đi được nữa đâu.”
“Một phút nữa!”
Hai cô gái dứng cạnh nhau ở cửa, ánh mắt lộ rõ vẻ khó chịu. Tiếng chìa khóa va vào nhau nghe chói tai. Daniel vẫn xem mấy bộ đồ ngủ.
Bên ngoài, đồng hồ trên tháp nhà thờ đã bắt đầu đổ chuông báo nửa giờ. Daniel nắm tay Natalie chặt hơn rồi bước qua hai cô gái đang quắc mắt nhìn.
“Cảm ơn các cô,” anh nói và cúi đầu với cung cách lịch sự nhất có thể. “Các cô đã giúp tôi rất nhiều.”
Khi cánh cửa vừa sập lại phía sau lưng, anh nghe thấy tiếng vọng ra từ bên trong.
“Đúng là cái bà thô lỗ.”
Ra khỏi cửa, Natalie lập tức vui vẻ trở lại.
“Bây giờ bà cháu mình đến cửa hàng Barton nhé?” cô bé nài nỉ. “Barton mở cửa đến tận sáu giờ bà ạ. Họ còn có một quầy bán kem ở ngay bên ngoài.”
“Thôi, cháu yêu ạ,” Daniel nói. “Bà Doubtfire kiệt sức rồi. Giờ bà cháu mình về thôi.”
“Nhưng còn quần yếm của cháu? Mai chúng ta lại quay lại thử ạ?”
“Không!” Daniel rùng mình. “Ta không nghĩ vậy đâu cháu yêu. Sau giờ học mới đi mua quần áo thì chẳng mua được đâu. Để cuối tuần có nhiều thời gian hơn hẵng đi.”
“Buồn cười nhỉ,” Natalie nói, giằng tay ra khỏi tay bố khi họ bắt đầu đi dọc con phố về nhà. “Mẹ cũng toàn bảo thế.”